Quốc tế

Xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở Trung Quốc

15/04/2024 12:28

(LLCT) - Trong quá trình cải cách, mở cửa, sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã đưa lại nhiều thách thức khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc phải mở rộng tổ chức của mình trong không gian kinh tế mới này. Bài viết tổng kết quá trình xây dựng, phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là từ Đại hội XVIII (năm 2012) đến nay, đồng thời đưa ra những gợi mở về việc nghiên cứu và phát triển lý luận xây dựng đảng cầm quyền thông quá trình phát triển này.

TS VŨ QUỲNH PHƯƠNG
Viện Chính trị học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Người tìm việc tham gia một hội chợ việc làm ở Trùng Khánh, Trung Quốc hồi tháng 4. Khu vực kinh tế tư nhân tạo ra phần lớn việc làm ở Trung Quốc. Ảnh: Getty

1. Đặt vấn đề

Trước cải cách, mở cửa, trên cơ sở xây dựng mạng lưới rộng lớn các đơn vị và doanh nghiệp quốc doanh, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thiết lập được một hệ thống các tổ chức cơ sở đảng vững chắc, giúp kiểm soát các vấn đề kinh tế - xã hội một cách chặt chẽ. Cùng với quá trình cải cách, mở cửa ngày càng sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở Trung Quốc không ngừng xuất hiện và lớn mạnh. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh có nguồn lực kinh tế, xã hội dồi dào, quy mô lao động lớn và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sự phát triển của khu vực này có tác động nhất định đến cơ sở cầm quyền của Đảng. Một số mắt xích trong mạng lưới tổ chức đảng ở các đơn vị, doanh nghiệp quốc doanh gặp phải những thách thức mới. Điều này khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cần có các chính sách mới để ứng phó với những biến đổi về vị trí và vai trò của doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong nền kinh tế.

Thực tế đó đã đặt ĐCSTQ trước những câu hỏi lớn cần có lời giải đáp phù hợp, như: phải nhìn nhận và quản lý không gian xã hội mới đó như thế nào; Phải lãnh đạo đội ngũ chủ doanh nghiệp ngoài quốc doanh ra sao. Để trả lời cho những câu hỏi này, ĐCSTQ đã quyết định thực hiện chính sách xây dựng tổ chức đảng ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh như một sự thích ứng nhanh chóng với áp lực bên ngoài, đồng thời tiến hành điều chỉnh từ chiến lược phát triển đến cách thức thực hiện như một biểu hiện cho sự thích ứng từ bên trong tổ chức đảng.

Trong toàn bộ quá trình cải cách và thực hiện công tác xây dựng Đảng, Trung Quốc đã không ngừng củng cố, mở rộng tổ chức Đảng trong các tổ chức, đơn vị ở tất cả các cấp. Có thể khẳng định, hiệu quả của quá trình mở rộng tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh liên quan trực tiếp đến việc ĐCSTQ có dung hòa được mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và hệ tư tưởng XHCN hay không. Đây là vấn đề quan trọng giúp Đảng cầm quyền nâng cao năng lực lãnh đạo và củng cố tính chính danh của mình trong quá trình phát triển. Trên thực tế, dựa trên những thay đổi về môi trường và nhu cầu phát triển thực tiễn, ĐCSTQ đã áp dụng các chiến lược thích ứng khác nhau đối với công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

2. Công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Từ chấp nhận thụ động đến phát triển toàn diện (từ năm 1978 - 2011)

Quá trình phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh từ năm 1978 - 2011 có thể chia thành nhiều giai đoạn khác nhau:

(i) Từ năm 1978 - 1991 là giai đoạn chấp nhận một cách thụ động. Việc quay trở lại phát triển doanh nghiệp ngoài quốc doanh chủ yếu hướng đến mục tiêu giải quyết vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, thái độ của Đảng trong giai đoạn đầu chỉ dừng lại việc cho phép các doanh nghiệp ngoài quốc doanh xuất hiện và phát triển. Vấn đề mà ĐCSTQ quan tâm là để bảo đảm vai trò cầm quyền của Đảng thì phương thức lãnh đạo của Đảng sẽ được điều chỉnh như thế nào cho phù hợp và hiệu quả.

Sau một thời gian cho phép doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát triển một cách thụ động, trên cơ sở thực hiện cơ chế ứng phó - thách thức khi đối điện với những vấn đề mới, công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại Trung Quốc đã bước sang giai đoạn thứ hai.

(ii) Từ năm 1992 - 2000 là giai đoạn chủ động mở rộng. Thời gian này, doanh nghiệp ngoài quốc doanh được tạo điều kiện phát triển nhanh chóng. Đồng thời, Trung Quốc cũng bắt đầu quan tâm hơn đến công tác xây dựng Đảng tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và đã đưa ra một số quy định nhấn mạnh việc tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh với chiến lược mở rộng phù hợp(1). Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng trong khu vực doanh nghiệp này trên thực tế gặp rất nhiều trở ngại.

(iii) Từ năm 2001 - 2011 là giai đoạn phát triển toàn diện. Cụ thể, một chính sách quan trọng của Trung Quốc là quyết định thu hút các chủ doanh nghiệp ngoài quốc doanh vào Đảng nhằm củng cố nền tảng cầm quyền của ĐCSTQ(2). Bên cạnh đó, thuyết “ba đại diện” của Giang Trạch Dân đã cung cấp cơ sở lý luận để ĐCSTQ điều chỉnh mối quan hệ nội bộ giữa đảng cầm quyền và xã hội. Song song với sách lược thu hút các chủ doanh nghiệp vào Đảng, Trung Quốc còn thực hiện sách lược cấy sâu các tổ chức đảng vào trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh như một chiến lược quan trọng nhằm xây dựng, củng cố mạng lưới tổ chức của Đảng Cộng sản(3).

Phát triển sáng tạo với mô hình phục vụ (từ năm 2012 đến nay)

Từ năm 2012 đến nay là giai đoạn ĐCSTQ xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh theo phương châm mở rộng toàn diện, chủ động sáng tạo. Đại hội XVIII của ĐCSTQ (năm 2012) là mốc thời gian quan trọng khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, trở thành “hạt nhân chính trị” và đưa ra một loạt chiến lược cùng quan điểm mới trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là quan điểm “quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện” và xây dựng tổ chức đảng theo mô hình phục vụ.

“Quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện” là cấp độ cao nhất trong quá trình xây dựng ĐCSTQ, trong đó cơ sở là toàn diện, then chốt là quản lý chặt chẽ. Quan điểm này xuất phát từ tư tưởng “Đảng cần quản lý Đảng” từ trước cải cách, đến năm 1992 phát triển thành “quản lý Đảng nghiêm minh” và năm 2012 được nâng lên một bước thành chiến lược “quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện”. Đây là một chiến lược lớn trong công tác xây dựng Đảng được Ban Chấp hành Trung ương đưa ra sau Đại hội XVIII của ĐCSTQ(4).

Đến Đại hội XX, ĐCSTQ tiếp tục khẳng định “Kiên định bất di bất dịch quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện, đi sâu thúc đẩy công trình vĩ đại mới xây dựng đảng trong thời đại mới”. Quản trị Đảng nghiêm minh toàn diện không chỉ liên quan đến tiền đồ, vận mệnh của Đảng mà còn liên quan đến tiền đồ, vận mệnh của đất nước và dân tộc, mang ý nghĩa to lớn và sâu sắc. Đồng thời, Báo cáo tại Đại hội XX cũng chỉ ra, cần “tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp sở hữu hỗn hợp và doanh nghiệp ngoài quốc doanh, chấn chỉnh hệ thống quản lý công tác xây dựng Đảng trong các hiệp hội ngành, xã hội và phòng thương mại. Tăng cường xây dựng Đảng của các tổ chức kinh tế mới, tổ chức xã hội mới và các nhóm việc làm mới”(5). Điều này đặt ra những yêu cầu mới nhất về tăng cường hơn nữa công tác xây dựng Đảng của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong thời kỳ mới. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã và đang được khẳng định là một lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế thị trường XHCN của Trung Quốc. Bước vào thời kỳ mới, tăng cường và nâng cao hơn nữa công tác xây dựng Đảng của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh không chỉ là yêu cầu tất yếu để giữ vững và hoàn thiện hệ thống kinh tế cơ bản của Trung Quốc, định hướng cho các doanh nghiệp này phát triển lành mạnh, mà còn là một xu hướng mới, là biện pháp hiệu quả để đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, từ đó tiếp tục củng cố vững chắc nền tảng cầm quyền của ĐCSTQ.

Ngoài ra, ĐCSTQ cũng coi xây dựng tổ chức đảng theo mô hình phục vụ - một chiến lược phát triển quan trọng để thực hiện việc điều chỉnh các chức năng của tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đại hội XVIII của ĐCSTQ lần đầu tiên đề ra chủ trương xây dựng một Đảng cầm quyền theo mô hình phục vụ. Năm 2014, Văn phòng Trung ương ĐCSTQ đã ban hành văn bản có tên “Ý kiến về việc tăng cường xây dựng các tổ chức đảng cơ sở theo mô hình phục vụ”. Đây là một động thái quan trọng trong việc xây dựng các tổ chức đảng cơ sở, là vấn đề then chốt nhằm thúc đẩy công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh của ĐCSTQ. Chức năng quản lý, lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng có thể được thực hiện thông qua chức năng phục vụ, từ đó khoảng cách giữa bản chất, chức năng và mục tiêu của tổ chức đảng và doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng bước đầu được thu hẹp, thẩm thấu, từng bước hình thành trạng thái dung hòa cùng phát triển.

3. Từ lý luận đến thực tiễn

Nhìn chung, toàn bộ quá trình xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại Trung Quốc đã biến đổi từ trạng thái thụ động đến chủ động mở rộng, tiến tới mở rộng hoàn toàn và sau Đại hội XVIII là phát triển sáng tạo. Đây là một quá trình tích hợp các nguồn lực xã hội của ĐCSTQ, giúp từng bước củng cố mạng lưới tổ chức của Đảng, thực hiện lãnh đạo toàn diện đối với các không gian tổ chức kinh tế - xã hội mới. Thí dụ, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở thành phố Hải An, tỉnh Giang Tô và một số khu vực khác của Trung Quốc đã áp dụng nhiều sách lược khác nhau để phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh như: hệ thống hóa công tác đảng ở các khu vực, xây dựng không gian mở nhằm kết nối các khu vực thương mại với mạng lưới internet v.v..

Về cơ bản, xét về các hoạt động thực tiễn cụ thể nhằm hiện thực hóa chiến lược mở rộng tổ chức, ĐCSTQ đã không ngừng đẩy mạnh quá trình thẩm thấu trên mọi phương diện, từ quan niệm, phương thức mở rộng cơ sở (tổ chức, tư tưởng, nhân sự...) đến cơ chế hoạt động (tuyển chọn và sử dụng cán bộ đảng, phương thức hoạt động của tổ chức đảng, cơ chế bảo đảm tổ chức đảng hoạt động). Từ đó, thông qua mức độ bao phủ của tổ chức, hoạt động cụ thể và mức độ thẩm thấu của tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh để đánh giá hiệu quả của chính sách. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ngoài quốc doanh khẳng định, nếu không có sự trợ giúp và quan tâm, chăm lo của tổ chức đảng các cấp thì doanh nghiệp không thể phát triển tốt như vậy. Sự tương hỗ giữa doanh nghiệp và tổ chức đảng trên thực tế thể hiện rất rõ rệt. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tuy nhiên, ở thời điểm khó khăn này, các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở Trung Quốc đã phát huy cao độ vai trò, không ngừng đưa ra những phương thức hoạt động sáng tạo, phù hợp với thực tiễn tại từng doanh nghiệp, từng địa phương.

Đánh giá một cách khái quát, quá trình xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại các địa phương ở Trung Quốc về cơ bản đều thực hiện được các mục tiêu đề ra: (1) Xác lập thành công vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp; (2) Mở rộng phạm vi hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp theo những cách thức khác nhau, như thực hiện quá trình mạng lưới hóa hoặc thể chế hóa; (3) Không ngừng phát triển các hoạt động của tổ chức đảng. Cụ thể, trên cơ sở mở rộng tổ chức, Đảng cầm quyền còn tăng cường thu hút đảng viên mới bên ngoài hệ thống, đồng thời bổ sung thêm các chức năng mới cho tổ chức đảng. Từ đó, ĐCSTQ có thể đạt được mục tiêu thứ tư và cũng là mục tiêu căn cốt nhất: (4) Xây dựng cơ chế kiểm soát và chịu sự kiểm soát giữa tổ chức đảng với doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Có thể khẳng định, những quan điểm của Tập Cận Bình về công tác phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh từ sau Đại hội XVIII có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu việc Trung Quốc chuyển từ giai đoạn phát triển toàn diện sang giai đoạn phát triển sáng tạo.

Nhìn lại quá trình xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh của Trung Quốc, có thể thấy, trên cơ sở những thay đổi không ngừng của bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội, ĐCSTQ đã đề ra những mục tiêu khác nhau và đưa ra những cách thức phù hợp, tạo điều kiện phát triển tương ứng cho công tác xây dựng Đảng tại từng doanh nghiệp.

Đánh giá từ thực tế phát triển tại các tỉnh của Trung Quốc, mỗi địa phương đã đổi mới công tác xây dựng đảng tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh dựa trên những đặc thù riêng, phù hợp với chính sách chỉ đạo của Trung ương. Theo đó, dù ở mặt lý luận hay thực tiễn, đó là sự phát triển tiệm tiến chắc chắn của Trung Quốc theo mô hình mở rộng từ lượng đến chất. Trong quá trình mở rộng mạng lưới tổ chức đảng, Trung Quốc đã đi từ không đến có, từ xây dựng từng điểm cụ thể đến mở rộng trên toàn mạng lưới tổ chức kinh tế mới, từ tìm tòi đến thúc đẩy toàn diện, rồi đến sáng tạo phát triển, nhằm không ngừng tăng cường cơ sở cầm quyền của Đảng.

Việc điều chỉnh chính sách trong công tác xây dựng Đảng tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh của Trung Quốc dưới góc nhìn thích ứng của Đảng cầm quyền trước thách thức của thực tiễn là một quá trình với hai khía cạnh khác nhau. Theo đó, vấn đề then chốt trong thực hiện cơ chế kết nối giữa quyền lực của Đảng cầm quyền và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh là cần tìm ra điểm cân bằng giữa “logic thâm nhập” và “logic hợp pháp hóa”, tức là làm thế nào để tổ chức đảng có thể cấy sâu vào trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nhưng đồng thời cũng phải xây dựng được sự đồng thuận và ủng hộ từ phía doanh nghiệp.

Ở đây, ĐCSTQ đã tìm ra một cách thức mở rộng tổ chức hiệu quả, đó là thâm nhập vào các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đồng thời cung cấp các dịch vụ công chất lượng cao cho các doanh nghiệp, từ đó giành được sự đồng thuận của các đảng viên cùng thành viên trong doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình hợp pháp hóa việc xây dựng tổ chức đảng trong môi trường mới. Đây là mô thức hiệu quả để mở rộng tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh của ĐCSTQ với sự kết hợp giữa những quy định cứng rắn và sách lược thẩm thấu tổ chức một cách linh hoạt. Nói cách khác, đây có thể được coi là mô thức phát triển tổ chức đảng theo hướng “không ngừng mở rộng” về mọi mặt của ĐCSTQ.

Xét một cách toàn diện, kể từ khi Trung Quốc cải cách và mở cửa đến nay, với tiền đề bảo đảm thể chế cốt lõi được tiếp tục duy trì và củng cố, con đường phát triển nổi bật của ĐCSTQ là không ngừng tự điều chỉnh, tự làm mới mình, trên cơ sở duy trì tính nhất nguyên hóa của kết cấu quyền lực, không ngừng kết nối với môi trường bên ngoài, thúc đẩy các thay đổi và sáng tạo trong thể chế, nhằm thực hiện sự chuyển đổi xã hội một cách hiệu quả và ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Trung Quốc vẫn còn lúng túng trong việc xử lý mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, giữa việc phát triển doanh nghiệp ngoài quốc doanh với việc gìn giữ tính thuần khiết của hệ tư tưởng. Một câu hỏi tiếp theo là, có ranh giới nào trong quá trình “không ngừng mở rộng” phạm vi ảnh hưởng của tổ chức đảng hay không? Những nội dung này liên quan trực tiếp đến vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng là phương thức cầm quyền và năng lực lãnh đạo của ĐCSTQ. Những chuyển động thực tiễn mạnh mẽ của Trung Quốc cần được tiếp tục tổng kết, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho quá trình xây dựng, phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở Việt Nam.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 547 (9-2023)

Ngày nhận bài: 8-7-2023; Ngày bình duyệt: 12-8-2023; Ngày duyệt đăng: 14-9-2023.

(1) Giang Trạch Dân: Giương cao ngọn cờ vĩ đại của lý luận Đặng Tiểu Bình và thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc vào thế kỷ XXI, Báo cáo của Giang Trạch Dân tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XV của ĐCSTQ, ngày 12-09-1997, http://www.people.com.cn, ngày truy cập 16-5-2022.

(2) ĐCSTQ: Quyết định về một số vấn đề lớn liên quan đến việc củng cố và hoàn thiện công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới, Hội nghị toàn thể lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVII, ngày 18-9-2009.

(3) Đường Hoàng Phượng: Mô hình chuyển đổi Đảng chính trị: Phân tích lý luận về kinh nghiệm lịch sử và tầm nhìn tương lai trong xây dựng Đảng cầm quyền của Trung Quốc, Tạp chí Đại học Vũ Hán (Ấn bản Triết học và Khoa học xã hội), tháng 3-2016.

(4) Tập Cận Bình: Kiên trì quản lý toàn diện Đảng một cách nghiêm minh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và trình độ lãnh đạo của Đảng, ngày 18-10-2017, http://www.xinhuanet.com, ngày truy cập 16-5-2022.

(5) Tập Cận Bình: Giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đoàn kết phấn đấu xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, Báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của ĐCSTQ, https://www.gov.cn.