Đào tạo - Bồi dưỡng

Những thành tựu trong nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị khu vực IV (2019-2023)

25/09/2024 16:55

(LLCT) - Với vị trí, vai trò Trường Đảng Trung ương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong những năm qua, cùng với những thành tựu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, Học viện Chính trị khu vực IV đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Học viện khu vực IV cũng như của toàn hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Trên cơ sở khái lược bối cảnh, đặc điểm của Học viện Chính trị khu vực IV, bài viết tổng kết một số thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học 5 năm qua; đồng thời đề ra một số phương hướng tăng cường công tác nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.

TS PHAN CÔNG KHANH
Học viện Chính trị khu vực IV

Học viện Chính trị khu vực IV phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo tham vấn “Nghiên cứu hợp tác phát triển vùng”, tháng 4-2024.

1. Bối cảnh và đặc điểm của Học viện Chính trị khu vực IV trong triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học

Theo Quyết định số 6590-QĐ/HVCTQG ngày 01-11-2018 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị khu vực IV (Học viện IV) là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập ở khu vực Tây Nam Bộ; nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý(1). Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trong 5 năm gần đây, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện IV được thực hiện trong bối cảnh và đặc điểm chủ yếu sau:

Thứ nhất, thực tiễn đổi mới toàn diện và theo chiều sâu ở nước ta và khu vực đồng bằng sông Cửu Long đòi hỏi phải tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, góp phần làm rõ một số vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra đồng thời cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương ở khu vực. Thực tiễn này tạo cơ hội để Học viện IV triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức trong bối cảnh nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu khoa học của Học viện IV trên một số mặt cần phải cải thiện hơn nữa.

Thứ hai, những đổi mới về thể chế hoạt động khoa học và công nghệ ở nước ta, trong đó có Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đòi hỏi việc triển khai công tác nghiên cứu khoa học ở Học viện IV vừa tăng cường về số lượng nhiệm vụ, vừa nâng cao chất lượng thực hiện các nhiệm vụ khoa học. Chiến lược hoạt động khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2030 được ban hành năm 2016; Quy chế quản lý hoạt động khoa học ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành năm 2017 và nhiều quy định khác là cơ sở định hướng đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng hoạt động khoa học ở Học viện Chính trị khu vực IV.

Thứ ba, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói chung và Học viện IV nói riêng triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và tham mưu, tư vấn chính sách trong bối cảnh mới. Trong bối cảnh này, việc tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học được xem là một nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy việc thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ chính trị của Học viện IV.

Thứ tư, trong 5 năm qua, Học viện IV đã có sự phát triển toàn diện, từng bước khẳng định được vị thế, uy tín là một Trường Đảng trung ương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, so với các Học viện trực thuộc khác vốn có lịch sử phát triển trong thời gian dài, Học viện IV vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là những khó khăn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực trình độ cao.

2. Thành tựu hoạt động khoa học của Học viện Chính trị khu vực IV trong 5 năm

Trong những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học ở Học viện IV không ngừng được đẩy mạnh và đạt được nhiều thành tựu, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói chung, Học viện IV nói riêng. Những thành tựu trong công tác nghiên cứu khoa học của Học viện IV không chỉ thể hiện ở số lượng nhiệm vụ ngày càng tăng, mà còn thể hiện ở chất lượng của các nhiệm vụ cũng như kết quả trong xã hội hóa và tham mưu, tư vấn chính sách. Có thể khái quát những thành tựu này qua một số phương diện chủ yếu sau:

Một là, số lượng các đề tài khoa học các cấp do Học viện thực hiện tăng. Nếu giai đoạn 2015-2020, số lượng các đề tài khoa học do Học viện IV thực hiện còn khiêm tốn, chủ yếu là các đề tài khoa học sử dụng kinh phí của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thì trong 5 năm gần đây, số lượng các đề tài khoa học do Học viện IV thực hiện ngày càng tăng lên. Bên cạnh các đề tài khoa học sử dụng nguồn kinh phí của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, còn có nhiều đề tài cấp tỉnh. Cụ thể, trong 5 năm qua, Học viện IV đã và đang triển khai 74 đề tài khoa học các cấp, trong đó có 2 đề tài khoa học cấp quốc gia, 17 đề tài cấp bộ, cấp tỉnh và 55 đề tài khoa học cấp cơ sở. Việc thực hiện các đề tài khoa học góp phần tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tham mưu, tư vấn chính sách; và phục vụ đắc lực công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.

Hai là, hội thảo khoa học các cấp tăng về số lượng và được đổi mới, nâng cao chất lượng. Trong giai đoạn trước, hội thảo khoa học do Học viện IV tổ chức chủ yếu là hội thảo khoa học cấp cơ sở với số lượng không nhiều; thì trong 5 năm gần đây, số lượng hội thảo khoa học do Học viện chủ trì, phối hợp tổ chức tăng lên. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, Học viện đã chủ trì, phối hợp tổ chức gần 50 hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp, trong đó có 9 hội thảo, tọa đàm quốc tế, 8 hội thảo cấp bộ. Đặc biệt, Học viện đã phối hợp, hỗ trợ một số trường chính trị ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tổ chức hội thảo khoa học nhằm đáp ứng tiêu chí về nghiên cứu khoa học, hướng tới mục tiêu đạt Trường Chính trị chuẩn mức I. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học cũng được chú trọng, đã đẩy mạnh tổ chức nhiều tọa đàm khoa học quốc tế về những vấn đề cùng quan tâm.

Ba là, công tác xã hội hóa kết quả nghiên cứu ngày càng được quan tâm và đạt được kết quả. Trước đây, do nhiều nguyên nhân nên công tác xã hội hóa kết quả nghiên cứu còn chưa đáp ứng được yêu cầu; thì trong những năm gần đây đã được đẩy mạnh. Trong 5 năm qua, đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện đã xuất bản hơn 52 đầu sách (sách chuyên khảo, sách tham khảo), công bố hơn 500 bài viết trên các ấn phẩm khoa học, trong đó có một số bài được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín (trong danh mục WoS/Scopus).

Bốn là, kết quả nghiên cứu khoa học đã góp phần thúc đẩy công tác tham mưu, tư vấn chính sách. Trong 5 năm, cùng với những đổi mới trong công tác nghiên cứu khoa học và chất lượng nghiên cứu khoa học không ngừng nâng lên, hoạt động tham mưu, tư vấn chính sách ở Học viện IV cũng đã được tăng cường. Theo đó, bên cạnh các báo cáo kiến nghị, báo cáo chắt lọc kết quả nghiên cứu từ các đề tài khoa học, hội thảo khoa học các cấp, Học viện đã chủ động đề xuất và xây dựng 15 báo cáo kiến nghị, trong đó có 4 báo cáo đã được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phê duyệt gửi cấp có thẩm quyền và một số báo cáo khác đang trong quá trình hoàn thiện.

Năm là, công tác nghiên cứu khoa học góp phần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện IV đã được triển khai theo hướng phục vụ tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW. Theo đó, với các nhiệm vụ khoa học đã triển khai, kết quả nghiên cứu khoa học góp phần bổ sung, phát triển lý luận; đồng thời phục vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Thực tiễn cho thấy, sự tăng cường cả về số lượng và chất lượng các bài viết phản bác trực diện các quan điểm sai trái, thù địch, năng lực của đội ngũ cán bộ khoa học trong nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng không ngừng được cải thiện. Nhiều cán bộ khoa học của Học viện đã đạt giải cao trong Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tập thể Học viện đạt giải Tập thể xuất sắc trong Cuộc thi chính luận lần thứ II và lần thứ III.

Những thành tựu đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học của Học viện IV góp phần bồi dưỡng nguồn nhân lực, thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Học viện, đồng thời đóng góp vào những thành tựu chung của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Những thành tựu đạt được trong công tác này do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ to lớn và hiệu quả của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Thực tiễn cho thấy, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhất là việc thực hiện có hiệu quả tư duy hệ thống trong toàn bộ hoạt động của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng như sự tin tưởng, phân cấp trong hoạt động khoa học là yếu tố đặc biệt quan trọng thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học ở Học viện IV.

Thứ hai, hệ thống thể chế về hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Chiến lược hoạt động khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2030, Quy chế quản lý hoạt động khoa học ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và nhiều quy định khác không chỉ có ý nghĩa định hướng đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, mà còn thúc đẩy việc nâng cao chất lượng các hoạt động khoa học ở Học viện IV.

Thứ ba, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện IV và việc tăng cường đổi mới, hoàn thiện thể chế ở Học viện IV. Sự lãnh đạo sát sao, hiệu quả và sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện IV là nguyên nhân quan trọng tạo nên những kết quả trong nghiên cứu khoa học. Sự lãnh đạo, chỉ đạo này thể hiện trong chương trình công tác, ở việc xây dựng, ban hành các thể chế, như xây dựng và ban hành Chiến lược hoạt động khoa học của Học viện Chính trị khu vực IV giai đoạn 2021-2030; quy định về hỗ trợ cán bộ khoa học trong xuất bản sách, công bố quốc tế trong kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ có chức danh PGS ở Học viện IV.

Thứ tư, sự nỗ lực, tích cực của đội ngũ cán bộ khoa học và sự phối hợp giữa Học viện IV với các cơ quan và địa phương. Đội ngũ cán bộ khoa học ở Học viện IV nhìn chung còn trẻ, nhưng có khát vọng cống hiến và tinh thần tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học. Đây là nguyên nhân quan trọng để đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện IV ngày càng trưởng thành hơn trong quá trình tham gia và thực hiện các nhiệm vụ khoa học. Ngoài ra, Học viện không ngừng mở rộng và củng cố quan hệ với các đơn vị, địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và trong cả nước cũng như tăng cường hợp tác với đối tác quốc tế cũng là yếu tố quan trọng để tranh thủ nguồn lực cũng như phối hợp có hiệu quả trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ khoa học phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Học viện IV.

3. Một số khó khăn, hạn chế và phương hướng trong thời gian tới

Bên cạnh những thành tựu và kết quả đạt được, so với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện IV vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, trong đó có thể kể đến một số khó khăn, hạn chế chủ yếu, như: 1) Đội ngũ cán bộ khoa học có kinh nghiệm và năng lực trong nghiên cứu còn thiếu; 2) Số lượng các nhiệm vụ khoa học ngày càng tăng, nhưng chất lượng một số nhiệm vụ còn chưa đáp ứng yêu cầu; 3) Việc triển khai các nhiệm vụ khoa học cũng như hướng kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện IV cần tiếp tục cải thiện; 4) Kết quả các nghiên cứu được xã hội hóa trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế còn ít, chưa đáp ứng với kỳ vọng; 5) Công tác tham mưu, tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước cũng như cấp ủy và chính quyền địa phương cần tiếp tục tăng cường; 6) Công tác quản lý hoạt động khoa học còn một số bất cập; việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động khoa học còn một khoảng cách lớn so với yêu cầu.

Phát huy thành tựu và kết quả đạt được, trong thời gian tới, công tác nghiên cứu khoa học ở Học viện IV tập trung theo một số phương hướng cơ bản:

Thứ nhất, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 44-NQ/ĐU ngày 11-7-2024 của Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về tăng cường nghiên cứu khoa học, tham mưu, tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước trong tình hình mới. Đây là căn cứ để xây dựng và triển khai chương trình hành động cụ thể, trong đó bám sát các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, như: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đối với công tác nghiên cứu khoa học, tham mưu, tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước; tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý khoa học; tăng cường sự kết nối giữa Học viện với các cơ quan và địa phương trong công tác nghiên cứu khoa học, tham mưu, tư vấn chính sách; tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trên từng lĩnh vực, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, đội ngũ chuyên gia, đội ngũ cán bộ khoa học trẻ; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng và đưa vào vận hành hiệu quả hệ thống dữ liệu, thông tin khoa học.

Thứ hai, căn cứ Chiến lược hoạt động khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2030 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02-4-2022 của Bộ Chính trị để đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ khoa học vừa phù hợp với định hướng nghiên cứu chung của Học viện, vừa góp phần vào triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thứ ba, tiếp tục tổ chức có hiệu quả Chiến lược hoạt động khoa học của Học viện Chính trị khu vực IV giai đoạn 2021-2030. Theo đó, cùng với triển khai các hướng nghiên cứu chính và các hướng nghiên cứu ưu tiên, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp chủ yếu, như xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học; nâng cao chất lượng hoạt động khoa học; xây dựng môi trường khoa học, hoàn thiện thể chế tạo động lực nghiên cứu khoa học; tăng cường các nguồn lực hoạt động khoa học; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế(2).

Thứ tư, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động khoa học và các sản phẩm khoa học; đẩy mạnh xã hội hóa kết quả nghiên cứu và coi trọng hơn nữa công tác tham mưu, tư vấn chính sách.

Thứ năm, tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo và ủng hộ, hỗ trợ của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các viện, vụ chức năng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các đơn vị, địa phương trong cả nước đối với hoạt động khoa học của Học viện IV.

Như vậy, trong 5 năm qua, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện IV đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần đắc lực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Học viện IV, cũng như của toàn hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tuy vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhưng những thành tựu này là dấu ấn quan trọng trong lịch sử 18 năm xây dựng và phát triển của Học viện Chính trị khu vực IV.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 559 (9-2024)

Ngày nhận bài: 23-8-2024; Ngày bình duyệt: 27-8-2024; Ngày duyệt đăng: 05-9-2024.

(1) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Quyết định số 6590-QĐ/HVCTQG ngày 01-11-2018 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị khu vực IV.

(2) Học viện Chính trị khu vực IV: Chiến lược hoạt động khoa học giai đoạn 2021-2030, Cần Thơ.