Đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc về nền dân chủ ở Việt Nam
(LLCT) - Trong xã hội hiện đại, dân chủ là một giá trị, một nhu cầu bức thiết của con người, là mục tiêu, động lực của phát triển. Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định xây dựng một xã hội dân chủ, toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân. Tuy vậy, các thế lực thù địch, phản động đã thường xuyên sử dụng chiêu bài dân chủ để xuyên tạc tình hình đất nước, bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Bài viết nhận diện những luận điệu xuyên tạc về tình hình dân chủ ở Việt Nam, từ đó đưa ra các luận cứ góp phần đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc này.
ThS NGUYỄN NGHĨA HIỂN
Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
1. Mở đầu
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, một chính thể dân chủ ở Việt Nam đã đời - chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên được tiến hành (tháng 1-1946), một phương thức thực hiện dân chủ phổ biến trên thế giới để bầu ra một chính phủ dân chủ. Cuộc Tổng tuyển cử thành công và bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức được Quốc hội thông qua, đánh dấu sự khởi đầu cho một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trải qua quá trình xây dựng và đổi mới đất nước, nền dân chủ XHCN từng bước được Đảng ta nhận thức, hoàn thiện và phát triển. Dân chủ trở thành một giá trị, một nhu cầu bức thiết của con người, là mục tiêu, động lực của phát triển. Tuy vậy, với âm mưu thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch, phản động và cả những kẻ cơ hội chính trị đã sử dụng vấn đề dân chủ để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Vì vậy, cần nhận diện các quan điểm sai trái, từ đó đấu tranh phản bác các thủ đoạn này.
2. Những luận điệu vu cáo, xuyên tạc về tình hình dân chủ ở Việt Nam
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, các thế lực thù địch ngày càng ráo riết đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” hòng chống phá cách mạng nước ta. Các phần tử cơ hội chính trị trong nước liên kết với các phần tử phản động, thù địch bên ngoài để đưa ra các luận điệu vu khống, bịa đặt, xuyên tạc về tình hình dân chủ ở Việt Nam, hòng làm lung lay, xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước. Các “tổ chức dân chủ” phương Tây ra sức tìm mọi cách áp đặt các “tiêu chuẩn dân chủ, nhân quyền” kiểu phương Tây vào Việt Nam. Họ không đặt vấn đề dân chủ đứng riêng mà thường đan cài, lồng ghép với các vấn đề khác như nhân quyền, tôn giáo, dân tộc… hòng tạo hợp lực để chống phá.
Các thủ đoạn thường dùng là bóp méo, xuyên tạc những biểu hiện dân chủ trong đời sống; bịa đặt về tình trạng “không có dân chủ”; lợi dụng những thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước của cấp ủy, chính quyền và khai thác các thông tin quốc tế liên quan để xuyên tạc. Các luận điệu họ đưa ra đều khoác vẻ bề ngoài khách quan, khoa học, vì nhân dân, nhưng thực chất đây là những chiêu bài thâm hiểm, với đích cuối cùng là âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, tiến tới “đa nguyên, đa đảng” và cuối cùng là xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta.
Để vu cáo Việt Nam không có dân chủ, các thế lực thù địch, phản động thường nêu ra luận điệu: Việt Nam “thực hiện chế độ độc Đảng”. Các phần tử cơ hội chính trị hung hăng đòi bỏ Điều 4, Hiến pháp quy định sự lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội. Họ lặp đi lặp lại luận điệu vu khống: Một Đảng lãnh đạo đã dẫn tới chế độ “Đảng trị”, gây tai họa cho xã hội. Mô tả Đảng ta có “một bộ máy độc đoán, độc tài, toàn trị”, “đầy rẫy tham nhũng, phản dân chủ”… Những luận điệu trên còn được các nghị sĩ của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ liên tục đưa ra trong nhiều năm. “Dự thảo đạo luật nhân quyền Việt Nam” do Hạ viện Mỹ thông qua vào tháng 9 năm 2001 và năm 2004 ghi tại điều 1: “Việt Nam là một quốc gia độc đảng, do Đảng Cộng sản Việt Nam cai trị và kiểm soát”(1).
Trên một trang website có tên gọi “Dân chủ”, họ trắng trợn vu cáo: “Do sự hiện hữu của độc quyền chuyên chế đảng trị, dân tộc Việt Nam không chỉ khó thực hiện lý tưởng dân chủ mà còn khó tận hưởng các quyền tự do căn bản”. Các phần tử cơ hội chính trị ra sức chứng minh rằng một đảng lãnh đạo là mâu thuẫn với triết học mácxít, bởi theo C.Mác, thượng tầng kiến trúc phản ánh cơ sở hạ tầng. Họ cho rằng, khi Việt Nam đã phát triển nền kinh tế nhiều thành phần thì đương nhiên thượng tầng kiến trúc phải chuyển sang chế độ đa đảng. Thậm chí “chỉ có chế độ đa đảng thì người lãnh đạo mới chính đáng”. Theo họ, nền dân chủ tư sản phương Tây mới là nền dân chủ lý tưởng. Họ nhấn mạnh: “Thật rõ ràng là có một bộ phận người nắm quyền lực thực hành chuyên chính với toàn xã hội… Trong khi ấy, mọi người chỉ cần được dân chủ bằng một nửa dân chủ tư sản”.
3. Tìm hiểu bản chất của nền dân chủ tư sản
Theo học thuyết của C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng - các quan hệ kinh tế - phản ánh vào thượng tầng kiến trúc và quyết định thượng tầng kiến trúc. Song, đó chắc chắn không phải là sự phản ánh máy móc, có bao nhiêu thành phần kinh tế thì có bấy nhiêu đảng phái và chính quyền tương ứng. Đối với nhà nước, cơ sở hạ tầng chỉ phản ánh vào thượng tầng kiến trúc các quan hệ thống trị, chi phối. Ở các nước tư bản, thành phần kinh tế tư nhân giữ vai trò chi phối thì thượng tầng kiến trúc phản ánh các quan hệ ấy bằng việc ra đời các đảng của giai cấp tư sản thống trị.
Dưới chế độ XHCN, do kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tất nhiên, cơ sở hạ tầng ấy quyết định, phản ánh vào thượng tầng kiến trúc thông qua Đảng Cộng sản giữ vai trò lãnh đạo. Đó là điểm cơ bản trong lý luận hình thái kinh tế - xã hội.
Chế độ một đảng hay đa đảng là do các quan hệ kinh tế, chính trị và tương quan giữa các giai cấp của xã hội đó quy định, tuyệt đối không quyết định việc có dân chủ trong xã hội hay không. Dân chủ là nấc thang văn hóa của nhân loại. Dân chủ là thành quả đấu tranh của nhân dân lao động; đạt được nhiều hay ít phụ thuộc vào giai cấp thống trị trong xã hội đó có đại diện cho lợi ích của sự phát triển tiến bộ hay không. Một giai cấp đã lỗi thời, lạc hậu, lợi ích không phù hợp với lợi ích của nhân dân thì dù có nhiều đảng hay một đảng vẫn không thể thực hiện được nền dân chủ thực sự. Lịch sử nhân loại chứng minh, phát xít Hítle đã cầm quyền thông qua một cuộc bầu cử dân chủ, nhưng không vì thế mà có dân chủ. Hoặc, các nước như Malaixia, Xinhgapo… là những nước có một đảng cầm quyền duy nhất và là những nước có nền dân chủ phát triển.
Nền dân chủ tư sản là một bước tiến lớn của nhân loại so với chế độ phong kiến. Ở nhiều nước tư bản hiện nay, do thành quả đấu tranh của nhân dân, giai cấp tư sản buộc phải điều chỉnh theo hướng cải cách dân chủ nhất định. Giai cấp tư sản phải công nhận các lực lượng đối lập, kể cả các đảng cộng sản trong đời sống chính trị. Song, bản chất của chế độ dân chủ đó vẫn là nền dân chủ của giai cấp tư sản, bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản. Mặc dù đa đảng, nhưng quyền thống trị vẫn là đảng của giai cấp tư sản. “Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ. Hệ thống quyền lực đó vẫn chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn. Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội”(2).
Như vậy, vấn đề dân chủ không phải ở chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng hay một đảng; vì đa đảng ở các nước tư bản hiện nay thực chất không phải dân chủ đối với nhân dân mà chỉ là loại hình dân chủ tư sản mà thôi. Bởi lẽ, “Trong đời sống chính trị, một khi quyền lực của đồng tiền chi phối thì quyền lực của nhân dân sẽ bị lấn át. Vì vậy mà tại các nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử được gọi là “tự do”, “dân chủ”, dù có thể thay đổi chính phủ, nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản”(3). Trong khi đó, ở Việt Nam, nhân dân ta khẳng định: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội…, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”(4).
4. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nơi mọi quyền lực thuộc về nhân dân
Dân chủ luôn là vấn đề lớn, được đề cập trong văn kiện của các kỳ đại hội của Đảng. Trong quá trình đổi mới đất nước, nhận thức về dân chủ của Đảng ta ngày càng hoàn thiện, trở thành chủ trương, chính sách và đi vào thực tiễn cuộc sống, trở thành động lực phát triển đất nước. “Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”(5).
Trở thành Đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân đấu tranh, phấn đấu vì một nền dân chủ thực sự của nhân dân, gắn liền với công bằng xã hội, xóa bỏ áp bức, bất công. Từ thân phận nô lệ, nhân dân ta trở thành người chủ đất nước. Từ thân phận làm thuê, chịu bóc lột, nhân dân ta làm chủ cuộc sống của mình, từng bước xóa bỏ chế độ người bóc lột người. Dân chủ trong chế độ ta thực hiện dưới nhiều hình thức, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và được pháp luật bảo đảm. Cơ chế vận hành nền dân chủ ở nước ta được xác định là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Để cụ thể hơn nữa, Đại hội XIII đã xác định rõ hơn cơ chế để thực thi dân chủ là: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”(6). Đây là cơ chế đúng đắn, phù hợp với thực tế lịch sử và xu thế của thời đại.
Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam
Trong cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ những đặc trưng cơ bản của nền dân chủ XHCN ở Việt Nam, bao gồm:
Một là, dân chủ là bản chất của chế độ XHCN, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân(7).
Hai là, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc pháp quyền. Một nhà nước đủ năng lực, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực(8).
Ba là, mọi cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến cơ sở do nhân dân bầu ra bằng các cuộc bầu cử dân chủ, đại diện cho quyền lực của nhân dân, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và địa phương thông qua chức năng lập hiến, lập pháp, ra quyết định; thực hiện giám sát đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước(9).
Bốn là, trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. “Nhân dân là trung tâm”, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN(10).
Năm là, trong chế độ chính trị XHCN, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ(11).
Sáu là, các phương thức thực thi dân chủ cơ bản gồm: thông qua Nhà nước pháp quyền; thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên khác, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đóng vai trò nòng cốt chính trị để nhân dân làm chủ(12).
Bảy là, nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng và của hệ thống chính trị(13).
Tám là, nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội(14).
Trong nền dân chủ XHCN ở Việt Nam, nhân dân làm chủ không chỉ bằng Nhà nước pháp quyền, mà còn làm chủ thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đây là một hình thức dân chủ đại diện ngoài Nhà nước rất quan trọng mà thông qua đó, nhân dân có thể tham gia quản lý Nhà nước, phát huy được năng lực chủ động và sáng tạo trong đời sống chính trị - xã hội. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”(15).
Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện nền dân chủ, chúng ta còn có thiếu sót, khuyết điểm. Ở một số nơi vẫn còn hiện tượng mất dân chủ hay dân chủ hình thức, hoặc có biểu hiện của “dân chủ quá trớn”, bất chất luật pháp, kỷ cương xã hội. Đảng đã nhìn nhận: quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Không ít trường hợp, việc thực hành dân chủ còn mang tính hình thức; hoặc bị lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng tới trật tự, an toàn xã hội.
Mặc dù còn có khuyết điểm, song những thành tựu trong phát triển nền dân chủ XHCN ở nước ta là không thể phủ nhận.
Những luận điệu xuyên tạc của các phần tử phản động, thù địch rêu rao “độc đảng tất yếu dẫn đến độc đoán, độc quyền, độc tài, mất dân chủ” là một cách suy diễn đầy ác ý, cố tình phủ nhận sự thật. Bởi lẽ, Đảng ta luôn đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước. Kể từ Đại hội VI của Đảng, vai trò chủ thể quyền lực của người dân đã được tổng kết, cụ thể hóa thành luận điểm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đến Đại hội XIII, được bổ sung trở thành “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Sự bổ sung này tiếp tục khẳng định vai trò chủ thể quyền lực, chủ thể xã hội là nhân dân.
Đảng ta xác định, cần “Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở. Chống các biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức”(16); “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội”(17).
Vu cáo Việt Nam “thực hiện chế độ độc đảng, độc tài” là sự vu cáo trắng trợn. Nhìn lại lịch sử, không phải ngay khi ra đời năm 1930, Đảng ta đã có được sự thừa nhận của toàn dân. Chính bằng đường lối cách mạng đúng đắn, tất cả vì đất nước, vì nhân dân, trong đó có sự tận tụy, trung thành và sự hy sinh quả cảm của hàng triệu đảng viên cộng sản mới được nhân dân tin yêu, trao sứ mệnh cao cả. Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 4 về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội không phải là sự áp đặt mà là ý nguyện của toàn dân.
Hiến pháp năm 2013 đã ghi rõ: Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật(18). Những người có ý kiến phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam từ độc đảng sinh ra độc đoán, độc tài thường bỏ qua thực tế là trong đường lối lãnh đạo của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn kiên trì giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, phấn đấu không mệt mỏi vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Xã hội XHCN mà Đảng lãnh đạo nhân dân ta xây dựng là xã hội do nhân dân lao động làm chủ và thực sự làm chủ. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(19).
Tại Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên, “mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội” được chính thức bổ sung vào các mối quan hệ lớn(20). Điều này phản ánh tầm quan trọng của vấn đề dân chủ khi được đặt vào những vấn đề lý luận cốt lõi của Đảng. Do đó, đòi hỏi phải được nhận thức đúng và đầy đủ, quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả.
Để thực sự phát huy quyền làm chủ của mỗi người dân, để mỗi công dân thể hiện đầy đủ nhất quyền và trách nhiệm làm chủ của mình, cần tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng và đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội. Cần khẳng định rõ, dân chủ hay không dân chủ, dân chủ nhiều hay ít, dân chủ thực sự hay dân chủ hình thức… không phụ thuộc vào chế độ một đảng hay nhiều đảng. Không phải chỉ có “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” mới có dân chủ. Dân chủ có hay không, xét đến cùng và quan trọng nhất, thể hiện ở nơi quyền lực và quyền lợi có thuộc về nhân dân hay không.
Cần khẳng định dứt khoát, trong khi phấn đấu để có dân chủ thực sự đối với nhân dân, Việt Nam không chấp nhận cái gọi là “dân chủ đa nguyên”, dân chủ với cả những thế lực chống lại nhân dân. Không thể để những cá nhân và tổ chức chống đối, phản cách mạng, có hành vi chống Đảng, Nhà nước, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân lại đòi hỏi được quyền dân chủ như những công dân, tổ chức sống và làm việc thượng tôn pháp luật. Không một quốc gia nào dung túng cho những hành vi vi phạm pháp luật, chống lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Dân chủ phải đi cùng với kỷ cương, kỷ luật, điều mà những kẻ chống phá xuyên tạc là “kiềm chế dân chủ”. Bởi, dân chủ muốn được thực thi nhất thiết phải có pháp luật bảo đảm vì pháp luật là công cụ để quản lý xã hội và thực thi quyền làm chủ của người dân. Pháp luật không cho phép bất cứ người nào lợi dụng quyền dân chủ để vi phạm luật pháp và vi phạm quyền làm chủ của người khác. Về bản chất, những người phê phán “Việt Nam không có dân chủ”, núp dưới khẩu hiệu đòi đa nguyên chính trị, đa đảng lãnh đạo thực chất muốn hợp pháp hóa vai trò của các lực lượng chính trị phản động.
6. Kết luận
Trong thời kỳ quá độ lên CNXH, xây dựng chế độ dân chủ là sự nghiệp cách mạng, là quá trình đấu tranh không ngừng giữa thực thi dân chủ với vi phạm quyền làm chủ, giữa dân chủ thực sự với dân chủ hình thức, giữa thực hiện dân chủ trong khuôn khổ pháp luật với các khuynh hướng vô chính phủ, dân chủ cực đoan… Trước những cá nhân và các thế lực muốn lợi dụng dân chủ để gây mất ổn định chính trị, phá hoại chế độ dân chủ của nhân dân, nhân dân ta cần kiên quyết đấu tranh và vạch trần âm mưu của những kẻ lợi dụng dân chủ, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày nhận bài: 29-8-2024; Ngày bình duyệt: 4-9-2024; Ngày duyệt đăng: 18-9-2024.
(1) Hồ Văn Chiểu: “Nhận dạng các quan điểm sai trái về nền dân chủ ở Việt Nam”, trong tài liệu Nhận dạng các quan điểm sai trái, thù địch (Lưu hành nội bộ), Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Hà Nội, 2005, tr.228.
(2), (3), (4), (5), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14) Xem: Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.20-21, 21, 21-22, 28, 28, 57, 73-83, 48, 28, 106, 30, 28.
(6), (15), (16), (17), (20) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.173, 118, 51, 38, 39.
(18) Quốc hội: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.232.