Mô hình sản xuất truyền hình đa nền tảng trong kỷ nguyên số
(LLCT) - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thúc đẩy sự chuyển dịch từ mô hình sản xuất nội dung truyền hình truyền thống sang mô hình đa nền tảng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả trên các nền tảng số. Các đài truyền hình cần nghiên cứu và lựa chọn giữa ba mô hình sản xuất: mô hình phân mảnh, mô hình thống nhất và mô hình lai ghép để tối ưu hóa nguồn lực và tiếp cận khán giả rộng hơn. Sự chuyển dịch này không chỉ là xu hướng mà còn là bước tiến quan trọng để ngành truyền hình phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
THS LƯƠNG ĐÔNG SƠN
NCS Học viện Báo chí và Tuyên truyền
1. Mở đầu
Trong kỷ nguyên số, sự phát triển vượt bậc của công nghệ đã và đang tạo ra những thay đổi sâu rộng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự xuất hiện của truyền hình đa nền tảng, với khả năng tiếp cận khán giả trên nhiều thiết bị và nền tảng khác nhau, đã tạo ra một cuộc cách mạng sâu sắc trong cách thức sản xuất, phân phối và tiếp nhận nội dung truyền hình.
Nghiên cứu và phân tích sự chuyển dịch mô hình sản xuất truyền hình trong kỷ nguyên số, tập trung vào sự tác động của truyền hình đa nền tảng, có ý nghĩa thực tiễn to lớn, bởi nó tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt trong quy trình sản xuất, mô hình kinh doanh và mối quan hệ giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối nội dung và khán giả. Việc đánh giá những thách thức và cơ hội mà truyền hình đa nền tảng mang lại cho ngành công nghiệp truyền hình, cũng như đề xuất những giải pháp nhằm thích ứng và phát triển trong bối cảnh mới có ý nghĩa quan trọng trong quá trình chuyển dịch mô hình sản xuất truyền hình trong kỷ nguyên số. Nó giúp các nhà quản lý, nhà sản xuất nội dung và các bên liên quan khác có thể hình dung, nhận diện rõ hơn về những xu hướng cũng như những thay đổi trong ngành truyền hình, từ đó đưa ra những quyết định chiến lược phù hợp để phát triển bền vững trong tương lai.
2. Truyền hình đa nền tảng: Khái niệm và những khác biệt so với truyền hình truyền thống
Khái niệm đa nền tảng
“Đa nền tảng” là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi, mang nhiều ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào lĩnh vực. Trong bài nghiên cứu của Corral, Sillitti, và Succi (2012), đa nền tảng được định nghĩa là “thiết kế và xây dựng ứng dụng sao cho có thể triển khai và hoạt động hiệu quả trên nhiều hệ điều hành khác nhau mà không cần phải viết lại mã cho từng nền tảng”(1).
Trong lĩnh vực truyền thông, đa nền tảng lại mang một ý nghĩa khác. Theo Doyle (2015), trong lĩnh vực truyền thông, đa nền tảng là “phương thức mà các công ty truyền thông sử dụng để tạo và phân phối nội dung trên nhiều nền tảng khác nhau”. Điều này bao gồm việc sản xuất và phân phối nội dung trên nhiều kênh như in ấn, truyền hình, trực tuyến, di động, và mạng xã hội(2).
Theo Hubbard và các cộng sự, đa nền tảng là “sự kết hợp và tích hợp các công nghệ và phương tiện truyền thông khác nhau để tạo ra nội dung và truyền tải thông điệp”(3).
Khái niệm truyền hình đa nền tảng
Trong nghiên cứu của Klein-Shagrir và Keinonen (2014), truyền hình đa nền tảng được nhấn mạnh ở khía cạnh “transmediality”, tức là việc sử dụng đồng thời nhiều nền tảng khác nhau để truyền tải câu chuyện hoặc nội dung. Điều này cho phép khán giả tiếp cận nội dung trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, từ đó tạo nên trải nghiệm xem phong phú và tương tác hơn(4).
Tác giả Baumann, S., & Hasenpusch (2016) đã định nghĩa “đa nền tảng” (multi-platform) là việc sử dụng nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm cả truyền hình tương tác và truyền hình truyền thống, để phân phối nội dung truyền hình. Khái niệm này nhấn mạnh khả năng tiếp cận nội dung trên nhiều thiết bị khác nhau như tivi, điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính cá nhân(5).
Có thể nói, truyền hình đa nền tảng (multi-platform television) là một mô hình phân phối nội dung truyền hình hiện đại, cho phép người dùng tiếp cận nội dung trên nhiều thiết bị và nền tảng khác nhau, từ tivi truyền thống, máy tính, điện thoại thông minh đến máy tính bảng. Mô hình này không chỉ mở rộng phạm vi tiếp cận của nội dung truyền hình mà còn tạo ra những trải nghiệm xem đa dạng và tương tác hơn cho người dùng.
Truyền hình đa nền tảng tận dụng sự phát triển của công nghệ số và internet để cung cấp nội dung truyền hình theo yêu cầu (video-on-demand), truyền hình trực tiếp (live streaming) và các dịch vụ tương tác khác. Người dùng có thể xem chương trình yêu thích của mình bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu trên thiết bị mà họ lựa chọn. Ngoài ra, truyền hình đa nền tảng còn tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất nội dung tiếp cận khán giả một cách hiệu quả hơn thông qua việc phân phối nội dung trên nhiều nền tảng khác nhau, đồng thời thu thập dữ liệu về hành vi người dùng để cá nhân hóa trải nghiệm xem và quảng cáo.
Tuy nhiên, mô hình này cũng đặt ra những thách thức về mặt kỹ thuật, kinh doanh và pháp lý, đòi hỏi sự thích ứng và đổi mới liên tục từ các nhà sản xuất, phân phối và quản lý nội dung truyền hình.
2. Sự khác biệt giữa truyền hình truyền thống và truyền hình đa nền tảng
Truyền hình truyền thống và truyền hình đa nền tảng đại diện cho hai mô hình khác biệt trong việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ nội dung truyền hình. Sự khác biệt giữa chúng không chỉ nằm ở phương tiện truyền tải mà còn ở những vấn đề sau:
Tiêu chí | Truyền hình truyền thống | Truyền hình đa nền tảng |
Khái niệm | Là hình thức truyền thông mà nội dung truyền hình được phát sóng thông qua các kênh truyền hình truyền thống và được nhận và xem trên tivi | Là hình thức truyền hình mà nội dung được phát sóng và tiếp cận thông qua nhiều nền tảng và kênh truyền thông khác nhau |
Phương thức phát sóng và độ phủ sóng | Dựa vào sóng vô tuyến, cáp hoặc vệ tinh, giới hạn trong khu vực hoặc quốc gia | Sử dụng internet, có thể truy cập toàn cầu |
Nội dung và lựa chọn | Chương trình cố định, ít lựa chọn | Đa dạng nội dung, tự chọn chương trình và thời gian xem |
Tương tác, cá nhân hóa và gợi ý nội dung | Thụ động, ít tương tác và cá nhân hóa | Tương tác cao, cá nhân hóa nội dung, gợi ý dựa trên sở thích |
Lưu trữ và truy cập lại nội dung | Hạn chế trong lưu trữ và truy cập lại | Dễ dàng lưu trữ, tải xuống và xem lại nội dung |
Ngôn ngữ và phụ đề | Giới hạn về ngôn ngữ và phụ đề | Đa dạng ngôn ngữ và phụ đề |
Tính linh hoạt trong gói dịch vụ và đa thiết bị | Cứng nhắc trong gói dịch vụ, hạn chế xem trên nhiều thiết bị | Linh hoạt trong việc thay đổi gói dịch vụ, hỗ trợ đa thiết bị và đồng bộ hóa |
Chất lượng dịch vụ và hỗ trợ khách hàng | Đôi khi hạn chế về chất lượng dịch vụ và hỗ trợ khách hàng | Hỗ trợ khách hàng tốt hơn, nhanh chóng và tiện lợi qua internet |
3. Một số mô hình thường sử dụng trong tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng hiện nay
Sự phát triển của truyền hình đa nền tảng đã mang đến nhiều thuật ngữ, khái niệm mới như Truyền hình lai ghép (Hybrid TV), Truyền hình giao thức Internet (IPTV), Truyền hình web (Web-TV), Truyền hình qua mạng (OTT), xem đa màn hình (multi-screening), xem màn hình thứ hai (second-screening) và Truyền hình xã hội (social TV)(6). Những thuật ngữ, khái niệm này có nội dung phong phú, phản ánh sự đa dạng và phức tạp ngày càng tăng của truyền hình hiện đại, thu hút sự quan tâm nghiên cứu và thảo luận rộng rãi. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có sự thống nhất trong việc định nghĩa và phân loại các thuật ngữ, khái niệm này.
Trên cơ sở cách tiếp cận hệ thống và chuyên biệt đối với vấn đề, nghiên cứu này phân loại và phân tích các mô hình tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng như sau:
Mô hình phân mảnh
Mô hình phân mảnh phản ánh sự phân tách rõ rệt trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung. Không còn tập trung vào một kênh truyền hình duy nhất, nội dung giờ đây được sản xuất và phân phối trên nhiều nền tảng khác nhau, mỗi nền tảng đều có những đặc điểm và đối tượng khán giả riêng biệt.
Mô hình phân mảnh thể hiện rõ qua việc các đài truyền hình, bên cạnh kênh truyền hình truyền thống, còn phát triển các nền tảng số riêng, như ứng dụng di động, trang web, kênh Youtube, fanpage Facebook, tài khoản Twitter,... Mỗi nền tảng này đều có đội ngũ sản xuất nội dung độc lập, hoạt động tự chủ và tập trung vào việc tạo ra nội dung phù hợp với đặc thù của từng nền tảng. Ví dụ, nội dung trên TikTok của đài truyền hình thường ngắn gọn, mang tính giải trí cao, thu hút khán giả trẻ, trong khi nội dung trên website của đài thường là các bài viết chuyên sâu, phân tích sự kiện, hướng đến đối tượng khán giả lớn tuổi hơn.
Đặc trưng nổi bật của mô hình phân mảnh là tính độc lập trong hoạt động sản xuất. Mỗi nền tảng có chiến lược nội dung riêng, hướng tới nhóm khán giả mục tiêu cụ thể. Điều này dẫn đến sự đa dạng về thể loại, phong cách và định dạng nội dung trên các nền tảng khác nhau. Các nhà sản xuất nội dung không chỉ phải cạnh tranh với nhau trên cùng một nền tảng mà còn phải cạnh tranh với các nền tảng khác để thu hút sự chú ý của khán giả.
Tính độc lập trong sản xuất cũng đồng nghĩa với việc mỗi đơn vị sản xuất tối ưu hóa nội dung để phù hợp với giao diện, tính năng và thói quen sử dụng của người dùng trên nền tảng của mình. Ví dụ, nội dung trên Youtube của đài truyền hình thường có tiêu đề hấp dẫn, hình thu nhỏ bắt mắt để thu hút người xem nhấp vào, trong khi nội dung trên website của đài thường được trình bày rõ ràng, dễ đọc để người dùng có thể nhanh chóng tiếp cận thông tin.
Mô hình phân mảnh trong truyền hình đa nền tảng, với sự đa dạng hóa các nền tảng và kênh phân phối nội dung, đã và đang tạo ra một bức tranh đầy màu sắc nhưng cũng không kém phần phức tạp cho ngành truyền hình. Mô hình này mang đến những cơ hội phát triển mới, đồng thời đặt ra những thách thức không nhỏ mà các nhà sản xuất và các bên liên quan cần giải quyết.
Mô hình phân mảnh mang đến cơ hội lớn cho các nhà đài sáng tạo nội dung đa dạng, đáp ứng thị hiếu ngày càng phong phú của khán giả. Mỗi nền tảng đều có lượng người xem riêng với những đặc điểm khác biệt. Chẳng hạn, khán giả trẻ thường tìm đến Youtube để xem video ngắn, hài hước, trong khi khán giả lớn tuổi có thể quan tâm đến tin tức, chương trình chính luận trên website hoặc ứng dụng di động của đài. Nhờ đó, nhà đài có thể lựa chọn nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng, tối ưu hóa trải nghiệm người xem. Không chỉ vậy, các nền tảng số như Facebook, Youtube còn tạo điều kiện cho khán giả tương tác trực tiếp với chương trình, bày tỏ ý kiến, chia sẻ cảm xúc. Đây là cơ hội để nhà đài xây dựng cộng đồng người xem trung thành, lắng nghe phản hồi và cải thiện chất lượng nội dung.
Tuy nhiên, mô hình phân mảnh cũng đặt ra không ít thách thức. Lượng khán giả bị phân tán trên nhiều nền tảng khiến việc duy trì lượng người xem ổn định trên mỗi nền tảng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt từ các đài khác và vô số nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng trực tuyến cũng là một áp lực lớn.
Việc đo lường, so sánh hiệu quả nội dung trên nhiều nền tảng cũng là một bài toán nan giải. Mỗi nền tảng có cách tính toán và báo cáo số liệu khác nhau, khiến việc đánh giá hiệu quả tổng thể trở nên phức tạp. Chưa kể, sản xuất nội dung chất lượng cao cho nhiều nền tảng đòi hỏi nguồn lực lớn về tài chính, nhân lực và công nghệ.
Ngoài ra, vấn đề bản quyền nội dung và kiểm soát thông tin sai lệch trên môi trường số cũng là những thách thức lớn đối với các nhà đài.
Mô hình thống nhất (Unified Model)
Mô hình thống nhất (Unified Model) trong sản xuất nội dung truyền hình đa nền tảng đại diện cho một sự chuyển dịch chiến lược từ cách tiếp cận phân mảng truyền thống sang một cấu trúc tập trung hơn. Trong mô hình này, người ta sử dụng một đội ngũ sản xuất duy nhất để tạo ra nội dung phục vụ cho toàn bộ hệ sinh thái các nền tảng truyền hình của tổ chức, bao gồm cả truyền hình truyền thống, nền tảng trực tuyến và mạng xã hội. Có thể nói, điểm nổi bật của mô hình thống nhất là sự tập trung hóa trong quy trình sản xuất. Thay vì phân chia nguồn nhân lực thành các nhóm riêng biệt cho từng nền tảng, mô hình này sử dụng một đội ngũ sản xuất duy nhất để đảm nhận toàn bộ quá trình, từ lên ý tưởng, sản xuất đến phân phối nội dung. Cách tiếp cận và vận hành này giúp loại bỏ sự trùng lặp công việc, tối ưu hóa quy trình và tăng cường sự phối hợp giữa các bộ phận.
Việc chia sẻ tài nguyên cũng là một yếu tố quan trọng trong mô hình thống nhất. Nhân sự, thiết bị, ngân sách và các nguồn lực khác được sử dụng chung cho tất cả các nền tảng, giúp tối đa hóa hiệu quả sử dụng và giảm thiểu chi phí. Điều này đồng thời khuyến khích sự hợp tác và trao đổi kiến thức giữa các thành viên.
Để bảo đảm tính nhất quán về chất lượng và phong cách, mô hình thống nhất áp dụng một quy trình sản xuất chung cho tất cả các nền tảng. Tuy nhiên, nội dung vẫn được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với đặc thù của từng nền tảng, bao gồm độ dài, định dạng và phong cách trình bày. Nhờ đó, khán giả trên mỗi nền tảng đều có thể tiếp cận nội dung một cách tối ưu nhất.
Mô hình thống nhất mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế và hiệu quả sản xuất: Đầu tiên, việc sử dụng chung tài nguyên như nhân sự, thiết bị và ngân sách giúp tiết kiệm chi phí. Các tổ chức truyền thông không cần phải đầu tư riêng biệt cho từng nền tảng, từ đó giảm thiểu lãng phí và tối ưu hóa nguồn lực.
Thứ hai, mô hình này bảo đảm tính nhất quán về phong cách, chất lượng và thông điệp trên tất cả các nền tảng. Điều này giúp xây dựng một thương hiệu mạnh mẽ và dễ nhận diện, tạo sự tin tưởng và gắn kết với khán giả.
Thứ ba, việc quản lý một đội ngũ sản xuất duy nhất đơn giản và hiệu quả hơn so với việc quản lý nhiều đội ngũ riêng biệt. Điều này giúp giảm thiểu sự phức tạp trong quản lý nhân sự, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao tiếp và phối hợp giữa các thành viên.
Thứ tư, mô hình thống nhất khuyến khích sự hợp tác và trao đổi kiến thức giữa các thành viên. Mỗi người có cơ hội làm việc với những người có chuyên môn khác nhau, từ đó học hỏi kinh nghiệm và phát triển kỹ năng của mình.
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, mô hình thống nhất cũng có một số hạn chế. Trước hết là, các thành viên không đủ kiến thức chuyên sâu về tất cả các nền tảng, nếu không được quan tâm đào tạo và hỗ trợ đầy đủ, thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nội dung. Thứ hai, quy trình ra quyết định trong mô hình này có thể chậm hơn so với mô hình truyền thống. Việc cần sự phối hợp và đồng thuận từ nhiều bộ phận có thể làm kéo dài thời gian ra quyết định, đặc biệt là trong những tình huống khẩn cấp. Thứ ba, việc điều chỉnh nội dung cho phù hợp với từng nền tảng đôi khi gặp khó khăn. Mỗi nền tảng có những đặc thù riêng về định dạng, thời lượng và thị hiếu khán giả. Việc tạo ra nội dung vừa đáp ứng yêu cầu chung của mô hình, vừa phù hợp với từng nền tảng cụ thể đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo cao.
Mô hình lai (Hybrid Model)
Mô hình lai là mô hình kết hợp linh hoạt giữa hai mô hình truyền thống là phân mảnh và thống nhất. Về lý thuyết, mô hình này tận dụng những ưu điểm và khắc phục nhược điểm của hai mô hình trên, mang đến sự cân bằng giữa tính chuyên biệt và hiệu quả sản xuất.
Đặc trưng nổi bật của mô hình lai là sự phân chia nội dung rõ ràng. Một phần nội dung được sản xuất riêng cho từng nền tảng, tập trung vào đặc thù và thị hiếu khán giả của nền tảng đó. Ví dụ, video ngắn trên TikTok, video dài trên Youtube, bài viết ngắn trên Facebook, hay tin tức trực tiếp trên website. Điều này bảo đảm nội dung phù hợp với từng đối tượng khán giả và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng trên mỗi nền tảng.
Bên cạnh đó, một phần nội dung khác được sản xuất chung cho nhiều nền tảng, nhằm tiết kiệm tài nguyên và bảo đảm tính nhất quán về thông điệp và thương hiệu. Các nội dung như tin tức, phóng sự, talkshow,... có thể được sử dụng trên nhiều nền tảng khác nhau, sau khi được điều chỉnh cho phù hợp với từng định dạng.
Để đáp ứng yêu cầu đa dạng của mô hình lai, đội ngũ sản xuất cũng được tổ chức linh hoạt với một bộ phận chịu trách nhiệm sản xuất nội dung nền tảng chung, bảo đảm tính nhất quán và hiệu quả sử dụng tài nguyên. Đồng thời, có bộ phận chuyên biệt cho từng nền tảng, sẽ tập trung vào việc sản xuất nội dung riêng hoặc điều chỉnh nội dung chung cho phù hợp với đặc thù của từng nền tảng.
Tương tự, quy trình sản xuất cũng được thiết kế linh hoạt. Quy trình chung được áp dụng cho nội dung nền tảng chung, trong khi quy trình riêng được thiết kế tối ưu cho từng nền tảng cụ thể. Điều này giúp bảo đảm chất lượng nội dung trên nhiều nền tảng, đồng thời tận dụng tối đa lợi thế của từng nền tảng.
Mô hình lai không chỉ là sự kết hợp đơn thuần giữa hai mô hình, mà còn là một bước tiến mới trong sản xuất nội dung truyền hình đa nền tảng. Sự linh hoạt và khả năng thích ứng của mô hình này giúp các tổ chức truyền thông đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của khán giả, đồng thời tối ưu hóa hiệu quả sản xuất và sử dụng tài nguyên.
Mô hình lai tạo ra những lợi thế vượt trội, đặc biệt là khả năng tối ưu hóa nội dung cho từng nền tảng riêng biệt. Với đội ngũ chuyên biệt cho từng nền tảng, nội dung được sản xuất hoặc điều chỉnh một cách tỉ mỉ để phù hợp với đặc thù của từng kênh, từ định dạng, thời lượng đến phương thức truyền tải. Điều này không chỉ giúp tăng hiệu quả tiếp cận khán giả mà còn nâng cao trải nghiệm người dùng, tạo sự tương tác và gắn kết mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, mô hình lai vẫn giữ được ưu điểm tiết kiệm tài nguyên của mô hình thống nhất. Bằng cách sản xuất nội dung nền tảng chung, các tổ chức truyền thông có thể giảm thiểu chi phí đáng kể, đồng thời tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có.
Tính nhất quán cũng là một điểm mạnh của mô hình lai. Nội dung chung được sản xuất bởi một đội ngũ duy nhất, bảo đảm sự nhất quán về thương hiệu, thông điệp và chất lượng trên tất cả các nền tảng. Điều này giúp xây dựng một hình ảnh chuyên nghiệp và đáng tin cậy đối với khán giả.
Một ưu điểm khác của mô hình lai là tính linh hoạt cao. Mô hình này có thể được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với nguồn lực và mục tiêu của từng đơn vị sản xuất. Các đơn vị có thể lựa chọn tỷ lệ nội dung riêng và nội dung chung, cũng như quy mô của từng đội ngũ sản xuất, tùy thuộc vào tình hình thực tế và chiến lược phát triển.
Tuy nhiên, mô hình này cũng gặp một số thách thức trong hoạt động quản lý và phát triển do vấn đề quản lý phức tạp. Việc phối hợp giữa đội ngũ chung và các đội ngũ riêng biệt đòi hỏi sự chặt chẽ và hiệu quả. Nếu không được quản lý tốt, có thể dẫn đến sự chồng chéo công việc, thiếu đồng bộ và lãng phí tài nguyên. Thứ hai, mô hình lai có thể tốn kém hơn so với mô hình thống nhất. Việc duy trì các đội ngũ riêng biệt cho từng nền tảng đòi hỏi chi phí đầu tư đáng kể về nhân sự, đào tạo và công nghệ. Tuy nhiên, nếu được triển khai hiệu quả, những lợi ích mà mô hình lai mang lại có thể bù đắp cho chi phí này.
Tựu trung, mô hình lai là một giải pháp tiềm năng cho các tổ chức truyền thông trong thời đại số. Bằng cách kết hợp ưu điểm của cả hai mô hình phân mảnh và thống nhất, mô hình lai giúp tối ưu hóa sản xuất nội dung đa nền tảng, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khán giả và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
4. Kết luận
Truyền hình đa nền tảng đã và đang tạo ra một cuộc cách mạng to lớn trong ngành công nghiệp truyền hình, thay đổi cách thức sản xuất, phân phối và tiếp cận nội dung. Sự chuyển dịch từ mô hình truyền thống sang mô hình đa nền tảng không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là cơ hội để ngành công nghiệp truyền hình phát triển và thích ứng với nhu cầu ngày càng đa dạng của khán giả.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này cũng đặt ra nhiều thách thức, từ việc thay đổi tư duy sản xuất, quản lý nội dung đến việc bảo đảm chất lượng và tính nhất quán trên nhiều nền tảng khác nhau. Các nhà sản xuất truyền hình cần phải không ngừng đổi mới, sáng tạo và tìm ra những giải pháp phù hợp để tận dụng tối đa tiềm năng của truyền hình đa nền tảng, đồng thời đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khán giả.
Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu và phân tích các mô hình tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng là rất cần thiết. Bằng cách hiểu rõ ưu nhược điểm của từng mô hình, các nhà sản xuất có thể đưa ra lựa chọn phù hợp với nguồn lực và mục tiêu của mình, từ đó xây dựng một quy trình sản xuất hiệu quả, linh hoạt và sáng tạo.
_________________
Ngày nhận bài: 29-7-2024; Ngày bình duyệt:1-8-2024; Ngày duyệt đăng: 12-8-2024.
(1) Corral, L., Sillitti, A., & Succi, G.: Mobile multiplatform development: An experiment for performance analysis. Proc edia Computer Science, 10 - 2012, 736-743
(2) Doyle, G.: Multi-platform media and the miracle of the loaves and fishes. Journal of Media Business Studies, 2015.
(3) Hubbard, G. T., Kang, J.-A., & Crawford, E. C.: Crossing Cross-Platform: Comparing Skills Preferences and Convergence Attitudes in Strategic Communication and News Disciplines. Journalism & Mass Communication Educator, 70(3), 2015, 298-315.
(4) Klein-Shagrir, Oranit & Keinonen, Heidi: Public Service Television in a Multi-Platform Environment: A Comparative Study in Finland and Israel. VIEW Journal of European Television History & Culture. 3, 2014.
(5) Baumann, S., & Hasenpusch, T. C.: Multi-Platform Television and Business Models: A Babylonian Clutter of Definitions and Concepts. Westminster Papers in Communication and Culture, 11(1), 2016, 85-102.
(6) Rancord Society: Netflix Inc.'s Organizational Structure & Its Strategic Implications, https://www.organimi.com/; Baumann, S., & Hasenpusch, T. (2016). Multi-platform television and business models: A Babylonian clutter of definitions and concepts. Westminster Papers in Communication and Culture, 11(1), 85-102. doi: https://doi.org/10.16997/wpcc.219; Straker, S. (2011, October 19). Avid Technology, http://community.avid.com/.