Phát triển công nghiệp quốc phòng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại - chủ trương đúng đắn, tầm nhìn chiến lược của Đảng
(LLCT) - Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) đã đưa ra định hướng chiến lược trong phát triển công nghiệp quốc phòng là “chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại”. Đây là chủ trương đúng đắn, tầm nhìn chiến lược của Đảng. Vấn đề này cần được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả trên thực tế.
CAO THÀNH
1. Mở đầu
Công nghiệp quốc phòng là bộ phận của công nghiệp quốc gia, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, trực tiếp nghiên cứu, sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự và tham gia sản xuất các mặt hàng lưỡng dụng, góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công nghiệp quốc phòng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng, phát triển lĩnh vực quan trọng này, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu của lực lượng vũ trang, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, trước bối cảnh thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo, xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chiến tranh cục bộ, tấn công mạng diễn ra gay gắt; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực quân sự, quốc phòng, nhiều loại vũ khí thế hệ mới ra đời, kéo theo xu hướng chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, chiến tranh từ xa ngày càng phổ biến,v.v.. Để xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo” xác định: Phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại.
2. Cơ sở lý luận, thực tiễn
Đánh giặc, cần phải có vũ khí
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nói chung, quân đội nói riêng là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: con người, vũ khí, trang bị, nghệ thuật, cách đánh (…) trong đó, con người và vũ khí là hai yếu tố cơ bản nhất, có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau; trong đó, con người luôn giữ vai trò quyết định, song vũ khí cũng rất quan trọng.
Đề cập đến mối quan hệ này, Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Vũ trang, biên chế, tổ chức, chiến thuật, chiến lược phụ thuộc trước hết vào (…) việc phát minh ra những vũ khí tốt hơn và việc thay đổi chất liệu người lính”(1). Trên thực tế, “ súng lục thắng thanh kiếm (…) công cụ hoàn hảo hơn sẽ thắng công cụ không hoàn hảo bằng”(2). Khẳng định vai trò quan trọng của vũ khí, V.I.Lênin đã chỉ ra rằng: “Một đội quân giỏi nhất, những người trung thành nhất với sự nghiệp cách mạng cũng đều sẽ lập tức bị kẻ thù tiêu diệt, nếu họ không được vũ trang, tiếp tế lương thực và huấn luyện đầy đủ”(3). Như vậy, cùng với xây dựng và phát huy nhân tố con người, việc sản xuất, trang bị vũ khí cho quân đội là vấn đề rất quan trọng.
Lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, cùng với coi trọng xây dựng và phát huy nhân tố con người, ông cha ta cũng luôn chú trọng chế tạo ra các loại vũ khí để bảo vệ đất nước. Ngay từ Nhà nước Văn Lang, người Việt đã biết chế tạo ra các loại vũ khí để phòng thủ. Thời Âu Lạc, người Việt đã đắp thành Cổ Loa, chế tạo Nỏ Liên châu để đánh giặc. Nhà Lý chế tạo ra Thang mây (Vân thê), Máy bắn đá để hạ thành Ung Châu. Nhà Trần chế tạo nhiều loại thuyền chiến để ngăn chặn và đánh đuổi kẻ thù. Nhà Hồ đã sáng chế ra “Thần cơ sang pháo”. Thời Quang Trung, nghĩa quân Tây Sơn chế tạo ra “Hỏa hổ”, “Hỏa đồng”, “Hỏa cầu lưu huỳnh” để đánh giặc. Cuối thế kỷ XIX, trong phong trào Cần Vương, nghĩa quân Cao Thắng đã chế tạo ra súng trường để đánh Pháp,… làm cho kẻ thù phải khiếp sợ.
Nhìn ra thế giới, dù vị trí địa lý và trình độ phát triển có khác nhau, song các quốc gia đều rất quan tâm đến xây dựng quân đội, sản xuất, mua sắm vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang để nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng, bảo vệ tổ quốc, đánh bại kẻ thù,v... Đặc biệt hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, nhiều loại vũ khí hiện đại, độ chính xác cao, uy lực lớn ra đời, đã và đang được sử dụng ngày càng nhiều trong các cuộc chiến , xung đột. Điều này đặt ra yêu cầu mới, ngày càng cao đối với quốc phòng và công nghiệp quốc phòng của các quốc gia.
Muốn có vũ khí tốt, cần có công nghiệp quốc phòng tự chủ, hiện đại
Trung thành, vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống của dân tộc, từ kinh nghiệm các nước trên thế giới, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm: con người là nhân tố quyết định, song vũ khí cũng rất quan trọng. Với tinh thần ấy, ngay khi nước nhà được độc lập, để bảo vệ thành quả cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Việc cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng”(4). “Đánh giặc, trước hết phải có vũ khí”(5). Theo đó, ngày 15 - 9 - 1945, Người đã ký Sắc lệnh thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng, đặt nền móng cho sự ra đời, phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cùng với sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, ngành quân giới nước ta (nay là công nghiệp quốc phòng) đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, vừa xây dựng, phát triển, vừa chế tạo, sửa chữa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật và các mặt hàng thiết yếu,… cung cấp hàng chục triệu tấn vũ khí, đạn dược, trang bị kỹ thuật các loại đáp ứng yêu cầu xây dựng, chiến đấu của lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh nhân dân và tác chiến ngày càng hiện đại của các binh đoàn chủ lực trên các chiến trường, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ngay những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1949), chúng ta đã chủ động tự chế tạo ra nhiều loại vũ khí, trang bị, trong đó có những vũ khí tiên tiến, hiện đại lúc bấy giờ, như: Súng không giật, ngòi nổ hẹn giờ, súng phóng lựu và lựu phóng, súng đạn cối, súng phóng bom và bom phóng(6),… để đánh giặc. Đặc biệt, năm 1947, với việc “xuất hiện” của Bazooka - loại vũ khí mới, hỏa lực mạnh do quân giới của ta chế tạo, có khả năng tiêu diệt xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến và lô cốt địch, đã làm cho kẻ thù khiếp sợ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, quân giới đã chế tạo, cải tiến, sửa chữa thành công nhiều loại vũ khí, trang bị hiện đại đáp ứng yêu cầu của chiến trường. Trong đó phải kể đến việc chế tạo thành công thiết bị phóng từ HĐL-9, có khả năng kích nổ bom, mìn, thủy lôi từ trường ở cự ly khoảng trên dưới 100m, góp phần giúp quân và dân ta đánh bại chiến dịch phong tỏa đường biển, sông, bộ của địch.
Ngay trong năm 1965, quân giới của ta cũng đã thiết kế, chế tạo thành công thiết bị phóng tên lửa A.12, đây là loại vũ khí có hỏa lực mạnh, có thể vác vai, tiện cơ động, có khả năng đánh sâu vào các căn cứ của địch trên chiến trường miền Nam, mở đầu thời kỳ dùng hỏa tiễn bắn bằng phương pháp ứng dụng. Đặc biệt, với giải pháp khắc phục thành công thủ đoạn gây nhiễu rãnh đạn của không quân Mỹ và nắp thêm hệ thống kính ngắm quang học để điều khiển ăngten tên lửa SAM.2, đã nâng cao hiệu suất chiến đấu của loại vũ khí hiện đại này(7), góp phần bẻ gãy “Pháo đài bay” B52 của địch, làm nên chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” lịch sử, v.v..
Bước vào giai đoạn cách mạng mới, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, công nghiệp quốc phòng tiếp tục nhận được sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Đảng, Nhà nước. Theo đó, trong các nghị quyết đại hội Đảng, quan điểm về phát triển công nghiệp quốc phòng được thể hiện rất rõ. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành 03 nghị quyết chuyên đề về công nghiệp quốc phòng: Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 20 - 7 - 1993 về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2000”; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 16 - 6 - 2003 về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2010”; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 16 - 7 - 2011 về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Những văn kiện này đã thể hiện bước phát triển không ngừng về tư duy của Đảng trong định hướng phát triển lĩnh vực quan trọng này phù hợp với từng giai đoạn cách mạng.
Quá trình thực hiện các nghị quyết trên, nhất là sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, công nghiệp quốc phòng nước ta không ngừng lớn mạnh, từng bước tự chủ bảo đảm vũ khí, trang bị, đáp ứng nhiệm vụ hiện đại hóa quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, năng lực công nghiệp quốc phòng có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật có mặt còn hạn chế,...
Trước bối cảnh mới, để xây dựng quân đội tiến lên hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26 - 01 - 2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo” đã nhấn mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại. Đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện tư tuy, tầm nhìn chiến lược của Đảng trong phát triển công nghiệp quốc phòng thời kỳ mới.
3. Nội dung quan điểm và biện pháp thực hiện
Trước bối cảnh mới, yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, Bộ Chính trị xác định rõ:
Một là, phát triển công nghiệp quốc phòng chủ động, tự lực, tự cường. Đây là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta, được thể hiện trong các nghị quyết, nhất là Nghị quyết số 05-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, nhất quán chủ trương xây dựng nền công nghiệp quốc phòng tự chủ, tự lực, tự cường, đủ năng lực tự nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa được các loại vũ khí, trang bị đáp ứng yêu cầu xây dựng, chiến đấu của lực lượng vũ trang, bảo vệ Tổ quốc. Đến Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII), chủ trương phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng chủ động, tự lực, tự cường được xác định rõ hơn, cụ thể hơn. Theo đó, nền công nghiệp quốc phòng phát triển theo hướng chủ động dựa trên nền tảng đường lối độc lập, tự chủ của đất nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại...; chủ động trong tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sửa chữa được các chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng, chiến đấu của lực lượng vũ trang, bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm tính chủ động, sáng tạo của nghệ thuật chiến tranh nhân dân và tác chiến ngày càng hiện đại của các quân, binh chủng, lực lượng; có khả năng thích ứng và duy trì sản xuất vũ khí ngay cả trong điều kiện đất nước có chiến tranh hoặc khi bị bao vây, cấm vận, phong tỏa; có năng lực và cơ cấu đồng bộ từ khâu nghiên cứu, thiết kế, công nghệ, vật tư,... để có thể tự bảo đảm chuỗi sản xuất vũ khí từ khâu nguyên liệu cho tới tổng lắp cuối cùng. Đồng thời, chủ động hội nhập quốc tế, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm ra thị trường thế giới, tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đó là nền công nghiệp quốc phòng đủ năng lực tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, cải tiến, sửa chữa được các loại vũ khí, trang bị tiên tiến, hiện đại và các loại vũ khí, trang bị hiện có, đáp ứng yêu cầu xây dựng và chiến đấu của lực lượng vũ trang, bảo vệ Tổ quốc.
Để chủ động được, trước hết và trên hết phải trên tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính, tự vươn lên làm chủ thiết kế, công nghệ nền, công nghệ lõi, tăng tỷ lệ nội địa hóa các loại sản phẩm, phù hợp với chiến lược quốc phòng, quân sự và thế bố trí chiến lược trên từng hướng chiến trường. Đồng thời, phải chủ động toàn diện cả về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển; chủ động vốn, vật tư, khoa học - công nghệ, nhân lực; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hợp tác quốc tế, v.v. Phát huy nội lực là yếu tố quyết định, song phải chủ động, tích cực hợp tác quốc tế để tranh thủ ngoại lực, như: thu hút vốn, tiếp nhận chuyển giao khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lý, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại,v.v..
Sản phẩm công nghiêp quốc phòng là loại hàng hóa đặc biệt, thuộc bí mật quân sự, bí mật quốc gia; việc mua bán, chuyển giao được kiểm soát chặt chẽ, giá thành đắt đỏ,… và không phải lúc nào cũng mua được. Nếu không chủ động, tự lực, tự cường, chúng ta sẽ bị phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, điều đó sẽ dẫn đến mất chủ động về mặt chiến lược trong xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Do đó, chủ động, tự lực, tự cường là hướng đi đúng đắn của công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Hai là, phát triển công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng, gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Xuất phát từ yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nên chủ trương xây dựng nền công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng đã được Đảng ta đề cập từ sớm, thể hiện rõ trong các Nghị quyết số 05-NQ/TW; Nghị quyết số 27-NQ/TW; Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, xác định công nghiệp quốc phòng “trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia” là sự phát triển mới về tư duy lý luận của Đảng được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII, được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII).
Trên thực tế, công nghiệp quốc phòng là một bộ phận không tách rời và luôn phát triển trên nền tảng của công nghiệp quốc gia; song, nó cũng có tính độc lập tương đối và có vai trò rất quan trọng đối với phát triển công nghiệp quốc gia, bởi những công nghệ tiên tiến, những thành tựu khoa học mới nhất thường được ứng dụng trước hết vào lĩnh vực quốc phòng. Do vậy, phát triển công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng sẽ đa dạng hóa được việc tiếp cận công nghệ, nguồn lực, phát huy tốt nội lực của công nghiệp quốc gia trong nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị. Đồng thời, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa dân sinh, thúc đẩy công nghiệp quốc gia phát triển, duy trì và nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng.
Với tinh thần đó, Đảng ta chủ trương phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Có nghĩa là, xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng vừa đủ năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất và sửa chữa được các loại vũ khí, trang bị ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng, chiến đấu của lực lượng vũ trang; đồng thời, cũng đủ năng lực tham gia sản xuất các loại hàng hóa dân sinh có giá trị kinh tế cao, sức cạnh tranh lớn, nhất là các lĩnh vực mà công nghiệp quốc phòng có thế mạnh, qua đó góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao đời sống nhân dân.
Để thực hiện chủ trương này, đòi hỏi phải gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng trong chiến lược xây dựng, phát triển công nghiệp quốc gia; xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương về công nghiệp quốc phòng; ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng có thế mạnh phục vụ nền kinh tế quốc dân; có chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp then chốt vươn lên làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại, lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; tích cực tham gia sản xuất các loại hàng hóa dân sinh, lưỡng dụng, có sức cạnh tranh cao trên cơ sở công nghệ hiện đại, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; từng bước chuyển giao công nghệ phù hợp cho công nghiệp dân sinh.
Để công nghiệp quốc phòng thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, cần phát triển song hành cả mũi nhọn công nghệ quân sự và mũi nhọn công nghệ lưỡng dụng. Phát triển mũi nhọn công nghệ quân sự là để đáp ứng yêu cầu thiết kế, chế tạo được các loại loại vũ khí, trang bị hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Phát triển công nghệ lưỡng dụng là để dẫn dắt, thúc đẩy công nghiệp quốc gia phát triển trên một số lĩnh vực mà công nghiệp quốc phòng có thế mạnh, như: cơ khí chính xác, luyện kim đặc biệt, vật liệu mới, công nghệ đóng tầu, hóa nổ, điện tử - viễn thông, hàng không vũ trụ, phương tiện không người lái, thiết bị mô phòng,v.v.. Muốn vậy, quá trình đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng cần phải tính toán kỹ các lợi ích lưỡng dụng mà nó mang lại, từ lợi ích về nguồn nhân lực, công nghệ, cơ sở hạ tầng, sản phẩm đầu ra, thị trường,v.v.. Đây cũng là xu thế phát triển chung của các tổ hợp công nghiệp quốc phòng hiện đại trên thế giới hiện nay.
Ba là, phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại. Đây là chủ trương lớn, mới, mang tính đột phá của Đảng thể hiện trong Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII).
Thực tế cho thấy, muốn xây dựng quân đội hiện đại, sẵn sàng đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược sử dụng vũ khí công nghệ cao (nếu xảy ra), đòi hỏi phải có con người “hiện đại”, vũ khí hiện đại. Muốn có vũ khí hiện đại, thì phải có nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, đó là tất yếu khách quan. Đặc biệt hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ quân sự, nhiều loại vũ khí thông minh, hiện đại, uy lực lớn, độ chính xác cao ra đời và được sử dụng ngày càng nhiều trong các cuộc chiến tranh; không gian chiến tranh mở rộng trên các môi trường: không, bộ, biển, không gian mạng, phổ điện từ và vũ trụ; ranh giới giữa tiền tuyến và hậu phương không phân biệt rõ ràng, do vũ khí có khả năng đánh xa và sức cơ động cao.
Điều đó đòi hỏi chúng ta phải xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại. Theo đó, công nghiệp quốc phòng phải có đủ năng lực tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, có tính năng chiến thuật - kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống; đồng thời, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa được các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có trong biên chế,v.v.. Công nghiệp quốc phòng hiện đại phải dựa trên ba yếu tố then chốt, đó là: thể chế “hiện đại”; nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học - công nghệ hiện đại.
Để có “thể chế hiện đại” cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý về công nghiệp quốc phòng theo hướng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách hành chính, bảo đảm thiết thực, khả thi, tạo điều kiện thuận lợi để công nghiệp quốc phòng hội nhập, phát triển nhanh, vững chắc. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển công nghiệp quốc phòng, góp phần huy động, đa dạng hóa, khơi thông các nguồn lực, như: cơ chế, chính sách về nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ; triển khai các dự án đầu tư phát triển sản phẩm trọng điểm; huy động nguồn lực tài chính và các thành phần kinh tế, doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng; thu hút, đào tạo, gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, v.v.
Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, trong đó ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ quân sự trên các lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn, như: cơ khí chế tạo, hóa chất, vật liệu mới, luyện kim đặc biệt…; các chuyên gia đầu ngành, kỹ sư trưởng và tổng công trình sư trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí chiến lược, có khả năng tích hợp cao; cán bộ quản trị doanh nghiệp; đội ngũ công nhân lành nghề, v.v. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo ở trong nước với đào tạo ở nước ngoài; giữa nhà trường, cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong thực hiện nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Gắn đào tạo với sử dụng; đào tạo với nghiên cứu, sản xuất. Cùng đó, cần có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút nhân tài, tiềm năng trí tuệ từ các tổ chức kinh tế - xã hội, cơ sở nghiên cứu, thiết kế, hãng công nghệ lớn trong và ngoài nước tham gia các chương trình, dự án công nghệ cao (trí tuệ nhân tạo, công nghệ viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ lõi,...) và một số lĩnh vực cần thiết (nhiên liệu và động cơ tên lửa, máy bay chiến đấu, tàu ngầm, máy bay không người lái, xuồng không người lái, rađa cảnh giới),v.v..
Để phát triển khoa học - công nghệ hiện đại, cần đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư chiều sâu công nghệ cho các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt. Tập trung đầu tư nguồn lực nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi thiết kế, chế tạo, tích hợp sản xuất vũ khí chiến lược, các tổ hợp vũ khí tự động, vũ khí chính xác thế hệ mới. Huy động các cơ sở khoa học - công nghệ, cơ sở công nghiệp dân sinh tham gia nghiên cứu, phục vụ xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp lưỡng dụng. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ; đồng thời, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ của thế giới,v.v..
Công nghiệp quốc phòng phải vươn lên nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại vũ khí thế hệ mới, có ý nghĩa chiến lược cho các quân, binh chủng, lực lượng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Trước hết, tập trung đầu tư sản xuất thành công các chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại và chiến lược trên 5 nhóm sản phẩm chính: vũ khí, trang bị cho lục quân; tàu quân sự và vũ khí dưới nước; tên lửa và hàng không vũ trụ quân sự; khí tài quân sự; vật tư kỹ thuật. Cùng với đó, công nghiệp quốc phòng phải vươn lên “chế tạo được một số loại vũ khí có ý nghĩa chiến lược”(8). Đó là những vũ khí có sức mạnh răn đe cao, dựa trên trình độ khoa học - công nghệ tiên tiến, có uy lực đột phá, phạm vi tác chiến vượt trội, phù hợp với đặc điểm nghệ thuật quân sự và sở trường, cách đánh của Việt Nam,v.v..
Phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp quốc phòng nước ta phải tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa được các loại vũ khí trang bị mới, hiện đại cho lực lượng vũ trang. Từ năm 2030 trở đi, tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại vũ khí tự động, vũ khí thông minh trang bị cho lục quân; làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, đóng mới các loại tàu chiến hiện đại; hiện đại hóa các loại vũ khí dưới nước và tổ hợp vũ khí trên tàu quân sự. Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công các hệ thống tác chiến không gian mạng; một số loại vũ khí, trang bị, vệ tinh cho lực lượng không gian - vũ trụ, lực lượng tên lửa chiến lược; thiết kế, chế tạo các loại rađa, máy thông tin hiện đại,v.v.. Đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất các mặt hàng lưỡng dụng, có giá trị kinh tế cao, sức cạnh tranh lớn, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
4. Kết luận
Phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại là chủ trương đúng đắn, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng. Đây là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài và rất nặng nề, đòi hỏi phải có nhận thức đúng, quyết tâm cao và sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó quân đội là nòng cốt. Mọi biểu hiện nhận thức không đầy đủ, chủ quan, nóng vội hoặc xem nhẹ, thiếu tránh nhiệm đều là nguyên nhân dẫn đến không đạt kết quả mục tiêu đề ra.
_________________
Ngày nhận bài: 14-10-2024; Ngày bình duyệt: Ngày 25 -10 - 2024; ngày duyệt đăng: 25-10-2024.
Email tác giả: caothanhxaydungdang@gmail.com
(1), (2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, tr. 235, 234.
(3) V.I.Lênin: Toàn tập, t.35, Nxb Tiến Bộ, Matxcơva. 1978, tr.497.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.16.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.397.
(6) Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế: Lịch sử quân giới Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2021, tr.92.
(7) Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế: Lịch sử quân giới Việt Nam (1954-1975), Nxb Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2021, tr.159.
(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.279.