Thực tiễn

Phát triển nhân lực số ở Đà Nẵng hiện nay

28/08/2024 22:43

(LLCT) - Trong thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã chú trọng phát triển nguồn nhân lực số, bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, tuy nhiên, cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Bài viết đánh giá thực trạng nguồn nhân lực số ở Đà Nẵng, đề xuất một số giải pháp để phát triển nguồn nhân lực số nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của chuyển đổi số trong thời gian tới.

TS LÊ VĂN PHỤC
Học viện Chính trị khu vực III, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
TS TRẦN THỊ MINH TRÂM
Đại học Công nghiệp Hà Nội

Đến năm 2025, toàn thành phố Đà Nẵng cần khoảng 75.000 nhân lực công nghệ số _ Ảnh:nhandan.vn

1. Mở đầu

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”(1). Để thực hiện chuyển đổi số thành công thì một trong những yêu cầu quan trọng, mang tính quyết định là phát triển nguồn nhân lực số, Đảng ta xác định cần: “chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số để phát triển xã hội số”(2).

2. Về nguồn nhân lực số

Ở nước ta, nguồn nhân lực số là một bộ phận của nguồn nhân lực xã hội, mang đầy đủ những đặc trưng của nguồn nhân lực, nhưng có tính riêng biệt gắn với quá trình chuyển đổi số. Mỗi một nền kinh tế - xã hội đòi hỏi cần phải có một lực lượng sản xuất tương ứng về trình độ của nó, đặc biệt là nguồn nhân lực. Vì vậy, tương ứng với quá trình chuyển đổi số phải có nguồn nhân lực số để tổ chức thực hiện và vận hành nó. Cho nên, có thể hiểu nguồn nhân lực số là toàn bộ số lượng lao động của một quốc gia, một địa phương với tổng hòa các tiêu chí về trí lực, thể lực, phẩm chất đạo đức, tác phong lao động... tạo nên năng lực mà bản thân người lao động và quá trình chuyển đổi số đã, đang và sẽ huy động vào quá trình chuyển đổi số.

Nguồn nhân lực số không chỉ giới hạn nhân lực công nghệ thông tin mà còn có lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trong xã hội tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Bản chất của chính phủ số, kinh tế số, xã hội số là dựa trên ứng dụng các công nghệ, dựa trên nền tảng tri thức, ở đó vai trò của tri thức được coi là tài nguyên cho sự phát triển, do đó đòi hỏi nguồn nhân lực số phải có đạo đức, trí tuệ, năng lực chuyên môn cao; làm chủ được khoa học - công nghệ, tính sáng tạo cao và có khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của khoa học - công nghệ trong nền kinh tế - xã hội số. Do vậy, có thể xác định đặc trưng của nguồn nhân lực số ở một số khía cạnh như: Một là, có năng lực điều hành và làm chủ các thiết bị công nghệ số trong hoạt động kinh tế - xã hội; Hai là, có khả năng thích ứng nhanh trong môi trường làm việc gắn với khoa học - công nghệ; Ba là, có đạo đức, tác phong kỷ luật lao động cao; Bốn là, có khả năng đổi mới, sáng tạo. Để có được các đặc trưng này, thì đòi hỏi nguồn nhân lực số phải được đào tạo bài bản, thường xuyên trong môi trường hiện đại, luôn được cập nhật kiến thức mới.

Trong mọi thời đại, đặc trưng của nguồn nhân lực bao giờ cũng được quyết định bởi nền kinh tế - xã hội và chất lượng của nguồn nhân lực quyết định đến sự thành công của nền kinh tế - xã hội đó. Cũng như các nước trên thế giới, dưới sự tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền kinh tế - xã hội nước ta đang từng bước chuyển sang áp dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ra đời thay thế cho những yếu tố truyền thống. Cùng với đó, gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội thì nguồn nhân lực số từng bước phát triển mạnh mẽ, chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong lực lượng lao động xã hội. Vì thế, phát triển nguồn nhân lực số là tất yếu trong quá trình chuyển chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay.

3. Một số hạn chế về nguồn nhân lực số ở Đà Nẵng

Để đáp ứng quá trình chuyển đổi số theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, Đà Nẵng chú trọng phát triển nguồn nhân lực số, bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, nguồn nhân lực số ở đây còn hạn chế cả số lượng lẫn chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình chuyển đổi số.

Thứ nhất, nguồn nhân lực số trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp

Trong quá trình thực hiện chính quyền số, đòi hỏi nguồn nhân lực trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp phải am hiểu về cách thức thực hiện, vận hành trong quá trình chuyển đổi số. Thực tế, nguồn nhân lực số còn thiếu hụt về số lượng; sự am hiểu, thực hành về chuyển đổi số còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị, địa phương kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số còn hạn chế; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ, công chức ở cấp cơ sở, ở vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số còn nhiều bất cập. Một bộ phận không nhỏ giáo viên năng lực ngoại ngữ, khả năng sử dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu nên việc tiếp cận nguồn học liệu của nhiều nước tiên tiến trên thế giới để có thể tổng hợp, hệ thống và kết nối tri thức mới nhằm thích ứng với dạy học trực tuyến và truyền đạt kiến thức, định hướng cho người học có thể tự học, trải nghiệm còn hạn chế. Nhân lực trong ngành y tế còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, chưa hình thành được đội ngũ “người thầy thuốc số”,...

Thứ hai, về nguồn nhân lực số trong các doanh nghiệp

Hiện nay, chất lượng nhân lực trong các doanh nghiệp ở Đà Nẵng ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, nguồn nhân lực số có khả năng nắm bắt, làm chủ công nghệ, kỹ thuật còn ít, chất lượng chưa cao đã ảnh hưởng không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới.

Hiện nay, Đà Nẵng đang đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, chú trọng phát triển các ngành nghề: du lịch; nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; phát triển cảng biển, vận tải biển; thông tin liên lạc biển (đài phát tín hiệu ven biển, hệ thống định vị); điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển; bảo vệ môi trường, sinh thái biển…nhưng đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực khoa học công nghệ, nguồn nhân lực số, nên gặp nhiều khó khăn trong vận hành.

Cùng với phát triển kinh tế biển, Đà Nẵng đang phát triển mạnh mẽ ngành dịch vụ logistics. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang cần lao động có trình độ chuyên môn, sự am hiểu về khoa học - công nghệ logistics, đặc biệt ở các cảng biển, cảng hàng không... Nhưng thực tế, nguồn nhân lực cung cấp cho lĩnh vực này rất khan hiếm. Bên cạnh đó, nhân lực trong ngành này còn thiếu kinh nghiệm, trình độ ngoại ngữ, ICT còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ logistics thế giới...

Thứ ba, về nguồn nhân lực số trong các hoạt động xã hội

Chuyển đổi số ngày càng gần với đời sống của mọi người dân, rất nhiều công việc được giải quyết trên nền tảng số hóa (thủ tục hành chính, dịch vụ du lịch, dịch vụ logictis, dịch vụ y tế, giáo dục...). Nhưng nhìn chung, sự am hiểu về công nghệ thông tin, nền tảng số của người dân, nhất là người dân ở nông thôn, người dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, người dân còn ngại thay đổi, thường làm theo thói quen nên cản trở rất lớn đến thực hiện xã hội số.

Thứ tư, nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin là “cốt lõi” của nhân lực số. Trong thời gian qua, thành phố Đà Nẵng chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và đã đạt được kết quả ban đầu về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số. Tuy nhiên, về cơ bản nguồn nhân lực này đang còn yếu và thiếu. Điều này đã, đang và sẽ cản trở đến quá trình chuyển đổi số.

Trong cơ quan hành chính nhà nước, lực lượng này còn ít, chưa đáp ứng triển khai chuyển đổi số. Tại các cơ quan sở, ban, ngành, quận, huyện phần lớn chỉ bố trí 01 cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, tuy nhiên, cán bộ đó phải kiêm nhiệm thêm các nhiệm vụ khác. Tại ủy ban nhân dân các phường, xã chỉ phân công cán bộ kiêm nhiệm thêm công tác công nghệ thông tin. Trong các trường học, bệnh viện... số lượng này cũng rất ít.

Trong các doanh nghiệp, lực lượng này còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Tính đến tháng 6-2023, thành phố có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, tổng nhân lực công nghệ thông tin thành phố khoảng 47.500 người (chỉ chiếm tỷ lệ 7,7% tổng số lao động của địa phương). Theo Quyết định số 2870/QĐ-UBND ngày 28-8-2021 của UBND thành phố về ban hành đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định mục tiêu: năm 2025 đạt tối thiểu 3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân và tạo ra ít nhất 75.000 lao động chất lượng cao; đến năm 2030 đạt tối thiểu 5 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân và tạo ra ít nhất 115.000 lao động chất lượng cao. Như vậy, mục tiêu đặt ra tỷ trọng nhân lực công nghệ số trên tổng số lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính 10,3% vào năm 2025 và 13,7% vào năm 2030. Trong giai đoạn 2022 - 2025, thành phố cần bổ sung tối thiểu 7.500 nhân lực/năm và trong giai đoạn 2026 - 2030, con số này là 8.000 nhân lực/năm(3). Có thể thấy, yêu cầu về số lượng nhân lực số ngày càng lớn, trong khi đó các trường đại học, cao đẳng đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin còn mỏng. Đây là một bài toán nan giải đối với thành phố Đà Nẵng.

Ngoài thiếu hụt về số lượng, chất lượng nhân lực số vẫn chưa bảo đảm. Cũng như tình trạng chung của các nước(4), tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp còn thấp. Theo báo cáo thị trường công nghệ thông tin Việt Nam năm 2022 của nền tảng việc làm Trường Công nghệ thông tin TopDev công bố, chỉ có 35% trong tổng số 57.000 sinh viên chuyên ngành trường công nghệ thông tin tốt nghiệp hằng năm đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp(5). Đặc biệt, nguồn nhân lực trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu (Data Science), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), chuỗi khối (Blockchain), in ba chiều (3D Printing)... còn thiếu và yếu.

4. Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực số

Thứ nhất, chú trọng công tác dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực số

Hiện nay, việc thiếu hụt nguồn nhân lực số có một phần do chất lượng công tác dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực này còn hạn chế. Do đó, để phát triển nguồn nhân lực số với số lượng, cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường, thì cần dự báo đúng, trúng. Cần thống kê, phân tích, đánh giá khoa học. Từ đó, chỉ ra nhu cầu chính xác về nguồn nhân lực số của từng ngành, lĩnh vực, từng công việc gắn với quá trình chuyển đổi số. Đây là cơ sở khoa học cho việc xác định chỉ tiêu đào tạo, thu hút, sử dụng... nguồn nhân lực số hợp lý. Cần có dự báo chiến lược quốc gia, vùng, lĩnh vực, ngành nghề về phát triển nguồn nhân lực số.

Thứ hai, xây dựng chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực số

Hiện nay, Đà Nẵng đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2030 gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhưng chưa có chiến lược cụ thể phát triển nguồn nhân lực số gắn liền với quá trình chuyển đổi số. Do vậy, trong thời gian tới, dựa trên dự báo về nhu cầu đối với nguồn nhân lực này, cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực số. Chiến lược phải xác định được mục tiêu, quy mô, lộ trình, cơ chế, chính sách tổng thể... để phát triển nguồn nhân lực số gắn với yêu cầu chuyển đổi số. Từ Chiến lược cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, đề án... xác định rõ số lượng, chất lượng, cơ cấu dựa trên nhu cầu cụ thể của từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực phù hợp với yêu cầu của thực tiễn trong quá trình thực hiện chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Thứ ba, đổi mới công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực số

Trong thời đại số hiện nay, muốn làm tốt nhiệm vụ chuyên môn cần phải nắm vững kiến thức về chuyển đổi số, về công nghệ thông tin. Do vậy, trong thời gian tới Đà Nẵng cần chú trọng hơn công tác bồi dưỡng, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng kiến thức về chuyển đổi số, về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, cho các nhà quản lý, cho những người làm công tác tham mưu, cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong bộ máy Đảng, Nhà nước, các cơ sơ giáo dục, y tế và cho mọi tầng lớp nhân dân. Để thực hiện được điều đó, trong đào tạo, bồi dưỡng cần thay đổi tư duy, cập nhật những vấn đề mới gắn với những nội dung chuyển đổi số, công nghệ thông tin. Cần chú trọng đổi mới và hiện đại hóa các cơ sở giáo dục để đào tạo nguồn nhân lực số ngay từ nhà trường, cập nhật giáo trình đào tạo công nghệ thông tin gắn với các xu thế công nghệ mới như Internet kết nối vạn vật, AI, công nghệ robot..., tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp cận lĩnh vực này từ sớm; đẩy mạnh liên kết đào tạo và thực hành giữa các trường và khu vực doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường liên kết, hợp tác với các trường đại học, các doanh nghiệp nước ngoài để gửi sinh viên, người lao động đến học tập, nghiên cứu thực hành đối với các ngành mà Việt Nam còn yếu.

Hiện nay, các doanh nghiệp chưa có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực số gắn liền với tầm nhìn và mục tiêu cụ thể. Công tác đào tạo chuyên viên kỹ thuật, công nhân lao động thì chủ yếu là tự đào tạo hoặc người lao động phải tự nâng cao tay nghề. Do vậy, các doanh nghiệp cần nâng cao việc đào tạo nguồn nhân lực số nội bộ, đầu tư chi phí, thời gian như: cử nhân viên đi học nâng cao trình độ công nghệ trong và ngoài nước; mời chuyên gia tư vấn, huấn luyện cho cán bộ chủ chốt học tập và thực hành trực tiếp để áp dụng vào quản lý hoạt động của doanh nghiệp. Cần liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong các lĩnh vực doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Người học cần nhận thức được yêu cầu của doanh nghiệp, hiểu rõ năng lực bản thân để lựa chọn ngành nghề, rèn luyện, học tập nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu công việc.

Thứ tư, tăng cường thu hút nguồn nhân lực số

Để phát triển nhanh nguồn nhân lực số chất lượng cao, Đà Nẵng cần tăng cường thu hút nhân lực công nghệ chất lượng cao; thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn từ nước ngoài đến đầu tư, làm việc, đặc biệt là thu hút lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài. Để thực hiện điều này, Đà Nẵng cần tạo cơ chế, chính sách, điều kiện thuận lợi hơn nữa. Tạo lập cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại để các nhà khoa học trên thế giới, các tổ chức nghiên cứu khoa học đến liên kết, hợp tác trong nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực số, chuyển giao công nghệ, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, thị giác máy tính, điện toán đám mây, an toàn thông tin... Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế đãi ngộ hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của các chuyên gia; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học Việt kiều về thăm quê hương, kinh doanh, sản xuất, nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm…

Thứ năm, xây dựng văn hóa lao động cho nguồn nhân lực số

Cần tăng cường xây dựng môi trường làm việc văn hóa, tạo điều kiện, cơ hội cho nhân lực số phát triển toàn diện về đức, trí, mỹ, thể; có tinh thần cống hiến cho dân tộc Việt Nam, có trách nhiệm với xã hội, tham gia phát triển xã hội, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ. Nguồn nhân lực số phải được thực hiện trong môi trường công bằng, kỷ cương, đạo đức, thượng tôn pháp luật.

5. Kết luận

Gắn với xu thế phát triển của thời đại, chiến lược chuyển đổi số quốc gia cần nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã chú trọng phát triển nguồn nhân lực số, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở một số ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, nguồn nhân lực số còn nhiều hạn chế, bất cập, thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của quá trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với chuyển đổi số. Đây là vấn đề đặt ra đối với Đà Nẵng cần sớm khắc phục, giải quyết.

_________________

(1), (2) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.204, 265.

(3), (5) https://baodanang.vn

(4) Về số lượng, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng số lao động của Việt Nam ước đạt gần 1%, thấp hơn một số quốc gia mạnh về công nghệ thông tin, như: Hoa Kỳ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%). Về chất lượng, chỉ có khoảng 30% kỹ sư, cử nhân mới ra trường đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc.