Phản bác các luận điểm sai trái về quyền con người trong bản Phúc trình toàn cầu 2023 của Tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế
(LLCT) - Hằng năm, Tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế đều công bố bản Phúc trình toàn cầu nhằm đánh giá việc thực thi quyền con người trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những thông tin sai trái, phủ nhận thành quả, bôi nhọ bức tranh dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam được Tổ chức này đưa ra dựa trên sự tùy tiện, phiến diện và vô căn cứ. Bài viết nhận diện và phản bác các luận điểm sai trái về quyền con người trong bản Phúc trình toàn cầu 2023 nhằm khẳng định, những nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực bảo đảm quyền con người.
TS CHU THỊ THÚY HẰNG
Viện Quyền con người,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Phúc trình toàn cầu 2023 - Bản báo cáo “lạc điệu” và “dạy đời”
Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) tiền thân là tổ chức Helsinki Watch do Robert L.Bernstein thành lập năm 1978 với mục đích “giám sát” Liên Xô (trước đây) bằng cách thu thập tư liệu liên quan tới việc Liên Xô thực hiện quy ước của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), hỗ trợ các nhóm bảo vệ nhân quyền tại nước này. Năm 1988, Helsinki Watch hợp nhất với một số tổ chức quốc tế khác có cùng tôn chỉ, mục đích, từ đó đổi tên thành Human Rights Watch(1). “Sứ mệnh cao cả” mà HRW tự phong cho mình là “điều tra và đưa ra ánh sáng các vi phạm nhân quyền và buộc những đối tượng vi phạm phải thừa nhận trách nhiệm”; “tiến hành nghiên cứu thực tế và điều tra các vi phạm nhân quyền, báo cáo một cách công tâm về tình hình nhân quyền tại khoảng 90 quốc gia”(2). Việc tự cho mình quyền đánh giá tình hình nhân quyền mà không có căn cứ pháp lý cũng như nghi ngờ độ tin cậy của thông tin mà HRW đưa ra khiến tổ chức này vấp phải nhiều chỉ trích từ chính phủ các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ cũng như các tổ chức truyền thông(3).
Trong các báo cáo của HRW có thể thấy sự đánh giá thiên lệch, định kiến với các quốc gia theo CNXH và các nước đạo Hồi - nơi có ý thức hệ trái ngược với các nước tư bản, khiến tính khách quan của các báo cáo này bị nghi ngờ về dụng ý chính trị. Về mặt tài chính cho hoạt động của HRW, báo cáo tài chính năm 2019 của HRW ghi nhận con số 75% đến từ Bắc Mỹ, 25% đến từ Tây Âu và chỉ chưa đầy 1% từ các khu vực khác. Sự lệ thuộc về tài chính của HRW vào các quốc gia khu vực Bắc Mỹ có khiến tổ chức này bị thao túng và thực hiện theo những mưu đồ chính trị? Đó là lý do tổ chức này bị bốn loại chỉ trích: (i) ít nghiên cứu thông tin trước khi viết báo cáo khiến nó không chính xác; (ii) báo cáo sai sự thật và thiên vị; (iii) báo cáo lệch hoàn toàn và lợi dụng ý thức hệ; và (iv) nguồn vốn hoạt động.
Như vậy, HRW chính là một trong những công cụ đắc lực trong chiến lược “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch sử dụng nhằm chống phá các nước XHCN, trong đó có Việt Nam dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền. Việt Nam là một trong các quốc gia được HRW dành sự “quan tâm đặc biệt” bằng góc nhìn xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong các báo cáo nhân quyền thường niên, ra các thông cáo báo chí, gửi thư tới lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức quốc tế. Các báo cáo nhân quyền thường niên chỉ là một trò của cái gọi là “bổn cũ soạn lại” bằng cách phủ nhận các thành tựu nhân quyền ở Việt Nam, đưa ra các thông tin mang tính cóp nhặt, một chiều, thiên kiến và rõ ràng với dụng ý xấu về chính trị.
Tháng 4-2023, HRW tiếp tục công bố bản Phúc trình toàn cầu 2023 dài 712 trang. Trong đó, 6 trang nói về Việt Nam(4), HRW không có điểm mới nào trong việc phê phán, đánh giá tình hình nhân quyền so với các bản báo cáo trước. Tất cả chỉ là “bình mới rượu cũ”, chỉ khác về thời gian và một số cái gọi là “dẫn chứng” được đưa ra, còn lại bản chất chống phá, xuyên tạc thì không thay đổi. Bao trùm toàn bộ bản phúc trình vẫn là sự cố tình đánh tráo vấn đề dân chủ, nhân quyền bằng cách tập hợp, gom lại các vụ án hình sự mà cơ quan tiến hành tố tụng ở Việt Nam đã, đang xử lý. Tổ chức này cố tình gán ghép vấn đề báo chí vào các bị can, bị cáo đã bị khởi tố, điều tra, xét xử để lấy cớ vu cáo Việt Nam “bắt giữ nhà báo”, “tống giam người bất đồng chính kiến”, ra thông cáo báo chí chỉ trích, lên án, yêu cầu Chính phủ Việt Nam thả ngay lập tức và vô điều kiện các đối tượng này. HRW còn gửi thư cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và một số tổ chức quốc tế để kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền, thả các “tù nhân lương tâm”, những “nhà bất đồng chính kiến”, các blogger(5).
Rõ ràng, HRW là một tổ chức không hiện diện ở Việt Nam, các báo cáo của họ không dựa vào các nguồn tin chính thức của Nhà nước Việt Nam, cũng không dựa trên bất cứ nguồn tin nào của các tổ chức của Liên hợp quốc, như UNDP, UNESCO mà chỉ dựa trên những nguồn tin mạng của những cá nhân, tổ chức vốn có hận thù với cách mạng. Vậy mà, HRW lại suy diễn, áp đặt, phán xét nhân quyền rồi lên tiếng dạy đời về bảo vệ quyền con người ở Việt Nam. Tự bản thân nó, Phúc trình toàn cầu 2023 đã không có tính thuyết phục.
2. Phúc trình toàn cầu 2023 và các luận điểm sai trái về quyền con người ở Việt Nam
Một là, sự hồ đồ khi nhận định Việt Nam còn nhiều quan ngại về vi phạm nhân quyền nhưng vẫn được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025
Ngày 11-10-2022 tại Trụ sở Liên hợp quốc, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu 14 quốc gia, trong đó có Việt Nam, làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025(6). Việt Nam nhận được 145/189 phiếu tán thành, chiếm gần 80% và thuộc nhóm nhận được sự ủng hộ cao nhất. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, cho thấy sự nỗ lực, sáng tạo trong tư duy chiến lược cũng như tính hiệu quả của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta những năm gần đây. Tuy nhiên, các đối tượng phản động, thù địch đã lợi dụng sự kiện này để xuyên tạc, phản đối, tìm mọi cách hạ thấp uy tín của Việt Nam cả trước, trong và sau khi diễn ra sự kiện.
Trước thời điểm bỏ phiếu, các tổ chức phản động như Việt Tân và một số tổ chức nhân quyền, liên minh các nhóm nhân quyền phi chính phủ thuộc châu Âu, Canađa, Hoa Kỳ đã liên tục chống phá, phản đối Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền qua nhiều kênh thông tin, bằng nhiều cách thức. HRW cũng tích cực cùng các tổ chức khác viết thư ngỏ đề nghị Liên hợp quốc không cho Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền. Ngày 8-10-2022, các tổ chức này đồng thanh kêu gọi các quốc gia là thành viên Liên hợp quốc bác tư cách ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền của Việt Nam. Bên cạnh đó, HRW còn đăng nhiều tin, bài, ra các thông cáo với thái độ “chế giễu”, xuyên tạc, bôi nhọ Việt Nam, cho rằng việc Việt Nam tham gia vào Hội đồng Nhân quyền là vô lý, là không xứng đáng.
Với 145/189 phiếu tán thành đã khẳng định Việt Nam xứng đáng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và không thể phủ nhận rằng:
Thứ nhất, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm các quyền con người không chỉ cho người dân Việt Nam, mà còn là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trong việc khẳng định những giá trị phổ quát của quyền con người. Để trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, mỗi quốc gia phải đạt những tiến bộ vượt bậc trong hoạt động bảo vệ quyền con người trong nước, đồng thời phải đóng góp, đưa ra nhiều sáng kiến thúc đẩy nhân quyền trên toàn cầu. Bởi vậy, việc Việt Nam hai lần trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền là kết quả cho những nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực quyền con người trong nhiều năm qua. Các phiếu bầu còn khẳng định niềm tin của các quốc gia và sự coi trọng của bạn bè quốc tế đối với vị thế của Việt Nam trong các hoạt động thúc đẩy, bảo đảm quyền con người không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Thứ hai, Việt Nam thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam đã tham gia/ký kết hoặc phê chuẩn 7/9 công ước quốc tế về quyền con người(7). Với tư cách là quốc gia thành viên, Việt Nam đã nội luật hóa các quy định của pháp luật quốc tế vào hệ thống pháp luật quốc gia. Năm 2019, Việt Nam hoàn thành Báo cáo quốc gia theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát UPR chu kỳ III. Việt Nam đã nhận được 291 khuyến nghị từ 122 nước và đã chấp thuận 241 khuyến nghị trong đó.
Đến nay, Việt Nam đã thực hiện 82,6% các khuyến nghị với nhiều kết quả nổi bật, gồm nhiều thành tựu về xây dựng Nhà nước pháp quyền và hoàn thiện thể chế pháp luật; bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa; thực hiện nghĩa vụ theo các Công ước và triển khai các cam kết, hợp tác quốc tế khác liên quan đến quyền con người; tăng cường giáo dục về quyền con người(8)...
Có thể thấy, hàng trăm khuyến nghị mà Việt Nam đã nhận được và chấp nhận là động lực quan trọng cho Chính phủ nhằm cải thiện hơn nữa việc thụ hưởng quyền con người ở Việt Nam.
Ngày 31-3-2022, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III, Việt Nam đã chấp thuận và thông tin về ứng cử của Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Với việc lần đầu tiên xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR, Việt Nam đã trở thành một trong số ít các quốc gia gửi báo cáo giữa kỳ tự nguyện tới Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Cho đến nay, mới chỉ có 79 quốc gia từng ít nhất một lần nộp Báo cáo. Riêng với chu kỳ III, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia đã xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện(9).
Thứ ba, những nỗ lực cao nhất của Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ của một quốc gia thành viên đầy trách nhiệm.
Tại khóa họp thứ 52 nhiệm kỳ 2023-2025, Hội đồng đã đồng thuận thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (VDPA) do Việt Nam đề xuất và soạn thảo(10). Đây là dấu ấn nổi bật của Việt Nam ngay trong khóa họp đầu tiên trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Đóng góp hiệu quả của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền là sự đáp trả mạnh mẽ cho những luận điệu xuyên tạc về vấn đề nhân quyền của Việt Nam. Đây là bước đi mở đầu để Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt Đề án “Việt Nam đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc” nhiệm kỳ 2023-2025. Các trọng tâm chính của Việt Nam trong nhiệm kỳ này là: tích cực tham gia đóng góp vào công việc của Hội đồng Nhân quyền, cả về công tác chuyên môn và điều hành, điều phối; chủ động dẫn dắt, thúc đẩy sáng kiến để thể hiện dấu ấn và phát huy lợi ích của Việt Nam. Đây sẽ là sự đáp trả mạnh mẽ cho những luận điệu xuyên tạc về vấn đề nhân quyền của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hai là, sự vô căn cứ của luận điểm Việt Nam sách nhiễu, đe dọa, bắt giữ tùy tiện, ngược đãi khi giam giữ các nhà bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động nhân quyền
Cũng như các tổ chức phản động khác, HRW gọi đây là các “tù nhân lương tâm”. Tù nhân lương tâm (Prisoner of conscience) là thuật ngữ được đặt ra bởi các nhóm đấu tranh cho nhân quyền thuộc Tổ chức Ân xá quốc tế đầu thập niên 1960. Họ dùng thuật ngữ này để chỉ những người đã bị bắt giam vì biểu lộ niềm tin theo lương tâm của họ một cách không bạo động, mà theo họ là những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động nhân quyền. Họ tìm cách cổ xúy các đối tượng vi phạm pháp luật, bất mãn, cơ hội chính trị để xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Thuật ngữ “tù nhân lương tâm” được sử dụng cũng chỉ nhằm đánh lừa dư luận, vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền.
Thứ nhất, đây là những người vi phạm pháp luật Việt Nam. Quyền con người, theo cách hiểu chung nhất, là các quyền tự nhiên, xuất phát từ phẩm giá vốn có của con người, được pháp luật quốc tế và quốc gia ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Pháp luật chính là hành lang pháp lý để ghi nhận quyền, bảo đảm cho quyền được thực hiện và là căn cứ pháp lý để xử lý những hành vi vi phạm quyền. Chính vì vậy, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật là trách nhiệm của mỗi công dân. Tuy nhiên, điểm lại một số nhân vật(11) có thể thấy, các đối tượng đã vi phạm pháp luật Việt Nam với thủ đoạn sử dụng mạng xã hội để phát tán các thông tin, tài liệu chống phá Nhà nước; lợi dụng danh nghĩa “đấu tranh dân chủ, nhân quyền”, chống tiêu cực, từ thiện, môi trường... tuyên truyền chống phá chính quyền; vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền...
Việc các đối tượng này bị xử lý là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Việc gắn mác “tù nhân lương tâm” là một âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm của các thế lực thù địch, phản động nhằm đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế; cổ súy, hậu thuẫn, hỗ trợ cho số đối tượng chống đối, phá hoại công cuộc xây dựng, phát triển đất nước(12).
Thứ hai, việc bắt, xét xử và giam giữ các đối tượng này được thực hiện theo quy trình tố tụng chặt chẽ, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật và Tòa án. Họ được xét xử bởi một Tòa án công bằng và công khai. Đây là tinh thần của cả ngành Tư pháp hướng đến nâng cao chất lượng xét xử, đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân(13). Vì thế, các đối tượng mà HRW gọi là “tù nhân lương tâm” khi xét xử tại Tòa hầu hết đều thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình, thừa nhận không hiểu biết pháp luật, thực hiện hành vi do nhận tiền và bị xúi giục, thậm chí bị đe dọa nên buộc phải tham gia.
Thứ ba, Việt Nam đã xây dựng hệ thống các quy phạm pháp luật về chống tra tấn và được áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người, mọi phạm nhân giam giữ vì bất cứ tội danh nào. Mọi hành vi áp dụng tra tấn đều bị xử lý theo quy định pháp luật.
Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Quyền này cũng được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực hình sự, hành chính, dân sự...
Việt Nam cũng đã ký Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người năm 2013 và phê chuẩn ngày 28-11-2014. Ngay sau đó, Việt Nam đã ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, nhiều quy định về phòng, chống tra tấn như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam...
Trong thực tiễn, bất kỳ hành vi tra tấn nào của người thi hành công vụ đều bị xử lý. Thí dụ, ngày 13-9-2018, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã xét xử 05 bị cáo nguyên là cán bộ công an về tội dùng nhục hình với hình phạt 07 năm tù(14).
Ba là, HRW tùy tiện kết luận Việt Nam gia tăng đàn áp với các nhà hoạt động phi chính phủ
Thứ nhất, đây là nhận định đầy mâu thuẫn của HRW. Bản Phúc trình toàn cầu 2023 phê phán: “Một nghị định ban hành ngày 31 tháng Tám (ở Việt Nam) cấm các tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGO) hoạt động ở Việt Nam không được làm các việc không phù hợp với “lợi ích quốc gia, vi phạm pháp luật, xâm phạm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội” hay “đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” của Việt Nam”. Nhận định này của HRW đã tỏ rõ sự vô lý, không có quốc gia nào trên thế giới chấp nhận bất cứ tổ chức, cá nhân nào được phép xâm phạm an ninh quốc gia, đạo đức và trật tự an toàn xã hội...
Thứ hai, Việt Nam không bỏ tù những người hoạt động vì môi trường. HRW phê phán Việt Nam đã bỏ tù những người hoạt động bảo vệ môi trường. Điều này là hoàn toàn vô lý. Việt Nam luôn khẳng định các cam kết trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững, được nêu rõ trong nhiều văn bản pháp luật, chủ trương, chính sách của Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam triển khai nhiều biện pháp tổng thể toàn diện trong chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi tăng trưởng theo hướng xanh và tuần hoàn. Việt Nam đã cùng Philíppin và Bănglađét soạn thảo nghị quyết liên quan đến biến đổi khí hậu và quyền con người, dự kiến trình Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại khóa họp 53. Điều đó càng thể hiện Việt Nam đặt trọng tâm và ưu tiên cho các vấn đề liên quan đến môi trường. Thực chất, một số người hoạt động môi trường bị bắt giữ do có liên quan đến tội trốn thuế được quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Thứ ba, tại Việt Nam, hàng trăm tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ đang tăng cường đa dạng hóa hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Họ được hoạt động theo quy định pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và nếu vi phạm sẽ bị xử lý. Đó là những giá trị tiến bộ của Nhà nước thượng tôn pháp luật và cũng chính là giá trị của một xã hội tôn trọng và bảo vệ quyền con người: không cho phép vi phạm quyền của cá nhân và tập thể.
Bốn là, HRW tiếp tục chiêu bài “bổn cũ soạn lại” khi chỉ trích Việt Nam vi phạm các quyền dân sự - chính trị
Phúc trình toàn cầu 2023 xuyên tạc tình hình bảo đảm các quyền dân sự - chính trị ở Việt Nam bằng nhận định: “Các quyền dân sự và chính trị cơ bản bị đàn áp một cách có hệ thống ở Việt Nam. Chính quyền, dưới chế độ cai trị độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiềm tỏa chặt chẽ các quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, nhóm họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn giáo”.
Việc đánh giá thiếu cơ sở này cần được phản bác bởi những lập luận sau:
Thứ nhất, theo lý luận về quyền con người, có những quyền tuyệt đối, bất khả xâm phạm trong mọi hoàn cảnh nhưng phần lớn các quyền con người mang tính tương đối nên có thể bị hạn chế bằng luật trong những điều kiện nhất định. Để ngăn chặn việc thực thi quyền của người này ảnh hưởng, đe dọa quyền và tự do của người khác và của trật tự xã hội nói chung, nhà nước phải chịu trách nhiệm duy trì một trật tự để bảo đảm cho tự do của các thành viên trong xã hội. Như vậy, hạn chế quyền con người thực chất là để bảo vệ quyền một cách tốt hơn(15). Vai trò của Nhà nước là vừa phải tạo không gian cho sự tự do của con người, nhưng cũng đồng thời phải hạn chế các không gian đó trong một phạm vi nhất định. Từ đó có thể thấy, bản chất của hạn chế quyền con người chính là ranh giới cân bằng quyền lợi hợp pháp của mỗi cá nhân với lợi ích chung của cộng đồng. Việc hạn chế quyền là quan trọng và cần thiết(16).
Thứ hai, pháp luật quốc tế, khu vực và một số quốc gia cũng ghi nhận việc hạn chế quyền. Công ước quốc tế về các quyền dân sự - chính trị (ICCPR) cũng nêu rõ những hạn chế cụ thể. Thí dụ, Điều 19 ICCPR quy định quyền tự do ngôn luận có thể bị hạn chế để bảo vệ quyền và tự do của những người khác như quyền riêng tư hay bí mật kinh doanh. Ở cấp độ khu vực, các văn kiện nhân quyền cũng có những quy định về hạn chế quyền. Thí dụ Công ước châu Âu về bảo vệ quyền con người và các tự do cơ bản (Convention for the Protection of human rights and fundamental freedoms) có những điều luật quy định trường hợp nhất định mà quyền đó không được áp dụng. Như quyền tự do thân thể tại Điều 5 sẽ không áp dụng trong trường hợp đối tượng bị bắt giữ hoặc giam cầm một cách hợp pháp.
Công ước châu Mỹ về quyền con người cũng khẳng định quyền tự do tư tưởng và tự do biểu đạt là quyền có thể bị hạn chế vì lý do “tôn trọng quyền của người khác hoặc để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức cộng đồng”(17). Quyền hội họp hòa bình và quyền tự do lập hội cũng là những quyền đòi hỏi phải thực thi phù hợp với quy định của luật pháp và cần thiết trong một xã hội dân chủ(18).
Pháp luật của một số quốc gia cũng đặt ra những quy định hạn chế về quyền dân sự chính trị. Tại Mỹ, giới hạn của tự do ngôn luận được thể hiện chủ yếu qua án lệ của các tòa án, đặc biệt là Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, cho phép chính quyền ngăn chặn và trừng phạt các phát ngôn có tính chất khiêu dâm, tục tĩu, phỉ báng, xúc phạm và gây hấn mà không bị xem là vi hiến.
Tại Pháp, pháp luật về tự do ngôn luận đưa ra các giới hạn, chế tài nghiêm khắc trừng trị hành vi lạm dụng quyền tự do ngôn luận làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, bao gồm việc bảo vệ nhân phẩm con người, chống lại việc vu khống, bôi nhọ; chống phân biệt chủng tộc, tôn giáo; chống kích động bạo lực, gây hận thù (Luật Tự do báo chí năm 1881); chống lại việc xâm phạm đời tư (Bộ luật Dân sự); cấm xuất bản một số tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia (Luật Hình sự)... Việc bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng internet cũng chịu sự điều chỉnh của Luật Tự do báo chí.
Thứ ba, việc bảo đảm thực hiện các quyền dân sự - chính trị ngày càng tạo được nhiều dấu ấn trong thực tiễn.
Tháng 3-2023, Việt Nam nộp báo cáo tự nguyện giữa kỳ về tình hình thực hiện công ước ICCPR. Báo cáo đã phản ánh đầy đủ, kịp thời những thành tựu và nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo đảm và thúc đẩy quyền dân sự và chính trị ở Việt Nam. Thí dụ, đến tháng 02-2022, có 76,95 triệu người Việt Nam dùng mạng xã hội, tương đương 78,1% dân số, trong đó, người dùng Facebook là 70,4 triệu người(19).
Cả nước hiện có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số), có hơn 54 nghìn chức sắc, 135 nghìn chức việc và hơn 29 nghìn cơ sở thờ tự cũng như hàng nghìn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.
Nhiều hoạt động tôn giáo mang tầm toàn quốc, quốc tế với sự tham gia của hàng nghìn người đến từ hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ được tổ chức tại Việt Nam như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam 3 lần đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK; lễ hội của đồng bào theo đạo Tin lành kỷ niệm lễ 100 năm Tin lành đến Việt Nam... Cảm nhận về sự tự do tôn giáo ở Việt Nam, Mục sư Franklin Graham cho biết: “Khi tôi trở lại Hoa Kỳ, tôi sẽ làm “Đại sứ” cho quý vị. Tôi rất vui khi được chia sẻ với chính giới và người dân Hoa Kỳ về sự tự do tôn giáo mà tôi được trải nghiệm tại Việt Nam”(20).
Năm là, sự kệch cỡm của việc chế giễu mối quan hệ song phương tiếp tục phát triển giữa Việt nam - Ôxtrâylia khi cho rằng Ôxtrâylia đã lờ đi và bất chấp “hồ sơ nhân quyền yếu kém” của Việt Nam
Tháng 4-2023, Việt Nam - Ôxtrâylia đã đối thoại nhân quyền trong bối cảnh HRW đưa nhiều thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền Việt Nam. Bằng giọng điệu chế giễu, HRW còn gửi tờ trình lên Chính phủ Ôxtrâylia trước cuộc đối thoại và “thúc giục” Chính phủ Ôxtrâylia nên đặt ra các điều kiện đối với Việt Nam về các vấn đề sau: 1) những người đang bị tù hoặc tạm giam vì lý do chính trị; 2) tình trạng hạn chế quyền tự do đi lại; và 3) tình trạng đàn áp tự do thực hành tôn giáo và tín ngưỡng và “yêu cầu” Ôxtrâylia đặt ra các hậu quả đối với quan hệ song phương nếu các vi phạm nêu trên vẫn không được giải quyết.
HRW đã cố tình bỏ qua thông tin rằng, tháng 02-2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ôxtrâylia và Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển. Năm 2022, Ôxtrâylia trở thành đối tác thương mại lớn thứ bảy của Việt Nam, trong khi Việt Nam vẫn giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn thứ mười của Ôxtrâylia. Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Ôxtrâylia có nhiều bước phát triển mạnh mẽ. Đến hết tháng 2-2023, Ôxtrâylia có 590 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 1,99 tỷ USD, đứng thứ 20 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú, y tế, trợ giúp xã hội và nông, lâm, thủy sản. Việt Nam đứng thứ 10 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Ôxtrâylia, tập trung trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, bán buôn, bán lẻ, chế biến, chế tạo.
Một mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng và hợp tác hữu nghị như vậy, Ôxtrâylia đã thực sự thấu hiểu những chủ trương, chính sách của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quyền con người. Ôxtrâylia là một trong những đối tác hợp tác đầu tiên trong lĩnh vực quyền con người của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh từ năm 1995 đến nay. Trong đó, Ủy ban Quyền con người Ôxtrâylia và Trung tâm Luật châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Sydney đã có gần 10 năm hợp tác với Học viện. Đặc biệt, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ủy ban Quyền con người Ôxtrâylia đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác ba năm (2019-2021) về giáo dục quyền con người. Đây là một sự kiện quan trọng đánh dấu kết quả hợp tác trên lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ quyền con người thông qua giáo dục, góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị, hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia Việt Nam và Ôxtrâylia(21).
Ở Việt Nam, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, mà trước hết là quyền dân tộc tự quyết - quyền được ghi nhận tại Điều 1 của Công ước về các quyền dân sự chính trị (ICCPR), chính là mục tiêu và thành quả của quá trình đấu tranh, hy sinh gian khổ của nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Trong hơn 35 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển(22), được cộng đồng thế giới ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao. HRW tự cho mình quyền đánh giá các quốc gia trong việc bảo đảm quyền con người đã là một sự phi lý, vi phạm nguyên tắc của pháp luật quốc tế về quyền con người. Nếu HRW vẫn say sưa với “sứ mệnh” mà tổ chức này tự phong cho mình như vậy, thì một nguyên tắc HRW cần phải luôn ghi nhớ: Phúc trình toàn cầu thì cần phải toàn diện!
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 548 (10-2023)
Ngày nhận bài: 11-9-2023; Ngày bình duyệt: 08-10-2023; Ngày duyệt đăng: 18-10-2023.
(1) Cao Đức Thái: Phúc trình nhân quyền 2016 của tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) về Việt Nam hoàn toàn vô giá trị, Tạp chí Lý luận chính trị, số 8-2017, tr.78.
(2) Các nhiệm vụ mà HRW tự phong cho mình được đăng tải trên trang website của tổ chức này. Hiện nay, HRW có trụ sở tại: New York, Amsterdam, Beirut, Berlin, Brussels, Chicago, Geneva, Johannesburg, London, Los Angeles, Nairobi, Paris, Oslo, San Francisco, São Paulo, Silicon Valley, Sydney, Sweden, Tokyo, Toronto, Washington D.C., Zürich.
(3) Ngày 28-11-2014, Bộ Truyền thông và Thông tin của Thái Lan đã ra lệnh cấm trang mạng của tổ chức HRW, bởi HRW đã vi phạm các quy định về an ninh quốc gia của Thái Lan, coi đó là biện pháp để bảo vệ trật tự cho Thái Lan. Nhiều quốc gia trên thế giới, một số tổ chức phi chính phủ, giới truyền thông và ông R.L. Bernstein - một trong các nhân vật sáng lập và là cựu chủ tịch HRW, đã nhiều lần chỉ trích HRW. Ông cho rằng tổ chức đã đi ngược với sứ mệnh ban đầu khi nó chỉ trích Ítxaren, một xã hội mở với một chế độ dân chủ, nhiều hơn các chế độ độc tài trong khu vực. R.Murdoch - ông chủ tờ Thời báo (The Times), đã cáo buộc HRW thiếu kiến thức chuyên sâu, đưa tin không chính xác về cuộc chiến tại dải Gaza, Afghanistan
(4) Bản Phúc trình Toàn cầu 2023 của HRW đánh giá tình hình nhân quyền Việt Nam từ trang 693 đến trang 699.
(5) “Phúc trình toàn cầu 2022” - sự lạc lõng của HRW, https://congan.quangtri.gov.vn.
(6) Việt Nam đã từng trúng cử và đã hoàn thành tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Việt Nam đã hai lần trúng cử là Ủy viên không thường trực chính thức của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020-2021).
(7) Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn 7/9 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, bao gồm Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, Công ước chống phân biệt chủng tộc năm 1965, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (Công ước CEDAW) năm 1979, Công ước chống tra tấn năm 1984, Công ước về quyền trẻ em năm 1989, Công ước về quyền của người khuyết tật năm 2006.
(8), (9) Lưu Ly: Báo cáo giữa kỳ UPR: Sự cam kết mạnh mẽ, nhất quán về thúc đẩy quyền con người của Việt Nam, https://www.xaydungdang.org.vn....
(10) Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên là sáng kiến của Việt Nam, được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề xuất tại phiên họp cấp cao mở đầu khóa họp 52 của Hội đồng Nhân quyền tại Giơnevơ ngày 27-02-2023.
(11) Các đối tượng đã bị truy tố vì các tội liên quan đến chống phá Nhà nước; tuyên truyền chống phá chính quyền; trả lời phỏng vấn đài, báo nước ngoài với nội dung xuyên tạc tình hình Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền...
(12) Tạ Quang Đạo: Cái gọi là “Tù nhân lương tâm”, https://dangcongsan.vn.
(13) ĐCSVN: Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.
(14) Phát biểu của Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng đoàn Việt Nam tại phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn (Ủy ban Chống tra tấn của Liên hợp quốc, Giơnevơ, ngày 14 đến 15-11-2018).
(15), (16) Nguyễn Linh Giang: Cơ sở lý luận và thực tiễn về hạn chế quyền con người ở Việt Nam hiện nay, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2022, tr.27-28, 30.
(17) Công ước châu Mỹ về quyền con người, Điều 13.
(18) Công ước châu Mỹ về quyền con người, Điều 15, 16.
(19) Huyền Trân: Sử dụng mạng xã hội: Tự do, nhưng hãy văn minh!, https://haugiang.gov.vn/.
(20) Đức Minh: Nhận định thiếu khách quan về nhân quyền ở Việt Nam, http://quocphongthudo.vn/.
(21) Nguyễn Minh: Việt Nam-Australia hợp tác thúc đẩy giáo dục về quyền con người, https://www.vietnamplus.vn.
(22) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.28.