Tin tức

Hội thảo khoa học cấp Bộ “Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – 75 năm xây dựng và phát triển (1949-2024)”

05/09/2024 20:22

(LLCT) - Sáng ngày 5-9-2024, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ “Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - 75 năm xây dựng và phát triển” (1949-2024). Chủ trì Hội thảo có PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện; GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện; PGS, TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Đoàn Chủ trì Hội thảo _ Ảnh: HCMA

Dự Hội thảo có các đồng chí Phó Giám đốc Học viện: PGS, TS Hoàng Phúc Lâm, PGS, TS Dương Trung Ý; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện; các giảng viên, nhà khoa học, các học giả trong và ngoài Học viện.

Lịch sử 75 năm truyền thống vẻ vang

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện khẳng định: Cách đây 75 năm, tháng 9-1949, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và dự Lễ Khai giảng Lớp lý luận dài hạn, khóa II. Người đã ghi vào cuốn “Sổ vàng” của Trường lời “Huấn thị”: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Ðoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Sự kiện Người đến thăm Trường trở thành Ngày Truyền thống của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nhằm thiết thực kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống, GS,TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh, Hội thảo khoa học cấp Bộ “Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - 75 năm xây dựng và phát triển” được tổ chức nhằm làm rõ quá trình ra đời, xây dựng và phát triển cũng như những thành tựu, đóng góp của Học viện đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; tri ân những cống hiến của các thế hệ lãnh đạo và những cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức và người lao động qua các thời kỳ; đúc kết những truyền thống và kinh nghiệm quý báu; đồng thời, đề xuất định hướng xây dựng và phát triển Học viện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Trường Đảng mang tên lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu; với sự tâm huyết, trách nhiệm, các nhà khoa học, các đại biểu tham dự khẳng định, 75 năm qua, mỗi bước trưởng thành của Học viện luôn gắn liền với tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Trong những năm 1949 - 1962, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đã đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Từ năm 1962 đến năm 1977, nhà trường đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phục vụ sự nghiệp xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Từ năm 1977 đến năm 1986, “Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc” tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phục vụ yêu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.

GS,TS Lê Văn Lợi phát biểu đề dẫn Hội thảo,

Từ năm 1986 đến năm 1993, “Học viện Nguyễn Ái Quốc” tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phục vụ thời kỳ đầu đổi mới. Trong những năm 1993 - 2007, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (những năm 2007 - 2014), phát triển mang tính hệ thống, đảm nhiệm sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế. Từ năm 2014 đến nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là một hệ thống, gồm: Học viện trung tâm, 04 Học viện Chính trị khu vực (I, II, III, IV) và Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Trong thời kỳ này, Học viện đã có sự đổi mới toàn diện, đồng bộ và hệ thống.

Dấu ấn trên các chặng đường phát triển

Các đại biểu, nhà khoa học cũng làm rõ những kết quả nổi bật của Học viện trong 75 năm xây dựng và phát triển. Theo đó, Học viện tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ "vừa hồng, vừa chuyên" phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Từ năm 2014 đến nay, hệ thống Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng trên 100.000 cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị.

Cùng với nhiệm vụ đào tạo cao cấp lý luận chính trị, Học viện còn tập trung đào tạo sau đại học. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, Học viện đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức 12 lớp bồi dưỡng dự nguồn chiến lược Đại hội XII, XIII; các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV; bồi dưỡng Ủy viên, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; bồi dưỡng các chức danh Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; các chương trình trao đổi chuyên đề dành cho cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước Lào. Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cấp cao và cập nhật kiến thức đối với Ủy viên Trung ương, dự khuyết Trung ương Đảng khóa XIII và lãnh đạo chủ chốt của 63 tỉnh, thành phố, cũng như lớp trao đổi chuyên đề cho cán bộ cao cấp của Lào là sự đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, khẳng định năng lực, vị thế, uy tín của Học viện.

Trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Học viện ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm quốc gia nghiên cứu lý luận chính trị và tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước. Chỉ tính trong 10 năm, từ năm 2014 đến nay, Học viện đã hoàn thành 279 chương trình, đề tài cấp quốc gia; 203 đề án, chương trình, đề tài cấp bộ trọng điểm; 542 đề tài cấp bộ xét chọn; 51 dự án điều tra, khảo sát; 1.835 đề tài cơ sở phân cấp và không phân cấp. Các kết quả nghiên cứu đã trực tiếp góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Từ kết quả nghiên cứu khoa học, Học viện đã gửi hơn 100 báo cáo kiến nghị cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; đóng góp nhiều luận cứ khoa học xác đáng cho việc xây dựng văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết của Trung ương và dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng.Cùng với công tác giảng dạy – đào tạo và nghiên cứu khoa học, các mặt công tác khác của Học viện cũng được đổi mới theo hướng đồng bộ, hệ thống, toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị. Những đóng góp to lớn của Học viện đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1989, năm 2014); Huân chương Sao vàng (năm 1996); Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2009);...

Chiến lược & Tầm nhìn phát triển

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước; đồng thời, để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; không ngừng nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học phục vụ hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như mọi mặt công tác, để nâng cao vị thế của trường Đảng, Học viện đã xây dựng: "Chiến lược phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", với mục tiêu tổng quát là: "Đến năm 2030, giữ vững và phát huy vị thế trung tâm quốc gia hàng đầu về nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; phát triển Học viện thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận của Đảng về hệ thống chính trị; trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị hiện đại, hội nhập, có vị thế xứng đáng ở khu vực và trên thế giới. Đến năm 2045, là trung tâm quốc gia có uy tín cao trong khu vực và trên thế giới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng và hệ thống chính trị; về nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý; tham mưu tư vấn chính sách chiến lược cho Đảng và Nhà nước".

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

BBT tổng hợp từ HCMA, TTXVN