Tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản

31/10/2023 15:27

TS NGUYỄN THANH SƠN
Viện Kinh tế chính trị học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo và tự động hóa hiện nay đang tiềm ẩn nhiều tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất trên thế giới. Khi những tác động tiêu cực của trí tuệ nhân tạo và tự động hóa trở nên trầm trọng hơn, thì những nghi vấn về sự phù hợp của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong bối cảnh mới cũng được nhắc đến nhiều hơn. Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa có thể là một trong những nhân tố tiếp theo đẩy chủ nghĩa tư bản với tư cách là một hệ thống, tiến tới giới hạn không thể vượt qua của chính nó.

Tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản

Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa có thể là một trong những nhân tố tiếp theo đẩy chủ nghĩa tư bản với tư cách là một hệ thống, tiến tới giới hạn không thể vượt qua của chính nó - Ảnh: funix.edu.vn.

Trên thế giới hiện nay, chủ nghĩa tư bản vẫn đang là phương thức sản xuất phổ biến nhất. Bất chấp những mặt trái của mình, chủ nghĩa tư bản vẫn thể hiện vai trò lịch sử, khi tạo ra những động lực mạnh mẽ thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, đặc biệt là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đang phải cân nhắc về sự phù hợp của mô hình chủ nghĩa tư bản hiện nay.

Tự động hóa là việc máy móc thực hiện một chức năng thay thế cho con người thực hiện trước đây. Theo đó, những gì được coi là tự động hóa sẽ thay đổi theo thời gian. Khi một chức năng được chuyển hoàn toàn từ con người thực hiện sang cho máy móc thực hiện, thì chức năng đó sẽ có xu hướng được xem là hoạt động thông thường của máy chứ không còn là tự động hóa nữa. Thí dụ hệ thống nổ máy cho xe hơi hay thang máy tự động hiện nay không còn được coi là tự động hóa. Ngược lại, các thiết bị như máy rút tiền tự động, kiểm soát hành trình cho xe hơi hay hệ thống quản lý chuyến bay (FMS) trong máy bay vẫn đủ điều kiện để được coi là tự động hóa, vì chúng thực hiện các chức năng mà con người cũng có thể thực hiện thủ công. Tự động hóa ngày hôm nay có thể là máy móc thông thường của ngày mai(1).

Trí tuệ nhân tạo (AI) là khoa học và kỹ thuật về chế tạo các máy móc và chương trình máy tính thông minh. Đó là khoa học nhằm mục đích sử dụng máy tính để mô phỏng trí tuệ của con người, tuy nhiên AI lại không bị giới hạn bởi các tác nhân về mặt sinh học(2). AI có thể phân thành ba loại khác nhau dựa theo trình độ, gồm: trí tuệ nhân tạo hẹp (AI), trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) và siêu trí tuệ nhân tạo (ASI)(3). AI đang phát triển trên thực tế hiện nay là AI hẹp, được thiết kế chủ yếu để giải quyết các nhiệm vụ hẹp, ít có khả năng thực hiện các nhiệm vụ ngoài phạm vi chức năng cụ thể của chúng.

Ở cấp độ cao hơn, AGI có khả năng tham gia và hành xử thông minh trong nhiều ngữ cảnh khác nhau và áp dụng kiến thức đã học được trong một ngữ cảnh vào các tình huống mới. Còn ASI là trình độ cao nhất, đề cập đến một AGI có khả năng xử lý kiến thức vượt trội hơn hẳn bộ óc con người(4). Tuy ASI hiện nay vẫn mang tính khoa học viễn tưởng, nhưng giới học thuật vẫn đang thảo luận nghiêm túc về vấn đề này, vì hầu hết các quan điểm đều cho rằng nếu AGI được tạo ra, thì ASI cũng sẽ xuất hiện sau đó một cách nhanh chóng.

1. Tác động của trí tuệ nhân tạo và tự động hóa

AI và tự động hóa được kì vọng sẽ tạo ra những biến đổi mang tính cách mạng trong hoạt động sản xuất của con người.

Thứ nhất, nó mở ra cơ hội cho một thế giới “hậu khan hiếm”, khi AI và các máy móc tự động hóa sẽ sản xuất ra hầu hết hàng hóa, dịch vụ, đồng thời giải phóng con người khỏi lao động cực nhọc. Điều này có vẻ là viễn tưởng, nhưng thực tế một số vấn đề về sự khan hiếm đang dần được khắc phục thông qua sự phát triển của khoa học, công nghệ. Thí dụ, khan hiếm năng lượng sẽ được giải quyết bằng cách tạo ra và lưu trữ năng lượng từ nhiệt mặt trời, sức gió và sức nước. Khan hiếm nước sạch sẽ được giải quyết bằng cách khử muối nước mặn hoặc sử dụng các máy lọc không khí thành nước ở quy mô lớn.

Những quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ năng lượng tái tạo hiện nay gồm: Thụy Điển, Côxta Rica, Xcốtlen, Ailen, Đức, Uruguay, Na Uy. Trong đó, có những nước sản xuất 97-100% điện từ các nguồn năng lượng tái tạo(5). Đức đang là một trong những quốc gia đầu tư mạnh mẽ nhất cho việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Quốc gia này đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ sản xuất 80% năng lượng từ các nguồn tái tạo, xóa bỏ sử dụng năng lượng hạt nhân, năng lượng than và chỉ sử dụng năng lượng khí đốt cho mạng lưới năng lượng dự phòng. Đầu năm 2023, tỷ lệ năng lượng tái tạo của Đức đã đạt 50% tổng năng lượng tiêu thụ(6).

Thứ hai, việc sử dụng AI và tự động hóa có thể giúp giảm thiểu tiêu thụ các nguồn tài nguyên không tái chế trong quá trình sản xuất. Thí dụ, việc số hóa đã hình thành nên các bách khoa thư miễn phí và mở như Wikipedia, giúp tiết kiệm được nhiều nguồn lực cho việc xuất bản và cập nhật các bộ bách khoa toàn thư trên thế giới. Việc sử dụng AI và tự động hóa cũng hình thành nên một mô hình sản xuất mới dựa trên sự kết hợp của tri thức, phần mềm và thiết kế trong sản xuất, chế tạo ở cấp địa phương. Mô hình này còn được gọi là mô hình “thiết kế toàn cầu, sản xuất tại địa phương” (DGML), trong đó những giá trị vô hình (kiến thức, thiết kế) sẽ được quản lý ở cấp độ toàn cầu, còn những giá trị hữu hình (máy móc, sản phẩm) sẽ được chia sẻ ở cấp độ cục bộ địa phương. Mô hình DGML chú trọng đến ứng dụng sản xuất quy mô nhỏ, phi tập trung, linh hoạt và được kiểm soát cục bộ. Từ đó, mô hình này có thể nhận diện sự khan hiếm do tài nguyên hữu hạn gây ra và có sự điều chỉnh sản xuất phù hợp để khắc phục tình trạng này(7).

Bên cạnh những cơ hội mở ra cho nền sản xuất toàn cầu, AI và tự động hóa cũng ẩn chứa những tác động tiêu cực. Đó là:

Thứ nhất, sự xuất hiện của AI và tự động hóa đặt ra nguy cơ thay thế việc làm của con người bằng máy móc, gây nên hiện tượng thất nghiệp hàng loạt. Nỗi lo về việc máy móc thay thế lao động con người không phải điều mới mẻ trong lịch sử nhân loại. Từ thế kỷ XVI, Nữ hoàng Anh đã từng cấm sử dụng máy dệt để bảo vệ những người phụ nữ dệt vải; những năm 1860, những người thợ xúc hạt đã biểu tình tại các cảng ở Mỹ để phản đối việc sử dụng thang máy vận tải; hay năm 1933, tờ báo New York Times đã nhắc đến “hiểm họa của thời đại máy móc”(8). Tuy nhiên, tác động AI và tự động hóa hiện nay có thể rất khác với những lần trước trong lịch sử, vì khả năng tạo ra ít việc làm mới hơn.

Năm 1979, hãng sản xuất xe hơi General Motors đại diện cho công nghệ mới vào thời kỳ đó, có lợi nhuận 11 tỷ USD (theo giá năm 2012) và tạo ra 840 nghìn việc làm. Trong khi đó năm 2012, hãng công nghệ Google đại diện cho công nghệ mới hiện nay, có lợi nhuận khoảng 14 tỷ USD, nhưng chỉ tạo ra việc làm cho 38 nghìn người(9).

Thực tế, từ năm 1960 đến nay, kinh tế Mỹ đã tạo ra ngày càng ít việc làm mới so với các thời kỳ trước. Trong khi số lượng việc làm của Mỹ đã tăng hơn 32% trong thập niên 1960 và 26% trong thập niên 1970, thì từ năm 2000 đến năm 2007 (trước cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới), con số này chỉ tăng 5,8%. Sau đó, khủng hoảng nổ ra khiến số việc làm của Mỹ giảm mạnh và chỉ phục hồi về mức trước khủng hoảng vào năm 2014.

Từ năm 2014-2019, trước khi đại dịch Covid bùng phát, số lượng việc làm của Mỹ đã tăng thêm được 7,5%, đạt mức gần 150 triệu việc làm. Giữa năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến tổng việc làm của Mỹ trở về mức của những năm đầu thế kỷ XXI (khoảng 130 triệu) và chỉ phục hồi vào giữa năm 2022. Tính đến tháng 4-2023, nước Mỹ có khoảng 155 triệu việc làm(10). Như vậy, tỷ lệ tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp của Mỹ trong giai đoạn năm 1960-2000 nhiều hơn hẳn giai đoạn phát triển của AI và tự động hóa hiện nay (những năm 2000 trở đi).

Thứ hai, AI và tự động hóa có thể dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng trong xã hội, đặc biệt là bất bình đẳng thu nhập. Hiện nay, máy móc tự động hóa đang dần hoàn thiện và lần lượt thay thế con người trong các công đoạn sản xuất ở nhiều ngành nghề khác nhau. Hiệu quả kinh tế của việc ứng dụng máy móc trong sản xuất không ngừng được cải thiện và gia tăng mạnh mẽ; việc sử dụng kết hợp máy móc với sự hỗ trợ của con người để sản xuất hàng hóa và dịch vụ đã trở nên rẻ hơn so với việc chỉ sử dụng con người. Hệ quả là số lượng việc làm có xu hướng giảm đi và chất lượng việc làm có xu hướng được cải thiện. Nghĩa là số người có việc làm có thể giảm, nhưng những người tìm được việc thường sẽ có thu nhập cao hơn.

Theo một nghiên cứu, công nghệ tự động hóa là nguyên nhân chính dẫn đến bất bình đẳng thu nhập ở Mỹ trong 40 năm qua(11). Khoảng 50-70% thay đổi về tiền công ở Mỹ từ năm 1980 đến nay có nguyên nhân từ việc người lao động bị thay thế bởi máy móc tự động hóa(12). Những nhà tư bản là người sở hữu các máy móc tự động hóa và AI cũng thu được lợi nhuận lớn, do doanh nghiệp sử dụng các công nghệ này chiếm ưu thế cạnh tranh trên thị trường.

2. Hoài nghi về sự phù hợp của chủ nghĩa tư bản trước sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo và tự động hóa

Trong tương lai, khi AI và tự động hóa phát triển, hoàn thiện hơn nữa, những tác động tiêu cực vốn được gắn nhãn là “những thất bại của thị trường” sẽ càng trở nên trầm trọng hơn, gây nên những hoài nghi về sự phù hợp của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Đơn cử, ngay trong lòng nước Mỹ, một nước tư bản chủ nghĩa được coi là phát triển nhất hiện nay, cũng tồn tại những thất bại của thị trường trong vấn đề nhà ở và y tế, giáo dục. Đối với nhà ở, giá nhà tăng cao trong khi thu nhập thực tế không tăng hoặc tăng chậm, khiến hàng triệu người Mỹ khó khăn trong tiếp cận nhà ở. Giá thuê nhà ở tại các thành phố của Mỹ chiếm tới 40% thu nhập của người dân và gánh nặng này có xu hướng tăng theo thời gian. Tại Mỹ, thế hệ thiên niên kỷ (Gen Y, sinh từ năm 1981-1997) mua nhà muộn hơn và ít hơn so với các thế hệ trước, 37% so với 45% của thế hệ Gen X (sinh năm 1965-1980) và thế hệ Bùng nổ dân số (sinh năm 1846-1964) khi ở độ tuổi tương đương(13). Khi xu hướng này kéo dài, thậm chí còn bị trầm trọng hóa do tác động của AI và tự động hóa, thì đây không chỉ đơn thuần là câu chuyện bong bóng bất động sản mà chính là một cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản đang dần hình thành.

Tương tự, hóa đơn chi tiêu cho y tế được báo cáo là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ phá sản ở Mỹ, khi có tới 62,1% các vụ phá sản là do các khoản chi tiêu về y tế(14). Chi phí cho giáo dục của Mỹ cũng liên tục tăng theo thời gian, khiến cho số người có đủ năng lực tài chính để tiếp cận giáo dục đại học giảm xuống. Nếu như chi phí (bao gồm học phí, lệ phí, tiền ăn ở) để theo học chính quy, toàn thời gian ở một trường đại học tại Mỹ vào năm 1980 là 10.231 USD/năm (đã điều chỉnh theo lạm phát), thì đến năm 2020 tăng lên là 28.775 USD/năm, tương đương với mức tăng 180%(15). Trước áp lực của AI và tự động hóa, nhu cầu giáo dục và đào tạo lại của người dân sẽ còn cao hơn, do đó theo nguyên lý thị trường, chi phí giáo dục sẽ còn tiếp tục tăng.

Chủ nghĩa tư bản vẫn thường được ca ngợi về tính hiệu quả của phân bổ nguồn lực, về phát triển kinh tế và tiến bộ khoa học, công nghệ. Những lợi ích mà nó mang lại đủ để người ta chấp nhận một số thất bại của thị trường đi kèm với chủ nghĩa tư bản. Nhưng khi các thất bại thị trường lan rộng ra nhiều lĩnh vực, ngành, nghề, trở thành phổ biến trong sản xuất xã hội thì nó không còn là thất bại của thị trường nữa, mà là thất bại của một phương thức sản xuất.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của AI và tự động hóa, câu hỏi đặt ra là chủ nghĩa tư bản tạo ra hiệu quả, phát triển và tiến bộ cho ai? Nếu sự tiến bộ chỉ phục vụ một số người và loại trừ hàng tỷ người còn lại, thì đó có thực sự là sự tiến bộ không? Chủ nghĩa tư bản tạo ra bước nhảy vọt về công nghệ, mở ra các cuộc chạy đua vào không gian, trong khi đó trên thế giới vẫn còn hàng trăm triệu người nghèo đói. Nó mở ra những dịch vụ du lịch vào không gian phục vụ cho giới siêu giàu, trong khi phần lớn nhân loại chỉ kiếm vừa đủ tiền để tồn tại(16). Điều này rõ ràng là không phù hợp và cần phải có sự điều chỉnh thích ứng với AI và tự động hóa.

Thực tế, các quốc gia tư bản hiện nay đã có những đề xuất nhất định để thích ứng, thông qua một số mô hình phân phối thu nhập mới, dựa trên (i) thu nhập cơ bản phổ quát, (ii) thuế máy móc và (iii) sở hữu công cộng về máy móc(17). Hiện nay, tính khả thi của những đề xuất này là không cao, vì chúng gặp phải rất nhiều rào cản về mặt chính trị và tài chính, nhưng chúng đã cho thấy những biểu hiện rất gần với một đề xuất về mô hình XHCN.

3. Kết luận

Tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ trong bối cảnh hiện nay đang thu hút nhiều sự quan tâm của giới học thuật về những tác động tiềm năng của AI và tự động hóa. Ngay cả khi AI chưa đạt đến trình độ AGI hoặc ASI, thì tiềm năng ảnh hưởng đến sản xuất và việc làm cũng rất lớn. Tuy vẫn còn những tranh luận về việc liệu AI và tự động hóa có gây nên hiện tượng thất nghiệp hàng loạt hay không, nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng tình rằng, chúng sẽ gây ra rất nhiều vấn đề xã hội cho các nền kinh tế thị trường trên thế giới.

Các thất bại thị trường sẽ trở nên trầm trọng hơn, nổi bật trong đó là vấn đề gia tăng bất bình đẳng thu nhập. Điều này sẽ khiến các chính phủ phải can thiệp để khắc phục các khuyết tật của thị trường, nhất là trong việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ công cộng. Khi hầu hết người dân không thể tiếp cận nhà ở, thì cung ứng nhà ở xã hội phải chuyển thành cung ứng nhà ở đại chúng; khi hầu hết người dân không thể chi trả các dịch vụ y tế, thì hệ thống chăm sóc y tế toàn dân phải được hình thành; khi đa số người dân không thể chi trả cho dịch vụ giáo dục thì giáo dục miễn phí phải trở thành quyền của mỗi công dân. Trong bối cảnh đó, để xã hội có thể tiến bộ thì phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tỏ ra không còn phù hợp.

Có ý kiến cho rằng, sự phát triển của khoa học công nghệ ngày nay đang giúp giảm chi phí cận biên của sản xuất các hàng hóa, dịch vụ xuống gần bằng không. Nếu như việc thuần hóa cây trồng và vật nuôi đã tạo ra cách mạng nông nghiệp, máy móc cơ khí đã tạo ra cách mạng công nghiệp, thì máy tính, AI và tự động hóa ngày nay cũng đang đưa lịch sử nhân loại tiến tới xã hội mà tác giả gọi là “Chủ nghĩa cộng sản xa xỉ hoàn toàn tự động” (FALC)(18). Hay nói cách khác, AI và tự động hóa có thể chính là nhân tố đẩy chủ nghĩa tư bản với tư cách là một hệ thống, tiến tới giới hạn không thể vượt qua của chính nó.

_________________

Ngày nhận: 07-8-2023; Ngày bình duyệt: 9-8-2023; Ngày duyệt đăng: 24-10-2023.

(1) Parasuraman, Raja, Riley, Victor: Humans and Automation: Use, Misuse, Disuse, Abuse, Human Factors,39 (2)-1997, tr. 230-253.

(2) McCarthy: What is artificial intelligence, https://www-formal.stanford.edu/jmc/whatisai.pdf, 12-11-2007.

(3), (4) Dyer-Witheford, Nick, Kjosen, Atle Mikkola, và Steinhoff, James: Inhuman power: Artificial intelligence and the future of capitalism, Pluto Press, London, 2019.

(5) Climate Council:11 countries leading the charge on renewable energy, 15-8-2022.

(6) Reuters:Renewable energy's share of German power use tops 50% in Q1, 28-4-2023.

(7) Vasilis Kostakis vàAndreas Roos: New Technologies Won’t Reduce Scarcity, but Here’s Something That Might, Harvard Business Review,01-6-2018.

(8) Sarah Kessler: Automation anxiety dates back to the late 16th century, World Economic Forum, 02-3-2020

(9) Ford: Rise of the robots: Technology and the threat of a jobless future, NY 10107: Basic Books, New York, 2015, tr. 76.

(10) U.S. Bureau of Labor Statistics, https://www.bls.gov/charts/employment-situation/employment-levels-by-industry.htm, truy cập ngày 08-5-2023.

(11), (12) Acemoglu và Restrepo: Tasks, Automation, and the Rise in U.S. Wage Inequality, Econometrica,90(5)-2022, tr. 1973-2016.

(13) Jung Hyun Choi, Jun Zhu, và Laurie Goodman: The state of millennial homeownership, Urban Institute, 11-7-2018.

(14) Kimberly Amadeo: Medical Bankruptcy and the Economy: Do Medical Bills Really Devastate America's Families?, The Balance, 20-01-2022.

(15) Brianna McGurranvà Alicia Hahn: College Tuition Inflation: Compare The Cost Of College Over Time,Forbes,28-3-2022.

(16) Arwa Mahdawi: Let them eat space! Elon Musk and the race to end world hunger, The Guardian, 02-11-2021.

(17) Nguyễn Thanh Sơn: Một số đề xuất về phân phối thu nhập trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên thế giới hiện nay, Tạp chí Kinh tế và Chính trị Thế giới, số 12(230)-2022, tr.13-22.

(18) Bastani: Fully Automated Luxury Communism: A Manifesto, Brooklyn, NY: Verso, 2019.