Lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - một hướng dẫn để hiểu về Việt Nam đương đại
(LLCT) - Ngày 21-5-2024, tại thành phố Roma, thủ đô nước Cộng hòa Ý, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Việt Nam tại Ý đã phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học “Hồ Chí Minh: biểu tượng về hòa bình của nhân dân Việt Nam và thế giới”; đồng thời phối hợp với Nhà xuất bản Anteo Edizioni(1) tổ chức Lễ ra mắt bản dịch tiếng Ý cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, do Nhà xuất bản Anteo Edizioni dịch và xuất bản.
Ông Stefano Bonilauri - Giám đốc Nhà xuất bản Anteo Edizioni đã thay mặt nhóm tác giả biên dịch có bài phát biểu tại Lễ ra mắt cuốn sách. Tạp chí Lý luận chính trị giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhà xuất bản Anteo Edizioni, với niềm tự hào lớn, đã xuất bản bản dịch tiếng Ý của cuốn sách “Teoria e Pratica del Socialismo in Vietnam” (Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam) - là tuyển tập các diễn văn và bài viết của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, bao quát nhiều chủ đề về chính trị, đối nội và quốc tế. Đây là cuốn sách lý luận chính trị quan trọng, giúp độc giả hiểu được sự phát triển về chính trị và xã hội của Việt Nam đương đại.
Đầu tiên, phải khẳng định giá trị, ý nghĩa của việc dịch và xuất bản cuốn sách quan trọng này, gắn với bối cảnh lịch sử Việt Nam đương đại. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một nhân vật chính trị nổi bật, mà còn là một nhà lý luận sâu sắc đã dành phần lớn cuộc đời của mình cho việc nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở đất nước mình. Cuốn sách này mang lại một góc nhìn độc đáo, trực tiếp từ trí tuệ, tâm huyết của một trong những kiến trúc sư hàng đầu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, người đảm nhận vai trò lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 1-2011 đến nay.
Việc nghiên cứu nội dung cuốn sách với những tư liệu, thông tin phong phú giúp người đọc dễ dàng hiểu được cụ thể, chi tiết về chủ nghĩa xã hội, về hành trình Việt Nam lựa chọn sự phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa và mô tả một xã hội lý tưởng đặt sự phát triển con người, công bằng xã hội và sự hài hòa với thiên nhiên là các mục tiêu chính. Đồng thời, phân tích bản chất của chủ nghĩa tư bản từ quan điểm duy vật lịch sử và đánh giá các đối tượng, hiện tượng trong các mối quan hệ khách quan với sự thay đổi và phát triển liên tục từ nhiều góc độ khác nhau.
Từ đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định rằng: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân”(2).
Nội dung cuốn sách khám phá lý thuyết và thực tiễn của chủ nghĩa xã hội được điều chỉnh, vận dụng và phát triển phù hợp những đặc điểm cụ thể của Việt Nam - quốc gia với một quá trình lịch sử lâu dài chiến đấu cho độc lập, tự do và chủ quyền thiêng liêng của mình, được khởi xướng bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh, với bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội đã được áp dụng ở Việt Nam, cho thấy sự cân nhắc để bảo đảm hài hòa giữa nhu cầu phát triển kinh tế và sự cần thiết của việc duy trì bản sắc văn hóa và chính trị của đất nước. Thông qua những phân tích, luận giải chi tiết, cuốn sách luận bàn về các chính sách Đổi mới được khởi đầu từ năm 1986, đã biến nền kinh tế Việt Nam từ một mô hình kế hoạch hóa tập trung sang một mô hình hướng tới kinh tế thị trường, trong khi vẫn giữ vững các giá trị của chủ nghĩa xã hội.
Từ góc độ lý thuyết, bắt đầu từ bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, mở đầu cho tác phẩm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng bước trả lời một số câu hỏi cơ bản để hiểu rõ nền tảng của chủ nghĩa xã hội Việt Nam: Chủ nghĩa xã hội là gì? Tại sao Việt Nam chọn con đường chủ nghĩa xã hội? Làm thế nào và bằng cách nào chủ nghĩa xã hội đã dần dần được xây dựng ở Việt Nam “vừa theo đúng quy luật chung, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam”(3).
Ông Stefano Bonilauri, Giám đốc Nhà xuất bản Anteo Edizioni, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN _ Ảnh: Dương Hoa/TTXVN.
Cuốn sách này vì vậy rất quan trọng không chỉ đối với những người nghiên cứu về Việt Nam mà còn đối với bất kỳ ai quan tâm đến chủ nghĩa xã hội và cách áp dụng trong thế giới đương đại. Bản dịch sang tiếng Ý của cuốn sách cung cấp cơ hội cho độc giả Ý trực tiếp đi sâu nghiên cứu về những quan điểm quý giá về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tạo điều kiện cho việc trao đổi, hiểu biết sâu sắc và thông tin đầy đủ, phong phú hơn về tương lai của chủ nghĩa xã hội.
Trong bối cảnh đối mặt với các phương tiện truyền thông chính thống tại Ý thường có xu hướng cung cấp một cái nhìn sai lệch về các quốc gia xã hội chủ nghĩa, một trong những mục tiêu của cuốn sách này là cung cấp quan điểm khách quan, công bằng về những thành công đã đạt được của Việt Nam trong gần 40 năm Đổi mới, nhất là những thành tựu về kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khát vọng của nhân dân Việt Nam thể hiện trong sự lựa chọn đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội, được minh chứng bởi hơn 90 năm đấu tranh cách mạng và hơn 35 năm Đổi mới.
Trong toàn bộ tác phẩm này, hình ảnh của nhà lãnh đạo cách mạng Hồ Chí Minh và là Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập luôn là một điểm tham chiếu liên tục, với nhiều trích dẫn và đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin, nền tảng tư tưởng vững chắc của Việt Nam xã hội chủ nghĩa đương đại.
Trong báo cáo “Vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc”, được trình bày tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam “là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(4).
Một điểm quan trọng khác được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đề cập đến là sự phát triển văn hóa của dân tộc Việt Nam. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, văn hóa và phát triển văn hóa cần phải được đặt ngang bằng với sự phát triển kinh tế, chính trị và xã hội: Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của cách mạng Việt Nam “là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”(5).
Trong lĩnh vực ngoại giao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục kế thừa và phát triển truyền thống ngoại giao của Việt Nam được khởi xướng bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những đặc điểm quốc gia phong phú của “cây tre Việt Nam” có “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”.
Về nguyên tắc, ngoại giao của cây tre là: (1) Linh hoạt và tinh tế nhưng kiên định và mạnh mẽ, linh hoạt và sáng tạo nhưng dũng cảm, kiên cường đối mặt với mọi sự biến đổi của tình hình để đạt được mục tiêu độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc của nhân dân; (2) Đoàn kết và hữu nghị nhưng quyết đoán và kiên trì trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia; (3) Biết khi nào mềm dẻo và khi nào mạnh mẽ, cứng rắn, hiểu và nắm vững thế thời, biết mình biết người, để hành động phù hợp với đòi hỏi của tình hình thực tiễn. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những nhiệm vụ cơ bản của ngoại giao Việt Nam trong thế kỷ 21 là: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”(6).
Nhấn mạnh những thành tựu to lớn của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, từ tăng trưởng kinh tế đến ngoại giao, thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém, thiếu sót, thể hiện tinh thần tự phê bình mạnh mẽ, nhằm thúc đẩy đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước phấn đấu hơn nữa cho thắng lợi của cách mạng trong tương lai. Với tinh thần đánh giá khách quan và toàn diện về các kết quả đã đạt được, cùng việc nhận rõ những hạn chế, yếu kém, phân tích cụ thể nguyên nhân của tình hình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra lộ trình cho những giải pháp cụ thể cần được thực thi có hiệu quả. Đặc biệt, nỗ lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, quyết tâm đạt được mục tiêu chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội trong kế hoạch 5 năm 2021-2025, trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.
Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phản ánh một tư duy sâu sắc, nhất quán, cam kết và sáng tạo, thể hiện tầm cao lý luận cùng sự hiểu biết về chủ nghĩa xã hội và con đường tiến tới chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, được Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam thực hiện. Hơn nữa, cuốn sách chỉ ra các mục tiêu, định hướng và giải pháp cho công cuộc xây dựng quốc gia trong bối cảnh mới của thế kỷ XXI, với quyết tâm cao nhằm tổ chức thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đáp ứng được mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nguyện vọng của toàn dân tộc Việt Nam.
Việc xuất bản cuốn sách này tại Ý trong bối cảnh cuộc tranh luận về chủ nghĩa xã hội ở cấp độ quốc tế đang diễn ra sôi động hơn bao giờ hết. Mặc dù ở phương Tây có nhiều người đã tuyên bố chủ nghĩa xã hội đã chết khi Liên Xô tan rã, nhưng trên thực tế, các quốc gia như Việt Nam không chỉ chứng minh rằng chủ nghĩa xã hội chưa chết, mà nó còn là cách tiếp cận phù hợp nhất để vượt qua những thách thức của thế kỷ XXI. Trong thời đại của những sự chênh lệch ngày càng gia tăng và những thách thức toàn cầu mới, những kinh nghiệm và tư duy của Việt Nam về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội có thể là những gợi ý quý báu cho các quốc gia khác. Cuốn sách này không chỉ là một bản chứng nhận lịch sử, mà còn là một hướng dẫn cho tương lai, mà Nhà xuất bản Anteo Edizioni tự hào mang đến cho độc giả Ý.
Sau cùng, chúng tôi hy vọng rằng cuốn sách này có thể làm phong phú cuộc thảo luận chính trị và học thuật tại Ý, mở ra một cửa sổ nhìn vào một mô hình chủ nghĩa xã hội đã biết thích nghi và phát triển trong một điều kiện độc đáo. Chúng tôi kêu gọi các độc giả hãy đọc và suy ngẫm về những trang sách này, không chỉ là lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, mà còn là một tầm nhìn về hy vọng và sự phấn đấu kiên cường cho tương lai tươi sáng.
_________________
(1) Nhà xuất bản Anteo Edizioni (Ý), được thành lập năm 2012, là một trong những nhà xuất bản lớn về xuất bản sách chính luận tại Ý và châu Âu hiện nay; từng xuất bản nhiều tác phẩm về Việt Nam, tiêu biểu gần đây là cuốn: Hồ Chí Minh: Những bức thư vì hòa bình (2021); Những nghiên cứu về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Ý (2023).
(2), (3), (4), (5), (6) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.21, 23, 10, 169, 192.
BBT (dẫn từ nhandan.vn)