Diễn đàn

Xu hướng phát triển truyền hình đa nền tảng trên thế giới và tại Việt Nam hiện nay

13/11/2024 16:53

(LLCT) - Bài viết phân tích xu hướng phát triển truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với xu hướng chính là áp dụng rộng rãi công nghệ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo, sự phát triển của các thiết bị phát trực tuyến nội dung (streaming), đầu tư vào nội dung độc quyền chất lượng cao, hợp tác giữa nhà cung cấp dịch vụ truyền phát qua internet (OTT) và công ty viễn thông. Tại Việt Nam, bài viết chỉ ra tám xu hướng đáng chú ý: phát triển OTT nội địa, nội dung địa phương, người dùng di động, truyền phát trực tuyến, hạ tầng mạng, thanh toán trực tuyến, cạnh tranh và hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ, cũng như vấn đề quản lý và kiểm soát nội dung.

THS LƯƠNG ĐÔNG SƠN
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Tương tác với công chúng - xu hướng của truyền hình hiện đại
Ảnh minh họa: nguoilambao.vn

1. Mở đầu

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, internet tốc độ cao và các thiết bị thông minh đã tạo ra một môi trường truyền thông đa dạng, phức tạp. Trong đó, truyền hình đa nền tảng nổi lên như một xu hướng then chốt, định hình lại cách thức sản xuất, phân phối và tiếp nhận nội dung truyền hình. Sự thay đổi trong hành vi người xem, đòi hỏi về tính tương tác và cá nhân hóa ngày càng cao, cùng với sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà cung cấp dịch vụ, đang buộc các doanh nghiệp trong ngành truyền thông phải không ngừng đổi mới và thích ứng.

Thị trường sáng tạo nội dung số và dịch vụ OTT (Over-the-Top) toàn cầu đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, phản ánh nhu cầu ngày càng tăng đối với nội dung số và dịch vụ truyền hình đa nền tảng. Sự phát triển này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm sự tiến bộ trong công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, cũng như sự gia tăng của các thiết bị phát trực tuyến nội dung và sự đa dạng hóa của nội dung.

Tại Việt Nam, xu hướng này cũng đang diễn ra mạnh mẽ với sự phát triển của các dịch vụ OTT nội địa. Sự gia tăng người dùng di động, cùng với sự phổ biến của mạng 4G/5G, đang thúc đẩy việc tiếp nhận nội dung truyền hình trên các thiết bị di động. Đồng thời, nhu cầu về nội dung địa phương chất lượng cao và xu hướng xem truyền hình trực tuyến đang định hình lại thị trường truyền hình Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, việc dự báo xu hướng phát triển truyền hình đa nền tảng trở nên cấp thiết, không chỉ đối với các nhà cung cấp dịch vụ mà còn đối với các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan trong ngành truyền thông. Dự báo rõ các xu hướng phát triển của truyền hình đa nền tảng sẽ góp phần quan trọng trong việc định hướng chiến lược phát triển cho các đài truyền hình, đồng thời hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành truyền hình Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

2. Một số xu hướng chủ yếu trong phát triển truyền hình đa nền tảng trên thế giới

Sự phát triển của truyền hình đa nền tảng đang diễn ra mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường sáng tạo nội dung số và sự phát triển của các dịch vụ OTT. Xu hướng này đang định hình lại cách tiếp nhận nội dung giải trí và thông tin, tạo ra một hệ sinh thái đa dạng và phong phú cho người dùng.

Thứ nhất, quy mô của thị trường sáng tạo nội dung số và thị trường OTT đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2022, thị trường sáng tạo nội dung số toàn cầu đạt 25,6 tỷ USD và dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 13,5% từ năm 2023 đến 2030, đặc biệt trong phân khúc video, chiếm 38,7% doanh thu năm 2022 và được kỳ vọng CAGR 14,4%. Đồng thời, thị trường OTT toàn cầu, bao gồm các dịch vụ phát trực tuyến, dự kiến sẽ tăng từ 235,7 tỷ USD năm 2023 lên đến 1.079,1 tỷ USD vào năm 2030 với CAGR 24,3%(1). Mô hình kinh doanh dựa trên đăng ký (SVOD - Subscription Video on Demand) tiếp tục thống trị với 57,6% thị phần vào năm 2022, cho thấy sự ưa chuộng của người dùng đối với các dịch vụ truyền hình đa nền tảng dựa trên nội dung độc quyền và tiện ích cao(2).

Thứ hai, sự chuyển đổi sang các nền tảng điện toán đám mây đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển và tối ưu hóa truyền hình đa nền tảng. Điện toán đám mây đã chiếm tới 74,7% thị phần doanh thu vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng trưởng với CAGR 13,9% đến năm 2030. Công nghệ này không chỉ giúp giảm chi phí mà còn tăng tính linh hoạt trong quản lý, lưu trữ và phân phối nội dung. Đồng thời, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn vào truyền hình đa nền tảng sẽ giúp nâng cao trải nghiệm người dùng, từ việc cá nhân hóa nội dung cho đến phân tích hành vi người dùng để đưa ra những gợi ý chính xác hơn(3).

Thứ ba, các thiết bị phát trực tuyến đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của truyền hình đa nền tảng. Trong năm 2022, các thiết bị streaming stick, loại thiết bị nhỏ gọn dùng để kết nối với TV và truy cập nội dung trực tuyến, chiếm 47% thị phần thiết bị OTT. Bên cạnh đó, các thiết bị phát trực tuyến khác, như streaming media player, được dự báo sẽ tăng trưởng với CAGR 22,2% từ năm 2023 đến 2030(4). Điều này cho thấy ngày càng nhiều người dùng lựa chọn các thiết bị nhỏ gọn, tiện dụng để dễ dàng truy cập và xem nội dung số. Đồng thời, các thiết bị set-top box (giải mã truyền hình) 4K, với CAGR 8,4%/năm, cũng đang ngày càng được tích hợp công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và nhận dạng giọng nói(5). Những công nghệ này giúp tạo ra trải nghiệm người dùng phong phú hơn, với khả năng cá nhân hóa nội dung theo sở thích cá nhân.

Thứ tư, sự phát triển của nội dung và các chiến lược kinh doanh trên thị trường OTT. Các nhà cung cấp dịch vụ OTT đang tập trung đầu tư vào nội dung độc quyền và chất lượng cao để thu hút và giữ chân người dùng. Chiến lược này sẽ giúp các nhà cung cấp nổi bật trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt và giúp tối ưu hóa doanh thu từ các dịch vụ đăng ký. Mô hình “freemium” (cung cấp một phần dịch vụ miễn phí để thu hút người dùng) cũng đang trở nên phổ biến hơn, khi các nhà cung cấp dịch vụ cung cấp một số nội dung miễn phí nhằm thu hút người dùng mới, đồng thời cung cấp các dịch vụ cao cấp cho người dùng trả phí(6). Điều này giúp mở rộng phạm vi tiếp cận của các nhà cung cấp dịch vụ OTT, đồng thời giữ vững lợi thế cạnh tranh thông qua việc cung cấp trải nghiệm người dùng linh hoạt.

Thứ năm, xu hướng hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ OTT và các công ty viễn thông đang tăng mạnh, đặc biệt trong việc tích hợp các nền tảng OTT vào các gói dịch vụ truyền hình truyền thống. Chẳng hạn như Bharti Airtel đã tích hợp các dịch vụ như Netflix và Amazon Prime vào sản phẩm Xstream 4k TV box, giúp tối ưu hóa các gói dịch vụ và mang đến sự tiện ích hơn cho người dùng(7). Sự hợp tác này không chỉ giúp tối ưu hóa trải nghiệm người dùng mà còn hỗ trợ các nhà cung cấp OTT tận dụng hạ tầng hiện có của các công ty viễn thông để mở rộng phạm vi tiếp cận.

Thứ sáu, thị trường châu Á - Thái Bình Dương là khu vực phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số và OTT. Với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm dự kiến đạt 15% cho nội dung số và 25,6% cho các dịch vụ OTT từ năm 2023 đến 2030, khu vực này trở thành trọng tâm của các nhà cung cấp dịch vụ trên toàn cầu(8). Nhu cầu về nội dung địa phương ngày càng gia tăng khi người dùng tại các thị trường mới nổi như châu Á và Mỹ Latinh tìm kiếm các sản phẩm phản ánh văn hóa và nhu cầu bản địa. Các công ty như Netflix đã đầu tư lớn vào việc sản xuất nội dung phù hợp với thị hiếu địa phương. Theo dữ liệu từ Statista, đầu tư của Netflix vào nội dung Hàn Quốc đã tăng đáng kể từ 15 tỷ won năm 2016 lên 550 tỷ won vào năm 2021, tương đương khoảng 486 triệu USD(9). Sự gia tăng mạnh mẽ này, đặc biệt là từ năm 2019 đến 2021 với mức tăng gần gấp đôi mỗi năm, phản ánh cam kết của Netflix đối với thị trường châu Á và tầm quan trọng ngày càng tăng của nội dung địa phương trong chiến lược toàn cầu của công ty.

Xu hướng phát triển của truyền hình đa nền tảng đang định hình lại cách công chúng tiếp nhận nội dung giải trí và thông tin. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường sáng tạo nội dung số và OTT, sự đa dạng hóa của các thiết bị và nền tảng, cùng với việc áp dụng công nghệ tiên tiến, các nhà cung cấp dịch vụ cần phải liên tục đổi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng, đồng thời cạnh tranh trong một thị trường ngày càng bão hòa. Việc tập trung vào nội dung chất lượng cao, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và đáp ứng nhu cầu đa dạng của các thị trường địa phương sẽ là chìa khóa để thành công trong tương lai của truyền hình đa nền tảng.

3. Một số xu hướng chủ yếu trong phát triển truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam

Thứ nhất, sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ OTT ở trong nước. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các chương trình truyền hình và phim ảnh có bản quyền, các dịch vụ OTT trong nước như VTVGo, VieON, FPT Play và Galaxy Play đang ngày càng đầu tư mạnh mẽ vào việc sản xuất nội dung gốc độc quyền. Các dịch vụ này đang có xu hướng hợp tác với các nhà sản xuất để tạo ra những bộ phim và chương trình giải trí chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa và thu hút khán giả trong nước. Bên cạnh đó, các dịch vụ này cũng không ngừng cải tiến giao diện người dùng, tích hợp các tính năng tương tác, phát triển ứng dụng trên nhiều nền tảng khác nhau để mang đến trải nghiệm xem tối ưu cho người dùng.

Thứ hai, nội dung địa phương được ưa chuộng. Dù có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nội dung quốc tế, khán giả Việt Nam vẫn dành sự ưu ái đặc biệt cho các chương trình truyền hình, phim ảnh, nội dung giải trí sản xuất trong nước. Các nhà sản xuất nội dung đã nhận ra điều này và tập trung khai thác các đề tài gần gũi với đời sống, văn hóa, lịch sử Việt Nam. Phim truyền hình về gia đình, tình yêu, lịch sử và các chương trình giải trí hài hước, gameshow (trò chơi trên truyền hình) luôn thu hút lượng lớn khán giả. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào chất lượng sản xuất, từ kịch bản, diễn xuất, đến kỹ thuật quay phim, âm thanh cũng được chú trọng để nâng cao giá trị, sức hấp dẫn của nội dung địa phương.

Thứ ba, tăng trưởng người dùng di động. Với sự phổ biến của điện thoại thông minh và mạng di động 4G/5G, người Việt Nam ngày càng có xu hướng xem truyền hình trên các thiết bị di động(10). Các ứng dụng xem truyền hình trên điện thoại thông minh và máy tính bảng trở thành công cụ giải trí không thể thiếu của công chúng. Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình đa nền tảng đã phát triển các ứng dụng di động với giao diện thân thiện, tốc độ tải nhanh, hình ảnh đẹp, sắc nét mà trên nhiều loại thiết bị và kết nối mạng khác nhau. Điều này giúp người dùng dễ dàng truy cập và thưởng thức nội dung yêu thích mọi lúc mọi nơi.

Thứ tư, xu hướng xem truyền hình trực tuyến. Truyền hình trực tuyến đang trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống giải trí của người Việt Nam. Các sự kiện thể thao như bóng đá, các chương trình âm nhạc trực tiếp, các buổi giao lưu, trò chuyện với người nổi tiếng thu hút hàng triệu lượt xem trên các nền tảng trực tuyến. Các mạng xã hội như Facebook, YouTube cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động live streaming với nội dung đa dạng, từ các buổi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm sống, đến các buổi biểu diễn nghệ thuật và các trò chơi tương tác. Sự phát triển của công nghệ live streaming và mạng di động tốc độ cao đã giúp người xem dễ dàng tiếp cận và tham gia vào các sự kiện trực tuyến, tạo nên một cộng đồng người xem sôi động và tương tác mạnh mẽ.

Thứ năm, thích ứng với hạ tầng mạng và thiết bị. Mặc dù hạ tầng mạng di động và băng thông rộng ở Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại sự chênh lệch về tốc độ và độ ổn định giữa các khu vực, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình đa nền tảng cần linh hoạt thích ứng với điều kiện hạ tầng mạng đa dạng đó. Điều này bao gồm việc tối ưu hóa chất lượng video để phù hợp với tốc độ mạng khác nhau, sử dụng công nghệ nén video hiệu quả để giảm thiểu dung lượng tải xuống, phát triển các ứng dụng có thể hoạt động tốt trên cả thiết bị cao cấp và thiết bị phổ thông.

Thứ sáu, thanh toán trực tuyến và viễn thông. Sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ thanh toán trực tuyến và ví điện tử như MoMo, ZaloPay và VNPay đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng thanh toán các dịch vụ truyền hình trả phí một cách nhanh chóng và tiện lợi(11). Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình đa nền tảng đã tích hợp các phương thức thanh toán này vào hệ thống của mình, giúp người dùng dễ dàng đăng ký và gia hạn gói cước. Bên cạnh đó, các nhà mạng viễn thông lớn như Viettel, VNPT và MobiFone cũng tham gia vào thị trường truyền hình đa nền tảng bằng cách hợp tác với các nhà cung cấp nội dung để cung cấp các gói cước truyền hình kèm theo dịch vụ di động và internet, mang đến cho người dùng những lựa chọn đa dạng và tiết kiệm chi phí.

Thứ bảy, cạnh tranh và hợp tác. Thị trường truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà cung cấp dịch vụ, cả trong nước và quốc tế. Các nhà cung cấp không ngừng tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá và nội dung độc quyền để thu hút người dùng. Tuy nhiên, bên cạnh sự cạnh tranh quyết liệt, cũng có những xu hướng hợp tác để cùng phát triển và mở rộng thị trường. Các nhà sản xuất nội dung có thể hợp tác với các nhà phân phối để đưa sản phẩm của mình đến với nhiều khán giả hơn. Các nhà cung cấp dịch vụ OTT có thể hợp tác với các nhà mạng viễn thông để cung cấp các gói cước tích hợp, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Thứ tám, quản lý và kiểm soát nội dung. Nhằm bảo đảm môi trường truyền thông lành mạnh và phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, Nhà nước đã và đang tăng cường quản lý, kiểm soát nội dung trên các nền tảng truyền hình đa nền tảng. Các quy định về nội dung cấm, nội dung nhạy cảm và quảng cáo được siết chặt hơn. Các nhà cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm kiểm duyệt nội dung trước khi phát hành, đồng thời hợp tác với cơ quan chức năng để xử lý các vi phạm. Điều này đặt ra những thách thức mới cho các nhà cung cấp dịch vụ trong việc cân bằng giữa tự do sáng tạo và tuân thủ pháp luật.

4. Kết luận

Trên phạm vi toàn cầu, sự tăng trưởng của thị trường sáng tạo nội dung số và dịch vụ OTT, cùng với việc áp dụng rộng rãi công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn, đang tạo ra một hệ sinh thái truyền hình đa dạng và phong phú. Xu hướng này không chỉ mở ra cơ hội mới cho các nhà cung cấp dịch vụ mà còn nâng cao trải nghiệm người dùng thông qua việc cá nhân hóa nội dung và tối ưu hóa giao diện.

Sự phát triển của truyền hình đa nền tảng mang lại những thay đổi sâu sắc trong cách thức sản xuất, phân phối và tiếp nhận nội dung truyền hình trên toàn cầu và tại Việt Nam. Việc phân tích các xu hướng chính trên đây cho thấy, ngành công nghiệp này đang trải qua một giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện được thúc đẩy bởi sự tiến bộ công nghệ và thay đổi trong hành vi người dùng.

Sự phát triển của các dịch vụ OTT nội địa, cùng với nhu cầu ngày càng tăng về nội dung địa phương chất lượng cao, đang định hình lại thị trường truyền hình. Sự gia tăng của người dùng di động và phổ biến của mạng 4G/5G đang thúc đẩy xu hướng xem truyền hình trên các thiết bị di động, trong khi live streaming trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống giải trí của người Việt Nam.

Cùng với cơ hội được tạo ra cần phải nhanh chóng tận dụng có hiệu quả, là những thách thức đáng kể mà các đài truyền hình phải đối mặt, đòi hỏi cần có chiến lược, giải pháp khắc phục. Các nhà cung cấp dịch vụ cần liên tục đổi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng, đồng thời cạnh tranh trong một thị trường ngày càng bão hòa. Việc đầu tư vào nội dung chất lượng cao, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và thích ứng với điều kiện hạ tầng mạng đa dạng sẽ là chìa khóa để thành công. Đồng thời, về mặt chính sách phát triển cần có sự cân bằng giữa việc thúc đẩy sự phát triển của ngành truyền hình và bảo đảm môi trường truyền thông lành mạnh. Các quy định về quản lý và kiểm soát nội dung cần được xây dựng một cách linh hoạt để vừa bảo vệ lợi ích công cộng, vừa không cản trở sự sáng tạo và đổi mới trong ngành truyền hình.

Tương lai của truyền hình đa nền tảng tại Việt Nam và trên thế giới hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển. Với sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, nội dung đa dạng và chiến lược kinh doanh linh hoạt, ngành công nghiệp này sẽ tiếp tục phát triển và đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cảnh quan truyền thông và giải trí trong những năm tới.

_________________

Ngày nhận bài: 29-10-2024; Ngày bình duyệt: 4-11-2024; Ngày duyệt đăng: 13 - 11-2024.

Email tác giả: luongdongson@gmail.com

(1), (3), (8) Grand View Research (2023): Digital content creation market size, share & trends analysis report by component, by content format (textual, graphical, video, audio), by deployment, by enterprise size, by end-user, by region, and segment forecasts, 2023-2030 (Report No. GVR-4-68040-034-4). Horizon Databook, https://www.grandviewresearch.com; Grand View Research (2023): Over the top devices and services market size, share & trends analysis report by type, by device, by service type, by OTT business models, by platform, by region, and segment forecasts, 2023-2030 (Report No. GVR-1-68038-496-3). Horizon Databook, https://www.grandviewresearch.com.

(2), (4), (6) Grand View Research (2023): Over the top devices and services market size, share & trends analysis report by type, by device, by service type, by OTT business models, by platform, by region, and segment forecasts, 2023-2030 (Report No. GVR-1-68038-496-3). Horizon Databook, https://www.grandviewresearch.com.

(5) Grand View Research. (2023). 4K set-top box market size, share & trends analysis report by application (residential, commercial), by product (IPTV, satellite, cable, OTT, DTT, hybrid), by region (EU, Asia Pacific, Latin America), and segment forecasts, 2023-2030 (Report No. 978-1-68038-824-4). Horizon Databook, https://www.grandviewresearch.com.

(7) Grand View Research (2023): Digital content creation market size, share & trends analysis report by component, by content format (textual, graphical, video, audio), by deployment, by enterprise size, by end-user, by region, and segment forecasts, 2023-2030 (Report No. GVR-4-68040-034-4). Horizon Databook, https://www.grandviewresearch.com.

(9) Statista (2024): Value of Netflix' investments in Korean content in South Korea from 2016 to 2021, https://www.statista.com.

(10) Cốc Cốc báo cáo Xu hướng tiêu dùng Việt Nam 2022: Mua sắm trực tuyến, thanh toán không tiền mặt tăng mạnh, https://press.coccoc.com, ngày 7-12-2022.

(11) Nguyễn Dương Chân: Xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí điện tử Lý luận chính trị, ngày 2-12-2023.