Tin tức

Tọa đàm khoa học Sự tham gia của chính quyền cấp cơ sở và người dân trong chu trình chính sách bảo vệ môi trường: Từ lý luận đến thực tiễn

06/11/2024 07:36

(LLCT)- Ngày 4-11-2024, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg Đông Nam Á tổ chức Tọa đàm khoa học “Sự tham gia của chính quyền cấp cơ sở và người dân trong chu trình chính sách bảo vệ môi trường: Từ lý luận đến thực tiễn”, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện dự và chủ trì Tọa đàm.

NGUYỄN THỊ LAN

GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc và đề dẫn Tọa đàm

Cùng chủ trì Tọa đàm có Ngài Stefan Mentschel , Giám đốc Vùng - Văn phòng Rosa Luxemburg Đông Nam Á; PGS, TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và chính sách công; PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường, Trường Chính trị tỉnh Thái Bình, Hội Xã hội học Việt Nam, các đơn vị thuộc Học viện cùng đông đảo nhà khoa học, giảng viên.

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, GS, TS Lê Văn Lợi nêu rõ: Ngày nay, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu có tính phổ quát của tất cả các quốc gia trên thế giới. Là nguyên tắc và cốt lõi của phát triển bền vững. Vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Các quốc gia không chỉ hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế thuần túy, mà quan trọng hơn là tăng trưởng kinh tế phải đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học cho thế hệ mai sau. Trong 17 mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển bền vững do Liên Hợp quốc đưa ra có 6 mục tiêu liên quan đến vấn đề môi trường.

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển. Nhiều chủ trương, chính sách được ban hành và thực thi trên thực tế. Năm 1998, Bộ chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước; năm 2004 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Nghị quyết Đại hội XIII khẳng định: Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đầu năm 2022 là những cơ sở pháp lý quan trọng cho phát triển bền vững về môi trường. Tại Hội nghị COP26 năm 2021, Việt Nam đã cùng 147 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ.

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước cùng với tăng trưởng kinh tế tương đối cao, công tác bảo vệ môi trường đã đạt được nhiều kết quả tích cực: diện tích che phủ rừng được khôi phục, ý thức bảo vệ môi trường của chính quyền, doanh nghiệp và người dân được nâng lên. Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đã được đưa vào các chương trình nghị sự của nhiều địa phương. Bên cạnh các thành tựu đạt được, thực tiễn công tác bảo vệ môi trường ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập: Tài nguyên thiên nhiên còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững; sản xuất và tiêu dùng có lúc, có nơi chưa gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường; việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh môi trường của các hộ sản xuất, kinh doanh, nhất là ở các làng nghề còn yếu kém, trách nhiệm của nhiều doanh nghiệp còn thấp, vẫn chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ bảo vệ môi trường. Việc nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở và người dân chưa được quan tâm chú ý nhiều. Trong khi vai trò của chính quyền cơ sở trong thực thi chính sách bảo vệ môi trường là rất quan trọng. Họ là lực lượng trực tiếp thực thi các chính sách bảo vệ môi trường tại địa phương, gần gũi nhất với người dân, hiểu rõ đặc điểm của từng vùng, từng cộng đồng. Họ có trách nhiệm chuyển tải chính sách của Nhà nước đến người dân, đồng thời là cầu nối để lắng nghe và phản ánh nguyện vọng, ý kiến của người dân lên cấp trên.

Sự tham gia của người dân vào chu trình chính sách là yếu tố cốt lõi giúp các chính sách môi trường trở nên khả thi và hiệu quả hơn. Khi người dân được tham gia vào quá trình xây dựng, giám sát và thực thi các chính sách môi trường, họ sẽ có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường sống xung quanh mình. Điều này không chỉ giúp nâng cao nhận thức của người dân mà còn góp phần tạo ra một cộng đồng gắn kết, có ý thức cao trong bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tọa đàm “Sự tham gia của chính quyền cấp cơ sở và người dân trong chu trình chính sách bảo vệ môi trường: Từ lý luận đến thực tiễn” tập trung thảo luận sâu về cách thức huy động sự tham gia của các bên liên quan vào chu trình chính sách bảo vệ môi trường, từ lý luận đến thực tiễn.

Phát biểu tại Tọa đàm, Ngài Stefan Mentschel chia sẻ, tại Đức, các chính sách về bảo vệ môi trường chú trọng giảm phát thải khí nhà kính và khí thải lò hơi đốt than, trong đó Chính phủ cam kết bảo đảm việc làm khác cho lực lượng lao động đang làm các công việc này, qua đó giúp các chính sách được triển khai nhanh chóng, góp phần cân bằng bảo vệ môi trường và nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, Đức cũng gặp phải khó khăn khi thực hiện các chính sách trên nếu không có sự đồng thuận của người dân. Do đó, việc nghiên cứu, thực hiện các biện pháp tăng cường sự tham gia của người dân vào các chu trình của chính sách có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy việc ra quyết định cũng như quá trình hoạch định, hoàn thiện các chính sách bảo vệ môi trường kịp thời, hiệu quả. Trong bối cảnh phát triển của Việt Nam hiện nay, việc áp dụng kinh nghiệm của Đức, thực hiện các giải pháp tăng cường sự tham gia của chính quyền và người dân vào các chu trình chính sách bảo vệ môi trường có ý nghĩa quan trọng trong đạt được các mục tiêu về bảo vệ môi trường.

Trình bày tham luận “Quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn mới”, TS Nguyễn Mai Chi, Viện Lịch sử Đảng nêu rõ: Quan điểm bảo vệ môi trường của Đảng được hình thành trong quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ thực hiện CNH, HĐH đất nước và được đề cập trong các văn kiện quan trọng của Đảng, tiêu biểu như: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991; Cương lĩnh sửa đổi, bổ sung năm 2011; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1991 - 2000, 2001 - 2010, 2011 - 2020, 2021 - 2030; Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25-6-1998, của Bộ Chính trị “Về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 15-11-2004 “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”... Trong bối cảnh hiện nay, Đảng ta chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái với nguyên tắc lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu”, “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS, TS Trịnh Văn Tùng, Viện Lãnh đạo học và chính sách công chia sẻ kinh nghiệm của Đức về phát huy vai trò của chính quyền cấp cơ sở trong hoạch định và thực thi chính sách bảo vệ môi trường. Đối với quá trình thực hiện chính sách, chính quyền cấp cơ sở ở Đức có vai trò quan trọng trong xây dựng, thực thi và đánh giá các chính sách bảo vệ môi trường được triển khai thực hiện tại cấp cơ sở. Theo đó, chính quyền cấp quận tham gia xây dựng các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình bảo vệ môi trường; xây dựng các chính sách giáo dục bảo vệ môi trường, góp phần hình thành văn hóa bảo vệ môi trường trong các tầng lớp nhân dân; tham gia triển khai, thực hiện và giám sát các chính sách bảo vệ môi trường được thực hiện trong quận; đồng thời là cầu nối giữa người dân và chính quyền bang, liên bang qua công tác truyền thông hai chiều; tham gia vào các bước đánh giá chính (trước, trong và sau khi thực hiện chính sách) đối với các dự án về bảo vệ môi trường được thực hiện trên địa bàn quận. Các kinh nghiệm của Đức trong phát huy vai trò của chính quyền cấp cơ sở đối với chu trình chính sách bảo vệ môi trường có thể áp dụng và mang lại hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam hiện nay.

Trình bày tham luận “Những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về vai trò của cộng đồng dân cư và chính quyền cấp cơ sở trong bảo vệ môi trường”, TS Nguyễn Đình Đáp, Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường nêu rõ những điểm mới cơ bản của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, bao gồm: quy định về trách nhiệm của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, cá nhân, cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường; mức chi cho công tác bảo vệ môi trường; quy định về xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt và sản xuất; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp, công khai thông tin môi trường… Những quy định này góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo nhiều thuận lợi cho triển khai công tác bảo vệ môi trường của các ngành, các cấp và địa phương; đồng thời cũng góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cộng đồng, cá nhân trong bảo vệ môi trường.

Phát biểu tại Tọa đàm, TS Nguyễn Đức Luận, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình chia sẻ vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong thực thi chính sách bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Thái Bình là một trong những tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng, có thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi trong phát triển nông nghiệp lúa nước; đồng thời có nhiều kết quả tích cực trong bảo vệ môi trường, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, tiêu biểu như các hoạt động bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền phổ biến thông tin, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh dịch vụ của người dân; sử dụng đúng cách thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái bền vững; tổ chức và thực hiện các mô hình, chương trình, cuộc vận động, phong trào thi đua về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tích cực trong phản biện, giám sát các chính sách bảo vệ môi trường được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần hình thành ý thức, huy động được sự tham gia của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường của tỉnh, mang lại hiệu quả.

Trình bày tham luận “Vai trò của chính quyền cơ sở trong thực hiện chính sách bảo vệ môi trường ở Ninh Thuận và Sóc Trăng”, TS Vũ Thái Hạnh, Viện Xã hội học và Phát triển nêu nhưng đóng góp của chính quyền tỉnh Ninh Thuận và Sóc Trăng thực hiện chu trình bảo vệ môi trường. Thời gian qua, Ninh Thuận và Sóc Trăng đã đạt nhiều kết quả tích cực trong bảo vệ môi trường, trong đó UBND các tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch cũng như tham gia vào quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách về bảo vệ môi trường nhanh chóng, mang lại hiệu quả cao.

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS, TS Đặng Thị Ánh Tuyết, Vụ Quản lý khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu về nhận thức của cấp ủy đảng các cấp về kinh tế tuần hoàn và kinh tế cácbon thấp ở Việt Nam hiện nay. Qua khảo sát 4.800 đảng viên tại các tỉnh Điện Biên, Ninh Thuận, Hòa Bình và Sóc Trăng năm 2023-2024 cho thấy, nhận thức của những người tham gia trả lời phiếu hỏi về các đặc trưng, lợi ích hay triển vọng triển khai chủ trương phát triển kinh tế cácbon thấp ở Việt Nam hay địa phương còn hạn chế. Qua đó, nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp truyền thông nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức, hình thành thái độ, hành vi tích cực của cán bộ, đảng viên đối với việc hóa hiện thực chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế cácbon thấp trong thực tế.

PGS, TS Lê Văn Chiến đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực chính quyền cấp cơ sở trong tham gia bảo vệ môi trường. Nhằm thúc đẩy sự tham gia của chính quyền và người dân vào chu trình chính sách bảo vệ môi trường cần thực hiện đồng bộ, hệ thống các giải pháp từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở, trong đó cần ưu tiên thực hiện một số giải pháp như: tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân về ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường; hoàn thiện khung luật pháp, chính sách, cơ chế quy định sự tham gia của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng cư dân trong bảo vệ môi trường; Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn cho hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường; đổi mới công tác tuyên truyền của ngành khí tượng thủy văn; coi tiêu chí giảm ô nhiễm môi trường địa phương là một trong những tiêu chí đánh giá người đứng đầu địa phương; chính quyền cấp cơ sở cần tổ chức cho các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư trực tiếp bảo vệ môi trường; tăng cường tập huấn, nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư.

Tại Tọa đàm, các đại biểu trao đổi, thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp trong thúc đẩy sự tham gia của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở và người dân vào các chu trình chính sách bảo vệ môi trường, trong đó các giải pháp trọng tâm hướng đến xây dựng ý thức, văn hóa bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư, tạo các diễn đàn, xây dựng các phong trào, các cuộc vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường ở không gian sinh hoạt và sản xuất; đồng thời qua đó góp phần hỗ trợ, tạo sự thuận lợi cho các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong quá trình triển khai các chính sách bảo vệ môi trường trong thực tế.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm