Quốc tế

Quan điểm, đường lối phát triển giáo dục của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay và những giá trị tham khảo

09/09/2024 21:07

(LLCT) - Quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc về xây dựng, phát triển giáo dục hiện đại, mang bản sắc Trung Quốc là sự kế thừa, tiếp nối và phát triển những giá trị tư tưởng, lý luận về phát triển nền giáo dục xã hội chủ nghĩa trong lịch sử cách mạng Trung Quốc. Trong đó nổi bật là những khía cạnh, vấn đề quan trọng trong cải cách thể chế giáo dục đã được thúc đẩy ổn định và đã xây dựng nên một hệ thống tiêu chuẩn chất lượng giáo dục phù hợp với tình hình phát triển mới của Trung Quốc và thế giới.

ThS ĐỖ THANH VÂN
Viện Khổng Tử, Trường Đại học Hà Nội

Đảng và Nhà nước Trung Quốc ngày càng coi trọng địa vị và vai trò của sự nghiệp giáo dục trong toàn cục chiến lược kiên trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc _ Ảnh: caixin.com

1. Những điểm nổi bật trong đường lối phát triển giáo dục của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay

Kẻ từ Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2012) trở lại đây, Đảng và Nhà nước Trung Quốc ngày càng coi trọng địa vị và vai trò của sự nghiệp giáo dục trong toàn cục chiến lược kiên trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Trong đó, đặt giáo dục lên vị trí chiến lược ưu tiên phát triển, tăng cường toàn diện công tác lãnh đạo của Đảng đối với giáo dục, đưa ra một loạt các lý thuyết và quan điểm mới để trả lời cho những câu hỏi về tính phương hướng, tính căn bản, tính toàn cục, tính chiến lược của công tác giáo dục. Từ đó, hình thành nên những luận điểm quan trọng cũng như tư tưởng chiến lược về giáo dục của Đảng Cộng sản Trung Quốc và trở thành kim chỉ nam hành động cho việc làm tốt công tác giáo dục trong thời đại mới.

Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất phát từ thực tiễn sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc, đã đưa ra nhiều quan điểm mới, tư tưởng mới về vấn đề phát triển và cải cách giáo dục, hình thành nên hệ thống tư tưởng chiến lược về giáo dục mang đặc sắc Trung Quốc, nhận thức sâu sắc về quy luật phát triển giáo dục, làm phong phú thêm lý luận giáo dục xã hội chủ nghĩa, và là kim chỉ nam cho sự nghiệp phát triển giáo dục của Trung Quốc trong thời đại mới.

Tư tưởng chiến lược về giáo dục của Đảng Cộng sản Trung Quốc được hình thành dựa trên sự kế thừa và phát triển những tư tưởng giáo dục truyền thống lâu đời của Trung Quốc, các hệ thống tư tưởng chiến lược về giáo dục của Đảng Cộng sản trong các giai đoạn cách mạng và nắm bắt xu thế phát triển giáo dục trong nước cũng như quốc tế hiện đại. Những nội dung cơ bản được thể hiện qua các khía cạnh chính như sau:

Thứ nhất, ưu tiên phát triển của giáo dục trên tinh thần “giáo dục hưng tắc quốc gia hưng, giáo dục cường tắc quốc gia cường”

Trong các giai đoạn lịch sử cách mạng Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc, được dẫn dắt bởi tư tưởng các thế hệ lãnh đạo Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đều xem phương diện giáo dục là một yếu tố vô cùng quan trọng góp phần tạo dựng nên sức mạnh quốc gia.

Giáo dục với sản xuất có mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ với nhau, và càng về sau, các thế hệ lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc càng có cái nhìn sâu sắc, chi tiết, có sự đánh giá khách quan về vị trí của giáo dục trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, hiện đại hóa đất nước. Đến thời kỳ Tổng Bí thư Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhấn mạnh giáo dục phải được coi là lĩnh vực cần ưu tiên phát triển trong công cuộc xây dựng hiện đại hoá ở các lĩnh vực khác nhau; tăng cường củng cố vị trí chiến lược của giáo dục, không ngừng mở rộng quy mô đầu tư kinh phí cho giáo dục.

Năm 2016, tổng kinh phí đầu tư cho giáo dục ở Trung Quốc đạt 3.886,6 tỷ nhân dân tệ, trong đó kinh phí giáo dục được Nhà nước đầu tư đạt 3.137,3 tỷ nhân dân tệ. Tăng cường đầu tư kinh phí vào lĩnh vực giáo dục, điều này có nghĩa kinh tế trở thành bệ phóng vững chắc cho giáo dục, bảo đảm giáo dục có thể vận hành ổn định và có hiệu quả, chất lượng ngày càng được nâng cao.

Tiếp đó, quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thể hiện sự kiên trì, quyết tâm khi nhắc tới chiến lược “Khoa - Giáo hưng quốc” và không dao động cũng như quán triệt chiến lược đó trong thời gian dài, “luôn phải đặt giáo dục ở vị trí chiến lược ưu tiên phát triển”. Đó là một nền giáo dục phục vụ nhu cầu của nhân dân, của xã hội. Cũng có nghĩa là thông qua giáo dục, đáp ứng được những nhu cầu của nhân dân trong xã hội, những nhu cầu ấy thay đổi và không ngừng nâng cao tiêu chuẩn theo thời gian khi xã hội đi lên, yêu cầu giáo dục cũng luôn ở trong trạng thái phát triển không ngừng.

Trên thực tế, mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa đều cơ bản xoay quanh vấn đề phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân, thế nên khi đưa ra quan điểm xây dựng nền giáo dục phục vụ nhu cầu nhân dân, làm hài lòng nhân dân, gián tiếp nhấn mạnh đây là lĩnh vực mang tính nền tảng, tính then chốt trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc.

Thứ hai, nhiệm vụ chiến lược căn bản của giáo dục hướng tới mục tiêu “Nhân dân đều có cơ hội có một cuộc sống tươi đẹp”

Điều này được hiện thực hóa trong sự nghiệp phát triển giáo dục và trong quá trình giáo dục, đức dục là yếu tố hàng đầu, thông qua giáo dục để cảm hoá, khích lệ con người, giáo dục lấy con người làm gốc. Điều đó đòi hỏi người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, trước hết là giáo viên phải yêu thương học sinh, trong quá trình truyền thụ kiến thức phải chú ý tới lời nói và hành vi của mình để làm gương cho học sinh, giúp học sinh có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Để từ đó, học sinh có nhu cầu theo đuổi những giá trị đúng đắn, hình thành nên nhân cách hoàn chỉnh của chính bản thân mình.

Đây được xác định là nhiệm vụ chiến lược căn bản nhất của giáo dục trong tư tưởng của Tập Cận Bình và được thể hiện trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong Báo cáo tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nêu rõ “lấy đức để dạy con người (lập đức thụ nhân) chính là nhiệm vụ căn bản của giáo dục”(1). Sau đó, quan điểm này đã được Tập Cận Bình nâng tầm tư tưởng và nhấn mạnh nhiệm vụ căn bản của giáo dục là “chức trách thần thánh”, có nghĩa rằng sứ mệnh, trọng trách của người giáo viên vô cùng to lớn, bởi thế, giáo viên cần có nhiệt huyết, tận tâm để có thể truyền lửa tới các thế hệ học sinh, thế hệ sau.

Tập Cận Bình đã xác định tính chất thời đại về vấn về giáo dục xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc như tiêu chuẩn bồi dưỡng nhân tài, cách bồi dưỡng nhân tài và mục đích bồi dưỡng nhân tài, đó là: Dùng tiêu chuẩn cốt lõi của chủ nghĩa xã hội để bồi dưỡng con người; luôn thông qua các phương pháp đa chiều để bồi dưỡng con người; mục đích bồi dưỡng phải kiên trì lấy phương châm giáo dục “lưỡng vi” (hai vì: vì nhân dân phục vụ, vì xã hội chủ nghĩa phục vụ) làm cốt lõi.

Giáo dục trong trường học cần kiên trì phương hướng chính trị đúng đắn, tuyên truyền, xây dựng giá trị quan cốt lõi chủ nghĩa xã hội, giúp cho học sinh có thể hiểu rõ, hiểu một cách chính xác về mục tiêu giá trị dưới góc độ vĩ mô, hướng giá trị dưới góc độ tầm trung và chuẩn tắc giá trị ở góc độ vi mô của các giá trị quan cốt lõi.

Làm thế nào để bồi dưỡng những giá trị quan cốt lõi đó, đó là hướng vào những yêu cầu cụ thể: chăm chỉ học tập, tu dưỡng đạo đức, phân biệt đúng sai, trung thành thật thà. Nhấn mạnh lý tưởng giáo dục và giáo dục văn hoá truyền thống Trung Hoa, đây là hai yếu tố phải được gắn liền với nhau xuyên suốt trong quá trình phát triển giáo dục mang đặc sắc Trung Quốc. Lấy “lập đức thụ nhân, giáo thư dục nhân” tức lấy đức để dạy con người chính và giáo dục cần phải lấy con người làm gốc làm tôn chỉ giáo dục, điều này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, thể hiện được sự chú trọng của Đảng và Chính phủ trong quá trình xây dựng hệ thống đạo đức, tư tưởng của con người(2).

Bên cạnh đó, kế thừa tư tưởng chiến lược về giáo dục là phải lấy con người làm gốc (dĩ nhân vi bản), quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc và tư tưởng của Tập Cận Bình cho rằng phát triển giáo dục cần phải tuân thủ những yêu cầu cơ bản trong quá trình phát triển. Đó là, lấy nhân dân làm trung tâm, công bằng trong giáo dục là điều mà một xã hội công bằng phải làm, và chỉ khi xã hội công bằng mới có thể thúc đẩy sự công bằng trong giáo dục ngày càng phát triển, nhân dân có quyền hưởng thụ những thành quả đạt được của tiến trình phát triển ấy.

Giáo dục có thể thay đổi cả một đời người, một thế hệ, chính bởi vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc với Tập Cận Bình đại diện cho thế hệ lãnh đạo thứ năm, luôn chú trọng vấn đề công bằng trong giáo dục, bởi chỉ khi giáo dục có sự công bằng, con người mới có quyền lợi hưởng thụ nền giáo dục như nhau, và từ đó, cơ hội thay đổi cuộc đời, cơ hội phát triển bản thân của con người là như nhau, góp phần tạo động thực thúc đẩy xã hội phát triển mạnh mẽ.

Thứ ba, kiên định phương hướng chiến lược “giáo dục hiện đại trình độ thế giới mang đặc sắc Trung Quốc”

Ở những giai đoạn trước, trong phương hướng phát triển chiến lược giáo dục của Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn chú trọng vấn đề nắm bắt xu hướng phát triển giáo dục của thế giới để học hỏi, áp dụng vào bối cảnh xã hội Trung Quốc trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới, Đảng Cộng sản Trung Quốc với thế hệ lãnh đạo thứ năm mà Tập Cận Bình là đại diện, thì chiến lược, phương hướng phát triển giáo dục đã có sự nâng tầm. Quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc là, phải hướng đến mục tiêu phát triển nền giáo dục hiện đại có trình độ thế giới mang đặc sắc Trung Quốc, xác định rõ ràng phương hướng phát triển giáo dục của đất nước; thúc đẩy việc xây dựng các trường đại học có trình độ hàng đầu thế giới ở Trung Quốc cũng đồng thời phải chú trọng làm nổi bật đặc sắc dân tộc(3).

Cùng với đó, việc thực hiện giáo dục hiện đại hóa phải tiến hành song song hai phương diện: Một là, phát triển giáo dục cơ sở, ra sức thúc đẩy giáo dục tố chất. Điều này có nghĩa là giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên cần được quan tâm đặc biệt, nhất là vấn đề giáo dục phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị và bảo đảm trẻ em và thanh thiếu niên phát triển mạnh khỏe. Hai là, phải nâng cao trình độ giáo dục bậc cao. Giáo dục bậc cao là một dấu hiệu quan trọng thể hiện trình độ phát triển của một quốc gia. Trung Quốc không thể sao chép y nguyên những mô hình giáo dục và quản lý giáo dục từ các nước phát triển ở phương Tây để áp dụng ở Trung Quốc, mà cần tìm kiếm một con đường phát triển giáo dục bậc cao phù hợp với chế độ, yêu cầu của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc đã đưa ra dự án xây dựng các trường đại học có “tiêu chuẩn hàng đầu”, “số lượng và thực lực của các trường đại học hàng đầu, các khoa học hàng đầu tiến đến những vị trí đầu trên thế giới”(4).

Thứ tư, nghiêm túc kế thừa và phát triển tư tưởng chiến lược giá trị về giáo dục của các thế hệ lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc những giai đoạn trước đây.

Nhận thức được xu thế phát triển của thời đại, kế thừa những quan điểm khi nhìn nhận vị trí của giáo dục của các thế hệ lãnh đạo đi trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh các cấp Đảng và chính quyền, các ban ngành đều phải chú trọng công tác giáo dục, phải luôn nhìn nhận giáo dục là yếu tố then chốt, quyết định vận mệnh của quốc gia, quyết định tương lai số phận của nhân loại.

Qua quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng Cộng sản Trung Quốc qua các thời kỳ, qua sự phát triển trong mạch tư tưởng chiến lược về giáo dục của các thế hệ lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, có thể thấy vị trí chiến lược của giáo dục trở nên ngày một quan trọng hơn, rõ ràng hơn, được ưu tiên phát triển hơn và được các lĩnh vực khác quan tâm chú ý đầu tư hơn, điều này thể hiện được nhận thức đúng đắn qua từng thời kỳ lịch sử khác nhau, theo kịp xu thế phát triển giáo dục, khoa học kỹ thuật của nhân loại.

Thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có nhiều chuyến thăm, khảo sát thực tế tình hình giáo dục ở nhiều địa phương, đặc biệt là những nơi có hoàn cảnh khó khăn, kém phát triển, ông luôn nhấn mạnh quan điểm về việc Đảng, chính quyền các cấp phải chú trọng vấn đề đầu tư cho giáo dục hơn nữa, đi kèm với các chính sách thu hút nhân tài đến làm việc, hỗ trợ cho các địa phương có nguồn tài nguyên giáo dục chưa được đầy đủ, với tinh thần mỗi con người đều có cơ hội được sống một cuộc đời tươi đẹp, giáo dục phải làm cho nhân dân hài lòng.

Quan điểm về công bằng giáo dục còn được thể hiện sâu sắc ở từng loại hình, từng cấp bậc giáo dục với những phương hướng phát triển theo chiều rộng và chiều sâu thích hợp. Nhân dân có quyền được hưởng một nền giáo dục công bằng, văn minh, được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển bản thân một cách toàn diện. Đây là sứ mệnh của Đảng và Chính phủ Trung Quốc đối với nhân dân và cũng là trọng trách to lớn mà nền giáo dục Trung Quốc phải gánh vác. Đưa “công bằng giáo dục” trở thành một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng mà Trung Quốc cần phải thực hiện, điều này thể hiện sự chín muồi về tư tưởng, tính nhân văn trong giáo dục, và đặc trưng lấy con người làm gốc của giáo dục nhân loại(5).

Cùng với phát triển giáo dục nâng cao dân trí, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng chú trọng việc đào tạo nhân tài ngay từ giai đoạn giáo dục cơ sở, chú ý tới vấn đề bồi dưỡng thanh niên, xác định thanh niên là tương lai của Tổ quốc, là hy vọng của dân tộc, thanh niên là nhóm có sức sống mãnh liệt nhất, có sức sáng tạo nhất….

Trong quan điểm tư tưởng chiến lược về giáo dục của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vấn đề nhân tài có chiều hướng phát triển ngày càng rõ ràng, cụ thể, vấn đề nhân tài ngày càng được xem trọng, và quan niệm coi nhân tài là tài nguyên số một trong quá trình phát triển quốc gia đang ngày càng trở nên mạnh mẽ và được hiện thực hóa sâu rộng.

2. Những giá trị tham khảo

Nhằm xây dựng nền giáo dục quốc gia ngày một hiện đại, chất lượng và hiệu quả, phục vụ tốt nhất công cuộc xây dựng, phát triển bền vững đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, việc hội nhập quốc tế, tiếp thu, vận dụng sáng tạo những thành tựu khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, tham khảo kinh nghiệm từ các nước có ý nghĩa rất quan trọng. Trong đó, Trung Quốc - quốc gia láng giềng có nhiều điểm tương đồng về hệ thống chính trị - xã hội và văn hóa đã đạt nhiều thành tựu về giáo dục đào tạo. Việc quan tâm nghiên cứu các mô hình, kinh nghiệm phát triển giáo dục từ các nước trong đó có Trung Quốc để thực hiện những giải pháp, kế hoạch nhằm “tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”(6), với những gợi mở sau:

Thứ nhất, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước(7). Trước hết, cần không ngừng nâng cao nhận thức, quan điểm về vị trí, vai trò của lĩnh vực giáo dục đối với sự phát triển bền vững, trường tồn của dân tộc, khắc phục biểu hiện “giáo dục và đào tạo chưa thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, thành động lực phát triển”. Cần thống nhất nhận thức rằng, giáo dục được phát triển bền vững, chất lượng toàn dân mới được nâng cao, phát huy hoàn toàn, đó là cơ sở để đẩy mạnh kinh tế - xã hội phát triển phồn thịnh. Cùng với đó, không ngừng đổi mới tư duy hoạt động, triết lý cốt lõi trong giáo dục; gắn liền với phát triển văn hóa trong mỗi con người, cộng đồng, bởi suy cho cùng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, thông qua đó “tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”(8).

Thứ hai, phải xác định cơ sở lý luận tư tưởng giáo dục Việt Nam xã hội chủ nghĩa dựa trên giá trị quan (giáo dục vì ai?), nhân tính quan (tính chất xã hội và tính chất cá nhân), thực tiễn quan (thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực), toàn cầu quan (giáo dục dân tộc và giáo dục thế giới) như thế nào?; chú trọng phát huy được ưu thế vượt trội về nhân lực, tăng cường xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, đây cũng chính là bảo đảm quan trọng và cơ bản cho sự phát triển, gia tăng năng lực sản xuất, từ đó nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Bên cạnh đó, làm phong phú và phát triển thêm về tư tưởng cải cách giáo dục của chủ nghĩa Mác, phân tích, nghiên cứu, xây dựng giải pháp để giải quyết vấn đề căn bản của tình trạng giáo dục không bắt kịp với phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, chú trọng cải cách tư tưởng trong giáo dục bằng những biện pháp cụ thể; đẩy mạnh giáo dục nhân cách và phẩm chất toàn diện trong nhà trường, đồng thời gắn liền giáo dục với lao động sản xuất một cách chặt chẽ, thường xuyên, phục vụ cho xây dựng kinh tế và cải cách phương pháp giảng dạy.

Thứ ba, xác định nguyên tắc kiên trì phương châm và phương hướng giáo dục xã hội chủ nghĩa, nhấn mạnh và nâng cao, hoàn thiện vai trò của Đảng và sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực giáo dục, bồi dưỡng con người mới xã hội chủ nghĩa với những phẩm chất căn bản, như có lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, đạo đức, văn hoá, kỷ luật, sự cần cù,... Tránh việc phát triển nền giáo dục một cách hỗn độn hay đơn độc mà phải gắn liền với sự điều tiết phát triển nền kinh tế quốc gia, bồi dưỡng thế hệ nhân tài và đội ngũ lao động sản xuất, từ đó, tạo điều kiện xây dựng phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa, từng bước biến gánh nặng dân số trở thành ưu thế về nguồn tài nguyên nhân tài.

Thứ tư, tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo giá trị. Theo đó, cần tập trung xây dựng một nền giáo dục phục vụ tối đa yêu cầu của nhân dân, bởi có thể khẳng định, những nhu cầu, đòi hỏi về tri thức, phẩm chất đạo đức của nhân dân thay đổi và không ngừng nâng cao tiêu chuẩn khi xã hội phát triển, do đó, giáo dục cũng phải phát triển, đổi mới không ngừng.

Mặt khác, xây dựng văn hóa nhà trường lành mạnh, tiến bộ, văn minh; nghiêm túc thực hiện các bộ quy tắc ứng xử, các tiêu chí văn hóa mỗi nhà trường trên tinh thần tuân thủ những quy định pháp luật hiện hành. Chú trọng kết hợp hài hòa giữa triết lý giáo dục của mỗi nhà trường với giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và các hệ giá trị mang tính toàn cầu, vì mục tiêu hướng tới con người, góp phần xây dựng “con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”(9).

Thứ năm, chú trọng xử lý tốt vấn đề “đầu vào” của đội ngũ giáo viên tương lai so với mặt bằng chung các ngành nghề khác, tránh tâm lý, xu hướng, mong muốn chỉ chăm chăm chạy theo chỉ tiêu, số lượng,... mà không bảo đảm chất lượng. Tương lai của những con người theo học các trường sư phạm là giáo viên, là thầy cô giáo của đất nước, của tầng tầng lớp lớp thế hệ trẻ, do đó, đây là đội ngũ cần được đặc biệt quan tâm hơn cả về tiềm năng, ý chí và khát vọng.

Bên cạnh đó, đội ngũ thày cô giáo phải không ngừng nâng cao năng lực ứng dụng thành tựu trong quá trình chuyển đổi số; tuy nhiên, luôn bảo đảm tinh thần tránh bị lệ thuộc hoặc tâm lý lạm dụng thành tựu khoa học - công nghệ (các công việc, hoạt động giờ đây có thể ứng dụng nên dễ dẫn đến có tâm lý ỷ lại, lạm dụng máy tính, máy đọc, phần mềm soạn thảo, soát lỗi chính tả, Chat GPT,…); cần giữ gìn và nuôi dưỡng khả năng sáng tạo, nghiên cứu khoa học tự thân, tránh bị ảnh hưởng, lệ thuộc vào thành tựu của cách mạng khoa học - công nghệ.

Thứ sáu, giáo dục là hoạt động đặc biệt, có sự đa dạng và cần sự thích ứng linh hoạt, nên có những vấn đề, nội dung không nhất thiết phải ứng dụng những điều mới mẻ, chỉ cần giữ được tinh thần truyền thống cũng có thể chuyển tải được tinh thần, nội dung bài học. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, phải có những phương thức dạy học thích ứng, phù hợp, đồng thời giữ vững, kiên định hướng đến mục đích tạo điều kiện thuận tiện, giảm bớt gánh nặng, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho người học; đầu mục nội dung kiến thức vừa đủ, phù hợp.

Theo đó, phải lựa chọn, chắt lọc, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quốc tế một cách cẩn trọng, có chọn lọc kỹ lưỡng nhằm mục tiêu phục vụ cao nhất cho người học, giúp người học cảm thấy việc tiếp thu kiến thức dễ dàng, dễ nhớ và dễ áp dụng hơn chứ không phải làm cho vấn đề trở nên rườm rà, cồng kềnh, lắm thao tác, mất thời gian lại hiệu quả không cao.

Thứ bảy, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục là phát hiện và nuôi dưỡng tài năng, khuyến khích sự theo đuổi đam mê và nhu cầu học tập suốt đời của người học. Do đó, phải có hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên và các trung tâm học tập cộng đồng được phân bố và cơ cấu phù hợp. Cần nghiên cứu, thay đổi các khuôn mẫu truyền thống để xây dựng các trung tâm học tập suốt đời.

Cùng với đó, cần đại chúng hóa nền giáo dục, để từ những vùng xa xôi, hẻo lánh, ở các độ tuổi, tầng lớp khác nhau đều được tiếp cận với tri thức một cách thuận lợi; cần đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hoá mô hình giáo dục, gồm các cơ quan, đơn vị giáo dục quốc lập, tổ chức giáo dục có vốn đầu tư tư nhân, hay các tập đoàn đứng ra đầu tư vào lĩnh vực giáo dục để đào tạo ra nhân tài đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội.

Chú trọng việc phát triển cá nhân, quan tâm khai thác và phát triển thế mạnh riêng của từng người học, từ đó từng bước hình thành quan niệm “ai ai cũng có thể trở thành nhân tài có ích cho xã hội”; tích cực đẩy mạnh sáng tạo, thông qua đổi mới sáng tạo trong cơ chế, thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa các ban ngành chính phủ, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan đầu tư tài chính,… để tạo ra liên minh chiến lược trong sáng tạo, mang lại những cống hiến tích cực trong việc xây dựng quốc gia sáng tạo.

_________________

Ngày nhận bài: 27-8-2024; Ngày bình duyệt: 30-8-2024; Ngày duyệt đăng: 4-9-2024.

(1)胡锦涛.坚定不移地沿着中国特色社会主义道路前进为全面建成小康社会而奋斗——在中国共产党第十八次全国代表大会上的报告【M】.北京:人民出版社,2012:35

(2) Zhu Qing Hua: “Lấy đạo đức làm đầu, lấy con người làm căn bản, thực hiện tăng cường xây dựng đội ngũ giáo viên: Học tập các luận điểm về công tác giáo dục của Tổng Bí thư Tập Cận Bình”, Tạp chí giáo dục Hiện đại, số 12, 2014, trang 4-6.

(3) 青年要自觉践行社会主义核心价值观, “Thanh niên phải có ý thức thực hành các giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa” - Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Tọa đàm với thày trò Đại học Bắc Kinh nhân Ngày Thanh niên (4-5-2014) và kỷ niệm 95 năm Phong trào Ngũ Tứ, bài đăng trên trang tin tức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (được dẫn nguồn từ Nhân dân Nhật Báo ngày 05-5-2014), http://cpc.people.com.cn/n/2014/0505/c64094-24973220.html

(4) Xem: 李金华.(2019).40年来中国的教育及其与经济的非均衡发展. 北京师范大学学报(社会科学), (Xem: Li Jinhua (2019): 40 năm nền giáo dục Trung Quốc và sự phát triển không cân bằng trong mối tương quan với nền kinh tế), 3,5-16; đồng thời tác giả thống kê theo số liệu tổng hợp từ các báo cáo hàng năm của Trung Quốc trên trang chủ Bộ Giáo dục Trung Quốc www.moe.gov.cn.

(5) Loan Hải Thanh: “Phát triển con người toàn diện, công bằng giáo dục và thịnh vượng chung: Mối quan hệ logic và hỗ trợ chính sách”, Tìm hiểu và Khám phá, 5, 2022, 145-152.

(6) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t. I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 136.

(7) Như: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 8-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025”; Dự án “Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2016; Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030”.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t. II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 330.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t. I, Sđd, 115 – 116.