Thực tiễn

Đóng góp của đồng bào tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Nghệ An hiện nay

12/05/2024 13:49

(LLCT) - Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 2 tôn giáo lớn là Phật giáo và Công giáo. Thời gian qua, đồng bào tôn giáo ở Nghệ An đã có nhiều đóng góp tích cực cho quá trình phát triển của địa phương. Bài viết phân tích những đóng góp của đồng bào tôn giáo Nghệ An trong các lĩnh vực, đề xuất một số khuyến nghị nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng của đồng bào tôn giáo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới. Bài báo là sản phẩm của đề tài “Thực trạng và giải pháp phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Nghệ An”; Cơ quan chủ trì: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

GS, TS LÊ VĂN LỢI
Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

PGS, TS HOÀNG THỊ LAN

Viện Tôn giáo và tín ngưỡng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nhiều hoạt động “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” cũng được các chùa, tăng ni, phật tử tổ chức thường xuyên góp phần đưa hình ảnh Phật Giáo đi vào lòng quần chúng _ Ảnh:baonghean.vn

Tỉnh Nghệ An nằm ở khu vực miền Trung Việt Nam với diện tích 16.487 km2, dân số là 3,549 triệu người. Trên địa bàn tỉnh có 2 tổ chức tôn giáo lớn là Công giáo và Phật giáo. Trong đó, Công giáo có 292.329 tín đồ sinh hoạt tại 14 giáo hạt, 121 giáo xứ, phân bố tập trung tại 174/480 xã, phường, thị trấn thuộc 17/21 huyện, thị; có 212 chức sắc (2 Giám mục, 205 linh mục); có 357 nhà thờ; có Tòa Giám mục Giáo phận Vinh với 3 dòng tu chính thức và 23 cộng đoàn thuộc 20 dòng tu đang hoạt động thử nghiệm cùng 24 linh mục với 1.501 tu sĩ(1). Phật giáo có khoảng 169.000 tín đồ, 71 cơ sở thờ tự, 109 tăng, ni, có Ban trị sự Phật giáo cấp tỉnh và 3 Ban trị sự Phật giáo cấp thành phố, huyện(2). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có tín đồ của một số tôn giáo khác, như: Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo, cùng một số hiện tượng tôn giáo mới như: Pháp môn Diệu Âm, Nhất quán đạo,...

Sự hiện diện của các tôn giáo với số lượng tín đồ, chức sắc, chức việc khá đông đảo, tôn giáo ở Nghệ An có tiềm lực lớn cả về vật chất và tinh thần có thể đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Thời gian qua, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chân chính của người dân và các tổ chức tôn giáo luôn được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, tạo điều kiện giải quyết kịp thời, các hoạt động tôn giáo luôn diễn ra thuận lợi. Đa số chức sắc, chức việc và đồng bào tôn giáo luôn đoàn kết, đồng lòng, phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước và chung tay cùng các cấp ủy đảng, chính quyền giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh. Những đóng góp của chức sắc, chức việc và đồng bào tín đồ tôn giáo ở Nghệ An được thể hiện trên một số lĩnh vực như sau:

1. Đóng góp trong phát triển kinh tế

Đa phần đồng bào tôn giáo ở Nghệ An vẫn chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, một bộ phận đồng bào có nghề tiểu thủ công nghiệp, nghề biển và kinh doanh thương mại dịch vụ. Những năm qua, cùng với sự chuyển mình của đất nước, đồng bào tôn giáo ở Nghệ An cũng tích cực chuyển đổi mô hình sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị năng suất cao vào sản xuất. Sự nỗ lực của đồng bào tôn giáo cùng với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã góp phần làm thay đổi vượt bậc đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào tôn giáo.

Tỷ lệ hộ đồng bào theo tôn giáo trên địa bàn tỉnh thuộc diện nghèo ngày càng giảm, tỷ lệ hộ giàu, khá ngày càng tăng. Năm 2019, có 52,7% số hộ gia đình tín đồ Công giáo thuộc diện giàu, khá; đến năm 2023, số hộ thuộc diện giàu, khá tăng lên 55,0%; số hộ thuộc diện nghèo giảm dần (hiện còn 7%)(3).

Tại huyện Nghi Lộc, năm 2022, số hộ gia đình tín đồ Công giáo có thu nhập cao là 3.334 hộ (đạt 24,8% tổng số hộ tín đồ Công giáo trên toàn huyện); số hộ khá là 7.995 hộ (đạt 59,4%); số hộ cận nghèo là 1.247 hộ (chiếm tỷ lệ 9,26%) và số hộ nghèo chỉ còn 881 hộ (chiếm tỷ lệ 6,54%)(4).

Tại huyện Nghĩa Đàn, năm 2017, có 194 hộ tín đồ tôn giáo thuộc diện hộ nghèo, 215 hộ cận nghèo; có 1.157 hộ thuộc diện giàu, khá (50,1% số hộ tín đồ tôn giáo tại huyện). Đến cuối năm 2022, số hộ nghèo còn 118 hộ (giảm 76 hộ) và 130 hộ cận nghèo (giảm 85 hộ), có 1.227 hộ giàu, khá (chiếm tỷ lệ 54,1%)(5).

Thông qua phong trào thi đua phát triển kinh tế, đã xuất hiệu nhiều mô hình tín đồ tôn giáo điển hình làm kinh tế giỏi và hình thành các tổ, nhóm cộng đồng trợ giúp nhau trong phát triển kinh tế. Ở hầu hết các huyện, thị, thành phố của tỉnh Nghệ An đều đã xuất hiện những mô hình kinh tế hiệu quả của đồng bào tôn giáo.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, đã có nhiều mô hình ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi kết hợp với trồng trọt. Tại huyện Nghĩa Đàn có mô hình trang trại nuôi lợn kết hợp với trồng rừng quy mô lớn của gia đình(6); tại huyện Quỳnh Lưu có các mô hình kết hợp trồng cây ăn quả và chăn nuôi với thu nhập từ 150-250 triệu đồng/năm của hộ gia đình; mô hình trồng rừng và chăn nuôi trâu bò ở giáo xứ Phú Xuân (Quỳnh Tam, Quỳnh Lưu)(7)... Nhiều mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ vào nuôi trồng thủy sản đạt hiệu suất cao, như: mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong bể xi măng, nuôi tôm trong nhà lưới, cho thu nhập 1,5-2 tỷ đồng/năm ở giáo xứ Lộc Thủy, Quỳnh Bảng (huyện Quỳnh Lưu)(8)... Nhiều mô hình làng nghề được cộng đồng tín đồ tôn giáo quan tâm khôi phục như: làng nghề làm bún tại giáo xứ Trung Hậu, xã Nghi Hoa; làng nghề bánh cốm Đông Thuận, xã Nghi Thuận; làng nghề sản xuất tinh bột nghệ Kiều Mộc, xã Nghi Kiều (huyện Nghi Lộc)9,...

Ở các địa phương cũng xuất hiện ngày càng nhiều mô hình thương mại, dịch vụ của đồng bào tín đồ tôn giáo hoạt động ổn định, hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, như: mô hình phát triển nghề xây dựng; mô hình phát triển thương mại, dịch vụ nhà hàng(10)...

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp là tín đồ tôn giáo hoạt động hiệu quả, tạo được tín nhiệm cao trong xã hội, như: Công ty TNHH Bình Hương, Công ty CPXD Thịnh Lành, Công ty TNHH Anh Sơn, Công ty CP Sao Mai Việt Nam, Công ty TNHH Quyền Trinh, Công ty TNHH Lực Nguyên Khang (Thành phố Vinh)(11); CTCP và TM Đại Thanh, Công ty TNHH may mặc Trọng Phúc (Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu); Công ty sản xuất gỗ ván ép (Cẩm Trường, Quỳnh Yên)(12)... Các doanh nghiệp do chủ doanh nghiệp là tín đồ tôn giáo gây dựng đã và đang góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại hóa. Đặc biệt, sự tương trợ có hiệu quả trong kinh doanh cùng nhiều hoạt động xã hội thiết thực của Hội Doanh nhân Công giáo Giáo phận Vinh.

2. Đóng góp xây dựng chính quyền

Thời gian qua, đa số chức sắc, chức việc và đồng bào tôn giáo ở Nghệ An đã thể hiện trách nhiệm cao với các hoạt động chính trị - xã hội của địa phương và đất nước; tham gia tích cực vào các sự kiện chính trị, như tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản pháp luật, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026...

Một số chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo được bầu vào các cơ quan dân cử, đóng góp tâm sức, trí tuệ xây dựng quê hương. Nhiệm kỳ 2021-2026 có 02 đại biểu tôn giáo tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 20 đại biểu tham gia Hội đồng nhân dân cấp huyện và 373 đại biểu tham gia Hội đồng nhân dân cấp xã; nhiệm kỳ 2019-2024 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc có 20 đại biểu tham gia cấp tỉnh, có 101 đại biểu tham gia cấp huyện và cấp xã có 814 đại biểu; có 74 đại biểu Công giáo tham gia Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh và 302 đại biểu tham gia Ban Đoàn kết Công giáo nhiệm kỳ 2022-2027(13).

Trong những năm qua, số lượng đảng viên là người có tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng gia tăng. Nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ tỉnh kết nạp mới 66 đảng viên là người có đạo, chiếm 0,23% số đảng viên được kết nạp mới của Đảng bộ. Nhiệm kỳ 2015-2020, số đảng viên có tôn giáo được kết nạp mới là 82 người, chiếm 0,37% số đảng viên có đạo được kết nạp. Đến tháng 3-2023, số đảng viên có tôn giáo của Đảng bộ là 708 người (trong đó có 53 đảng viên là người có tôn giáo là Bí thư Chi bộ)(14).

Tại một số địa phương tập trung đông đồng bào tôn giáo, các chức sắc, chức việc tôn giáo đã tích cực động viên thanh niên chấp hành nghiêm túc Luật Nghĩa vụ quân sự, tham gia khám tuyển và sẵn sàng lên đường nhập ngũ theo quy định.

Hưởng ứng cuộc vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo đã thực hiện treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo, thôn, xóm và tại gia đình vào các dịp lễ, tết và các sự kiện của tôn giáo; treo cờ Tổ quốc trên các tàu, thuyền khi ra khơi... Hiện nay, 73,9% cơ sở Công giáo, 100% cơ sở Phật giáo đã thực hiện treo cờ Tổ quốc vào các dịp lễ lớn của dân tộc; 58,45% cơ sở Công giáo, 100% cơ sở Phật giáo đã treo cờ Tổ quốc trong các dịp lễ trọng, các sự kiện lớn của tôn giáo. Xuất hiện nhiều mô hình ở các địa phương như: “Đường cờ đại đoàn kết” (giáo xứ Vạn Thùy, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu); mô hình “Cơ sở tôn giáo rợp cờ Tổ quốc” (giáo họ Phan Thôn, giáo họ Ân Hậu, thành phố Vinh); mô hình “Đường cờ tôn giáo” (giáo họ Đồng Tâm xứ Làng Rào, huyện Tân Kỳ)(15)...

Những kết quả trên cho thấy, thái độ, ý thức chính trị của đại đa số chức sắc và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngày càng được nâng cao; đường hướng hoạt động gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của các tổ chức tôn giáo đã được chức sắc, chức việc và đông đảo tín đồ tôn giáo trên địa bàn tỉnh thấm nhuần và triển khai thực thi trong cuộc sống.

3. Đóng góp trong lĩnh vực văn hóa, đạo đức, lối sống

Những năm qua, các chức sắc, chức việc tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích tín đồ tôn giáo thực hành những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong cuộc sống, góp phần xây dựng đời sống xã hội thông qua hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước. Các tổ chức tôn giáo phát động các phong trào phù hợp, như: “Xây dựng chùa cảnh tinh tiến, gương mẫu”; “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Xây dựng xứ, họ đạo bình yên”...

Việc giáo dục đạo đức, lối sống được các chức sắc, chức việc tôn giáo đặc biệt quan tâm. Chức sắc tôn giáo đã chú ý giáo dục các nội dung giá trị văn hóa, đạo hiếu truyền thống của dân tộc thông qua các sinh hoạt tôn giáo. Nhiều chức sắc Phật giáo tổ chức các lớp học giáo lý, các khóa tu mùa hè để góp phần giáo dục thiếu niên và lan tỏa những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của Phật giáo trong cộng đồng. Nhiều linh mục Công giáo tích cực đóng vai trò hòa giải trong các quan hệ của cộng đồng tín đồ, rao giảng những điều răn theo giáo luật để thúc đẩy tín đồ thực hành niềm tin kính Chúa, yêu người trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, các chức sắc, chức việc tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng tích cực định hướng hoạt động của tín đồ theo tinh thần sẻ chia, tương thân, tương ái, xây dựng lối sống hướng thiện. Do đó, các hoạt động vì cộng đồng luôn được đồng bào tôn giáo ở địa phương hưởng ứng rất tích cực. Từ năm 2020 đến tháng 3-2023, Tòa Giám mục Giáo phận Vinh đã vận động được 17 tỷ đồng, hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 242 hộ dân (làm mới 225 nhà, sửa chữa 17 nhà)(16). Tại thành phố Vinh, trong 5 năm (2018-2022), đồng bào Công giáo đã ủng hộ 216 triệu đồng cho quỹ vì người nghèo, ủng hộ 327 triệu đồng cho Chương trình Tết người nghèo; ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 109 triệu đồng; ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lụt trên 600 triệu đồng; ủng hộ quỹ nhân đạo 110 triệu đồng; ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 hơn 1 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 18 nhà tình nghĩa, hỗ trợ sửa chữa nhà cho 13 hộ cận nghèo, hộ khó khăn với số tiền hơn 1 tỷ đồng(17)...

Thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp tại miền Nam, một số chức sắc Phật giáo trên địa bàn tỉnh đã tình nguyện tham gia vào tuyến đầu, hỗ trợ các bác sĩ và nhân viên y tế trong công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó, chức sắc và tín đồ Phật giáo đã ủng hộ tiền cho quỹ vắcxin và lương thực, thực phẩm cho công tác chống dịch trị giá khoảng 9 tỷ đồng; chức sắc tín đồ Công giáo ủng hộ khoảng 18 tỷ đồng(18).

4. Đóng góp trên lĩnh vực giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội

Hưởng ứng chủ trương xã hội hóa giáo dục, y tế của Đảng, Nhà nước, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng bước đầu tham gia vào các lĩnh vực này và đã có được những kết quả nhất định. Đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 53 cơ sở chăm sóc trẻ mầm non, thu hút 5.751 trẻ, trong đó có 3 cơ sở đã được cấp phép hoạt động (cơ sở thuộc Giáo xứ Dạ Thanh, xã Quỳnh Thanh và cơ sở thuộc giáo xứ Cẩm Trường, xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu; Trường mầm non Lâm Bích thuộc giáo xứ Yên Đại, xã Nghi Phú, thành phố Vinh)(19).

Các tổ chức tôn giáo thành lập các quỹ khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ, khuyến khích, động viên học sinh, sinh viên thi đua học tập. Giáo phận Vinh thành lập quỹ học bổng Nguyễn Trường Tộ, chùa Phúc Lạc, xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc thành lập quỹ học bổng “Nâng bước anh tài”...

Trên lĩnh vực y tế, Tòa Giám mục Giáo phận Vinh đã thành lập phòng khám đa khoa Xã Đoài với diện tích xây dựng là 1.500m2/3.000m2 với 72 giường bệnh, 26 bác sĩ và nhân viên y tế, mỗi năm khám chữa bệnh cho khoảng 11.000 lượt người; một số tín đồ Công giáo đã thành lập các phòng khám đa khoa tư nhân(20). Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo còn có các tủ thuốc, cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, yêu thương con người bằng những hành động thiết thực, các tổ chức tôn giáo đã thành lập và duy trì 6 trung tâm trợ giúp xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồi côi, trẻ khuyết tật.

5. Đóng góp vào phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo đảm an ninh, trật tự xã hội

Nghệ An là một trong số ít những địa phương đi đầu cả nước trong việc huy động nguồn lực của đồng bào tôn giáo để thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nhiều địa phương vùng đồng bào tôn giáo đã hình thành các phong trào thiết thực phù hợp với điều kiện cụ thể, như phong trào “Ngày thứ 7 vì nông thôn mới”, “Khu dân cư văn minh, phát triển”, “Đường thông, hè thoáng, xóm làng, khối phố văn minh”... tại huyện Quỳnh Lưu; phong trào “Giáo họ đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao” tại xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc...

Trong 5 năm (2018-2022), đồng bào Công giáo tỉnh Nghệ An đã hiến hơn 210.000m2 đất, đóng góp trên 64 nghìn ngày công và gần 400 tỷ đồng cho phong trào xây dựng nông thôn mới(21). Sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương cùng sự đồng lòng hưởng ứng của các chức sắc, chức việc và sự nỗ lực của đồng bào tôn giáo, diện mạo nông thôn, đô thị vùng đồng bào tôn giáo ở Nghệ An đã có sự thay đổi vượt bậc, đường làng, ngõ xóm được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào tôn giáo có sự cải thiện đáng kể. Đến cuối năm 2022 đã có 181 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 66 xã tập trung đông đồng bào Công giáo(22).

Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều mô hình đồng bào tôn giáo tham gia phối hợp cùng các cơ quan chính quyền giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Phật giáo có các mô hình như: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xã hội đô thị văn minh”; “Tăng, Ni, Phật tử chùa Diệc tham gia bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng văn minh đô thị” (thành phố Vinh); “Tâm sáng hướng thiện đồng hành bảo đảm an ninh trật tự” (Nghi Phong, Nghi Lộc).

Tại các giáo xứ, giáo họ Công giáo, các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội luôn được các chức sắc, chức việc và đông đảo tín đồ hưởng ứng tích cực và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng ở địa phương. Trên địa bàn tỉnh đã có gần 4 nghìn ban tự quản, 27 nghìn tổ tự quản, tiêu biểu như các mô hình: “Họ giáo không có tội phạm và tệ nạn xã hội” (xã Nghi Thuận, Thị xã Thái Hòa; xã Sơn Hải huyện Quỳnh Lưu); “Đồng bào Lương Giáo đoàn kết bảo đảm an ninh trật tự, chung tay xây dựng nông thôn mới” (xã Hưng Trung, Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên; xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương); “Giáo họ bình yên không có người vi phạm pháp luật về tệ nạn xã hội” (giáo họ Đức Vọng và Lộc Mỹ thuộc giáo xứ Lộc Mỹ, xã Quỳnh Nghi, huyện Nghi Lộc); “Câu lạc bộ Hội Cựu chiến binh với công tác bảo đảm an ninh trật tự” (xã Khánh Thành, huyện Yên Thành; xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn; xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên); “Tổ tự quản về an ninh trật tự”, “Tổ tuần tra nhân dân” (xã Diễn Mỹ và Diễn Đoài, huyện Diễn Châu)... Trong đó, một số mô hình đã được biểu dương và nhân rộng toàn quốc.

6. Một số kiến nghị

Bên cạnh những đóng góp tích cực, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn có một số cá nhân nhà tu hành và tín đồ tôn giáo chưa nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, một số ít bị lợi dụng cho các mưu đồ xấu, nên có những hoạt động chưa tuân thủ quy định của pháp luật và có những hoạt động lợi dụng tôn giáo để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội và đoàn kết dân tộc. Do đó, để phát huy hiệu quả tiềm năng của đồng bào tôn giáo trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, một số kiến nghị là:

Đối với hệ thống chính trị địa phương

Các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương cần chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào tôn giáo, trong đó tập trung vào các nội dung của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30-12-2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để chức sắc, chức việc và đồng bào tôn giáo nắm vững và thực thi hiệu quả.

Các cơ quan, tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị cần chủ động giữ mối quan hệ, phối hợp thường xuyên với các tổ chức, chức sắc, chức việc tôn giáo; động viên chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tham gia tích cực vào các tổ chức chính trị - xã hội; động viên, khuyến khích tín đồ vận dụng, phát huy những giá trị nhân văn, nhân đạo của tôn giáo trong cuộc sống.

Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức tôn giáo tham gia tích cực hơn vào lĩnh vực giáo dục, y tế. Trước tiên, cần phối hợp với Giáo phận Vinh rà soát các cơ sở giáo dục mần non và các cơ sở bảo trợ xã hội chưa được công nhận, hướng dẫn, tạo điều kiện để các cơ sở này dần bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực quản lý, giảng dạy, tiến tới công nhận và quản lý hoạt động theo quy định để phát huy hiệu quả hoạt động, đóng góp cho xã hội.

Các cơ quan, ban, ngành trong hệ thống chính trị địa phương cần tiếp tục phát huy hiệu quả những mô hình phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, đạo đức, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, môi trường...; có cơ chế động viên, khen thưởng kịp thời những tấm gương chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tích cực trong các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đồng thời, xây dựng kế hoạch nhân rộng những mô hình hiệu quả.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần tăng cường phối hợp với các tổ chức tôn giáo, phát động và tổ chức đa dạng hơn các phong trào thi đua yêu nước phù hợp với điều kiện địa phương và đặc thù, thế mạnh của từng tôn giáo để tạo điều kiện cho chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tham gia các phong trào trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chính quyền cần chủ động quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ, đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chân chính theo quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương để các hoạt động tôn giáo và hoạt động xã hội của tổ chức và cá nhân tôn giáo luôn được diễn ra thuận lợi.

Đối với các tổ chức, chức sắc và tín đồ tôn giáo

Các tổ chức tôn giáo cần tiếp tục quán triệt các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo thực thi nghiêm túc đường hướng hoạt động của Giáo hội, định hướng hoạt động của chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, hướng hoạt động của tôn giáo theo xu hướng đồng hành với dân tộc.

Các chức sắc, chức việc tôn giáo cần chủ động định hướng, khích lệ tín đồ tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội ích nước, lợi dân; dẫn dắt hoạt động tôn giáo và hoạt động hướng đích xã hội của tổ chức và cá nhân tôn giáo tuân thủ các quy định của pháp luật.

Các tín đồ tôn giáo cần thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm công dân, chấp hành đúng các quy định của tổ chức tôn giáo; tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động lợi đạo, tốt đời, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của gia đình, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, đóng góp cho xã hội.

Quan tâm phát huy tiềm năng của đồng bào tôn giáo đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chính là góp phần hiện thực hóa tinh thần Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn địa bàn tỉnh Nghệ An; đồng thời góp phần khai thác tiềm năng, gia tăng nguồn lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 548 (10-2023)

Ngày nhận bài: 07-9-2023; Ngày bình duyệt: 07-10-2023; Ngày duyệt đăng: 18-10-2023.

(1) Ban Tôn giáo tỉnh Nghệ An: Báo cáo Thực trạng phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội ở Nghệ An, Tài liệu phục vụ buổi làm việc với đoàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tháng 3-2023.

(2), (3), (13), (14), (15) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An: Báo cáo phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội ở Nghệ An phục vụ làm việc với đoàn khảo sát của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 16-3-2023.

(4), (9) UBND huyện Nghi Lộc: Báo cáo làm việc với đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về thực trạng phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo đối với việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, ngày 5-6-2023.

(5), (7), (10) UBND huyện Nghĩa Đàn: Báo cáo kết quả phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo đối với việc phát triển kinh tế - xã hội tại huyện Nghĩa Đàn, Tài liệu phục vụ phiên làm việc với đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 7-6-2023.

(6), (8) UBND huyện Quỳnh Lưu: Báo cáo tình hình công tác quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo trên địa bàn huyện, tháng 3-2023.

(11), (12), (17) UBND thành phố Vinh: Báo cáo các nội dung phục vụ buổi làm việc với Đoàn cán bộ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tháng 3-2023.

(16), (18) Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An: Công tác vận động đồng bào tôn giáo Nghệ An tham gia các phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động xã hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội ở Nghệ An”, Nghệ An, tháng 6-2023.

(19) Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ: Chủ trương của tỉnh Nghệ An trong việc phát huy vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội và những kết quả đạt được, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội ở Nghệ An”, Nghệ An, tháng 6-2023.

(20) Phòng khám đa khoa Thiên Phước, xóm 10, xã Nghi Mỹ; Phòng khám Y học cổ truyền của lương y Nguyễn Văn Hiền, xóm 10, xã Nghi Trung huyện Nghi Lộc.

(21) Đồng bào Công giáo tỉnh Nghệ An tích cực thi đua yêu nước, https://www.vietnamplus.vn, ngày 12-10-2022.

(22) Nghệ An: Khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo, https://baonghean.vn, ngày 19-12-2022.