Quan điểm của V.I.Lênin về vai trò tiên phong lý luận chính trị của đảng cộng sản, phương tiện báo chí trong đấu tranh tư tưởng và vận dụng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay
(LLCT) - Theo V.I.Lênin, trong cuộc đấu tranh tư tưởng của giai cấp công nhân, đảng cộng sản là lực lượng tiên phong về lý luận chính trị, đóng vai trò lãnh đạo, tổ chức tuyên truyền, bảo vệ các học thuyết, lý luận cách mạng nhằm phát triển ý thức chính trị đúng đắn cho giai cấp công nhân và các tầng lớp trong xã hội. Bài viết làm rõ quan điểm của V.I.Lênin về vai trò tiên phong của đảng cộng sản và việc sử dụng công cụ báo chí trong đấu tranh tư tưởng để bảo vệ, phát triển lý luận, hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và vận dụng vào công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay.
ThS LÊ THỊ HẰNG
Học viện Chính trị khu vực IV
1. Mở đầu
Theo quan điểm của V.I.Lênin, cuộc đấu tranh tư tưởng giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản diễn ra liên tục và không khoan nhượng. Trong cuộc đấu tranh này, đảng mácxít có vai trò quan trọng trong việc hình thành ý thức XHCN, củng cố và phát triển chủ nghĩa Mác trong phong trào công nhân. Nếu không có vai trò của đảng mácxít giúp giác ngộ ý thức xã hội và phương tiện báo chí giúp truyền bá tư tưởng, lý luận để hình thành một ý thức giai cấp vô sản, thì phong trào của giai cấp công nhân cuối cùng sẽ bị khuất phục dưới hệ tư tưởng tư sản. Đó cũng là những định hướng rất quan trọng đối với vai trò tiên phong về lý luận chính trị của đảng cộng sản và việc sử dụng hiệu quả lực lượng báo chí trong đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của giai cấp công nhân hiện nay.
2. Quan điểm của V.I.Lênin về vai trò tiên phong của đảng cộng sản trong cuộc đấu tranh tư tưởng của giai cấp công nhân
V.I.Lênin chỉ ra rằng, giữa hệ tư tưởng XHCN của giai cấp vô sản và hệ tư tưởng tư sản diễn ra cuộc đấu tranh liên tục và không khoan nhượng.
Trong cuộc đấu tranh này, mỗi bên đều cố gắng tạo ra sự thống nhất trong giai cấp của mình bằng cách tuyên truyền hệ tư tưởng hoặc học thuyết của giai cấp mình và phá hủy sự thống nhất của hệ tư tưởng hoặc học thuyết của giai cấp khác. Họ làm điều này bằng cách phê bình và vạch trần những lợi ích thực sự mà họ cho rằng hệ tư tưởng kia đang đại diện. Nếu hệ tư tưởng này được các tầng lớp, giai cấp khác trong xã hội hấp thụ, vận dụng để giải thích các tình huống của chính họ và hình thành nên thế giới quan của riêng họ, thì hệ tư tưởng của giai cấp chiến thắng sẽ ăn sâu vào tâm trí quần chúng. Từ đây, V.I.Lênin khẳng định rằng, về thực chất, cuộc đấu tranh tư tưởng của bất kỳ giai cấp hoặc lực lượng nào trong đời sống chính trị đều là cuộc đấu tranh giữa các hệ tư tưởng hoặc các học thuyết với nhau vì “Không có hệ tư tưởng trung gian (vì nhân loại không tạo ra một hệ tư tưởng “thứ ba” nào cả; vả chăng, trong một xã hội bị những sự đối kháng giai cấp chia sẻ thì không bao giờ có hệ tư tưởng ở ngoài hoặc trên các giai cấp)”(1).
Các cuộc đấu tranh tư tưởng này sẽ phát triển hoặc được thúc đẩy theo chiều hướng tiến bộ thông qua vai trò tiên phong của đảng cộng sản, trong đó có vai trò quan trọng của công cụ báo chí. Bởi “ý thức giác ngộ xã hội chủ nghĩa không phải phát sinh từ phong trào tự phát của công nhân mà là do đảng mác-xít cách mạng đưa vào phong trào công nhân. Và một nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của đảng vô sản là đấu tranh cho sự trong sáng của hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, chống ảnh hưởng tư sản trong giai cấp công nhân, chống bọn cơ hội chủ nghĩa - những kẻ truyền bá và là đại diện của hệ tư tưởng tư sản trong phong trào công nhân”(2) và “Trong tình hình đó, cuộc đấu tranh có ý nghĩa cực kỳ to lớn là cuộc đấu tranh của báo “Tia lửa” lê-ni-nít chống “chủ nghĩa kinh tế” - trở ngại chủ yếu của phong trào công nhân và phong trào dân chủ - xã hội ở Nga - nhằm đoàn kết về tư tưởng và tổ chức các phần tử mác-xít cách mạng trong phong trào dân chủ - xã hội Nga, nhằm xây dựng một đảng kiểu mới, không dung thứ chủ nghĩa cơ hội, không có đầu óc tiểu tổ và không có tính chất bè phái”(3), ở đó, nhiệm vụ của các nhà chính luận, nhà báo “là đi sâu, mở rộng và tăng cường những cuộc tố cáo về chính trị và công cuộc cổ động chính trị”(4).
Lập luận của V.I.Lênin về vai trò tiên phong của đảng cách mạng vô sản trong cuộc đấu tranh tư tưởng của giai cấp công nhân bắt nguồn từ việc xem xét: Một là, vai trò của đảng cộng sản trên mặt trận đấu tranh chống lại hệ tư tưởng thống trị áp bức, đó là hệ tư tưởng tư sản, “Chúng ta phải đấu tranh không mệt mỏi chống mọi hệ tư tưởng tư sản, dù chúng khoác những chiếc áo hợp thời trang và bóng lộn mấy chăng nữa”(5); Hai là, vai trò của đảng cách mạng vô sản trên mặt trận đấu tranh “tự thân” trong hàng ngũ của giai cấp công nhân để hình thành một ý thức giai cấp vô sản đúng nghĩa, “mọi sự coi nhẹ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, mọi sự xa rời hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa đều có nghĩa là tăng cường hệ tư tưởng tư sản”(6).
Những lập luận này được V.I.Lênin củng cố khi ông phân tích về “ảnh hưởng của giai cấp tư sản và của hệ tư tưởng tư sản đối với giai cấp công nhân”(7) ở hai phương diện:
Thứ nhất, giai cấp công nhân đang bị thực tế vật chất ràng buộc, tức là vì lợi ích phù hợp với nhu cầu hằng ngày của giai cấp công nhân, chẳng hạn như vấn đề thu nhập và phúc lợi. Vì vậy, V.I.Lênin cho rằng, ý thức tự phát của giai cấp công nhân đã dẫn họ đi đến việc đấu tranh vì những mục tiêu trước mắt, bên ngoài, như lương cao hơn, giảm giờ làm việc hoặc điều kiện làm việc tốt hơn nhưng “công nhân chưa có và cũng chưa thể có ý thức về sự đối lập không gì điều hòa được giữa quyền lợi của họ với toàn bộ chế độ chính trị và xã hội hiện có, tức là ý thức dân chủ - xã hội”(8). Từ đây, V.I.Lênin khẳng định, nếu phong trào của giai cấp công nhân chỉ nhằm vào những mục tiêu đơn giản đó thì cơ cấu thống trị của giai cấp tư sản sẽ vẫn còn nguyên vẹn do “chúng ta chỉ yêu sách những điều mà giai cấp tư sản có thể (về nguyên tắc) nhượng bộ chúng ta mà không mất địa vị thống trị của nó”(9). Vì vậy, “Đảng ấy phải lãnh đạo không phải chỉ có cuộc đấu tranh kinh tế của công nhân, mà cả cuộc đấu tranh chính trị của giai cấp vô sản”(10) và “vấn đề chính là ở chỗ, muốn xây dựng các tổ chức chính trị mạnh mẽ thì không có phương tiện nào khác hơn là một tờ báo toàn Nga”(11).
Thứ hai, V.I.Lênin cho rằng, để phát triển ý thức thực sự của giai cấp vô sản thì cần phải có chủ nghĩa Mác, với tư cách là một hệ tư tưởng khoa học và cách mạng, đóng vai trò cung cấp sự hiểu biết đúng đắn về hoàn cảnh sống của giai cấp công nhân, vì thế đảng mácxít “không được xao lãng một phút nào cái mục đích cuối cùng của chúng ta, phải luôn luôn tuyên truyền, bảo vệ khỏi mọi sự xuyên tạc và phát triển hơn nữa hệ tư tưởng của giai cấp vô sản - học thuyết của chủ nghĩa xã hội khoa học, tức là chủ nghĩa Mác”(12).
Hơn nữa, theo V.I.Lênin, quy luật tạo nên sức mạnh của giai cấp vô sản là kết quả của sự thống nhất về tổ chức và tư tưởng trong các phong trào mà giai cấp công nhân tiến hành: “Trong cuộc đấu tranh để giành chính quyền, giai cấp vô sản không có vũ khí nào khác hơn là sự tổ chức... sự thống nhất tư tưởng của giai cấp vô sản dựa trên cơ sở những nguyên lý chủ nghĩa Mác được củng cố bằng sự thống nhất vật chất của tổ chức tập hợp hàng triệu người lao động thành một đạo quân của giai cấp công nhân”(13). Do đó, đối với V.I.Lênin, chủ nghĩa Mác với tư cách là một hệ tư tưởng sẽ đóng vai trò là phương tiện đoàn kết mọi tầng lớp của quần chúng lao động. Đó là nhu cầu tất yếu lý giải tại sao phải giáo dục hệ tư tưởng XHCN - chủ nghĩa Mác cho người lao động, cho giai cấp công nhân. Nhưng chủ nghĩa Mác không thể tự nó xuất hiện và bám rễ sâu trong quần chúng được. Để đoàn kết quần chúng thành một khối thống nhất có sức mạnh vĩ đại, cần phải có các lực lượng cách mạng chân chính truyền bá và “đội quân” có phương tiện tuyên truyền chủ nghĩa Mác. Điều này có nghĩa là nhất định phải có vai trò tiên phong của đảng cộng sản và những người theo CNXH, vì họ chính là lực lượng lãnh đạo, tổ chức phong trào vô sản, đưa vào phong trào ấy ý thức vô sản hoặc hệ tư tưởng XHCN nhưng phải bằng các tổ chức báo chí cách mạng được đào tạo chuyên nghiệp và phát triển lực lượng khắp nơi.
V.I.Lênin nhấn mạnh rằng, nếu không có vai trò của các nhà lý luận được đào tạo từ hàng ngũ của đảng công nhân mácxít và phương tiện báo chí truyền bá tư tưởng, lý luận và sự hiểu biết đúng đắn, để hình thành một ý thức giai cấp vô sản đúng nghĩa của chính mình, thì phong trào của giai cấp công nhân cuối cùng sẽ bị khuất phục dưới hệ tư tưởng tư sản. Bởi, chỉ có sự hiểu biết đúng đắn về những xung đột và hoàn cảnh của giai cấp công nhân mới có thể dẫn dắt phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân đi đến thắng lợi. Hơn nữa, ý thức thực sự của giai cấp vô sản, không chỉ đến từ kinh nghiệm hằng ngày mà còn đến từ bên ngoài, tức là bằng con đường giáo dục chủ nghĩa Mác cho giai cấp công nhân.
V.I.Lênin đã giải thích trường hợp của nước Nga như sau: “Như chúng tôi đã nói, công nhân trước đây không thể có ý thức dân chủ - xã hội được. Ý thức này chỉ có thể là từ bên ngoài đưa vào. Lịch sử tất cả các nước chứng thực rằng chỉ do lực lượng của độc bản thân mình thôi thì giai cấp công nhân chỉ có thể đi đến ý thức công liên chủ nghĩa, tức là đi đến chỗ tin rằng phải đoàn kết lại thành hội liên hiệp, phải đấu tranh chống bọn chủ, phải đòi hỏi chính phủ ban hành những luật này hay luật khác cần thiết cho công nhân v.v..* Còn học thuyết xã hội xã hội chủ nghĩa thì phát sinh ra từ các lý luận triết học, lịch sử, kinh tế, do những người có học thức trong giai cấp hữu sản, những trí thức, xây dựng nên. Mác và Ăng-ghen, những người sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học hiện đại, do địa vị xã hội của các ông, nên chính bản thân các ông cũng thuộc lớp trí thức tư sản. Ở nước Nga cũng thế, học thuyết lý luận của đảng dân chủ - xã hội xuất hiện một cách hoàn toàn độc lập với sự phát triển tự phát của phong trào công nhân; nó là kết quả tự nhiên, không tránh được, của sự phát triển tư tưởng trong số những nhà trí thức cách mạng xã hội chủ nghĩa”(14).
Từ các lập luận trên, V.I.Lênin khẳng định rằng “ý thức xã hội chủ nghĩa sẽ là kết quả tất yếu, trực tiếp của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản”(15) và trong cuộc đấu tranh tư tưởng để tạo ra một ý thức XHCN thực sự cho giai cấp công nhân, đảng cộng sản cần bảo đảm các yêu cầu quan trọng sau:
Thứ nhất, đảng của giai cấp công nhân phải đào tạo được những người lãnh đạo tiên phong về lý luận, vì vai trò của đảng cộng sản là “luôn luôn tuyên truyền, bảo vệ khỏi mọi sự xuyên tạc và phát triển hơn nữa hệ tư tưởng của giai cấp vô sản - học thuyết của chủ nghĩa xã hội khoa học, tức là chủ nghĩa Mác”(16). Bản thân những người tiên phong, giác ngộ nhất trong đảng công nhân mácxít phải là những người có sự hiểu biết sâu sắc về hoàn cảnh chính trị của họ để lãnh đạo quần chúng.
Hơn nữa, theo V.I.Lênin: “quần chúng sẽ không bao giờ học được cách đấu tranh chính trị, nếu chúng ta không góp phần đào tạo những người lãnh đạo trong cuộc đấu tranh ấy trong số công nhân có học thức cũng như trong số trí thức”(17) và theo ông, sự thiếu hụt lãnh đạo tài năng về lý luận là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng mà nền dân chủ xã hội ở Nga đang gặp thời điểm năm 1901-1902. Bởi, các phong trào quần chúng tự phát thiếu đội ngũ lãnh đạo được đào tạo đầy đủ về mặt lý luận để chống lại mọi sự dao động trước ảnh hưởng của hệ tư tưởng phi mácxít và bọn chủ nghĩa cơ hội; nó thiếu những nhà lãnh đạo tài năng, có tầm nhìn chính trị rộng lớn, có tính cách mạng để thành lập một đảng chính trị chiến đấu trên cơ sở phong trào mới, “Nó chứng tỏ chúng ta đã nhận định rất đúng đắn rằng sự lạc hậu của những người lãnh đạo (những “nhà tư tưởng”, những người cách mạng, những người dân chủ xã hội) so với cao trào tự phát của quần chúng là nguyên nhân cơ bản của cuộc khủng hoảng hiện tại trong đảng dân chủ - xã hội Nga”(18).
Thứ hai, cần có phương tiện để truyền bá tư tưởng và học thuyết của đảng cộng sản nhằm bảo vệ hệ tư tưởng, nền tảng tư tưởng của giai cấp công nhân. Ở phương diện này, V.I.Lênin cho rằng, vai trò của báo chí là phải phát huy tính tiên phong trong tuyên truyền tư tưởng và mang lại hiệu quả chính trị, nhận thức sâu sắc cho công nhân cũng như phong trào của họ.
V.I.Lênin khẳng định, chức năng của báo chí là cung cấp thông tin gắn kết tư tưởng giữa các thành viên, đồng thời là nhân tố đoàn kết dưới sự lãnh đạo của đảng. Vì vậy, báo chí sẽ mở đường cho đảng phát triển cả về mặt ý thức hệ và tổ chức để trở thành trung tâm đoàn kết, lãnh đạo. Do đó, theo V.I.Lênin, phát huy hiệu quả vai trò của báo chí chính là một trong những yêu cầu quan trọng đối với cách mạng vô sản(19), “muốn xây dựng các tổ chức chính trị mạnh mẽ thì không có phương tiện nào khác hơn là một tờ báo toàn Nga”(20), “một cuộc cổ động mà chúng ta không thể tiến hành được nếu không có một tờ báo cho toàn nước Nga, xuất bản thường kỳ và được phổ biến một cách đúng đắn”(21).
Do tầm quan trọng không thể thiếu của báo chí trong cuộc đấu tranh tư tưởng của giai cấp công nhân, V.I.Lênin nhấn mạnh nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của phong trào công nhân là thiết lập tần suất đều đặn của các tờ báo, các phương tiện tuyên truyền và bảo đảm rằng nó phù hợp với các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác. Tờ báo đó không chỉ là một tờ báo địa phương mà phải là một tờ báo toàn Nga với mục đích đưa phong trào lên cấp quốc gia, để thu hút nhiều người ủng hộ hơn(22).
3. Vận dụng quan điểm của V.I.Lênin vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay
Một là, từ những quan điểm của V.I.Lênin chỉ ra rằng, bảo vệ nền tảng tư tưởng hiện nay chính là phát huy tính tiên phong của Đảng về lý luận chính trị, đó là việc củng cố, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân Việt Nam, đồng thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ sự trong sáng của hệ tư tưởng nền tảng của Đảng trong tình hình mới.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, yêu cầu cấp bách và lâu dài là Đảng phải đào tạo được những nhà tư tưởng, lý luận tiên phong, có bản lĩnh cách mạng với năng lực và tầm nhìn chính trị để chống lại mọi sự dao động, chiến đấu bảo vệ nền tảng tư tưởng. Bởi, chính lực lượng này sẽ mang tri thức, kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc để phát triển, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành quả cách mạng cho giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân Việt Nam; định hướng, lãnh đạo cuộc đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch…; bảo đảm cho phong trào đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng không bị lệch hướng và quan trọng nhất là tạo ra sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng và giữa Đảng và nhân dân(23).
Hơn nữa, trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, các thế lực phản động, thù địch luôn lôi kéo, tranh thủ tối đa vai trò của các nhà tư tưởng, lý luận và thâu tóm họ để quyết giành thế chiến thắng. Trong khi đó, lực lượng lý luận của Đảng ta còn một số hạn chế về năng lực, chưa đáp ứng toàn diện những yêu cầu mà cuộc đấu tranh ý thức hệ đang đặt ra trong thời kỳ mới. Một số nhà lý luận, mặc dù có kiến thức lý luận rất uyên thâm, kinh nghiệm đánh giá, phê phán lý luận sâu sắc, giàu nhiệt huyết nhưng còn hạn chế trong sử dụng mạng xã hội và các hình thức báo chí hiện đại.
Do đó, Đảng ta cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng đội ngũ chuyên gia, cố vấn trong lĩnh vực tư tưởng có hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và dày dặn kinh nghiệm để phát triển những giá trị, đồng thời đa dạng hóa hình thức, phương pháp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lý luận kế cận, vừa đáp ứng những nhiệm vụ trước mắt, vừa chuẩn bị cho sự phát triển lâu dài. Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo cán bộ lý luận, từ quy hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp đến quy chế tuyển chọn, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng; chú trọng cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng nhằm hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia lý luận giỏi, có bản lĩnh chính trị, giàu kinh nghiệm thực tiễn, tư duy lý luận sáng tạo. Hoàn thiện chính sách khuyến khích, đãi ngộ phù hợp, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của các nhà lý luận tiên phong, xuất sắc.
Hai là, từ các luận điểm của V.I.Lênin cho thấy, trong cuộc đấu tranh tư tưởng của giai cấp công nhân, đảng cộng sản phải phát huy vai trò tiên phong của báo chí cách mạng trong công tác tuyên truyền, thuyết phục, cổ động, truyền bá tư tưởng, hệ tư tưởng.
Báo chí cách mạng là công cụ tư tưởng của Đảng đồng thời là diễn đàn của nhân dân. Do vậy, cần phát huy hiệu quả hệ thống báo in, phát thanh, truyền hình, thông tấn, báo ảnh, báo điện tử… để củng cố, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng ta, đồng thời xung kích tuyên truyền, cổ động đấu tranh nhằm giành thế chủ động trên thế trận tuyên truyền hệ tư tưởng, mang lại hiệu quả chính trị về nhận thức cho phong trào công nhân và các tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Với tư cách là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”(24), Đảng Cộng sản Việt Nam phải phát huy vai trò tiên phong của báo chí cách mạng Việt Nam hơn nữa, để báo chí xứng đáng với vai trò tiên phong của mình trong công tác tuyên truyền, cổ động, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng, “Có trách nhiệm góp phần làm cho thế giới quan Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội”(25).
Hiện nay, dưới sự tác động của khoa học, công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá sâu rộng và đa chiều ở tất cả các lĩnh vực, trong thời đại bùng nổ thông tin, sự xâm nhập mạnh mẽ của các xuất bản phẩm và các loại hình báo chí mới, trong đó lan truyền cả những trào lưu lý luận, tư tưởng sai trái, phản động trở thành những thách thức lớn đối với công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Điều này đòi hỏi báo chí cách mạng Việt Nam phải tích cực, chủ động hơn nữa trong các nội dung và hình thức thông tin, tuyên truyền. Đồng thời, cần tăng cường quản lý và định hướng hoạt động của các cơ quan báo chí; đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng và tinh thông nghiệp vụ; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền.
Chú trọng việc hoàn thiện các văn bản, quy định pháp luật cùng các cơ chế bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ chính đáng của các tổ chức, cá nhân báo chí trên mặt trận tư tưởng; đồng thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng báo chí, nhân danh báo chí để xuyên tạc, chống phá hệ tư tưởng nền tảng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
4. Kết luận
Trong bảo vệ nền tảng tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục, phải phát huy tính tiên phong về lý luận chính trị của Đảng và sử dụng hiệu quả phương tiện báo chí. Đảng Cộng sản Việt Nam phải vận dụng, phát triển, tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân, mà báo chí là một phương tiện nòng cốt trong công tác thông tin, truyền bá nền tảng tư tưởng.
_________________
(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (14), (15) (16), (17), (18), (20), (21) V.I.Lênin: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.50, IX, VIII, 91, 336, 50, VIII-IX, 38, 392, 336, 206, 336, 38-39, 49, 336, 207, 134, 206, 208.
(13) V.I.Lê-nin: Toàn tập, t.8, Sđd, tr.490.
(19), (22) Savas Coban: Media, ideology and hegemony, https://brill.com/display/book/edcoll/9789004364417/BP000001.xml?rskey=TJypy2&result=6, 2018.
(23) Hoàng Minh: Nâng cao chất lượng bài viết phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên Tạp chí Tuyên giáo, https://tuyengiao.vn, truy cập ngày 25-12-2023.
(24) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.351.
(25) Chỉ thị 08-CT/TW ngày 31-3-1992 về tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản.