Đào tạo - Bồi dưỡng

Đào tạo nhân lực báo chí trong kỷ nguyên công nghệ số tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền

19/06/2024 08:48

(LLCT) - Sự thay đổi của báo chí trong kỷ nguyên công nghệ số đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đào tạo nhà báo. Yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở đào tạo nhân lực báo chí là không chỉ tạo nguồn nhân lực báo chí thích ứng với yêu cầu mới mà còn đặt nền tảng để nguồn nhân lực thích ứng trong thời gian dài hơn do bối cảnh công nghệ thay đổi và phát triển rất nhanh.

PGS, TS ĐINH THU HẰNG
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

img.daibieunhandan.vn-files-images-2023-05-07-_lou_2379-1683440809684.jpg
Sinh viên trải nghiệm trở thành biên tập viên dẫn chương trình tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp AJC Open Day 2023 do Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức _ Ảnh: daibieunhandan.vn

1. Những yêu cầu từ thực tiễn

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba - cuộc cách mạng tin học, với sự ra đời và phát triển của mạng internet cùng với các hệ thống cáp quang, hệ thống vệ tinh, điện thoại di động thông minh đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ có tính chất bùng nổ của các phương tiện truyền thông đại chúng, dẫn tới việc thu hẹp không gian và thời gian thông tin trên phạm vi toàn cầu. Môi trường truyền thông số hình thành giúp con người trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm, chia sẻ kỹ năng một cách nhanh chóng, đa chiều, không giới hạn không gian, thời gian bằng các thiết bị, phương tiện công nghệ thông tin điện tử. Mạng internet đã mở ra khả năng kết nối toàn cầu các máy tính cá nhân, tạo điều kiện cho sự xuất hiện các siêu “xa lộ thông tin”, liên kết nhanh chóng hàng chục triệu đến hàng tỷ con người trong từng quốc gia cũng như trong phạm vi khu vực và toàn cầu. Nhờ đó, nguồn lực thông tin được chia sẻ, bổ sung và cập nhật theo cấp số nhân, trở nên ngày càng dồi dào, vô tận, tạo nên sự bùng nổ thông tin.

Kế thừa những thành quả của Cách mạng công nghiệp lần thứ ba cùng sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động vào mọi lĩnh vực của đời sống với sự phổ biến của internet, các thiết bị di động, các cảm biến và trí tuệ nhân tạo, các công nghệ thông minh, tiên tiến được tích hợp như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy... giúp cho quy trình, phương thức sản xuất được tối ưu hóa, đáp ứng nhu cầu cá nhân trong đời sống. Những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong cách mạng công nghệ 4.0 là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật - Internet of Things (IoT) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data)...

Sự phát triển của khoa học công nghệ đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, thay đổi thói quen, cách thức tiếp nhận thông tin của công chúng và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của báo chí. Công chúng chưa bao giờ có sự chủ động và có nhiều sự lựa chọn như hiện nay. Công chúng có thể tiếp nhận thông tin từ nhiều kênh khác nhau và báo chí không còn là kênh duy nhất cung cấp thông tin thời sự hằng ngày, hằng giờ. Công chúng được quyền lựa chọn những kênh, những thông tin cùng cách thức tiếp nhận đa dạng trên môi trường truyền thông số, nơi mà các trải nghiệm trở nên vô cùng phong phú theo các tính năng của các nền tảng công nghệ. Đó cũng là môi trường tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ như: thông tin thật, giả, đúng, sai lẫn lộn; sự lan truyền thông tin xấu độc ngày càng trở nên phức tạp, tinh vi, đặt ra trách nhiệm xã hội của báo chí càng cao.

Truyền thông số làm thay đổi nhu cầu, thói quen, cách thức tiếp nhận thông tin của công chúng dẫn đến sự thay đổi của báo chí, trong đó xu thế truyền thông đa phương tiện và đa nền tảng đã và đang là xu hướng nổi trội. Nội dung thông tin trên báo chí trên nền tảng số vừa thể hiện bằng bản chữ viết, vừa trình bày hoặc minh họa hoặc bằng hình ảnh, âm thanh, kết hợp với khả năng siêu liên kết, cập nhật tức thì, khả năng phản hồi dễ dàng và thuận tiện. Việc tận dụng các tiện ích của mạng xã hội để lan tỏa thông tin báo chí và tăng tương tác với công chúng, từ đó, khẳng định vai trò của thông tin chính thống cùng chức năng định hướng mạnh mẽ của báo chí.

Hoạt động báo chí - truyền thông đang đứng trước những thách thức gay gắt và những cơ hội lớn. Thách thức về cạnh tranh với mạng xã hội và truyền thông xã hội đòi hỏi thay đổi tư duy và phong cách hành nghề cũng như mô thức tổ chức tòa soạn; thách thức về kinh tế báo chí truyền thông khi thị phần và công chúng báo chí bị thu hẹp; thách thức về vai trò, vị thế và năng lực tác động xã hội(1)...

Sự thay đổi của báo chí trong kỷ nguyên công nghệ số đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đào tạo nhà báo tại các cơ sở đào tạo báo chí chuyên nghiệp. Yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở đào tạo báo chí là không chỉ tạo nguồn nhân lực báo chí thích ứng với yêu cầu mới mà còn đặt nền tảng để nguồn nhân lực thích ứng trong thời gian dài hơn do bối cảnh công nghệ thay đổi và phát triển rất nhanh.

2. Các mục tiêu chủ yếu của đào tạo nhân lực báo chí

Mục tiêu chung của đào tạo báo chí là đáp ứng nhu cầu xã hội. Cần nhìn nhận chuẩn đầu ra của sinh viên ở các cơ sở đào tạo báo chí chính là chuẩn đầu vào của các cơ quan báo chí. Những gì sinh viên được trang bị phải phù hợp với các đặc trưng của báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng thời, thích ứng với các điều kiện công nghệ và tính chất của môi trường truyền thông số. Nhà báo cần có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới là:

Bản lĩnh chính trị

Nhà báo cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, như Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Báo chí nước ta là báo chí cách mạng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, có sứ mệnh phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí là “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”(2). Do vậy, mỗi nhà báo trong mọi thời kỳ đều cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trái tim nhiệt huyết và tinh thần phụng sự Đảng, đất nước và nhân dân.

Trong môi trường truyền thông số, công nghệ tạo các điều kiện thuận lợi để mọi người có thể làm truyền thông, nhưng cũng là môi trường để thông tin xấu độc lan truyền, gây ra nhiều tác động xã hội tiêu cực. Báo chí phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội. Cùng với quá trình phản biện, đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc, báo chí cần kịp thời phát hiện, cổ vũ các nhân tố tích cực, gương điển hình tiên tiến, các giá trị mới, các thành tựu của quá trình phát triển, góp phần xây dựng, củng cố, vun đắp bản lĩnh, trí tuệ, văn hóa, đạo đức, tinh thần, ý chí và khí phách con người Việt Nam...

Như vậy, khoa học - công nghệ phát triển, tạo ra nhiều điều kiện mới cho lĩnh vực báo chí - truyền thông, tạo thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp. Song, nhân cách, trí tuệ, ý chí, bản lĩnh của người làm báo là nhân tố cốt lõi, là nền tảng.

Đạo đức nghề nghiệp

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng...”(5). Đạo đức nghề nghiệp là một trong những phẩm chất có tính chất nền tảng của hoạt động báo chí. Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo gắn liền với trách nhiệm xã hội, với các nguyên tắc hoạt động của nghề báo. Đạo đức nghề nghiệp càng có ý nghĩa nền tảng trước bối cảnh thông tin sai lệch, tin giả lan tràn trên môi trường số. Sự hỗn tạp của thông tin trên mạng xã hội đã khiến công chúng tìm đến thông tin báo chí bởi báo chí cách mạng Việt Nam gắn liền với trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.

Đạo đức nghề nghiệp giúp cho nhà báo nhanh chóng phát hiện vấn đề, kịp thời lên tiếng trước những cái xấu, cái sai và bênh vực, bảo vệ lẽ phải. Lòng trung thực, tinh thần dũng cảm, vững vàng trước mọi cám dỗ, thử thách trở thành điểm tựa chắc chắn cho người làm báo khi đối mặt với những thế lực xấu bởi nhà báo hiểu “Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng” như lời dạy của Hồ Chí Minh. Đạo đức nghề nghiệp chính là yếu tố “then chốt” giữ lòng tin của công chúng đối với nhà báo.

Tri thức xã hội

Nhà báo càng có nền tảng tri thức xã hội rộng thì càng phát huy tốt kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Ðào tạo nguồn nhân lực báo chí trong môi trường truyền thông số cần tập trung cung cấp và hướng dẫn người học khai thác, tích lũy các nguồn kiến thức để không ngừng làm phong phú hệ tri thức nền tảng, cung cấp phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề cũng như cách thức thuyết phục công chúng và dư luận xã hội. Cách thức tiếp cận tri thức trở nên rất quan trọng vì xã hội không ngừng phát triển. Cần tạo điều kiện và hướng dẫn phương pháp để người học có thể tìm kiếm và tích hợp tri thức nền tảng, kiến thức xã hội. Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới cũng cần chú ý định hướng tích hợp kiến thức ngành, chuyên ngành cũng như tích hợp đa kỹ năng, bảo đảm thích ứng cho hoạt động tác nghiệp của nhà báo trong môi trường truyền thông số.

Kỹ năng nghiệp vụ

Làm báo là một nghề. Cũng như các nghề khác, nghề báo có hệ thống cơ sở lý luận, phương pháp luận, nguyên tắc nghề nghiệp làm nền tảng cho hoạt động của nhà báo. Kiến thức cùng kỹ năng nghiệp vụ từ căn bản đến nâng cao, từ việc viết tin bài bảo đảm các yếu tố thời sự, thiết thực, chính xác, khách quan, nhân văn đến sáng tạo tác phẩm hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của công chúng. Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới cần chú trọng trang bị cho người làm báo nền tảng lý luận vững chắc, tạo tiền đề, định hướng phát triển đúng đắn cho nhà báo sau khi ra trường.

Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu nhấn mạnh, làm rõ các giá trị cốt lõi của báo chí. “Trong bối cảnh báo chí phải cạnh tranh với mạng xã hội, quay cuồng với trí tuệ nhân tạo thì đào tạo báo chí càng phải giữ vững giá trị cốt lõi là đào tạo con người với nền tảng kiến thức vững chắc, có chiều sâu trí tuệ, đưa tin chính xác, nhân văn, phục vụ cộng đồng”(3).

Vấn đề đào tạo căn bản để hình thành đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp phải được chú trọng, từ đó làm nền tảng cho đào tạo nâng cao, đào tạo bổ sung, cập nhật. “Quá trình đào tạo này cần tránh hai khuynh hướng rất dễ xảy ra: thiên về hàn lâm hoặc thiên về dạy nghề bắt tay chỉ việc. Nếu thiên về hàn lâm, người học sẽ thiếu kiến thức thực tế, mất thời gian tích hợp kỹ năng sau thời gian ra trường. Nếu thiên về bắt tay chỉ việc, người học sẽ thiếu hệ kiến thức nền tảng, nhất là phương pháp luận và phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề để có thể vươn xa tầm nhìn, mở rộng hiểu biết và khả năng phân tích, lý giải các sự kiện, vấn đề thời sự có sức thuyết phục công chúng cả về trí tuệ và cảm xúc”(4).

Năng lực sử dụng công nghệ

Môi trường truyền thông mới đòi hỏi các nhà báo phải giỏi về công nghệ. Công nghệ là công cụ, là trợ thủ đắc lực, trong nhiều trường hợp còn giữ vai trò quyết định để thông tin được phát huy sức mạnh, lan tỏa sự tác động. Tăng cường ứng dụng công nghệ, trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ là yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với các cơ sở đào tạo báo chí.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ, công chúng có điều kiện tương tác dễ dàng và nhanh chóng hơn với báo chí, với các cơ quan quản lý nhà nước để giám sát và nêu ý kiến; các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ có những công cụ mạnh mẽ hơn để nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như để tăng cường sự lãnh đạo của mình. Bối cảnh này đặt ra yêu cầu báo chí phải nâng cao vai trò vừa là cầu nối, vừa là người phân tích, định hướng dòng thông tin trong đời sống xã hội, đồng thời phải là nguồn cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến công chúng.

Trong môi trường truyền thông số, đa nền tảng truyền thông với nhiều nguồn tin, nhà báo cần ý thức được mối quan hệ tác động nhiều chiều giữa báo chí và mạng xã hội, với dư luận xã hội trên mạng xã hội. Báo chí cần kết nối với mạng xã hội để tận dụng sức mạnh của mạng xã hội, làm phong phú hóa nguồn tin, tăng cường tương tác với công chúng. Quá trình đó, nhà báo cần có phương pháp chắt lọc, năng lực thẩm định thông tin, cách thức lan tỏa thông tin và định hướng công chúng, biến môi trường mạng xã hội trở thành nơi lan tỏa, khẳng định vị trí, vai trò của thông tin báo chí.

3. Đào tạo nhân lực báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Trong quá trình xây dựng và phát triển của mình, với vị trí là cơ sở hàng đầu trong đào tạo cán bộ lý luận chính trị và báo chí, truyền thông tại Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã làm tốt nhiệm vụ chính trị là: đào tạo cán bộ tuyên truyền, báo chí, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trong bối cảnh mới, Học viện giữ vững, tiếp tục phát huy thành quả của mình theo hướng: Một là, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên truyền có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực trong công tác, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hai là, đào tạo, bồi dưỡng các nhà báo am hiểu về chính trị, vững vàng, bản lĩnh và đa năng trong tác nghiệp, có khả năng hòa nhập vào môi trường báo chí truyền thông số...

Trong bối cảnh môi trường truyền thông số đang có nhiều thay đổi, nền báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, đó là về nhận thức và kỹ năng làm việc của nhà báo; về mô hình tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí; về hoạt động quản lý tòa soạn và cơ quan báo chí, về cách thức ứng xử với công chúng - xã hội...

Trước những vấn đề đặt ra, chủ trương, mục tiêu của Học viện là: “Lấy người học làm trung tâm, đào tạo theo nhu cầu xã hội”. Chương trình đào tạo của nhà trường đang được cải tiến sát với yêu cầu thực tế, nội dung cập nhật, có tính ứng dụng cao, tăng cường thực hành sử dụng công nghệ. Những đổi mới có tính chất chiến lược này trở thành điều kiện để trang bị cho học viên, sinh viên báo chí có nền tảng kiến thức và kỹ năng phù hợp với môi trường mới.

Đào tạo báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền có đặc thù sau:

Thứ nhất, học viên được đào tạo báo chí theo hướng vừa tích hợp vừa chuyên sâu theo các loại hình báo chí. Học viên được học để có thể tác nghiệp cơ bản ở cả 4 loại hình báo chí. Ví dụ: một phóng viên làm việc tại một cơ quan báo chí có thể phải thực hiện viết tin, bài ở nhiều loại hình báo chí. Hướng đào tạo của Học viện thể hiện được sự thích ứng nhanh nhạy với thực tiễn đang thay đổi. Bên cạnh đó, đào tạo chuyên sâu theo các loại hình giúp học viên được học sâu về kiến thức và kỹ năng của một loại hình báo chí. Xu hướng này giúp sinh viên không chỉ có kiến thức chuyên sâu về một loại hình báo chí, mà còn có thể làm việc được trong môi trường báo chí - truyền thông đa phương tiện hiện nay.

Thứ hai, học viên có thể học một cách có hệ thống từ cử nhân đến tiến sĩ. Học viện có hệ thống giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng là những chuyên gia, các nhà báo có uy tín trong lĩnh vực báo chí của cả nước, nhiều giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu quốc tế.

Thứ ba, học viên vừa được học lý thuyết vừa được thực hành với các môn học có tỷ lệ giờ thực hành cao. Các câu lạc bộ chuyên môn hoạt động chuyên nghiệp, phối hợp với các cơ quan báo chí để sản xuất các sản phẩm báo chí sát với thực tiễn. Học viện đã và đang triển khai, tiếp tục phát triển một số chương trình đào tạo chất lượng cao, theo hướng tích hợp, có tính thực hành cao, trên cơ sở kế thừa các chương trình đào tạo quốc tế.

Thực tiễn đang thay đổi nhanh chóng, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngành báo chí - truyền thông đang không ngừng tăng. Học viện đã và đang tạo các điều kiện để có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo này.

Bên cạnh đó, học viên được tiếp cận với chương trình đào tạo được đổi mới theo hướng tăng cường hội nhập quốc tế. Học viện đã có nhiều đổi mới trong mô hình đào tạo, tiếp cận phương pháp đào tạo tiên tiến trên thế giới. Hiện nay, Học viện hợp tác với Đại học Middlesex, Vương quốc Anh để triển khai chương trình cử nhân quốc tế Quảng cáo - Quan hệ công chúng và Truyền thông tại Học viện theo phương thức nhượng quyền. Học viên được học chương trình của Anh ngay tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, theo các quy chuẩn của Đại học Middlesex, tốt nghiệp được nhận bằng cử nhân do Đại học Middlesex cấp. Chương trình này là đòn bẩy và động lực để triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao.

Các kết quả khảo sát cho thấy, sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền ra trường có tỷ lệ làm đúng nghề cao, nhiều sinh viên phát huy được năng lực, trở thành những nhà báo có uy tín, được công chúng yêu thích và giới chuyên môn công nhận. Nhiều sinh viên đoạt giải thưởng báo chí - truyền thông ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường hoặc sau khi ra trường. Học viện đã trở thành “địa chỉ đỏ” về đào tạo báo chí, được Đảng, Nhà nước và nhân dân công nhận, tin tưởng.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 549 (tháng 11-2023)

Ngày nhận bài: 12-10-2023; Ngày bình duyệt: 21-11-2023; Ngày duyệt đăng: 22-11-2023.

(1), (4) https://tuyengiao.vn

(2) Điểm a, khoản 2, Điều 4 Luật Báo chí, số 103/2016/QH13 ngày 05-4-2016.

(3) https://tuoitre.vn.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.466.