Tin tức

Hội thảo khoa học “Hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng”

27/09/2024 17:58

(LLCT) - Ngày 27-9-2024, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng”.

MINH PHƯƠNG - HẢI HẬU

GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc, đề dẫn Hội thảo _ Ảnh: HCMA

Dự và chủ trì Hội thảo có GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cùng chủ trì có PGS, TS Trương Hồ Hải, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; PGS, TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tham dự Hội thảo có đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ: Trong quá trình phát triển, các quốc gia đều phải phân định hợp lý vai trò, chức năng của 3 thành tố nhà nước, thị trường, xã hội và mối quan hệ giữa 3 thành tố đó nhằm hỗ trợ nhau, phát huy thế mạnh của từng thành tố, tạo nên sức mạnh tổng thể trong khai thác các nguồn lực, góp phần phát triển bền vững quốc gia.

Ở Việt Nam, việc nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử. Vai trò của Nhà nước được điều chỉnh ngày càng phù hợp hơn với cơ chế thị trường, không ngừng phát huy được dân chủ trong đời sống kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề đặt ra trong nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Sự phối hợp, tương tác giữa Nhà nước, thị trường và xã hội còn có một số bất cập.

Bộ máy nhà nước chưa theo kịp với đổi mới trong hoạt động thực tiễn của đời sống kinh tế - xã hội; vẫn còn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, kỷ luật, kỷ cương không nghiêm trong thực thi công vụ dẫn đến cản trở việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm xấu môi trường đầu tư kinh doanh; sự lạm dụng hoặc kiểm soát quá đà dẫn đến thị trường bị biến dạng, chưa vận hành đúng quy luật của thị trường, chưa giải quyết tốt các vấn đề xã hội, môi trường.

Đại biểu tham luận bàn tròn tại hội thảo

Hơn 40 tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn những cơ sở khoa học của mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.

Một là, các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã làm rõ một số vấn đề lý luận về hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09-11-2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, tập trung làm rõ những vấn đề trọng tâm của hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội như: tạo lập môi trường pháp lý toàn diện, đồng bộ, thống nhất để Nhà nước, thị trường và xã hội phát đầy đủ vai trò của mình; hoàn thiện tổ chức và hoạt động của thiết chế Nhà nước, thị trường và xã hội; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.

Hai là, các tham luận đã tập trung nghiên cứu thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội ở một số quốc gia trên các phương diện: quản trị và hoạch định chính sách; quản lý cung ứng dịch vụ công; trong thực thi dân chủ, khuyến khích sự tham gia của người dân và xã hội vào các công việc của Nhà nước; chỉ ra những kinh nghiệm từ các quốc gia, có giá trị tham khảo đối với Việt Nam trong hoàn thiện thể chế về mối quan hệ này.

Ba là, các tham luận đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt trong hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, làm rõ một số vấn đề đặt ra trong quá trình hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội như: cơ sở khoa học và thực tiễn của mối quan hệ Nhà nước, thị trường và xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nguyên tắc giải quyết mối quan hệ này, mối quan hệ này ở Việt Nam có đặc thù gì; làm thế nào để Nhà nước không đứng ngoài thị trường nhưng cũng không làm thay thị trường, Nhà nước chủ động can thiệp vào thị trường để thúc đẩy phát triển và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra. Làm thế nào để xử lý, giải quyết tốt nhất mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam…

Bốn là, nhiều tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã đề xuất các định hướng, kiến nghị nhằm hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội: hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền tài sản của mọi tổ chức và cá nhân, tạo “sân chơi” công bằng cho các chủ thể trên thị trường tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, chống độc quyền, loại bỏ “nhóm trục lợi”; hoàn thiện thể chế về hệ thống phúc lợi xã hội nhằm khắc phục bất công xã hội phát sinh sau khi phân phối lần đầu; hoàn thiện thể chế về an sinh xã hội dựa trên cơ chế đóng - hưởng và chia sẻ, giúp người dân luôn duy trì thu nhập tối thiểu, phòng ngừa khi gặp rủi ro, mất sức lao động vẫn được bảo vệ và chăm sóc, không rơi vào cùng cực; hoàn thiện thể chế về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của Nhà nước để người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực nhà nước, dịch vụ công một cách công bằng, loại bỏ cơ chế “xin - cho”; hoàn thiện thể chế về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, người dân và truyền thông - báo chí; hoàn thiện thể chế về huy động nguồn lực xã hội để bổ sung, bù đắp cho giới hạn của nguồn lực nhà nước; kết hợp thể chế luật pháp với thể chế xã hội, quản lý nhà nước với tự quản cộng đồng để nâng cao hiệu quả quản lý phát triển xã hội.

Phát biểu kết luận Hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi khẳng định, các tham luận và ý kiến phát biểu của các nhà khoa học đều sát với tình hình thực tiễn hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, làm rõ định hướng hoàn thiện thể chế về mối quan hệ này trong Văn kiện của Đảng, đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục cụ thể hóa các định hướng đó góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống thể chế thực sự khoa học trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

GS, TS Lê Văn Lợi đề nghị Viện Nhà nước và Pháp luật, Vụ Quản lý Khoa học cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để gửi đến các cơ quan có thẩm quyền tham khảo trong công tác tham mưu, hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.