Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống

Phát huy tính năng động, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung của cán bộ

16/07/2024 15:10

(LLCT) - Phát huy tính năng động, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao đang là yêu cầu có tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Bài viết phân tích, làm sáng tỏ sự cần thiết và đề xuất giải pháp phát huy tính năng động, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung của cán bộ trong thời gian tới.

TS BIỀN QUỐC THẮNG
Học viện Chính trị khu vực II

Phát huy tính năng động, sáng tạo, dám đột phá của cán bộ được coi là yêu cầu cấp thiết để hoàn thành các mục tiêu mà Đảng ta đã đề ra_ Ảnh: lsvn.vn

1. Mở đầu

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”­­­(1). Thật vậy, cán bộ là nhân tố quan trọng, quyết định nhất đến sự thành bại của mọi phong trào cách mạng. Cán bộ năng động, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung sẽ thúc đẩy phong trào cánh mạng đạt kết quả tích cực, tiến bộ; ngược lại, nếu cán bộ thụ động, làm việc rập khuôn, máy móc, theo lối mòn… thì khó tạo ra những chuyển biến tích cực, khó hoàn thành được các mục tiêu mà Đảng đề ra. Trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp, khó lường; bên cạnh những cơ hội là các thách thức đan xen, đòi hỏi mỗi cán bộ phải thể hiện tính năng động, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung để chủ động, linh hoạt tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững.

2. Sự cần thiết phải phát huy tính năng động, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung của cán bộ

Năng động, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung chính là cách tư duy, hành động của người cán bộ không lặp lại cái cũ, không đi theo lối mòn đã định sẵn, hay làm theo thói quen, theo cảm tính, hoặc bằng lòng, chấp nhận những gì đang tồn tại… Đó là những suy nghĩ, lời nói, hành động tạo ra cái mới, cái chưa có trong tiền lệ, sự khác biệt, độc đáo, đơn nhất, phù hợp với quy luật vận động và phát triển, phù hợp với hoàn cảnh đất nước, yêu cầu của thời đại. Tính năng động, sáng tạo, dám đột phá giúp người cán bộ chủ động, linh hoạt trong việc xoay chuyển cục diện, biến nguy thành cơ, biến yếu thế thành lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức để thúc đẩy địa phương, đơn vị và đất nước phát triển.

Trong lịch sử, nhân loại từng chứng kiến không ít nhà lãnh đạo đã thể hiện tính năng động, sáng tạo, dám đột phá của mình để đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức và chính họ là những “kiến trúc sư” tạo nên những “kỳ tích”.

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cách mạng Việt Nam có nhiều cán bộ, chỉ huy trên chiến trường cũng như trong lao động sản xuất ở hậu phương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính năng động, sáng tạo, dám đột phá để cùng với quân dân cả nước hoàn thành mục tiêu đánh thắng quân thù, giành độc lập, thống nhất đất nước. Quá trình xây dựng đất nước sau khi giành được độc lập, xuất hiện những cán bộ có tư duy và hành động “vượt trước”, “bung ra”, “xé rào” để đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đưa đất nước ổn định và phát triển như: đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh; “những việc cần làm ngay” và “cơ chế thị trường” của đồng chí Nguyễn Văn Linh; xóa bỏ tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, thực hiện dự án khai thác vùng Đồng Tháp Mười, xây dựng kênh thoát lũ ra biển Tây, “ngọt hóa” vùng Tứ giác Long Xuyên, xây dựng đường dây tải điện 500 KV của đồng chí Võ Văn Kiệt; chuyển đổi hệ thống ngân hàng, chính sách tỷ giá phù hợp với cơ chế thị trường của đồng chí Đỗ Mười v.v..

Sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đời sống của người dân được cải thiện, vị thế của đất nước trên trường quốc tế được nâng lên. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, so với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới, đất nước ta vẫn còn khoảng cách chênh lệch khá lớn. Để đạt được mục tiêu, khát vọng “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. - Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. - Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao” (2), đòi hỏi chúng ta phải phát huy hiệu quả các nguồn lực, cả nội lực và ngoại lực. Trong đó, nguồn lực con người được Đảng ta xác định là một trong ba đột phá quan trọng nhất, là “then chốt của then chốt”.

Trước bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nếu vẫn tư duy, hành động theo lối mòn, một chiều sẽ khó đạt được mục tiêu, khát vọng. Chính vì vậy, đất nước rất cần những cán bộ tích cực, năng động, sáng tạo, dám đột phá để đưa sự nghiệp cách mạng thích ứng nhanh với bối cảnh thế giới, tận dụng được cơ hội, vượt qua các thách thức, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” (3).

Như vậy, phát huy tính năng động, sáng tạo, dám đột phá của cán bộ được coi là yêu cầu cấp thiết để hoàn thành các mục tiêu, khát vọng mà Đảng ta đã đề ra. Vì lẽ đó, Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị yêu cầu: “Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ” (4).

3. Giải pháp phát huy tính năng động, sáng tạo, dám đột phá của cán bộ góp phần thúc đẩy đất nước phát triển

Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền và người dân cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc sự cần thiết phải phát huy tính năng động, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung của cán bộ

Nhận thức có vai trò rất quan trọng trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Khi các chủ thể, nhất là mỗi cán bộ có nhận thức đầy đủ, sâu sắc sự cần thiết phải phát huy tính năng động, sáng tạo, dám đột phá thì khi đó không chỉ hình thành nên tính tự giác của mỗi cán bộ trong quá trình công tác mà còn tạo ra sự đồng thuận, thống nhất trong xã hội.

Hiện nay, có thực trạng một số cán bộ có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào tập thể, sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán, cấp dưới đùn đẩy lên cấp trên, cấp này sang cấp khác. Hệ quả là các đường lối, chủ trương, chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội trì trệ, chậm được triển khai trên thực tế, từ đó làm cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, đất nước mất đi cơ hội phát triển. Theo đó, cần đẩy mạnh, đa dạng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, như: tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng… để các cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu được tầm quan trọng của sự năng động, sáng tạo, dám đột phá của người cán bộ. Khi các cấp ủy, chính quyền, mỗi cán bộ và người dân có nhận thức sâu sắc, đầy đủ, toàn diện về vấn đề này sẽ có sự ủng hộ, giúp đỡ, đồng hành cùng cán bộ vượt qua khó khăn, thách thức để tích cực, tự giác đổi mới sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung, thúc đẩy sự phát triển của địa phương, đơn vị và đất nước.

Thứ hai, hoàn thiện khung pháp lý để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung

Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “có cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”; Bộ Chính trị đã có Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là cơ sở chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ, giúp cán bộ yên tâm phát huy cao nhất sở trường, sức lực, trí tuệ của mình để đóng góp, cống hiến nhiều hơn, hiệu quả hơn cho sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Tuy nhiên, quan điểm chỉ đạo của Đảng đã có, song đến nay Nhà nước vẫn chưa thể chế hóa thành các quy định, chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho cán bộ thể hiện năng lực sáng tạo, dám đột phá của mình. Sự chậm trễ trên dẫn đến thực trạng một số cán bộ có tâm lý chờ đợi, không mạnh dạn làm vì sợ sai, hay có làm nhưng chỉ ở mức “tròn vai”, “thuộc bài” để được “an toàn”, “xong nhiệm vụ”… mà chưa dám mạnh dạn sáng tạo, thực hiện đột phá trong công tác, nên kết quả thu được khiêm tốn, thậm chí đánh mất thời cơ.

Thực tiễn lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của không ít cán bộ còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, vướng mắc do một số quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa hoàn thiện. Thậm chí, nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ hoặc liên thông, không còn phù hợp với thực tiễn. Nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ, chưa được quy định, chưa có kinh nghiệm xử lý, dễ gây rủi ro, sai sót, thiệt hại hoặc dễ bị lợi dụng để làm trái, trục lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Điều này khiến cho cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng chưa phát huy được hết năng lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thậm chí còn e ngại, sợ bị xem xét trách nhiệm hoặc xử lý kỷ luật khi có khuyết điểm. Trong khi đó, chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích đối với cán bộ và đặc biệt là thiếu các cơ chế để bảo vệ cán bộ trong những trường hợp quyết định sáng tạo, đột phá có sai sót(5).

Thực trạng trên đòi hỏi Chính phủ cần sớm ban hành khung pháp lý để tạo điều kiện cho cán bộ phát huy năng lực, sở trường, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển. Các văn bản pháp luật cần đầy đủ, bao quát, vừa thể hiện được cái phổ biến nhưng cũng cần chú ý đến đặc thù đối với cán bộ ở từng ngành, lĩnh vực, địa phương, các cấp.

Thứ ba, tạo môi trường, điều kiện làm việc thuận lợi cho cán bộ phát huy tính năng động, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung

Để phát huy tính năng động, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung của cán bộ, bên cạnh nhận thức và hoàn thiện các quy định pháp lý, thì môi trường, điều kiện làm việc ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy năng lực, sở trường của mỗi cán bộ.

Cần tạo môi trường làm việc dân chủ. Khi cán bộ đề xuất các ý tưởng, kế hoạch hay các giải pháp mới chưa có trong tiền lệ, các cấp ủy, chính quyền cần cầu thị, tôn trọng, lắng nghe. Khi thấy đề án, kế hoạch hay cách thức làm có tính khả thi, có hiệu quả thì cần ủng hộ. Nếu còn thiếu sót, hay có sự khác nhau về nhận thức, cách thức giải quyền vấn đề thì nên trao đổi, đối thoại trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, với tinh thần góp ý, xây dựng nhằm hoàn thiện ý tưởng, kế hoạch, tuyệt đối tránh tình trạng bài xích, phủ định sạch trơn. Các cấp ủy, chính quyền cần giám sát, đồng hành cùng cán bộ trong quá trình triển khai thực hiện nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là các thủ tục hành chính, hay có những góp ý giúp cán bộ điều chỉnh kịp thời dự án, kế hoạch nhằm giảm thiểu những thiếu sót.

Cùng với xây dựng môi trường dân chủ, các cấp ủy, chính quyền cần hỗ trợ, cung cấp các trang thiết bị, kỹ thuật, nguồn tài chính cũng như nguồn nhân lực đầy đủ, hiện đại để cán bộ thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, kế hoạch. Cần mạnh dạn giao việc cho cán bộ, nhất là những việc khó, những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn… để cán bộ có môi trường, điều kiện thể hiện năng lực sáng tạo, dám đột phá của mình. Nếu đề án, kế hoạch mặc dù đã cố gắng, nỗ lực thực hiện nhưng có kết quả không như mong muốn, các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu cần đánh giá, ghi nhận một cách khách quan, toàn diện, đúng tinh thần Kết luận số 14 của Bộ Chính trị: “Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm” (6).

Thứ tư, có chính sách đãi ngộ, ghi nhận, tuyên dương, khen thưởng kịp thời nhằm tạo động lực cho mỗi cán bộ phát huy tính năng động, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung

So với một số nước trong khu vực và trên thế giới, tiền lương và các khoản phụ cấp của cán bộ nước ta tương đối thấp. Do đó, để cán bộ yên tâm công tác, cống hiến phải cải cách mạnh mẽ chính sách tiền lương. Có chính sách đãi ngộ đặc thù cho các cán bộ năng động, sáng tạo, dám đột phá mang lại hiệu quả cao, khắc phục tình trạng cào bằng, dựa vào thâm niên công tác như hiện nay.

Các cấp ủy đảng, chính quyền cần có các hình thức tuyên dương, khen thưởng kịp thời nhằm động viên các cán bộ năng động, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung. Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được tuyên dương bằng các hình thức như: Được tuyên dương, biểu dương trước tập thể cơ quan, đơn vị và được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Trong đánh giá hoàn thành nhiệm vụ cuối năm, được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được ưu tiên, tạo điều kiện trong đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách khác đối với cán bộ; được quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn vị trí đang đảm nhiệm hoặc được bổ nhiệm, quy hoạch vượt cấp. Cơ quan quản lý trực tiếp của cán bộ có hình thức ghi nhận, áp dụng và nhân rộng, bảo vệ kết quả đổi mới, sáng tạo; tạo điều kiện, hỗ trợ về vật chất và tinh thần, các hình thức khuyến khích khác phù hợp với tổ chức, hoạt động, địa bàn của cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác” (7).

Cần nâng mức khen thưởng. Mức khen thưởng phải trở thành động lực phấn đấu của mỗi cán bộ. Trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cần dựa trên kết quả, sản phẩm của cán bộ năng động, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung để xem xét và lấy đó là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá, xếp loại cán bộ. Theo đó, cùng với việc tăng lương trước thời hạn, các cấp ủy, chính quyền các cấp cần xem xét cân nhắc quy hoạch, bố trí, bổ nhiệm các cán bộ năng động, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung vào các vị trí, chức vụ cao hơn hoặc vượt cấp. Điều này không chỉ ghi nhận công sức, trí tuệ mà còn tạo điều kiện cho họ đảm nhận thử thách mới nhằm thúc đẩy địa phương, đơn vị và đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Thứ năm, có chính sách đào tạo, bồi dưỡng phù hợp nhằm tạo nguồn cán bộ đủ về số lượng, cao về chất lượng

Tính năng động, sáng tạo, dám đột phá của cán bộ không phải ai cũng có và khi nào cũng được thể hiện mà phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác nhau, bao gồm cả nhân tố chủ quan và nhân tố khách quan. Nhân tố chủ quan là ý thức, nỗ lực, cố gắng phát huy sức mạnh nội sinh của mỗi cán bộ trong quá trình công tác. Nhân tố khách quan là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, môi trường làm việc… Do đó, cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục, đào tạo nhất là ở bậc đại học, đào tạo lý luận chính trị; hướng đến giáo dục khai phóng, đề cao tính phản biện, coi trọng việc nêu ý tưởng mới, sáng kiến, thực hiện các dự án…

Các cấp ủy, chính quyền cần có chính sách cử cán bộ, nhất là các cán bộ trẻ ra nước ngoài đào tạo, bồi dưỡng, học tập ở các quốc gia, các trường đại học phù hợp để từ đó cán bộ có điều kiện học tập, hợp tác, phát huy trí tuệ, trình độ chuyên môn sau khi về nước làm việc. Ngoài ra, cần có chính sách đào tạo lại cán bộ theo hướng mời các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giỏi ở trong nước và trên thế giới về cơ quan, địa phương, đơn vị trao đổi những vấn đề mới hoặc chia sẻ kinh nghiệm, bồi dưỡng cán bộ theo định kỳ.

4. Kết luận

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, sự phát triển của các quốc gia luôn rất cần những cán bộ năng động, sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung. Điều này càng đúng đối với Việt Nam - là một nước có điểm xuất phát thấp, đi sau. Trong bối cảnh thế giới nhiều thay đổi, biến động khó lường như hiện nay, rất cần những cán bộ năng động, sáng tạo, dám đột phá. Tuy nhiên, để phát huy tính năng động, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của mỗi cán bộ, rất cần các yếu tố khác như: môi trường, điều kiện làm việc, cơ chế, chính sách, sự đồng thuận của toàn xã hội. Với đất nước có truyền thống “anh hùng, hào kiệt đời nào cũng có”, thực hiện chủ trương, chính sách khuyến khích, bảo vệ phù hợp trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, dám đột phá để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững, sớm đưa nước ta sánh vai với các quốc gia phát triển.

_________________

Ngày nhận bài: 16-4-2023; Ngày bình duyệt: 19-4-2024; Ngày duyệt đăng: 14-7-2024.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.280.

(2), (3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.36, 179.

(4), (6) Ban Chấp hành Trung ương: Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

(5) Xem: Thu Hằng: Nhiều vấn đề mới nảy sinh làm cán bộ chưa dám đổi mới, e ngại bị kỷ luật, https://vietnamnet.vn, ngày 24-3-2023.

(7) VM: Khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, https://dangcongsan.vn, ngày 6-4-2023.