Viện Kinh tế chính trị học đóng góp vào sự nghiệp phát triển Học viện
(LLCT) - Với bề dày truyền thống gần 70 năm, Viện Kinh tế chính trị học luôn là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển của Học viện và nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới.
PGS, TS NGÔ TUẤN NGHĨA
Viện Kinh tế chính trị học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Viện Kinh tế chính trị học, tiền thân là Tổ Kinh tế chính trị của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, được thành lập ngày 7-9-1957 trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi. Trong thời điểm lịch sử quan trọng đó, với khí thế hào hùng, phấn khởi, sự nghiệp cách mạng của toàn quân, toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng chuyển sang giai đoạn mới - giai đoạn thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng CNXH ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam.
Lúc này, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tư duy và lý luận kinh tế cho cán bộ, trước hết là đội ngũ cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước được đặt ra một cách cấp bách, với những yêu cầu mới rất cao theo tinh thần Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 8-02-1957: Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương phải đổi mới mọi mặt, nhằm phục vụ nâng cao lý luận của Đảng, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, để Đảng ta có thể hoàn thành tốt hơn sứ mệnh của mình.
Thấm nhuần tinh thần Chỉ thị của Ban Bí thư, mặc dù thời điểm ban đầu, lực lượng giảng viên, cán bộ chỉ 5 người, cùng sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc, Tổ Kinh tế chính trị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, tham gia đào tạo, bồi dưỡng lý luận kinh tế chính trị cho các lớp cán bộ trung, cao cấp của Đảng và hệ thống chính trị.
Từ kết quả bước đầu đó, năm 1959, Tổ Kinh tế chính trị chính thức được Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương phê duyệt chuyển thành Khoa Kinh tế chính trị. Chức năng hoạt động của Khoa được chỉ rõ: giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng lý luận về kinh tế chính trị Mác - Lênin cho đội ngũ cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao trình độ lý luận của Đảng, phục vụ những đòi hỏi cấp bách của thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đây vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng đồng thời là phương châm hoạt động xuyên suốt lịch sử vẻ vang gần 70 năm qua của Viện Kinh tế chính trị học.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, đội ngũ cán bộ giảng dạy đã trưởng thành nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng; xây dựng đơn vị thành một khối đoàn kết, thống nhất, kiên định và vững vàng trên mặt trận giảng dạy, truyền bá và bảo vệ lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, quan điểm của Đảng; tiến từng bước vững chắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu và phát triển lý luận khoa học kinh tế, trong tổng kết thực tiễn và các mặt hoạt động khác, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới.
Về tham gia đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong Học viện
Với gần 70 năm phấn đấu và trưởng thành, đóng góp vào sự phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và sự nghiệp xây dựng Đảng, Viện Kinh tế chính trị học cùng với các đơn vị của Học viện đã nỗ lực không ngừng, tích cực tham gia trang bị kiến thức lý luận kinh tế phù hợp với từng giai đoạn cách mạng cho hàng trăm nghìn cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước, các đoàn thể quần chúng ở các cơ quan Trung ương và các địa phương; tham gia đào tạo cán bộ lý luận cho hệ thống giáo dục quốc dân và cán bộ của các Đảng bạn, làm nhiệm vụ quốc tế. Các thế hệ cán bộ, giảng viên đã phát huy nhiệt huyết, trí tuệ của mình qua các bài giảng, chuyên đề cho các hệ lớp cao cấp lý luận chính trị, cử nhân chính trị. Nội dung, chất lượng các bài giảng luôn thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, phù hợp với đường lối phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Để góp phần phát triển tư duy và tầm nhìn của học viên các hệ đào tạo, bồi dưỡng, Viện Kinh tế chính trị học luôn chủ trương tích cực cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng bảo đảm kiến thức cơ bản, có hệ thống, đồng thời không ngừng cập nhật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thích ứng với sự phát triển trong nước, khu vực và thế giới. Các thế hệ giảng viên đã cung cấp cho các thế hệ học viên là các cán bộ lãnh đạo, quản lý công cụ tư duy, lý luận kinh tế chính trị Mác - Lênin, tư tưởng kinh tế của Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần khẳng định giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Đồng thời, giúp các cán bộ lãnh đạo, quản lý có lập trường tư tưởng vững vàng, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng, có sự am hiểu về tình hình kinh tế đất nước và thế giới trong mỗi thời kỳ cách mạng.
Các vấn đề cơ bản được triển khai giảng dạy xuyên suốt các hệ lớp học viên bao gồm: những quy luật kinh tế của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; những quy luật, tính quy luật kinh tế của thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Kết quả của quá trình đào tạo, bồi dưỡng kinh tế chính trị Mác - Lênin đối với các hệ lớp học viên của Học viện đã góp phần đắc lực vào thành quả phát triển chung của Học viện và của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Cùng với nhiệm vụ chính trị cốt lõi là đào tạo cao cấp lý luận chính trị, hoạt động đào tạo sau đại học của Viện Kinh tế chính trị học cũng được chú trọng phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng. Viện đã và đang tổ chức đào tạo các hệ lớp bao gồm: chuyên tu sau đại học, cao học, nghiên cứu sinh chuyên ngành Kinh tế chính trị đầu tiên (năm 1964) và lớp chuyên tu sau đại học chuyên ngành Kinh tế chính trị khóa I (cuối những năm 1980) đến nay, Viện đã đào tạo sau đại học chuyên ngành Kinh tế chính trị cho gần 900 học viên, nghiên cứu sinh, trong đó có hàng trăm học viên cao học và nghiên cứu sinh của nước bạn Lào.
Nét nổi bật của hoạt động đào tạo sau đại học của Viện Kinh tế chính trị học là: từ năm 1987 đến nay, hầu như 100% học viên và nghiên cứu sinh chuyên ngành kinh tế chính trị đã bảo vệ thành công luận án (phó tiến sĩ khoa học kinh tế trước kia, tiến sĩ kinh tế hiện nay), luận văn cao học kinh tế. Tính đến tháng 7-2024, đã có 191 nghiên cứu sinh của Viện bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kinh tế (chiếm khoảng 17% số nghiên cứu sinh bảo vệ luận án ở Học viện) và hơn 700 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Trong ba năm vừa qua, Viện đã trực tiếp đào tạo 35 nghiên cứu sinh và 125 học viên cao học. Cùng với việc đào tạo chuyên ngành, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Viện đồng thời tham gia đào tạo kiến thức lý luận kinh tế chính trị học cho hàng nghìn học viên cao học, nghiên cứu sinh các chuyên ngành khác thuộc Học viện, góp phần nâng cao kiến thức, mở rộng tư duy và tầm nhìn của học viên.
Thực tiễn hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đã khẳng định vai trò, vị trí của Viện Kinh tế chính trị học là một trong những đơn vị chủ chốt của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng thời là một trong số ít đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học kinh tế chính trị có uy tín của đất nước. Nhiều cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học các thế hệ của Khoa Kinh tế chính trị trước kia, Viện Kinh tế chính trị học ngày nay đã trưởng thành trong thực tiễn, trở thành những đồng chí cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Tiêu biểu trong số đó có các đồng chí nguyên là nghiên cứu sinh, giảng viên của Khoa Kinh tế chính trị như: Nguyễn Phú Trọng, Lê Xuân Tùng, Trần Phương…
Về hoạt động nghiên cứu khoa học và tham gia tổng kết thực tiễn
Là một trong những đơn vị thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu, phát triển lý luận kinh tế, trong suốt lịch sử phát triển gần 70 năm qua, toàn thể các thế hệ cán bộ, giảng viên của đơn vị đều nhận thức rõ rằng: để giảng dạy tốt, mỗi giảng viên phải tích cực nghiên cứu khoa học, đổi mới và nâng cao kiến thức, am hiểu, tích cực tổng kết thực tiễn để nâng cao trình độ, tư duy, trí tuệ của bản thân, từ đó tham gia ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn vào việc cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hình thành đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.
Những năm mới thành lập, Tổ bộ môn Kinh tế chính trị thuộc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc chưa có tài liệu học tập, học viên khi đó sử dụng các tài liệu, giáo trình do các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc biên soạn. Tuy nhiên, không lâu sau, theo yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và hoạt động lãnh đạo của Đảng, với sự kế thừa, sáng tạo và phát triển những nội dung trong sách giáo khoa kinh tế chính trị của một số nước trong hệ thống XHCN, tập thể giảng viên Tổ Kinh tế chính trị trong nhiều năm đã tích cực, chủ động, độc lập tìm tòi, nghiên cứu và biên soạn các chuyên đề, các tập bài giảng phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Những tài liệu này đã được sử dụng và phục vụ đắc lực sự nghiệp đào tạo cán bộ của Đảng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, đất nước hoàn toàn thống nhất, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng bước sang trang mới, đòi hỏi lý luận kinh tế chính trị phải được đúc rút một cách hệ thống và khoa học. Đáp ứng yêu cầu đó, giáo trình kinh tế chính trị Mác - Lênin chương trình cao cấp được xuất bản vào cuối năm 1975 với hai bộ phận cấu thành: Về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và Về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Giáo trình này đã được sử dụng rộng rãi trong việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu trong hệ thống Trường Đảng, qua đó đánh dấu sự trưởng thành khoa học thực sự của một đơn vị chuyên môn.
Để hoàn thiện các tập bài giảng và giáo trình, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên các thế hệ của Viện Kinh tế chính trị học đã có nhiều cố gắng trong nghiên cứu, đổi mới nhận thức về lý luận kinh tế chính trị Mác - Lênin một cách thường xuyên; khắc phục các biểu hiện giáo điều, kinh viện để tiếp nhận ngày càng sâu sắc, chính xác các nguyên lý, tạo thành những giá trị bền vững của học thuyết kinh tế Mác - Lênin. Trên cơ sở không ngừng đổi mới tư duy lý luận và căn cứ vào các văn kiện của Đảng, các thế hệ giảng viên của Viện đã liên tục thực hiện tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, rà soát nội dung chương trình giảng dạy, chỉnh lý, viết mới giáo trình kinh tế chính trị Mác - Lênin cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.
Trước đổi mới, sản phẩm khoa học của cán bộ, giảng viên Khoa Kinh tế chính trị được kết tinh trong các công trình tiêu biểu như: tập bài giảng Kinh tế chính trị, chương trình cao cấp lý luận in rô nê ô (năm 1964); bộ sách giáo khoa chương trình cao cấp (2 tập) xuất bản năm 1976; bộ sách giáo khoa chương trình cao cấp (2 tập) xuất bản năm 1978; bộ sách giáo khoa chương trình cao cấp (2 tập) xuất bản năm 1980; bộ sách giáo khoa chương trình cao cấp (3 tập) xuất bản năm 1984; hai tập trích kinh điển kinh tế chính trị Mác - Lênin xuất bản năm 1975; tập trích kinh điển Sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN (năm 1978); Tình hình đất nước Xôviết thời kỳ 1918-1920 và kế hoạch xây dựng CNXH, bảo vệ đất nước Xôviết của V.I.Lênin (năm 1980); V.I.Lênin với những chủ trương, biện pháp cơ bản để giải quyết tình hình khó khăn của đất nước Xôviết trong thời kỳ 1921-1924, nhằm tiếp tục đưa sự nghiệp xây dựng CNXH tiến lên (năm 1980).
Đi cùng sự nghiệp đổi mới của đất nước, các đợt biên soạn, chỉnh lý lớn giáo trình Kinh tế chính trị Mác - Lênin hệ cao cấp lý luận chính trị được thực hiện vào các năm 1989, 1995, 1997, 2001, 2005, 2009, 2013, 2017, 2021. Cùng với giáo trình lý luận chính trị hệ cao cấp, đến nay, Viện đã hoàn thành và nghiệm thu 29 bộ giáo trình và đề cương chi tiết thuộc khung chương trình đào tạo cao học và tiến sĩ chuyên ngành kinh tế chính trị, trong đó đa số học phần được xây dựng mới và nhiều học phần được chỉnh lý, tiếp cận mới.
Đến nay, tuy còn có một số hạn chế nhất định, song giáo trình Kinh tế chính trị Mác - Lênin của Viện Kinh tế chính trị học đã phản ánh sự phát triển của lý luận kinh tế chính trị của đất nước và thế giới, liên tục cập nhật và làm sáng tỏ những vấn đề mới của thực tiễn kinh tế - xã hội, những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong sự nghiệp đổi mới.
Với tinh thần không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng, Viện Kinh tế chính trị học xác định, nghiên cứu và giảng dạy khoa học kinh tế chính trị Mác - Lênin là hai nhiệm vụ có quan hệ biện chứng với nhau trong hoạt động nghề nghiệp của mỗi giảng viên. Vì thế, từ cuối những năm 1960, tập thể Khoa Kinh tế chính trị đã phối hợp với các khoa, đơn vị trong Học viện nghiên cứu các đề tài cấp trường như: về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất ở nước ta (năm 1969); mối quan hệ giữa tư tưởng và tổ chức (năm 1970); về tổ chức lại sản xuất (năm 1970-1973).
Nhằm từng bước khắc phục nhược điểm thiếu kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy lý luận và nghiên cứu, Viện Kinh tế chính trị học đã chủ động tham gia tổng kết thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều ngành, tại một số địa phương như: nghiên cứu tổng kết về ba cuộc cách mạng ở hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình (cuối năm 1968 đầu năm 1969); tham gia tổng kết công tác giáo dục - đào tạo của Học viện (các năm 1974, 1976, 1978 và 1988); tham gia tổng kết phát triển nền nông nghiệp từ sau hợp tác hóa (2 đợt năm 1966 và năm 1973). Kết quả nghiên cứu được các ngành, các địa phương đánh giá tốt.
Từ năm 1986 đến nay, công tác nghiên cứu khoa học của Viện được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả nổi bật: tham gia nhiều đề tài cấp nhà nước tổng kết thực tiễn và đổi mới lý luận kinh tế những năm đầu đổi mới như: tham gia tổng kết Khoán 100, Khoán 10 trong nông nghiệp; tổng kết công tác thủy nông (năm 1993), tổng kết phát triển thủ công nghiệp ở Hà Nội (năm 1993), tổng kết kinh doanh vận tải đường sắt của Liên hiệp đường sắt I (năm 1995); tổng kết phát triển kinh tế Tây Nguyên (năm 1999-2000); tổng kết về phát triển kinh tế tỉnh Trà Vinh (năm 2006); tổng kết về chuyển sở hữu trong các doanh nghiệp sau cổ phần hóa ở Hà Nội năm 2010, tổng kết sự phát triển lý luận kinh tế thị trường định hướng XHCN thời kỳ đổi mới (năm 2024)…
Các kết quả nghiên cứu đã được các đơn vị nghiên cứu, các cơ quan hoạch định chính sách của Đảng, Nhà nước sử dụng, tham khảo để hoạch định cơ chế, chính sách chuyển đổi nền kinh tế nước ta từ vận hành theo cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước (kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay). Đồng thời, kết quả nghiên cứu, tổng kết thực tiễn của các cán bộ, giảng viên của Viện Kinh tế chính trị học đã góp phần xây dựng giáo trình quốc gia môn Kinh tế chính trị Mác - Lênin; giáo trình Kinh tế chính trị cho đào tạo đại học chuyên ngành kinh tế của hệ thống giáo dục quốc dân.
Cùng với đó, cán bộ, giảng viên của Khoa Kinh tế chính trị trước đây, Viện Kinh tế chính trị học hiện nay đã và đang chủ trì, tham gia hàng trăm đề tài khoa học cấp bộ trong và ngoài Học viện, các đề tài nghiên cứu phối hợp với các cơ sở nghiên cứu quốc tế, các đề tài khoa học tổng kết của địa phương; chủ trì hàng trăm đề tài cấp cơ sở, hội thảo khoa học; hàng nghìn công trình, bài viết của cán bộ khoa học đã được công bố dưới các hình thức như sách tham khảo, bài tạp chí khoa học, chuyên đề, chuyên luận khoa học. Viện đã chủ trì đề tài cấp nhà nước thuộc chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020 (KX/16-20) và hiện đang chủ trì đề tài KX 04.15/2020-2025 về mối quan hệ nhà nước, thị trường và xã hội trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và nhiều đề tài cơ sở đang được triển khai theo kinh phí phân cấp.
Cùng với việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, trong gần 10 năm, kể từ năm 2016 trở lại đây, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của Viện đã xây dựng các báo cáo kiến nghị gửi tới các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước. Các chủ đề được kiến nghị được triển khai đa dạng như kiến nghị các biện pháp thích ứng với tác động của Brexit (năm 2016); hoàn thiện thể chế đất đai (năm 2021); hoàn thiện thể chế sở hữu (năm 2021); phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng (năm 2023); hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển (năm 2024); hoàn thiện thể chế phát triển các mô hình kinh tế mới (năm 2024); quan hệ nhà nước, thị trường, xã hội trong bối cảnh mới (năm 2024). Trong đó, có những kiến nghị được đánh giá cao.
Về xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện
Khi mới được thành lập, Tổ Kinh tế chính trị có 5 giảng viên, vốn là cán bộ tuyên huấn ở các cơ quan đảng và quân đội đi học lý luận chính trị cao cấp và ở lại trường làm giảng viên. Các giảng viên khi ấy chỉ làm nhiệm vụ giải đáp thắc mắc cho học viên, còn việc giảng dạy bộ môn khoa học kinh tế chính trị Mác - Lênin do các chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc đảm nhận cho đến năm 1965. Theo thời gian, đội ngũ giảng viên đã trưởng thành vượt bậc. Biên chế của Viện hiện nay là 21 cán bộ, giảng viên, trong đó có 5 phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên cao cấp; 10 tiến sĩ, giảng viên chính; 5 đang nghiên cứu sinh; 1 cử nhân. Với sự nỗ lực không mệt mỏi, nhiều thế hệ cán bộ của Viện đã được Đảng, Nhà nước, Đảng ủy, Giám đốc Học viện tặng nhiều Huân chương, Huy chương, Bằng khen, Kỷ niệm chương, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú. Tập thể cán bộ, giảng viên được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba về thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đặc biệt, nhiều giảng viên của Khoa Kinh tế chính trị (tiền thân của Viện) đã đi biệt phái giúp việc cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước; sau đó đảm nhiệm những trọng trách lớn lao của Đảng và Nhà nước, như: Phó Thủ tướng, Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước về hợp tác đầu tư; Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội. Hiện nay, có một đồng chí lãnh đạo Viện đang tham gia công tác biệt phái phục vụ Hội đồng Lý luận Trung ương.
Với gần bảy thập kỷ trưởng thành, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Viện từ chỗ chỉ làm nhiệm vụ giải đáp thắc mắc cho học viên đến giảng dạy một phần chương trình môn học, sau đó là giảng toàn bộ chương trình cho các lớp cao cấp lý luận chính trị của Học viện, của các ngành, địa phương và một số nước bạn. Từ chỗ dựa vào giáo trình, sách giáo khoa của bạn để giảng dạy, Viện đã biên soạn và xuất bản sách, giáo trình đồng bộ cho đào tạo cao cấp, cử nhân chính trị, đào tạo cao học, nghiên cứu sinh có chất lượng và uy tín. Từ chỗ chỉ giảng dạy, đội ngũ cán bộ của Viện đã tham gia tích cực vào việc tổng kết hoạt động thực tiễn của các ngành, địa phương, tích cực nghiên cứu khoa học và bằng nhiều hình thức tham gia đóng góp ý kiến, phổ biến, tuyên truyền đường lối, chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước. Từ chỗ chỉ tham gia đào tạo, giáo dục và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Đảng, Viện đã tiến đến đào tạo đội ngũ cán bộ lý luận chuyên ngành (thạc sĩ và tiến sĩ) cho đất nước và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên kinh tế chính trị của Học viện và hệ thống giáo dục quốc dân.
Trước tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, với trí tuệ và tầm nhìn, bản lĩnh chính trị vững vàng, đội ngũ cán bộ, giảng viên Viện Kinh tế chính trị học không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới đất nước thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng và hệ thống chính trị.
Về tham gia mở rộng hợp tác quốc tế, góp phần thúc đẩy hội nhập của Học viện
Trong nhiều thập kỷ qua, thông qua kênh đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Học viện, Viện Kinh tế chính trị học đã tham gia nhiều hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ với một số nước. Cán bộ của Viện đã giảng dạy kinh tế chính trị Mác - Lênin cho nhiều cán bộ cao cấp của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Đảng Nhân dân Campuchia và một số đảng cộng sản ở châu Mỹ Latinh, châu Phi. Từ năm 1987 đến nay, đã có nhiều cán bộ giảng dạy của Viện tham dự các cuộc hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức ở Đức, Tiệp Khắc (Séc), Liên Xô; Hoa Kỳ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Myanma, Malaixia, Xinhgapo… Ngoài ra, cán bộ giảng viên của Viện cũng tham gia vào các dự án soạn thảo Luật Khuyến khích cạnh tranh và kiểm soát độc quyền, Luật Đầu tư trong nước. Cũng từ những năm 1980 đến nay, Viện đã cử 43 lượt giảng viên đi học tập, bồi dưỡng ngắn hạn ở Liên Xô, Đức, 7 thực tập sinh và nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội trực thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, bồi dưỡng học tập nâng cao trình độ tại Hà Lan, Ý, Anh, Aixơlen, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ôxtrâylia, Trung Quốc, Xinhgapo... Hoạt động hợp tác quốc tế đã tạo cơ hội học hỏi, giao lưu, mở rộng trí tuệ, tầm nhìn cho cán bộ, giảng viên, trên cơ sở đó có những đóng góp tích cực vào công tác giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện.
2. Thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới
Trong những năm tới, thực hiện phương châm Đổi mới, Kỷ cương, Đồng bộ và Hiệu quả của Đảng ủy và Ban Giám đốc Học viện, Viện Kinh tế chính trị học tiếp tục nỗ lực phấn đấu trên tất cả các mặt công tác để viết tiếp những trang sử vẻ vang gần 70 năm phát triển và đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của Học viện và sự lãnh đạo của Đảng. Các mặt công tác của Viện tập trung vào các phương hướng chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục thực hiện nghiên cứu, tổng kết sâu sắc làm rõ những giá trị bền vững, bổ sung phát triển lý luận kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng trong điều kiện phát triển mới của đất nước; Thực hiện đẩy mạnh tổng kết thực tiễn phát triển kinh tế trong nước và quốc tế, thực hiện phương châm gắn lý luận với thực tiễn trong nghiên cứu, giảng dạy kinh tế chính trị; Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giảng dạy kinh tế chính trị để nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trong điều kiện mới; Tiếp tục hoàn thiện việc biên soạn, xuất bản giáo trình, tài liệu học tập cho hệ sau đại học. Xây dựng chương trình, hệ thống bài giảng, nội dung giảng dạy khoa học kinh tế chính trị trong hệ thống Học viện theo hướng bảo đảm chất lượng nội dung, vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, vừa thích ứng với sự phát triển của thực tiễn thế giới; Tích cực tham gia bồi dưỡng đội ngũ giảng viên của hệ thống Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố; Bên cạnh đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, tiếp tục thực hiện nghiêm quy chế quản lý giảng viên và học viên, bảo đảm kỷ cương, nền nếp; Tích cực, chủ động tham gia nghiên cứu, góp phần làm rõ cơ sở khoa học, luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về các khía cạnh kinh tế; Tích cực, chủ động tham gia xây dựng các báo cáo kiến nghị, báo cáo tổng kết thực tiễn phục vụ Học viện và các cơ quan trung ương.
Hai là, phát huy mạnh mẽ tinh thần dân chủ, đoàn kết, đồng thuận vì sự phát triển chung; Đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, vững vàng về lập trường tư tưởng, am hiểu thực tiễn phát triển của đất nước, nắm bắt tốt tình hình phát triển của các nước trong khu vực và quốc tế.
Ba là, tích cực, chủ động mở rộng các quan hệ hợp tác tổng kết thực tiễn với các bộ, ngành, địa phương trong nước; đẩy mạnh nghiên cứu những thành tựu lý luận mới về kinh tế chính trị học trên thế giới, mạnh dạn thúc đẩy hoạt động hợp tác - phát triển chuyên môn với các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước, tích cực khai thác, phổ biến kinh nghiệm và thông tin khoa học phục vụ cho phát triển chung của đơn vị.
Với sự nỗ lực, quyết tâm vươn lên của mỗi cán bộ, giảng viên và của cả tập thể Viện, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, sự hợp tác, giúp đỡ của các cơ quan chức năng, Viện Kinh tế chính trị học sẽ tiến bước vững chắc, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự lớn mạnh của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
_________________
Ngày nhận bài: 19-8-2024; Ngày bình duyệt: 24-8-2024; Ngày duyệt đăng: 30 -8-2024.