Quốc tế

Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên Đại học Quốc gia Lào

15/07/2024 19:00

(LLCT) - Đội ngũ giảng viên đại học là lực lượng nòng cốt biến mục tiêu giáo dục thành hiện thực, giữ vai trò quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục của từng trường. Hiện nay, đội ngũ giảng viên Đại học Quốc gia Lào cơ bản đã có đủ số lượng, cơ cấu tương đối hợp lý, chất lượng về chính trị, đạo đức, trình độ và năng lực được bảo đảm. Tuy nhiên, so với yêu cầu, chất lượng của đội ngũ này còn nhiều hạn chế, bất cập. Bài viết phân tích thực trạng chất lượng và đề xuất các giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên Đại học Quốc gia Lào trong những năm tới.

SOUPHAPHONE KHAMSINH
NCS Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chi Minh

Đoàn công tác Đại học Quốc gia Lào đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Sư Phạm – Đại học Đà Nẵng _ Ảnh: ued.edn.vn

1. Mở đầu

Là trường đại học hàng đầu, lớn nhất của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Đại học Quốc gia Lào có đội ngũ giảng viên đông đảo thuộc nhiều chuyên ngành, trình độ, lứa tuổi, nguồn đào tạo khác nhau. Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo các cấp trong trường và sự nỗ lực của bản thân các giảng viên, chất lượng đội ngũ giảng viên của trường không ngừng được nâng cao. Tuy vậy, xu thế đổi mới giáo dục trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bùng nổ thông tin toàn cầu và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đại học mà Đảng và Nhà nước Lào đã xác định đặt ra những yêu cầu mới cao hơn về phẩm chất và năng lực của đội ngũ này. Đánh giá đúng chất lượng đội ngũ giảng viên về cả số lượng, cơ cấu đội ngũ và chất lượng của các giảng viên là cơ sở quan trọng để đề ra phương hướng, hệ thống giải pháp phù hợp tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên Đại học Quốc gia Lào trong những năm tới.

2. Thực trạng chất lượng đội ngũ giảng viên Đại học Quốc gia Lào

Đại học Quốc gia Lào được thành lập năm 1996 trên cơ sở các trường đại học, cao đẳng khác ở thời điểm đó. Đây là đại học quốc gia duy nhất của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Đại học Quốc gia Lào có các trường, khoa: Trường nghiên cứu cơ bản, Khoa học, Kỹ thuật công trình, Nông nghiệp, Y khoa, Văn khoa, Sư phạm, Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Kiến trúc, Luật và Khoa học chính trị, Lâm nghiệp, Khoa học xã hội, Trung tâm phát triển môi trường…

Chất lượng đội ngũ giảng viên Đại học Quốc gia Lào có các ưu điểm nổi bật sau:

Về số lượng: năm 2016, tổng số cán bộ, giảng viên, công nhân viên toàn Đại học Quốc gia Lào là 1.938 người, trong đó là nữ 846 người. Đến năm 2023, tổng số cán bộ, giảng viên, nhân viên toàn Đại học Quốc gia là 1.728 người, trong đó nữ là 825 người, đội ngũ giảng viên là 1.418 người (nữ là 636 người); 1.612 đảng viên (nữ là 724 người). Như vậy, tỷ lệ giảng viên so với tổng số cán bộ, giảng viên, công nhân viên ở Đảng bộ Đại học Quốc gia Lào đạt 82,06%.

Về cơ cấu giới tính: Số lượng giảng viên nữ và nam tương đối cân đối. Hiện nay, giảng viên nữ chiếm tỷ lệ 45,0% trong tổng số giảng viên; năm 2016, giảng viên nữ chiếm 44,9% trong tổng số giảng viên.

Về cơ cấu độ tuổi: Trong những năm gần đây, tỷ lệ giảng viên trẻ ở Đại học Quốc gia Lào có xu hướng tăng lên, chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng số đội ngũ giảng viên. Năm học 2022 - 2023, số giảng viên ở độ tuổi 25 đến 35 chiếm 22,42%, độ tuổi từ 40 đến 49 chiếm 30,46%; độ tuổi từ 50 đến 59 chiếm 28,34%; độ tuổi từ 60 trở lên chỉ chiếm 15,9%. Giảng viên dưới 40 tuổi là lực lượng đang trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, tham gia trợ giảng; giảng viên ở độ tuổi 40-49 đã đảm nhận được một số công việc, có một số là giảng viên chủ lực trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học; giảng viên ở độ tuổi 50-59 là lực lượng nòng cốt trong nghiên cứu, giảng dạy và đảm nhận công tác lãnh đạo, quản lý; số giảng viên từ 60 tuổi trở lên là những người chuẩn bị nghỉ hưu; một số tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học với tư cách là giảng viên mời.

Về cơ cấu trình độ: Tất cả giảng viên ở Đại học Quốc gia Lào đều có trình độ học vấn tốt nghiệp đại học trở lên ở trong nước và nước ngoài. Năm 2019, giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm 8,86%, thạc sĩ chiếm 52,8%, trình độ đại học chiếm 38,2%. Năm học 2019 - 2020, trong tổng số 1.763 giảng viên có 164 tiến sĩ (chiếm 9,30%), 970 thạc sĩ (chiếm 55,02%), 629 có trình độ đại học là 629 người (chiếm 35,60).

Năm học 2020 - 2021, trong tổng số 1.749 giảng viên có 176 tiến sĩ (chiếm 10,06%), 968 thạc sĩ (chiếm 55,30%), 605 có trình độ đại học (chiếm 34,5%). Trong năm học 2021 - 2022, trong tổng số 1.728 giảng viên có 181 tiến sĩ (chiếm 10,47%), 962 thạc sĩ (chiếm 55,67%), 585 có trình độ đại học (chiếm 33,85%). Năm học 2022 - 2023, trong tổng số 1.418 giảng viên có 168 tiến sĩ (chiếm 11,84%), 841 thạc sĩ (chiếm 59,30%) và 409 có trình độ đại học (chiếm 28,84%).

Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống: Tuyệt đại đa số giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Đảng, với Tổ quốc; nỗ lực phấn đấu, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc; có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, thể hiện nếp sống văn hóa trong nhà trường và trong xã hội.

Về năng lực giảng dạy: Đội ngũ giảng viên ở Đại học Quốc gia Lào bám sát phương châm “hướng về người học, lấy người học làm trung tâm”, chất lượng công tác giảng dạy được giữ vững và không ngừng nâng lên, kỹ năng giảng dạy của giảng viên được nâng cao, tăng cường tương tác, trao đổi giữa giảng viên với người học, từng bước khắc phục tình trạng truyền đạt một chiều, người học tiếp thu một cách thụ động. Đại đa số giảng viên đã quán triệt và thực hiện tốt kế hoạch bài giảng, đủ khả năng hướng dẫn học tập cho các đối tượng khác nhau theo sự phân công của khoa, bộ môn, đúng quy chế đào tạo; thường xuyên nắm chắc nguyên tắc, làm chủ nội dung, vận dụng khá thành thạo các kỹ năng giảng dạy. Đồng thời, đội ngũ giảng viên tích cực nghiên cứu, đầu tư trí tuệ biên soạn giáo án, bài giảng theo phương pháp mới. Nhiều giảng viên có kỹ năng sư phạm, thực hiện tốt vai trò định hướng tư duy cho người học. Đa số giảng viên đã áp dụng phương pháp dạy học tích cực, duy trì đúng giờ giảng, bài giảng, thảo luận, thích ứng linh hoạt với điều kiện phòng, chống các dịch bệnh. Đại đa số giảng viên sử dụng có hiệu quả các trang, thiết bị thông minh, thiết kế giáo án điện tử.

Về năng lực nghiên cứu khoa học: Hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên đã được chú trọng, đóng góp quan trọng trong việc nâng cao trình độ khoa học của giảng viên, có tác dụng tích cực trong nâng cao chất lượng đào tạo, tham gia tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, khẳng định “vị thế” của cơ sở giáo dục quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Nghiên cứu khoa học đã trở thành nhiệm vụ chính trị đối với giảng viên, là tiêu chí hàng đầu để đánh giá giảng viên.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên Đại học Quốc Lào phát triển theo cả hai hướng: Nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu khoa học ứng dụng; trong đó đi sâu nghiên cứu các vấn đề: giải quyết các nội dung liên quan đến cơ chế quản lý; phát triển nền kinh tế quốc dân; nghiên cứu về phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp; bảo vệ và phát triển động vật; phát triển du lịch; cải cách hành chính nhà nước; đấu tranh phòng, chống tiêu cực trong xã hội; nâng cao chất lượng việc học tập và giảng dạy của Đại học Quốc gia Lào.

Năm 2023, số nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên Đại học Quốc Lào đã được phê duyệt là 611 dự án, trong đó kinh phí đầu tư của nước ngoài chiếm 25%, Nhà nước đầu tư 75%. Đã có 269 bài viết đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước, trong đó 33% đăng trên tạp chí nước ngoài và 67% đăng trên tạp chí trong nước; 530 tham luận khoa học, trong đó 40% là tham luận tại các hội thảo khoa học quốc tế và 60% tham luận tại hội thảo khoa học trong nước. Các giảng viên đã hoàn thành việc biên soạn 9.539 giáo trình, tập tài liệu phục vụ việc học tập và giảng dạy.

Nhìn chung, Đảng ủy, Ban Giám đốc Đại học Quốc gia Lào luôn nhận thức đúng về vị trí, vai trò của đội ngũ giảng viên; quán triệt nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, chỉ thị, đề án về chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo, chiến lược cán bộ, thực hiện đúng quan điểm, nguyên tắc và quy trình của công tác cán bộ, đồng thời đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên không ngừng nâng cao về chất lượng chuyên môn; đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, có nhiều biện pháp cụ thể thực hiện tốt quá trình tuyển chọn giảng viên từ các đơn vị, nhà trường, luân chuyển trong nội bộ và mời giảng viên thỉnh giảng nhằm khắc phục sự thiếu hụt về số lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Các đơn vị trực thuộc Đại học Quốc gia Lào đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 102/NQ-ĐUBGD của Đảng ủy Bộ Giáo dục và Thể thao về công tác giáo dục và đào tạo trong tình hình mới và chiến lược phát tiển giáo dục và đào tạo trong giáo dục đại học giai đoạn tới. Đặc biệt, Đại học Quốc gia Lào đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục tình trạng thiếu cán bộ, giảng viên kéo dài, từng bước giải quyết số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; các đơn vị trực thuộc đã tích cực tạo nguồn, tuyển chọn giảng viên, đặc biệt đã chủ động đào tạo, bồi dưỡng, tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu về số lượng, khắc phục một bước sự bất cập về cơ cấu đội ngũ, kết hợp chuẩn hóa chức danh giảng viên.

Bên cạnh những ưu điểm, chất lượng đội ngũ giảng viên Đại học Quốc gia Lào còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Về số lượng: Từ năm 2019 đến năm 2023, số lượng giảng viên ở Đại học Quốc gia Lào có xu hướng giảm: từ 1.804 người xuống còn 1.418 người.

Về cơ cấu trình độ: Trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên còn chưa cao, nhiều giảng viên chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định (thạc sĩ trở lên).

Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống: Một bộ phận giảng viên có biểu hiện suy giảm niềm tin vào sự phát triển của đất nước và sự quản lý của Nhà nước; chưa thật vững vàng, kiên định về tư tưởng và tích cực đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc chống phá cách mạng Lào, chống phá đường lối đổi mới của Đảng Nhân dân cách mạng Lào của các thế lực thù địch; giảm sút ý chí phấn đấu vươn lên và phấn đấu vào Đảng, nhất là các giảng viên nữ; chưa thật sự gương mẫu về đạo đức, lối sống.

Về năng lực giảng dạy: Phần đông giảng viên trẻ chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ kiến thức, kỹ năng sư phạm và do đó chưa thực sự tự tin để giảng bài. Một số giảng viên chưa đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy, vẫn giảng bài theo phương pháp truyền thống, ít tương tác với sinh viên.

Về năng lực nghiên cứu khoa học: Nhìn chung, số lượng các công trình nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên còn ít, chất lượng chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng. Có khá nhiều giảng viên tiến sĩ hoặc tham gia giảng dạy lâu năm, nhưng số công trình nghiên cứu được công bố còn tương xứng, thậm chí có người chưa thực hiện được một công trình khoa học nào. Nhiều giảng viên chỉ chú trọng công việc giảng dạy, chưa dành thời gian thích đáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học; chưa tích cực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, công nghệ thông tin để phục vụ nghiên cứu khoa học; nhận thức của một số giảng viên về vai trò và lợi ích của nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy chưa đầy đủ, còn coi việc nghiên cứu khoa học chỉ để đáp ứng yêu cầu định mức công việc; v.v..

3. Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ở Đại học Quốc gia Lào

Trong những năm tới, Đại học Quốc gia Lào sẽ tiếp tục đa dạng hóa hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, mở nhiều lớp học, khóa học, với thời gian ngắn hạn, dài hạn khác nhau, mở rộng hợp tác quốc tế. Nhiệm vụ đặt ra yêu cầu quan tâm hơn nữa về bảo đảm đủ số lượng và nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế.

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, lãnh đạo các cấp đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên

Trên cơ sở quán triệt các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục và đào tạo trong tình hình mới, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ giảng viên, Đảng ủy, Ban Giám đốc Đại học Quốc gia Lào đề ra các chủ trương, biện pháp xây dựng, nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ giảng viên, sớm khắc phục những hạn chế của đội ngũ này.

Cấp ủy, lãnh đạo các cấp cần chủ động, sáng tạo trong cụ thể hóa và chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo, công tác cán bộ. Cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng, tính cấp bách của công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng với nội dung thích hợp, phương pháp đa dạng, có tính thuyết phục, tính chiến đấu cao, phù hợp với tư tưởng, trình độ của giảng viên, đảng viên.

Thực hiện tốt công tác quản lý đảng viên và đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong đội ngũ giảng viên theo phương châm coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, nhất là đối với giảng viên nữ, giảng viên trẻ. Kịp thời kiện toàn, củng cố bộ máy tổ chức, bổ sung cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thiếu, khi có thay đổi nhân sự. Làm tốt công tác phân tích, đánh giá chất lượng giảng viên gắn với đánh giá chất lượng chi bộ, đơn vị; đánh giá dựa trên các tiêu chí, kết quả công tác cụ thể, chỉ rõ được nguyên nhân để có hướng khắc phục kịp thời các hạn chế, khuyết điểm. Nâng cao chất lượng sinh hoạt của các cấp ủy, chi bộ, đơn vị; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt, tránh hình thức, chiếu lệ, nể nang.

Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương những giảng viên có thành tích xuất sắc và chấn chỉnh, xử lý kỷ luật những giảng viên vi phạm, tạo ra bầu không khí sôi nổi, đoàn kết trong nội bộ. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, gắn kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra của chuyên môn.

Hai là, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ giảng viên

Để nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học và hoàn thành tốt vai trò, chức năng của Đại học Quốc gia Lào, vấn đề then chốt nhất là đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và trình độ, năng lực chuyên môn. Đối tượng cần được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng là các giảng viên trẻ chưa qua cao học và các trưởng khoa, trưởng bộ môn chưa có bằng tiến sĩ. Cần thấy rằng, tuy đã rất cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhưng tình trạng giảng viên, cán bộ quản lý các đơn vị giảng dạy chưa đạt chuẩn theo quy định đối với cương vị của mình cần sớm được khắc phục. Lãnh đạo các cấp cần bố trí hợp lý công việc chuyên môn, sắp xếp thời gian, hỗ trợ các giảng viên trẻ, các giảng viên chưa đạt chuẩn được đi đào tạo đạt trình độ chuẩn theo đúng quy định. Đối với các giảng viên đã qua đào tạo cơ bản, cần tăng cường bồi dưỡng một cách toàn diện, cập nhật.

Chú trọng bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng sư phạm, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên. Giảng viên đại học vừa là nhà khoa học vừa là nhà giáo. Vì thế, họ cần có kiến thức và năng lực sư phạm tốt, vừa để giảng dạy tốt, vừa để nâng cao chất lượng dạy học. Cần bồi dưỡng cho giảng viên các kiến thức về phương pháp dạy học tích cực, tiên tiến, tăng cường gợi mở, hướng dẫn sinh viên tự học, có thể sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực. Việc bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giảng viên cần tiến hành thường xuyên, nhiều đợt, nhiều cấp độ, bằng nhiều hình thức, với sự quan tâm và chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo các cấp.

Quan tâm bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên. Giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ trọng tâm của người giáo viên, có quan hệ song hành và tương hỗ nhau. Các giảng viên cần được bồi dưỡng năng lực và phương pháp nghiên cứu khoa học phục vụ việc nâng cao chất lượng đào tạo và tham gia giải quyết các vấn đề cụ thể trong thực tiễn đất nước, từ việc lựa chọn vấn đề nghiên cứu đến xây dựng và thuyết minh đề tài, tổ chức nhóm nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan và các địa phương trong khảo sát thực tế, công bố kết quả nghiên cứu. Về phương diện tổ chức, cần có cơ chế vừa khuyến khích, vừa bắt buộc giảng viên làm công tác nghiên cứu khoa học.

Chú trọng bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin cho đội ngũ giảng viên để họ có thể sử dụng thành thạo máy tính vào các công việc như: sử dụng các phần mềm dạy học, sử dụng mạng internet để cập nhật nội dung dạy học, dạy học qua mạng, trao đổi thông tin giữa các đồng nghiệp trong trường, ngoài trường và nước ngoài, giữa giảng viên và sinh viên, quản lý việc học của sinh viên. Năng lực này không thể đánh giá bằng chứng chỉ tin học, mà phải trên thực tế giảng dạy và nghiên cứu khoa học của từng giảng viên.

Ba là, tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên đầu đàn

Giảng viên đầu đàn có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và trong dìu dắt, giúp đỡ các giảng viên trẻ. Trước hết, cần kịp thời phát hiện các giảng viên có khả năng bồi dưỡng trở thành giảng viên đầu đàn của từng khoa và tổ bộ môn. Cũng cần nhìn nhận rằng, không phải các giảng viên có trình độ tiến sĩ nghiễm nhiên là cán bộ đầu đàn. Thực tế cho thấy, nhiều giảng viên có trình độ tiến sĩ công tác ở trường nhiều năm nhưng vẫn chưa phải là cán bộ khoa học uy tín của chuyên ngành, chưa có nhiều đóng góp cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên trẻ kế cận. Để giúp giảng viên có triển vọng trở thành đầu đàn, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của bản thân từng giảng viên, cần xây dựng môi trường làm việc khoa học, khuyến khích nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo và sự phát triển mọi mặt của đất nước, sự giao lưu khoa học với các nhà khoa học trong và ngoài nước thông qua các hội nghị, hội thảo hoặc hợp tác làm việc…

Bốn là, phát huy vai trò chủ động, tích cực phấn dấu, rèn luyện của từng giảng viên

Thực tế cho thấy, trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, sự tự giác rèn luyện, phấn đấu vươn lên về mọi mặt của mỗi giảng viên đóng vai trò quyết định. Các giảng viên cần nhìn nhận đúng về ưu điểm và hạn chế của mình để có kế hoạch phấn đấu, không thỏa mãn với trình độ, năng lực hiện có. Các giảng viên trẻ, chưa đạt chuẩn đương nhiên phải phấn đấu mạnh mẽ; ngay cả các giảng viên đã có học hàm, học vị vẫn phải không ngừng phấn đấu để theo kịp sự phát triển chung của khoa học, không bị tụt hậu. Điều quan trọng là mỗi giảng viên tìm ra biện pháp để khắc phục những khó khăn, trở ngại trong công việc và trong cuộc sống; tập thể, đồng nghiệp cần động viên, hỗ trợ kịp thời cả về tinh thần và vật chất giúp giảng viên vượt qua được các khó khăn, trở ngại, nuôi dưỡng được ý chí phấn đấu vươn lên không ngừng.

Năm là, cải tiến chế độ, chính sách đối với giảng viên

Để tăng thêm số lượng, điều chỉnh cơ cấu chuyên môn của giảng viên ở các đơn vị, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, Đại học Quốc gia Lào rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan trung ương. Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Thể thao nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là về cơ chế quản lý, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo và các nhà quản lý giáo dục đại học, đủ sức thu hút giảng viên giỏi được đào tạo ở trong nước và các trường đại học danh tiếng của nước ngoài về công tác tại Đại học Quốc gia Lào; tạo điều kiện để giảng viên Đại học Quốc gia Lào được giao lưu, bồi dưỡng, hợp tác với các cơ sở đào tạo đại học, viện nghiên cứu của nước ngoài.

4. Kết luận

Nhìn tổng thể, chất lượng đội ngũ giảng viên Đại học Quốc gia Lào cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhưng cũng còn có những hạn chế nhất định, nhất là về số lượng, trình độ, năng lực chuyên môn trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ này cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trọng tâm là đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ giảng viên, với quyết tâm chính trị cao và sự tham gia tích cực của các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và sự nỗ lực phấn đấu của tất cả các giảng viên.

_________________

Ngày nhận bài: 14-6-2024; Ngày bình duyệt: 20-6-2024; Ngày duyệt đăng: 15-7-2024.

Tài liệu tham khảo

  1. Đại hội Đảng bộ Đại học Quốc gia Lào lần thứ V, 2021.
  2. Đại học Quốc gia Lào: Bài tổng kết đánh giá từ việc hoạt động năm học 2021-2022.
  3. Đại học Quốc gia Lào: Bài tổng kết đánh giá từ việc hoạt động năm học 2022-2023.
  4. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Nxb Chính trị Quốc gia Lào, 2021.
  5. Trần Bá Hoành: Vấn đề giáo viên, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội (in lần thứ hai), 2010.
  6. Bùi Minh Hiền: Quản lý và lãnh đạo nhà trường, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, 2020.
  7. Nguyễn Lăng Bình (chủ biên): Dạy và học tích cực - Một số phương pháp và kỹ thuật dạy học, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, 2022.
  8. Nghị quyết số 102/NQ-ĐUBGD của Đảng ủy Bộ Giáo dục và Thể thao về công tác giáo dục - đào tạo trong giai đoạn mới và chiến lược phát tiển giáo dục - đào tạo trong giáo dục đại học giai đoạn 2021-2025.