Hội thảo khoa học: “Hồ Chí Minh - Biểu tượng quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc”
(LLCT) - Ngày 11-11-2024, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc tổ chức Hội thảo khoa học: “Hồ Chí Minh - biểu tượng quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc”.
Minh Ngọc
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc; PGS, TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, PGS, TS Đỗ Xuân Tuất, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng. Tham dự Hội thảo có các đồng chí đại diện lãnh đạo Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, cùng đông đảo các đại biểu, nhà khoa học ở trong và ngoài Học viện.
Hội thảo là hoạt động ý nghĩa nhân dịp Kỷ niệm 100 năm lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh bắt đầu hoạt động tại Quảng Châu - Trung Quốc (11-11-1924 - 11-11-2024) nhằm làm rõ hơn những cống hiến vĩ đại của Người đối với Đảng, cách mạng và dân tộc Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Người trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Hồ Chí Minh là biểu tượng của sự gắn kết giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới; của tình đoàn kết, hữu nghị giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc.
Trong hành trình hiện thực hóa khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc và nhân loại, Người đã đi qua nhiều nơi, nhiều nước và bằng hoạt động của mình, Người đã để lại những dấu ấn quan trọng đối với tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Trong đó, thời kỳ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã mở ra một chương mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, đồng thời đặt cơ sở vững chắc cho quan hệ hữu nghị giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc trong các giai đoạn phát triển về sau.
Với gần 40 bài tham luận từ đại diện các cơ quan ban, bộ, ngành Trung ương, Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, cùng nhiều nhà khoa học, đã làm sáng tỏ những nội dung chủ yếu về vị trí, vai trò của Quảng Châu (Trung Quốc) trong tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nhằm thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng Trung Quốc và cách mạng thế giới; đồng thời khẳng định tầm ảnh hưởng của Hồ Chí Minh đối với việc đặt nền móng cho quan hệ hợp tác giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng Trung Quốc trong kháng chiến chống xâm lược, xây dựng CNXH.
Sau khi tiếp nhận ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho kế hoạch trở về lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày 11-11-1924, Người đến Quảng Châu, lúc bấy giờ là trung tâm cách mạng của Trung Quốc, được ví như “Mátxcơva của phương Đông”. Quảng Châu thu hút rất nhiều nhà cách mạng từ các quốc gia bị áp bức, trong đó có các nhà yêu nước và cách mạng Việt Nam.
PGS, TS Trần Minh Trưởng tham luận với tiêu đề: Quảng Châu trong tầm nhìn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trong đó khẳng định, quá trình hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu - Trung Quốc đã góp phần quan trọng chuẩn bị về tư tưởng, đội ngũ cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Lựa chọn Quảng Châu cho thấy tầm nhìn, trí tuệ thiên tài của Người trong việc nuôi dưỡng, nhen nhóm ngọn lửa cách mạng, hình thành đội ngũ cách mạng nòng cốt, đó cũng là nhân tố quyết định thành công của cách mạng Việt Nam.
Tại Quảng Châu, với sự giúp đỡ tích cực của nhiều nhà cách mạng Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh tiến trình chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng, Hội Nhà báo Việt Nam với tham luận: Những hoạt động báo chí của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tại Quảng Châu giai đoạn 1924 - 1927 đã nhấn mạnh, Quảng Châu là nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một tổ chức cách mạng có khuynh hướng mác xít và là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam; mở lớp huấn luyện cho những thanh niên yêu nước nhằm đào tạo đội ngũ nòng cốt cho cách mạng Việt Nam; và xuất bản tờ báo Thanh Niên - cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Thanh niên. Những hoạt động sôi nổi, hiệu quả đó của Người cùng với sự giúp đỡ tích cực của nhiều nhà cách mạng, nhân dân Trung Quốc đã có tác động sâu sắc, góp phần tạo nên bước phát triển mạnh mẽ của cách mạng Việt Nam.
Về những hoạt động tăng cường quan hệ hợp tác giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng Trung Quốc, các tham luận tại Hội thảo đều thống nhất, Hồ Chí Minh luôn dành cho cách mạng Trung Quốc, những người đồng chí và nhân dân Trung Quốc những tình cảm chân thành, chí thiết, nồng hậu. Những hoạt động tích cực của Người đã góp phần to lớn tạo sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau và gắn bó với nhau giữa cách mạng, hai Đảng và nhân dân hai nước; tăng cường tình hữu nghị truyền thống và đưa mối quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới.
Với những cống hiến và gắn bó, cũng như sự dày công vun đắp tình hữu nghị, tình đồng chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của tình hữu nghị “Việt - Hoa thân thiện”. Hiện nay, ở Quảng Châu cũng như trên đất nước Trung Quốc, có nhiều di tích về di sản Hồ Chí Minh đã và đang được bảo tồn, phát huy, góp phần quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống hữu nghị giữa hai nước, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
Kế thừa và phát huy truyền thống “mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em”, trong thời kỳ mới, đứng trước bối cảnh mới của mỗi nước và thời đại, Việt Nam và Trung Quốc đã phát huy những điểm tương đồng, xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai dân tộc, trở thành “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Từ đó, hai nước tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và tiến bộ của nhân loại.