Thực trạng phát triển nhà ở xã hội tại thành phố Đà Nẵng
(LLCT) - Đà Nẵng là “Thành phố đáng sống” - là địa phương ban hành nhiều chính sách đột phá mang tính nhân văn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có chính sách phát triển nhà ở xã hội. Phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới “...là nhiệm vụ quan trọng của Đảng và cả hệ thống chính trị, thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ ta”(1). Bài viết phân tích thực trạng phát triển nhà ở xã hội tại Đà Nẵng, từ đó đưa ra các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác này để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
PGS, TS LÊ VĂN ĐÍNH
Học viện Chính trị khu vực III
1. Cơ sở chính trị pháp lý phát triển nhà ở xã hội tại Đà Nẵng
Trong quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác phát triển nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội. Chỉ thị 34/CT-TW ngày 24-5-2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới đã nhấn mạnh, cần “…đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của địa phương. Phấn đấu đến năm 2030, cả nước xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo…; hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại khu vực đô thị; thực hiện tốt việc hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu, nhất là đối với người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng…”(2).
Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 13-5-2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ rõ, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, thành phố Đà Nẵng đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó có lĩnh vực an sinh xã hội: “…các chương trình an sinh xã hội được bảo đảm với nhiều chính sách vượt trội; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đạt mức thấp”(3).
Bên cạnh những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị, thành phố Đà Nẵng là địa phương ban hành nhiều chính sách đột phá, mang đậm tính nhân văn, nhiều giải pháp bảo đảm an sinh xã hội được nhân dân tin tưởng và ủng hộ. Đặc biệt là các Chương trình: Thành phố “5 không” (từ năm 2000) - không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy, không có giết người cướp của; Thành phố “3 có” (từ năm 2005) - có việc làm, có nhà ở và có nếp sống văn minh đô thị; Thành phố “4 an” (từ năm 2016) - an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội.
Triển khai các chương trình nêu trên, thành phố đã ban hành và thực hiện hiệu quả Đề án “Có nhà ở”, Đề án “7.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp” và huy động nhiều nguồn lực xây dựng nhà ở chung cư để bố trí cho các hộ chính sách, hộ nghèo, hộ tái định cư, đối tượng hưởng lương từ ngân sách… có nơi ở ổn định; khuyến khích đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Đến năm 2021 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 208 khối nhà với 12.740 căn hộ; triển khai bán thí điểm 516/846 căn hộ nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, giải quyết một phần nhu cầu bức xúc về nhà ở của người dân. Hiện nay, Đà Nẵng là địa phương có quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước nhiều nhất cả nước.
2. Thực trạng công tác phát triển nhà ở xã hội tại thành phố Đà Nẵng
Công tác đầu tư
Hiện trạng nhà ở xã hội đã đầu tư
Tính đến hết ngày 31-12-2022, thành phố đã đầu tư và hoàn thành, đưa vào sử dụng 42 khu chung cư, 02 khu ký túc xá, 04 nhà liền kề với 12.320 căn hộ, gồm: 10.828 căn hộ chung cư, 1.146 phòng ký túc xá sinh viên, 346 căn nhà liền kề. Tổng số căn hộ (chung cư, nhà liền kề) chưa bố trí trên địa bàn thành phố là 255 căn. Tổng số vốn đã đầu tư hơn 3.570 tỷ đồng.
Hiện trạng các dự án nhà ở xã hội đang xây dựng
Năm 2022, thành phố triển khai xây dựng 209 căn hộ chung cư nhà ở xã hội cho người có công với cách mạng với tổng kinh phí đầu tư 223,82 tỷ đồng(4) và chủ trương chuyển đổi công năng đối với 03 khu ký túc xá tập trung phía Tây thành phố(5).
Công tác quản lý
Về việc ban hành các quy định
Để quản lý tốt nhà ở xã hội, UBND thành phố đã ban hành một số quy định, như: Quyết định số 198/QĐ-UBND ngày 15-01-2018 của UBND thành phố về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Quyết định số 4533/QĐ-UBND ngày 18-8-2017 của UBND thành phố ban hành Quy định hướng dẫn về trình tự thủ tục tiếp nhận và xem xét bố trí thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố; Quyết định số 06/2018/QĐ-UBND ngày 08-02-2018 của UBND thành phố ban hành Quy chế quản lý ký túc xá sinh viên tập trung thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 13/2019/QĐ-UBND ngày 14-02-2019 của UBND thành phố ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 08/2020/QĐ-UBND ngày 03-4-2020 của UBND thành phố về việc bãi bỏ khoản 6 Điều 17 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố, ban hành kèm theo Quyết định số 13/2019/QĐ-UBND ngày 14-02-2019 của UBND thành phố; Quyết định số 3930/QĐ-UBND ngày 04-9-2019 của UBND thành phố ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhân khẩu, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường tại các khu chung cư nhà ở xã hội, nhà liền kề do nhà nước đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 3885/QĐ-UBND ngày 03-12-2021 của UBND thành phố ban hành Quy chế phối hợp tổ chức triển khai thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng...
Hoạt động bố trí, cho thuê nhà ở xã hội
Hiện nay, Trung tâm Quản lý và khai thác nhà đang ký hợp đồng cho thuê 9.022 căn hộ chung cư nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước gồm: 1.819 hộ giải tỏa (kể từ năm 2001), 7.203 trường hợp thuộc đối tượng tại Khoản 1, 4, 5, 6, 7 Điều 49, Luật Nhà ở năm 2014(6). Trung tâm không ký hợp đồng cho thuê đối với các trường hợp: chỉ quản lý hồ sơ và bố trí tạm, cho mượn theo chủ trương của UBND thành phố, hộ đã bán đấu giá, hộ đang di dời nhà liền kề (bố trí tạm).
Hoạt động bán nhà ở xã hội
Đến hết năm 2019, UBND thành phố đã hoàn thành thực hiện Đề án Thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để tái đầu tư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo Quyết định số 1897/QĐ-UBND ngày 06-4-2015. Số lượng căn hộ chung cư đã bán là 846 căn. Tổng số tiền đã thu là 320,85 tỷ đồng. Nguồn tiền thu được đã thực hiện hoàn trả tiền mua 230 căn hộ tại chung cư thu nhập thấp tại khu tái định cư Đại Địa Bảo (Blue House) (73,48 tỷ đồng) và bổ sung nguồn vốn để thi công hoàn thành các dự án nhà ở xã hội do ngân sách nhà nước đầu tư thi công.
Như vậy, việc triển khai Đề án đã góp phần tạo điều kiện để nhiều cư dân có nhà ở, ổn định cuộc sống. Nguồn thu từ Đề án được sử dụng vào mục đích hoàn thành các dự án nhà ở xã hội do ngân sách nhà nước đầu tư, góp phần tạo thêm nguồn cung về nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố(7).
Đánh giá công tác phát triển nhà ở xã hội tại thành phố Đà Nẵng
Công tác đầu tư, phát triển nhà ở xã hội nói chung và nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước nói riêng nhận được sự quan tâm của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố. Thành phố đã quan tâm, bố trí vốn ngân sách đầu tư nhà ở xã hội để bố trí, cho thuê đối với các đối tượng là gia đình có công với cách mạng, hộ giải tỏa, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Đến nay, cơ bản đáp ứng được chương trình “5 không”, “3 có” của thành phố.
Thành phố cũng kịp thời đề xuất Trung ương bố trí vốn trái phiếu chính phủ để đầu tư các dự án ký túc xá sinh viên tập trung, hướng tới đối tượng thuê là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Đây là chủ trương, chính sách đặc thù, phát triển mạnh ở Đà Nẵng. Qua đó, giải quyết một phần nhu cầu của những đối tượng khó khăn về nhà ở và học sinh, sinh viên, đóng góp vào công tác bảo đảm an sinh xã hội, cơ bản đáp ứng chương trình “5 không”, “3 có”, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Việc triển khai Đề án thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để tái đầu tư trên địa bàn thành phố đã tạo điều kiện cho các đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội được mua nhà ở xã hội, ổn định cuộc sống, góp phần giảm nguồn lực của nhà nước trong công tác quản lý, vận hành nhà ở; đồng thời, nguồn thu từ Đề án đã được sử dụng để hoàn thành các dự án nhà ở xã hội do ngân sách nhà nước đầu tư, góp phần tạo thêm nguồn cung về nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố. Hiện nay, cả nước có 15.000 căn hộ nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trong đó thành phố Đà Nẵng có 12.320 căn hộ, chiếm 82%. Đà Nẵng được đánh giá là địa phương thực hiện tốt công tác phát triển nhà ở xã hội của cả nước.
Công tác triển khai các quy định của pháp luật, tham mưu ban hành các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách: UBND thành phố, các sở, cơ quan, đơn vị đã chủ động nghiên cứu, tham mưu ban hành các quy định, quy chế làm cơ sở pháp lý để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện các hành vi sai phạm để kịp thời chấn chỉnh, chỉ đạo xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Các cấp, các ngành đã chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quán triệt nâng cao ý thức trách nhiệm về chấp hành các quy định pháp luật đến từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan. Công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách: Công tác quản lý, khai thác nhà ở xã hội được phân cấp quản lý về cho Trung tâm Quản lý và khai thác nhà đã giảm tải cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố. Trung tâm đã cơ bản thực hiện việc ký kết hợp đồng cho thuê nhà đối với các đối tượng đang sử dụng nhà.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển, quản lý và sử dụng nhà ở xã hội được đầu tư bằng ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố vẫn còn những hạn chế, bất cập, cụ thể:
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, chưa rõ ràng. Quy định, quy chế quản lý, sử dụng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước và tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp thực hiện công tác quản lý, vận hành nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo luật, nghị định, thông tư chưa đầy đủ, chưa điều chỉnh nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng. Công tác quản lý tài sản công là nhà ở xã hội được đầu tư bằng ngân sách nhà nước chưa phân cấp mạnh cho địa phương quản lý.
Công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức. Thành phố đã bố trí, dành quỹ đất khá lớn để phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên, việc quy hoạch để hình thành các dự án nhà ở xã hội có quy mô và điều kiện bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội... chưa được tính toán và quan tâm đúng mức. Các khu nhà ở xã hội đã được xây dựng và sử dụng hầu hết thiếu các thiết chế văn hóa, công trình hạ tầng xã hội và một số hạ tầng kỹ thuật như: khu tập kết rác thải, bãi đỗ xe. Các đồ án quy hoạch phân khu đô thị chưa quan tâm bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Các dự án quy hoạch chi tiết các khu đô thị, các khu nhà ở thương mại thiếu bố trí quỹ đất dành để xây dựng nhà ở xã hội. Công tác quy hoạch, đầu tư nhà chung cư chưa bài bản, còn phân tán và chưa được tính toán, đầu tư một cách đồng bộ các hạ tầng tiện ích đi kèm (thiếu tiện ích công cộng, thiết chế văn hóa…). Chất lượng xây dựng các công trình còn nhiều tồn tại, nhanh xuống cấp; diện tích một số căn hộ nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu để ở.
Công tác quản lý, vận hành bộc lộ nhiều bất cập. Việc phát triển loại hình nhà ở xã hội được đầu tư bằng ngân sách nhà nước trong thời gian qua đã làm phát sinh đơn vị để quản lý loại hình nhà ở này (Trung tâm Quản lý và khai thác nhà), đây là mô hình đặc thù của thành phố. Khác với mô hình hoạt động của ban quản lý nhà chung cư (quản lý các nhà ở xã hội đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa), quá trình hoạt động thực tế của mô hình nhà ở xã hội được đầu tư bằng ngân sách nhà nước đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý, vận hành và phối hợp giữa các đơn vị liên quan.
Công tác duy tu, sửa chữa, bảo trì còn chậm, không đáp ứng và không kịp thời. Tỷ lệ đơn thư phản ánh, kiến nghị của người dân đề nghị sửa chữa các hư hỏng hằng năm rất cao (trung bình gần 1.300 đơn mỗi năm). Trong khi đó, nguồn lực, kinh phí dành cho công tác này còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả, công năng sử dụng. Việc thực hiện di dời các chung cư, nhà tập thể xuống cấp quá chậm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với người dân đang sinh sống, nhất là vào mùa mưa bão, gây bức xúc trong nhân dân.
Việc bố trí, sử dụng nhà ở xã hội vẫn còn tình trạng sai đối tượng, dẫn đến khó khăn trong công tác phát hiện, xử lý, cưỡng chế các trường hợp sai phạm quy định, quy chế sử dụng nhà chung cư.
Việc xử lý các trường hợp sai phạm quy định, quy chế sử dụng nhà chung cư còn lúng túng, chưa hiệu quả, kéo dài nhiều năm, số lượng các trường hợp vi phạm lớn(7).
Công tác quản lý hồ sơ, thông tin liên quan đến các đối tượng được bố trí, thuê chung cư còn nhiều thiếu sót, chưa đầy đủ, đặc biệt là các trường hợp giải tỏa đền bù trước đây dẫn đến khó khăn trong quản lý, phân loại, xử lý các vướng mắc phát sinh.
Công tác phối hợp giữa Trung tâm Quản lý và khai thác nhà với các địa phương, đơn vị còn nhiều hạn chế, dẫn đến công tác quản lý, phát hiện, xử lý các sai phạm về cơi nới, lấn chiếm không gian công cộng, lưu trú trái quy định, khắc phục các hư hỏng, cưỡng chế thu hồi nhà... chưa kịp thời, đồng bộ và chưa đạt hiệu quả(8).
3. Giải pháp góp phần phát triển nhà ở xã hội tại Đà Nẵng
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2045 “Thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”(9), song song với việc thực hiện các giải pháp “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực chính…”(10); “Rà soát, bảo đảm thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với nguời có công, đối tượng bảo trợ xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo đa chiều ổn định, bền vững”(11)...; trên lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội, thành phố cần quan tâm đến các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội về tính chất, ý nghĩa của công tác phát triển nhà ở xã hội; xác định phát triển nhà ở xã hội là quyết tâm chính trị, nhiệm vụ quan trọng của Đảng và cả hệ thống chính trị, thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ ta; là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của thành phố Đà Nẵng.
Hai là, về công tác quy hoạch, đầu tư. Việc chỉ đạo lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị theo Quyết định số 359/QĐ-TTg phải tính toán, bố trí quỹ đất và xác định cụ thể vị trí xây dựng nhà ở xã hội. Đánh giá, thống kê nhu cầu nhà ở xã hội gắn với phân loại các đối tượng cần hỗ trợ một cách đầy đủ, chính xác làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư, xây dựng và có chính sách phù hợp, hiệu quả. Cần xác định vai trò đầu tư của vốn ngân sách nhà nước và coi đây là phần vốn mang yếu tố động lực, thu hút các nguồn vốn khác tham gia đầu tư. Khi đầu tư nhà ở xã hội mới cần tính toán nâng cao hơn nữa về suất đầu tư, chất lượng công trình để bảo đảm khi đưa vào vận hành sẽ giảm chi phí và phù hợp với xu hướng phát triển của đô thị hiện đại.
Việc đầu tư nhà ở xã hội mới cần đồng bộ với đầu tư hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa và các nhu cầu khác có liên quan. Nhà ở xã hội khi xây dựng mới cần tính toán sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm. Do vậy, cần xem xét đầu tư cao tầng, hệ số sử dụng đất cao… Nâng cao công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình nhà chung cư từ khâu đánh giá, tính toán suất đầu tư, đơn giá thuê, mua và lựa chọn địa điểm, thiết kế, thi công, nghiệm thu đưa vào sử dụng bảo đảm chất lượng, hợp lý, thuận tiện cho quá trình sử dụng, duy tu, bảo dưỡng. Nghiên cứu, bổ sung quy định để đơn vị quản lý, vận hành cùng phối hợp tham gia trong quá trình thi công, giám sát, nghiệm thu đối với các công trình xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách, để thuận tiện trong công tác quản lý, vận hành.
Ba là, về công tác quản lý, vận hành nhà chung cư. Đẩy nhanh tiến độ xử lý các chung cư, khu tập thể xuống cấp nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Định kỳ có kế hoạch kiểm định chất lượng các công trình để tham mưu, đề xuất hướng xử lý kịp thời, bảo đảm chất lượng khai thác, sử dụng, nhất là các chung cư đã hết và sắp hết niên hạn sử dụng. Chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế vận hành, quy chế phối hợp để hoàn thiện mô hình hoạt động quản lý, sử dụng các chung cư; chú trọng công tác phối hợp giữa công tác quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước với công tác quản lý cư trú nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác nhà chung cư (quản lý đối tượng thuê; công tác duy tu, bảo dưỡng, bảo trì). Chú trọng duy tu, bảo dưỡng, bảo trì các khu chung cư và ký túc xá, đặc biệt là hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đầy đủ các nội dung kiến nghị tại các kết luận thanh tra. Qua đó, tổ chức rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục triệt để các sai sót, tồn tại đã được chỉ ra, đặc biệt là công tác rà soát việc bố trí, thuê, mua nhà ở xã hội sai đối tượng và việc quản lý, sử dụng nguồn lực từ quỹ đất 20% các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị theo quy định. Chỉ đạo rà soát chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Quản lý và khai thác nhà để tổ chức thực hiện đầy đủ, bảo đảm đúng quy định và kịp thời tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn và thuận lợi cho hoạt động. Rà soát, đánh giá toàn bộ chất lượng các chung cư, nhà ở xã hội được đầu tư bằng ngân sách, xác định nguyên nhân của tồn tại, hạn chế về chất lượng để tìm ra các giải pháp khắc phục triệt để, tránh tái diễn. Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan để xảy ra sai phạm quy định, quy chế sử dụng nhà chung cư.
Bốn là, quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch, kêu gọi đầu tư xã hội hóa nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Nguồn vốn ngân sách chỉ đầu tư để giải quyết cho các đối tượng là gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ người dân vay ưu đãi mua, thuê mua nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người dân có chỗ ở ổn định. Năm là, đánh giá, tổng kết Đề án thí điểm bán nhà ở xã hội, đồng thời tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Đề án thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước đang bố trí thuê trên địa bàn thành phố và đề xuất cụ thể đối với các trường hợp còn lại, sớm triển khai thực hiện để tái đầu tư, phục vụ sửa chữa, nâng cấp các chung cư hiện có, góp phần giảm áp lực cho ngân sách nhà nước chi cho bộ máy quản lý, duy tu, sửa chữa.
_________________
Ngày nhận bài: 9-6-2024; Ngày bình duyệt: 11-6-2024; Ngày duyệt đăng: 26-7-2024.
(1), (2), (10), (11) Ban Bí thư: Chỉ thị 34/CT-TW ngày 24-5-2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.
(3), (9) Bộ Chính trị: Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 13-5-2024 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
(4) UBND thành phố Đà Nẵng: Quyết định phê duyệt Dự án số 1819/QĐ-UBND ngày 04-7-2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng
(5), (7), (8) HĐND thành phố Đà Nẵng: Báo cáo Kết quả giám sát về “Việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, tháng 6-2023.
(6) Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân và Quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
(7) 211 trường hợp vi phạm quy chế sử dụng nhà chung cư thuộc sở hữu nhà nước (cho người khác sử dụng căn hộ dưới hình thức cho thuê, ở nhờ, sang nhượng căn hộ); 649 trường hợp thuộc đối tượng quy định tại khoản 1, 4, 5, 6, 7 Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014 vi phạm quy chế sử dụng nhà chung cư thuộc sở hữu nhà nước (cho người khác sử dụng căn hộ dưới hình thức cho thuê, ở nhờ, sang nhượng căn hộ); 357 trường hợp vi phạm lấn chiếm khu vực quanh khuôn viên tại các khu chung cư để buôn bán.