Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Âm mưu, thủ đoạn lợi dụng chống tham nhũng để “bất tuân dân sự”

28/08/2024 11:16

(LLCT) - Trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch lợi dụng tư tưởng “bất tuân dân sự” để xúi giục, lôi kéo, kích động nhân dân tham gia hoạt động chống phá chính quyền, gây mất ổn định chính trị, trật tự xã hội ở nhiều nơi. Đây là hiện tượng phức tạp cần được nhận diện, đấu tranh quyết liệt để bảo vệ chế độ chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ hạnh phúc của nhân dân.

PGS, TS ĐẶNG QUANG ĐỊNH
Viện Triết học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Ảnh minh họa: IT

1. Nhận diện “bất tuân dân sự”

“Bất tuân dân sự” là tư tưởng của Henry David Thoreau - nhà văn Mỹ, đề xuất năm 1849. Để biện minh cho việc trốn thuế và phải ngồi tù của mình, Thoreau cho rằng cá nhân trong xã hội không cần phải tuân thủ, phục tùng mệnh lệnh từ nhà nước, nếu thấy những điều luật đó không phù hợp.

Chủ thể thực hiện “bất tuân dân sự” là những cá nhân có tư tưởng cực đoan, bất mãn với chính quyền, phản kháng, bị pháp luật điều chỉnh. Đó có thể là cá nhân, tổ chức, hội nhóm, xuất hiện ở mọi thể chế chính trị.

Về bản chất, đây là tư tưởng cực đoan, vô chính phủ, là những tư tưởng sai trái, thù địch với hệ tư tưởng của giai cấp thống trị xã hội.

Về phương thức, “bất tuân dân sự” thể hiện qua các hoạt động ôn hòa, bất bạo động. Ngày nay, “bất tuân dân sự” được các thế lực thù địch, phản cách mạng sử dụng hòng tiến hành các âm mưu thâm độc nhằm chuyển hóa tư tưởng, nhận thức, hành vi của cá nhân, những lực lượng chống phá cách mạng. Từ đó, gây ra tình trạng mất ổn định chính trị, xã hội, thậm chí bạo loạn lật đổ, chống phá chính quyền thông qua bạo động. Các thế lực đen tối triệt để lợi dụng những hạn chế, yếu kém, sai lầm của chính quyền, nhà nước để tạo ra mâu thuẫn xã hội, qua đó thực hiện đan cài các hành vi chống phá. Những phương thức chủ yếu được sử dụng là lôi kéo, kích động nhân dân tụ tập, tuần hành, biểu tình, tạo dựng phong trào phản kháng trong quần chúng, cản trở quá trình thực thi chính sách, luật pháp của nhà nước, yêu cầu nhà nước phải thay đổi chính sách, luật pháp, thậm chí gây bạo loạn, lật đổ.

Từ khi chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực đế quốc xuất hiện, tư tưởng “bất tuân dân sự” đã trở thành một phương thức, thủ đoạn nhằm lật đổ các phong trào cách mạng, các lực lượng chính trị ở các chế độ xã hội khác nhau, dưới danh nghĩa “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, “cách mạng dù”, “cách mạng nhung”, “cách mạng ca hát”, “cách mạng hoa nhài”… ở Ả Rập, Tiệp Khắc, một số nước Bắc Phi, Trung Đông, Vênêduêla, Hồng Kông (Trung Quốc)…

Ở Việt Nam, việc lan truyền, reo rắc tư tưởng “bất tuân dân sự” chính là âm mưu, thủ đoạn của chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hòng lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam. Những năm qua, một số nơi đã diễn ra nhiều hiện tượng thể hiện “bất tuân dân sự”, như: “bất tuân cưỡng chế” khi giải phóng mặt bằng, đòi lập các tổ chức xã hội dân sự, phản đối Luật An ninh mạng, phản đối trả phí BOT giao thông, vu khống vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo… Các đối tượng thường dùng thủ đoạn kêu gọi, gặp gỡ, xúi giục, lôi kéo, mua chuộc, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhân dân để kích động tâm lý đám đông vào những dịp có sự kiện chính trị quan trọng, ở phạm vi lớn.

2. Âm mưu lợi dụng đấu tranh chống tham nhũng để “bất tuân dân sự”

Thời gian gần đây, trước việc nhiều vụ án tham nhũng liên quan đến số lượng lớn cán bộ từ trung ương đến địa phương được đưa ra xử lý, các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền, xúi giục với tư tưởng “bất tuân dân sự”, nhằm nói xấu cán bộ, chống đối chính quyền, bóp méo bản chất tốt đẹp của chế độ chính trị, hạ thấp vai trò lãnh đạo và uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước XHCN Việt Nam, gây ra những bất ổn về chính trị xã hội ở một số nơi, một số thời điểm.

Thực tế là, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã có hàng nghìn cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có những cán bộ chủ chốt đã bị khởi tố điều tra vì các tội lợi dụng chức vụ, tham nhũng. Điều này đã ảnh hưởng nhất định đến niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước. Đại hội XIII nhấn mạnh: “Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta” (1).

Tuy nhiên, cần phải nhận thức rằng, tham nhũng là “căn bệnh” của mọi nhà nước, mọi chế độ có giai cấp, không phải tham nhũng chỉ xuất hiện trong chế độ XHCN như các thế lực thù địch tuyên truyền, xuyên tạc. Trong tác phẩm Nguồn gốc gia đình của chế độ tư hữu và của nhà nước, Ph.Ăngghen viết: “Chính những lợi ích thấp hèn nhất - tính tham lam tầm thường, lòng khao khát hưởng lạc thô bạo, tính bủn xỉn bẩn thỉu, nguyện vọng ích kỷ muốn ăn cắp của công... đã làm suy yếu xã hội thị tộc không có giai cấp và đưa xã hội đó đến chỗ diệt vong”(2). V.I.Lênin cũng nhấn mạnh, tham nhũng do tư tưởng lạm dụng quyền lực của những người có chức có quyền, có đặc quyền đặc lợi gây ra. Hiện tượng này xuất hiện trong các chế độ chính trị đã có trong lịch sử, từ khi có nhà nước. Trải qua các giai đoạn lịch sử, từ chế độ chiếm hữu nô lệ, phong kiến, TBCN, hiện tượng tham nhũng luôn tồn tại ở những mức độ, tính chất khác nhau. Rất nhiều các thể chế chính trị, các hình thái nhà nước đã sụp đổ bởi hiện tượng tham nhũng trong bộ máy gây ra.

Ngay trong chế độ tư bản hiện đại, hiện tượng tham nhũng vẫn tồn tại và ngày càng phức tạp cả về mức độ, tính chất và hậu quả mà nó mang lại. Những vụ án tham nhũng lớn trên thế giới gần đây đã chứng minh rằng, tham nhũng luôn tồn tại ở các thể chế chính trị. Rất nhiều lãnh đạo của các nhà nước kể cả tổng thống đã bị luận tội, phế truất liên quan đến tham nhũng.

Nhìn vào bảng xếp hạng các quốc gia theo mức độ tham nhũng trong khu vực công của Tổ chức Minh bạch quốc tế tại 180 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới năm 2023 đã cho thấy tham nhũng có ở hầu hết các nước trên thế giới, với những mức độ khác nhau. Do vậy, không thể quy chụp, cho rằng chỉ có chế độ XHCN mới tồn tại tham nhũng.

Biểu 1. Bảng xếp hạng các quốc gia theo mức độ tham nhũng trong khu vực công.

Nguồn: www.transparency.org/cpi

Trong những năm qua, các thế lực thù địch lợi dụng sự thiếu thông tin của một bộ phận nhân dân để tuyên truyền, kích động, xúi giục những hành vi “bất tuân dân sự” đối với các cấp chính quyền, với lý do là chủ trương, kế hoạch, dự án đó có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Những hành vi này gây nguy cơ mất ổn định chính trị, thậm chí là bạo loạn, làn sóng chống đối, lật đổ chính quyền. Cùng với đó, các thế lực thù địch lồng ghép, đan cài những thông tin không chính xác về những hiện tượng tiêu cực ở nhiều lĩnh vực, khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội, liên quan đến công tác cán bộ để quy chụp, ngụy biện, làm sai bản chất của vấn đề, qua đó kêu gọi biểu tình, chống đối chính quyền bằng những hành vi vi phạm pháp luật.

Có thể khẳng định, từ khi lịch sử xã hội loài người xuất hiện nhà nước đến nay, không một nhà nước hay một thể chế chính trị nào cho phép “bất tuân dân sự”. Bởi lẽ, về nguyên tắc, hiến pháp, pháp luật là ý chí, nguyện vọng của đông đảo nhân dân, là “khế ước” nhằm duy trì trật tự xã hội và thực hiện những lợi ích xã hội phổ biến của nhân dân. Vì vậy, khi pháp luật đã được xác lập thì không một cá nhân nào được quyền chống đối, không thực hiện. Chỉ khi nhà nước của giai cấp áp bức bóc lột, độc tài, giai cấp thống trị không thực hiện những lợi ích cơ bản đã được ghi trong pháp luật đối với đại bộ phận nhân dân, không còn đại diện cho lợi ích của nhân dân, quốc gia - dân tộc, nhân dân đấu tranh để lật đổ chế độ đó hoặc thay đổi hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, nhà nước XHCN là nhà nước kiểu mới, đó là nhà nước mà tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Pháp luật của nhà nước đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Nhân dân là chủ thể trực tiếp tham gia xây dựng, bảo vệ nhà nước, bảo vệ xã hội, bảo vệ tính mạng và của cải của chính mình. Do vậy, không có sự đối kháng giữa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với lợi ích của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đày tớ trung thành của nhân dân. Chính phủ chỉ có một mục đích là: Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” (3). Nhà nước Việt Nam với bản chất là nhà nước XHCN nên tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, mọi lợi ích đều vì nhân dân. Chính vì vậy, Đại hội XIII của Đảng đã xác định phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Phương châm này thể hiện rất rõ bản chất của Đảng, mục đích của Nhà nước XHCN Việt Nam. Nói cách khác, “bất tuân dân sự” là đi ngược lại bản chất của chế độ dân chủ, ngược lại lợi ích chung của toàn thể nhân dân.

Sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Điều đó đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, cũng như năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ.

Về kinh tế: “quy mô GDP của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 433,3 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á và là nền kinh tế lớn thứ 34 trên thế giới. Năm 2024, quy mô GDP của Việt Nam được dự báo đạt khoảng 469,67 tỷ USD”(4). “Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt ngưỡng 4.000 USD/người/năm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới và duy trì xuất siêu năm thứ bảy liên tiếp”(5). Đặc biệt, giai đoạn 1986 - 2022, Việt Nam vào top 5 nước có quy mô kinh tế tăng trưởng nhiều nhất thế giới. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 được xếp hạng 46/132 quốc gia nền kinh tế và được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua”(6).

Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những đối tác rộng lớn, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam, Hiệp định đối tác toàn diện của ASEAN.... đã khẳng định tiềm lực ngày càng mạnh mẽ của đất nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Về chính trị: sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; dân chủ XHCN tiếp tục phát huy được quyền làm chủ của nhân dân. Đảng Cộng sản cầm quyền đã ngày càng khẳng định được vai trò lãnh đạo đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội; Nhà nước pháp quyền XHCN được xây dựng và ngày càng hoàn thiện, góp phần quan trọng trong bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp của nhân dân; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị và đời sống xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Về xã hội: tiến bộ và công bằng xã hội được thực hiện ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Con người đã trở thành mục tiêu, động lực của sự phát triển. Người dân được hưởng thụ những thành quả của sự nghiệp đổi mới, chất lượng cuộc sống được nâng cao rõ rệt. Tuổi thọ trung bình, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe… đạt mức độ tương xứng với trình độ phát triển của nhiều nước trên thế giới.

“Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2023 là 73,7 tuổi (năm 2022 là 73,6 tuổi), trong đó nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,5 tuổi”(7). Chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam ngày càng tăng cao, “Từ năm 1990 đến năm 2022, giá trị HDI của Việt Nam thay đổi từ 0,492 lên 0,726, tăng gần 50%. Việt Nam liên tục đạt được tiến bộ trong 30 năm qua” (8).

Với những thành tựu to lớn đã đạt được, có thể khẳng định, những hành vi xúi giục nhân dân nói xấu cán bộ, chống đối chính quyền, “bất tuân dân sự” thực chất là những quan điểm sai trái, thù địch, phủ nhận thành tựu mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được trong sự nghiệp cách mạng.

3. Giải pháp đấu tranh, chống âm mưu “bất tuân dân sự”

Để chống lại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng “bất tuân dân sự” liên quan đến tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ đòi hỏi phải thực hiện các biện pháp sau:

Thứ nhất, tuyên truyền để nhân dân hiểu đúng bản chất của chế độ chính trị, bản chất của Nhà nước XHCN Việt Nam, không để các thế lực lợi dụng sự thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, tuyên truyền xúi giục, gây kích động, chống phá trong nhân dân.

Thứ hai, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, mạnh mẽ và triệt để hơn. Chủ động phòng ngừa kết hợp với tích cực phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, nhất là tham nhũng chính sách ở mọi mức độ, tính chất. Cùng với đó, xây dựng chính phủ điện tử, minh bạch hóa thông tin, nhất là những thông tin liên quan đến tài sản quốc gia, thu nhập của cán bộ, công chức.

Thứ ba, chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc lại câu thành ngữ: “Dân dĩ thực vi thiên”(9) (tức là dân coi ăn như trời, dân đói thì lòng dân không yên, chính phủ cũng có lỗi). Do vậy, phải đặc biệt quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng, thiết thực của nhân dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Phải thực hiện tốt phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Thứ tư, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố có ý nghĩa quyết định cho mọi thắng lợi của cách mạng, là cơ sở để củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, cán bộ, mở rộng việc tập hợp, đoàn kết nhân dân. Đảng phải là biểu trưng cho trí tuệ, tình cảm cách mạng, nơi hội tụ mọi ước nguyện giải phóng của quần chúng nhân dân, “thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(10). Trong giai đoạn hiện nay, công tác cán bộ của Đảng có vị trí đặc biệt quan trọng. Vì vậy, phải coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, chỉnh huấn cán bộ, để cán bộ thực sự là “công bộc”, “đầy tớ” thật sự trung thành của nhân dân.

Thứ năm, cần nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội để vận động nhân dân xây dựng và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

4. Kết luận

Những vấn đề lý luận và thực tiễn nêu trên đã chứng tỏ rằng, “bất tuân dân sự” về thực chất là những tư tưởng sai trái, thù địch, cần phải được nhận diện, lên án. Việc lợi dụng “bất tuân dân sự” để vi phạm pháp luật và các hành vi sai trái cần được đấu tranh quyết liệt và xử lý nghiêm minh. Điều này không chỉ bảo vệ lợi ích của nhân dân mà còn giữ vững ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

_________________

Ngày nhận bài: 29-6-2024; Ngày bình duyệt: 5-8-2024; Ngày duyệt đăng: 22-8-2024.

(1), (10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.93, 27-28.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.150.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.382.

(4) https://dttc.sggp.org.vn/vi-the-nen-kinh-te-lon-thu-35-the-gioi-post113678.html.

(5) https://nhandan.vn/quy-mo-nen-kinh-te-viet-nam-dat-khoang-430-ty-usd post790174.html.

(6) https://baochinhphu.vn

(7 )https://dantri.com.vn

(8) https://nhandan.vn

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.518.