Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống

Giải pháp tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo động lực phát triển trong thời kỳ mới

19/06/2024 22:44

(LLCT) -Thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW ngày 07-4-2014 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở những kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay.

PGS, TS HOÀNG PHÚC LÂM
Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

thiduakhenthuongvn.org.vn-sites-files-_kketbanhv1.png
PGS. TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2023 - 2030 _ Ảnh: thiduakhenthuongvn.org.

1. Mở đầu

Thi đua, khen thưởng là một lĩnh vực hoạt động rộng lớn ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, các ngành, các cấp, huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, qua đó phát huy nội lực góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Để phát huy vai trò của thi đua, khen thưởng trong phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước (cụ thể là các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức nhà nước), trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, triển khai thực hiện các hoạt động thi đua, khen thưởng, bảo đảm sự thống nhất và hiệu quả.

Như vậy, công tác thi đua, khen thưởng là quá trình thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, để phát động và tổ chức triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, ghi nhận, biểu dương công lao và thành tích xuất sắc của tập thể, cá nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những năm qua, các cấp, ngành đã tổ chức các phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cổ vũ, động viên các tổ chức, cá nhân, tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2. Kết quả thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng

Một là, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước

Trong giai đoạn 2014-2024, trên cả nước đã tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, tiêu biểu là phong trào thi đua: “Chuyển đổi số”, “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”; “Tuổi trẻ xung kích, tình nguyện”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Dạy tốt, học tốt”; phong trào thi đua “Quyết thắng”, “Dân vận khéo”, “Ngày vì người nghèo”, phong trào thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm quốc gia… Đặc biệt là phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Cả nước chung tay phòng, chống đại dịch Covid-19”... đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, phát huy được sức mạnh tổng hợp trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới, đột phá mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Nhiều bộ, ban, ngành, địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, huy động được nhiều nguồn lực xã hội và của nhân dân vào xây dựng quê hương, đất nước, tạo ra khí thế thi đua lan tỏa, rộng khắp như phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” (ngành Giáo dục); phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” (lực lượng Công an); cuộc vận động động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới (trong Quân đội); phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”… Phong trào xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước xuống dưới 6%, hàng năm tạo việc làm cho khoảng 1,5 triệu người lao động.

Qua thực tiễn các phong trào thi đua, đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực và khắp mọi miền của Tổ quốc. Đó là những tấm gương lao động điển hình trên các công trường xây dựng, trong các nhà máy, đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng như trên các mặt trận văn hóa, khoa học, y tế, giáo dục… Xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tài năng, sáng tạo, có đạo đức kinh doanh, chấp hành pháp luật, làm lợi cho đất nước… Trên mặt trận bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, hải quan, kiểm lâm sẵn sàng hy sinh trên mặt trận phòng, chống tội phạm, lâm tặc, buôn lậu…

Công tác tuyên truyền về thi đua, khen thưởng với nhiều nội dung, hình thức phong phú đã góp phần không nhỏ vào việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân, tạo ra khí thế mới, động lực mới cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Phong trào thi đua yêu nước đã thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam.

Hai là, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng

Giai đoạn 2014-2024, các bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã tập trung quán triệt sâu sắc, đầy đủ Chỉ thị 34/CT-TW của Bộ Chính trị và các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng, gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua đó, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên làm công tác thi đua, khen thưởng.

Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thật ra công việc hằng ngày chính là nền tảng của công tác thi đua”(1); thực sự coi công tác thi đua, khen thưởng là động lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Thông qua các phong trào thi đua để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.

Ba là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua yêu nước

Việc phát động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua được thực hiện đồng bộ, bài bản. Từ các phong trào do Trung ương phát động, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo tổ chức các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.

Cơ quan chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân triển khai thực hiện sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong việc tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, năng động, sáng tạo vươn lên nâng cao năng suất, chất lượng lao động.

Việc sơ kết, tổng kết phong trào thi đua được thực hiện khá bài bản, nghiêm túc, kịp thời đúc rút những kinh nghiệm tốt, cách làm hay trong triển khai phong trào cũng như phát hiện, khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiên tiến từ cơ sở.

Bốn là, công tác khen thưởng đối với tập thể, cá nhân tham gia phong trào thi đua yêu nước

Từ các phong trào thi đua được triển khai trong cả nước, đã xuất hiện các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được biểu dương, khen thưởng kịp thời. Ngoài các hình thức khen thưởng đã có theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng. Trên cơ sở các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã thể chế hóa thành các quy định, quy chế để quản lý việc tổ chức tôn vinh, tuyên dương, trao giải các danh hiệu.

Trong 5 năm 2014-2019, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng 17 Huân chương Sao vàng, 85 Huân chương Hồ Chí Minh, 3.080 Huân chương Độc lập, 31.119 Huân chương Lao động, 1.187 Huân, Huy chương hữu nghị, phong tặng 86 Anh hùng Lao động, 81 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới; 194 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 215 Giải thưởng Nhà nước, 4.888 danh hiệu Nhân dân, Ưu tú đối với Nhà giáo, Thày thuốc, Nghệ sỹ, Nghệ nhân…

Năm là, tổ chức, bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng được sắp xếp, kiện toàn

Từ năm 2014 đến nay, việc đổi mới, sắp xếp cơ quan quản lý nhà nước về thi đua các cấp theo hướng tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về thi đua được thực hiện tương đối hiệu quả. Các cấp tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ công tác thi đua trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Việc kiện toàn và hoạt động của hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp trong tham mưu, tư vấn cho cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị về công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm thường xuyên, ổn định theo nhiệm kỳ để bảo đảm nhất quán trong công tác tham mưu; hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo đúng thẩm quyền, thực hiện công tác bình xét các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo nguyên tắc và quy định của pháp luật hiện hành.

Sáu là, triển khai chương trình giảng dạy đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường chính trị cấp tỉnh

Thực hiện Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đưa chuyên đề “Quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng” với thời lượng 05 tiết giảng, là một trong 6 chuyên đề tự chọn trong chương trình cao cấp lý luận chính trị. Từ năm 2017, Học viện đã thực hiện báo cáo chuyên đề này cho 63.518 học viên hệ cao cấp lý luận chính trị.

Chuyên đề “Công tác thi đua, khen thưởng” được đưa vào giảng dạy hệ trung cấp lý luận chính trị từ năm 2019 tại 63 trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc giảng dạy chuyên đề quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng đã giúp học viên nâng cao nhận thức, ý nghĩa, vai trò, tác động tích cực của công tác thi đua, khen thưởng để áp dụng, triển khai vào thực tiễn.

Một số hạn chế, bất cập

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi đua, khen thưởng cũng còn những hạn chế, bất cập như: hình thức, nội dung và phương pháp tổ chức phong trào thi đua chậm được đổi mới; tiêu chí đánh giá thi đua chưa rõ, có nơi còn chưa quán triệt nguyên tắc tự nguyện, còn áp đặt, mang tính hình thức, nội dung thi đua chưa phục vụ trực tiếp nhiệm vụ chính trị trọng tâm, nên chưa tạo được động lực thực sự, tác dụng lan tỏa phong trào thi đua chưa cao. Vẫn còn tình trạng công tác khen thưởng chưa gắn với kết quả thi đua. Ở một số bộ, ngành, địa phương cơ quan, đơn vị, khen thưởng chưa kịp thời, chưa bảo đảm tính khách quan, công bằng, dẫn đến khen thưởng và đề nghị khen thưởng chưa đúng người, đúng việc, vẫn còn tình trạng khen thưởng tập trung cho lãnh đạo, chưa quan tâm, động viên khen thưởng kịp thời đối tượng là người lao động, nhân viên cấp dưới(2)

Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, tổ chức không ổn định, có nhiều thay đổi và thiếu thống nhất. Năng lực tham mưu, tổ chức vận động quần chúng của cán bộ chuyên trách thi đua, khen thưởng còn hạn chế. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến chưa đáp ứng được yêu cầu theo tinh thần Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị khóa XI “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”. Công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về thi đua, khen thưởng trong những năm qua chưa được coi trọng và đầu tư đúng mức(3).

3. Giải pháp đổi mới, tạo động lực trong công tác thi đua, khen thưởng

Một là, tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng

Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm chuyển biến nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng. Thông qua các phong trào thi đua, tạo động lực cách mạng của quần chúng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện thành công sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua. Mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở, gắn trách nhiệm của tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tác dụng to lớn của phong trào thi đua yêu nước.

Gắn kết các phong trào thi đua yêu nước với Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, làm cho các phong trào thi đua yêu nước chứa đựng nội dung sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước.

Huy động được sức mạnh tổng hợp của các cơ quan tuyên truyền, giáo dục của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí, truyền thông tích cực tham gia tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, sáng tạo, giáo dục gương người tốt, việc tốt tạo sự lan tỏa. Hiện nay, đất nước đang tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, cần tiếp tục thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước nhằm động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế cũng như trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng

Bản chất của thi đua thể hiện sự tiến bộ, vì tập thể, vì lợi ích chung, so với cạnh tranh, ganh đua, thi đua hình thành động cơ trong sáng, lành mạnh, vì lợi ích của mọi người, của tập thể và lợi ích của đơn vị. Động cơ thi đua là động lực thúc đẩy của mỗi người, là tổng hòa những nhân tố tình cảm, ý chí, niềm tin với phong trào thi đua. Động cơ thi đua hình thành trên cơ sở nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa và vai trò của thi đua, thể hiện trách nhiệm của cá nhân đối với sự lớn mạnh của tổ chức. Trên cơ sở xây dựng động cơ đúng mà xây dựng quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, định mức thi đua.

Để làm được điều đó, các địa phương, đơn vị phải tập trung tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức nắm vững mục đích, ý nghĩa chính trị - xã hội của thi đua, những quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua. Đồng thời, làm tốt việc giáo dục ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau vì lợi ích chung; kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng ăn thua, ganh đua, cục bộ, chạy theo thành tích, vì lợi ích, động cơ cá nhân và những biểu hiện thiếu trung thực trong thi đua, khen thưởng.

Ba là, cần tạo sự thống nhất trong việc tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng

Việc thống nhất trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng có vai trò quan trọng, là nhân tố quyết định đối với hiệu quả, thành công của công tác thi đua. Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác thi đua; các tổ chức đoàn thể cần phối hợp để công tác thi đua phát triển đồng bộ, sâu rộng, đạt kết quả và thường xuyên được duy trì. Các cơ quan, đơn vị cần xác định công tác thi đua là nhiệm vụ chính trị quan trọng; mỗi cán bộ, công chức cần có nhận thức đúng đắn về công tác thi đua, khen thưởng.

Bốn là, công tác thi đua, khen thưởng phải gắn liền với nhiệm vụ chính trị

Để thi đua thực sự trở thành động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, cấp ủy đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các đoàn thể phải phối hợp chặt chẽ trong quán triệt và cụ thể hóa các nội dung thi đua gắn liền với việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến tới từng cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay. Triển khai và cụ thể hóa các nội dung thi đua gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của đơn vị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua tới toàn thể cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng, qua đó khơi dậy, cổ vũ tinh thần đoàn kết, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, học tập.

Năm là, tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến thi đua, khen thưởng

Đây là biện pháp có ý nghĩa hàng đầu để tổ chức thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua yêu nước và bảo đảm cho hoạt động khen thưởng đúng quy định, đạt được mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu cần tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng đến cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân, để từ đó tự nguyện tham gia thực hiện.

Thực tiễn cho thấy, một số nơi thực hiện chưa đúng hoặc không theo hướng dẫn, quy định của Trung ương về công tác thi đua, khen thưởng dẫn đến những bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì thế, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải thường xuyên theo dõi, chỉ đạo sát sao các mặt hoạt động để chấn chỉnh, uốn nắn, nhắc nhở kịp thời những nhận thức chưa đúng, còn đơn giản, thụ động trong công tác thi đua, khen thưởng. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuyên truyền, cổ động về các phong trào thi đua yêu nước, tổ chức, hướng dẫn các bộ phận, lực lượng tiến hành thực hiện theo kế hoạch. Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác thi đua, khen thưởng của cơ quan, đơn vị, địa phương mình theo kế hoạch. Trên cơ sở đó, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm tình hình, khả năng thực hiện và yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Phát huy được sức mạnh của địa phương, cơ quan, đơn vị trong thực hiện phong trào thi đua, bảo đảm tính khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch, để mỗi người phấn khởi, hồ hởi, tin tưởng sau mỗi lần tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước.

Sáu là, đổi mới nội dung, hình thức, phương thức tổ chức phong trào thi đua yêu nước

Trên cơ sở quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị cần xác định nội dung, hình thức, phương pháp thi đua phù hợp với tình hình, không dập khuôn, máy móc. Thường xuyên cập nhật vấn đề mới, xác định hình thức, phương pháp thi đua phù hợp với đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề, khơi dậy được tính sáng tạo, năng động của mỗi người trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước; các phong trào thi đua phải góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Để nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng, cần thực hiện tốt các khâu công việc cụ thể, từ xác định mục tiêu, nội dung, phát động phong trào thi đua, đến việc triển khai, đôn đốc, sơ kết, tổng kết và đánh giá kết quả, hiệu quả của phong trào.

Việc tổ chức triển khai các phong trào thi đua phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức một cách khoa học, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, tổ chức chủ trì với các cơ quan, tổ chức liên quan.

Nội dung, mục tiêu các phong trào thi đua phải gắn với nhiệm vụ chính trị, nhằm giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, khâu khó, việc khó, gắn với lợi ích của đối tượng tham gia thi đua.

Hình thức, phương pháp tổ chức phong trào thi đua cần đa dạng, phong phú, linh hoạt, phù hợp với nội dung, đối tượng thi đua và điều kiện thực tế. Công tác đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết được tiến hành trong quá trình tổ chức phong trào thi đua nhằm nắm bắt thực tế việc triển khai để có những điều chỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện khi cần thiết, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những lệch lạc.

Bảy là, bảo đảm công tác khen thưởng chính xác, công tâm, khách quan

Cần xây dựng quy trình và thực hiện đúng quy trình bình xét, tiêu chuẩn, tiêu chí khen thưởng. Nghiên cứu cụ thể hóa các tiêu chuẩn để xét khen thưởng theo đúng quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, có tính đến đặc thù của địa phương, đơn vị; trong đó cần chú trọng tiêu chuẩn hiệu quả công việc, đặc biệt là tính năng động sáng tạo.

Công tác khen thưởng phải được thực hiện một cách kịp thời, “đúng người, đúng việc”; dân chủ, công khai và minh bạch trong quy trình thực hiện. Tập thể, cá nhân được khen thưởng phải thực sự tiêu biểu, tạo được sự lan tỏa trong xã hội. Công tác khen thưởng, ngoài việc ghi nhận kịp thời đóng góp của tập thể, cá nhân đối với thành tích chung, cần bảo đảm khen thưởng là đòn bẩy động viên, khuyến khích phong trào thi đua yêu nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị cũng như nhiệm vụ xây dựng cơ quan, đơn vị đoàn kết, vững mạnh.

Khen thưởng phải gắn với phong trào thi đua, là sự ghi nhận, biểu dương và tôn vinh công lao, thành tích nhằm giáo dục, động viên thúc đẩy phong trào thi đua, khơi dậy tư duy tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ, năng lực, tính tích cực của mỗi cá nhân và tập thể. Khen thưởng phải kịp thời mới có ý nghĩa, tác dụng.

Tám là, tăng cường về tổ chức, bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng

Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về công tác thi đua, khen thưởng, như cử cán bộ đi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ... Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng còn chưa đáp ứng yêu cầu. Do vậy, cần có lộ trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng để nâng cao năng lực, trình độ thực hiện công tác hiệu quả. Sắp xếp, bố trí cán bộ làm công tác thi đua đúng với năng lực, sở trường, thế mạnh; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong bồi dưỡng cán bộ làm công tác thi đua. Giúp đỡ, hỗ trợ cán bộ làm công tác thi đua để hoàn thành nhiệm vụ trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hiện nay.

Chín là, tăng cường chuẩn hóa và hiện đại hóa công tác thi đua, khen thưởng

Đổi mới phương thức phối hợp, quy trình, thủ tục, hồ sơ thông qua cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng.

Các bộ, ngành, địa phương cần ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng và có sự liên thông với các cơ sở dữ liệu chung khác của các ban, bộ, ngành, địa phương. Khẩn trương tiến hành số hóa, hệ thống hóa danh mục hồ sơ để bảo đảm hồ sơ lưu trữ được lâu dài. Cần xây dựng danh mục hồ sơ và quy trình quản lý hồ sơ thi đua, khen thưởng số hóa nhằm bảo đảm tính bảo mật, hiện đại và phù hợp với khung Chính tử điện tử.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 554 (4-2023)

Ngày nhận bài: 4-4-2024; Ngày bình duyệt: 15-4-2024; Ngày duyệt đăng: 22-4-2024.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.169.

(2) Nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, https://moha.gov.vn/, đăng ngày 7-9-2023.

(3) Trần Thị Hà: Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, https://www.tapchicongsan.org.vn.