Nghiên cứu lý luận

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau

15/04/2024 16:39

(LLCT) - Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh rất quan tâm và coi trọng bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Những quan điểm của Người về phương pháp bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau không chỉ có ý nghĩa lý luận mà còn có giá trị thực tiễn thiết thực. Bài viết phân tích, làm rõ quan điểm của Hồ Chí Minh về phương pháp bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau và vận dụng, phát triển của Đảng ta trong công tác bồi dưỡng thế hệ trẻ hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu Thanh niên xung phong dự Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc (tháng 1-1967) _ Ảnh: hochiminh.vn

1. Mở đầu

Trong cuộc đời, sự nghiệp của mình, Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của thế hệ trẻ và ý nghĩa của việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Người khẳng định, sự phát triển của đất nước, tiền đồ của dân tộc nằm trong tay họ; thế hệ trẻ quyết định con đường đi lên của đất nước; nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ là lực lượng kế thừa và tiếp bước các thế hệ đi trước để tham gia vào sự nghiệp cách mạng, thúc đẩy xã hội phát triển. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nhiệm vụ: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(1). Người coi đây là nhiệm vụ chiến lược, bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng. Đó vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa lâu dài. Mục tiêu là đào tạo ra một thế hệ con người mới, phát triển toàn diện, bởi con người quyết định sự thành công của cách mạng, sự tiến bộ của xã hội.

2. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp bồi dưỡng thế hệ trẻ

Theo Hồ Chí Minh, để công tác bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau đạt chất lượng và hiệu quả cao, cần có những phương pháp phù hợp. Từ đó, phát huy tốt nhất vai trò của thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng.

Một là, Đảng, Nhà nước phải lãnh đạo tốt việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng

Theo Hồ Chí Minh, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó, yếu tố quyết định là sự lãnh đạo của Đảng. Trong Di chúc, Người nêu: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên””(2).

Đảng phải đề ra đường lối, chiến lược bồi dưỡng thế hệ cách mạng kế cận, đường lối đó phải được Nhà nước cụ thể hóa thành các chính sách, chế độ, phù hợp với từng thời kỳ. Đảng cử cán bộ để lãnh đạo thế hệ trẻ; Đảng thường xuyên xem xét tình hình thanh, thiếu niên, nhi đồng; Đảng thường xuyên kiểm tra công tác tuyên truyền, vận động thế hệ trẻ, kịp thời giải quyết những yêu cầu chính đáng của họ và đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ đối với họ. Chính sách của Nhà nước đối với thế hệ trẻ phải thể hiện được quan điểm coi họ là một chủ thể sáng tạo xã hội, là một lực lượng tham gia tích cực, sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn

Học và hành là quá trình từ nhận thức thái độ đến hành động, luôn gắn bó khăng khít với nhau. “Hành” cũng là phương pháp học; “hành” không chỉ là vận dụng những điều đã học, mà còn là nguồn gốc của tri thức mới, là biện pháp rèn luyện con người một cách toàn diện.

Học đi đôi với hành cho phép cùng một lúc hình thành cả tri thức lẫn kỹ năng; hành trở thành một hình thức chính của học. Quá trình học xảy ra chính trong quá trình hành. Học với hành phải đi đôi với nhau, gắn bó mật thiết với nhau. Hồ Chí Minh căn dặn: “không nên học gạo, không nên học vẹt… Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”(3). Không chỉ học trong nhà trường, trong sách vở, mà còn học trong nhân dân, học trong công việc hàng ngày, học cả kinh nghiệm thành công lẫn thất bại. Theo Hồ Chí Minh: “Lý luận rất cần thiết nhưng nếu cách học tập không đúng thì sẽ không có kết quả. Do đó, trong lúc học tập lý luận, chúng ta cần nhấn mạnh: Lý luận phải liên hệ với thực tế(4).

Ba là, kết hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội

Gia đình là nơi hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người ngay từ thời thơ ấu qua những người thân trong gia đình, bước đầu hình thành khả năng, tính cách, các giá trị đạo đức con người. Gia đình có ảnh hưởng lớn đối với mỗi người. Gia đình có vững chắc, xã hội mới phát triển lành mạnh. Trong gia đình, ông bà, bố mẹ chính là người thầy đầu tiên, nên có trách nhiệm với con cháu, yêu thương, nuôi dưỡng, dạy bảo con cháu cho tốt; anh, chị, em trong gia đình đoàn kết, đùm bọc, thương yêu nhau.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Thế hệ trẻ phải luôn nhớ tới công ơn những người đã sinh thành ra mình; nhớ ơn những người có công với cách mạng, những người đã hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, “Giáo dục các em là việc CHUNG của gia đình, trường học và xã hội”(5).

Theo Hồ Chí Minh, giáo dục, bồi dưỡng trong nhà trường chỉ là một phần nhưng đóng vai trò rất quan trọng. Ở trường, các em được học những kiến thức về văn hóa, khoa học, kỹ thuật với sự hướng dẫn của thầy cô giáo và qua sách vở, thiết bị… Người nhận định: “Từ tiểu học, trung học cho đến đại học, là nơi rèn luyện nhi đồng và thanh niên. Óc những người trẻ tuổi trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học tập ở trong trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên, và tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà”(6). Người yêu cầu giáo dục, bồi dưỡng trong nhà trường phải phù hợp với từng đối tượng: “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành… Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực… Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công”(7).

Đồng thời, với việc giáo dục trong nhà trường, cần đưa thế hệ trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội, thực nghiệm, từ thiện, nhân đạo, lao động, sản xuất, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí, văn hóa văn nghệ… nhằm bồi dưỡng tình cảm đồng bào, phát huy năng lực sáng tạo, rèn luyện kỹ năng, đoàn kết thế hệ trẻ. Các hoạt động xã hội giúp cho thế hệ trẻ biết kính trọng sự lao động; tập cho biết lao động; có tinh thần tự lực, không ỷ lại; có ích cho sức khỏe.

Theo Hồ Chí Minh, cần có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, không được xem nhẹ một khâu nào. Người yêu cầu: “Phải mật thiết liên hệ với gia đình học trò. Bởi vì giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”(8).

Bốn là, thông qua tấm gương người tốt, việc tốt

Theo Hồ Chí Minh, những tấm gương “người tốt, việc tốt” là một trong những cách tốt nhất để bồi dưỡng, xây dựng thế hệ cách mạng cho đời sau. Theo Người, một tấm gương sáng còn có giá trị hơn một trăm lần bài văn tuyên truyền.

Trong gia đình, ông bà, cha mẹ phải làm gương cho con cái, anh chị phải làm gương cho các em. Trong nhà trường, thầy cô phải làm kiểu mẫu cho các học trò. Làm gương ở cả ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa; phải làm gương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Hồ Chí Minh quan tâm, chú ý khơi dậy phần tốt trong mỗi con người, nêu những gương “người tốt, việc tốt” diễn ra hàng ngày, hàng giờ cho mọi người học tập, noi theo. Hồ Chí Minh khẳng định: Những gương “người tốt, việc tốt” là những bông hoa tươi đẹp nhất, là hạt nhân của phong trào cách mạng, động viên, cổ vũ mọi lực lượng tham gia vào hai cuộc kháng chiến và trong xây dựng CNXH.

Đối với “người tốt, việc tốt”, Hồ Chí Minh không chỉ kịp thời thưởng huy hiệu của Người, mà còn đăng bài trên báo để phát huy ảnh hưởng. Người động viên thanh niên xung phong học tập các anh hùng và thi đua với anh hùng, lập nhiều chiến công mới, xuất sắc trên mặt trận chống Mỹ, cứu nước.

Năm là, tự học, tự bồi dưỡng, rèn luyện trong mọi việc

Thứ nhất, tự học, ham học hỏi, học luôn luôn, học mãi

Theo Hồ Chí Minh: Còn sống là còn phải học, học ở mọi nơi, mọi lúc, trong trường, trong sách vở, học nhân dân, học lẫn nhau. Chỉ có học mới biết yêu Tổ quốc, yêu lao động, mới phụng sự Tổ quốc, phụng sự được nhân dân, biết cái xấu để tránh, biết cái tốt để theo.

Hồ Chí Minh căn dặn, thế hệ trẻ phải đề cao việc học tập, say mê học tập. Người khẳng định, kho tàng tri thức của nhân loại là vô cùng phong phú, mỗi con người chúng ta còn rất nhiều điều phải học, có học thì mới mở mang được sự hiểu biết, mới tiến bộ được, chúng ta càng học nhiều thì càng tiến bộ. Người viết: “Việc thế giới rất nhiều, học không bao giờ hết. Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ”(9). Theo Người, đề cao việc học tập cũng chính là thế hệ trẻ đang thể hiện năng lực làm chủ của mình, bởi con người muốn làm chủ xã hội thì phải có trình độ hiểu biết, mà muốn hiểu biết thì phải nghiên cứu, học tập.

Hồ Chí Minh chỉ rõ, thế hệ trẻ cần phải xác định học tập là công việc suốt đời, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, phải học tập tinh thần say mê học tập của V.I.Lênin: “Học, Học nữa, Học mãi”. Người đưa ra quan điểm “còn sống là còn phải học”. Người nêu: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”(10). Hồ Chí Minh yêu cầu thế hệ trẻ luôn đề cao việc học tập, rèn luyện, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Người chỉ rõ: Muốn xứng đáng vai trò người chủ, thì phải học tập và nhiệm vụ chính của thế hệ trẻ cũng là học tập. Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò việc học tập của tuổi trẻ đối với tương lai đất nước: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(11). Đây là trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với dân tộc, đất nước, với những người đi trước.

Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tinh thần học tập. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là một quá trình học tập không ngừng nghỉ. Kiến thức của Người đã làm cho cả thế giới phải kính phục. Để có được sự hiểu biết rộng rãi và uyên thâm đó, Người đã phải học rất nhiều, học thầy, học trong sách vở, học bạn bè, đồng chí, học ở quần chúng nhân dân.

Thứ hai, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng

Hồ Chí Minh coi đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(12).

Theo Hồ Chí Minh, đạo đức là nền tảng tinh thần của con người, giúp cho họ vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng, có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, không rụt rè, lùi bước, khi gặp thuận lợi, thành công vẫn giữ vững tinh thần, chất phác, khiêm tốn.

Tự rèn luyện, bồi dưỡng về đạo đức cách mạng giúp thế hệ trẻ trở thành công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người chủ xứng đáng của đất nước, vừa có đức, vừa có tài. Nội dung giáo dục, bồi dưỡng các phẩm chất đạo đức cách mạng, theo Hồ Chí Minh là: Trung với nước, hiếu với dân; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, khiêm tốn, giản dị; Có tinh thần lao động tích cực, siêng năng, gan dạ, táo bạo; Yêu thương con người; Đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, thật thà, chính trực; ý thức tổ chức và kỷ luật.

Người yêu cầu thanh, thiếu niên phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, thực hành tự phê bình và phê bình để giúp nhau cùng tiến bộ. Thanh niên phải luôn đặt nghĩa vụ lên trên quyền lợi, phải ra sức lao động, cống hiến, không nên đòi hỏi, phải nêu cao tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.

Thứ ba, phải chiến thắng chủ nghĩa cá nhân

Hồ Chí Minh cho rằng, chủ nghĩa cá nhân là một căn bệnh nguy hiểm, như một thứ vi trùng lây lan và đẻ ra nhiều chứng bệnh khác, khuyết điểm khác, người mang chủ nghĩa cá nhân sẽ: “ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh”(13). Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà dẫn đến “mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”(14).

Hồ Chí Minh yêu cầu: “Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang”(15). Vì đó là những thói xấu kìm hãm sự tiến thủ của thanh niên.

Thứ tư, phải xung phong, gương mẫu trong mọi việc

Hồ Chí Minh yêu cầu: Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải hỏi mình đã làm gì cho nước nhà. Mình phải làm thế nào cho lợi ích nước nhà nhiều hơn, mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh, phấn đấu chừng nào, phải làm cho ý thức trách nhiệm trong học tập, trong rèn luyện trở thành ý thức thường trực của mình. Ý thức ấy gắn liền với lương tâm, danh dự, nghĩa vụ, ý thức ấy phải trở thành động lực bên trong thúc đẩy mỗi con người phấn đấu làm chủ bản thân, để sau này làm chủ xã hội, làm chủ tự nhiên. Huy hiệu của Đoàn Thanh niên là “Tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”, thanh niên phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải trở thành một lực lượng to lớn và vững chắc. Thanh niên phải cố gắng xung phong làm đầu tàu trong mọi việc.

Sáu là, bồi dưỡng thế hệ trẻ thông qua tổ chức Đoàn, Hội, Đội

Muốn bồi dưỡng thế hệ trẻ, điều trước tiên là phải tập hợp họ trong tổ chức. Đứng trong tổ chức, tham gia sinh hoạt trong tổ chức, hoạt động cho các chương trình, kế hoạch do tổ chức đề ra, thế hệ trẻ mới có điều kiện học hỏi, tiến bộ, mới có thể tự rèn luyện thành người tốt. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Hạt nhân để tuyên truyền, vận động, tổ chức, tập hợp đoàn kết thanh niên chính là tổ chức Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp Thanh niên, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Người nêu: “Đoàn Thanh niên Lao động phải là cánh tay đắc lực của Đảng trong việc tổ chức và giáo dục thế hệ thanh niên và nhi đồng thành những chiến sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(16).

Tổ chức Đoàn Thanh niên vững mạnh sẽ tạo ra những thế hệ công dân có ích. Đoàn Thanh niên phải là hạt nhân chính trị của mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, đưa thanh niên vào hành động cách mạng, hoàn thành cao nhất những nhiệm vụ mà Đảng giao, thực sự là đội quân xung kích trên mọi mặt trận, xứng đáng là lớp đàn anh phụ trách dìu dắt thiếu niên nhi đồng.

Muốn tập hợp rộng rãi, thu hút đông đảo thanh niên thì “Đoàn phải nghiên cứu tìm ra nhiều hình thức và phương pháp thích hợp để đoàn kết và tổ chức thanh niên một cách rộng rãi và vững chắc, để làm tròn những nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao phó cho thanh niên, cho Đoàn”(17). Đoàn phải làm “đầu tàu”, “gương mẫu” hướng dẫn đông đảo thanh niên làm theo. “Đoàn phải liên hệ rộng rãi và chặt chẽ với các tầng lớp thanh niên. Phải quan tâm đến đời sống, công tác và học tập của thanh niên, phải tránh thành kiến hẹp hòi, cô độc. Phải thật thà đoàn kết và hợp tác với anh chị em thanh niên trong Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam”(18). Đoàn phải thường xuyên chủ động đề xuất với Đảng, để Đảng cho ý kiến giải quyết những vấn đề của thế hệ trẻ. Đoàn cần giới thiệu những người xuất sắc trong học tập, sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu vào Đảng, làm tăng sức chiến đấu cho Đảng.

Với vai trò và nhiệm vụ to lớn, Đoàn Thanh niên phải ra sức xây dựng, củng cố tổ chức ngày một vững mạnh. Cán bộ Đoàn phải có trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ vững, tinh thần tích cực, năng động, hăng hái, quyết tâm trong công tác, gương mẫu và có hiệu quả thiết thực trong mọi hoạt động của mình.

Bảy là, thông qua các phong trào thi đua

Một trong những hình thức và phương pháp để tập hợp, đoàn kết thế hệ trẻ, đó là phát động các phong trào thi đua. Trong Thư gửi thanh niên về thi đua ái quốc (ngày 1-8-1951), Hồ Chí Minh đã nêu ý kiến về phong trào thi đua:

“1. Thi đua phải có phương hướng đúng và vững. Nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người. Yêu nước thì phải thi đua, thi đua tức là yêu nước.

2. Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm. Nghĩa là phải làm sao cho mỗi nhóm, mỗi người tự giác tự động.

3. Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực. Khi đặt kế hoạch phải tuyệt đối tránh sự sơ suất “đại khái”, quá cao, phiền phức, miễn cưỡng.

4. Thi đua không nên thiên về một phía. Phải điều hòa 3 nhiệm vụ với nhau: tăng gia sản xuất, công việc hàng ngày và học tập (chính trị, văn hóa, tình hình trong nước và thế giới).

5. Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích, cổ động, xét kỹ kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người). Trong lúc thi đua, phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi.

6. Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi. Vì vậy, thật thà tự phê bình và thân ái phê bình là một lực lượng để đẩy mạnh thi đua.

7. Thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian nào (những ngày kỷ niệm là những đợt để lấy đà và để kiểm thảo, chứ không phải qua những ngày ấy rồi lại nghỉ thi đua) không phải chỉ riêng ngành nào, nhóm người nào. Vì vậy, trong thi đua, chúng ta phải đồng thời bồi bổ lực lượng và tinh thần của quần chúng”(19).

Các phong trào thi đua trong thực tiễn, như: thanh niên “Ba sẵn sàng”, thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước… đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình trong phong trào thi đua, góp phần cổ vũ phong trào hành động cách mạng.

Đối với thiếu niên, nhi đồng, phong trào thi đua làm “nghìn việc tốt” lan rộng ở cả hai miền. Người nhận định: Đó là những anh hùng tương lai của một dân tộc anh hùng.

3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác bồi dưỡng thế hệ trẻ hiện nay

Quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng ta khẳng định: Thế hệ trẻ là chủ nhân, tương lai của đất nước, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng CNXH.

Trong những năm qua, công tác bồi dưỡng thế hệ trẻ đã đạt được nhiều kết quả. Đông đảo thế hệ trẻ đã phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ cha anh, phấn đấu vượt qua những khó khăn, thử thách trong lao động, sản xuất và học tập. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, đã tạo môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành nhân cách cao đẹp, sống có lý tưởng, có đạo đức cao đẹp, có lối sống tình nghĩa…

Phần lớn thanh niên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước, sống có trách nhiệm với Tổ quốc, gia đình và bản thân, có ước mơ, hoài bão, kiến thức, kỹ năng, sức khỏe tốt; có tư duy năng động, sáng tạo, lạc quan, tự tin, dám nghĩ, dám làm. Thanh niên là lực lượng lao động chủ yếu trên mọi lĩnh vực, lại có khả năng tiếp thu nhanh những kiến thức mới về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và quản lý kinh tế. Thanh niên đang là một nguồn lực rất quan trọng đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Các phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thi đua tình nguyện và bảo vệ Tổ quốc”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, v.v.. được đông đảo thanh niên hưởng ứng, tạo nên một sinh khí mới cho phong trào thanh niên cả nước. Nhiều tấm gương sáng, tài năng trẻ xuất hiện trên nhiều lĩnh vực, có những đóng góp quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng thanh, thiếu niên vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đúng và đầy đủ tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng thanh, thiếu niên, nhất là trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi. Việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác bồi dưỡng thanh, thiếu niên chưa đạt hiệu quả cao, nhiều mục tiêu đặt ra chưa đạt yêu cầu. Đội Thiếu niên chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Một bộ phận thanh niên thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên diễn biến phức tạp.

Kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, tăng cường bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân để hình thành thế hệ con người mới có phẩm chất tốt đẹp, có khí phách và quyết tâm hành động thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho thanh, thiếu niên; xây dựng chuẩn mực đạo đức và định hướng giá trị mới cho thanh, thiếu niên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hai là, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo cơ hội cho mọi người được học tập, không ngừng nâng cao trình độ, có tri thức và kỹ năng, vươn lên ngang tầm với các nước tiên tiến trên thế giới.

Ba là, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phát triển toàn diện. Xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống của người Việt Nam.

Bốn là, coi trọng hơn nữa việc trọng dụng tài năng trẻ, tạo bước chuyển có tính đột phá trong bố trí và sử dụng cán bộ trẻ trên tất cả các lĩnh vực.

Năm là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên, Đội Thiếu niên vững mạnh, thực sự là trường học XHCN, đội dự bị tin cậy của Đảng.

Sáu là, tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội và gia đình, phối hợp bồi dưỡng, phát huy vai trò và sức mạnh của thế hệ trẻ Việt Nam.

Bảy là, phát huy sự nỗ lực phấn đấu của mỗi thanh, thiếu niên trong học tập, lao động và cuộc sống; không ngừng rèn luyện đạo đức, lối sống, hoàn thiện nhân cách, trở thành công dân hữu ích, thành viên tốt trong gia đình, tích cực đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

4. Kết luận

Thế hệ trẻ được Đảng ta đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, bồi dưỡng phát triển thế hệ trẻ vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ thành lớp người “vừa hồng, vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh vừa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Sự nỗ lực, học tập, rèn luyện và phấn đấu không ngừng của thế hệ trẻ theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là yếu tố quan trọng để xây dựng thế hệ cách mạng cho đời sau.

_________________

Ngày nhận bài: 18-3-2024; Ngày bình duyệt: 7-4-2024; Ngày duyệt đăng: 13-4-2024.

(1), (2), (13), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.622, 622, 547, 547.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Sđd, tr.402.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.94.

(5), (7), (8), (10), (17), (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Sđd, tr.175, 186, 591, 377, 439, 439.

(6), (9), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.120, 117, 292.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.35.

(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Sđd, tr.265.

(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.420.

(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.146-147.

PGS, TS NGUYỄN THỊ KIM DUNG
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh