Nhận diện, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch về Công đoàn Việt Nam
(LLCT) - Trải qua gần một thế kỷ xây dựng và lớn mạnh, Công đoàn Việt Nam ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò “là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động”, “đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động”. Thế nhưng, với mưu đồ phá hoại sự nghiệp cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch đã bịa đặt, xuyên tạc sự thật hiển nhiên về những thành tựu và đóng góp to lớn của Công đoàn Việt Nam. Bài viết nhận diện và phê phán các quan điểm sai trái, thù địch về Công đoàn Việt Nam, từ đó có những biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và hệ thống chính trị nước ta hiện nay.
TS NGUYỄN THỊ HOA
Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Mở đầu
Khi nghiên cứu về phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, chủ nghĩa Mác - Lênin cũng đồng thời khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn. Trong công cuộc xây dựng CNXH, theo V.I.Lênin, công đoàn phải trở thành những tổ chức có nhiệm vụ trước tiên là cải tổ lại toàn bộ đời sống kinh tế trên những nguyên tắc của CNXH(1); công đoàn là trường học của chủ nghĩa cộng sản, “trường học quản lý”, “trường học quản lý kinh tế”, “trường học đoàn kết”…
Cùng với mục tiêu phát triển giai cấp công nhân và thực tiễn phát triển của phong trào công nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò to lớn của tổ chức công đoàn Việt Nam đối với công nhân và người lao động: “Tổ chức Công hội trước hết là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là giữ gìn quyền lợi cho công nhân; năm là để giúp cho Quốc dân, giúp cho thế giới”(2).
Kế thừa và phát triển sáng tạo những cơ sở lý luận trên, trong thực tiễn lãnh đạo quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhất là trong công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn khẳng định vai trò to lớn của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Qua gần một thế kỷ xây dựng và lớn mạnh từ năm 1929 đến nay, Công đoàn Việt Nam ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò “là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động”, “đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động”.
Thế nhưng, với mưu đồ phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta, các thế lực thù địch đã bịa đặt, xuyên tạc về những thành tựu và đóng góp to lớn của Công đoàn Việt Nam.
2. Nhận diện và phê phán các quan điểm phủ nhận thành tựu đổi mới của tổ chức Công đoàn Việt Nam
Trước hết, nhằm xuyên tạc về phương châm "Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển" được xác định tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, các thế lực thù địch, chống phá đưa ra luận điệu rằng: “thực ra vấn đề công đoàn “đổi mới” không hề… mới” vì đã được Đảng đưa ra từ 30 năm nay(3).
Cái mà chúng cho là “cũ”, về bản chất, đó chính là thể hiện sự nhất quán, kiên định, quyết tâm và nỗ lực đến cùng của Đảng ta để tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng hoàn thiện và phát triển.
Thực tế là, đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam là yêu cầu được Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở đối với đội ngũ cán bộ công đoàn Việt Nam (chứ không chỉ “đưa ra từ 30 năm nay như “quan sát” của một số người không thiện chí). Người khẳng định: muốn đạt mục đích “đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm” thì cán bộ công đoàn cần nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi đúng đường lối quần chúng, lãnh đạo phải dân chủ, phải cùng công nhân đồng cam cộng khổ, phải hòa mình với công nhân thành một khối, phải gương mẫu. Nếu cho rằng đổi mới chỉ là công việc có thể hoàn thành một sớm, một chiều, trong một thời điểm, thì đó hoàn toàn là siêu hình, phiến diện và hồ đồ. Bởi lẽ, đổi mới phải là quá trình lâu dài, liên tục để thích ứng và phù hợp với sự biến đổi khách quan của các yếu tố bên trong và bên ngoài; đồng thời để có thời gian khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong hiện tại. Theo đó, sự đổi mới của tổ chức Công đoàn Việt Nam là yêu cầu tất yếu, liên tục, không phải làm một lần, hay một vài năm. Bởi vậy, “đổi mới” đối với tổ chức và hoạt động của Công đoàn là yêu cầu thường trực.
Hơn nữa, sự hồ đồ của những luận điệu xuyên tạc còn thể hiện ở chỗ, chúng không thấy được, một cách vô tình hay cố ý, về những yêu cầu khác nhau về đổi mới cũng như những thành tựu ngày càng được bồi đắp, hoàn thiện và toàn diện sau mỗi chặng đường đổi mới của Công đoàn Việt Nam.
Thực tiễn quá trình đổi mới được thể hiện trong việc xác định những mục tiêu khác nhau ở mỗi kỳ đại hội của Công đoàn Việt Nam, vì những mục tiêu được xác định luôn gắn với bối cảnh, nhiệm vụ cách mạng đặc thù của mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ I (tháng 01-1950) diễn ra trong bối cảnh cả nước đồng lòng tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mục tiêu của Đại hội được xác định là: Động viên công nhân, viên chức cả nước, nhất là ngành quân giới sản xuất nhiều vũ khí, khí tài phục vụ cho kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi nhiệm vụ và quyết tâm chung của cả dân tộc là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam, thì mục tiêu của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần II, III được xác định là: Động viên cán bộ, công nhân, viên chức thi đua lao động, sản xuất, xây dựng CNXH ở miền Bắc với tinh thần: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà và “Động viên sức người, sức của chi viện cho chiến trường, tất cả để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”(4).
Khi đất nước thống nhất, thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, mục tiêu các đại hội cũng được xác định linh hoạt phù hợp với yêu cầu của từng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đó là: “Động viên giai cấp công nhân và người lao động thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa trong cả nước” (Đại hội IV), “Động viên công nhân lao động thi đua thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng: Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu” (Đại hội V); “Việc làm và đời sống, dân chủ và công bằng xã hội” (Đại hội VI); Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn, góp phần và xây dựng bảo vệ Tổ quốc, chăm lo và bảo vệ lợi ích của công nhân, lao động” (Đại hội VII)(5)… Các Đại hội tiếp theo cho đến nay (VIII, IX, X, XI, XII, XIII), mục tiêu tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới luôn được khẳng định.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII đã xác định phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, đã khái quát những đặc tính, bản chất và mục tiêu chung mà Công đoàn Việt Nam hướng tới. Như vậy, sự đổi mới được thể hiện ngay trong việc xác định mục tiêu hoàn toàn đúng đắn, khoa học, xuất phát từ thực tiễn của Công đoàn Việt Nam tại mỗi kỳ đại hội. Những mục tiêu đó vừa thể hiện sự linh hoạt, vừa có tính nhất quán: Đó là sự kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ cấp bách và lâu dài trong từng giai đoạn; giữa lợi ích quốc gia dân tộc và lợi ích của giai cấp công nhân, người lao động.
Thứ hai, các thế lực thù địch chống phá, xuyên tạc về cách thức và phương pháp “đổi mới” mà Công đoàn đã thực hiện là chỉ chú ý đến việc sửa đổi phương pháp hoạt động, tuyên truyền chính trị, cách thức thu hút thành viên; rằng Công đoàn chỉ quan tâm đến những “chỉ tiêu chính trị” chứ không quan tâm đúng mức đến những đòi hỏi trực tiếp của người lao động, “lo tăng thành viên mà không đấu tranh tăng lương cho người lao động”… Đó là những luận điệu xuyên tạc một cách trắng trợn trước những nỗ lực của hệ thống Công đoàn Việt Nam mà những kết quả đạt được trong thực tiễn là không thể phủ nhận.
Thực tế là, xét cả về nhận thức và thực tiễn, đổi mới về nội dung hoạt động luôn là trọng tâm trong quá trình đổi mới của Công đoàn Việt Nam. Theo đó, nội dung đổi mới ngày càng hướng tới việc bảo đảm tốt nhất những quyền lợi, lợi ích chính đáng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của người lao động, nhất là về tiền lương, bảo hiểm xã hội, thời giờ làm việc, nhà ở, an toàn vệ sinh lao động… Nội dung cụ thể của mục tiêu đổi mới linh hoạt và đa dạng nhằm đáp ứng những yêu cầu của đổi mới cũng như sự hoàn thiện và toàn diện trong đổi mới của Công đoàn Việt Nam.
Về mặt nhận thức, đổi mới về nội dung hoạt động trước hết vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động luôn là ưu tiên hàng đầu của Công đoàn Việt Nam. “Đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động”(6) là chức năng, nhiệm vụ đầu tiên của Công đoàn Việt Nam được quy định tại Điều 10 Hiến pháp năm 2013. Mục tiêu Đại hội X của Công đoàn cũng xác định rõ: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn các cấp; hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động làm đối tượng vận động; chuyển mạnh hoạt động công đoàn vào việc tổ chức thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”(7).
Giải pháp về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu tình hình mới được xác định trong Nghị quyết số 02 - NQ/TW ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới cũng đã xác định nội dung trước tiên là “Công đoàn các cấp căn cứ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động để xác định nội dung và mục tiêu hoạt động; xây dựng niềm tin, tạo sự gắn kết giữa người lao động với tổ chức công đoàn để Công đoàn Việt Nam thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động”(8). Đồng thời, Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII đã xác định 03 khâu đột phá, trong đó khâu đột phá đầu tiên là: “Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động”(9).
Về mặt thực tiễn: Qua những kết quả đạt được trong thực tiễn hoạt động, Công đoàn Việt Nam ngày càng khẳng định trọng trách là tổ chức đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài của người lao động, nhất là trước những tác động mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa kinh tế, dịch bệnh, tác động của nền kinh tế thị trường, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự bất ổn chính trị ở một số nơi trên thế giới… Cụ thể là:
Thứ nhất, đóng góp của Công đoàn Việt Nam trong việc nâng cao thu nhập, điều chỉnh hợp lý thời gian làm việc của người lao động. Tiền lương là một trong những sự quan tâm hàng đầu của người lao động, bởi vậy, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Công đoàn Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia thông qua việc đề xuất nâng mức lương tối thiểu cho người lao động. Trong giai đoạn 2018 - 2023, đề xuất nâng mức lương tối thiểu tăng 25,34% (so với năm 2017, năm 2018 tăng 6,45%, năm 2019 tăng 12,03%, năm 2020 tăng 18,25%, năm 2022 tăng 25,34%). Điều này là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực của Công đoàn trong việc nâng cao đời sống của đoàn viên, người lao động thông qua thương lượng tiền lương. Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham mưu tăng thêm 01 ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh 2-9 trong Bộ Luật lao động năm 2019.
Thứ hai, đóng góp của Công đoàn Việt Nam trong xây dựng và thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Công đoàn Việt Nam đã tích cực tuyên truyền và phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan báo chí của Công đoàn: Báo Lao động, Báo Người lao động, Tạp chí Lao động và Công đoàn…, mở các chuyên mục, đăng tải các bài viết, phóng sự nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách về lĩnh vực này). Đồng thời, Công đoàn kiến nghị, tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về các hình thức bảo hiểm cho người lao động (như: Công đoàn đã đề nghị Quốc hội có những giải pháp để khắc phục hạn chế, bất cập trong cách tính lương hưu của người lao động từ ngày 01-01-2018; đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định 153/2018/NĐ-CP ngày 07-11-2018 “quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng”).
Bên cạnh đó, Công đoàn tham gia công tác tư vấn pháp luật cho đoàn viên, người lao động về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Trong giai đoạn 2015 - 2018, hệ thống tư vấn pháp luật của Công đoàn đã thực hiện 139.196 tư vấn pháp luật cho 503.522 lượt người, trong đó: tư vấn trong lĩnh vực lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện là 134.811 lần cho 488.378 lượt người; tư vấn trực tiếp cho 131.364 lượt người, tư vấn gián tiếp cho 204.404 lượt người, tư vấn lưu động cho 164.754 lượt người(10).
Trên cơ sở đó, diện bao phủ bảo hiểm xã hội ngày càng mở rộng, lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng theo các năm.
Bảng 1: Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2018-2023
2018 (%) | 2019 (%) | 2020 (%) | 2021(%) | 2022 (%) | 2023 (%) | |
Bảo hiểm xã hội | 30,4 | 32,3 | 32,6 | 36 | 38,08 | 39,25 |
Bảo hiểm thất nghiệp | - | - | - | 25,18 | 31,18 | 31,60 |
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ các báo cáo các năm 2018, 2019, 2020, 2021,2022 và 2023 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Với sự vào cuộc quyết liệt của Công đoàn, tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp cũng được cải thiện (tỷ lệ chậm đóng so với số phải thu của năm 2020 chiếm 4,4%, đến năm 2021 giảm xuống còn 3,64%, năm 2022 con số này là 2,9% trên tổng số phải thu)(11).
Thứ ba, đóng góp của Công đoàn Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động. Giải quyết nhà ở cho công nhân là trách nhiệm của Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có tổ chức Công đoàn. Về vấn đề này, Công đoàn xây dựng một chương trình lớn. Từ đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12-5-2017 phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Theo đó, bằng tiết kiệm chi thường xuyên, cùng với sự nỗ lực của Công đoàn Việt Nam, nhiều khu thiết chế công đoàn đã được xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu về chỗ ở, sinh hoạt cho công nhân.
Đặc biệt, Luật Nhà ở (sửa đổi năm 2013) quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê. Chương trình “Nhà ở mái ấm Công đoàn” đã được các cấp công đoàn tích cực thực hiện với nhiều phương thức hiệu quả, trở thành chương trình có ý nghĩa nhân văn to lớn (riêng trong giai đoạn 2013 - 2018 đã có hơn 18 nghìn gia đình đoàn viên nghèo được xây dựng nhà mới hoặc sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 382 tỷ đồng)(12).
Trong các dịp Tết Nguyên đán, từ trung ương đến địa phương, nhiều nguồn lực đã được huy động để tất cả đối tượng chính sách, người dân nói chung và người lao động có hoàn cảnh khó khăn đều được vui Xuân đón Tết trong no ấm, sum vầy. Tuy nhiên, dù việc làm của chúng ta có đúng đắn và nỗ lực đến đâu thì các phần tử cực đoan, phản động vẫn cố tình xuyên tạc, bóp méo. Dựa trên một vài thông tin chưa đầy đủ về đời sống người lao động vào dịp Tết, các đối tượng đưa lên mạng xã hội những thông tin xuyên tạc, rằng người lao động ở các khu công nghiệp trong nước đang rất khó khăn, “cạn tiền lại mất việc, lao động nghèo bới rác kiếm thức ăn, quần áo mới…đón Tết” và đan cài luận điệu xuyên tạc về việc quản lý điều hành đất nước, về vai trò của công đoàn nhằm bóp méo, thổi phồng với dụng ý xấu; rằng nếu chính quyền và Công đoàn có hỗ trợ thì chỉ mang tính “phước thiện như quà”, mang tính cách “ban ơn” nhiều hơn là “thực thi bổn phận”…
Thực tế là, các hoạt động được Công đoàn tổ chức mang tính truyền thống vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc như: Chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ”, “Chợ Tết Công đoàn”, “Hành trình Tết Công đoàn”, “Chuyến tàu Công đoàn” … có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và có sức lan tỏa lớn. Trách nhiệm lớn lao của Công đoàn Việt Nam càng được khẳng định trong bối cảnh đại dịch Covid - 19. Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động, tiêu biểu như hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ”, “một cung đường 2 điểm đến”; miễn phí đóng đoàn phí công đoàn, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp; triển khai chương trình “Vắcxin cho công nhân”, ủng hộ Quỹ Vắcxin phòng, chống dịch Covid-19 Việt Nam… Thông qua đó, đã có trên 10 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng với tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng(13).
Đây chỉ là một số thành tựu trong bề dày thành tựu mà Công đoàn Việt Nam đã làm được vì công nhân, vì người lao động. Qua đó có thể khẳng định một sự thật rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam đang quyết tâm, Công đoàn Việt Nam đang nỗ lực để đổi mới một cách toàn diện với mục tiêu thực hiện tốt hơn việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của người lao động.
3. Nhận diện và phê phán luận điệu phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam
Mục đích của các thế lực thù địch, phản động ngày càng rõ ràng và thâm độc, không chỉ xuyên tạc về nội dung, phương pháp đổi mới của Công đoàn, chúng còn tự bịa đặt ra những “tiêu chí đổi mới” cho Công đoàn Việt Nam, đó là: “Công đoàn Việt Nam không cần phải dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”, “không là tổ chức chính trị - xã hội”. Và vì vậy, trong bối cảnh Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA…), chúng ráo riết yêu cầu, đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng thành lập cái gọi là “tổ chức công đoàn độc lập”, công đoàn tự do không thuộc đảng phái nào.
Trên thực tế, khi cố tình phủ nhận những nỗ lực và thành tựu to lớn của Công đoàn Việt Nam trong nhiệm vụ chăm lo và bảo vệ người lao động, các thế lực thù địch, phản động lại ra sức ủng hộ và tán dương cho những tổ chức bất hợp pháp núp dưới danh nghĩa là “công đoàn” (như tổ chức “Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam” (VIU, 7-2020)). Chúng rêu rao rằng, việc bảo đảm lợi ích cho người lao động không thể do một tổ chức đại diện cho người lao động của một doanh nghiệp riêng lẻ, mà cần phải do sự đấu tranh của một “tổ chức độc lập liên kết ngành, nghề hay liên kết quốc gia thì mới có cơ hội thành công”; rằng “Việt Nam cần có những nghiệp đoàn độc lập bên cạnh Công đoàn Việt Nam để tăng cường bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, là thành phần bổ túc quan trọng để góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế”.
Thế nhưng, những tổ chức mà các thế lực thù địch, phản động ủng hộ và tung hô, được gọi là “tổ chức công đoàn độc lập” đã, đang và sẽ mang lại lợi ích gì cho người lao động? Thực tế là, những hoạt động chính của chúng là những việc làm hòng bôi nhọ, xuyên tạc những thành quả và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị Việt Nam trên hành trình mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Hơn nữa, Công đoàn - với chức năng chính là chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, còn phải thường xuyên hỗ trợ để người lao động có việc làm bền vững, để chủ động ổn định và phát triển đời sống. Muốn vậy, người lao động cần được tư vấn, hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, trình độ để có thể chủ động thích ứng với những tác động từ toàn cầu hóa, từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Và Công đoàn Việt Nam đang thực hiện rất hiệu quả nhiệm vụ này. Vậy mà, các phần tử phản động lại cho rằng, người lao động “không cần và không có tâm trí để giáo dục, học tập, rèn luyện và trưởng thành” (!). Cổ súy cho việc thành lập cho các tổ chức “công đoàn độc lập”, “nghiệp đoàn độc lập” đồng thời với việc xuyên tạc trắng trợn về Công đoàn Việt Nam, phải chăng chúng đang hão huyền và mơ mộng về một kịch bản như đã từng xảy ra ở Ba Lan cuối những năm 80 thế kỷ XX, khi phong trào công nhân ở Ba Lan được dẫn dắt bởi cái gọi là “Công đoàn đoàn kết Ba Lan” với sự giật dây của phương Tây, khiến Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan mất vai trò lãnh đạo, dẫn tới sự sụp đổ chế độ XHCN ở nước này?
Thực tế lịch sử đã chứng minh cho một chân lý là, chỉ những tổ chức nào, vì lợi ích chính đáng của nhân dân mà ra đời, cũng chỉ vì duy nhất lợi ích ấy mà hành động, thì mới đủ tư cách để tồn tại và đồng hành cùng nhân dân, cùng dân tộc Việt Nam. Bản chất là, những website, trang mạng xã hội đăng tải các bài viết có nội dung phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam và đòi thành lập các tổ chức công đoàn có tính chất đối lập đã bị cơ quan chức năng vạch trần, chỉ rõ là có sự kết nối, liên hệ trực tiếp, chặt chẽ với các tổ chức phản động từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam (như Việt Tân, Hội nhà báo Độc lập, Hội tù nhân lương tâm, Hội phụ nữ nhân quyền…), suy đến cùng, hòng gây chia rẽ, làm mất niềm tin của nhân dân, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phá hoại công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam.
Tất nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, Đảng ta cũng nhận định: “tổ chức và hoạt động của Công đoàn còn một số hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới… Hoạt động công đoàn ở một số ngành, địa phương chưa gắn với đặc điểm, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động…”(14); đời sống của một bộ phận lao động, nhất là lao động khu vực phi chính thức và công nhân các khu công nghiệp còn nhiều khó khăn về nhà ở, điều kiện làm việc, nhà trẻ, dịch vụ khám chữa bệnh... Nhưng toàn hệ thống chính trị nói chung, Công đoàn Việt Nam nói riêng luôn lấy lợi ích chính đáng của nhân dân là mục tiêu chiến lược và động lực, đang kiên trì, nỗ lực thực hiện các giải pháp ngày càng hiệu quả, phát huy trí tuệ, bản lĩnh và tâm huyết của đội ngũ cán bộ Công đoàn Việt Nam, khắc phục hạn chế, phát huy thành tựu, để Công đoàn Việt Nam xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất cho giai cấp công nhân và người lao động.
4.Kết luận
Âm mưu và hành động của các thế lực phản động phủ nhận vai trò và thành tựu của Công đoàn Việt Nam là đi ngược lại với lợi ích chính đáng của nhân dân Việt Nam, với lương tri và giá trị đích thực của toàn thể dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, đó chỉ là những thoi thóp ngược dòng, trước sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, trước ý chí kiên cường và sự quyết tâm của những người Việt Nam yêu nước tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng lẽ phải và chính nghĩa, đồng lòng vì một Việt Nam ngày càng phồn vinh và hạnh phúc. Đó là chân lý, là sự thật, là giá trị nhân văn cao cả của CNXH mà bất cứ một âm mưu nào, hành động nào, nếu đi ngược lại những giá trị ấy, đều sẽ bất lực và thất bại!
_________________
Ngày nhận bài: 16-7-2024; Ngày bình duyệt: 10-10-2024; Ngày duyệt đăng: 18-10-2024.
(1) V.I.Lê nin: Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.196
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 330.
(3) Xem https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c72702z941po: Đại hội Công Đoàn kỳ 13 có đổi mới nhưng thiếu nhiều giải pháp cơ bản?.
(4), (5), (7), (9) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/12-ky-dai-hoi-cong-doan-viet-nam-119231114125225161.htm.
(6) Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2013, Điều 10, tr.5
(8), (14) ĐCSVN: Nghị quyết Số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới
(10) https://www.vin-bhxh.vn/blog/43/Vai-tro-cua-to-chuc-cong-doan-trong-viec-bao-dam-quyen-loi-nguoi-lao-dong-ve BHXH,BHYT,BHTN.
(11) https://dangcongsan.vn/xa-hoi/giai-phap-nao-ngan-chan-doanh-nghiep-tron-dong-bao-hiem-xa-hoi-633280.html.
(12) https://laodongcongdoan.vn/bai-7-nang-cao-phuc-loi-cho-doan-vien-giai-phap-hieu-qua-thu-hut-nguoi-lao-dong-96995.html.
(13)https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/khang-dinh-nhiem-vu-dai-dien-cham-lo-bao-ve-quyen-loi-ich-hop-phap-cua-nguoi-lao-dong-653651.html