Đào tạo - Bồi dưỡng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tăng cường và đổi mới công tác tổ chức - cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

19/09/2024 10:10

(LLCT) - Tiếp nối kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng tổ chức, bộ máy và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên ở các giai đoạn phát triển trước, trong thời gian qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tăng cường, đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác tổ chức - cán bộ, góp phần xây dựng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, giữ vững bản sắc Trường Đảng Trung ương.

PGS, TS NGUYỄN DUY BẮC
Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh _ Ảnh: Thanh Lê

1. Trải qua các chặng đường 75 năm xây dựng và phát triển (1949 - 2024), Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có nhiều lần đổi tên, được sắp xếp tổ chức - bộ máy, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mỗi thời kỳ. Năm 2014, Học viện trở lại tên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sau khi Học viện Hành chính tách ra và trực thuộc Bộ Nội vụ. Triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và xuất phát từ tình hình thực tế Học viện, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 8-8-2018 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Quyết định nêu rõ: Học viện là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Học viện là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Quyết định 145 của Bộ Chính trị là một dấu mốc đánh dấu bước chuyển mới đối với sự phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, theo đó Học viện từ song trùng trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ nay chỉ trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng với chức năng, nhiệm vụ được tăng cường và tổ chức bộ máy có sự thay đổi phù hợp với thời kỳ phát triển mới.

Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Đảng ủy Học viện đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/ĐU ngày 14-3-2018 về thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, do vậy, khi có Quyết định số 145-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Học viện đã nhanh chóng sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, với chủ trương giảm cấp trung gian, cấp phòng ban, không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ. Sau khi sắp xếp, số phòng, ban tại Trung tâm Học viện giảm từ 134 xuống còn 16; ở các Học viện trực thuộc giảm từ 123 khoa, phòng, ban xuống còn 112; giảm hơn 250 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, ban và tương đương. Ưu điểm nổi bật của sắp xếp tổ chức bộ máy lần này là thực hiện đồng bộ việc chia, tách, hợp nhất bộ phận, đơn vị với từng bước xác định rõ vị trí việc làm của từng cán bộ, viên chức và người lao động nên đã mang lại hiệu quả rõ rệt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Học viện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc Học viện (theo Quyết định 145 của Bộ Chính trị), đã điều động hàng chục cán bộ từ các vụ, đơn vị chức năng về các viện. Các đơn vị trực thuộc hoạt động bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác.

hv.jpg

Quyết định 145 của Bộ Chính trị là một dấu mốc đánh dấu bước chuyển mới đối với sự phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, theo đó Học viện từ song trùng trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ nay chỉ trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng với chức năng, nhiệm vụ được tăng cường và tổ chức bộ máy có sự thay đổi phù hợp với thời kỳ phát triển mới.

Sau khi sắp xếp tổ chức, công tác quản lý điều hành của các đơn vị ổn định và phát huy tốt theo mô hình mới, đem lại hiệu quả tích cực, tăng cường tính hệ thống, sự liên thông, gắn kết chặt chẽ hơn giữa các bộ phận, các lĩnh vực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Học viện tăng cường quản lý hệ thống một cách toàn diện trên tất cả các mặt công tác với phương châm: Chỉ đạo tập trung, thống nhất nhưng tăng cường phân cấp để các đơn vị trực thuộc phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Các mặt công tác của Học viện và của các đơn vị trực thuộc đều được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm sự thống nhất trong toàn hệ thống, gắn với phân công, giao quyền, phối hợp và giám sát một cách phù hợp, phát huy tính chủ động của các đơn vị. Đồng bộ hóa và thống nhất cả về cơ cấu tổ chức, công tác chuyên môn, công tác đảng, đoàn thể, chế độ chính sách cán bộ. Quan hệ giữa các đơn vị trong Học viện, giữa các đơn vị trực thuộc Học viện và các trường chính trị ngày càng gắn kết, thông suốt.

2. Nhằm đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ, tạo môi trường, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, Học viện xây dựng, rà soát văn bản quản lý, quy định, quy chế về công tác tổ chức, cán bộ; kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các khâu của công tác cán bộ; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ. Học viện chú trọng sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các quy chế, quy định về công tác tổ chức - cán bộ cho phù hợp với các quy định mới của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tế về công tác tổ chức, cán bộ. Học viện đã thành lập Văn phòng đại diện phía Nam; Ban Công tác Đảng - Đoàn thể; Hội đồng Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền...

Công tác cán bộ được xác định là nhân tố có tính quyết định nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện nên được lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, khách quan, khoa học, đúng thẩm quyền và đúng trình tự thủ tục theo các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, tuyển dụng, sử dụng cán bộ phù hợp với yêu cầu đơn vị, nhiệm vụ công tác. Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện thận trọng, nghiêm túc, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, đúng quy định, giữ gìn sự đoàn kết trong đơn vị. Công tác quy hoạch cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, bảo đảm khách quan, đúng quy định nhằm đưa những cán bộ đủ phẩm chất, năng lực vào quy hoạch. Rà soát, bổ sung quy hoạch chức danh Phó Giám đốc Học viện giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2026; xây dựng quy hoạch chức danh Phó Giám đốc Học viện giai đoạn 2026 - 2031. Thực hiện Kế hoạch của Trung ương về giới thiệu nhân sự quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 - 2026; giới thiệu quy hoạch ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; quy hoạch các chức danh đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Học viện thường xuyên tiến hành quy hoạch, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Giám đốc Học viện quản lý giai đoạn 2021 - 2026 và 2026 - 2031. Đây là công việc quan trọng nhằm chủ động tạo nguồn nhân sự, làm cơ sở cho việc đào tạo, bố trí, sử dụng, phát triển đội ngũ cán bộ bảo đảm về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, phục vụ kịp thời công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Công tác kiện toàn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong Học viện được thực hiện kịp thời. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giao nhiệm vụ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, quy định; bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn chức danh không để “nợ” tiêu chuẩn. Bước đầu thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo giữa các Học viện trực thuộc theo phân cấp quản lý cán bộ, phù hợp yêu cầu đơn vị, nhiệm vụ công tác. Đặc biệt, năm 2023, Học viện có bước đột phá về công tác cán bộ, lần đầu tiên Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện thực hiện luân chuyển, điều động bổ nhiệm 4 Phó Giám đốc các Học viện khu vực là cán bộ từ Trung tâm Học viện và Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, định kỳ hằng năm, Học viện đều ban hành kế hoạch kê khai và thực hiện công khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, đúng đối tượng nhằm phục vụ công tác quản lý cán bộ và góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực. Công tác quản lý cán bộ đi nước ngoài được thực hiện chặt chẽ. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện và thủ trưởng các đơn vị thường xuyên quan tâm, chỉ đạo.

Những năm gần đây, cán bộ chủ chốt Học viện, đặc biệt là đồng chí Giám đốc Học viện luôn nhận được sự tín nhiệm rất cao của Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (tháng10-2017), đồng chí GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tháng 3-2018, đồng chí được Bộ Chính trị quyết định giữ chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; tháng 1-2021, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng được Đại hội XIII tiếp tục bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 7-2021, đồng chí trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là trách nhiệm nặng nề, đồng thời là vinh dự to lớn của đồng chí Giám đốc Học viện và Học viện, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Học viện, tạo điều kiện để Học viện và hệ thống Trường Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.

3. Để đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, Học viện đã xây dựng Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019 - 2030, trình Ban Bí thư thông qua chủ trương và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 17-5-2019 (Đề án 587).

Triển khai thực hiện Đề án 587, Học viện đã xây dựng Đề án “Xây dựng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành”; Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ của Học viện đến năm 2030, tầm nhìn 2045”; Đề án “cử cán bộ lãnh đạo quản lý của Học viện đi biệt phái làm cán bộ lãnh đạo quản lý ở địa phương”... Học viện quan tâm đào tạo, bồi dưỡng toàn diện, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ bảo đảm chuẩn hóa về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, viên chức. Học viện liên tục mở các lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cập nhật kiến thức chuyên ngành; phương pháp giảng dạy tích cực; ngoại ngữ, tin học; kiến thức quốc phòng - an ninh; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý,... Học viện đã hoàn thành 2 lớp đào tạo đại học văn bằng hai dành cho giảng viên lý luận chính trị của Học viện và các trường chính trị, góp phần tích cực trong việc tạo nguồn cán bộ, giảng viên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức của Học viện và các trường chính trị được triển khai linh hoạt, chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên. Điểm mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện là không chỉ tập trung vào đội ngũ cán bộ của Học viện mà đã triển khai đến các trường chính trị, trường cán bộ bộ, ngành. Trước đây, cán bộ, giảng viên trường chính trị chỉ tham gia các khóa tập huấn ngắn ngày, cập nhật kiến thức, thì nay tất cả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện đều được thực hiện chung đối với cán bộ Học viện và các trường chính trị. Học viện cũng thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu giúp việc, hành chính - hậu cần, tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, giảng viên được nâng cao một bước, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Học viện và các trường chính trị đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Học viện chú trọng đổi mới các chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng; kịp thời cập nhật những nội dung mới theo tinh thần Đại hội Đảng, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng; tiên phong đi đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sái trái, thù địch.

Việc luân chuyển, cử cán bộ đi thực tế ở các ban, ngành, địa phương tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Qua đó, cán bộ nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp công tác và kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn. Hầu hết cán bộ được rèn luyện, thử thách qua việc đi thực tế dài hạn đã có bước trưởng thành về mọi mặt.

Công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư được quan tâm, chú trọng. Từ năm 2014-2024, Hội đồng giáo sư cơ sở Học viện đã tiến hành xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư cho 104 nhà giáo, trong đó có 02 giáo sư, 102 phó giáo sư.

Tình hình đội ngũ cán bộ, viên chức tháng 6 năm 2020(1)

Tổng số
Giáo sư
Phó giáo sư
Tiến sĩ
Thạc sĩ
Đại học
Toàn hệ thống Học viện
2.112
07
159
497
855
410
Trung tâm Học viện
809
07
100
201
254
160
Học viện Chính trị khu vực I
334
0
10
82
125
90
Học viện Chính trị khu vực II
266
0
4
51
127
58
Học viện Chính trị khu vực III
197
0
10
53
74
45
Học viện Chính trị khu vực IV
101
0
01
16
59
13
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
405
0
34
94
216
44

Tuy nhiên, số giáo sư, phó giáo sư gần đây có phần giảm do nhiều giáo sư, phó giáo sư đến tuổi nghỉ hưu mà chưa được bổ sung mới.

4. Cùng với sắp xếp tổ chức, bộ máy, Học viện xây dựng các đề án: Tinh giản biên chế giai đoạn 2016 - 2020; Xác định vị trí việc làm, biên chế, cơ cấu công chức, viên chức theo ngạch, chức danh phù hợp ở Học viện; Kế hoạch sử dụng biên chế của Học viện giai đoạn 2023 - 2026 và quản lý biên chế của Học viện giai đoạn 2023 - 2026. Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại nguồn nhân lực theo hướng giảm dần nhân lực khối hành chính - hậu cần; tăng nguồn nhân lực nghiên cứu - giảng viên, bảo đảm không tăng biên chế; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành.

Thực hiện quy định của Bộ Chính trị về số lượng biên chế và vị trí việc làm, Giám đốc Học viện đã quyết định giao biên chế và định biên số lượng người làm việc tại các đơn vị trực thuộc giai đoạn 2023 - 2026 và ban hành Hướng dẫn về việc triển khai xây dựng vị trí việc làm và số lượng người làm việc của Học viện giai đoạn 2021-2026 và những năm tiếp theo. Đến hết tháng 01-2022, đã có 35/35 đơn vị trực thuộc Học viện tổ chức xác định vị trí việc làm và số lượng người làm việc tại đơn vị. Các đơn vị đã hoàn thành việc rà soát, tổng hợp danh mục vị trí việc làm, bản mô tả vị trí việc làm cho từng vị trí công tác tại đơn vị, trình Giám đốc Học viện phê duyệt danh mục vị trí việc làm và khung năng lực cho từng vị trí việc làm của đơn vị. Học viện đã hoàn thành xây dựng danh mục vị trí việc làm, số lượng người làm việc gắn với cơ cấu ngạch của 35 đơn vị trực thuộc, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trong thời gian tới.

5. Học viện đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07-4-2014 của Bộ Chính trị; đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào thi đua tới toàn thể các đơn vị, các cán bộ, viên chức và học viên trong toàn Học viện. Căn cứ vào nhiệm vụ chính trị hằng năm và 5 năm, Giám đốc Học viện phát động các phong trào thi đua với nội dung thiết thực, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, như: nâng cao chất lượng công tác đào tạo; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển lý luận, tổng kết thực tiễn; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách; phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện,... Các phong trào thi đua lôi cuốn sự tham gia hưởng ứng và ký kết giao ước thi đua của 100% các đơn vị trong Học viện và các trường chính trị.

Công tác thi đua - khen thưởng đã có bước chuyển căn bản, đi vào chiều sâu, ngày càng thực chất, xóa bỏ bệnh hình thức, thành tích trong việc tổ chức các phong trào thi đua; quản lý thi đua theo kế hoạch thay vì ký kết giao ước thi đua, đăng ký tham gia phong trào thi đua thay thế đăng ký danh hiệu thi đua; thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó; chú trọng công tác khen thưởng cho đối tượng không là cán bộ lãnh đạo quản lý; thực hiện tốt công tác khen thưởng đối ngoại.

Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp kịp thời kiện toàn về tổ chức, thành viên, phương thức hoạt động, quyền hạn và nhiệm vụ; mở rộng thành phần để bảo đảm tính dân chủ, công bằng trong bình xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng. Học viện thực hiện cơ chế phân cấp quản lý cho các hội đồng thi đua cấp cơ sở, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chủ tịch hội đồng cấp cơ sở.

Trong 10 năm gần đây, Học viện đã đề nghị xét tặng 221 hình thức khen thưởng cấp nhà nước, 39 danh hiệu thi đua cấp nhà nước cho các tập thể, cá nhân thuộc Học viện; xét tặng 1.422 bằng khen, 2.610 giấy khen cho các tập thể, cá nhân; xét tặng và làm thủ tục đề nghị xét tặng 1.678 kỷ niệm chương các loại cho các cá nhân thuộc Học viện, các trường chính trị, các ban tuyên giáo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công tác đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân: Từ năm 2017, Học viện thực hiện công tác đánh giá, xếp loại cá nhân với bình xét thi đua, khen thưởng; năm 2019, thực hiện việc đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân. Học viện đã xây dựng được nội dung, tiêu chí đánh giá cụ thể, hầu hết các tiêu chí được lượng hóa rõ ràng. Đây là cơ sở để công tác bảo đảm chính xác, công bằng, khách quan và làm tiền đề để công tác thi đua, khen thưởng ngày càng đi vào thực chất.

Khen thưởng hướng đến người lao động trực tiếp: tỷ lệ chiến sĩ thi đua bảo đảm 50% là người lao động trực tiếp; khen thưởng Bằng khen của Giám đốc Học viện đối với người lao động trước khi nghỉ hưu… Mở rộng tiêu chuẩn xét, công nhận giải pháp để tăng tỷ lệ người lao động đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp. Nhờ vậy, tỷ lệ cá nhân không là lãnh đạo, quản lý đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp Học viện luôn là 20%. Nhiều nhà khoa học, nhà giáo của Học viện đã vinh dự được tặng thưởng các danh hiệu của Nhà nước: Huân chương Lao động; Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Nhà giáo nhân dân; Nhà giáo ưu tú...

Học viện thực hiện tốt chế độ, chính sách về lương, thưởng, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp công việc, phúc lợi, nghỉ mát, thu nhập tăng thêm,… theo các quy định của Đảng, Nhà nước và Quy chế thi đua khen thưởng, Quy chế chi tiêu nội bộ,…; tạo động lực cho cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức, người lao động phấn khởi, an tâm công tác, gắn bó với Học viện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

***

Có thể nhận thấy trong những năm qua, công tác tổ chức - cán bộ của Học viện đã được tăng cường và có nhiều đổi mới, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ trong toàn Học viện. Tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức của Học viện được kiện toàn phù hợp, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Để góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước ta đến năm 2030 và 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, Học viện tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ các khâu, các mặt công tác, trong đó công tác tổ chức - cán bộ đóng vai trò then chốt; phấn đấu đến năm 2030 “phát triển Học viện thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận của Đảng về hệ thống chính trị; trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị hiện đại, hội nhập, có vị thế xứng đáng ở khu vực và trên thế giới”; đến năm 2045 “Là trung tâm quốc gia có uy tín cao trong khu vực và trên thế giới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng và hệ thống chính trị; về nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý; tham mưu tư vấn chính sách chiến lược cho Đảng và Nhà nước”.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2024

Ngày nhận bài: 28-8-2024; Ngày bình duyệt: 30-8-2024; Ngày duyệt đăng: 05-9-2024.

(1) Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 và các văn bản chỉ đạo, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021 (Phụ lục 2).