Phát triển kinh tế rừng ở tỉnh Đắk Nông theo hướng bền vững
(LLCT) - Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường; đưa lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Trên cơ sở phân tích những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế rừng của tỉnh Đắk Nông, bài viết chỉ ra những kết quả đạt được và hạn chế còn tồn tại, qua đó đề xuất một số kiến nghị, giải pháp nhằm phát triển kinh tế rừng ở tỉnh trong thời gian tới.
TS VÕ VĂN LỢI
Học viện Chính trị khu vực III
1. Mở đầu
Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 171/QĐ-TTg ngày 07-02-2024 xác định mục tiêu: Nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên nhằm phát huy tốt chức năng của từng loại rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, tăng cường trữ lượng cácbon của rừng và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án, qua đó phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương có diện tích rừng lớn, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên rừng, góp phần tạo sinh kế bền vững, giúp đời sống của người dân ngày càng ổn định và được cải thiện.
2. Chủ trương, chính sách phát triển kinh tế rừng ở tỉnh Đắk Nông
Đắk Nông là một tỉnh Tây Nguyên có tiềm năng, thế mạnh về lâm nghiệp, trong tổng diện tích tự nhiên 650.927 ha, có khoảng 293 nghìn ha đất lâm nghiệp, chiếm 45% diện tích tự nhiên của tỉnh(1). Tổng diện tích đất có rừng tính đến ngày 31-12-2023 là 254 nghìn ha, trong đó có 196 nghìn ha rừng tự nhiên và 58 nghìn ha rừng trồng, diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho phát triển rừng là 80,6 nghìn ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 39,01%(2). Rừng ở Đắk Nông có giá trị lớn về đa dạng sinh học, nguồn gen, cảnh quan, sông suối, thác nước… là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, có tiềm năng để phát triển kinh tế lâm nghiệp, phát triển kinh tế dưới tán rừng. Đắk Nông còn có Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, hồ Tà Đùng được ví là “Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên”, thác Đrây Sáp... là nguồn lực có giá trị để phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của tài nguyên rừng đối với phát triển kinh tế, trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tỉnh Đắk Nông xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nhằm triển khai thực hiện các chủ trương lớn của Trung ương về phát huy hiệu quả các nguồn lực trong phát triển kinh tế(3), tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách như: Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ngày 19-8-2021 Về quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 267/KH-UBND ngày 24-5-2022 của UBND tỉnh Đắk Nông thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 19-8-2021; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt các chương trình, đề án, dự án như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững khu vực Tây Nguyên, giai đoạn 2016-2030; Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển bền vững hạt mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030. Các đơn vị chủ rừng chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện các hạng mục đầu tư phát triển kinh tế rừng như: khôi phục và phát triển rừng; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; chăn nuôi và nuôi trồng dược liệu dưới tán rừng nhằm quản lý rừng bền vững.
3. Những kết quả đạt được
Công tác quản lý, bảo vệ rừng dần ổn định; tình trạng phá rừng cơ bản được kiểm soát, các vụ vi phạm được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, giảm thiểu các vụ phá rừng quy mô lớn; hoàn thành chỉ tiêu phát triển rừng hằng năm; nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của rừng được nâng lên; giá trị xuất khẩu các sản phẩm lâm sản tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây khi thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng của tỉnh rất lớn, bên cạnh việc tập trung nguồn lực bảo vệ gần 200.000 ha rừng tự nhiên, hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang tiếp tục nâng cao độ che phủ rừng và đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của tài nguyên rừng đối với phát triển kinh tế, trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tỉnh Đắk Nông xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi lớn của Nhà nước, qua đó tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển kinh tế rừng, trong bối cảnh rừng ngày càng đóng vai trò quan trọng cả về phương diện môi trường và kinh tế. Tỉnh Đắk Nông đang được hưởng những chính sách ưu đãi như: hỗ trợ về giao khoán rừng; chi trả dịch vụ môi trường rừng; nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ… Đây là điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng cũng như phát triển kinh tế dưới tán rừng. Kết quả là, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, người dân đầu tư vào phát triển kinh tế rừng, cụ thể trên một số lĩnh vực như sau:
(i) Dịch vụ môi trường rừng: tổng nguồn thu từ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo Điều 63 của Luật Lâm nghiệp năm 2017 (từ ngày 01-01-2023 đến 31-12-2023) là 120 tỷ đồng, đạt 117,15% kế hoạch (thu từ các cơ sở sản xuất thủy điện(4); cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch; cơ sở sản xuất công nghiệp). Ngoài các nguồn thu trên, hiện nay trên địa bàn tỉnh, một số đơn vị chủ rừng xây dựng đề án cho thuê môi trường rừng để thực hiện dự án du lịch sinh thái, phát triển dược liệu dưới tán rừng. Huyện Đắk Glong là một trong những địa phương đi đầu trong công tác giao khoán đất rừng để người dân thu được nguồn lợi từ rừng cũng như giúp cho chính quyền địa phương giảm áp lực về tình trạng phá rừng trên địa bàn. Vườn Quốc gia Tà Đùng giao khoán hơn 6.000 ha rừng cho 201 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần khu rừng(5).
(ii) Du lịch sinh thái: thời gian qua, các đơn vị chủ rừng như: Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Vườn quốc gia Tà Đùng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, Công ty TNHH MTV Đắk N’tao, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Wil,... đã chủ động bổ sung hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng vào phương án quản lý rừng bền vững, với diện tích khoảng 24.680 ha. Hiện nay, một số doanh nghiệp đang triển khai các dự án thuê rừng, đất rừng đầu tư dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí như: Công ty Phúc Lâm Thành, Công ty Liên Thành; một số doanh nghiệp thực hiện thuê môi trường rừng như Công ty Hiểu về trái tim, Công ty Cổ phần Đông Đô II…
(iii) Trồng dược liệu dưới tán rừng: với quỹ đất lâm nghiệp lớn, khí hậu ôn hòa, điều kiện tự nhiên thuận lợi phù hợp với nhiều loài cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, tỉnh đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước hợp tác, tham gia đầu tư về dược liệu. Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa đã ký kết văn bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần dược Lâm Đồng Ladophar; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil, Nam Tây Nguyên ký thỏa thuận với Công ty Cổ phần Vạn Thương Sài Gòn… Các đơn vị chủ rừng đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, trong đó đưa nội dung này vào phương án, với tổng diện tích dự kiến là 5.300 ha.
(iv) Trồng rừng, khai thác các sản phẩm từ rừng: công tác phát triển rừng được chú trọng, đạt và vượt mục tiêu. Cụ thể: năm 2023, tổng diện tích đạt 3.324,56 ha; trong đó: trồng rừng 2.282,78 ha (trồng rừng tập trung 1.459,01 ha, trồng cây phân tán 170,77 ha, nông lâm kết hợp 653 ha); khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 1.041,78 ha; đạt 104,6% chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh giao(6).
4. Một số hạn chế và nguyên nhân
Một số hạn chế
Quy hoạch đất lâm nghiệp và các lĩnh vực khác còn chồng chéo, thiếu tính bền vững; tình trạng phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp còn diễn ra; một số mô hình tổ chức quản lý rừng hoạt động chưa hiệu quả; nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa bảo đảm, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Chỉ tiêu quy hoạch đất lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030 của tỉnh tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ chưa phù hợp với tình hình thực tế, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; do đó cần được điều chỉnh trong thời gian tới.
Hiệu quả kinh tế rừng đem lại còn thấp, chưa tương xứng với quy mô diện tích đất lâm nghiệp. Theo số liệu thống kê, năm 2021, giá trị sản xuất theo giá hiện hành của lĩnh vực lâm nghiệp chỉ đạt 115 tỷ đồng, chiếm 0,4% giá trị sản xuất toàn ngành; tỷ lệ che phủ rừng thấp so với trung bình toàn quốc; tài nguyên rừng có xu hướng giảm cả về số lượng và chất lượng rừng (rừng tự nhiên nghèo chiếm chủ yếu), đặc biệt là rừng thông dọc quốc lộ 14, 28...
Chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn vùng nguyên liệu tập trung cho các nhà máy chế biến; chưa kêu gọi, thu hút được các doanh nghiệp, tập đoàn có tiềm lực mạnh đầu tư phát triển du lịch tự nhiên, sinh thái, nghỉ dưỡng.
Nguồn vốn ngân sách đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thấp; chậm bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng hằng năm. Đặc biệt, đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên, mức hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian đóng cửa rừng là 300.000 đồng/ha/năm, không bảo đảm để chi trả lương, chế độ ngoài lương cho người lao động... dẫn đến tình trạng người lao động không yên tâm làm việc, xin nghỉ việc... gây ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng.
Hiện nay, đất trống lâm nghiệp chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, thậm chí bị người dân lấn chiếm trái phép để canh tác nương rẫy: (i) Đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp do địa phương quản lý sau khi giải thể các công ty lâm nghiệp nhà nước, hiện nay chưa hoàn thành việc đo đạc, lập phương án giao đất, giao rừng hoặc cho thê đất, thuê rừng; (ii) Đất rừng, đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp bị người dân (không thuộc đối tượng nhận đất, nhận rừng theo quy định) lấn chiếm để canh tác nương rẫy, trồng cây… dẫn đến việc triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp đạt kết quả thấp, hoặc khó triển khai thực hiện do không phù hợp với thực tế.
Thí dụ, Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09-9-2015 của Chính phủ “về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020”, Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ “về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp”, Tiểu dự án 1 - dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… do yêu cầu đất phải được giao ổn định cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư hoặc sử dụng ổn định 03 năm trở lên không tranh chấp.
Tình trạng vi phạm các quy định trong phát triển kinh tế rừng diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp, tập trung chủ yếu tại các huyện Đắk Glong, Đắk Song, Tuy Đức. Đất không có rừng, quy hoạch lâm nghiệp đang bị người dân lấn chiếm nhưng chưa có giải pháp hiệu quả để phát triển kinh tế rừng, phục hồi rừng (67.000 ha, chiếm khoảng 80% đất chưa có rừng); việc cưỡng chế, giải tỏa gặp nhiều khó khăn; tình trạng người dân không hợp tác, phá, nhổ cây rừng trồng, tái lấn chiếm đất, gây mất an ninh trật tự vẫn xảy ra.
Những nguyên chủ yếu
Việc gia tăng dân số, đặc biệt là tình trạng di cư tự do đến địa bàn tỉnh Đắk Nông gia tăng nhanh, diễn biến phức tạp, dẫn đến nhu cầu sử dụng đất (đất ở và đất sản xuất) tăng lên, tác động đến công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Cơ chế, chính sách thực hiện một số chương trình, đề án, dự án do Chính phủ và các bộ, ngành ban hành còn chưa thống nhất, thiếu tính đồng bộ; cơ sở pháp lý chồng chéo(7) … gây khó khăn trong quá trình thực hiện(8); một số chính sách giao địa phương cụ thể hóa nhưng thiếu căn cứ khi thực hiện.
Nguồn vốn cho phát triển kinh tế rừng còn nhiều khó khăn, bất cập; môi trường đầu tư, hạ tầng kinh tế - xã hội, chính sách đầu tư chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành phê duyệt nhiều đề án, dự án về bảo vệ và phát triển rừng; tuy nhiên, nguồn vốn thực hiện được lồng ghép trong các chương trình, đề án và huy động vốn xã hội hóa. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho phát triển sản xuất lâm nghiệp khó cạnh tranh với các loại cây trồng khác… nên càng khó khăn hơn trong việc cân đối bổ sung nguồn vốn cho phát triển kinh tế rừng.
Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng chưa hiệu quả, chưa làm tốt công tác khuyến lâm, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý còn hạn chế; thiếu nhân lực giàu kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn để phổ biến, triển khai chính sách, hỗ trợ người dân.
Hiểu biết pháp luật của người dân chưa được cải thiện, nhận thức về rừng và vai trò của rừng chưa đầy đủ, các chế tài chưa đủ sức răn đe dẫn đến chưa tuân thủ nghiêm quy định pháp luật. Hầu hết người dân chỉ coi rừng là tài nguyên cung cấp mà chưa ý thức được việc xây dựng, bảo vệ rừng để khai thác lâu dài.
Các quy định, xu hướng quốc tế như: quy định sản xuất không gây mất rừng (EUDR) của Ủy ban châu Âu (EC); lâm nghiệp vì an sinh xã hội; mua bán phát thải, thương mại phát thải... cũng tạo ra không ít thách thức trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
5. Một số giải pháp nhằm phát triển kinh tế rừng ở tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới
Một là, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế rừng
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, hành động quyết liệt để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội và mỗi người dân, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Vận động các hộ gia đình sống trong rừng và gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng; xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ rừng ở cấp xã. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong bảo vệ rừng; phê phán, xử lý các hành vi thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định bảo vệ rừng. Tăng cường công tác phát động phong trào quần chúng tố giác tội phạm phá rừng, lấn chiếm đất rừng; nâng cao vai trò thực hiện giám sát, phản biện xã hội của người dân.
Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế rừng gắn với khai thác, bảo vệ rừng theo hướng bền vững, thì người dân và doanh nghiệp chính là yếu tố trung tâm. Do đó, cần phát huy vai trò của các cấp chính quyền, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm địa phương trong việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tham gia làm kinh tế rừng.
Hai là, tăng cường, đa dạng nguồn vốn cho phát triển kinh tế rừng
Cần gia tăng kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; có cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân, cộng đồng giữ rừng, trồng rừng, sống được nhờ rừng, bảo đảm an ninh nguồn nước, khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt trong mùa khô, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xem xét xây dựng cơ chế đưa một phần diện tích đất lâm nghiệp không có rừng ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp và chuyển đổi mục đích sử dụng để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đăk Nông là một tỉnh nghèo,nguồn thu ngân sách còn hạn chế, diện tích rừng lớn, do đó Trung ương cần quan tâm ưu tiên phân bổ các nguồn lực để địa phương giữ rừng, giải quyết tốt vấn đề sinh kế, giữ gìn và phát huy không gian, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh của Tổ quốc.
Ba là, xây dựng và hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển sinh kế rừng nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh; lập danh mục dự án đầu tư và các chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào phát triển kinh tế rừng
Tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt đề án phát triển rừng tự nhiên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, với kinh phí thực hiện gần 893 tỷ đồng(9). Trọng tâm của đề án là quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư sống trong và gần rừng; nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đến năm 2025 tương đương mức bình quân cả nước; nỗ lực bảo vệ hơn 248.000 ha rừng, giảm thấp nhất các hành vi xâm hại tài nguyên rừng(10). Bên cạnh đó, đề án chú trọng công tác bảo tồn, phát triển, theo dõi, giám sát, cứu hộ và phát triển sinh vật, đặc biệt là các loài động, thực vật nguy cấp trong các khu rừng có giá trị bảo tồn cao.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, cần: (i) đẩy nhanh tiến độ điều tra, đo đạc, xây dựng hồ sơ quản lý, cắm mốc phân định ranh giới các loại rừng, ranh giới lâm phần và ranh giới các chủ rừng; theo dõi chặt chẽ diễn biến tài nguyên rừng hằng năm; (ii) rà soát xây dựng kế hoạch phát triển rừng, bảo đảm độ che phủ rừng toàn tỉnh đến năm 2025 đạt trên 40%, đến năm 2030 đạt trên 42%; (iii) phân cấp và giao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng ở cấp huyện, cấp xã; lồng ghép một số cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong phát triển kinh tế rừng; (iv) ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ, kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân tham gia trồng, khai thác và chế biến gỗ, trồng dược liệu dưới tán rừng ở những diện tích rừng được phép trồng; (v) đầu tư kết nối giao thông giữa các địa phương, tạo tiền đề, động lực cho các địa phương phát triển.
Bốn là, đa dạng các mô hình phát triển kinh tế rừng
Xây dựng và áp dụng nhiều mô hình nhằm khai thác, phát triển kinh tế rừng, kết hợp giữa kinh doanh với bảo vệ rừng, góp phần tăng doanh thu cho các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng, thông qua các hoạt động như: trồng, khai thác và chế biến gỗ; nuôi lợn, bò, dê dưới tán rừng; khai thác lồ ô, tre nứa; trồng cây đặc sản trong rừng tự nhiên; trồng dược liệu dưới tán rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Thực tế, nhiều nước trên thế giới như Phần Lan, Thụy Điển, Nhật Bản… đã triển khai thành công mô hình này, vừa bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý, vừa bảo vệ, vừa phát huy hiệu quả môi trường rừng, và tăng thu nhập cho các tổ chức, cá nhân và nhà nước, nâng cao giá trị của rừng, đất rừng.
Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn; đồng thời, nghiêm túc thực hiện các cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, cần có các quy định rõ ràng về việc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí... bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực về tài chính, quản trị, nhân lực trong quá trình thực hiện.
Năm là, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển kinh tế rừng trong mối quan hệ liên kết vùng Tây Nguyên
Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong phát triển kinh tế rừng ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng, Nhà nước cần sớm ban hành các quy định, cơ chế liên kết vùng, góp phần thúc đẩy các địa phương cùng phát triển; xây dựng, hoàn thiện các chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp nhằm đảm bảo sự đồng bộ và thuận lợi trong thực hiện; như: (i) chính sách hỗ trợ lực lượng quản lý, bảo vệ rừng ổn định đời sống; tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; (ii) chính sách quản lý, sử dụng diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép tại các đơn vị chủ rừng và diện tích giao trả về địa phương sau sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp; (ii) chính sách miễn tiền thuê rừng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng; (iv) chính sách đầu tư phát triển rừng, nông lâm kết hợp đối với diện tích đất không có rừng quy hoạch phát triển rừng thuộc các đơn vị chủ rừng.
Sáu là, tăng cường và nâng cao hiệu quả phối kết hợp giữa các lực lượng trong quản lý, khai thác và phát triển kinh tế rừng
Cần tăng cường sự phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương, chủ rừng, lực lượng kiểm lâm và các ngành có liên quan nhằm đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Ngăn chặn triệt để các hành vi phá hoại rừng, mua bán, sang nhượng đất rừng ở các địa bàn trọng điểm. Xử lý dứt điểm các vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng; xử lý nghiêm đối tượng lợi dụng khiếu nại, tố cáo, kích động gây mất an ninh trật tự. Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn lực các đơn vị chủ rừng, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm.
Triển khai có hiệu quả việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu đề xuất, giải quyết khó khăn của các doanh nghiệp do đóng cửa rừng, có chính sách cụ thể để hỗ trợ công nhân, người lao động bảo đảm cuộc sống. Tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý dân cư trên địa bàn; thực hiện “ổn canh, ổn cư” cho người dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh. Kiểm soát chặt chẽ các dự án quy hoạch; dự án phát triển kinh tế - xã hội có ảnh hưởng đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ.
6. Kết luận
Rừng có vai trò quan trọng trên nhiều phương diện, cả về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo vệ tài nguyên rừng, đất rừng và phát triển rừng bền vững của tỉnh Đắk Nông và các địa phương có rừng được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước như: hỗ trợ về giao khoán rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, hỗ trợ về vốn, cây giống và kỹ thuật… Do đó, tỉnh Đắk Nông cần chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của kinh tế rừng, để người dân vừa tham gia bảo vệ tài nguyên rừng vừa được hưởng các nguồn lợi từ rừng, hạn chế tình trạng khai thác rừng trái phép, qua đó bảo vệ an toàn “lá phổi xanh” của địa phương nói riêng và đất nước nói chung.
_________________
Ngày nhận bài: 13-6-2024; Ngày bình duyệt: 4-8-2024; Ngày duyệt đăng: 10-10-2024.
(1), (2), (4), (5), (6) UBND tỉnh Đắk Nông: Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 71/NQ-CP ngày 08-8-2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-01-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Đắk Nông, 2023.
(3) Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-01-2017 Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15-1-2021 của của Bộ Chính trị “Về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế”; Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ ngày 01-4-2021.
(7) Điều kiện hỗ trợ trồng rừng tại Điều 5 Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ (phải khoán ổn định lâu dài cho tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng trước khi thực hiện hỗ trợ, tối thiểu 1 chu kỳ) chồng chéo với Điều 5 Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27-12-2016 của Chính phủ (khoán trồng rừng thuộc hình thức hoán dịch vụ, thời gian khoán không quá 1 năm).
(8) Khoản 1, Điều 22 Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20-9-2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định cụ thể đối tượng hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực”; tuy nhiên, trong Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27-01-2021 của Chính phủ, Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg ngày 16-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 07/2021/TT-BLĐTBXH ngày 18-7-2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không có tiêu chí để xác định đối tượng chưa tự túc được lương thực.
(9), (10) UBND tỉnh Đắk Nông: Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 10-01-2023 phê duyệt Đề án Phát triển rừng tự nhiên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.