Giải quyết mối quan hệ kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong quá trình phát triển
(LLCT) - Quan hệ giữa kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là những mối quan hệ cơ bản, giữ vai trò quan trọng trong đường lối phát triển của mỗi quốc gia. Bài viết phân tích cơ sở lý luận về mối quan hệ giữa kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế trong giải quyết mối quan hệ này ở Việt Nam thời gian qua, trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp cần thực hiện đồng bộ nhằm giải quyết đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ giữa kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại ở nước ta trong thời gian tới. Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp quốc gia “Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại ở Việt Nam trong bối cảnh mới” (Mã số: KX.04.30/21-25).
Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN VĂN BẠO
Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
1. Cơ sở lý luận và chủ trương của Đảng về giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại
Các nhà sáng lập học thuyết Mác - Lênin, khi bàn về kinh tế, bạo lực, quốc phòng, chiến tranh và quân đội đã khẳng định: giữa kinh tế với bạo lực có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, trong đó, bạo lực vừa phụ thuộc vào kinh tế, vừa tác động trở lại với kinh tế; còn kinh tế có vai trò quyết định đối với bạo lực, chiến tranh, quốc phòng.
Ph.Ăngghen chỉ rõ: “thắng lợi của bạo lực dựa vào việc sản xuất vũ khí, và việc sản xuất vũ khí lại dựa vào sản xuất nói chung, do đó lại - dựa vào “lực lượng kinh tế”, vào “tình hình kinh tế”, và những phương tiện vật chất mà bạo lực chi phối được... Không có gì lại phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế hơn là chính ngay quân đội và hạm đội. Vũ trang, biên chế, tổ chức, chiến thuật, chiến lược phụ thuộc trước hết vào trình độ sản xuất đạt được trong một thời điểm nhất định và vào phương tiện giao thông”(1).
Trong khi khẳng định bạo lực phụ thuộc vào kinh tế, các ông còn chỉ rõ vai trò tác động trở lại của bạo lực với kinh tế cả ở góc độ tích cực và tiêu cực. Ở góc độ tích cực, bạo lực tạo môi trường hòa bình, ổn định cho kinh tế - xã hội phát triển. C.Mác cho rằng: “Nói chung, quân đội đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế”(2). Ở góc độ tiêu cực, hoạt động của bạo lực tiêu tốn đáng kể nhân lực, vật lực, tài chính của xã hội, những tiêu dùng này là tiêu dùng “mất đi”, không quay vào tái sản xuất mở rộng; do đó, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế. Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Bạo lực, hiện nay là quân đội và hạm đội, và cả hai - như tất cả chúng ta, đau xót thay, đều biết rõ - “tốn kém nhiều tiền một cách kinh khủng”. Nhưng bạo lực không thể làm ra tiền được... Vậy xét cho cùng thì tiền phải do sản xuất kinh tế làm ra”(3).
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa tinh hoa tư tưởng của dân tộc và nhân loại, Hồ Chí Minh đã chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KTXH) với quốc phòng, an ninh (QPAN) và đối ngoại.
Theo Người, sức mạnh của một quốc gia phải là sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các lĩnh vực, trong đó phát triển kinh tế là nền tảng. Ngay sau khi giành được chính quyền, dân tộc ta phải đối mặt với những thách thức rất lớn: “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm. Trước bối cảnh đó, Hồ Chí Minh chỉ rõ phải tập trung phát triển KTXH, tái thiết đất nước, song không được coi nhẹ QPAN, đối ngoại.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Người chỉ đạo phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kháng chiến và kiến quốc: “Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi”(4).
Về vai trò của kinh tế đối với quốc phòng, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu việc cung cấp lương thực, quần áo, thuốc men, súng ống, đạn dược cho quân đội ngoài mặt trận không làm được đầy đủ, chu đáo, binh sĩ bị hãm vào vòng thiếu thốn, sẽ mất hết tinh thần tác chiến. Trái lại, họ sẽ phấn khởi, họ sẽ hăng hái khi được cấp dưỡng no đủ”(5).
Về mối quan hệ giữa KTXH, QPAN với đối ngoại, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”(6). Thực lực của đất nước chính là sức mạnh của KTXH, QPAN trong nước... tạo nền tảng vật chất, tinh thần, thế, lực vững chắc cho đất nước trong thiết lập, duy trì, phát triển quan hệ đối ngoại. Hồ Chí Minh cho rằng, hoạt động đối ngoại có vai trò to lớn đối với củng cố QPAN, bảo vệ Tổ quốc: “Ngoại giao ai thuận lợi hơn, thì thắng”(7). Theo Người, mở rộng quan hệ đối ngoại nhằm tận dụng ngoại lực, phát huy nội lực để kiến thiết đất nước, song phải có nguyên tắc: “Chúng ta hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác... Nhưng, phải nhắc lại rằng, điều kiện chính vẫn là họ phải thừa nhận nền độc lập của xứ này. Nếu không vậy, thì không thể nói chuyện gì được cả”(8).
Quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải quyết mối quan hệ giữa KTXH với QPAN và đối ngoại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có đường lối, chủ trương lãnh đạo đúng đắn, từ đó giải quyết tốt mối quan hệ này trong từng giai đoạn lịch sử.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng đề ra chủ trương “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”; vừa chiến đấu, vừa tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; vừa thực hiện phát triển kinh tế ở địa phương, vừa tiến hành chiến tranh nhân dân rộng khắp.
Đại hội II của Đảng đã khẳng định: Những nguyên tắc lớn của chính sách kinh tế hiện nay là bảo đảm quyền lợi của công và tư, của tư bản và lao động, tăng gia sản xuất mọi mặt để cung cấp cho nhu cầu kháng chiến và cải thiện dân sinh, đặc biệt là cải thiện đời sống của nhân dân lao động... Những nguyên tắc của chính sách ngoại giao là nước ta và các nước tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ, thống nhất quốc gia của nhau và cùng nhau bảo vệ hòa bình, dân chủ thế giới, chống bọn gây chiến...
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải quyết mối quan hệ giữa KTXH với QPAN và đối ngoại được Đảng chỉ đạo thực hiện ở mỗi miền đất nước với nội dung và hình thức thích hợp. Ở miền Bắc, để bảo vệ chế độ XHCN và xây dựng hậu phương lớn cho miền Nam, Đại hội III của Đảng đề ra chủ trương: “trong xây dựng kinh tế, phải thấu suốt nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, cũng như trong củng cố quốc phòng phải khéo sắp xếp cho ăn khớp với công cuộc xây dựng kinh tế”(9). Ở miền Nam, Đảng chỉ đạo quân và dân ta kết hợp chặt chẽ giữa đánh địch với củng cố mở rộng hậu phương, xây dựng căn cứ địa miền Nam vững mạnh. Đây chính là điều kiện cơ bản bảo đảm cho cách mạng nước ta đi đến thắng lợi.
Trong hoạt động đối ngoại, Đảng chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại với Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN anh em; kết hợp sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế tạo sức mạnh tổng hợp để đánh thắng kẻ thù.
Thời kỳ trước đổi mới (1976 - 1986), giải quyết mối quan hệ giữa KTXH với QPAN và đối ngoại được Đảng chỉ đạo và thực hiện trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Đại hội IV của Đảng chủ trương: “kết hợp kinh tế với quốc phòng, tăng cường nền quốc phòng toàn dân”(10); và khẳng định, chỉ có như vậy mới “bảo đảm cho đất nước luôn luôn sẵn sàng, có đủ sức mạnh đánh thắng kẻ thù trong bất cứ tình huống nào”(11).
Đến Đại hội V của Đảng, vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa KTXH với QPAN và đối ngoại tiếp tục được cụ thể hóa. Đại hội xác định: “Kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế theo một phương hướng cơ bản, lâu dài, đồng thời có dự kiến trước để kịp điều chỉnh cho phù hợp khi xảy ra biến động bảo đảm đánh thắng quân thù”(12); đồng thời “huy động năng lực công nghiệp quốc phòng tham gia những hoạt động kinh tế thích hợp và sử dụng một bộ phận lực lượng đảm nhận xây dựng một số công trình”(13).
Từ khi đổi mới đến nay, nhận thức của Đảng về mối quan hệ giữa KTXH với QPAN và đối ngoại ngày càng được mở rộng và hoàn thiện. Nếu như trước Đại hội VI, Đảng chú trọng nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa 2 yếu tố: kinh tế và quốc phòng, thì đến Đại hội VI là 3 yếu tố: kinh tế, quốc phòng, an ninh; đến Đại hội VIII là 4 yếu tố: kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và từ Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX là 5 yếu tố: kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại: Phối hợp chặt chẽ hoạt động quốc phòng và an ninh với hoạt động đối ngoại; đồng thời kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”(14).
Như vậy, Đảng đã nhận thức ngày càng sâu sắc những vấn đề cơ bản trên phương diện lý luận và thực tiễn về mối quan hệ giữa KTXH với QPAN và đối ngoại. Đảng thấy rõ bản chất của mối quan hệ này là sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố trong một chỉnh thể thống nhất để tạo sức mạnh tổng hợp cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thấy được vai trò, vị trí của từng lĩnh vực, trong đó, phát triển kinh tế là trọng tâm; củng cố, tăng cường QPAN là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên để bảo vệ Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình ổn định cho phát triển KTXH và hoạt động đối ngoại; mở rộng đối ngoại để tận dụng ngoại lực, phát huy nội lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, xây dựng phải luôn gắn với bảo vệ; chủ động mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế phải bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết và trước hết, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; phát triển kinh tế phải tạo cơ sở để tăng cường QPAN; tăng cường QPAN phải tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KTXH.
2. Thực tiễn giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại ở Việt Nam thời gian qua
Trên cơ sở nhận thức ngày càng đầy đủ về mối quan hệ giữa KTXH với QPAN và đối ngoại, việc giải quyết mối quan hệ này ở nước ta đã đạt được những kết quả nhất định. Trước hết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành giải quyết mối quan hệ giữa KTXH với QPAN và đối ngoại được thực hiện hiệu quả. Trên cơ sở nắm vững tình hình thế giới, khu vực và trong nước, Đảng đã kịp thời đề ra chủ trương, quan điểm và chỉ đạo giải quyết tốt mối quan hệ giữa KTXH với QPAN và đối ngoại được ghi trong Hiến pháp; Nhà nước cụ thể hóa thành pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện. Cụ thể:
Điều 68, Hiến pháp năm 2013 chỉ rõ: “Kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh”(15). Nhà nước đã ban hành các luật như: Luật An ninh quốc gia năm 2004; Luật Quốc phòng năm 2005, sửa đổi năm 2018; Luật Biên giới quốc gia năm 2005; Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh năm 2013; Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; Luật Điều ước quốc tế năm 2016; Luật Công an năm 2018; Luật Dân quân tự vệ năm 2019; Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020... Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI và XII đã ban hành Pháp lệnh Động viên công nghiệp (tháng 9-2003); Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng (tháng 01-2008)...
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, quyết định như: Nghị định 168/2018/NĐ-CP ngày 28-12-2018 về “Công tác quốc phòng ở bộ, ngành, Trung ương, địa phương”; Nghị định số 164/2018/NĐ-CP ngày 21-12-2018 về “Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng”; Nghị định số 01/2019 ngày 01-01-2019 về “Tổ chức xây dựng kế hoạch và biện pháp thực hiện động viên quốc phòng”; Nghị định số 02/2019 ngày 02-01-2019 về “Phòng thủ dân sự”...; Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31-7-1998 về “Xây dựng khu kinh tế - quốc phòng”; Quyết định số 277/2000/QĐ-TTg ngày 31-3-2000 phê duyệt “Đề án tổng thể quân đội tham gia xây dựng phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa gắn với xây dựng quốc phòng - an ninh trên địa bàn chiến lược biên giới, ven biển”; Quyết định số 1391/QĐ-TTg ngày 09-8-2010 về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể xây dựng và phát triển các khu kinh tế - quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”... Đây là những văn bản pháp quy tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện kết hợp phát triển KTXH với QPAN và đối ngoại để giải quyết tốt mối quan hệ giữa các lĩnh vực KTXH với QPAN và đối ngoại ở nước ta.
Quá trình giải quyết mối quan hệ giữa KTXH với QPAN và đối ngoại đã được quán triệt và triển khai thực hiện ở tất cả các cấp, các ngành và bước đầu đạt hiệu quả tốt, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội XI của Đảng khẳng định: phát triển KTXH gắn với tăng cường, QPAN và hoạt động đối ngoại đã tạo được sức mạnh tổng hợp để “Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”(16).
Trong quá trình thực hiện đã có sự phối hợp, gắn kết, đồng thuận giữa các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao cùng các bên liên quan. Đặc biệt, đã quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ này trên từng vùng lãnh thổ, các lĩnh vực và ngành KTXH; trong đó, chú trọng gắn chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên vùng biển, đảo; gắn xây dựng các dự án kinh tế trọng điểm quốc gia, các khu kinh tế mở, khu chế xuất tập trung với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) trên phạm vi cả nước. Chú trọng nâng cao hiệu quả các chương trình KTXH ở vùng sâu, vùng xa trên cơ sở xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, quốc phòng - kinh tế do Bộ Quốc phòng chỉ đạo thực hiện.
Bên cạnh những kết quả trên, trong giải quyết mối quan hệ giữa KTXH với QPAN và đối ngoại còn một số hạn chế: Nhận thức về mối quan hệ giữa KTXH với QPAN và đối ngoại ở một số cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ; còn có hiện tượng coi trọng kinh tế, xem nhẹ QPAN; đề cao lợi ích kinh tế, để lợi ích kinh tế lấn át lợi ích QPAN. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Việc kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh ở một số địa phương, đơn vị thiếu hiệu quả, còn biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác, nặng về lợi ích kinh tế đơn thuần, trước mắt”(17).
Cơ chế hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành giải quyết mối quan hệ giữa KTXH với QPAN và đối ngoại thiếu chặt chẽ, vận hành còn lúng túng; nội dung, phương thức thực hiện chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế thị trường. Việc tổ chức triển khai thực hiện mối quan hệ giữa KTXH với QPAN và đối ngoại ở một số ngành, lĩnh vực và địa phương còn chưa chủ động, tích cực và thiếu tính đồng bộ. Chưa có cơ chế phối hợp rõ ràng, chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành trong phê duyệt, ký kết các dự án đầu tư nước ngoài, do đó một số chương trình, dự án sau khi xây dựng xong đã ảnh hưởng không nhỏ đến thế trận QPAN và lợi ích quốc gia. Một số địa phương cố tình làm sai các hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chức năng và cơ quan cấp trên trong kết hợp phát KTXH với QPAN và đối ngoại.
3. Giải pháp giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại thời gian tới
Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về mối quan hệ giữa KTXH với QPAN và đối ngoại trong tình hình mới
Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trước hết là cán bộ, đảng viên về sự cần thiết phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa KTXH với QPAN và đối ngoại trong quá trình phát triển đất nước; về tính tất yếu khách quan phải kết hợp phát triển KTXH với QPAN và đối ngoại.
Trong điều kiện mới, cần thường xuyên quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, quan điểm của Đảng về kết hợp phát triển KTXH với QPAN và đối ngoại trong từng ngành, lĩnh vực, từng địa bàn và cả nước. Đồng thời, đẩy mạnh việc bồi dưỡng kiến thức toàn diện cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp về lý luận chính trị, năng lực quản lý kinh tế và kiến thức về QPAN, đối ngoại; nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thực hiện kết hợp phát triển KTXH với QPAN và đối ngoại.
Nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức QPAN; lựa chọn nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục phù hợp với các đối tượng; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện truyền thông trong tuyên truyền, giáo dục.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đồng thời phát huy vai trò của nhân dân trong giải quyết mối quan hệ giữa KTXH với QPAN và đối ngoại
Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước trong thực hiện kết hợp phát triển KTXH với QPAN và đối ngoại. Trên cơ sở nắm vững tình hình thế giới, trong nước, Đảng định ra đường lối đúng đắn, Nhà nước cụ thể hóa thành các văn bản luật, pháp lệnh, nghị định, chỉ thị, thông tư..., bảo đảm quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Ban hành và duy trì nghiêm các quy chế, quy định mới về việc phối hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương, đặc biệt là giữa quân đội, công an và ngoại giao trong thực hiện kết hợp KTXH với QPAN và đối ngoại.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước trong kết hợp phát triển KTXH với QPAN và đối ngoại. Thực hiện thắng lợi chiến lược KTXH, chiến lược bảo vệ Tổ quốc và các chiến lược khác phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, không để rơi vào thế bị động, bất ngờ.
Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện về nội dung, hình thức, biện pháp kết hợp đấu tranh QPAN và đối ngoại trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chủ động phát hiện, kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng, hành động sai trái, thù địch, xuyên tạc, hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với việc giải quyết mối quan hệ giữa KTXH với QPAN và đối ngoại.
Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân thông qua thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong kết hợp KTXH với QPAN và đối ngoại.
Ba là, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức; nâng cao tiềm lực kinh tế; tăng cường tiềm lực QPAN, đối ngoại bảo vệ Tổ quốc
Thực hiện đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH, gắn với phát triển kinh tế tri thức; qua đó, tăng cường tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự, QPAN, đối ngoại bảo vệ Tổ quốc.
Đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư phát triển mạnh kết cấu hạ tầng KTXH, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin; tạo điều kiện phát triển kinh tế số.
Song song với phát triển KTXH, phải không ngừng chăm lo củng cố, tăng cường sức mạnh QPAN để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; giải quyết tốt các vấn đề xã hội để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Bốn là, tích cực, chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại sâu rộng với các nước, các tổ chức quốc tế; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế
Tích cực, chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại sâu rộng với các nước, các tổ chức quốc tế trên tinh thần Việt Nam “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Tiếp tục xây dựng lòng tin chiến lược với các nước, ưu tiên quan hệ, hợp tác quốc phòng với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước ASEAN và các nước bạn bè truyền thống; đồng thời, mở rộng quan hệ, hợp tác với các nước có tiềm năng, thúc đẩy quan hệ với các đối tác lớn, đối tác quan trọng... Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về QPAN trong khuôn khổ ASEAN và do ASEAN giữ vai trò chủ đạo; tham gia tích cực, hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; nghiên cứu tham gia một số hoạt động diễn tập về an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác như tìm kiếm, cứu nạn, cứu trợ thảm họa, xử lý bom mìn, chất độc hóa học...
Kết hợp các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân; phối hợp đối ngoại trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao, quân sự, QPAN để tạo sức mạnh tổng hợp, tận dụng ngoại lực, phát huy nội lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện tốt phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong giải quyết các vấn đề đối ngoại; lấy lợi ích quốc gia - dân tộc là mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Coi trọng kết hợp phát triển KTXH với củng cố QPAN trong hoạt động kinh tế đối ngoại. Đánh giá đúng đối tác, đối tượng, kết hợp chặt chẽ giữa hợp tác và đấu tranh trên từng lĩnh vực; giải quyết thành công mối quan hệ giữa mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại với tạo lập thế trận QPAN, đẩy lùi nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển.
Năm là, nâng cao tinh thần yêu nước và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
Tinh thần yêu nước và đoàn kết của nhân dân là một động lực vô cùng to lớn, tạo nên sức mạnh giúp dân tộc Việt Nam tồn tại và phát triển, vượt qua qua những thử thách cam go, khốc liệt song hào hùng của lịch sử. Tuy nhiên, trước những biến động lớn của thời cuộc hiện nay, đòi hỏi tinh thần yêu nước phải được phát huy, duy trì, củng cố và nâng lên tầm cao mới.
Đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực chủ yếu, nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, cần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Lấy lợi ích chung của quốc gia, dân tộc và quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động làm mục đích của cách mạng. Tích cực đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tích cực, tự giác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Kết hợp phát triển KTXH với QPAN và đối ngoại là yêu cầu khách quan đối. Để thực hiện hiệu quả quá trình đó, trước bối cảnh mới, đòi hỏi phải nhận thức đúng đắn, thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết tốt mối quan hệ giữa KTXH với QPAN và đối ngoại, góp phần bảo đảm đất nước phát triển nhanh và bền vững, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ngày nhận bài: 11-9-2023; Ngày bình duyệt: 08-10-2023; Ngày duyệt đăng: 18-10-2023.
(1), (3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.235, 235.
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.29, Sđd, tr.246
(4), (5), (6), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.114, 296, 147, 86.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Sđd, tr.559.
(9) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.535
(10) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.37, Sđd, tr.1002
(11), (12), (13) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.43, Sđd, tr.54, 76, 76-77.
(14), (17) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.157, 88.
(15) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
(16) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.137.