Tuyên truyền, vận động nông dân bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
LLCT - Giai cấp nông dân là lực lượng to lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp nông dân luôn tin tưởng, trung thành, gắn bó với Đảng trong các giai đoạn cách mạng. Nông dân luôn tích cực thực hiện đường lối phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Lợi dụng trình độ nhận thức còn hạn chế của một số nông dân, các thế lực thù địch sử dụng các âm mưu, thủ đoạn, ra sức lôi kéo, kích động nông dân chống phá sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do vậy, tuyên truyền, vận động, nhận diện âm mưu thủ đoạn của địch, phát huy vai trò của nông dân bảo trong vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là hết sức cấp bách và cần thiết.
PGS, TS TRẦN THỊ HƯƠNG
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
ThS PHẠM VĂN PHONG
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
1. Mở đầu
Nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, có những phẩm chất tốt đẹp, đó là lòng yêu nước; lòng nhân ái, vị tha, hòa hiếu, khoan dung; tình làng, nghĩa xóm, truyền thống đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau; bản chất dũng cảm, kiên cường, bất khuất, mưu trí, sáng tạo, cần cù, chịu khó...
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nông dân lao động là lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh chắc chắn của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công ắt phải dựa vào quần chúng nông dân. Muốn dựa vào nông dân ắt phải bồi dưỡng lực lượng của họ”(1).
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay, trải qua các thời kỳ cách mạng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, giai cấp nông dân vẫn luôn tin tưởng, kề vai, sát cánh, đoàn kết theo Đảng làm cách mạng, không quản ngại gian khổ, hy sinh, giành những thắng lợi vẻ vang.
Giai cấp nông dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phát huy tốt vai trò chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững quốc phòng, an ninh. Nông dân tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
2. Nông dân với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Hiện nay, dân số của Việt Nam là 100,3 triệu người (năm 2023), trong đó khu vực nông thôn là 62,1 triệu người (chiếm 61,9%); lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,8 triệu người(2) và một lực lượng lớn lao động phi chính thức làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản. Nông dân Việt Nam là lực lượng đông đảo và cư trú rộng khắp trên toàn vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thuộc các dân tộc, có tỷ lệ lớn là tín đồ các tôn giáo. Trong hội nhập quốc tế, nhiều nông dân đã đi lao động ở nước ngoài.
Cùng với sự phát triển của đất nước, nông dân Việt Nam đã có sự trưởng thành toàn diện, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định về nhận thức, trình độ nên dễ bị lôi kéo, kích động. Mặt trái của cơ chế thị trường, sự tác động tiêu cực, ảnh hưởng của mạng xã hội, internet; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên, các tiêu cực, tệ nạn xã hội đã tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của nông dân. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng, khoét sâu vào những hạn chế, thổi phồng những khuyết điểm để chống phá, làm cho một bộ phận nông dân mất cảnh giác, hoang mang, dao động, suy giảm niềm tin đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.
Trong thời gian qua, các thế lực thù địch gia tăng hoạt động chống phá cách mạng với nhiều hình thức khác nhau, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi. Chúng lợi dụng nhận thức còn hạn chế của nông dân ở một số địa phương, sử dụng các chiêu bài về dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, tuyên truyền chống phá bằng những luận điệu xuyên tạc, kích động, lôi kéo biểu tình, chống đối; đồng thời quay phim, chụp hình rồi bóp méo sự thật đăng lên các trang mạng xã hội để làm lung lạc niềm tin của nhân dân, ảnh hưởng đến việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự vững mạnh của chính quyền cơ sở, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc…
Một bộ phận nông dân có biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác, có những nhận thức lệch lạc, những hành động sai trái, vi phạm pháp luật. Trên một số địa bàn nông thôn để xảy ra điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trước tình hình đó, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là Hội Nông dân ở cơ sở đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các cấp ủy, cơ quan, ban ngành, đoàn thể kịp thời định hướng, giáo dục nông dân phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước và nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch.
Các cấp, các ngành tổ chức cho nông dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo; phối hợp với lực lượng chức năng ngăn chặn các hành vi lôi kéo người dân tham gia biểu tình, tụ tập đông người. Các cấp, các ngành quan tâm, giải quyết các vấn đề bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân ở nông thôn, không để các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng kích động, thổi phồng thành các điểm nóng chính trị - xã hội.
Đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, tham gia thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Qua đó, giúp cho nông dân nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, có khả năng nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, một số nơi, nông dân vẫn chưa nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đang hướng vào nông dân ở vùng sâu, vùng xa, trên những địa bàn chiến lược, trọng yếu, biên giới, hải đảo. Công tác tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước, truyền thống dân tộc và các phong trào bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn ở một số nơi chưa hiệu quả, còn những kẽ hở mà các thế lực chống phá có thể lợi dụng.
Công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vẫn còn hạn chế. Một bộ phận nông dân chưa nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân ở nông thôn còn lúng túng trong nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Một bộ phận nông dân bị các đối tượng phản động, cơ hội chính trị lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ biển đảo, môi trường... để kích động tham gia chống đối chính quyền. Tình trạng khiếu kiện đông người, tố cáo vượt cấp vẫn diễn ra ở một số nơi gây mất an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa bàn nông thôn.
3. Một số giải pháp vận động nông dân tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Để vận động nông dân tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của nông dân tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch
Cấp ủy, chính quyền, Hội Nông dân các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng sâu rộng đến hội viên và nông dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về tình hình nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh, vướng mắc liên quan đến nông dân, giữ vững ổn định chính trị, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong nông dân về đường lối, quan điểm và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền, vận động nông dân không chia sẻ những nội dung xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những thông tin sai sự thật, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tích cực tuyên truyền cho nông dân về nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Triển khai sâu rộng Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII, vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thực hiện đồng thời nhiều hình thức phong phú, sinh động, sáng tạo, hấp dẫn, phù hợp với nông dân mỗi vùng miền, dân tộc, tôn giáo nhằm nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, khả năng “tự đề kháng, tự miễn dịch” trước những thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là Luật An ninh mạng năm 2018; qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội.
Trình độ của nông dân ngày càng nâng cao, họ có khả năng sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại, do đó, cấp ủy, chính quyền, Hội Nông dân các cấp cần động viên, khuyến khích hội viên, nông dân ra sức đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch. Các thành viên nòng cốt Ban Chỉ đạo 35 ở các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở cần tăng cường hoạt động; tích cực vận động hội viên, nông dân hưởng ứng Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy xây dựng môi trường văn hóa, tham gia mạng xã hội lành mạnh để phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm, sự hiểu biết cho hội viên, nông dân trước thông tin thật, giả, đúng, sai, tăng cường khả năng “miễn dịch”, nâng cao “sức đề kháng” trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Hai là, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch cho nông dân
Các cơ quan chức năng cần tăng cường bồi dưỡng những vấn đề cốt lõi về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nông dân luôn kiên định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái. Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, tập huấn kỹ năng cho hội viên, nông dân nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chú trọng phổ biến, quán triệt yêu cầu, nhiệm vụ và trao đổi nội dung, phương pháp, kinh nghiệm nhận diện, đấu tranh; bồi dưỡng kinh nghiệm, kỹ năng khai thác, sử dụng trang mạng xã hội, như: Blog, facebook, zalo, youtube, thành lập các fanpage làm diễn đàn trung tâm để chia sẻ tin, bài, hình ảnh, bình luận, viết và đăng tải bài về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Ba là, tăng cường công tác tư tưởng, nắm chắc tình hình địa phương, cơ sở không để xảy ra điểm nóng chính trị - xã hội
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, điều kiện trước hết là tình hình nhân dân ở các địa phương, cơ sở phải ổn định, tư tưởng phải thông suốt, có sự đồng thuận từ trên xuống dưới, nông dân có khả năng nhận diện, tự phòng, chống khỏi tác động bởi các quan điểm sai trái, thù địch.
Do vậy, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở nông thôn thường xuyên lãnh đạo, định hướng tư tưởng, cung cấp thông tin để nông dân nắm vững tình hình, nhiệm vụ, đối tượng, đối tác, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình tư tưởng nông dân, nhất là trong những thời điểm nhạy cảm, phức tạp.
Bốn là, phát huy vai trò của Hội Nông dân trong tuyên truyền, giáo dục, vận động nông dân tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng Hội Nông dân vững mạnh. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Hội Nông dân các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Hội Nông dân ở cơ sở quan tâm giáo dục, bồi dưỡng hội viên, nông dân về đạo đức, lối sống, phát huy lòng yêu nước, đoàn kết và giữ vững truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc; truyền thống cách mạng, tinh thần cảnh giác với âm mưu “diễn biến hòa bình” và các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Tổ chức thực hiện các phong trào nông dân tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền, biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.
Trên cơ sở xác định nông dân là lực lượng nòng cốt đấu tranh của địa phương, Hội Nông dân các cấp chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền kiện toàn các tổ chức, lực lượng, bảo đảm các điều kiện vật chất, phương tiện, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, thành viên các tổ chức thực hiện Nghị quyết 35 về kỹ năng đấu tranh, rút kinh nghiệm hoạt động. Tăng cường trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo; kịp thời sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng tổ chức hội, cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch có hiệu quả và kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém.
Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ hội nông dân ở cơ sở, chi hội, tổ hội. Mỗi cán bộ hội phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW; tích cực học tập lý luận chính trị để trang bị kiến thức, nâng cao “khả năng miễn dịch”, tăng cường “sức đề kháng” trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Tiên phong tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, cổ vũ, khích lệ tinh thần trách nhiệm của người nông dân yêu nước tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch.
Năm là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân
Tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển triển kinh tế - xã hội nông thôn, xây dựng nông thôn mới, tăng cường xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, hải đảo. Từ đó, hình thành thế hệ nông dân mới làm kinh tế giởi, có đời sống tinh thần phong phú, có ý thức trách nhiệm công dân cao, yêu nước yêu chủ nghĩa xã hội.
Thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022. Quan tâm lắng nghe, giải quyết tâm tư, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nông dân. Giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo, những vấn đề bức xúc ở nông thôn, không để xảy ra các điểm nóng chính trị, để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng chống phá.
Các cơ quan chức năng cần phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn ở nông thôn, đấu tranh chống các loại tội phạm, tiêu cực, tệ nạn xã hội ở nông thôn (ma túy, cờ bạc, tín dụng đen, truyền đạo trái phép,...), giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, các địa phương.
Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền, củng cố, tăng cường niềm tin của nông dân vào cấp ủy, chính quyền, từ đó vững vàng, tin tưởng tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ.
Cấp ủy, chính quyền ở nông thôn tăng cường lãnh đạo các tổ chức, các lực lượng ở địa phương, cơ sở, trong đó có Hội Nông dân tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Mỗi cán bộ, đảng viên cần tích cực tu dưỡng, rèn luyện, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực sự tiên phong, gương mẫu trong lời nói, việc làm, gắn bó mật thiết với nhân dân, thường xuyên nắm bắt tình hình, chăm lo đời sống nhân dân.
Sáu là, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở khu vực nông thôn
Để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng ở khu vực nông thôn, sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm trao đổi, cung cấp thông tin, kinh nghiệm hoạt động, xử lý các tình huống khi có những vấn đề phức tạp nảy sinh.
Từng tổ chức xây dựng chương trình, quy chế hoạt động phù hợp với đặc điểm, chức năng và yêu cầu về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả phối hợp với từng lực lượng, rút kinh nghiệm những vấn đề bất cập nảy sinh; xác định phương hướng, nhiệm vụ phối hợp hoạt động trong thời gian tới có chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả thiết thực.
Quan tâm xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội ở nông thôn như Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức xã hội như: Hội Người cao tuổi, Hội Khuyến học... vững mạnh, và phát huy vai trò của các tổ chức này tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Chú trọng phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư ở nông thôn (già làng, trưởng bản, trưởng họ, người làm kinh tế giỏi,...), vai trò của công chức, viên chức, trí thức nghỉ hưu ở nông thôn tham gia lực lượng nòng cốt bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
4. Kết luận
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn quân; trong đó nông dân là lực lượng đông đảo, có vai trò quan trọng. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, do đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, trong đó có Hội Nông dân các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tiến hành bằng các hình thức sáng tạo, linh hoạt gắn với đặc điểm nông dân ở địa phương; giúp nông dân hiểu đúng, phát huy nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
_________________
Ngày nhận bài: 25-5-2024; Ngày bình duyệt: 27-5-2024; Ngày duyệt đăng: 2-10-2024.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 42.
(2) Tổng cục Thống kê: Thông cáo báo chí về tình hình dân số, lao động việc làm quý IV và năm 2023
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Tuyên giáo Trung ương: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020.
2. Hoàng Thu Trang: Phát huy sức mạnh của nhân dân trong đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, Báo Nhân dân điện tử, ngày 13 -12 -2022.