Nghiên cứu lý luận

Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về “đời sống mới” vào xây dựng nông thôn mới hiện nay

10/06/2024 09:43

(LLCT) - Tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng những chỉ dẫn quý báu, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, mang giá trị định hướng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, xây dựng nông thôn mới theo Người là cuộc cách mạng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, con người. có việc xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay. Bài viết khái quát một số nội dung về xây dựng đời sống mới và giá trị vận dụng vào xây dựng nông thôn mới hiện nay.

ThS NGÔ THANH DANH
Trường Chính trị tỉnh Cà Mau

Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về “đời sống mới” vào xây dựng nông thôn mới hiện nay

Huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh về đích nông thôn mới năm 2018 và đang phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu _ Ảnh: baohatinh.vn

1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống mới

Trong bối cảnh đất nước vừa giành được độc lập, lại tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, dù trong điều kiện nào cũng phải thực hiện xây dựng đời sống mới. Xây dựng đời sống mới vừa là nhu cầu khách quan của sự phát triển đất nước, vừa là trách nhiệm của tất cả mọi người, tất cả các ngành, các giới, phù hợp với xu thế của nhân loại. Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống mới thể hiện ở một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, về mục đích của xây dựng đời sống mới

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng đời sống mới là nhằm làm cho đời sống vật chất của nhân dân ngày càng đầy đủ hơn, đời sống tinh thần được cải thiện và nâng cao. Để đạt được mục đích trên, nội dung cốt lõi là thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Người giải thích: “Cần” trong lúc này nghĩa là quân đội phải siêng tập, siêng đánh; còn nhân dân tăng gia sản xuất, phải siêng làm, thì kháng chiến chắc chắn thắng lợi. “Kiệm” là binh sĩ phải tiết kiệm đạn dược, mỗi viên đạn một tên thù. Nhân dân phải tiết kiệm vật liệu, mới giúp được bộ đội và đồng bào tản cư. “Liêm” tức là trong sạch, không tham lam, không đem của công dùng vào việc tư, thì mọi việc mới chạy. Còn “Chính” tức là mỗi người quốc dân đều phải vì nước quên nhà, hăng hái ủng hộ kháng chiến, ra sức tăng gia sản xuất, trừ diệt bọn bán nước hại dân quyết làm cho Tổ quốc thống nhất độc lập. Cần, kiệm, liêm, chính là những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam được Hồ Chí Minh vừa kế thừa, vừa bổ sung, đổi mới cho phù hợp với điều kiện của đất nước.

Hai là, về tính kế thừa và đổi mới trong xây dựng đời sống mới

Hồ chí Minh đã chỉ ra phương pháp luận mang tính nguyên tắc trong xây dựng đời sống mới, đó là phải kế thừa và đổi mới, thể hiện ở mối quan hệ giữa cái cũ và cái mới, Người chỉ rõ: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới”(1). Do đó, muốn đổi mới thành công phải biết kế thừa cái tốt, cái hợp lý của cái cũ, đó là đòi hỏi tất yếu, khách quan, là mối quan hệ biện chứng giữa cái cũ và cái mới trong quá trình vận động và phát triển. Tuy nhiên, kế thừa không phải là khôi phục, hoặc giữ nguyên cái cũ, bởi vì, trong quá trình vận động đi lên, tất yếu cái cũ phải bị tiêu diệt nhưng vẫn có những cái cũ vẫn được giữ gìn, đổi mới và bổ sung, phát triển phù hợp với trình độ của cái mới. Hồ Chí Minh cho rằng: “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm. Thí dụ: Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp”(2).

Như vậy, theo Hồ Chí Minh, xây dựng đời sống mới trên cơ sở kế thừa từ những truyền thống tốt đẹp vốn có của dân tộc, sửa đổi lại những “phiền phức” của cái cũ cho phù hợp, phát triển thêm trong điều kiện mới; đồng thời tiếp thu những cái “mới mà hay” vào xây dựng đời sống mới và loại bỏ những “cái cũ mà xấu” ra khỏi đời sống mới.

Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra tác hại của “thói quen” trong quá trình nhận diện, đánh giá cái mới. Người cho rằng: “Cái tốt mà lạ, người ta có thể cho là xấu. Cái xấu mà quen người ta cho là thường”(3), bởi vì, thói quen rất khó thay đổi nên họ không quyết tâm từ bỏ cái xấu.

Ba là, về nội dung của đời sống mới

Hồ Chí Minh cho rằng, trong xây dựng đời sống mới, việc trước tiên là phải sửa đổi lại những việc rất cần thiết, rất phổ thông hằng ngày của mọi người về cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc; xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong đời sống nhằm tiến đến xây dựng đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới trong xã hội.

Theo Hồ Chí Minh phạm vi của đời sống mới bao gồm: Đời sống mới của một người, của một nhà, đến đời sống mới của làng, trong trường học, trong công sở,… Người giải thích rõ nội dung của từng phạm vi đó như sau:

Xây dựng đời sống mới của một người: Mỗi một người là gốc của làng nước; nội dung đời sống mới của từng người được thể hiện qua cách ăn, cách mặc, cách ở, cách học tập, cách làm việc. Mỗi người phải thực sự yêu Tổ quốc; việc gì lợi cho nước, phải ra sức làm, việc gì hại đến nước, phải hết sức tránh; sẵn lòng công ích; bất kỳ việc to việc nhỏ, có ích chung thì phải hăng hái làm; chớ kiêu căng; chớ nịnh hót; chớ tham lam, bủn xỉn. Cách ăn mặc phải sạch sẽ, giản đơn, chất phác. Cách làm việc phải siêng năng, có ngăn nắp, có tinh thần phụ trách, đã làm việc gì thì làm cho kỳ được, làm đến nơi đến chốn, chớ làm dối. Trong quan hệ ứng xử thì phải thành thực, thân ái, sẵn lòng giúp đỡ.

Xây dựng đời sống mới của một nhà: Thể hiện ở quan hệ giữa các thành viên trong gia đình; quan hệ giữa các gia đình với nhau; làm cho gia đình trở thành kiểu mẫu. Trong gia đình thì phải trên thuận, dưới hoà, không thiên tư, thiên ái. Về vật chất, từ ăn mặc đến việc làm, phải công bằng, có kế hoạch, ngăn nắp. Thực hành tiết kiệm, đơn giản trong việc cưới hỏi, giỗ tết. Trong nhà ngoài vườn luôn luôn sạch sẽ gọn gàng; đối với xóm giềng phải thân mật và sẵn lòng giúp đỡ; đối với việc làng việc nước phải hăng hái gương mẫu; trong gia đình ai cũng biết chữ.

Xây dựng đời sống mới của một làng: Phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân. Xóa bỏ những tệ nạn, hủ tục lạc hậu như: say sưa, cờ bạc, hút xách, trộm cắp. Xây dựng tình làng, nghĩa xóm hoà thuận, làm cho làng trở nên “phong thuần tục mỹ”. Giữ gìn vệ sinh môi trường, đường sá thông thoáng, sạch đẹp.

Xây dựng đời sống mới của một trường học: Hồ Chí Minh xác định vị trí, vai trò của thế hệ trẻ - là người chủ tương lai của đất nước; nhà trường là nơi rèn luyện của thanh thiếu nhi, phải dạy cho học sinh biết yêu nước, thương nòi, có ý chí tự lực, tự cường, không chịu thua kém ai. Nội dung dạy và học trong nhà trường phải hướng đến phát triển toàn diện, đặc biệt chú trọng đến giáo dục đạo đức cách mạng; thực hiện nguyên tắc giáo dục học đi đôi với hành, lao động gắn với sản xuất và chiến đấu; xóa bỏ những tàn tích của nền giáo dục thực dân cũ để lại, hướng đến một nền giáo dục hiện đại.

Xây dựng đời sống mới trong bộ đội: Phải giữ kỷ luật, chế độ tập luyện thật nghiêm; học tập văn hóa, chính trị; tăng gia sản xuất đi đôi với thực hành tiết kiệm; giữ gìn vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh; làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, giúp đỡ dân và đánh giặc giỏi.

Xây dựng đời sống mới trong công sở: Tất cả cán bộ, công chức, viên chức đều là người phục vụ cho nhân dân, phải được nhân dân tin cậy, vì vậy, cán bộ trong các công sở phải làm gương về xây dựng đời sống mới cho nhân dân noi theo. Cán bộ, công chức, viên chức phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, nếu không giữ được 4 đức tính ấy sẽ dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân. Do đó, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ làm việc phải có giờ giấc, nhanh chóng, chu đáo, làm việc có kế hoạch; phải tiết kiệm giấy bút, vật liệu, tiền bạc của nhân dân; phải trong sạch, không lợi dụng chức vụ để phát tài, tham ô, đục khoét nhân dân, đến khi lộ ra, bị xử phạt, thì mất hết cả danh giá, tiền tài; phải thật sự công tâm, công đức. “Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán,… Phải trung thành với Chính phủ, với đồng bào. Chớ lên mặt làm quan cách mệnh”(4).

Xây dựng đời sống mới trong một nhà máy, xí nghiệp: Thiết lập mối quan hệ chủ - thợ chặt chẽ, hợp tác cùng có lợi, yêu thương nhau. Trong đó, những người làm chủ phải chăm lo đời sống cho công nhân đủ ăn, đủ mặc thì họ mới đủ sức lực và động lực để lao động, phải quan tâm đến “lương bổng, nhà ở, vệ sinh và cách đối đãi công nhân, cần phải rộng rãi tử tế”(5). Nếu làm được điều đó, công nhân sẽ có thêm động lực làm việc, làm nhanh hơn, khéo hơn, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm vật liệu. Vì lợi cho chủ tức là lợi cho mình một phần.

Bốn là, về phương pháp xây dựng đời sống mới

Để nhân dân hiểu đúng và thực hành đời sống mới, theo Hồ Chí Minh, trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và nêu gương. Người yêu cầu: “Phải chịu khó nói rõ cho mọi người hiểu đời sống mới có ích thế nào, cách thi hành đời sống mới thế nào. Nói một lần họ chưa hiểu thì nói nhiều lần. Nói đi, nói lại, bao giờ người ta hiểu, người ta làm mới thôi”(6). Người yêu cầu cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động xây dựng đời sống mới phải nói một cách giản đơn, thiết thực với hoàn cảnh mỗi người; nói sao cho người ta nghe rồi làm được ngay. Việc dễ, việc nhỏ làm được rồi, sẽ nói đến việc to, việc khó.

Cán bộ phải “miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”(7). Việc làm gương bắt đầu từ mỗi người, mỗi nhà đến mỗi làng; khi trông thấy hiệu quả tốt thì những người khác, nhà khác, nơi khác sẽ hăng hái làm theo. Người cho rằng trong quá trình tuyên truyền, tránh tình trạng “hăng quá” dễ làm hỏng việc, phải trên tinh thần tự nguyện, tránh ép buộc; trong tuyên truyền “phải hăng hái, bền gan, chịu khó, đồng thời phải cẩn thận, khôn khéo, mềm mỏng”(8).

Hồ Chí Minh chỉ ra một phương pháp quan trọng trong xây dựng đời sống mới là phải tổ chức tốt các phong trào thi đua, thi đua giữa người với người, giữa nhà với nhà, giữa làng với làng, giữa đơn vị, địa phương này với đơn vị, địa phương khác.

Như vậy, Hồ Chí Minh đã đề cập một cách toàn diện của vấn đề xây dựng đời sống mới ở nước ta cả về mục đích, nội dung, phương pháp và cả về phương pháp. Đây là những chỉ dẫn quan trọng mà Đảng ta đã vận dụng vào quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam nói chung và xây dựng đời sống mới cho nhân dân Việt Nam nói riêng, trong đó có hoạt động xây dựng nông thôn mới hiện nay.

2. Xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay theo quan điểm xây dựng đời sống mới của Hồ Chí Minh

Trên cơ sở kế thừa những quan điểm của Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặt biệt quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đề ra chủ trương xây dựng nông thôn mới trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Ngày 16-6-2022, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW tiếp tục thực hiện vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân mà trọng tâm là xây dựng nông thôn mới.

Tính đến tháng 7-2023, nước ta có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,3% so với cuối năm 2020). Trong đó, cả nước bình quân mỗi xã đạt 16,9 tiêu chí;có 263 đơn vị cấp huyện của 58 tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (chiếm 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện trên cả nước), tăng 90 đơn vị so với cuối năm 2020. Có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 7 địa phương so với cuối năm 2020), trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới(9).

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hiện nay gồm có 11 nội dung thành phần cùng với 19 tiêu chí về quy hoạch; giao thông; thủy lợi và phòng, chống thiên tai; điện; trường học; cơ sở vật chất văn hóa; cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; thông tin và truyền thông; nhà ở dân cư; thu nhập; nghèo đa chiều; lao động; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; giáo dục và đào tạo; y tế; văn hóa; môi trường và an toàn thực phẩm; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; quốc phòng và an ninh.

Khái quát một số nội dung cơ bản trong xây dựng nông thôn mới ở nước ta như sau: thứ nhất, đó là xây dựng làng, xã văn minh, sạch đẹp, bảo đảm về cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân; thứ hai, sản xuất ở khu vực nông thôn được phát triển theo hướng bền vững gắn với nền kinh thế thị trường; thứ ba, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở khu vực nông thôn ngày càng nâng cao; thứ tư, bản sắc văn hóa của dân tộc được giữ gìn và phát triển; thứ năm, an ninh ở khu vực nông thôn được bảo đảm, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy.

Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống mới trong xây dựng nông thôn mới, Đảng và Chính phủ đã xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chú trọng các nội dung:

Một là, tuyên truyền, vận động nhân dân, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, tổ chức các phong trào thi đua trong nhân dân là một trong những giải pháp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục xác định: Tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn. Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22-02-2022 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xác định giải pháp: Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

Hai là, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định, xây dựng nông thôn mới phải dựa trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của quá trình xây dựng và phát triển nông thôn trước đó; phải làm cho đời sống văn hóa tinh thần ở khu vực nông thôn phong phú, lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc; gắn với bảo vệ các giá trị của nền văn minh lúa nước, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Ba là, những nội dung về xây dựng nông thôn mới của nước ta hiện nay là sự kế thừa, vận dụng sáng tạo quan điểm của Hồ Chí Minh về đời sống mới trên tất cả các bình diện: thứ nhất, xác định mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là nhằm không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; thứ hai, phát huy tinh thần yêu nước, cần cù trong lao động, đoàn kết, tương thân, tương ái là một trong những yêu cầu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới; thứ ba, trong xây dựng nông thôn mới phải loại bỏ những hủ tục, những “cái cũ mà xấu”, những cái lạc hậu cản trở cái mới, cái tiến bộ; thứ tư, trong xây dựng nông thôn mới phải thực hiện nhất quán phương pháp tuyên truyền, vận động, phát động phong trào thi đua, nêu gương với cách thức lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục lẫn nhau; thứ năm, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân là khâu then chốt trong xây dựng nông thôn mới mà theo Hồ Chí Minh đó là “trách nhiệm công dân”.

3. Kết luận

“Đời sống mới” là một trong những tác phẩm của Hồ Chí Minh có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, góp phần chỉ đạo xây dựng, phát triển đất nước sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 về các mặt: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Nhờ đó, Việt Nam đã vượt qua vô vàn khó khăn những ngày đầu độc lập, thực hiện thành công công cuộc kháng chiến và kiến quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cả nước tiên lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dù đã qua hơn 75 năm nhưng tác phẩm “Đời sống mới” vẫn còn nguyên giá trị, vẫn chỉ dẫn quá trình xây dựng đất nước hiện nay, đặc biệt là trong quá trình xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện.

_________________

Ngày nhận bài: 25- 5-2024; Ngày bình duyệt: 28 -5- 2024; Ngày duyệt đăng: 8-6-2024

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.112, 112-113, 125, 123, 124, 125, 126, 127.

(9) Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, https://binhdinh.dcs.vn/, đăng ngày 18-7-2023.