Hội thảo khoa học “Bùi Bằng Đoàn - Người trí thức yêu nước nhiệt thành, nhà lãnh đạo tài năng của Nhà nước”
(LLCT) - Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn (1889-2024) - nguyên Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, sáng ngày 17-9-2024, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: “Bùi Bằng Đoàn - Người trí thức yêu nước nhiệt thành, nhà lãnh đạo tài năng của Nhà nước”.
MINH PHƯƠNG - HẢI HẬU
Dự và chủ trì Hội thảo có GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cùng chủ trì có PGS, TS Lý Việt Quang, Viện trưởng và TS Đinh Ngọc Quý, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy Ứng Hòa; các nhà khoa học Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Viện Lịch sử Đảng; Viện Sử học, Viện Thông tin Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và đại diện thân nhân gia đình cụ Bùi Bằng Đoàn.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi khẳng định: cụ Bùi Bằng Đoàn là một trí thức yêu nước nhiệt thành, người cộng sự gần gũi, thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và Thủ đô Hà Nội. Trọn cuộc đời, cụ Bùi Bằng Đoàn đã nêu tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, đạo đức trong sáng, bằng tài năng và đức độ của mình, cụ đã tận tâm, tận lực cống hiến cho cách mạng, được lịch sử dân tộc ghi nhận và tôn vinh. Cụ là một nhân cách văn hóa lớn, một tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập, noi theo.
Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa thiết thực để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của cụ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng cao đẹp cho các thế hệ hôm nay và mai sau, phấn đấu vì một nước Việt Nam ngày càng phát triển giàu mạnh, phồn vinh và hạnh phúc.
Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Thành phố Hà Nội. Năm 1906, khi 17 tuổi, Bùi Bằng Đoàn thi đỗ cử nhân, rồi được nhận vào học và tốt nghiệp Thủ khoa Trường Hậu Bổ, cơ sở đào tạo viên chức hành chính lúc bấy giờ và lần lượt được bổ nhiệm các chức quan từ cấp huyện lên cấp tỉnh tại Phú Thọ, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh, Nam Định, Lạng Sơn, Cao Bằng, Phúc Yên, Ninh Bình… Năm 1933, cụ được bổ nhiệm làm Thượng thư Bộ Hình, thành viên Viện Cơ mật, năm 1945 làm Chánh nhất Tòa Thượng thẩm Hà Nội.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, quý trọng tài đức của cụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ ra giúp nước, đảm nhiệm nhiều trọng trách: thành viên Ban Cố vấn Chủ tịch nước, thành viên Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết, Trưởng Ban Thanh tra Đặc biệt của Chính phủ, thành viên sáng lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương tản cư và di cư.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 25 tham luận của các nhà khoa học. Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung phân tích, luận giải, làm sáng tỏ các nội dung:
Thứ nhất, nhiều tham luận đã tập trung phân tích, luận giải về quá trình cụ Bùi Bằng Đoàn đến với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Gần 35 năm đảm nhiệm các chức vụ từ Tri huyện đến Thượng thư Bộ Hình, thành viên Cơ mật viện, được xếp vào hàng nhất phẩm trong triều đình nhà Nguyễn, cụ Bùi Bằng Đoàn luôn thể hiện là một vị quan chính trực, có đức, có tài, quan tâm đời sống của nhân dân, được người dân kính trọng, nể phục, tôn vinh là “Phụ mẫu chi dân”.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), cụ Bùi Bằng Đoàn quyết định không tham gia chính quyền do Nhật lập ra, nhưng bị giữ lại làm Chánh nhất tòa Thượng thẩm Hà Nội. Sau khi tiếp xúc với Mặt trận Việt Minh và được mời làm Hội trưởng Hội bảo vệ tù chính trị, cụ đã quyết định đứng về phía cách mạng, bảo vệ những người tù cách mạng, bảo vệ nhân dân.
Đó là những giá trị nền tảng để khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, cụ Bùi Bằng Đoàn đã dễ dàng tiếp nhận ánh sáng của thời đại mới, dưới ngọn cờ đại nghĩa của Hồ Chí Minh, tiếp tục cống hiến cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.
Thứ hai, các tham luận đã làm rõ những hoạt động và cống hiến của cụ Bùi Bằng Đoàn trên cương vị nhà lãnh đạo tài năng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia chính quyền cách mạng, trở thành một thành viên Ban Cố vấn Chủ tịch nước; sau đó tham gia Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết, góp phần tham mưu, xây dựng kế hoạch về kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hóa, nhất là giải quyết những vấn đề cấp bách về lương thực và giáo dục…
Sau khi Ban Thanh tra Đặc biệt của Chính phủ được thành lập, trên cương vị Trưởng Ban, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn sát cánh cùng Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh để chỉ đạo thực thi những nhiệm vụ thanh tra về kinh tế - xã hội. Với kinh nghiệm phong phú, tinh thần trách nhiệm, công bằng và chính trực, cụ đã cùng Ban Thanh tra điều tra, xử lý nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, giải quyết khiếu nại, oan sai cho người dân, góp phần làm trong sạch bộ máy hành chính các cấp. Ban Thanh tra Đặc biệt của Chính phủ không chỉ là một tổ chức thiết yếu của chính quyền dân chủ nhân dân, mà còn góp phần quan trọng làm yên lòng dân, tập hợp, đoàn kết toàn dân, đưa cách mạng vượt qua những năm tháng đầy khó khăn, thách thức của chính quyền cách mạng non trẻ.
Ngày 6-1-1946, trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của đất nước, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu là Đại biểu Quốc hội, rồi sau đó được Quốc hội bầu làm Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội. Cụ đã cùng Ban Thường trực Quốc hội nhanh chóng triển khai công cuộc xây dựng, củng cố bộ máy nhà nước, xây dựng xã hội mới.
Đồng thời, cụ tích cực tham gia thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trở thành một trong những thành viên sáng lập Hội (ngày 29-5-1946). Bằng đức độ và uy tín của mình, cụ Bùi Bằng Đoàn đã thể hiện một tấm gương cao đẹp về đại đoàn kết dân tộc, phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.
Thứ ba, các tham luận tại Hội thảo đã làm rõ những hoạt động và cống hiến của cụ Bùi Bằng Đoàn trên cương vị nhà lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Với tài năng và uy tín của mình, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội, rồi Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Trong điều kiện kháng chiến, cụ đã thay mặt Quốc hội tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ và giám sát các hoạt động của Chính phủ, sát cánh cùng Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ kháng chiến trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đây là nét đặc sắc của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong hoàn cảnh kháng chiến, đồng thời cho thấy vai trò quan trọng của Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn trong những quyết sách của Chính phủ.
Tài năng của cụ Bùi Bằng Đoàn được thể hiện trên nhiều khía cạnh của công tác tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, từ việc thông báo xin ý kiến nhân dân cả nước về các phiên họp của Quốc hội, xây dựng nền nếp quan hệ giữa Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ, sáng kiến tổ chức hoạt động của Quốc hội, những luật cần quan tâm để thông qua, đến cử cán bộ trong Ban Thường trực Quốc hội xuống địa phương để nắm tình hình, lấy ý kiến của nhân dân địa phương về công việc của Quốc hội...
Với “học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú”, đặc biệt là về luật pháp, cụ Bùi Bằng Đoàn đã có nhiều đóng góp đối với việc cải tổ nhân sự của Chính phủ năm 1947. Cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham góp với Chủ tịch Hồ Chí Minh mời một số nhân sĩ, trí thức tham gia Chính phủ, nhằm mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút, trọng dụng được những tinh hoa, trí tuệ của dân tộc tham gia kháng chiến và kiến quốc.
Thứ tư, các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo khẳng định, cụ Bùi Bằng Đoàn là tấm gương đạo đức sáng ngời của người trí thức yêu nước nhiệt thành, người cộng sự gần gũi, thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và Thủ đô Hà Nội.
Từ một vị quan chính trực, tài năng, cảm phục và mến mộ tài đức, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tin tưởng vào tương lai tất thắng của cách mạng, cụ Bùi Bằng Đoàn đã nhận lời mời tham gia chính quyền cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cùng Chính phủ cách mạng lên chiến khu Việt Bắc lãnh đạo cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng của Nhà nước, cụ đã đem hết tài năng và tâm huyết, đóng góp to lớn vào việc xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước mới được thành lập thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Thời gian sống và làm việc ở chiến khu Việt Bắc, cụ có điều kiện thường xuyên làm việc gần gũi và gắn bó mật thiết với Hồ Chí Minh như hai người bạn tri âm, tri kỷ. Tấm gương tài đức của cụ luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng, thường xuyên đến thăm hỏi, trao đổi không chỉ về công việc, mà cả văn chương, thơ phú... Khi bị ốm nặng, được Trung ương Đảng và Chính phủ đưa về vùng tự do Thanh Hóa chữa trị, cụ vẫn quan tâm nắm bắt tình hình của đất nước và có những góp ý quan trọng cho Quốc hội và Chính phủ. Cụ Bùi Bằng Đoàn đã thể hiện tấm gương ngời sáng của người trí thức yêu nước nhiệt thành, không màng danh lợi, tận tụy, mẫn cán với công việc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Đối với quê hương, gia đình, dòng họ, cụ là một người con tình nghĩa, thủy chung, trước sau vẹn tròn đạo lý ứng xử nghĩa tình trong dòng tộc, gia đình. Đạo đức trong sáng, cao đẹp của cụ Bùi Bằng Đoàn mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
Hội thảo “Bùi Bằng Đoàn - Người trí thức yêu nước nhiệt thành, nhà lãnh đạo tài năng của Nhà nước” đã góp phần làm sáng rõ những cống hiến to lớn của cụ Bùi Bằng Đoàn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.