Nhân vật - Sự kiện

Tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội 1954 - ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm

11/10/2024 09:04

(LLCT) - Cách đây 70 năm (10/10/1954 - 10/10/2024), Thủ đô Hà Nội được hoàn toàn giải phóng, mở ra một thời kỳ phát triển mới trong lịch sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Ngày giải phóng Thủ đô là mốc son chói lọi, là ngọn cờ cổ vũ nhân dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc tiếp quản và giải phóng Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa lịch sử sâu sắc và để lại những kinh nghiệm quý trong tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam.

PGS, TS NGUYỄN DANH TIÊN
TS TRẦN THỊ MỸ HƯỜNG

Viện Lịch sử Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội _ Ảnh: Tư liệu TTXVN.

1. Mở đầu

Cách đây 70 năm, thực hiện các hiệp định chuyển giao Hà Nội được ký kết ngày 30-9 và ngày 2-10-1954 tại Ủy ban Liên hợp đình chiến trung ương, sáng ngày 9-10-1954, bộ đội ta từ nhiều hướng tiến vào nội thành Hà Nội. Đến 16 giờ cùng ngày, những tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên rời khỏi Hà Nội. Sáng 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và Trung đoàn Thủ đô trở về tiếp quản Thủ đô trong rừng cờ hoa rực rỡ và tiếng hò reo của người dân. Thắng lợi trong việc tiếp quản, giải phóng Thủ đô đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử dân tộc, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược đầy gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất oanh liệt và vẻ vang; mở ra thời kỳ mới trong lịch sử xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.

2. Quá trình tiếp quản Hà Nội và ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô

Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong vùng tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Do đó, thực dân Pháp được Mỹ giúp sức, thực hiện âm mưu phá hoại Thành phố về mọi mặt; ngăn không cho ta nhanh chóng xây dựng Thủ đô thành chỗ dựa để hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục miền Bắc. Âm mưu của chúng là phá hoại để ta tiếp quản một Thủ đô kiệt quệ, hỗn loạn hòng làm giảm uy tín của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở trong nước và quốc tế. Thực hiện âm mưu đó, quân Pháp tranh thủ những ngày cuối cùng để phá hoại thành phố về mọi mặt, tháo dỡ máy móc, thiết bị ở các xí nghiệp, công sở để chuyển đi và cưỡng ép nhân dân di cư vào Nam.

Trước âm mưu, thủ đoạn thâm độc của thực dân Pháp, việc tiếp quản Hà Nội và các đô thị lớn ở miền Bắc là một công tác rất quan trọng. Đặc biệt, việc tiếp quản Hà Nội, giải phóng hoàn toàn Thủ đô có ý nghĩa hết sức trọng đại đối với sự nghiệp thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ, chính quyền Thành phố Hà Nội đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Thành phố, bảo vệ xí nghiệp, công sở, tính mạng, tài sản của nhân dân; bảo vệ quyền lợi của công nhân, viên chức, chống địch phá hoại; phát triển lực lượng cách mạng trong Thành phố, phối hợp với các lực lượng từ chiến khu trở về tiếp quản Thủ đô.

Bộ Chính trị cử các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô. Ngày 17-9-1954, theo quyết định của Chính phủ, Ủy ban Quân chính Thành phố chính thức được thành lập để tiếp quản Hà Nội, do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Sư đoàn Quân Tiên Phong làm Chủ tịch và bác sỹ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch, có nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý thành phố trên cơ sở chấp hành các chính sách của Chính phủ; nâng cao cảnh giác, đập tan mọi âm mưu khiêu khích và phá hoại của địch; công bố các chính sách đối với thành thị mới giải phóng, chính sách đối với tôn giáo, các quy định đối với bộ đội, cán bộ và nhân viên khi vào thành phố.

Ngày 30-9-1954, hai bên đã ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự và trật tự. Ngày 2-10-1954, hai bên ký tiếp Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính(1). Sau khi các hiệp định chuyển giao được ký kết, để bảo đảm trật tự trị an, từ ngày 2 đến ngày 5-10-1954, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phái các đội công an trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Thành phố trước để chuẩn bị tiếp quản, nhận bàn giao các công sở, công trình công cộng, các trụ sở quân sự của Pháp và ngụy quyền.

Ngày 7 và 8-10-1954, các đơn vị chủ lực của ta có nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô tiếp tục chia nhiều hướng tiến về Hà Nội

Đến 16 giờ 30 ngày 8-10-1954, các đoàn quân tiến sát vành đai đê La Thành, từ Nhật Tân, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Bạch Mai, Vĩnh Tuy(2).

Ở nội thành, ngày 8-10-1954, các đội hành chính, trật tự đã hoàn thành việc ký kết bàn giao các cơ quan, công sở, công trình công cộng với phía Pháp và chuẩn bị các điều kiện để nhận bàn giao các vị trí quân sự.

Sáng sớm ngày 9-10-1954, một số đơn vị bộ đội từ nhiều hướng tiến vào tiếp quản các khu vực quân sự. Đến 16 giờ ngày 9-10-1954, những lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội qua cầu Long Biên. Quân ta hoàn toàn kiểm soát, tiếp quản toàn bộ Thành phố Hà Nội(3).

Sáng 10-10-1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn 308 tiến vào Hà Nội trong rừng cờ hoa rực rỡ và tiếng reo hò của người dân Thủ đô. Đoàn xe đầu tiên do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sỹ Trần Duy Hưng dẫn đầu. 20 vạn nhân dân Hà Nội xuống đường đón Ủy ban Quân chính cùng đoàn quân chiến thắng.

Đúng 15 giờ, Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính Thành phố tổ chức trang trọng. Thay mặt Ủy ban Quân chính Thành phố, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô:

“Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào.

Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi. Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!”(4).

Sự kiện ngày 10-10-1954 thể hiện ý chí, quyết tâm đánh bại dã tâm xâm lược của quân đội Pháp. Khi bước vào cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân dân Hà Nội cùng với quân dân cả nước nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, với quyết tâm: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(5).

Là nơi mở đầu toàn quốc kháng chiến, với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng anh dũng và quả cảm, trong suốt 9 năm kháng chiến, Hà Nội cùng với cả nước đã chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo, đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (ngày 21-7-1954).

Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc; Hà Nội trái tim của cả nước, trở thành biểu tượng của lòng quả cảm, tinh thần bất khuất, khát vọng độc lập tự do và hòa bình. Ngày giải phóng Thủ đô mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử nghìn năm văn hiến và anh hùng của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

2. Bài học kinh nghiệm từ quá trình tiếp quản, giải phóng Thủ đô đối với tiến trình phát triển lịch sử dân tộc

Sự kiện giải phóng Thủ đô không chỉ có ý nghĩa với lịch sử Hà Nội mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho những chặng đường tiếp theo trên hành trình xây dựng và phát triển thành phố, xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố văn minh, văn hiến, hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu.

Thứ nhất, nhận thức sâu sắc vị thế, vai trò của Thủ đô trong triến trình phát triển của lịch sử dân tộc

Vùng đất Thăng Long - Hà Nội là kết tinh và quy tụ về địa lý, tự nhiên, chính trị, kinh tế, văn hóa, con người Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hà Nội là địa bàn chiến lược quan trọng, mở đầu “Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp”. Quán triệt phương châm vừa kháng chiến, vừa kiến quốc của Đảng, trong quá trình kháng chiến, Hà Nội đã phát huy cao độ sức mạnh khối đoàn kết toàn dân và tinh thần tự lực, tự cường; đồng thời, phối hợp với chiến trường cả nước, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung.

Hà Nội được giải phóng. Từ một thành phố chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tạo cơ sở nền tảng, cùng cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Ngày nay, Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ, thay đổi từng ngày, xứng đáng với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và là cầu nối liên kết Việt Nam với thế giới, được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”.

70 năm xây dựng và phát triển từ ngày giải phóng đến nay, Thủ đô Hà Nội đã trải qua những chặng đường lịch sử oai hùng và có nhiều bước tiến quan trọng; chưa bao giờ Thủ đô phát triển mạnh mẽ, hội tụ và lan tỏa đối với đất nước và quốc tế, thể hiện rõ vị trí, vai trò tiếp nối, phát triển từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Mỗi người dân Việt Nam nói chung và người dân Thủ đô nói riêng tự hào và ý thức hơn về trách nhiệm của mình, chung sức, đồng lòng xây dựng Hà Nội trở thành thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu.

Thứ hai, phát huy sự chủ động, sáng tạo; kịp thời nắm bắt thời cơ để giành thắng lợi

Việc tiếp quản, giải phóng Thủ đô có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, Thành ủy Hà Nội đã chủ động và sớm xây dựng kế hoạch chuẩn bị mọi mặt cho việc tiếp quản một cách chu đáo. Ủy ban Quân chính được thành lập, bộ máy tiếp quản được tổ chức. Trung ương ban hành và phổ biến cho cán bộ tiếp quản các chỉ thị “Bảo vệ thành phố mới được giải phóng” cùng “8 chính sách đối với thành phố mới được giải phóng” và “10 điều kỷ luật của bộ đội, nhân viên công tác khi vào thành phố mới được giải phóng”. Bên cạnh đó, Ủy ban Quân chính đã chuẩn bị một lực lượng quân - dân đủ mạnh để đề phòng và khắc phục mọi hậu quả hoạt động phá hoại do thực dân Pháp gây ra.

Để khắc phục những khó khăn, ổn định đời sống nhân dân trong những ngày mới giải phóng, Ủy ban Quân chính chỉ đạo quân và dân Hà Nội tích cực tham gia mọi hoạt động nhanh chóng phục hồi sản xuất, khôi phục nền kinh tế, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân.

Sự chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tiếp quản, giải phóng Thủ đô là bài học quan trọng không chỉ có ý nghĩa với Hà Nội mà có giá trị lịch sử sâu sắc.

Để Hà Nội phát triển và hội nhập trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi sự chủ động trong việc chuẩn bị cả về tâm thế, các nguồn lực cần thiết; cùng với đó là sự tận dụng, tranh thủ thời cơ để xây dựng và phát triển Thủ đô, xứng đáng với vị thế, vai trò trung tâm của đất nước cả trong hiện tại và tương lai.

Thứ ba, phát huy tinh thần đoàn kết quân dân - Cội nguồn sức mạnh để giải phóng, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại

Cuộc kháng chiến ở Hà Nội là minh chứng về sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Để đưa cuộc kháng chiến ở Thủ đô đến thắng lợi, xuất phát từ vị trí, đặc điểm và những điều kiện lịch sử cụ thể, Đảng bộ, chính quyền Thành phố Hà Nội đã vận dụng đúng đắn đường lối, chính sách, chủ trương kháng chiến của Đảng, đặc biệt là phương châm, nhiệm vụ công tác trong vùng bị địch tạm chiếm; tăng cường đoàn kết, huy động sức mạnh toàn dân đánh giặc, chăm lo xây dựng, bồi dưỡng lực lượng trong suốt quá trình kháng chiến, trước hết là lực lượng chính trị quần chúng. Trên cơ sở đó, tổ chức lực lượng vũ trang, kết hợp chặt chẽ đấu tranh kinh tế, chính trị của quần chúng với đấu tranh vũ trang và đấu tranh ngoại giao; vừa đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, vừa tuyên truyền, vận động trong hàng ngũ địch, tạo nên sức mạnh tổng hợp, quyết chiến và quyết thắng.

Sau ngày giải phóng với cuộc biến đổi lớn, việc ổn định đời sống nhân dân rất phức tạp và khó khăn. Song, Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm, nhất trí góp sức vượt qua mọi khó khăn vì mục đích chung làm cho Hà Nội trở thành một Thủ đô “yên ổn, tươi vui, phồn thịnh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn.

Sau khúc khải hoàn, bắt tay vào công cuộc tái thiết Thủ đô, quân và dân Hà Nội tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đi đầu trong xây dựng CNXH, tạo sự chuyển mình mạnh mẽ.

Từ hiện tại nhìn về quá khứ cho thấy tinh thần đoàn kết của quân dân Thủ đô chính là nguồn lực nội sinh giúp Hà Nội không chùn bước trước mọi khó khăn. Mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra rất lớn, khó khăn, thử thách rất nhiều, nhưng với hành trang là những thành tựu vẻ vang cả trong quá khứ và hiện tại, phát huy tinh thần đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, đã trở thành động lực thúc đẩy công cuộc xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Thứ tư, kế thừa, tiếp nối, phát huy truyền thống yêu chuộng hòa bình và khát vọng độc lập dân tộc của nhân dân Thủ đô, tạo sức mạnh tổng hợp để khẳng định vị thế Hà Nội - Thành phố vì hòa bình

Theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, hơn ai hết, nhân dân Hà Nội luôn khát khao và trân trọng giá trị của “hòa bình”. Tình yêu hòa bình và khát vọng độc lập dân tộc đã ngấm vào máu thịt của người Hà Nội từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo ra chất văn hóa của Thủ đô.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, khát vọng hòa bình của quân và dân Hà Nội được thể hiện ngay từ trận mở màn toàn quốc kháng chiến, với 60 ngày đêm khói lửa “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” cuối năm 1946 đầu năm 1947 đến những tháng năm chiến đấu kiên cường để giải phóng Thủ đô. Tinh thần đó được nhân lên trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những chiến công đó, khiến bạn bè quốc tế thán phục và ngợi ca: “Hà Nội, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Giá trị cao quý đó là nền tảng tinh thần, sức mạnh to lớn, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín của Hà Nội và đất nước Việt Nam

4. Kết luận

Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954) là một mốc son trong lịch sử dân tộc. Đó là cơ sở, động lực để Hà Nội tiến lên, từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu, xứng đáng với vị thế là Thủ đô - trái tim cả nước - nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những giá trị cao quý của dân tộc Việt Nam.

_________________

Ngày nhận bài: 26-9-2024; Ngày bình duyệt: 4-10-2024; Ngày duyệt đăng:10-10-2024.

(1), (2), (3) Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội: Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội, tập 1 (1930-2000), Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2004, tr. 277-278, 279, 280.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr.79.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.579.