Thực tiễn

Phòng ngừa bạo lực gia đình đối với phụ nữ dân tộc thiểu số (Qua thực tế tỉnh Hà Giang)

28/10/2024 15:50

(LLCT)- Hà Giang là tỉnh miền núi, trình độ dân trí và đời sống của đa số các tầng lớp dân cư so với trung bình của cả nước còn thấp, do đó tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số còn xảy ra phổ biến. Mặc dù các biện pháp và can thiệp phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ đã được các cấp, các ngành tại địa phương nỗ lực triển khai nhưng còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Trên cơ sở phân tích thực trạng công tác phòng ngừa bạo lực gia đình với phụ nữ vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy triển khai hiệu quả luật pháp, chính sách bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực gia đình đối với phụ nữ dân tộc thiểu số.

ThS HOÀNG THỊ THU HUYỀN
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Hà Giang tham dự Hội thi “Tìm hiểu kiến thức Luật phòng, chống bạo lực gia đình” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức năm 2023 và đạt giải ba _ Ảnh: dangcongsan.vn

1. Mở đầu

Hiện nay, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được xem là “vùng lõi nghèo” của cả nước, trình độ nhận thức và điều kiện sống của người dân tại các địa phương miền núi còn nhiều hạn chế, khó khăn, trong đó phụ nữ và trẻ em vùng DTTS là đối tượng còn chịu nhiều thiệt thòi. Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã và đang tập trung ưu tiên thực hiện nhiều chương trình, chính sách phòng ngừa bạo lực gia đình ở các địa phương, trong đó có vùng DTTS, nhưng tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ vùng DTTS vẫn còn xảy ra phổ biến(1).

Theo Báo cáo của Tổng cục thống kê được thực hiện trong hợp tác với Quỹ hỗ trợ nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Cơ quan hợp tác Phát triển quốc tế Tây Ban Nha và Liên hợp quốc, Việt Nam có 58% số phụ nữ từng kết hôn tiết lộ đã trải qua ít nhất một trong ba loại bạo lực thân thể, cảm xúc và tình dục trong đời(2). Tình trạng bạo lực với phụ nữ có sự khác biệt giữa các nhóm theo dân tộc. Phụ nữ ở các nhóm DTTS thường có tỷ lệ bị bạo lực cao hơn so với phụ nữ người Kinh, con số này là 42,36% đối với phụ nữ DTTS và 32% đối với phụ nữ người Kinh. Trong các nhóm theo dân tộc thì phụ nữ dân tộc Nùng bị bạo lực thể xác và tình dục cao hơn các dân tộc khác. Gần 55% phụ nữ Mông bị kiểm soát, không được nói lên suy nghĩ của mình, không được đi tới nơi mình muốn. Trong khi đó, có tới hơn 70% phụ nữ Dao bị bạo hành về mặt kinh tế, không được nắm giữ tài chính(3).

Hà Giang là tỉnh miền núi có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (10 huyện và 01 thành phố), trong đó có 07 huyện nghèo; 193 xã/phường/thị trấn (trong đó có 133 xã khu vực III thuộc xã đặc biệt khó khăn). Dân số 89,27 vạn người (trong đó 49,24% là phụ nữ; dân số ở nông thôn chiếm 84,05%); trình độ dân trí và đời sống của đa số các tầng lớp dân cư so với trung bình của cả nước còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo rất cao, cuối năm 2023 là 42,74%(4).

Đồng bào DTTS sinh sống tập trung chủ yếu ở các bản làng của các xã đặc biệt khó khăn nên trình độ hiểu biết và nhận thức về pháp luật còn thấp. Khảo sát hơn 300 phụ nữ dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông đang sống với chồng ở vùng nông thôn trong độ tuổi 18-60 tuổi tại xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên và xã Nậm Khoà, huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang năm 2023-2024 cho thấy, tình trạng phụ nữ DTTS bị bạo lực gia đình tại các địa phương còn xảy ra phổ biến. Qua kết quả khảo sát, có 20% phụ nữ DTTS phải chịu ít nhất một loại hình bạo lực trong vòng 12 tháng đến thời điểm trả lời và gần 30% phụ nữ phải chịu ít nhất một loại hình bạo lực kể từ khi kết hôn, 12% phụ nữ DTTS phải chịu nhiều hình thức bạo lực đan xen trong vòng 12 tháng và con số này là 16% kể từ khi kết hôn; 8% phụ nữ DTTS thỉnh thoảng bị chồng “Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc có hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng” từ khi kết hôn; 12% phụ nữ DTTS thỉnh thoảng bị chồng “Đánh đập, lăng mạ, chì chiết hay cưỡng ép chứng kiến bạo lực” trong vòng 12 tháng; 16% phụ nữ DTTS thường xuyên bị chồng “kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của vợ” kể từ khi kết hôn và tỷ lệ phụ nữ bị chồng thỉnh thoảng đối xử như vậy trong vòng 12 tháng là 8%.

Trước thực trạng trên, tỉnh Hà Giang đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ngăn ngừa, làm giảm thiểu mức độ bạo lực gia đình có thể xảy ra đối với phụ nữ trên địa bàn tỉnh.

2. Thực trạng triển khai công tác phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ dân tộc thiểu số

Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ

Các yếu tố văn hóa như: quan điểm, chuẩn mực giới trong cộng đồng được coi là yếu tố có thể làm gia tăng hay giảm bớt bạo lực với phụ nữ và có thể được củng cố, thúc đẩy sự ảnh hưởng thông qua chính sách, luật pháp. Việt Nam là một trong những quốc gia đi tiên phong trong khu vực về việc xây dựng chính sách và luật pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt nạn bạo lực đối với phụ nữ, trong đó Hà Giang là một trong những địa phương đã sớm thể chế hóa các quy định của Nhà nước trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới.

Để chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới được các cơ quan, ban ngành của Hà Giang tích cực triển khai. Kiến thức về bình đẳng giới, bạo lực gia đình được giới thiệu rộng rãi với các hình thức đa dạng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, như: lồng ghép nội dung bình đẳng giới vào các kế hoạch, chương trình của địa phương, hoặc qua tập huấn, hội nghị, hội thảo, giao ban, đọc báo đầu giờ… Các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân các cấp quan tâm tổ chức thường xuyên các đợt tuyên truyền về bình đẳng giới qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền trực tiếp tại chợ phiên, v,v,..; Các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em đã được triển khai rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là trong đợt cao điểm của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 15-11 đến 15-12 hằng năm), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6 hăng năm) tại địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đem lại hiệu quả để có tác động tích cực đến thay đổi nhận thức, thái độ và hình vi của và người dân. Nội dung tuyên truyền thường quá tập trung vào phổ biến văn bản luật pháp, chính sách mà chưa chú trọng nâng cao nhận thức và kỹ năng để người dân có thể tự phòng ngừa. Sản phẩm, tài liệu và phương thức truyền thông chưa phong phú. Thông điệp truyền thông thiên về phổ biến thông tin, chính sách, luật pháp, chưa đa dạng hóa thể loại và các tác động đến các đối tượng khác nhau trong cộng đồng. Hoạt động tuyên truyền cũng chưa đi đến tận từng bản làng, thôn xóm. Hoạt động tuyên truyền do nhiều cơ quan đơn vị cùng triển khai nên nội dung còn chồng chéo, mang tính phong trào.

Công tác triển khai thực hiện các biện pháp can thiệp phòng ngừa bạo lực gia đình đối với phụ nữ

Nhận thức là bước đầu tiên hướng đến việc ngăn ngừa và giảm bạo lực gia đình. Bước tiếp theo là giúp đỡ các gia đình có nhu cầu cần hỗ trợ. Sự giúp đỡ có thể đến từ các dịch vụ do Nhà nước cung cấp hoặc từ các chương trình mới do chính cư dân phát triển. Những năm qua, cũng như trên địa bàn toàn quốc, tại Hà Giang nhiều mô hình can thiệp phòng ngừa bạo lực gia đình đã được triển khai rộng khắp, trong đó có vùng DTTS và miền núi. Tiêu biểu như: Mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện và nhân rộng với các hoạt động can thiệp, cụ thể như: Câu lạc bộ ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới, Tổ phòng, chống bạo lực giới, nhà tạm lánh tại cộng đồng,… Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình với các câu lạc bộ “Xây dựng gia đình phát triển bền vững” và Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành lập và duy trì; Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và xây dựng gia đình hạnh phúc - Địa chỉ tin cậy của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Mô hình phòng chống bạo lực gia đình và Mô hình truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới của Hội Nông dân(5).

Toàn tỉnh Hà Giang hiện đang duy trì 872 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 01 Câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài, 258 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Tỉnh có 01 cơ sở trợ giúp xã hội công lập (Trung tâm Công tác xã hội) thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại cơ sở trợ giúp xã hội, nạn nhân bị bạo lực giới(6).

Mặc dù các cơ quan, tổ chức đã có cam kết thúc đẩy bình đẳng giới, tuy nhiên việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng ngừa bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Các dịch vụ và hoạt động ngăn ngừa, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân của bạo lực (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái) là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, những dịch vụ sẵn có (như nhà tạm lánh an toàn, sàng lọc nạn nhân bạo lực giới tại bệnh viện và phòng khám, tư vấn tâm lý và trợ giúp pháp lý tại cộng đồng và trung tâm trợ giúp pháp lý) dành cho nạn nhân, nhất là phụ nữ còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Các mô hình can thiệp và hỗ trợ dành cho nạn nhân bạo lực tại tỉnh hiện tại chỉ có quy mô nhỏ, bị chia cắt rời rạc do được thực hiện bởi các bên liên quan khác nhau (như chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các tổ chức dựa vào cộng đồng) mà không có cơ chế phối hợp(7).

3. Giải pháp phòng ngừa bạo lực gia đình với phụ nữ dân tộc thiểu số

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới, phòng chống bạo lực gia đình

Cần tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình về phòng chống bạo lực gia đình. Mục đích là để giải quyết các vấn đề bức thiết của phụ nữ và trẻ em trên mọi khía cạnh của đời sống xã hội tại mỗi vùng, khu vực. Tăng cường, đẩy mạnh việc lồng ghép các nội dung, các can thiệp phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình đối với phụ nữ, trong đó có phụ nữ DTTS và miền núi vào trong các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội của địa phương.

Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao thái độ mạnh mẽ với các hành vi bạo lực gia đình đối với phụ nữ

Nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bạo lực gia đình và thiết lập các chuẩn mực xã hội về giới, bình đẳng giới. Theo đó, cần tiếp tục triển khai các chiến dịch truyền thông với hình thức đa dạng, phong phú về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình phù hợp với từng nhóm đối tượng. Cần chú trọng hơn nữa truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp trong thực hiện tuyên truyền, giáo dục về phòng ngừa bạo lực. Phát tờ rơi hoặc tài liệu giáo dục thông tin và truyền thông để chia sẻ với cộng đồng, trong đó chú ý sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh phù hợp với đồng bào DTTS. Sử dụng loa phát thanh, đài phát thanh cộng đồng để truyền bá thông tin về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình đến cộng đồng tại các vùng nông thôn. Sân khấu hóa nội dung tuyên truyền bằng các trò chơi cộng đồng, tiểu phẩm hay giao lưu văn nghệ…

Xây dựng mạng lưới cá nhân có ảnh hưởng/người có uy tín trong xã hội để truyền tải thông điệp về phòng ngừa và ứng phó bạo lực gia đình. Thành lập các nhóm/mạng lưới hỗ trợ cung cấp thông tin về các dịch vụ và tính khả dụng của các dịch vụ hỗ trợ.

Thứ ba, nâng cao năng lực và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong phòng ngừa bạo lực gia đình đối với phụ nữ

Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong triển khai các chương trình, chính sách phòng ngừa bạo lực giới, bạo lực gia đình đối với phụ nữ. Hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án liên quan đến phòng chống bạo lực giới, bạo lực gia đình đang được thực hiện tại địa phương như: Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3-3-2021 của Chính phủ về ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Dự án số 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025... Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, các cơ quan/tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ hỗ trợ và đội ngũ cộng tác viên tại cộng đồng về công tác phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ.

Thứ tư, bảo đảm việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ phù hợp và hiệu quả

Trong phòng ngừa bạo lực, các giải pháp hướng đến giảm thiểu tác hại sau khi bạo lực xảy ra thường chú trọng đến việc tạo ra các dịch vụ hỗ trợ cần thiết có thể phản ứng và hỗ trợ hay điều trị kịp thời cho nạn nhân và xử lý người gây ra bạo lực. Các hoạt động được thiết kế để điều trị và phục hồi thể lực và tâm lý cho phụ nữ trải qua bạo lực; bảo đảm an toàn cho họ và ngăn chặn vụ việc bạo lực có khả năng xảy ra trong tương lai; đồng thời bảo đảm những người gây ra bạo lực cũng được điều trị, phục hồi và phải được xử lý. Các phương pháp tiếp cận cần tập trung vào việc chăm sóc dài hạn cho nạn nhân bị bạo lực, như phục hồi chức năng lao động (nhằm giảm chấn thương hoặc giảm các khuyết tật dài hạn) và tái hòa nhập cộng đồng.

Triển khai các biện pháp hỗ trợ phù hợp hơn với nguồn lực và đặc trưng văn hóa của cộng đồng để người dân dễ tiếp cận với người dân, đặc biệt là phụ nữ DTTS. Phát triển các dịch vụ hỗ trợ toàn diện, bao gồm các chương trình, chính sách để bảo đảm các lợi ích trong ngắn hạn và dài hạn nhằm giải quyết các yếu tố gây ra bạo lực. Xây dựng và triển khai các biện pháp ứng phó và can thiệp phù hợp, hiệu quả, chất lượng cao. Cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân của bạo lực. Thông qua việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ ban đầu như xây dựng, duy trì và nhân rộng địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh ở cộng đồng nhằm cung cấp nơi tạm lánh an toàn cho nạn nhân.

4. Kết luận

Mặc dù Chính phủ Việt Nam nói chung, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng đã có quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong phòng ngừa bạo lực gia đình đối với phụ nữ; chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đã có nhiều nỗ lực trong tuyên truyền nâng cao nhận thức, củng cố thái độ và niềm tin về phòng ngừa bạo lực đối với người dân nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng; nhiều dịch vụ thiết yếu như y tế, xã hội hay dịch vụ tư pháp, hành pháp đã được cung cấp… Tuy nhiên, việc triển khai các hoạt động phòng ngừa bạo lực gia đình tại địa phương vẫn đang gặp phải nhiều thách thức, khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách, năng lực thực thi chính sách của các cơ quan, tổ chức. Do đó, cần triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả của quá trình thực thi chính sách pháp luật về phòng ngừa bạo lực gia đình đối với phụ nữ.

_________________

Ngày nhận bài: 15-10-2024; Ngày bình duyệt:21-10-2024; Ngày duyệt đăng: 27-10-2024

(1) Tổng cục Thống kê: Kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2020.

(2), (7) UN WOMEN và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Báo cáo đánh giá cuối kỳ Chương trình chung về gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ Việt Nam và trẻ em gái bị bạo lực tại Việt Nam, 2019.

(3) Tổng cục Thống kê: Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam, truy cập tại: https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2020/10/05.Fact-sheet-1-V.pdf .

(4), (6) UBND tỉnh Hà Giang: Báo cáo Kết quả thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về đẳng giới trên địa bàn tỉnh Hà Giang năm 2023.

(5) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Báo cáo quốc gia rà soát và kiểm điểm 25 năm Việt Nam thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, 2020, tr.21.