Thực tiễn

Xây dựng thương hiệu điểm đến quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng qua liên hoan văn hóa du lịch

06/10/2024 10:26

(LLCT) - Là địa phương nằm tiếp giáp với biển, quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng có nhiều tiềm năng về tự nhiên, lịch sử và nguồn vốn văn hóa đặc sắc, rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế du lịch. Với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch quốc tế, trong thời gian qua, Đồ Sơn tập trung xây dựng thương hiệu điểm đến qua Liên hoan văn hóa du lịch. Đây là chủ trương của thành phố Hải Phòng nhằm phát huy nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững. Bài viết nêu thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng thương hiệu điểm đến Đồ Sơn qua Liên hoan văn hóa du lịch, góp phần tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

TS NGÔ ÁNH HỒNG
Học viện Chính trị khu vực I

Chương trình nghệ thuật Lễ hội Văn hóa dân gian Biển đảo Việt Nam 2023 và Khai mạc Lễ hội Biển Đồ Sơn – Hải Phòng 2023 _ Ảnh: haiphong.gov.vn

1. Mở đầu

Liên hoan văn hóa du lịch (LHVHDL) là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, được tổ chức nhằm quảng bá, thu hút du khách và xây dựng hình ảnh điểm đến. Xây dựng thương hiệu điểm đến Đồ Sơn, Hải Phòng qua LHVHDL đã được đặt ra từ giữa những năm 2000. Đến nay, LHVHDL bước đầu gặt hái được thành công, góp phần thay đổi nhận thức của du khách về một khu du lịch khai thác theo mùa thành khu du lịch có bãi tắm và dịch vụ du lịch biển chất lượng phục vụ quanh năm và đang dần đạt chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì việc xây dựng thương hiệu và khai thác du lịch ở Đồ Sơn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.

2. Xây dựng thương hiệu điểm đến qua liên hoan văn hóa du lịch

Thương hiệu và xây dựng thương hiệu điểm đến

Trước đây, định nghĩa về thương hiệu được tiếp cận từ góc độ sản phẩm, gắn với những yếu tố vật chất, hữu hình và nó có nội hàm gần tương tự với nhãn hiệu. Đến năm 1996, David A.Aker, tác giả cuốn Brand Equity Managing đã đưa ra định nghĩa: “Thương hiệu là hình ảnh có tính chất văn hóa, lý tính, cảm tính, trực quan và độc quyền mà bạn liên tưởng đến khi nhắc đến một sản phẩm hay một công ty”(1). Năm 2008, giáo sư marketing người Mỹ, Kevin Lane Keller trong cuốn sách Strategic Brand Managemen đã đưa ra cách tiếp cận mới, rộng hơn khi cho rằng: “Thương hiệu là một tập hợp những liên tưởng trong tâm trí người tiêu dùng, làm tăng giá trị nhận thức của một sản phẩm hoặc dịch vụ”(2).

Nhìn chung, các định nghĩa đều bao hàm hai quan niệm về thương hiệu: 1) thương hiệu là những dấu hiệu nhận biết để phân biệt giữa sản phẩm hàng hóa, dịch vụ này với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ khác cùng loại, đồng thời khẳng định chất lượng và quyền sở hữu đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đó; 2) thương hiệu còn là một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt, bản sắc riêng, là tài sản vô hình, hiện diện trong tâm trí của khách hàng, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn giữa các sản phẩm, dịch vụ trong thị trường kinh doanh đa dạng.

Phân tích từ góc độ thương hiệu tập thể, hay còn gọi là thương hiệu địa phương, thương hiệu điểm đến là tập hợp những liên tưởng của khách hàng về hình ảnh, giá trị của một địa điểm cụ thể, gồm các yếu tố hữu hình và vô hình như tên gọi, logo, biểu tượng của điểm đến; chất lượng cảm nhận; những giá trị, câu chuyện, bản sắc văn hóa; vị thế, uy tín của điểm đến trong du khách. Nó tác động đến thái độ, tình cảm và thúc đẩy hành vi tiêu dùng của du khách đối với điểm đến đó. Qua đó, xây dựng thương hiệu điểm đến được hiểu là xây dựng và phát triển một bản sắc riêng cho một khu vực địa lý cụ thể. Quá trình này liên quan đến việc tạo dựng, phát triển và quản lý một thương hiệu điểm đến nhằm mục tiêu quảng bá du lịch, tạo ra một hình ảnh khác biệt, độc đáo, tăng sức hấp dẫn, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh, thu hút và thuyết phục du khách, nhà đầu tư, doanh nghiệp lựa chọn điểm đến đó.

Liên hoan văn hóa du lịch

LHVHDL được các cơ quan quản lý xếp chung với lễ hội du lịch, festival du lịch hay lễ hội đương đại. Đây là một hiện tượng văn hóa mới ra đời, gắn với các đô thị lớn, là sản phẩm của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa. LHVHDL do các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tổ chức và huy động các nguồn xã hội hóa cho công tác tổ chức. Đây là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, gồm một chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức dựa trên một nền tảng chung, kết hợp giữa công nghệ tổ chức sự kiện hiện đại với việc khai thác các yếu tố văn hóa đặc sắc của địa phương nơi tổ chức.

Đối tượng LHVHDL nhắm tới chủ yếu là phục vụ khách du lịch với mục đích tổ chức để quảng bá thế mạnh nổi trội của địa phương nhằm thu hút du khách, xúc tiến sản phẩm du lịch và xây dựng hình ảnh điểm đến. LHVHDL là công cụ truyền thông hữu hiệu của ngành du lịch, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong thời gian qua.

3. Xây dựng thương hiệu điểm đến qua liên hoan văn hóa du lịch trên địa bàn quận Đồ Sơn, Hải Phòng

Tài nguyên du lịch của quận Đồ Sơn, Hải Phòng

Đồ Sơn là một quận phía Nam thành phố Hải Phòng, nằm ở vị trí tiếp giáp với biển Đông. Nhờ lợi thế về vị trí địa lý, Đồ Sơn trở thành địa bàn quan trọng về kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của thành phố Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung.

Không chỉ mang dáng vẻ của một vùng du lịch biển, Đồ Sơn còn in dấu những truyền thuyết, huyền thoại với những lễ hội, di tích lịch sử gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Có nguồn gốc từ cư dân ven biển, cư dân Đồ Sơn được hình thành từ sớm, gắn liền với quá trình tụ cư, hình thành cộng đồng làng xã và không ngừng được bồi đắp, phát triển qua các thế hệ. Văn hóa Đồ Sơn là sự hội tụ, giao thoa giữa văn hóa nông nghiệp với văn hóa cư dân vùng biển như lễ hội Chọi trâu. Bên cạnh dòng văn hóa dân gian, Đồ Sơn còn có dấu tích văn hóa cổ xưa mang ý nghĩa tôn giáo tâm linh với những công trình kiến trúc nghệ thuật như: đình, chùa Vạn Sơn, Đồ Hải, Ngọc Xuyên, làng Đoài, Tiểu Bàng, Bàng Động… mang bản sắc và ước vọng của cư dân miền biển.

Hiện nay, quá trình đổi mới và hội nhập sâu rộng của đất nước đã tạo ra nhiều cơ hội cho Đồ Sơn phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh việc phát huy những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử, con người, quận Đồ Sơn được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch.

Với bờ biển trải dài 2.450m, Đồ Sơn được quy hoạch thành 3 khu. Trên địa bàn quận Đồ Sơn hiện có 189 khách sạn, nhà hàng kinh doanh, dịch vụ du lịch. Cùng với hệ thống cơ sở vật chất, Đồ Sơn còn thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí

Quy trình xây dựng thương hiệu Đồ Sơn qua Liên hoan văn hóa du lịch

Kế thừa những thành tựu đạt được, đồng thời phát huy nguồn lợi thế trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, vào giữa những năm 2000, thành phố Hải Phòng đã giao cho Thị xã Đồ Sơn tổ chức LHVHDL nhằm đánh thức tiềm năng du lịch biển Đồ Sơn, quảng bá hình ảnh và thu hút khách. Việc phát huy vai trò của LHVHDL như là nguồn lực trong xây dựng thương hiệu điểm đến Đồ Sơn được thực hiện theo quy trình sau:

Quy trình này phù hợp với chủ trương của Trung ương và thành phố

Thứ nhất, tầm nhìn thương hiệu

Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đặt mục tiêu đến năm 2025 phải xây dựng khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng) cùng với Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Triển khai Nghị quyết này, ngày 8-7-2019, Thành ủy Hải Phòng ban hành Chương trình hành động số 76-CTr/TU nghiên cứu, rà soát, lập quy hoạch xây dựng khu vực Đồ Sơn theo định hướng đô thị du lịch biển tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30-3-2023 về “Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó tiếp tục khẳng định mục tiêu xây dựng Cát Bà và Đồ Sơn thành trung tâm du lịch quốc tế, có cơ sở vật chất hiện đại, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, khác biệt, có chất lượng cao, có thương hiệu và uy tín gắn với các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí, tín ngưỡng và các lễ hội biển, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế(3).

Thứ hai, định vị thương hiệu

Nhờ vị trí địa lý thuận lợi với không khí trong lành, cảnh sắc thiên nhiên phong phú và nguồn vốn văn hóa đặc sắc, Đồ Sơn không chỉ nỗ lực trở thành khu đô thị du lịch văn minh, hiện đại mà còn định vị thương hiệu điểm đến là một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, danh thắng thiên nhiên kỳ vĩ ở khu vực phía Bắc Việt Nam - điểm đến bốn mùa cho khách du lịch trong nước và quốc tế.

Để xây dựng hình ảnh điểm đến bốn mùa, Đồ Sơn cố gắng thay đổi nhận thức của du khách về điểm du lịch khai thác theo mùa vụ, từ nhận thức về một nơi nước biển đục, chất lượng bãi tắm và dịch vụ chưa cao, khu du lịch biển Đồ Sơn đang dần đạt chuẩn quốc tế với nước biển trong xanh, dịch vụ nghỉ dưỡng chất lượng cùng sự xuất hiện của các siêu dự án khách sạn, khu vui chơi giải trí hiện đại.

Thứ ba, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu

Trong khoảng 20 năm qua, Hải Phòng đã 6 lần phát động cuộc thi sáng tác biểu tượng cho thành phố. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa tìm ra được biểu trưng logo của thành phố nên Hải Phòng chưa xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu. Tương tự như thành phố Hải Phòng, quận Đồ Sơn trong thời gian qua cũng chưa xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu riêng của quận, đây là một trong những nguyên nhân khó khăn của việc truyền thông thương hiệu điểm đến Đồ Sơn, Hải Phòng. Bởi vì bộ nhận diện thương hiệu là một khâu quan trọng trong xây dựng thương hiệu Hải Phòng nói chung và thương hiệu điểm đến Đồ Sơn nói riêng.

Thứ tư, truyền thông thương hiệu

Trong quá trình quảng bá hình ảnh điểm đến, Đồ Sơn đã sử dụng nhiều công cụ quảng bá khác nhau. Trong đó, truyền thông qua lễ hội và sự kiện đã phát huy được lợi thế, góp phần quảng bá và thu hút khách du lịch đến với Đồ Sơn. Tiêu biểu cho các lễ hội và sự kiện đó là Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn được tổ chức vào ngày 9-8 âm lịch hằng năm; Hội thi bơi thuyền Rồng trên biển tổ chức vào ngày 4-1 âm lịch và ngày 1-5 dương lịch; Lễ hội đền Bà Đế diễn ra từ ngày 24 đến 26-2 âm lịch; Lễ hội Hòn Dấu vào ngày 11 và 12-2 âm lịch,... Bên cạnh việc tổ chức các lễ hội truyền thống, quận Đồ Sơn còn tham gia các hội chợ du lịch quốc tế (ITE) thường niên tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tiếp cận trực tiếp với thị trường khách quốc tế. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, quận Đồ Sơn thường xuyên tổ chức LHVHDL vào dịp 30-4 và 1-5 nhằm quảng bá, thu hút khách và chính thức mở cửa một mùa du lịch mới.

Về cấu trúc LHVHDL Đồ Sơn, cấu trúc này cũng giống như cấu trúc của lễ hội truyền thống được tạo nên bởi hai thành tố là phần lễ và phần hội. Tuy nhiên, ở đây phần lễ không gắn với yếu tố thiêng mà gắn với nghi thức phát biểu trang trọng của lãnh đạo địa phương để mở màn lễ khai mạc chương trình nghệ thuật hoành tráng, đặc sắc mang đậm bản sắc Đồ Sơn.

Phần lễ thường gắn với thành tố văn hóa nghệ thuật, là điểm nhấn của Liên hoan, diễn ra vào dịp 30-4 và được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình. Mỗi năm, Liên hoan mang một chủ đề khác nhau. Nếu như năm 2018, Liên hoan có chủ đề “Đồ Sơn - Điểm hẹn du lịch”, năm 2019 có chủ đề “Đồ Sơn - Miền Di sản”, năm 2020 và 2021, Liên hoan tạm dừng tổ chức do đại dịch Covid-19. Năm 2022, Liên hoan được tổ chức trở lại với thông điệp “Đồ Sơn - Sắc màu của biển”. Đặc biệt, từ năm 2023, Đồ Sơn bắt đầu đi theo hướng chuyên nghiệp hóa, định vị hình ảnh điểm đến là khu nghỉ dưỡng quanh năm chứ không chỉ một mùa, do vậy Liên hoan năm 2023 có chủ đề “Lễ hội Văn hóa dân gian biển, đảo Việt Nam“ và chủ đề năm 2024 là “Đồ Sơn - Điểm đến bốn mùa”…

Mặc dù lễ khai mạc hằng năm đều mang một chủ đề riêng nhưng đều có chung một mục tiêu là chương trình nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng, thể hiện được sự tự hào, sức sống, bản sắc, nét đặc trưng của vùng biển, con người Đồ Sơn, đồng thời phải truyền được nguồn cảm hứng vui tươi, náo nhiệt mang không khí của miền nhiệt đới mời gọi du khách đến với Đồ Sơn, Hải Phòng.

Phần hội bao gồm chuỗi sự kiện hưởng ứng LHVHDL Đồ Sơn gắn với thành tố du lịch, thương mại. Các sự kiện này xoay quanh chủ đề của Liên hoan, ban đầu chủ yếu gắn với các hoạt động thể thao như: giải đua thuyền Rồng truyền thống, giải bóng chuyền bãi biển. Từ năm 2022, các sự kiện này được mở rộng quy mô, có thêm nhiều hoạt động mới như: diễu hành xe cổ; hội bia và ẩm thực Food Festival; liên hoan nghệ thuật đường phố tại tuyến phố đi bộ; chương trình biểu diễn nghệ thuật ngoài trời Carnaval đường phố; Biểu diễn nghệ thuật trên không; đại nhạc hội âm nhạc điện tử và giải golf mở rộng(4)

Về mục tiêu tổ chức Liên hoan văn hóa du lịch, có hai mục tiêu chính mà Liên hoan hướng tới là nâng tầm nhận biết về thương hiệu du lịch Đồ Sơn và giúp tăng trưởng lượng du khách đến với Đồ Sơn qua mỗi năm.

Mỗi kỳ LHVHDL, Ban tổ chức đều xây dựng chiến dịch truyền thông trước, trong và sau sự kiện trên các phương truyền thông tin đại chúng như: ấn phẩm, website, nền tảng mạng xã hội; đặc biệt trong tuần lễ diễn ra liên hoan, ban tổ chức đã làm việc với nhiều cơ quan báo chí và truyền hình trung ương, địa phương tới dự, đưa tin. Thông qua sự kiện liên hoan được tổ chức thường niên, giúp địa phương thực hiện được các mục tiêu về thương hiệu sau: 1) thay đổi quan niệm du lịch Đồ Sơn trước đây chỉ vào mùa hè thì ngày nay là điểm đến nghỉ dưỡng bốn mùa; 2) thay đổi hình ảnh Đồ Sơn trước đây là khu biển nước đục thì giờ đã trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng nước trong xanh với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đẳng cấp; 3) quảng bá hình ảnh thiên nhiên, văn hóa, con người Đồ Sơn gắn với cảnh sắc thiên nhiên kỳ vỹ, nên thơ cùng hệ thống các di sản, chứng tích lịch sử; 4) thúc đẩy mạnh mẽ liên kết phát triển du lịch giữa Đồ Sơn với các địa phương, điểm đến du lịch khác trong cả nước.

Từ năm 2018 đến nay, cùng với việc nâng cấp cơ sở vật chất, tạo ra sản phẩm mới, tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, đặc biệt là LHVHDL, đã góp phần thúc đẩy khách du lịch đến với Đồ Sơn. Kết quả đạt được như sau:

Nguồn: UBND quận Đồ Sơn, Báo cáo kết quả công tác quản lý nhà nước về du lịch và phương hướng, nhiệm vụ năm tiếp theo trong giai đoạn từ 2018-2023(5).

Thứ năm, đánh giá thương hiệu

Hằng năm, phòng Du lịch Văn hóa Thể thao quận Đồ Sơn đều làm báo cáo kết quả hoạt động trong năm và sau các kỳ tổ chức LHVHDL. Đánh giá thương hiệu điểm đến dựa trên hai chỉ số:

1) nhận biết thương hiệu có tăng không, thông qua số lượng các phương tiện thông tin đại chúng viết về Đồ Sơn, số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế truy cập vào các website, các trang mạng xã hội tìm kiếm thông tin hay số lượng các công ty lữ hành, các doanh nghiệp quan tâm đặt tour du lịch đến Đồ Sơn... Ngoài các chỉ số này thì phản hồi của du khách sau khi trải nghiệm dịch vụ du lịch đóng vai trò rất quan trọng trong việc quảng bá cho Đồ Sơn.

2) số lượng khách du lịch và doanh thu từ du lịch hằng năm có đạt được mục tiêu đề ra hay không. Trong đó, có các chỉ số về lượng khách, doanh thu đến với Đồ Sơn qua từng năm. So sánh với lượng khách và doanh thu vào cùng thời điểm của năm trước để có biện pháp kịp thời giúp Đồ Sơn thực hiện được kế hoạch và mục tiêu đề ra. Chỉ số lượng khách và doanh thu từ du lịch đóng góp cho Đồ Sơn so với chi phí đầu tư cho các hoạt động truyền thông quảng bá, xây dựng sản phẩm sẽ là thước đo mức độ thành công của địa phương trong chiến lược phát triển du lịch, đặc biệt là trong việc sử dụng công cụ truyền thông là LHVHDL hằng năm.

Như vậy, với chiến lược phát triển du lịch và việc tổ chức LHVHDL đã góp phần làm thay đổi diện mạo du lịch Đồ Sơn, tạo sự chuyển biến cả về chất và lượng thông qua nhiều hoạt động, sản phẩm du lịch. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch Đồ Sơn tại nhiều thị trường tiềm năng đã đem lại hiệu quả lớn khi lượng khách trong và ngoài nước đến Đồ Sơn tăng đều mỗi năm.

4. Giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng thương hiệu điểm đến Đồ Sơn qua Liên hoan văn hóa du lịch

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc khai thác du lịch ở Đồ Sơn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Du lịch Đồ Sơn còn những hạn chế liên quan đến sản phẩm dịch vụ du lịch, đến sự kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ du lịch và chi tiêu của khách còn thấp… Mặt khác, số lượng khách du lịch đến Đồ Sơn chủ yếu là khách trong nước, Đồ Sơn cũng chưa có sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng trở thành thương hiệu riêng. Các nhà đầu tư lớn về cơ sở vật chất chưa nhiều. Chưa xây dựng được các trung tâm thương mại, thể thao, giải trí, để kích cầu tiêu dùng. Nguyên nhân chủ yếu là từ vấn đề nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương khi chưa đánh giá đúng vị trí, vai trò và đóng góp của LHVHDL trong xây dựng thương hiệu địa phươngvà phát triển bền vững quận Đồ Sơn, Hải Phòng.

Để phát huy vai trò nguồn lực của LHVHDL trong xây dựng thương hiệu điểm đến, góp phần phát triển bền vững quận Đồ Sơn, Hải Phòng trong thời gian tới, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ. Bên cạnh các giải pháp mà quận Đồ Sơn đã và đang triển khai, cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu Đồ Sơn - điểm đến bốn mùa

Quy trình cần được thực hiện bài bản, gồm 5 bước: Bước 1, xây dựng tầm nhìn thương hiệu trở thành trung tâm du lịch quốc tế, xác định các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn. Bước 2, định vị thương hiệu trong tâm trí khách hàng từ du lịch một mùa sang du lịch quanh năm, nâng cao chất lượng dịch vụ nghỉ dưỡng hiện đại, đẳng cấp, chuyên nghiệp, tạo cảm giác thoái mái, an toàn, lành mạnh và hiếu khách để thu hút du khách, cần xác định từng loại đối tượng khách hàng mục tiêu cụ thể với từng phân khúc khác nhau để có cách tiếp cận phù hợp, phân tích đối thủ cạnh tranh để tìm ra đặc tính cốt lõi cho sản phẩm du lịch Đồ Sơn, tạo ra sự khác biệt, điểm nhấn so với các điểm đến khác. Bước 3, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu của khu du lịch Đồ Sơn nói chung và Liên hoan nói riêng, làm cơ sở cho các chiến dịch truyền thông quảng bá, qua đó góp phần làm gia tăng nhận biết hình ảnh thương hiệu du lịch Đồ Sơn, Hải Phòng. Bước 4, sử dụng tích hợp các công cụ truyền thông, tăng cường sử dụng các nền tảng mạng xã hội, website, các fanpage về du lịch Đồ Sơn và LHVHDL để truyền thông thương hiệu. Sử dụng nhân vật nổi tiếng để quảng bá trải nghiệm du lịch, đưa lên các nền tảng mạng xã hội để kích thích nhu cầu du lịch nội địa và giới trẻ. Đối với khách quốc tế, tùy từng thị trường khách hàng mục tiêu, xây dựng kênh tiếp cận phù hợp, ví dụ: để tiếp cận đối tượng khách châu Âu, ngoài việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, cần quan tâm tới các tạp chí, kênh truyền thông như tạp chí Heritage của Vietnam Airline, kênh CNN, Vietnam News… Bước 5, đánh giá thương hiệu hằng năm thông qua mức độ nhận biết thương hiệu và sự tiêu dùng của du khách khi trải nghiệm sản phẩm du lịch tại Đồ Sơn, Hải Phòng.

Hai là, chủ đề “điểm đến bốn mùa” cần được thống nhất xuyên suốt để bảo đảm sự nhất quán trong truyền thông. Cần chú trọng đến vai trò chỉ đạo của “tổng đạo diễn” cho tất cả các hoạt động của LHVHDL. Thông điệp truyền thông cho LHVHDL cần xoáy sâu vào chủ đề và lặp lại nhiều lần, nhằm định vị thương hiệu điểm đến Đồ Sơn trong tâm trí khách hàng mục tiêu. Nghiên cứu tổ chức LHVHDL vào thời điểm phù hợp trong năm thay vì vào dịp đầu hè như những năm qua.

Ba là, quận Đồ Sơn tham mưu thành phố xây dựng chính sách khuyến khích các chuyên gia về văn hóa, du lịch trong và ngoài nước tham gia đóng góp cho công tác tổ chức LHVHDL. Có chính sách đào tạo cán bộ chuyên trách về tổ chức lễ hội văn hóa du lịch để quản lý sự kiện. Khuyến khích, kêu gọi hợp tác đầu tư, tăng cường liên kết tổ chức LHVHDL. Tiếp tục mở rộng không gian tổ chức chuỗi hoạt động của LHVHDL ra nhiều điểm trên địa bàn quận Đồ Sơn.

Bốn là, trong thời gian diễn ra LHVHDL, cần làm phiếu điều tra mức độ hài lòng của du khách sử dụng dịch vụ du lịch. Nghiên cứu đánh giá tác động của LHVHDL đến sự phát triển kinh tế du lịch và tạo việc làm cho người dân địa phương, qua đó làm cơ sở để xây dựng kế hoạch và chỉ tiêu về doanh thu và số lượng khách của năm tiếp theo.

Công tác lập kế hoạch tổ chức LHVHDL cần được thực hiện từ sớm. Công tác truyền thông cần được tiến hành trước sự kiện từ 3 đến 6 tháng nhằm tạo điều kiện và cập nhật thông tin để khách quốc tế xây dựng kế hoạch du lịch vào thời gian diễn ra sự kiện. Cần huy động sự tham gia tích cực, chủ động hơn của người dân địa phương với tư cách vừa là chủ thể kinh doanh dịch vụ, vừa là người hưởng thụ thành quả từ dịch vụ văn hóa, du lịch của Đồ Sơn.

5. Kết luận

Đồ Sơn là địa phương có nhiều tiềm năng tự nhiên và văn hóa cho phát triển du lịch. Với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch quốc tế - điểm đến bốn mùa, quận Đồ Sơn đã sớm xây dựng chiến lược phát triển du lịch nằm trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế du lịch của thành phố Hải Phòng. Quận có nhiều chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn, tham gia xây dựng hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới phong phú, chất lượng và mang dấu ấn riêng. Ngoài ra, chính quyền phối hợp cùng các doanh nghiệp xây dựng và thực hiện các chiến dịch truyền thông quảng bá về Đồ Sơn, đặc biệt là tổ chức các sự kiện lễ hội, LHVHDL.

LHVHDL bước đầu đã góp phần vào việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh điểm đến, thu hút du khách trong nước và quốc tế, đồng thời tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương và đóng góp đáng kể vào ngân sách. Tuy nhiên, việc khai thác, phát triển thương hiệu du lịch Đồ Sơn từ LHVHDL chưa thực sự hiệu quả và chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Để khắc phục những hạn chế này, quận Đồ Sơn cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trên làm cơ sở xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu điểm đến Đồ Sơn từ các sự kiện văn hóa.

_________________

Ngày nhận bài: 28-6-2024; Ngày bình duyệt: 1-7-2024; Ngày duyệt đăng: 3-10-2024.

(1) David Aaker: Managing Brand Equity, Free Express, New York, 1991, tr.24.

(2) Kevin Lane Keller: Strategic Brand Management, Prentice Hall, 2008, tr.18.

(3) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 323/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, phụ lục III, 2023 tr.3.

(4) Phòng Du lịch, Văn hóa và Thể thao Đồ Sơn: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2021, 2022; Phương hướng nhiệm vụ năm 2022, 2023, tr.4-6.

(5) UBND quận Đồ Sơn: Kế hoạch quản lý Nhà nước về du lịch năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023, tr.6-8 và Báo cáo kết quả tổ chức Liên hoan văn hóa du lịch Đồ Sơn các năm 2018, 2019, 2022, 2023, tr.9-11.