Viện Thông tin khoa học trong sự phát triển của Học viện và các nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới
(LLCT) - Viện Thông tin khoa học là đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với sứ mệnh xuyên suốt là phát triển và cung cấp thông tin khoa học cho các hoạt động của Học viện. Trên chặng đường 75 năm xây dựng và phát triển của Học viện, Viện Thông tin khoa học không ngừng phấn đấu, lao động sáng tạo để xây dựng hệ thống thông tin khoa học ngày một phát triển và từng bước hiện đại. Bài viết nêu bật những đóng góp của Viện Thông tin khoa học trong lịch sử vẻ vang của Học viện; đồng thời xác định những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng phát triển công tác thông tin khoa học trong thời kỳ mới.
TS NGUYỄN MẠNH HẢI
Viện Thông tin khoa học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Những đóng góp của Viện Thông tin khoa học trên những chặng đường vẻ vang của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Viện Thông tin khoa học được thành lập tháng 01-1962, lúc đó là Phòng Tư liệu, thuộc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Viện Thông tin khoa học đã nhiều lần thay đổi tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy để phù hợp và phục vụ tốt nhất nhiệm vụ chính trị của Học viện trong từng thời kỳ. Từ một đơn vị với chức năng sưu tầm và cung cấp tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu, Viện đã trở thành một đơn vị đa chức năng về thông tin khoa học; bổ sung, quản lý, cung cấp tài liệu; đồng thời nghiên cứu phát triển thông tin khoa học; xuất bản tạp chí và các ấn phẩm thông tin; làm đầu mối nghiệp vụ thông tin khoa học, tư liệu, thư viện của hệ thống Học viện. Từ Phòng trở thành Viện với hệ thống tổ chức bộ máy gồm: Đảng bộ cơ sở, Công đoàn cơ sở, Chi đoàn cơ sở, Chi hội Thư viện (quy mô hệ thống Học viện), Chi hội Nhà báo (quy mô Viện); Ban lãnh đạo Viện và bốn đơn vị cấp phòng trực thuộc. Từ chỗ chỉ sử dụng phương thức phục vụ trực tiếp, thủ công, hiện nay Viện đã áp dụng đa phương thức phục vụ, trong đó chủ yếu là các phương thức hiện đại, thông qua các phần mềm, nền tảng số và internet. Từ hoạt động đơn lẻ, thụ động, Viện đã hội nhập và chủ động hợp tác với nhiều cơ quan trong và ngoài nước. Từ chỗ cơ sở vật chất ít ỏi, thủ công, thiếu thốn, nay Viện đã có cơ ngơi khang trang, hiện đại...
Sự phát triển không ngừng của Viện Thông tin khoa học là tiền đề để Viện đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng và công tác nghiên cứu khoa học của Học viện. Những thành tựu đó được khái quát trên các phương diện chủ yếu sau:
Một là, công tác thư viện góp phần quan trọng trong việc xây dựng và cung cấp nguồn tài liệu cho các hoạt động của Học viện
Đúng như Nghị quyết về công tác tư liệu ngày 01-4-1969 của Ban Giám đốc nhà trường xác định: “…không có tư liệu thì không thể nghiên cứu, giảng dạy được”; “làm công tác tư liệu tốt tức là một nửa công tác nghiên cứu và giảng dạy đã được giải quyết”(1), ngay từ giai đoạn đầu Phòng Tư liệu (nay là Viện Thông tin khoa học) được thành lập, công tác thông tin - tư liệu đã được quan tâm phát triển. Đánh giá về những thành tựu trong công tác tư liệu, Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương khẳng định: “Công tác tư liệu trong trường đã đi đúng hướng cả về nội dung cũng như hình thức hoạt động, đáp ứng kịp thời tài liệu cho học viên các lớp và cán bộ nghiên cứu, giảng dạy”(2).
Trong những năm qua, Viện không ngừng chú trọng phát triển số lượng và nội dung tài liệu; chủ trương đa dạng hóa hình thức bổ sung cả bằng việc đặt mua theo ngân sách nhà nước, nhận lưu chiểu các tài liệu nội sinh và nhận tài liệu trao tặng của các tổ chức, cá nhân. Đến nay, thư viện đang quản lý và tổ chức phục vụ bạn đọc với hơn 135 nghìn đầu sách, 129 tạp chí tiếng Việt, 29 tạp chí tiếng nước ngoài, hàng trăm tờ báo ngày và báo tuần, 1.896 luận án tiến sĩ, 15.852 luận văn thạc sĩ, hàng chục nghìn luận văn cử nhân chính trị và cao cấp lý luận chính trị, hơn 1.000 đề án của học viên các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp, cán bộ quy hoạch cấp chiến lược của Đảng. Các tài liệu đều được xử lý nghiệp vụ theo chuẩn quốc tế phổ quát ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, thư viện điện tử, thư viện số cũng được quan tâm đẩy mạnh. Năm 2022, Viện bổ sung tài liệu trực tuyến của Bản tin Thông tấn xã Việt Nam, một số tạp chí nước ngoài, sách điện tử của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, cơ sở dữ liệu khoa học của Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia(3). Vì vậy, số lượt bạn đọc đăng ký tài khoản và truy cập thư viện số tăng rất nhanh. Đầu năm 2021, chỉ có hơn 1.000 tài khoản bạn đọc với khoảng 20 nghìn lượt truy cập/tháng thì đến nay đã có 10.320 tài khoản với trung bình khoảng 200 nghìn lượt truy cập/tháng. Hiện nay, thư viện số do Viện vận hành đang là địa chỉ có lượng truy cập lớn nhất hệ thống Học viện, tính riêng tháng 5 năm 2024 đã có 328.307 lượt truy cập, trong 12 tháng gần đây (từ tháng 7-2023 đến hết tháng 7-2024), có tới 5.277.891 lượt truy cập(4).
Mục lục trực tuyến được bổ sung thường xuyên. Các tài liệu bản in đều được xây dựng mục lục trực tuyến và cập nhật kịp thời lên thư viện điện tử. Hiện nay, mục lục trực tuyến đã có trên 152.404 biểu ghi, tăng khoảng 11 nghìn biểu ghi/năm. Viện tổ chức bộ phận chuyên trách xây dựng, cập nhật, quản lý thư viện số với 24.356 tài liệu toàn văn, tương đương hơn 3 triệu trang tài liệu, tăng gần 3.000 tài liệu/năm(5), cung cấp nội dung luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, đề tài nghiên cứu khoa học; nội dung toàn văn của 15 tạp chí khoa học trong hệ thống Học viện (xuất bản từ năm 2018 đến nay); thông tin chuyên đề và một số sách. Các tài liệu này được cập nhật theo Quy chế hoạt động thư viện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Hai là, xuất bản tạp chí và các ấn phẩm thông tin khoa học ngày càng đa dạng hóa về loại hình và nâng cao về chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng và chuyên sâu về thông tin khoa học của Học viện
Tạp chí Thông tin khoa học lý luận chính trị xuất bản số đầu tháng 3-2011, thuộc Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm của Hội đồng Giáo sư nhà nước ngành Triết học - Chính trị học - Xã hội học, năm 2024 đã có 03 ngành được tăng điểm lên 0,75. Hệ thống các bài viết nghiên cứu của các học giả trong và ngoài Học viện về các vấn đề lý luận chính trị ở các chuyên mục như Nghiên cứu lý luận và thực tiễn, Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng... là nguồn thông tin khoa học phong phú, chất lượng cho bạn đọc.
Chuyên san Những vấn đề lý luận (phục vụ lãnh đạo) là ấn phẩm của Tạp chí Thông tin khoa học lý luận chính trị , tiền thân là Bản tin Thông tin những vấn đề lý luận (phục vụ lãnh đạo) được Viện Thông tin khoa học xuất bản lần đầu năm 1989, được Bộ Văn hóa và Thông tin cấp giấy phép xuất bản năm 1994. Chuyên san là một trong ba ấn phẩm báo chí có lịch sử lâu đời nhất Học viện (sau Tạp chí Lý luận chính trị và Tạp chí Lịch sử Đảng). Ban đầu, Chuyên san ra đời phục vụ nhu cầu thông tin ngắn gọn, chính xác, kịp thời, đa chiều trong và ngoài nước của các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Đến nay, Chuyên san là nguồn cung cấp thông tin đa chiều về những vấn đề lý luận trong nước và quốc tế phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý (đặc biệt là cán bộ cao cấp của hệ thống chính trị) và cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của hệ thống Học viện.
Tủ sách phục vụ lãnh đạo ra đời từ cuối năm 2011 nhằm sưu tầm, xuất bản các ấn phẩm khoa học, đáp ứng nhu cầu thông tin cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược của đất nước. Những cuốn sách thuộc Tủ sách phục vụ lãnh đạo, tiêu biểu như: Tại sao Mác đúng?, Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội, Một số vấn đề về các đảng chính trị trên thế giới... cung cấp những thông tin khoa học đặc biệt hữu ích đối với người đọc là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược.
Hoạt động khai thác thông tin ngoại văn được Viện Thông tin khoa học triển khai từ sớm, ngay trong những năm đầu thành lập để khai thác, biên dịch làm thông tin tư liệu phục vụ giảng dạy, nghiên cứu và học tập. Từ năm 2016 đến nay, hoạt động này được thực hiện một cách bài bản, các ấn phẩm được xuất bản định kỳ, gồm 02 ấn phẩm: Tư liệu khoa học: Lý luận và thực tiễn thế giới; Thông tin tư liệu chuyên đề: Lý luận và thực tiễn thế giới. Hai ấn phẩm này với hàng nghìn trang tài liệu biên dịch mỗi năm về nhiều chủ đề phong phú, cập nhật, đã góp phần tạo nên một kho thông tin khoa học ngoại văn đặc sắc.
Thông tin chuyên đề là một trong các nhiệm vụ cơ bản, truyền thống của Viện Thông tin khoa học về các vấn đề mới, nhạy cảm, quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến xã hội, để cán bộ và học viên tiếp cận những thông tin chính thức, chính xác, đầy đủ và kịp thời phục vụ giảng dạy, nghiên cứu, học tập. Viện đã tổ chức hàng trăm buổi thông tin chuyên đề cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên và học viên do các đồng chí lãnh đạo, quản lý cấp cao, các chuyên gia về các lĩnh vực được mời đến báo cáo trực tiếp. Trong và sau đại dịch Covid-19, Viện đã kịp thời chuyển đổi hình thức thông tin, kết hợp tổ chức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến, xuất bản ấn phẩm in và điện tử, không để gián đoạn thông tin, kịp thời đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc.
Ba là, công tác nghiên cứu khoa học của Viện góp phần thực hiện các nhiệm vụ khoa học và đào tạo, bồi dưỡng của Học viện, đồng thời giúp cho Viện xây dựng nguồn thông tin khoa học đúng, trúng và kịp thời
Công tác nghiên cứu khoa học được triển khai tại Viện Thông tin khoa học từ rất sớm, gắn công tác thông tin với công tác nghiên cứu khoa học và với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ mà Viện được giao trong từng giai đoạn. Năm 1991, Hội đồng khoa học của Viện được thành lập; Viện đã chủ trì và tham gia hàng trăm nhiệm vụ khoa học các cấp, từ đề tài cấp nhà nước, đề tài cấp bộ trọng điểm, đề tài cấp bộ, đề tài cấp cơ sở, hội thảo, toạ đàm, thông tin khoa học, khảo sát thực tế… Chỉ tính giai đoạn 2016 - 2024, Viện đã thực hiện 01 đề tài cấp nhà nước, 12 đề tài cấp bộ, 35 đề tài cấp cơ sở, hàng chục hội thảo, tọa đàm, thông tin khoa học, khảo sát thực tế. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ của Viện tham gia tích cực vào các nhiệm vụ khoa học của Học viện, của các đơn vị trực thuộc Học viện, tham gia tích cực các cuộc thi viết chính luận do Học viện tổ chức hoặc đồng tổ chức, Viện đã đạt 01 giải A và 01 giải Triển vọng dành cho cá nhân.
Từ năm 2021, Viện được giao nhiệm vụ tổ chức báo cáo chuyên đề nghiên cứu thực tế cho các lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung. Các chuyên đề được thực hiện bởi các chuyên gia, nhà nghiên cứu uy tín là các cộng tác viên truyền thống của Viện trong các hoạt động nghiên cứu khoa học từ nhiều năm qua, nên đã đạt được kết quả rất tích cực, được học viên đánh giá tốt. Đến nay, Viện được giao tổ chức báo cáo chuyên đề cho 82 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung.
Bốn là, công tác quản lý hệ thống về thông tin khoa học được chú trọng, góp phần thống nhất và chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng chia sẻ hệ thống thông tin khoa học của Học viện
Nhằm tăng cường năng lực hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học cho cán bộ, viên chức của Viện và cán bộ, viên chức làm công tác thông tin khoa học ở các đơn vị thuộc Học viện, Viện đã tổ chức hàng chục lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là nhiệm vụ mang tính cơ bản và rất cần thiết để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin khoa học của Học viện, đồng thời là diễn đàn trao đổi, nắm bắt, chia sẻ và thống nhất chuyên môn công tác.
Từ năm 2016 đến nay, Viện đã tổ chức 11 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện cho cán bộ làm công tác thư viện toàn hệ thống Học viện và các trường chính trị cấp tỉnh. Các lớp bồi dưỡng đã góp phần giúp cho cán bộ làm công tác thư viện cập nhật, tiếp cận và thống nhất chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Từ năm 2019, Viện đã tổ chức xây dựng và tham mưu Giám đốc Học viện ban hành Quy chế hoạt động thư viện của hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Quy chế này đã giúp cho các thư viện và công tác thư viện trong toàn Học viện được thống nhất về nguyên tắc trong hoạt động, thống nhất về các chuẩn nghiệp vụ thư viện, bao gồm cả thư viện truyền thống và thư viện hiện đại; tạo khả năng kết nối, chia sẻ và dùng chung các sản phẩm và dịch vụ thư viện.
Từ năm 2018, Viện dã xây dựng phần mềm kiểm tra trùng lặp luận văn, luận án, sau này được mở rộng kiểm tra trùng lặp các sản phẩm khoa học và đào tạo nói chung nhằm góp phần nâng cao liêm chính học thuật ở Học viện. Đây cũng là công cụ mang tính hệ thống vì nó góp phần sử dụng dữ liệu của toàn hệ thống Học viện cũng như các dữ liệu ngoài hệ thống Học viện để kiểm tra trùng lặp đối với các sản phẩm học thuật và khoa học của Học viện.
Từ năm 2019, Liên Chi hội Thư viện được thành lập, được Hội Thư viện Việt Nam chuẩn y. Liên Chi hội Thư viện Học viện bao gồm toàn bộ cán bộ làm công tác thư viện tại Viện Thông tin khoa học, các trung tâm Thông tin khoa học ở Học viện trực thuộc. Đây là diễn đàn chuyên môn của những người làm công tác thư viện trong toàn hệ thống Học viện, kết nối với sinh hoạt chuyên môn của Hội thư viện Việt Nam, cũng như Hiệp hội Thư viện Đông Nam Á.
Năm là, hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ góp phần quan trọng vào công tác hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học của Học viện
Từ khi thành lập (năm 2014) đến nay, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã hỗ trợ, kết nối và tổ chức cho hàng chục lượt cán bộ, chuyên gia của Học viện sang nghiên cứu, trao đổi học thuật tại Ấn Độ; làm đầu mối tổ chức, hỗ trợ nhiều đoàn chuyên gia của Ấn Độ sang Việt Nam và tham gia hội thảo, khảo sát, nghiên cứu và báo cáo chuyên đề cho các lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cấp chiến lược mà Học viện được Trung ương Đảng giao.
Trung tâm đã tham mưu và trực tiếp tham gia tổ chức 08 hội thảo quốc tế quy mô lớn, như: “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế”, “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ về an ninh năng lượng trong bối cảnh mới”, “Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ qua lăng kính triết lý của Hồ Chí Minh và Gandhi” (tại Ấn Độ), “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ: Thành tựu và triển vọng”... và nhiều buổi tọa đàm, thông tin chuyên đề với các diễn giả từ Đại sứ quán Ấn Độ và các tổ chức nghiên cứu hàng đầu của Ấn Độ.
Trung tâm đã xây dựng và vận hành website, cung cấp những thông tin cập nhật về tình hình Ấn Độ, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ và những nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước. Website có bản tiếng Việt và tiếng Anh. Tính đến tháng 9-2024, Website đã đăng tải tổng cộng 5.685 bài, nhiều bài viết có chất lượng cao, thu hút lượng lớn độc giả.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã tích cực tổ chức nghiên cứu, biên soạn, biên dịch và xuất bản hàng chục đầu sách, trong đó có nhiều cuốn sách gây được tiếng vang tốt trong giới học giả Việt Nam, Ấn Độ như: Hồ Chí Minh với Ấn Độ (song ngữ), Việt Nam - Ấn Độ: 45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược, Việt Nam - Ấn Độ: bối cảnh mới, tầm nhìn mới...
2. Những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới
Đánh giá về công tác thông tin khoa học, đồng chí Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện khẳng định, Học viện đã “chú trọng lãnh đạo công tác thông tin khoa học theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu tra cứu tài liệu trực tuyến của bạn đọc trong và ngoài Học viện”(6). Để tiếp nối những thành tựu và đóng góp của công tác thông tin khoa học trong thời gian qua, thích ứng và tranh thủ thời cơ, điều kiện trong thời kỳ mới, Viện Thông tin khoa học xác định những yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp tập trung thực hiện sau đây:
Thứ nhất, phát triển thông tin khoa học bám sát nhiệm vụ chính trị của Học viện
Phát triển thông tin khoa học bám sát thực tiễn, nhất là thực tiễn gắn với những vấn đề mới mà Đại hội XIII của Đảng đề ra; tiếp tục đổi mới mạnh hơn nữa công tác thông tin khoa học theo hướng cập nhật thông tin về tình hình quốc tế, khu vực, trong nước và những yêu cầu đặt ra, đồng thời khẳng định được đường lối, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời, cần căn cứ vào nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng; đáp ứng về quy mô đào tạo, bồi dưỡng; phù hợp với đa dạng các loại hình đào tạo, bồi dưỡng; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, điều kiện thực tiễn, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị; thích ứng với phương pháp đào tạo, bồi dưỡng của Học viện; phát huy hiệu quả việc đổi mới phương pháp và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy.
Phát triển thông tin khoa học phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, bám sát Chiến lược Hoạt động khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2030. Theo đó, số hóa các kết quả nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu hoặc công bố, ngoại trừ những tài liệu được bảo quản theo chế độ mật. Liên kết, chia sẻ thông tin khoa học của Học viện với thông tin của các trung tâm khoa học lớn trong và ngoài nước; tăng cường các hoạt động dịch vụ thông tin khoa học. Thông tin khoa học phải là một nhân tố góp phần nâng cao chất lượng các đề tài khoa học, tham mưu, tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương.
Thứ hai, phát triển tài nguyên thông tin khoa học về số lượng, chất lượng và đa dạng về loại hình
Đối với công tác thư viện, tiếp tục đổi mới, thường xuyên cập nhật thông tin, tư liệu phục vụ bạn đọc; bổ sung sách, báo, tạp chí khoa học trong và ngoài nước kịp thời, đúng đối tượng và tiêu chuẩn phục vụ; tiếp tục việc bổ sung sách, báo, tạp chí bảo đảm đúng kỹ thuật, quy trình nghiệp vụ thông tin - tư liệu - thư viện của Viện, của Học viện và của Nhà nước; tiếp tục số hóa tài liệu, tư liệu, xây dựng nguồn tài nguyên số cho thư viện điện tử, thư viện số; liên hệ, kết nối với các cơ quan trong và ngoài nước để bổ sung nguồn tài nguyên thông tin số.
Tổ chức xuất bản Tạp chí Thông tin khoa học lý luận chính trị và Chuyên san Những vấn đề lý luận (phục vụ lãnh đạo), Tư liệu khoa học: Lý luận và thực tiễn thế giới, Thông tin tư liệu chuyên đề: Lý luận và thực tiễn thế giới, Thông tin chuyên đề, Thông báo tài liệu mới, Thông báo sách mới,... bảo đảm chất lượng, tiến độ, đa dạng phương thức phát hành (bản giấy, bản số). Tổ chức tốt lực lượng cộng tác viên trong và ngoài Học viện để phục vụ cho các ấn phẩm trên.
Thứ ba, chuyển đổi số thông tin khoa học là khâu đột phá trong mô hình quản trị Học viện thông minh
Học viện tiếp tục “đẩy mạnh quản lý hệ thống, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các mặt hoạt động của Học viện”(7). Do đó, các hoạt động quản lý, điều hành, đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học của Học viện sẽ được diễn ra trên nền tảng số ngày càng nhiều. Học viện đang triển khai xây dựng Đề án mô hình quản trị Học viện thông minh với sự kỳ vọng lớn của lãnh đạo và cán bộ, giảng viên Học viện về chuyển đổi số, quản lý hệ thống toàn bộ hoạt động của Học viện thông qua mô hình này. Các thành phần của mô hình quản trị Học viện thông minh tại Học viện bao gồm: hợp phần chỉ đạo, điều hành thông minh; hợp phần hỗ trợ đào tạo; hệ hỗ trợ nghiên cứu khoa học; hợp phần E-learning và học tập tích cực; hệ hỗ trợ nghiên cứu và chia sẻ tri thức; kho dữ liệu số và thư viện điện tử, và hợp phần an toàn an ninh mạng.
Kho dữ liệu số và thư viện điện tử của Học viện được hình thành từ rất nhiều nguồn, như: từ các hoạt động thư viện; từ các phần mềm quản lý, điều hành; Cổng thông tin/trang thông tin điện tử, tạp chí điện tử; các trang mạng xã hội; hệ thống truyền hình giảng đường, giao ban trực tuyến; các thiết bị lưu trữ: CD-ROM, DVD, phim tài liệu,... trong đó, tài nguyên số từ các hoạt động thông tin khoa học (thư viện) chiếm dung lượng lớn và có chất lượng cao. Trong thời gian tới, nguồn tài nguyên số về thông tin khoa học cần được thường xuyên khảo sát, chọn lọc, bổ sung. Tăng cường số hóa, chuẩn hóa các nguồn dữ liệu khác, như: các nguồn dữ liệu về các tài liệu mật, các tài liệu của các viện chuyên ngành (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Viện Lịch sử Đảng,...), các tài liệu toàn văn của các tạp chí, bản tin,... của Học viện cần được đưa vào quản lý, khai thác trên môi trường số.
Thứ tư, xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin hiện đại, bảo đảm kết nối, chia sẻ thông tin khoa học, trước hết trong hệ thống Học viện và các trường chính trị cấp tỉnh
Cuộc cách mạng số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã hình thành sự thay đổi thói quen tiếp nhận, xử lý thông tin. Thông tin khoa học ngày càng lệ thuộc vào các phương tiện kỹ thuật số để đến được với người dùng. Thư viện số của Học viện hiện nay là một khối tài nguyên thông tin rất quý, khá lớn và rất chuyên sâu, sát hợp với những nội dung và các mặt công tác của Học viện cũng như các trường chính trị cấp tỉnh. Để những thông tin khoa học này có thể kết nối, chia sẻ rộng khắp, nhanh chóng và sử dụng thuận lợi trong toàn hệ thống Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố, bộ ngành, hệ thống hạ tầng thông tin cần được hiện đại hóa đồng bộ. Hệ thống máy chủ và lưu trữ phải có năng lực xử lý và lưu trữ lớn, được ứng dụng những công nghệ mới, hiện đại. Cần lựa chọn các phần mềm thư viện thông minh, hiệu quả, phù hợp với mô hình hệ thống thư viện của hệ thống Học viện, lấy Thư viện Học viện là trung tâm, thư viện của 5 học viện trực thuộc là các thành viên. Cần bảo đảm đường truyền mạng ổn định, băng thông lớn, bởi đặc điểm của các tài liệu số thông tin khoa học thường có dung lượng lớn, cùng với số lượng lớn bạn đọc truy cập đồng thời. Trang bị, bảo trì các thiết bị số hóa, phần mềm số hóa hiện đại, có tốc độ số hóa cao, bảo đảm chất lượng. Trên hết là tư duy và triển khai thực hiện các nhiệm vụ này phải trên tinh thần hệ thống, vì lợi ích chung của Học viện.
Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ làm thông tin khoa học có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực chuyên môn đáp ứng các yêu cầu mới
“Cán bộ là gốc của mọi công việc”, trong bối cảnh mới, phát triển thông tin khoa học cần đặc biệt chú trọng đến công tác cán bộ. Hiện nay, tại Học viện, số lượng cán bộ làm công tác thông tin khoa học phần lớn được đào tạo từ các ngành, lĩnh vực khác, được đào tạo chuyên ngành về lĩnh vực thông tin - thư viện, báo chí truyền thông không nhiều. Đội ngũ cán bộ thông tin khoa học ở Học viện cần được xây dựng tương thích về phẩm chất chính trị, cơ cấu và trình độ chuyên môn. Về phẩm chất, là cán bộ trường Đảng làm thông tin khoa học, trước hết phải bảo đảm về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh và nhãn quan chính trị đúng đắn để tiếp nhận, xử lý, chắt lọc và truyền bá thông tin khoa học phù hợp. Về cơ cấu, đội ngũ đó cần tương thích với quy trình của hoạt động thông tin khoa học như nhân lực thu thập dữ liệu, nhân lực xử lý tin, nhân lực biên tập các ấn phẩm và dịch vụ thông tin, nhân lực kỹ thuật... Về trình độ chuyên môn, đội ngũ cán bộ cần được đào tạo cơ bản về lý luận chính trị và nghiệp vụ thông tin khoa học, đồng thời, cần được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nhất là trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vì vậy, cần thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị, chuyên môn cho cán bộ. Bên cạnh đó, về dài hạn, phải có kế hoạch phát triển đội ngũ có phẩm chất, năng lực, đáp ứng các yêu cầu mới của công tác thông tin khoa học.
Như vậy, trên những chặng đường vẻ vang của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đều có dấu ấn, sự đóng góp rất thiết thực và cụ thể của công tác thông tin khoa học. Đội ngũ cán bộ Viện Thông tin khoa học đã luôn dành nhiều tình cảm, tâm huyết, trí tuệ và công sức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện giao. Với bề dày kinh nghiệm, quyết tâm học hỏi vươn lên, tập thể lãnh đạo và cán bộ Viện Thông tin khoa học tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Học viện, đóng góp vào sự phát triển chung vì một Học viện ngày càng vững mạnh; khẳng định vai trò là cái nôi đào tạo cán bộ cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và dân tộc ta(8).
_________________
Ngày nhận bài: 20-8-2024; Ngày bình duyệt: 29-8-2024; Ngày duyệt đăng: 05-9-2024.
(1), (2) Xem: Viện Thông tin khoa học: Viện Thông tin khoa học: 55 năm xây dựng và phát triển, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2016, tr.17-18, 19.
(3) Xem: Cơ sở dữ liệu khoa học của Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, http://lhtv.vista.vn.
(4) Theo thống kế lượt bạn đọc truy cập trên trang thư viện số dlib.vienthongtinkhoahoc.org.vn, truy cập ngày 16-8-2024.
(5) Theo thống kế tài liệu trên trang thư viện số dlib.vienthongtinkhoahoc.org.vn, truy cập 16-8-2024.
(6), (7) Nguyễn Xuân Thắng: Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo, thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị được giao, Tạp chí Lý luận chính trị, số 9-2020, tr.8, 9.
(8) Xem: Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1949 - 2019), ngày 14-9-2019.