Nghiên cứu lý luận

Giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh về nam nữ bình quyền và giải phóng phụ nữ

22/05/2024 14:35

(LLCT) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn đặt nhiệm vụ giải phóng phụ nữ gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nam nữ bình quyền và giải phóng phụ nữ chính là sự vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam. Bài viết phân tích làm rõ những quan điểm sâu sắc, toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bình đẳng giới, về giải phóng và phát triển phụ nữ và sự vận dụng của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới.

TS PHÙNG THỊ AN NA
Viện Lãnh đạo học và Chính sách công,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang về thăm Hà Nội vui mừng được gặp Bác Hồ, ngày 25-11-1965 (Ảnh tư liệu: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Khi bàn về sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, nguồn gốc kinh tế là căn nguyên sâu xa nhất dẫn tới hiện tượng này. Từ khi xã hội phân chia thành giai cấp và xuất hiện tình trạng áp bức bóc lột, người phụ nữ luôn luôn ở vị trí thấp kém nhất trong xã hội và là đối tượng bị áp bức nhất trong tất cả những người bị áp bức. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ nguồn gốc thấp kém của phụ nữ so với nam giới ở trong gia đình và ngoài xã hội là do sự bất bình đẳng về kinh tế đã dẫn tới sự thống trị của đàn ông đối với đàn bà và bất bình đẳng giới nảy sinh. Ph.Ăngghen viết: “Tình trạng không bình quyền giữa đôi bên, do những quan hệ xã hội trước kia để lại cho chúng ta, tuyệt nhiên không phải là nguyên nhân, mà là kết quả của việc áp bức đàn bà về mặt kinh tế”(1).

Cùng với nguyên nhân kinh tế, các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin cũng chỉ rõ, truyền thống văn hóa và xã hội (phong tục, tập quán lạc hậu) được cổ vũ mạnh mẽ bởi tôn giáo và sự bảo vệ vững chắc của pháp luật tư sản cũng là nguồn gốc rất cơ bản dẫn tới bất bình đẳng nam nữ, làm tăng thêm gánh nặng áp bức đối với phụ nữ. VI.Lênin viết: “Cho đến nay... hôn nhân có tính chất tôn giáo vẫn thịnh hành. Phụ nữ phải chịu như vậy là do ảnh hưởng của cha cố...”(2). Các ông cũng nhấn mạnh, chính bản thân người phụ nữ với sự cam chịu, nhẫn nhục, kém hiểu biết càng làm cho sự bất bình đẳng giới trở nên trầm kha trong xã hội tư bản. Như vậy, trong rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới, theo các nhà kinh điển, thì nguyên nhân kinh tế đóng vai trò quyết định, là nguồn gốc sâu xa nhất.

Từ thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến nguồn gốc văn hóa, tư tưởng. Năm 1952, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn đầy khó khăn, thách thức, nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Người đã viết bài “Nam nữ bình quyền”, khẳng định nguyên nhân sâu xa, căn cốt dẫn tới sự bất công tột độ cho nữ giới ở Việt Nam chính là “Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội”(3).

Việc Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến yếu tố tư tưởng, văn hóa có “đi ngược” lại những quan điểm của chủ nghĩa Mác về nguồn gốc dẫn tới sự bất bình đẳng giữa các giới hay không? Hoàn toàn không. Bởi lẽ, chính Hồ Chí Minh là người đã vận dụng đúng quan điểm, nguyên lý triết học Mác - Lênin để khẳng định giá trị trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong triết học Mác - Lênin có quan điểm lịch sử cụ thể, bản thân các ông cũng cho rằng việc vận dụng những quy luật chung của lịch sử loài người vào điều kiện lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc cần có những cải biến cho phù hợp. C.Mác, Ph.Ăngghen hay V.I.Lênin không bao giờ coi lý luận của mình là tối thượng, là đỉnh cao nhân loại mà vẫn cần có sự kế thừa, bổ sung, phát triển. Là một học trò xuất sắc của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của triết học Mác - Lênin vào điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, cho thấy, chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là sự vận dụng khiên cưỡng tư tưởng xa lạ, ngoại lai mà là nền móng vững chắc cho cách mạng Việt Nam kế thừa và phát triển. Hồ Chí Minh đã nhận định: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”(4).

Như vậy, với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở khoa học, là lý luận dẫn đường, và nhiệm vụ của những người cộng sản là không ngừng bổ sung, hoàn chỉnh lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Hồ Chí Minh đã bổ sung vào hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác những “tư liệu” phong phú của Đông phương học, những “dữ kiện thực tiễn” sinh động của lịch sử Việt Nam để giúp cho chủ nghĩa Mác “thích ứng” phù hợp với cách mạng Việt Nam.

Rõ ràng là, ở Việt Nam, với đặc thù của một dân tộc trải qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước, trong đó có lịch sử “nghìn năm Bắc thuộc”, với những phong tục tập quán đậm tính “bản địa” của nền văn minh nông nghiệp lúa nước và đặc biệt là lối tư duy chịu ảnh hưởng nặng nề từ học thuyết Nho giáo, sự bất bình đẳng, bình quyền giữa nam giới và phụ nữ không thể chỉ xét từ nguyên nhân kinh tế. Hồ Chí Minh xác định nguồn gốc văn hóa, tư tưởng là yếu tố “mấu chốt” trong vấn đề nam nữ bình quyền ở nước ta. Những tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, những định kiến giới sâu sắc về vai trò, vị trí của phụ nữ Việt Nam vẫn là những rào cản cơ bản khiến cho việc thực hiện bình đẳng giới gặp nhiều khó khăn, đúng như Người nhận định: “Đó là cuộc cách mạng khá to và khó”(5).

Khi đến thăm một lớp bồi dưỡng cán bộ, nhưng phần đông là nam giới, Hồ Chí Minh đã nhắc nhở một cách sâu sắc rằng: “Cán bộ nữ ít như vậy là một thiếu sót. Các đồng chí phụ trách lớp học chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng cán bộ nữ. Đây cũng là thiếu sót chung ở trong Đảng. Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai... Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ”(6).

Quan điểm của Hồ Chí Minh về nguồn gốc tư tưởng, thành kiến, định kiến dẫn tới sự không bình đẳng, bình quyền giữa các giới không hề mâu thuẫn với quan điểm của chủ nghĩa Mác, vì chủ nghĩa Mác khẳng định nguồn gốc kinh tế là nguồn gốc sâu xa nhất chứ không phải nguồn gốc duy nhất dẫn tới hiện tượng này. Việc Hồ Chí Minh nhấn mạnh nguồn gốc văn hóa, tư tưởng trong hiện tượng bất bình đẳng giới ở Việt Nam chính là sự kế thừa, bổ sung và làm mới chủ nghĩa Mác trong điều kiện lịch sử cụ thể của một quốc gia, dân tộc. Đó là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, là sự kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lênin với giá trị truyền thống của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại.

Về biện pháp thực hiện quyền bình đẳng nam nữ, theo chủ nghĩa Mác - Lênin, con đường và điều kiện để giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên thực tế - đó là con đường cách mạng xã hội nhằm xóa bỏ nguồn gốc kinh tế mà từ đó nảy sinh mọi sự bất bình đẳng trong xã hội, bao gồm cả bất bình đẳng giữa nam và nữ, trong đó chế độ sở hữu tư nhân phải được thay thế bằng sở hữu xã hội; phải đưa phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào công việc xã hội. Ph.Ăngghen viết: “điều kiện tiên quyết để giải phóng phụ nữ là làm cho toàn bộ nữ giới trở lại tham gia nền sản xuất xã hội, và điều kiện đó lại đòi hỏi phải cho gia đình cá thể không còn là một đơn vị kinh tế của xã hội nữa”(7).

Đồng thời, cần phải tổ chức lại cách phân công lao động xã hội và gia đình theo hướng giảm nhẹ gánh nặng gia đình cho phụ nữ, bằng cách xã hội hóa một phần công việc gia đình. Cũng cần phải luật pháp hóa mục tiêu bình đẳng nam nữ, bình đẳng giữa vợ và chồng. Khẳng định điều này, Ph.Ăngghen viết: “Đặc tính của sự thống trị của người chồng đối với người vợ trong gia đình hiện đại và sự tất yếu phải xác lập sự bình đẳng xã hội thật sự giữa hai bên, cũng như phương thức xác lập sự bình đẳng ấy, chỉ bộc lộ ra hoàn toàn rõ ràng một khi mà cả vợ chồng đều bình đẳng trước pháp luật”(8).

Cũng như C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin xem xét tình trạng phụ nữ bị áp bức, bóc lột, tình trạng bất bình đẳng giới từ những nguyên nhân kinh tế, xã hội, văn hóa... sâu xa của chúng. Theo ông, cải tạo toàn xã hội nhằm giải phóng tất cả những người lao động bị áp bức, bóc lột cũng là con đường giải phóng phụ nữ.

V.I.Lênin cho rằng, để xóa bỏ vĩnh viễn tình trạng bất bình đẳng, cần sự nỗ lực to lớn của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội, nhưng trước hết và quyết định nhất là sự nỗ lực của chính bản thân phụ nữ, “việc giải phóng phụ nữ lao động... phải là việc của bản thân phụ nữ lao động”(9). Nội dung đầu tiên phải thực hiện là “Muốn để giải phóng phụ nữ, muốn làm cho họ thật sự bình đẳng với nam giới, thì phải có nền kinh tế chung của xã hội, phải để cho phụ nữ tham gia lao động sản xuất chung. Như thế phụ nữ mới có địa vị bình đẳng với nam giới”(10).

Theo V.I.Lênin, giành quyền bình đẳng cho phụ nữ không chỉ ghi nhận trong văn bản mà còn phải thực hiện trong thực tiễn. Biện pháp hữu hiệu và nhanh chóng xóa bỏ khoảng cách giữa “bình đẳng về mặt pháp luật” và “bình đẳng trong thực tế đời sống” cũng đã được V.I.Lênin chỉ ra và quyết tâm thực hiện khi Người ở cương vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Xô viết. Biện pháp đó là: “...làm cho nữ công nhân ngày càng tham gia nhiều hơn vào việc quản lý các xí nghiệp công cộng, vào việc quản lý nhà nước”. Với việc thực hiện biện pháp này, VI.Lênin hoàn toàn tin tưởng rằng: “...Phụ nữ sẽ học tập nhanh chóng và đuổi kịp được nam giới”(11).

Kế thừa và vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định, để giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền, cần phải nâng cao nhận thức của xã hội để đẩy lùi định kiến giới; Đảng, Nhà nước phải có trách nhiệm thực hiện và bản thân chị em phụ nữ phải cố gắng vươn lên.

Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, tư tưởng trọng nam kinh nữ là một thói quen đã ăn sâu vào tư duy, nếp nghĩ, tâm thức, lối sống của mỗi người, trong mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội, cho nên, phải làm cách mạng tư tưởng, bằng các cuộc vận động, giáo dục, thuyết phục... để xóa bỏ định kiến giới, xây dựng tư tưởng tích cực, tiến bộ cho cho tất cả mọi người. Trong đó, những thành kiến đối với phụ nữ cần sớm được loại bỏ, để cho phụ nữ có điều kiện tiến tới bình đẳng với nam giới. Hồ Chí Minh nêu rõ: “Giải phóng người đàn bà, đồng thời tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông”(12). Người cũng nhiều lần khẳng định: “Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau”(12).

Để thực hiện nam nữ bình quyền, Người chỉ rõ các cấp ủy đảng và chính quyền “phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ”(14). Người khẳng định, giải phóng phụ nữ thì bằng pháp luật, chính sách, biện pháp cụ thể: “Từ nay, các cấp đảng, chính quyền địa phương khi giao công tác cho phụ nữ, phải căn cứ vào trình độ của từng người và cần phải tích cực giúp đỡ phụ nữ nhiều hơn nữa”(15). Cùng với việc đề ra chủ trương, chính sách, theo Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ còn phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia lao động sản xuất, bảo vệ sức khỏe, giảm nhẹ gánh nặng công việc gia đình cho phụ nữ, đồng thời, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để phụ nữ phát huy tối đa năng lực của mình: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”(16).

Đối với nữ giới, Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những hạn chế của họ: “Phụ nữ ta còn một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái”(17). Để khắc phục những nhược điểm đó, Hồ Chí Minh nhắc nhở phụ nữ “không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền”(18).

Người cũng yêu cầu chị em “phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập”(19). Trong xã hội, vẫn còn hiện tượng coi thường, không coi trọng phụ nữ, không thừa nhận khả năng của phụ nữ, thậm chí còn thành kiến và hẹp hòi với phụ nữ, vậy nên, theo Hồ Chí Minh, bản thân phụ nữ phải luôn có ý thức đấu tranh: “Các cô mà không đấu tranh thì những đồng chí nam có thành kiến với phụ nữ sẽ không tích cực sửa chữa”(20).

Khi nói đến định kiến giới, phần lớn xuất phát từ nam giới, tuy nhiên, thực tế cho thấy, chính bản thân phụ nữ cũng định kiến giới, thành kiến với chính giới mình, tự ti, an phận, cam chịu, thiếu sự cố gắng vươn lên, thiếu sự phấn đấu... Vì vậy, Hồ Chí Minh nhiều lần căn dặn giới nữ: “phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”(21).

Tư tưởng đấu tranh giải phóng phụ nữ của Hồ Chí Minh thể hiện tính vĩ đại ở chỗ, có trước Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW) được Liên hợp quốc thông qua ngày 18-12-1979, thể hiện tầm nhìn vượt thời đại của Người. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình quyền đã trở thành lý tưởng cách mạng, vừa thể hiện ý thức chính trị, lòng nhân ái, vừa thể hiện giá trị văn hóa, chủ nghĩa nhân đạo cộng sản của Người.

Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho hành động, Đảng ta đã kế thừa, vận dụng và phát triển học thuyết và tư tưởng của các nhà kinh điển trong công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam. Trong Cương lĩnh Chính trị năm 1930 của Đảng đã chỉ rõ “nam - nữ bình quyền là 1 trong 10 nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam”. Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về nam nữ bình quyền được thể hiện và ghi nhận tại Điều 9 - Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã cụ thể hóa quan điểm bình đẳng giới bằng những nghị quyết và chỉ thị về công tác phụ nữ như: Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Thông báo kết luận số 196-TB/TW ngày 16-3-2015 của Ban Bí thư về “Đề án Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới”; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20-1-2018 của Ban Bí thư “về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”...

Quan điểm chỉ đạo về công tác bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng cho đến tất cả các kỳ Đại hội Đảng sau này. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật, các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”(22). Đồng thời, “Thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp phát triển thanh niên, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Giảm dần khoảng cách giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”(23).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giới trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từng bước đưa phụ nữ tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ mọi thành quả của sự phát triển. Những thành tựu về bình đẳng giới của Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất cho những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng đã kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ.

Như vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm thực hiện nhiệm vụ giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Việt Nam trở thành chủ nhân của đất nước, được pháp luật bảo vệ quyền bình đẳng trên mọi lĩnh vực, được tạo điều kiện phát triển, qua đó, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tiếp tục nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ vào công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới hiện nay, để phụ nữ Việt Nam xứng đáng với khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”(24).

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 548 (10-2023)

Ngày nhận bài: 15-9-2023; Ngày bình duyệt: 08-10-2023; Ngày duyệt đăng: 18-10-2023.

(1), (7), (8) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.115, 116, 118.

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, t.37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.221.

(3), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.342, 342.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Sđd, tr.509-510.

(6), (13), (16), (20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.275, 260, 617, 275.

(9) V.I.Lênin: Toàn tập, t.39, Sđd, tr.232.

(10) V.I.Lênin: Toàn tập, t.42, Sđd, tr.230.

(11) V.I.Lênin: Toàn tập, t.40, Sđd, tr.182-183.

(12), (15), (17), (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.301, 640, 640, 640.

(14), (21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Sđd, tr.260, 59.

(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Sđd, tr.313.

(22), (23) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.169, 271.

(24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.340.