Nghiên cứu lý luận

Quan điểm của Ph.Ăngghen về mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên

23/06/2024 21:02

(LLCT) - Từ lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng, quan điểm của Ph.Ăngghen về mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên rất sâu sắc, nhất là quan điểm về sự thống nhất giữa triết học và khoa học tự nhiên, về vai trò của triết học đối với khoa học tự nhiên và vai trò của khoa học tự nhiên đối với triết học có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của triết học và khoa học tự nhiên hiện nay.

PGS, TS NGUYỄN NGỌC KHÁ
Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh

mac-ang-ghen.jpg
C. Mác và Ph. Ăng-ghen _Tranh: Tư liệu

1. Mở đầu

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn liền với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, đòi hỏi nhân loại phải giải quyết đúng đắn và kịp thời những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách đang đặt ra. Sự giải đáp này chỉ có thể thực hiện được khi các nhà khoa học (triết học và khoa học tự nhiên) nắm vững và vận dụng đúng đắn và sáng tạo thế giới quan và phương pháp luận của triết học Mác - Lênin, kịp thời nắm bắt và khái quát các thành tựu mới nhất của khoa học hiện đại để bổ sung, phát triển lý luận triết học và vận dụng sáng tạo vào trong hoạt động nhận thức và thực tiễn.

Để có cơ sở lý luận giải quyết mối quan hệ giữa triết học và các khoa học nói chung, mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên nói riêng, không có gì khác hơn, chúng ta cần phải nghiên cứu những di sản của các nhà kinh điển của triết học Mác - Lênin, đặc biệt là quan điểm của Ph.Ăngghen về mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên.

Trong lịch sử triết học và các khoa học, xuất phát từ những lập trường khác nhau có những quan niệm khác nhau về mối quan hệ giữa triết học và các khoa học. Về cơ bản, có hai khuynh hướng: hoặc đề cao triết học, hạ thấp các khoa học; hoặc là đề cao các khoa học, hạ thấp triết học. Cả hai quan điểm này đều là phiến diện, siêu hình, không vạch ra được bản chất đích thực của mối quan hệ giữa triết học và các khoa học.

Xuất phát từ lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng, C.Mác và Ph.Ăngghen là những người đầu tiên đã giải quyết đúng đắn, vạch ra bản chất đích thực của mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên, nêu lên ý nghĩa của nó đối với sự phát triển của bản thân triết học, khoa học tự nhiên và đời sống xã hội. Ngay trong tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, C.Mác đã dự báo rằng, một khi con người đã trở thành “đối tượng trực tiếp của khoa học tự nhiên”, còn tự nhiên đã trở thành “đối tượng trực tiếp của khoa học về con người” thì khi đó, “khoa học tự nhiên bao hàm trong nó khoa học về con người cũng như khoa học về con người bao hàm trong nó khoa học tự nhiên: đó sẽ là một khoa học”(1).

2. Quan điểm của Ph.Ăngghen về mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên

Một là, về sự thống nhất giữa triết học và khoa học tự nhiên

Ph.Ăngghen cho rằng, mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên là mối quan hệ biện chứng, vừa có sự thống nhất vừa có sự khác biệt, tác động qua lại lẫn nhau. Triết học và khoa học tự nhiên đều thuộc về lĩnh vực tinh thần của đời sống xã hội, là các hình thái ý thức xã hội nên đều là sự phản ánh tồn tại xã hội trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Cả triết học, cả khoa học tự nhiên đều có nguồn gốc sâu xa là thực tiễn, là sản phẩm của thực tiễn, do nhu cầu phát triển của sản xuất và đời sống. Chính điều này đã được Ph.Ăngghen khẳng định trong tác phẩm bút chiến Chống Đuyrinh: “Cũng như tất cả các khoa học khác, toán học sinh ra từ những nhu cầu thực tiễn của con người”(2).

Cùng với sự phát triển của sản xuất và đời sống xã hội, đối tượng nghiên cứu của triết học và khoa học tự nhiên ngày càng trở nên đa dạng, phức tạp nên triết học và khoa học tự nhiên cũng không ngừng phát triển và đóng vai trò ngày càng quan trọng. Mặt khác, triết học và khoa học tự nhiên có điểm chung là sử dụng các công cụ của tư duy lôgíc, của lý trí, trí tuệ con người thông qua sự khái quát hóa, trừu tượng hóa, hệ thống hóa để thiết lập nên các mệnh đề, nguyên lý, phạm trù, quy luật trong sự nghiên cứu của mình.

Như vậy, cơ sở khách quan của mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên, đó là thực tiễn. Trên cơ sở thực tiễn mà triết học và khoa học tự nhiên mới phát sinh, hình thành và phát triển. Nhờ có thực tiễn mà các nguyên lý, quy luật, phạm trù của triết học, các kết quả của khoa học tự nhiên mới thể hiện tính chân lý, mới thể hiện sự phù hợp với hiện thực. Chính thực tiễn là cơ sở sâu xa của sự thống nhất giữa triết học và khoa học tự nhiên. Thực tiễn đã gắn kết triết học và khoa học tự nhiên trong mối quan hệ biện chứng và tạo thành một chỉnh thể - một hệ thống các khoa học.

Tính đặc thù của mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên là ở chỗ, tùy vào từng giai đoạn phát triển cụ thể mà cái này hay cái kia nổi trội lên hàng đầu đóng vai trò chi phối. Giữa triết học và khoa học tự nhiên có sự tác động qua lại lẫn nhau, trong đó triết học đóng vai trò là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận cho sự phát triển của khoa học tự nhiên; còn khoa học tự nhiên cung cấp dữ liệu cho triết học để từ đó triết học khái quát thành các quan điểm triết học, đồng thời kiểm chứng các luận điểm triết học.

Hai là, về vai trò của triết học đối với khoa học tự nhiên

Trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên, Ph.Ăngghen đã làm rõ mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên trong tiến trình lịch sử của bản thân khoa học tự nhiên và của triết học. Theo đó, triết học có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của khoa học tự nhiên và sự phát triển của khoa học tự nhiên tương ứng với sự phát triển của triết học. Ph.Ăngghen đã phân tích và đi đến khẳng định vai trò của phép biện chứng duy vật: “chính phép biện chứng là một hình thức tư duy quan trọng nhất đối với khoa học tự nhiên hiện đại, bởi vì chỉ có nó mới có thể đem lại sự tương đồng và do đó đem lại phương pháp giải thích những quá trình phát triển diễn ra trong tự nhiên, giải thích những mối liên hệ phổ biến, những bước quá độ từ một lĩnh vực nghiên cứu này sang một lĩnh vực nghiên cứu khác”(3).

Ph.Ăngghen nhấn mạnh rằng, sự phát triển của khoa học tự nhiên không thể thiếu được vai trò của triết học, bởi vì triết học tác động đến phương pháp tư duy của con người. Bằng các dẫn chứng cụ thể trong quá trình phát triển của khoa học tự nhiên và của triết học, ông đã chỉ ra sự tác động của triết học đến sự phát triển của khoa học tự nhiên. Ph.Ăngghen đã từng phê phán mạnh mẽ một số nhà khoa học tự nhiên khi họ quan niệm không cần tới tư duy lý luận. Trên thực tế, những nhà khoa học tự nhiên ấy lệ thuộc rất nhiều vào tư duy lý luận, nhưng thường lại là tư duy sai lầm được rút ra từ những học thuyết triết học “tồi tệ nhất”.

Trong “Biện chứng của tự nhiên”, Ph.Ăngghen viết: “Những nhà khoa học tự nhiên tưởng rằng họ thoát khỏi triết học bằng cách không để ý đến nó hoặc phỉ báng nó. Nhưng vì không có tư duy thì họ không thể tiến lên được một bước nào và muốn tư duy thì họ cần có những phạm trù lôgích, mà những phạm trù ấy thì họ lấy một cách không phê phán, hoặc lấy trong cái ý thức chung, thông thường của những người gọi là có học thức, cái ý thức bị thống trị bởi những tàn tích của những hệ thống triết học đã lỗi thời, hoặc lấy trong những mảnh vụn của các giáo trình triết học bắt buộc trong các trường đại học (đó không chỉ là những quan điểm rời rạc, mà còn là một mớ hổ lốn những ý kiến của những người thuộc các trường phái hết sức khác nhau và thường là những trường phái tồi tệ nhất), hoặc lấy trong những tác phẩm triết học đủ các loại mà họ đọc một cách không có hệ thống và không phê phán - cho nên dù sao, rút cục lại, họ vẫn bị lệ thuộc vào triết học…Những ai phỉ báng triết học nhiều nhất lại chính là những kẻ nô lệ của những tàn tích thông tục hóa, tồi tệ nhất của những học thuyết triết học tồi tệ nhất”(4).

Do vậy, các nhà khoa học tự nhiên không cần phải nghi ngờ, dao động rằng triết học có cần thiết hay không, mà cần phải tìm kiếm, lựa chọn tư tưởng triết học nào dẫn đường, chỉ lối. Để nhấn mạnh vai trò định hướng của triết học đối với sự phát triển của khoa học tự nhiên, Ph.Ăngghen viết: “Dù các nhà khoa học tự nhiên có làm gì đi nữa thì họ vẫn bị triết học chi phối. Vấn đề chỉ ở chỗ họ muốn bị chi phối bởi một thứ triết học tồi tệ hợp mốt, hay họ muốn được hướng dẫn bởi một hình thức tư duy lý luận dựa trên sự hiểu biết về lịch sử tư tưởng và những thành tựu của nó”(5).

Ph.Ăngghen chỉ rõ, sự khinh miệt của những kẻ kinh nghiệm chủ nghĩa đối với phép biện chứng sẽ bị trừng phạt. Họ tất nhiên phải sa vào chủ nghĩa duy tâm và phép thần bí: “Trong thực tế, khinh miệt phép biện chứng thì không thể không bị trừng phạt. Dù người ta tỏ ý khinh thường mọi tư duy lý luận như thế nào đi nữa, nhưng không có tư duy lý luận thì người ta cũng không thể liên hệ hai sự kiện trong giới tự nhiên với nhau được, hay không thể hiểu được mối liên hệ giữa hai sự kiện đó…Và như vậy sự khinh thường phép biện chứng theo kiểu kinh nghiệm chủ nghĩa sẽ bị trừng phạt như sau: nó đưa một số người thực nghiệm chủ nghĩa tỉnh táo nhất sa vào chỗ dị đoan ngu xuẩn nhất, sa vào thần linh học cận đại”(6).

Theo Ph.Ăngghen, muốn giải quyết mâu thuẫn ngày càng sâu sắc trong khoa học tự nhiên thì các nhà khoa học tự nhiên phải tự giác nắm lấy phép biện chứng, phải trở thành những nhà biện chứng tự giác. Khi kêu gọi các nhà khoa học tự nhiên quay trở lại với phép biện chứng, Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Có thể quay trở lại bằng nhiều con đường khác nhau. Có thể quay trở lại một cách tự phát, bằng cách chỉ dựa vào sức mạnh của những phát minh của bản thân khoa học tự nhiên, những phát minh không còn muốn để bị buộc lên cái giường của Prôquýtxtơ của chủ nghĩa siêu hình cũ nữa. Nhưng đó là một quá trình lâu dài và khó khăn, trong đó cần phải vượt qua rất nhiều sự va chạm vô ích. Đại bộ phận quá trình ấy đang diễn ra nhất là trong sinh học. Có thể rút ngắn quá trình ấy đi rất nhiều, nếu các đại biểu của khoa học tự nhiên lý thuyết muốn tìm hiểu sát hơn nữa triết học biện chứng dưới những hình thức lịch sử sẵn có của nó”(7).

Nghiên cứu tình hình khoa học tự nhiên, nhất là từ thời kỳ cận đại thế kỷ XVII - XVIII, Ph.Ăngghen nhấn mạnh rằng, nhà khoa học tự nhiên không thể thiếu phương pháp luận triết học sáng suốt dẫn đường. Thiếu tư duy triết học sáng suốt dẫn đường, nhà khoa học tự nhiên khó có thể xác định tốt những định hướng nghiên cứu đúng đắn, hợp lý, tối ưu để có được những phát minh, sáng chế. Đồng thời, Ph.Ăngghen chỉ ra rằng, đến nửa đầu thế kỷ XIX do lưu hành chủ nghĩa duy vật tầm thường và chủ nghĩa chiết trung nên khoa học tự nhiên rơi vào tình trạng không có lối thoát, không thể phát triển. Để thoát khỏi tình trạng đó, khoa học tự nhiên tất yếu phải quay về với tư duy biện chứng. Từ đó, Ph.Ăngghen chỉ ra vai trò quan trọng của tư duy lý luận đối với sự phát triển và sự giải thoát khoa học tự nhiên khỏi những quan niệm duy tâm, tôn giáo thần bí.

Ông khẳng định tư duy biện chứng là chiếc chìa khóa, là con đường để dẫn tới sự phát triển của khoa học tự nhiên, để khoa học tự nhiên làm tròn sứ mệnh cao cả của mình. Ph.Ăngghen nhấn mạnh: “một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận... chỉ có phép biện chứng mới có thể giúp cho khoa học tự nhiên vượt khỏi những khó khăn về lý luận... Trên thực tế, ở đây, ngày nay không còn một lối thoát, không còn một khả năng nào để có thể nhìn thấy ánh sáng nếu không từ bỏ tư duy siêu hình mà quay trở lại với tư duy biện chứng, bằng cách này hay cách khác”(8).

Như vậy, lịch sử phát triển của triết học đã chứng tỏ rằng, triết học có vai trò to lớn trong việc rèn luyện năng lực tư duy lý luận của con người, bởi như Ph. Ăngghen khẳng định: “Tư duy lý luận chỉ là một đặc tính bẩm sinh dưới dạng năng lực của người ta có mà thôi. Năng lực ấy cần phải được phát triển hoàn thiện, và muốn hoàn thiện nó thì cho tới nay, không có một cách nào khác hơn là nghiên cứu toàn bộ triết học thời đại trước”(9). Rõ ràng hơn, trong “Lời tựa” viết cho ba lần xuất bản tác phẩm Chống Đuyrinh, Ph. Ăngghen khẳng định: “Chỉ có khi nào khoa học tự nhiên tiếp thu được những kết quả của hai nghìn năm trăm năm phát triển của triết học thì nó mới có thể, một mặt, thoát khỏi mọi thứ triết học tự nhiên đứng tách riêng, đứng ngoài và đứng trên nó và, mặt khác, thoát khỏi cái phương pháp tư duy hạn chế của chính nó, do chủ nghĩa kinh nghiệm Anh để lại”(10).

Bằng sự phân tích, khảo nghiệm thực tiễn, Ph.Ăngghen đã chỉ rõ sự cần thiết của tư duy biện chứng đối với khoa học tự nhiên. Không thể phủ nhận vai trò của triết học, nhất là triết học duy vật biện chứng đối với khoa học tự nhiên hiện đại. Trong phép biện chứng duy vật, những nguyên lý, quy luật, phạm trù là cơ sở lý luận và phương pháp luận của các nhà khoa học tự nhiên và chứng minh cho giá trị phổ biến của bản thân phép biện chứng duy vật.

Như vậy, theo quan điểm của Ph.Ăngghen, triết học đóng vai trò là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận phổ biến cho khoa học tự nhiên, là cơ sở lý luận để đánh giá các thành tựu của khoa học tự nhiên, vạch ra phương hướng phát triển, phương pháp nghiên cứu của các khoa học đó.

Ba là, về vai trò của khoa học tự nhiên đối với triết học

Trước hết, vai trò của khoa học tự nhiên đối với sự phát triển của triết học và thực tiễn được thể hiện rất rõ trong quan điểm của Ph.Ăngghen khi đánh giá ý nghĩa to lớn mang tính vạch thời đại của thuyết Nhật tâm của N. Côpécních ở thời kỳ Phục hưng. Ph.Ăngghen cho rằng sự ra đời của thuyết Nhật tâm là một cuộc cách mạng từ trên trời báo trước cuộc cách mạng trong đời sống xã hội. Có thể nói, cuộc cách mạng này, trước hết là cuộc cách mạng về thế giới quan, nó tác động rất lớn đến khoa học và thực tiễn xã hội. Không phải ngẫu nhiên, từ khi thuyết Nhật tâm ra đời, khoa học và thực tiễn xã hội ở Tây Âu phát triển như vũ bão. Ph.Ăngghen khẳng định: “Hành vi cách mạng mà khoa học tự nhiên dùng để tuyên bố sự độc lập của mình... chính là việc xuất bản tác phẩm bất hủ trong đó Côpécních - tuy với thái độ rụt rè và có thể nói là chỉ trong khi hấp hối, đã thách thức uy quyền của Giáo hội trong các vấn đề của giới tự nhiên. Từ đó trở đi, khoa học tự nhiên mới bắt đầu được giải phóng khỏi thần học... Từ ngày đó, sự phát triển của các ngành khoa học cũng tiến được những bước khổng lồ và ngày càng mạnh lên...”(11).

Khi phân tích đặc trưng, phương pháp của khoa học tự nhiên thời kỳ cận đại thế kỷ XVII - XVIII, Ph.Ăngghen chỉ ra rằng, do sự thống trị của cơ học cổ điển của Niutơn đã làm cho phương pháp thực nghiệm thống trị trong khoa học tự nhiên và từ đó dẫn đến phương pháp siêu hình trở nên thống trị trong triết học. Về vấn đề này, Ph.Ăngghen viết: “Nhưng phương pháp nghiên cứu ấy đồng thời cũng để lại cho chúng ta một thói quen là xem xét những sự vật tự nhiên và quá trình tự nhiên trong trạng thái biệt lập của chúng, ở bên ngoài mối liên hệ to lớn chung, và do đó không xem xét chúng trong trạng thái vận động mà xem xét trong trạng thái tĩnh, không coi chúng về cơ bản là biến đổi, mà coi chúng là vĩnh viễn không biến đổi, không xem xét chúng trong trạng thái sống mà xem xét chúng trong trạng thái chết. Và khi phương pháp nhận thức ấy được Bê-cơn và Lốc-cơ đưa từ khoa học tự nhiên vào triết học thì nó tạo ra tính hạn chế đặc thù của những thế kỷ gần đây, - tức là phương pháp tư duy siêu hình”(12).

Phương pháp siêu hình chỉ thấy bộ phận mà không thấy toàn thể, “chỉ nhìn thấy những sự vật riêng biệt mà không nhìn thấy mối liên hệ qua lại giữa những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy sự tồn tại của những sự vật ấy mà không nhìn thấy sự phát sinh và sự tiêu vong của những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy trạng thái tĩnh của những sự vật ấy mà quên mất sự vận động của những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng”(13).

Khi đề cập đến vai trò của các khoa học tự nhiên giữa thế kỷ XIX đối với sự phát triển của triết học, trong tác phẩm Lútvích Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức, Ph.Ăngghen đã nhắc lại cơ sở khoa học tự nhiên dẫn đến sự cáo chung của phép siêu hình và sự hình thành phép biện chứng duy vật. Chính sự phát triển của khoa học tự nhiên từ khoa học sưu tập “về những vật chất bất biến” sang khoa học hệ thống hóa đã dẫn đến sự sụp đổ của phương pháp tư duy siêu hình và khẳng định vị trí tất yếu của phương pháp tư duy biện chứng, nhờ đó giờ đây có được “một bức tranh bao quát về mối liên hệ trong tự nhiên dưới một hình thức gần như có hệ thống”(14).

Trước kia việc cung cấp một bức tranh bao quát như vậy là nhiệm vụ của triết học tự nhiên. Triết học tự nhiên đã có những tư tưởng thiên tài, mang tính vượt thời đại, vì nó đã phỏng đoán ra những điều mà mãi sau này khoa học mới chứng minh. Song, những thành tựu của khoa học tự nhiên đã cung cấp những bằng chứng chứng minh rằng giới tự nhiên là thống nhất. Đồng thời, Ph.Ăngghen cũng đánh giá cao ý nghĩa của các thành tựu trong khoa tự nhiên đối với tư duy triết học và đối với bức tranh bao quát về thế giới: “Nhờ ba phát hiện vĩ đại đó và nhờ những thành tựu lớn lao khác của khoa học tự nhiên mà ngày nay chúng ta có thể chứng minh những nét lớn của mối liên hệ giữa các quá trình của tự nhiên không những trong các lĩnh vực riêng biệt, mà cả mối liên hệ giữa các lĩnh vực riêng biệt ấy nói chung và có thể trình bày một bức tranh bao quát về mối liên hệ trong tự nhiên”(15).

Những phát minh khoa học tự nhiên từ giữa thế kỷ XIX đã bác bỏ hoàn toàn quan niệm siêu hình về tự nhiên, đòi hỏi phải có quan niệm mới phản ánh đúng tự nhiên, đó chính là quan điểm biện chứng duy vật. Vì vậy, Ph.Ăngghen coi giới tự nhiên là “hòn đá thử vàng” đối với phép biện chứng. Chính các phát minh vạch thời đại trong khoa học tự nhiên cùng với những biến đổi trong các khoa học lịch sử đã góp phần đưa đến sự cáo chung hình thức cũ của chủ nghĩa duy vật, tức chủ nghĩa duy vật siêu hình; nó cần được thay thế bằng hình thức hiện đại của chủ nghĩa duy vật, tức chủ nghĩa duy vật biện chứng. Ph.Ăngghen nhấn mạnh: “Mỗi lần có một phát minh mang ý nghĩa thời đại ngay cả trong lĩnh vực khoa học lịch sử - tự nhiên thì chủ nghĩa duy vật lại không tránh khỏi thay đổi hình thức của nó”(16).

Khoa học tự nhiên với những thành tựu của mình không chỉ giúp triết học khái quát hóa thành các quan điểm triết học, mà còn giúp các nhà triết học hình thành và củng cố thế giới quan, phương pháp luận triết học. Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Cái thúc đẩy các nhà triết học tiến lên hoàn toàn không phải chỉ riêng sức mạnh của tư duy thuần túy như họ tưởng tượng. Trái lại, trong thực tế cái thực sự thúc đẩy họ tiến lên chủ yếu là sự phát triển và ngày càng nhanh chóng, ngày càng mạnh mẽ của khoa học tự nhiên và của công nghiệp”(17).

Ph.Ăngghen cho rằng, để trở thành một nhà triết học chân chính, điều kiện trước tiên là phải nắm vững kiến thức về khoa học tự nhiên - lịch sử, từ toán học, vật lý đến các khoa học về con người. Sứ mệnh lịch sử đó mà khoa học giao phó đã được đảm nhiệm bởi C.Mác và Ph.Ăngghen. Trên cơ sở phân tích một cách sâu sắc các thành tựu khoa học tự nhiên, kế thừa những giá trị tinh hoa của lịch sử triết học nhân loại, C.Mác và Ph.Ăngghen đã sáng lập nên một hệ thống triết học vĩ đại nhất trong lịch sử - Triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, là thế giới quan và phương pháp luận phổ biến của nhận thức và thực tiễn.

3. Ý nghĩa quan điểm của Ph.Ăngghen về mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên trong giai đoạn hiện nay

Nhờ nghiên cứu một hệ thống các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã đem lại một cơ sở khoa học vững vàng cho việc vận dụng một cách sáng tạo trong thời đại ngày nay. Trong “Lời tựa” khi xuất bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản bản tiếng Anh, năm 1888, Ph.Ăngghen nhấn mạnh: “Mặc dầu hoàn cảnh đã thay đổi nhiều trong hai mươi lăm năm qua, nhưng cho đến nay, xét về đại thể, những nguyên lý tổng quát trình bày trong “Tuyên ngôn” này vẫn còn hoàn toàn đúng. Ở đôi chỗ, cần có một vài chi tiết cần phải xem lại. Chính ngay “Tuyên ngôn” cũng đã giải thích rõ rằng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời”(18). Sau này, V. I. Lênin đã chỉ rõ: “phân tích cụ thể mỗi tình hình cụ thể”(19), đó là “bản chất” và “linh hồn sống” của chủ nghĩa Mác.

Tiếp thu và vận dụng quan điểm của Ph.Ăngghen về mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên, trên lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng, dưới ánh sáng của khoa học hiện đại và thực tiễn xã hội, mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên được hiểu ở một tầm cao mới, sâu sắc hơn. Giải quyết mối quan hệ này có ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển của bản thân triết học, khoa học tự nhiên và có tầm quan trọng đặc biệt tác động đến sự phát triển của đời sống xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Trong bối cảnh hiện nay, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm không những không bị thủ tiêu, trái lại, vẫn tiếp tục diễn ra với những nội dung và hình thức biểu hiện mới hết sức đa dạng và phức tạp. Trong tình hình đó, lý luận triết học sẽ trở nên khô cứng và lạc hậu nếu không được trang bị bởi các thành tựu của khoa học tự nhiên. Ngược lại, nếu không đứng vững trên lập trường duy vật và nếu thiếu tư duy biện chứng thì khoa học tự nhiên sẽ mất phương hướng và trở nên bế tắc. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết càng cần phải củng cố, phát triển mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên, hình thành liên minh giữa các nhà triết học và các nhà khoa học tự nhiên, như trong tác phẩm Về tác dụng của chủ nghĩa duy vật chiến đấu được coi là bản “Di chúc triết học”, V.I.Lênin khẳng định: “Ngoài sự liên minh với những người duy vật chủ nghĩa triệt để, không ở trong Đảng cộng sản, thì một điều không kém quan trọng, nếu không phải là quan trọng hơn đối với sự nghiệp mà chủ nghĩa duy vật chiến đấu sẽ phải làm tròn, đó là sự liên minh với những đại biểu của các ngành khoa học tự nhiên hiện đại đang ngả về chủ nghĩa duy vật, có can đảm bảo vệ và truyền bá chủ nghĩa này chống những khuynh hướng triết học duy tâm chủ nghĩa và hoài nghi chủ nghĩa là những khuynh hướng đang thịnh hành trong cái mà người ta gọi là “giới có học thức””(20).

Luận điểm của V.I.Lênin về việc thiết lập liên minh giữa các nhà triết học và các nhà khoa học tự nhiên vẫn giữ nguyên giá trị trong thời đại ngày nay. Sự gắn bó giữa triết học và các khoa học tự nhiên, sự hợp tác giữa những người nghiên cứu lý luận triết học và các nhà khoa học tự nhiên là một yêu cầu tất yếu và càng trở nên bức thiết. Trong quan hệ với khoa học tự nhiên, mối quan hệ giữa triết học Mác - Lênin và khoa học tự nhiên là mối quan hệ biện chứng, cụ thể là: Triết học Mác - Lênin trang bị những công cụ thế giới quan khoa học và phương pháp luận phổ biến, định hướng cho sự phát triển của khoa học tự nhiên. Đến lượt mình, khoa học tự nhiên là điều kiện tiên quyết, cung cấp các thành tựu của mình cho sự phát triển của triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử - Triết học Mác - Lênin.

Các nhà triết học và các nhà khoa học tự nhiên cần bổ sung cho nhau trong công việc nghiên cứu của mình, từ việc xác định đối tượng và phạm vi nghiên cứu, phương pháp và công cụ nghiên cứu, mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu,... Các nhà triết học nắm bắt sự phát triển của tri thức hiện đại trong khi nghiên cứu các quy luật, phạm trù; còn các nhà khoa học tự nhiên thì không nên đối lập các phạm trù của các khoa học tự nhiên với các phạm trù triết học, mà cần phải thấy chúng liên hệ mật thiết và thống nhất với nhau, hỗ trợ cho nhau, cùng vì một mục đích chung là phục vụ cho yêu cầu tiến bộ xã hội và hạnh phúc con người.

Vậy, làm thế nào để hình thành liên minh giữa các nhà triết học và các nhà khoa học tự nhiên? Có rất nhiều các biện pháp cụ thể, nhưng chung quy lại, có thể khái quát thông qua các biện pháp cụ thể và chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, phải có cơ chế, chính sách cụ thể quy định mối quan hệ hợp tác giữa những người làm công tác triết học với các nhà khoa học tự nhiên.

Điều này chỉ có thể thực hiện được ở tầm vĩ mô, thông qua công cụ quản lý nhà nước của các cơ quan, các tổ chức, hiệp hội khoa học và triết học. Các cơ chế, chính sách được ban hành và thực thi sẽ trở thành chất keo kết nối, một động lực tinh thần cho sự hình thành, củng cố và phát triển mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên.

Thứ hai, tăng cường các hội thảo khoa học về mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên

Thông qua các hội thảo, các nhà triết học và các nhà khoa học tự nhiên có điều kiện, cơ hội để thảo luận, tranh luận, trao đổi về các vấn đề do lĩnh vực nghiên cứu khoa học của mình đặt ra. Chẳng hạn, các vấn đề triết học được đặt ra trước các thành tựu của khoa học tự nhiên; các vấn đề liên quan đến giá trị định hướng về thế giới quan, phương pháp luận của triết học đối với khoa học tự nhiên;...

Thứ ba, tăng cường nguồn lực cho sự phát triển mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có năng lực và trình độ nghiên cứu cả hai lĩnh vực triết học và khoa học tự nhiên. Đó là các nhà triết học đồng thời cũng thành thạo các lĩnh vực của khoa học tự nhiên và các nhà khoa học có sự uyên thâm về triết học. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua vai trò tổ chức, quản lý, đào tạo, sử dụng của các cơ quan nhà nước, thông qua việc mở rộng quan hệ quốc tế trong việc đào tạo nguồn nhân lực triết học và các khoa học hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước hiện nay. Đặc biệt, yếu tố quyết định đến sự phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực triết học và khoa học tự nhiên chính là phải xuất phát từ chính nhu cầu và sự đam mê, tình cảm và trách nhiệm của các nhà triết học và các nhà khoa học tự nhiên đối với Tổ quốc và nhân dân.

Tăng cường nguồn lực, cơ sở vật chất phục vụ các lĩnh vực triết học và khoa học tự nhiên. Đó là các phương tiện công nghệ hiện đại, máy móc, phòng thí nghiệm, môi trường làm việc của những người làm công tác triết học và khoa học tự nhiên, nhờ đó hoạt động nghiên cứu triết học và khoa học tự nhiên mới phát huy hiệu quả và phát triển.

4. Kết luận

Quan điểm của Ph.Ăngghen về mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên chỉ rõ rằng, giữa chúng có sự liên hệ mật thiết, thống nhất với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Triết học đóng vai trò là thế giới quan, phương pháp luận phổ biến, định hướng cho sự phát triển của các khoa học tự nhiên. Nhờ có sự định hướng của triết học mà các khoa học tự nhiên có phương hướng, mục đích, động cơ phát triển rõ ràng, tránh những trở ngại về phía khách quan cũng như chủ quan trên con đường phát triển. Về phía mình, các khoa học tự nhiên cung cấp cho triết học các thành tựu để từ đó triết học khái quát thành những quan điểm triết học, đồng thời các thành tựu ấy có ý nghĩa kiểm chứng các kết luận triết học. Các khoa học tự nhiên không thể tồn tại và phát triển tách rời triết học; và ngược lại, triết học cần có các thành tựu của các khoa học tự nhiên để làm giàu kho tàng lý luận của mình, và đặc biệt, có như vậy mới đáp ứng được các yêu cầu phát triển của đời sống xã hội.

Mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên đòi hỏi trong nhận thức và thực tiễn cần tránh cả hai thái cực: Hoặc là xem thường triết học, sẽ sa vào tình trạng mò mẫm, mù quáng, tùy tiện, dễ bằng lòng với những biện pháp cụ thể nhất thời, đi đến chỗ mất phương hướng, thiếu nhìn xa trông rộng, thiếu chủ động, sáng tạo trong công việc; hoặc là tuyệt đối hóa vai trò của triết học, sẽ sa vào chủ nghĩa giáo điều, áp dụng một cách máy móc những nguyên lý, quy luật chung mà không tính đến tình hình cụ thể, hậu quả là sẽ khó tránh khỏi bị thất bại.

_________________

Ngày nhận bài: 4- 6-2024; Ngày bình duyệt: 17-6- 2024; Ngày duyệt đăng: 23 -6-2024.

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.42, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.179.

(2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (11), (12), (13) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Sđd, 1995, tr.59, 488, 693, 693, 508, 490, 489-490, 487, 461, 36, 37.

(10), (14), (15), (16), (17), (18) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.21, Sđd, tr.28, 432, 433, 409, 410, 524.

(19) V.I.Lênin: Toàn tập, t.31, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.201.

(20) V.I.Lênin: Toàn tập, t.45, Sđd, tr.34.