Đào tạo - Bồi dưỡng

Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang thực hiện phong trào thi đua “Dạy tốt, nghiên cứu tốt, quản lý tốt, phục vụ tốt”

29/09/2024 15:17

(LLCT) - Tại Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang, phong trào thi đua “Dạy tốt, nghiên cứu tốt, quản lý tốt, phục vụ tốt” đã góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn. Bài viết làm rõ kết quả, một số hạn chế, nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp đổi mới các hoạt động thi đua trong thời gian tới.

ThS ĐỖ VĂN LANH
Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang

Đoàn công tác của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh do PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện làm trưởng đoàn đến khảo sát, đánh giá việc thực hiện các nội dung, tiêu chí về chuẩn mức 1 của Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang _ Ảnh: BBG

1. Mở đầu

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và nhưng người thi đua là những người yêu nước nhất”(1). Thi đua khen thưởng có vai trò quan trọng, nhằm huy động sức người, sức của, phát huy tinh thần yêu nước trong kháng chiến và trong công cuộc xây dựng, đổi mới và bảo vệ Tổ quốc.

Quán triệt tư tưởng của Người, Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang đã thực hiện tốt công tác thi đua phát huy sức mạnh của tập thể, tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, viên chức, người lao động trong thực thi nhiệm vụ, xây dựng đội ngũ viên chức chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại, bản lĩnh chính trị vững vàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

2. Thực trạng các phong trào thi đua ở Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang

Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên trực thuộc Tỉnh ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trường có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở và cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh về lý luận chính trị; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là chức năng, nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng, là sứ mệnh của Trường.

Bộ máy tổ chức của Trường gồm: Ban Giám hiệu, 3 khoa, 2 phòng chức năng với 49 cán bộ, viên chức và người lao động. Đảng bộ Trường gồm 5 chi bộ trực thuộc, với tổng số 43 đảng viên. Công đoàn Trường gồm 5 tổ công đoàn, với 49 công đoàn viên; Chi đoàn thanh niên có 11 đoàn viên. Trong những năm qua, Trường đã thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn (giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, đi thực tế, xây dựng đội ngũ giảng viên. Phong trào thi đua của Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang luôn được giữ vững và không ngừng phát triển đã trở thành động lực tinh thần không thể thiếu đối với tất cả cán bộ, viên chức trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ đã được phân công. Trong đó, phong trào “Dạy tốt, nghiên cứu tốt, quản lý tốt, phục vụ tốt” được thực hiện thường xuyên, liên tục góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Trường, đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư.

Những thành tựu của phong trào thi đua

Xác định được ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của các phong trào thi đua đối với chất lượng, hiệu quả làm việc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang luôn xác định: Chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhất là đội ngũ giảng viên có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của trường. Khi trình độ, năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ viên chức được nâng lên sẽ là điều kiện, tiền đề để nâng cao chất lượng công tác, đào tạo, bồi dưỡng. Vì thế, hằng năm Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo Ban Chấp hành Công đoàn, Chi đoàn thanh niên tổ chức các đợt hưởng ứng phong trào thi đua “Dạy tốt, nghiên cứu tốt, quản lý tốt, phục vụ tốt” nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm cho toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động, đoàn viên các đoàn thể chính trị - xã hội thuộc Trường.

Các phong trào do Ban Giám hiệu, Công đoàn, Chi đoàn thanh niên Nhà trường phát động được viên chức, người lao động, đoàn viên tham gia hưởng ứng nhiệt tình và mang lại kết quả tốt, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Tỉnh ủy giao hằng năm. Kết quả thi đua trên từng mặt hoạt động của Trường như sau:

Một là, phong trào thi đua dạy tốt được giảng viên tham gia nhiệt tình thông qua các hoạt động chuyên môn

(i) Hoạt động dự giờ của các khoa được tổ chức thường xuyên theo kế hoạch. Các khoa chủ động xây dựng kế hoạch dự giờ giảng viên của đơn vị, báo cáo và mời đại diện Ban Giám hiệu, lãnh đạo Phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học dự. Sau dự giờ, khoa tổ chức họp góp ý, rút kinh nghiệm đối với từng tiết giảng. Song song với hoạt động dự giờ của khoa, hằng năm Trường ban hành kế hoạch dự giờ giảng viên của Trường theo hướng bảo đảm mỗi quý dự từ 1 đến 2 giảng viên. Thành phần tham dự gồm: Hội đồng khoa học và toàn thể giảng viên cơ hữu, kiêm nhiệm của khoa có giảng viên được dự giờ. Sau khi kết thúc dự giờ, Ban Giám hiệu tổ chức họp, đóng góp ý kiến, rút kinh nghiệm và đánh giá chất lượng tiết giảng khách quan, toàn diện.

Hoạt động dự giờ, góp ý, rút kinh nghiệm trong giảng dạy của Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang hiện nay là một hoạt động chuyên môn được thực hiện nền nếp từ cấp khoa, đến cấp trường. Đội ngũ giảng viên xác định, được dự giờ, rút kinh nghiệm là một nhiệm vụ, trọng trách nhưng cũng là vinh dự, qua đó giúp mỗi giảng viên giảng bài ngày càng tốt hơn, nhất là đối với những giảng viên trẻ, giảng viên không giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

(ii) Đội ngũ giảng viên tham gia nhiệt tình hoạt động thao giảng cấp khoa, hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường và hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc và đạt kết quả tốt.

Hoạt động thao giảng cấp khoa được Ban Giám hiệu Nhà trường chỉ đạo nền nếp theo quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Hằng năm, căn cứ kế hoạch tổ chức hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường, các khoa chuyên môn xây dựng và thực hiện kế hoạch thao giảng cấp khoa. Thao giảng cấp khoa được tổ chức khách quan và 100% giảng viên cơ hữu của từng khoa tham gia. Việc thao giảng cấp khoa được hoàn thành và báo cáo kết quả với lãnh đạo Trường trước ngày 30-5 hằng năm.

Căn cứ kết quả thao giảng cấp khoa, mỗi khoa cử 2 giảng viên đạt giảng viên dạy giỏi cấp khoa có điểm cao nhất để tham dự Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường. Trong 5 năm, từ tháng 4-2019 đến tháng 4-2024, có hơn 100 lượt giảng viên được công nhận giảng viên dạy giỏi cấp khoa.

Căn cứ kết quả thao giảng cấp khoa và danh sách giảng viên được các khoa cử tham gia hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường, Ban Giám hiệu chỉ đạo tổ chức hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm. Từ năm 2019 đến năm 2023, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang tổ chức được 3 hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường; đã công nhận và tặng giấy khen cho 6 giảng viên xếp loại xuất sắc và công nhận 11 giảng viên đạt loại giỏi.

Năm 2021 và 2023, Trường cử 4 đồng chí tham dự Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường cán bộ của ngành, đoàn thể Trung ương lần thứ VII và lần thứ VIII do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. 1 đồng chí đạt danh hiệu Giảng viên dạy xuất sắc, được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng Bằng khen; 3 đồng chí được công nhận đạt danh hiệu Giảng viên dạy giỏi toàn quốc.

(iii) Đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang luôn có ý thức nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nghiên cứu - giảng dạy, đáp ứng yêu cầu trường chính trị chuẩn.

Hiện nay, Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang có 32/32 giảng viên có trình độ thạc sĩ; 2/32 giảng viên có trình độ tiến sĩ; 1 giảng viên đang làm nghiên cứu sinh; 22/32 giảng viên giữ ngạch giảng viên chính. Về trình độ lý luận chính trị, có 30/32 đồng chí có trình độ cử nhân, cao cấp và tương đương, 2/32 đồng chí đang học cao cấp lý luận chính trị. 31/32 giảng viên có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin. 32/32 giảng viên có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm hoặc phương pháp giảng dạy tích cực. 8/32 đồng chí đang học và có bằng cử nhân ngoại ngữ. 32/32 giảng viên học lớp bồi dưỡng phương pháp nghiên cứu khoa học lý luận chính trị... Bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên kiêm nhiệm, Trường có 25 đồng chí là lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh là giảng viên thỉnh giảng theo quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Với chất lượng đội ngũ và tinh thần tích cực tham gia phong trào thi đua dạy tốt, trong những năm vừa qua, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các lớp đào tạo, bồi dưỡng được giao. Từ tháng 4-2019 đến tháng 4-2024, Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện được 163 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 18.024 lượt học viên. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng được giao theo đúng quy trình, quy định, hướng dẫn của Nhà nước và của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được nâng lên. Hơn 90% học viên đạt kết quả khá, giỏi trong các kỳ kiểm tra, đánh giá của các loại hình đào tạo, bồi dưỡng.

Hai là, công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn

Cùng với phong trào thi đua dạy tốt, phong trào nghiên cứu khoa học cũng được đội ngũ giảng viên, viên chức Nhà trường tham gia, hưởng ứng với tinh thần trách nhiệm cao. Đặc biệt, đội ngũ giảng viên luôn xác định, hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là một trong ba nhiệm vụ chính của giảng viên trường chính trị, giúp giảng viên củng cố kiến thức chuyên môn nhằm gắn lý thuyết với thực hành, gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị, góp phần nâng cao chất lượng bài giảng.

Từ tháng 4-2019 đến tháng 4-2024, Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức nghiên cứu được 25 đề tài khoa học cấp trường; 3 đề tài khoa học cấp tỉnh (1 đề tài đã được nghiệm thu đạt loại xuất sắc và 2 đề tài đang thực hiện trong năm 2024); 16 hội thảo khoa học cấp trường và 3 hội thảo khoa học cấp tỉnh. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên, viên chức Nhà trường tham gia hoạt động biên soạn sách, kỷ yếu hội thảo khoa học cấp tỉnh làm tư liệu, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng của Trường. Từ năm 2019 đến nay đã biên soạn và xuất bản 4 cuốn (1 giáo trình và 3 sách chuyên khảo) và 3 kỷ yếu hội thảo khoa học cấp tỉnh. Với kết quả đó, so với Quy định 11-QĐ/TW của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn, Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang đã đạt và vượt chuẩn mức 1 đối với tiêu chí nghiên cứu khoa học.

Song song với hoạt động nghiên cứu khoa học, đội ngũ giảng viên, viên chức tích cực viết bài báo khoa học đăng trên các tạp chí như: Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Tuyên giáo, Tạp chí Lý luận chính trị, Tạp chí Lịch sử Đảng và Báo Bắc Giang... Trung bình mỗi năm có khoảng 5 đến 7 bài đăng tạp chí, riêng năm 2023 có 29 bài của cán bộ, giảng viên của Trường được đăng trên các tạp chí và 5 bài đăng trên Báo Bắc Giang. Qua đó, các giảng viên, viên chức của Trường nâng cao kỹ năng viết, tư duy khoa học độc lập trong nghiên cứu và có điều kiện tiếp cận thông tin đa dạng để phân tích, đánh giá, bình luận, phê phán những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trong tình hình mới.

Ba là, công tác quản lý học viên được quan tâm và phối hợp thực thiện tốt giữa các bộ phận và cá nhân có liên quan

Công tác quản lý học viên có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến ý thức, tinh thần, thái độ học tập của học viên. Nếu việc quản lý được phối hợp thực hiện đồng bộ, hiệu quả ngay từ khi khai giảng các lớp đào tạo, bồi dưỡng sẽ tạo nền nếp, ý thức trong học tập của học viên. Công tác phối hợp trong quản lý học viên được quan tâm thực hiện chặt chẽ, gồm công tác phối hợp: giữa chủ nhiệm với đồng chủ nhiệm lớp (nếu có); giữa chủ nhiệm lớp với giảng viên giảng dạy hằng ngày; giữa Phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học với các khoa, phòng trong Trường; giữa Phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học với các trung tâm chính trị cấp huyện nơi tổ chức lớp học...

Các nội dung phối hợp trong quản lý học viên được thực hiện theo quy chế do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành và các thông báo, kết luận có liên quan trong các kỳ sinh hoạt chuyên môn của Hiệu trưởng Nhà trường hằng năm, như: Phối hợp trong điểm danh sĩ số học viên; duyệt điều kiện thi, kiểm tra; tổ chức đưa học viên đi nghiên cứu thực tế; đánh giá kết quả rèn luyện của học viên... Qua đó, ý thức, thái độ học tập của học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên. Đa số học viên đến học tập ở Trường đều nêu cao tinh thần tự giác, cầu thị, ứng xử chuẩn mực theo Quy định về ứng xử văn hóa của Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang.

Hằng năm, Ban Giám hiệu Nhà trường ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch đối thoại với học viên các lớp đào tạo nhằm nâng cao chất lượng quản lý các lớp, bảo đảm công tác giảng dạy, học tập, quản lý được thực sự dân chủ, khách quan, đúng quy chế, quy định hiện hành, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường. Đồng thời, lãnh đạo trường, lãnh đạo các phòng chức năng và khoa lắng nghe, tiếp thu những ý kiến phản hồi từ chủ nhiệm lớp và học viên các lớp về các vấn đề quan tâm, băn khoăn, kiến nghị, phản ánh; trên cơ sở đó có những giải pháp, biện pháp chỉ đạo, quản lý, điều hành phù hợp với thực tế và giải quyết kịp thời mọi băn khăn, thắc mắc trong quá trình giảng dạy, quản lý và học tập. Qua đó, xây dựng môi trường giảng dạy - học tập lý luận chính trị nghiêm túc, thân thiện, cởi mở, phát huy tính tích cực, chủ động của mọi chủ thể trong quản lý - giảng dạy - học tập, đáp ứng yêu cầu trong đào tạo lý luận chính trị hiện nay và xây dựng văn hóa trường Đảng.

Công tác phục vụ được quan tâm. Từ tháng 11-2022, Trường chuyển tới trụ sở làm việc mới với diện tích hơn 4ha, gồm nhiều tòa nhà. Bộ phận phục vụ của Trường cũng được sắp xếp, bố trí lại, phù hợp, nên chất lượng phục vụ được nâng lên. Hội trường, phòng học, ký túc xá luôn luôn sạch sẽ, khang trang; hệ thống tăng âm, loa đài, máy chiếu, bảng phấn; Ký túc xá bảo đảm cho hơn 200 học viên nghỉ tại Trường; khuôn viên cây xanh của Trường luôn được chăm sóc.

Năm 2023, Tỉnh ủy Bắc Giang phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức 3 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý tại Trường, công tác phục vụ thực hiện tốt, được lãnh đạo các sở, ban, ngành, các địa phương và Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao. Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phục vụ, tháng 3-2024, Trường mời 2 đồng chí trưởng phòng của Cục Lễ tân Nhà nước, Bộ Ngoại giao về tập huấn “Kỹ năng lễ tân, ngoại giao” cho toàn thể đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động.

Bên cạnh đó, Công đoàn trường còn phát động phong trào “Thứ Năm xanh” - chiều thứ Năm hằng tuần, sau khi hết giờ làm việc các đoàn viên công đoàn lao động, trồng cây, chăm sóc cây cảnh trong khuôn viên mà Trường phân công cho từng đơn vị. Phong trào “Kỹ năng lễ tân, ngoại giao”, “Thứ Năm xanh” được đoàn viên công đoàn tham gia hưởng ứng nhiệt tình. Do vậy, sau gần 2 năm chuyển sang làm việc ở trụ sở mới, với khuôn viên 4ha, đến nay hệ thống cây bóng mát, cây cảnh trong khuôn viên của Trường được phủ kín, xanh, sạch, đẹp.

Các phong trào thi đua trên của Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang trong những năm vừa qua đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; vị thế, uy tín, hình ảnh của Trường với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh từng bước được nâng lên.

Một số hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dạy tốt, quản lý tốt, nghiên cứu khoa học tốt và phục vụ tốt” ở Trường còn một số hạn chế, cụ thể: (1) Một số viên chức chưa thực sự nhiệt tình tham gia, có biểu hiện thờ ơ; (2) Phong trào “Thứ Năm xanh” chưa được thực hiện đều hằng tuần; (3) Một số phong trào phát động nhưng chưa có biện pháp khen thưởng kịp thời để động viên, khích lệ những cá nhân, đơn vị làm tốt.

Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan.

3. Một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các phong trào thi đua ở Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục một số hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang cần chủ động, tích cực hơn nữa để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện nhiều phong trào thi đua khác nhau nhằm từng bước phấn đấu trở thành trường chính trị đạt chuẩn mức 2 vào năm 2030. Cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn, Chi đoàn thanh niên thường xuyên quán triệt đến cán bộ, viên chức và người lao động về ý nghĩa, vai trò và trách nhiệm của từng cá nhân đối với mỗi phong trào thi đua khi phát động. Đồng thời, gắn trách nhiệm của lãnh đạo các phòng, khoa trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua, bảo đảm chất lượng, hiệu quả nhằm đạt mục tiêu đề ra, qua đó nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân trong Trường đối với từng phong trào thi đua.

Thứ hai, các phong trào thi đua khi phát động cần bổ sung nội dung biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể làm tốt, làm hiệu quả và có những biện pháp cụ thể để nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo đến toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động Nhà trường. Qua đó, tạo động lực, khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo của từng tập thể, cá nhân khi tham gia các phong trào thi đua do các cấp phát động.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ viên chức có chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng trong giai đoạn hiện nay, cụ thể:

Hằng năm cử giảng viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hoặc các ban, bộ, ngành Trung ương tổ chức. Động viên, khích lệ đội ngũ giảng viên đi học tiến sĩ. Phấn đấu từ năm 2024, mỗi năm có ít nhất 2 đồng chí đăng ký đi học tiến sĩ. Đồng thời, Trường chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu xây dựng văn bản trình cấp có thẩm quyền sớm ban hành chế độ chính sách đặc thù hỗ trợ viên chức của Trường đi học tiến sĩ theo Đề án số 11-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (250 triệu đồng/ giảng viên đi học tiến sĩ). Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh theo Đề án, Trường có biện pháp khuyến khích, nhất là hỗ trợ bổ sung cho viên chức đi học nhằm tạo điều kiện, khích lệ cán bộ, viên chức tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

Thực hiện Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, hằng tháng Hiệu trưởng cử giảng viên tham dự hội nghị của ban thường vụ cấp ủy cấp huyện; nghiên cứu ký quy chế phối hợp với một số sở, ban, ngành cấp tỉnh về việc cử giảng viên có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đúng chuyên ngành đào tạo đến công tác, đi thực tế có thời hạn tại các sở, ban, ngành, địa phương để nâng cao năng lực thực tiễn; hằng năm cử 2 giảng viên đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn theo kế hoạch(2) ở các địa phương, cơ sở hoặc các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh.

Tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động thao giảng cấp khoa, hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường hằng năm và cử giảng viên tham dự hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thường xuyên tổ chức hoạt động dự giờ, đánh giá, góp ý, rút kinh nghiệm cho giảng viên sau dự giờ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Tiếp tục thực hiện tốt công tác thanh tra đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm theo đúng nội dung, đối tượng, trình tự theo quy định.

Hằng năm, Trường chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Thường trực Tỉnh ủy kiện toàn, củng cố đội ngũ giảng viên thỉnh giảng của Trường theo quy định.

Thứ tư, về giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn

Mỗi viên chức, đặc biệt là giảng viên Nhà trường cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác thực hiện tốt các phần nhiệm vụ theo vị trí việc làm trên các mặt công tác, đặc biệt là trong công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo trong đề xuất các nhiệm vụ khoa học - công nghệ các cấp phù hợp với điều kiện thực tế của Trường và của Tỉnh. Tích cực đề xuất các ý tưởng, sáng kiến có thể áp dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác.

Ban Giám hiệu tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy về hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và tổ chức cho giảng viên đi thực tế ở cơ sở nhằm nâng cao năng lực, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm cho giảng viên, viên chức từ thực tiễn. Đồng thời, giảng viên, viên chức có thể đề xuất biện pháp về đổi mới, tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đối với Trường và các cấp, các ngành, địa phương.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ nhằm đạt mục tiêu: Mỗi năm đề xuất thực hiện ít nhất 1 đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh; 2 đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở từ nguồn ngân sách nghiên cứu khoa học của tỉnh và các nội dung khác theo Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan.

Tổ chức tốt hội thảo khoa học các cấp theo kế hoạch; nâng cao chất lượng các bài tham luận hội thảo, bảo đảm kết quả nghiên cứu khoa học có thể ứng dụng trực tiếp vào hoạt động của Trường, của tỉnh. Chủ động rà soát, đề xuất, giao đề tài nghiên cứu khoa học cho cá nhân, tập thể nhằm giúp hoạt động nghiên cứu khoa học gắn liền với thực hiện nhiệm vụ của Trường và của địa phương.

Phát huy vai trò của Tổ Viết bài, biên tập bài tuyên truyền về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Với mục tiêu: Khuyến khích, động viên, khích lệ giảng viên, viên chức Nhà trường tích cực viết bài tuyên truyền về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị... Tổ có trách nhiệm biên tập, gửi đăng các báo, tạp chí khoa học bảo đảm ít nhất mỗi quý đăng một bài.

Thứ năm, mỗi cán bộ, viên chức và người lao động Nhà trường cần chủ động thực hiện tốt công tác phối hợp trong quản lý học viên theo quy định. Đồng thời, thực hiện tốt Quy chế về ứng xử văn hóa của trường Đảng, các nội quy, quy chế, quy định của Trường nhằm xây dựng hình ảnh cán bộ, viên chức, người lao động Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang là người “nhiệt tình, trách nhiệm, trí tuệ, thân thiện, cởi mở” trong mọi tình huống, trong hoạt động công vụ ở mỗi vị trí công tác.

Bộ phận phục vụ thuộc Phòng Tổ chức, Hành chính, Thông tin, Tư liệu cần chủ động mọi hoạt động phục vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; luôn có thái độ phục vụ nhiệt tình, chu đáo, tinh thần làm việc cầu thị, trách nhiệm và xác định học viên đến học tại Trường là “khách hàng”, là đối tượng cần quan tâm chu đáo theo quy chế, quy định hiện hành.

4. Kết luận

Để tiếp tục nâng cao chất lượng toàn diện các mặt hoạt động, từ hoạt động giảng dạy, hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đến công tác quản lý, phối hợp quản lý và công tác phục vụ của bộ phận hành chính, quản trị, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, mỗi đơn vị (phòng, khoa), các đoàn thể chính trị - xã hội thuộc Trường, Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang cần chủ động phối hợp thực hiện “đúng, đủ, tròn trách nhiệm” với từng vị trí việc làm cụ thể. Với sự đoàn kết, đồng lòng, chủ động, tích cực nỗ lực khắc phục mọi khó khăn; sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các đoàn thể, Nhà trường thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 558 (8-2024)

Ngày nhận bài: 31-5-2024; Ngày bình duyệt: 15-7-2024; Ngày duyệt đăng: 22-8-2024.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.407.

(2) Theo Đề án số 01-ĐA/TCT ngày 10-8-2020 của Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang về đưa cán bộ, giảng viên đi thực tế có kỳ hạn.