Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở thành phố Đà Nẵng
(LLCT) - Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả ngành nông nghiệp. Cùng với cả nước, trong thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã triển khai phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đạt nhiều kết quả, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của thành phố. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Đà Nẵng vẫn đứng trước những khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới. Vì vậy, tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp để thích ứng tốt nhất với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu là giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm phát triển bền vững.
TS NGUYỄN THỊ KIM ĐOAN
Học viện Chính trị khu vực III
1. Mở đầu
Là một trong những trung tâm kinh tế lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong những năm qua, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương động lực. Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương, chương trình, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất tập trung, quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra nhiều thách thức về tính bền vững của ngành nông nghiệp như: tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào tăng diện tích, tăng vụ và thâm dụng các yếu tố đầu vào như lao động, vốn và nguồn lực tự nhiên; những tác động của biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán và dịch bệnh; quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang dần bộc lộ sự thiếu bền vững và chưa thích ứng hoặc chưa tính đến những diễn biến của biến đổi khí hậu.
2. Thực trạng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Triển khai thực hiện các chủ trương theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Đà Nẵng đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, như: Thành ủy đã ban hành Chương trình số 42-CTr/TU ngày 5-2-2020 về triển khai thực hiện chuyên đề “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng nông thôn mới”, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết 329/2020/NQ-HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng hỗ trợ tổng hợp, toàn diện hơn trong sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững(1); Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 2585/KH-UBND ngày 20-4-2020 về thực hiện Chương trình số 42-Ctr/TU của Thành ủy Đà Nẵng, ban hành Quyết định số 737/QĐ-UBND ngày 12-4-2023 phê duyệt “Đề án cơ cấu lại lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Theo đó, đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách gắn với công tác thu hút, xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch chi tiết 1/500 đối với 03 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, diện tích hơn 65 ha gồm: vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn Hòa Khương - Hòa Phong (16,2 ha), vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hòa Phú (20,9 ha), vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hòa Khương (28,8 ha); vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hòa Phú (20,9), thống nhất chủ trương, chỉ đạo triển khai đầu tư 02 vùng từ nguồn vốn đầu tư công; ưu tiên nguồn kinh phí hằng năm để thực hiện ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất.
a) Một số kết quả nổi bật về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố
Lĩnh vực trồng trọt
Trong điều kiện quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp giảm dần, thành phố đã tập trung chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, chú trọng công nghệ sản xuất giống cây trồng; tập trung phát triển sản xuất và sử dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP, IPM, ICM...; tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, cơ giới hóa trong sản xuất; tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý, giám sát dịch bệnh để nâng cao năng suất, bảo đảm ổn định sản lượng lương thực, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn.
Hình thành các vùng chuyên canh tập trung, sinh thái, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, điển hình là các vùng chuyên canh trồng rau an toàn, vùng trồng hoa, dưa, vùng trồng lúa hữu cơ. Cụ thể là:
(i) Xây dựng hơn 20 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như nấm, rau, hoa, cây ăn quả (gần 25 ha); hình thành hơn 20 vùng lúa theo hướng hữu cơ, diện tích 345 ha, trong đó 100 ha lúa được cấp chứng nhận VietGAP; hơn 40 ha rau, củ, quả được cấp chứng nhận VietGap, hữu cơ; hình thành 04 vùng chuyên canh trồng hoa (22 ha); vùng trồng bưởi da xanh Hòa Ninh (10 ha), vùng trồng mía Hòa Bắc (70 ha), vùng trồng chuối Hòa Bắc, Hòa Phú (30 ha), vùng trồng chè Hòa Sơn, Hòa Ninh (20 ha)(2).
(ii) Hỗ trợ hơn 30 sản phẩm nông nghiệp xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, có 14/40 sản phẩm OCOP lĩnh vực trồng trọt, chiếm 35% tổng số sản phẩm OCOP của thành phố. Các sản phẩm nông nghiệp có sự đầu tư về tiêu chuẩn chất lượng, bao bì, nhãn hiệu và kết nối với các kênh tiêu thụ tại siêu thị, cửa hàng nông sản, cửa hàng OCOP như: rau an toàn Túy Loan, dưa lưới Afarm, bưởi Hòa Ninh, kiệu hương Hòa Nhơn, rau, củ, quả Hòa Vang, các sản phẩm từ nấm như đông trùng hạ thảo khô sấy thăng hoa Dr. Trung, cao nấm Linh chi Nhơn Phước, tảo xoắn nguyên chất sấy lạnh...(3).
(iii) Có các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Afarm; Công ty trách nhiệm hữu hạn Tâm An Farm; Công ty Cổ phần xây dựng Greentech, hợp tác xã rau, củ quả Hòa Vang; hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan; Hợp tác xã Nấm Nhơn Phước; Hợp tác xã sản xuất giống và nuôi trồng nấm An Hải Đông; hợp tác xã nấm Hòa Quý...(4).
Lĩnh vực chăn nuôi
Chăn nuôi đã phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao theo quy trình khép kín, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học, hình thành nhiều mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng liên kết, chủ động tạo nguồn cung cấp thực phẩm thịt an toàn, chất lượng cho nhu cầu tiêu dùng của thành phố. Hoạt động chăn nuôi tập trung chủ yếu tại huyện Hòa Vang và chuyển dần theo hướng tập trung, quy mô hợp lý, bảo đảm vệ sinh môi trường gắn với an toàn dịch bệnh, sử dụng các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng tốt.
Ứng dụng công nghệ biogas, đệm lót sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kiểm soát dịch bệnh, góp phần giúp chăn nuôi phát triển bền vững, bảo đảm an toàn dịch bệnh và môi trường.
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, trong đó công nhận 06 vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại tại 06 quận, 01 vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng trên trâu, bò tại huyện Hòa Vang, 11/11 xã, 04 cơ sở chăn nuôi được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm H5N1, 03 doanh nghiệp chăn nuôi được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh, hình thành 06 trại, trang trại chăn nuôi heo, gà ứng dụng công nghệ chuồng lạnh khép kín, bảo đảm an toàn, môi trường trong chăn nuôi theo hướng bền vững, sinh thái, tuần hoàn.
Nhân rộng nhiều mô hình chăn nuôi mới, có hiệu quả như: mô hình nuôi heo rừng, dê Boer, bò BBB, gà Ai cập, thỏ Newzeland, gà đồi… Đến nay đã hình thành một số hợp tác xã chăn nuôi gà gắn sản xuất với liên kết tiêu thụ sản phẩm như Hợp tác xã gà Nhơn Phát, Tổ hợp tác gà Kê Sơn, Hợp tác xã Đồng Nghệ, Hợp tác xã Hòa Bắc.
Lĩnh vực thủy sản
Đối với lĩnh vực thủy sản, tập trung phát triển theo hướng chuyển từ nghề cá thủ công sang nghề cá hiện đại, nâng cấp năng lực tàu thuyền khai thác, đầu tư đồng bộ hạ tầng nghề cá, vệ sinh môi trường nuôi trồng và khai thác thủy sản được cải thiện.
Trong nuôi trồng thủy sản đã ứng dụng công nghệ cao trong việc cung cấp hệ thống giàn sục khí, sử dụng công nghệ men vi sinh xử lý môi trường, phòng, trị bệnh để hỗ trợ nuôi thâm canh, bán thâm canh; đồng thời, chú trọng các mô hình nuôi an toàn sinh học, ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi nước ngọt để rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí nuôi, tạo nguồn sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm.
Giống thủy sản được quan tâm chú trọng. Hằng năm, Trại Thực nghiệm Nông nghiệp Hòa Khương sản xuất khoảng 1 triệu con cá giống nước ngọt các loại, có chất lượng. Trại cũng đã nghiên cứu, thực nghiệm sinh sản nhân tạo các đối tượng cá trê lai, cá rô đầu vuông, cá leo… bước đầu đạt được kết quả. Bước đầu nghiên cứu ứng dụng công nghệ lai tạo giống cá diêu hồng phát triển tốt trong mọi tầng nước ở vùng nước nhiễm mặn nhẹ 5-12%.
Thành phố có hơn 700 tàu thuyền có công suất khai thác trên 90CV, khoảng 60% tàu thuyền có trang bị máy tời treo thu lưới vây, lưới kéo, hệ thống thu, thả lưới chụp mực; 80% tàu thuyền trang bị ra đa, định vị(5). Việc sử dụng các thiết bị điện tử phục vụ khai thác thủy sản trên biển (máy giám sát hành trình tàu cá, máy thông tin liên lạc tầm xa (ICOM), máy dò cá...) đáp ứng tính truy xuất nguồn gốc sản phẩm đầy đủ, chống khai thác bất hợp pháp nhằm đáp ứng thị trường xuất khẩu (IUU).
Lĩnh vực lâm nghiệp
Bước đầu triển khai áp dụng các ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, bảo vệ và khai thác lâm nghiệp:
(i) Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ GIS (Geographic Information Systems) để hoàn chỉnh dữ liệu số về rừng và đất lâm nghiệp; áp dụng công nghệ thông tin trong dự báo cháy rừng, theo dõi diễn biến rừng và quản lý hoạt động thương mại động vật rừng, như: phần mềm dự báo cháy rừng, phần mềm theo dõi diễn biến rừng FRMS, phần mềm quản lý cơ sở nuôi động vật rừng, phần mềm giám sát và đánh giá chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.
(ii) Đầu tư xây dựng công trình lâm sinh, trang thiết bị, phương tiện phục vụ quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Giai đoạn 2016 - 2020 đã đầu tư xây dựng 25 km băng trắng cản lửa kết hợp đường vận động chữa cháy rừng, 6,7 km băng xanh cản lửa, duy tu, bảo dưỡng hàng năm 54,7 km đường công vụ tuần tra bảo vệ rừng, 06 công trình thủy lâm, xây mới 09 bể nước, sửa chữa nâng cấp 04 bể nước dung tích 50 - 100 m3 phục vụ phòng chống cháy rừng.
(iii) Chú trọng chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô, gieo trồng cây giống lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao để phục vụ trồng rừng nguyên liệu cây gỗ lớn. Công ty trách nhiệm hữu hạn Giống cây trồng Bắc Trung Nam đã thực hiện thành công công nghệ nuôi cấy mô, gieo tạo cây lâm nghiệp đạt chất lượng để phục vụ nhu cầu trồng rừng trên địa bàn thành phố, năng lực sản xuất hàng năm đạt 2 triệu cây giống các loại.
b) Một số hạn chế
Một là, quy mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn nhỏ, hạn chế về quy mô diện tích đất sản xuất, giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng rất thấp, chỉ mới khoảng 10-15% giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản. Các chỉ tiêu giá trị gia tăng theo hướng tái cơ cấu như: tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương đến năm 2022 đạt dưới 20% so với chỉ tiêu quy định về Bộ tiêu chí giám sát đánh giá kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa tạo sự đột phá trong tái cơ cấu từng lĩnh vực để bảo đảm sự tăng trưởng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.
Hai là, thành phố chủ trương tập trung quy hoạch, ban hành chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhưng do vướng mắc trong công tác quy hoạch, các thủ tục liên quan đến đất đai nên tiến độ quy hoạch, đầu tư hạ tầng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chậm, chỉ mới dừng lại ở công tác quy hoạch chi tiết 1/500, chưa tạo quỹ đất sạch để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Ba là, các mô hình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tuy được phát triển nhưng còn chậm, thiếu bền vững, chưa tạo được sự đột phá trong việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống và phát triển nông nghiệp hữu cơ. Quá trình triển khai thực hiện chủ trương, chính sách phát triển và hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, việc ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, các quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp còn ít, đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, các mô hình ứng dụng thiếu bền vững, chưa bảo đảm tính khoa học, dẫn đến sản phẩm sản xuất ra thiếu ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường đô thị.
Bốn là, công tác hiện đại hóa nghề cá còn nhiều khó khăn, chưa hình thành được chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Trong nuôi trồng thủy sản chỉ mới phát triển được một số vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch. Đã khuyến khích ngư dân đầu tư hầm bảo quản vật liệu PU, các tàu cá đóng mới, nâng cấp đều trang bị hầm bảo quản bằng vật liệu PU, nhưng chỉ chiếm khoảng 18% số lượng tàu đánh bắt xa bờ; các phương pháp bảo quản đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh SSOP và thực hành sơ chế bảo quản tốt GMP chưa được đào tạo một cách toàn diện…
Năm là, sản xuất lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng; công tác ứng dụng công nghệ cao vào các khâu lựa chọn, đánh giá, phân chia vùng trồng rừng, xác định phương thức mật độ trồng rừng, kỹ thuật làm đất rừng, phương pháp trồng và chăm sóc vẫn thực hiện theo phương thức truyền thống do địa hình rừng, khó khăn trong việc sử dụng máy móc vào sản xuất, chăm sóc và thu hoạch. Các doanh nghiệp tham gia ứng dụng công nghệ cao trong khâu sau thu hoạch, sơ chế và chế biến sản phẩm lâm nghiệp quy mô nhỏ, sản phẩm chưa đa dạng, phong phú.
3. Dự báo nguy cơ và tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đến phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Một là, bão và áp thấp nhiệt đới ở Đà Nẵng thường xảy ra trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 12, tập trung chủ yếu vào tháng 10 và tháng 11. Bão và áp thấp nhiệt đới thường đi kèm với mưa to, vì vậy ngoài việc xuất hiện gió mạnh trên đất liền còn bị ảnh hưởng của lũ, ngập lụt. Theo số liệu thống kê từ năm 1998 đến nay, thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã làm 205 người chết, 237 người bị thương, 15.633 nhà bị sập, 130.861 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng. Tổng ước tính thiệt hại hơn 9.700 tỷ đồng(6).
Hai là, nằm trong khu vực hạ lưu sông Hàn với lưu vực qua cả tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng có nguy cơ ngập lụt cao trong mùa mưa. Khi lũ xuất hiện do mưa lớn hoặc triều cường, các sông nhánh cũ hoặc khu vực đầm lầy sẽ bị ngập lụt. Đối với các vùng đất thấp cần tiến hành các biện pháp bảo vệ, ứng phó với lũ lụt.
Các khu vực sạt lở mạnh ở vùng ven sông Cu Đê, Túy Loan như: Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Liên, Hòa Bắc là các xã thuộc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng; khu vực sạt lở đồi núi tập trung chủ yếu ở huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu và Sơn Trà. Hiện tượng xói lở bờ biển có xu hướng phức tạp cả về quy mô và cường độ, gây thiệt hại lớn về tài nguyên đất, rừng, thủy sản, bãi tắm, môi trường, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất nông nghiệp.
Ba là, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn phụ thuộc vào chế độ mưa và dòng chảy mùa khô, tập trung chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm. Với tác động của biến đổi khí hậu, lượng mưa trong mùa khô trên địa bàn thành phố có xu thế thấp hơn trung bình nhiều năm, lại phân bố không đều trong các tháng, gây nên tình trạng hạn hán. Tình trạng xâm nhập mặn thường xảy ra khi thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài dẫn đến tình trạng mực nước và dòng chảy trên các sông, suối bị suy giảm mạnh, gây thiếu nước, nhiễm mặn cho nước.
4. Một số giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Một là, tập trung nguồn lực đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, vùng sản xuất hữu cơ, từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp bền vững. Khai thác tối đa tiềm năng, diện tích đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp để phát triển các mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao.
Tập trung tháo gỡ các khó khăn, tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chú trọng phát triển các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc, phát triển sản phẩm chủ lực. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tập trung ưu tiên chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, tiêu thụ hoa, cây cảnh. Ứng dụng mạnh mẽ cơ giới hóa trong sản xuất trồng trọt, thực hiện cấp mã số vùng trồng cho các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp tập trung.
Hai là, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chú trọng hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP để tạo đột phá, chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế nông thôn.
Ba là, tháo gỡ những vướng mắc trong quy định về đất đai trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trên cơ sở diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch chung được phê duyệt, cần triển khai rà soát, kết nối quy hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, vùng trồng lúa hữu cơ, vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào quy hoạch chung của thành phố để bảo đảm đồng bộ quy hoạch, tạo tiền đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Tiếp tục hoàn thiện và đẩy nhanh các hoạt động tại 03 vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú nhằm huy động, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để làm hạt nhân trong phát triển bền vững, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường hình thức liên kết nông dân góp vốn bằng ruộng đất vào doanh nghiệp theo hướng hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bốn là, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách, công nghệ về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến các tổ chức và cá nhân, nhất là người nông dân, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng cũng như khuyến khích tham gia vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Mỗi lĩnh vực sản xuất cần có sự định hướng về mô hình, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến cần áp dụng để người dân, doanh nghiệp lựa chọn, áp dụng. Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đẩy mạnh các đề tài nghiên cứu, sáng tạo, ươm tạo, chuyển giao, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Năm là, chú trọng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: (i) Chú trọng tổ chức sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng VietGAP và tương đương, chứng nhận GPS, ISO, HACCP… và thực hiện xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc vùng sản xuất tập trung, chuyên canh. (ii) Gắn kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với phát triển du lịch sinh thái để tăng cường quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. (iii) Hình thành hệ thống điểm trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP, chủ lực, đặc trưng, nông sản sạch, an toàn trên địa bàn thành phố, phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại nông sản trên địa bàn thành phố. (iv) Đánh giá đúng thực trạng về cung - cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để định hướng sản xuất nông nghiệp, chủ động nguồn lương thực, thực phẩm ở mức bảo đảm trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh đứt gãy chuỗi cung cấp sản phẩm tại các địa phương khác.
Sáu là, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh thực hiện liên kết đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhất là kiểm soát chất lượng sản phẩm để phát triển các công nghệ chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo thương hiệu phát triển bền vững.
Bảy là, tập trung khai thác tốt tiềm năng kinh tế biển, phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế hiện đại, tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo. Bên cạnh việc đóng mới, nâng cấp tàu công suất lớn khai thác xa bờ, chú trọng cơ giới hóa trang biết bị, nâng cấp hầm bảo quản sản phẩm, phát triển tàu dịch vụ hậu cần trên biển để nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác.
_________________
Ngày nhận bài: 29-6-2024; Ngày bình duyệt: 11-8-2024; Ngày duyệt đăng: 23-9-2024.
(1) Điều chỉnh Nghị quyết số 104/2017/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
(2), (3), (4), (5), (6) Xem: Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng: Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng, 2023.