Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công
(LLCT) - Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công được Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm triển khai từ sớm. Trải qua quá trình thực hiện, chính sách đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của “đầu tàu” kinh tế cả nước. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này còn những hạn chế nhất định khiến mục tiêu chưa đạt được như kỳ vọng. Bài viết phân tích thực trạng chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công ở Thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất các giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện trong thời gian tới.
ThS NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN
Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh
NCS Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Mở đầu
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”(1), là nhân tố góp phần quyết định sự phát triển thịnh vượng của địa phương, đất nước. Trong khu vực công, đảm nhiệm sứ mệnh kiến tạo, dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển xã hội, nhân tài càng có vai trò quan trọng, trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiệu quả thực thi công vụ và thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo.
Để trở thành “trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á”(2) vào năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) chủ trương phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người, tận dụng thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, Thành phố đang đứng trước nhiều khó khăn trong thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài ở khu vực công. Vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng vấn đề để đề xuất giải pháp nhằm thực hiện tốt chính sách này ở TP.HCM hiện nay là rất cần thiết và cấp bách.
2. Vai trò của nhân tài trong khu vực công
Theo Đại từ điển tiếng Việt, nhân tài “là người có tài năng có thể làm được việc lớn”(3) cho cộng đồng, xã hội, đất nước. Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 31-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ xác định việc tìm kiếm, phát hiện, tiến cử nhân tài nhằm phát hiện “người có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực; có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và nhân dân; có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội; có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt tạo nên sự tiến bộ, phát triển của một lĩnh vực, một ngành, của địa phương hoặc đất nước được tiến hành trong các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội”(4).
Như vậy, nhân tài trong khu vực công đáp ứng những tiêu chí cơ bản sau:
(i) Là người gương mẫu về đạo đức, lối sống với những phẩm chất cao quý như trung thực, trách nhiệm, sự nỗ lực, kiên trì, vượt mọi gian khó..., có khát vọng cống hiến tài năng cho Tổ quốc và nhân dân, luôn hướng đến những việc ích nước, lợi dân.
(ii) Là người có “tiềm năng cao”, có trí thông minh tốt (chỉ số IQ cao hơn mức trung bình của mọi người), tính sáng tạo cao và có năng lực chuyên biệt vượt trội về một ngành, nghề, lĩnh vực nhất định, mà nhờ đó, họ biết cách giải quyết, xử lý những vấn đề đặt ra, hơn hẳn phần đông người khác.
(iii) Là người đạt “kết quả cao”, có những công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt tạo nên sự tiến bộ, phát triển của một lĩnh vực, một ngành, địa phương hoặc đất nước. Vì vậy, nhân tài luôn là nguồn lực quý giá đối với bất cứ quốc gia nào.
Ở nước ta, khu vực công bao gồm hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp nhà nước. Trong phạm vi bài viết, khu vực công được đề cập đến chủ yếu là hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập. Với năng lực, thành tích vượt trội và phẩm chất đạo đức cao đẹp, nhân tài góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực công, thông qua việc thúc đẩy việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ. Đồng thời, họ là tấm gương sáng để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động học tập, phấn đấu, noi theo, góp phần không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức công vụ, tăng cường niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng và hoạt động quản lý của Nhà nước.
Nhân tài còn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ trong khu vực công. Khi nhân tài ở vị trí lãnh đạo, quản lý hoặc tham mưu, hoạch định chính sách, bằng trí tuệ, tài năng của mình, họ góp phần quyết định chất lượng, hiệu quả ban hành và thực thi chính sách, thúc đẩy quá trình đổi mới quản trị địa phương, quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả. Khi nhân tài ở vị trí công việc đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao, thành thạo các kỹ năng làm việc, nhất là trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao… họ sẽ là những “cánh chim đầu đàn” định hướng, dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển và năng lực hội nhập quốc tế của những lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự cạnh tranh giữa các quốc gia chủ yếu bằng tri thức, sức sáng tạo… nhân tài trong khu vực công chính là nhân tố tiên phong trong việc tìm tòi ý tưởng mới, kiến tạo những chủ trương, giải pháp mới hợp quy luật. Vì vậy, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Đảng đã nhấn mạnh một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước là: “Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước”(5).
3. Thực trạng Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công
Với vị trí, vai trò là “đầu tàu” kinh tế, TP.HCM chiếm 22,2% tỷ trọng kinh tế của cả nước và đóng góp 27% ngân sách quốc gia(6). Trong khu vực công, tính đến tháng 6-2024, TP.HCM có 12.975 công chức làm việc ở 22 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: 16 quận, 5 huyện, 1 thành phố), 312 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 58 xã, 249 phường, 5 thị trấn) và 84.632 viên chức làm việc ở 1.781 đơn vị sự nghiệp công lập(7).
Để thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công, TP.HCM tập trung vào hai nhóm chủ yếu: 1) Nhóm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người có tài năng đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực công; 2) Nhóm các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài.
Trong những năm qua, để thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công, TP.HCM đã triển khai các chương trình tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị, bao gồm:
(1) Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, được triển khai từ năm 2001 bằng nguồn ngân sách của Thành phố nhằm tuyển chọn, đào tạo ở trong và ngoài nước đối với cán bộ, công chức, viên chức trẻ tuổi, sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc có triển vọng trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
(2) Chương trình quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân, được triển khai từ năm 2010, là một trong những chương trình đột phá nhằm góp phần nâng cao bản chất giai cấp công nhân và tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân trong cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Thành phố.
(3) Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi được thực hiện từ năm 2013, nhằm thu hút, tuyển chọn các sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức có triển vọng, tạo nguồn quy hoạch để bồi dưỡng thành cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị của Thành phố.
Từ năm 2014, TP.HCM đã triển khai chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học với hai giai đoạn: giai đoạn thí điểm (2014 - 2018) và giai đoạn chính thức (2018 - 2022). Từ năm 2023, căn cứ Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội khóa XV về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 27/2023/NQ-HĐND ngày 6-12-2023 về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TP.HCM có nhu cầu thu hút và được triển khai thực hiện bằng Quyết định số 38/2024/QĐ-UBND ngày 10-7-2024 của UBND Thành phố ban hành Quy định về thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt của TP.HCM. Chính sách quy định nhiều ưu đãi như: “hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng đối với chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt được thu hút lần đầu”(8); khuyến khích nghiên cứu khoa học với mức tối đa là 1 tỷ đồng/người/công trình(9), được miễn thuế thu nhập cá nhân, bố trí nhà ở công vụ hoặc được nhận hỗ trợ kinh phí thuê nhà, bố trí phương tiện đi lại...
Thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5-12-2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 3373/QĐ-UBND ngày 14-8-2023 và Quyết định số 3231/QĐ-UBND ngày 16-8-2024 nhằm thu hút, tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có trình độ, năng lực chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu công tác để bổ sung, tạo nguồn cán bộ cho các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn.
Để triển khai thực hiện chính sách trên, Thành phố đã ban hành các kế hoạch, quy định, quy trình cụ thể; phân công tổ chức thực hiện; thành lập các hội đồng xét tuyển; truyền thông chính sách đến các bên liên quan, nhất là các viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội… Nhiều địa phương, đơn vị đã thực hiện xét chọn cán bộ, công chức trẻ và giới thiệu sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi tham gia học tập, bồi dưỡng để tạo nguồn bổ sung cán bộ vào các chức danh chủ chốt; xác định các ngành, lĩnh vực, các vị trí cần thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người tài năng đặc biệt và sinh viên tốt nghiệp xuất sắc...
Với hệ thống chính sách được xây dựng khoa học, quy trình thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực về thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công:
Về chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ: đến nay Thành phố đã tuyển chọn và cử đi đào tạo tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước 920 người, trong đó 828 người được cử đi đào tạo trình độ thạc sĩ, 92 người được cử đi đào tạo trình độ tiến sĩ. Hiện nay, chương trình đào tạo thạc sĩ có 686 học viên đang công tác, trong đó có 243 học viên đang công tác tại khối quận, huyện và các tổ chức chính trị - xã hội của Thành phố, có 393 học viên đang công tác tại khối sở, ban, ngành và có 50 học viên đang công tác tại khối doanh nghiệp nhà nước; có 314 cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý cấp thành phố, cấp huyện và cấp xã(10).
Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi đã xét tuyển và đưa vào chương trình 1.527 trường hợp là sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, cán bộ, công chức, viên chức trẻ tuổi có chiều hướng phát triển tốt. Chương trình có 978 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan, đơn vị (trong đó, 496 người được xét chọn từ nguồn công chức, viên chức; 482 người được xét chọn từ nguồn sinh viên tốt nghiệp đại học; có 385 cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý, trong đó lãnh đạo cấp thành phố, cấp huyện và cấp xã)(11).
Đối với chương trình quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân: Thành phố đã tuyển chọn được 135 cán bộ và được bố trí công tác, trong đó có 91 trường hợp là nguồn công nhân và 44 trường hợp là nguồn sinh viên tốt nghiệp đại học”(12). Hiện chương trình còn 107 cán bộ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, trong đó có 29 cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý tại đơn vị(13). Đội ngũ cán bộ được thu hút, tuyển chọn từ các chương trình trên đã và đang phát huy tốt vai trò đi đầu, có nhiều cống hiến trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố.
Trong việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt: Năm 2018, “số lượng chuyên gia đã thu hút được là 17 trường hợp, trong đó có 3 chuyên gia Việt Nam, 6 chuyên gia nước ngoài và đặc biệt có 8/17 trường hợp là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài”(14). Từ năm 2022, Thành phố đã thu hút được 5 chuyên gia công tác tại khu công nghệ cao(15).
Tại các khu công nghệ cao, chuyên gia được thu hút đã hỗ trợ tổ chức thực hiện 3 đợt đánh giá về chương trình đánh giá kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn Nhật Bản; tư vấn xây dựng và phát triển mô hình đào tạo, cung ứng nhân lực kỹ thuật chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, tập trung vào các lĩnh vực: công nghệ số hóa và chuyển đổi số, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, sản xuất thông minh và tự động hóa nhà máy(16). Các chuyên gia, nhà khoa học đã góp phần tích cực vào giải quyết những vấn đề “nóng” của Thành phố, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đầu năm 2024, sau 5 năm thực hiện Nghị định 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ, TP.HCM đã tuyển được 3 viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ(17).
Những thành tựu trên, trước hết là kết quả sự quan tâm sâu sắc, sự chỉ đạo thường xuyên của Thành ủy, UBND Thành phố trong quán triệt và vận dụng sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Trung ương vào thực tiễn, sự năng động, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện chính sách. Những kết quả đạt được đã góp phần đưa TP.HCM trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công, tạo động lực mới cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của Thành phố.
Bên cạnh những thành tựu, việc thu hút và trọng dụng nhân tài trong khu vực công của TP.HCM còn những hạn chế nhất định: Chương trình tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị còn gặp nhiều khó khăn. “Từ năm 2018 đến nay, nguồn cán bộ trẻ từ sinh viên và đội ngũ viên chức tham gia đào tạo theo 3 chương trình giảm mạnh, không đạt được chỉ tiêu đề ra”(18). Số lượng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được thu hút vào khu vực công còn khiêm tốn. Số công chức được tuyển dụng theo trường hợp người tài năng là 13/498 người được tuyển dụng (chiếm 2,61%); số viên chức được tuyển dụng diện sinh viên tốt nghiệp xuất sắc là 3/1.385 người được tuyển dụng (chiếm 0,22%)(19). Một số cán bộ, công chức, viên chức trẻ, có trình độ cao, năng lực tốt không tiếp tục gắn bó, công tác trong khu vực công sau khi hoàn thành thời gian phục vụ bắt buộc. Số lượng chuyên gia, nhà khoa học được thu hút còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của Thành phố. Ở giai đoạn 2018 - 2022, số lượng chuyên gia thu hút chưa đạt được mục tiêu đề ra: Thành phố thu hút được 5/8 chuyên gia, nhà khoa học và không thu hút được người có tài năng đặc biệt (0/6)(20).
Những hạn chế trên xuất phát từ các nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, “chất lượng đội ngũ làm công tác xây dựng chính sách và thực hiện quy chế thu hút tại các cơ quan, đơn vị chưa đồng đều”(21). Đối với chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi, “công tác quản lý, theo dõi quá trình công tác của cán bộ chương trình ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ, còn chậm trong công tác báo cáo các vấn đề phát sinh liên quan đến cán bộ của chương trình”(22).
Đối với chương trình quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân, “một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa của chương trình, chưa quan tâm bố trí và theo dõi quá trình công tác của công nhân sau khi tiếp nhận…”(23). Bên cạnh đó, “một số ít cán bộ trẻ chưa nhận thức đúng trách nhiệm để phấn đấu, mức độ thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế, còn thụ động, thiếu tự tin…”(24).
Thứ hai, chính sách lương và chế độ đãi ngộ đối với nhân tài chưa thực sự hấp dẫn. Tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức tham gia chương trình thực hiện theo quy định chung, chưa có chế độ đãi ngộ đặc biệt, do đó so với khu vực tư, vẫn chưa đủ sức cạnh tranh và giữ họ làm việc ổn định, lâu dài.
Thứ ba, quy trình tổ chức thực hiện chính sách kéo dài, trải qua nhiều giai đoạn, mất nhiều thời gian. Thủ tục xét duyệt, tuyển chọn nhân tài còn thiếu linh hoạt, nhất là đối với các chuyên gia quốc tế và Việt kiều, vì vậy đã ảnh hưởng đến kết quả thực thi của chính sách.
Thứ tư, công tác truyền thông chính sách của Thành phố chưa được thực hiện thường xuyên và chuyên nghiệp; việc cung cấp thông tin chưa phong phú, hấp dẫn nên chưa thu hút nhiều sự quan tâm của người tài. “Công tác kết nối giữa TP.HCM với hệ thống các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học trong và ngoài nước cùng mạng lưới các hội/ hiệp hội chuyên ngành còn hạn chế”(25).
Thứ năm, môi trường làm việc chuyên nghiệp của Thành phố đang trong quá trình hình thành, sự hiện diện của các yếu tố tâm lý không còn phù hợp, như tâm lý ỷ lại vào nhân tài, thói quen chậm thích ứng với những điều mới, khác biệt… đã ít nhiều ảnh hưởng tới quá trình làm việc.
4. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công ở Thành phố Hồ Chí Minh
Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2025, thu hút ít nhất 10% nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước và là một trong 5 địa phương đi đầu của cả nước trong các chỉ số về thu hút và phát triển nhân tài(26), TP.HCM cần tập trung thực hiện các giải pháp cơ bản sau:
Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền cần quán triệt quan điểm thu hút, trọng dụng nhân tài là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, có tính chiến lược, là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của khu vực công. Vì vậy, cần tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người đứng đầu các cấp, ngành, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về vị trí, vai trò, sự cống hiến và đóng góp của nhân tài, ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong xây dựng và phát triển địa phương, đất nước.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch, đề án về thu hút và trọng dụng nhân tài, gắn với các chương trình đột phá, chương trình trọng điểm mà TP.HCM đang thực hiện. Tiếp tục triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Thành phố, trong đó, chú trọng đào tạo các ngành mũi nhọn như công nghệ thông tin - truyền thông, tài chính - ngân hàng, y tế, giáo dục, du lịch, quản lý đô thị. Đổi mới công tác tuyển chọn, để nguồn cán bộ đưa vào chương trình phải là những cán bộ có năng lực, tâm huyết cho sự phát triển chung của Thành phố; tăng cường bố trí cán bộ trẻ về công tác ở xã, phường, thị trấn; luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng phát triển đã được quy hoạch dự bị các chức danh về cơ sở để rèn luyện, thử thách, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn hoặc bố trí tiếp cận chức danh được quy hoạch.
Đối với học sinh đỗ thủ khoa, đoạt giải quốc gia, quốc tế, sinh viên đại học có kết quả học tập, nghiên cứu và rèn luyện xuất sắc ngay từ năm thứ nhất của các cơ sở đào tạo, hàng năm cần được phát hiện, đánh giá và trình cấp có thẩm quyền đưa vào diện theo dõi của chính sách; nếu tốt nghiệp đại học loại xuất sắc thì được giới thiệu cho các cơ quan, đơn vị có nhu cầu xem xét, tuyển dụng.
Ba là, đơn vị sử dụng nhân tài cần tiếp tục điều chỉnh mức lương và chế độ đãi ngộ theo hướng linh hoạt, dựa trên sự thỏa thuận theo cơ chế thị trường và kết quả cống hiến, đóng góp của nhân tài đối với sự phát triển, nhằm gia tăng sự hấp dẫn của chính sách và nâng cao khả năng cạnh tranh với khu vực tư nhân. Cơ chế, chính sách đãi ngộ đủ sức hấp dẫn là yếu tố quan trọng để khuyến khích và giữ chân nhân tài, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ yên tâm cống hiến, phát huy năng lực, sở trường của mình để có nhiều cống hiến cho tổ chức, cho xã hội.
Cùng với đãi ngộ về vật chất, Thành phố cần thực hiện tốt công tác tôn vinh, khen thưởng với nhiều hình thức như: trao học bổng cho sinh viên đạt thành tích xuất sắc trong học tập; tôn vinh các cống hiến, đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt; thực hiện cơ chế đề bạt, bổ nhiệm thực sự công khai, minh bạch; đồng thời phòng, chống tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, “lợi ích nhóm” cản trở cơ hội thăng tiến của nhân tài.
Bốn là, Thành phố cần quan tâm xây dựng đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách chuyên nghiệp, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn Thành phố, các đối tác nước ngoài nhằm lan tỏa chính sách. Cần giới thiệu chính sách bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, sinh động với nội dung thông tin đầy đủ, ngắn gọn. Đặc biệt, hoạt động truyền thông cần hướng vào việc khuyến khích sự chủ động phát hiện, tiến cử nhân tài từ nhân dân, các cơ sở đào tạo, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội…
Năm là, Thành phố cần thiết kế quy trình, thủ tục theo hướng nhanh gọn, thuận tiện đối với quá trình thu hút nhân tài, cần thể hiện sự linh hoạt, “biệt đãi” với đối tượng này, không thể theo quy trình tuyển dụng công chức, viên chức thông thường, nặng về tính sát hạch, thi cử, kiểm tra năng lực; cần trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị có nhu cầu thu hút nhân tài, đi đôi với phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thu hút, trọng dụng nhân tài. Đồng thời, cần có quy định về trách nhiệm của tài năng trẻ trong từng lĩnh vực được thu hút, có cơ chế sàng lọc, đưa ra khỏi diện thu hút tài năng đối với những trường hợp không đạt yêu cầu.
Sáu là, Thành phố cần tiếp tục xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại; tạo môi trường làm việc dân chủ, tin tưởng và trao quyền chủ động cho nhân tài để họ có “không gian sáng tạo” và cống hiến. Đồng thời, mỗi cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh xây dựng văn hóa công sở, văn hóa trọng hiền tài, đề cao sự năng động, tính chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động để xây dựng “thương hiệu tuyển dụng”, thu hút nhân tài hiệu quả.
5. Kết luận
Những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công ở TP.HCM thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Trong bối cảnh khoa học công nghệ, kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ, việc thực hiện hiệu quả chính sách này ngày càng có ý nghĩa quyết định đến khả năng tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức để đạt các mục tiêu phát triển. Việc thực hiện kịp thời, đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần đưa Thành phố sớm trở thành điểm đến của tri thức, nơi quy tụ nhiều nhân tài trong nước và quốc tế.
_________________
Ngày nhận bài: 7-8-2024; Ngày bình duyệt: 11-8-2024; Ngày duyệt đăng: 16-8-2024.
Email tác giả: n.tthuyen@hcmca.edu.vn
(1) Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bắc Giang: Thân Nhân Trung “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.8-9.
(2) Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nxb Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh, 2020, tr.164.
(3) Nguyễn Như Ý: Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, TP.HCM, 2013, tr.1159.
(4) Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 31-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.143
(6) Hoàng Thùy Linh, Nguyễn Trọng Thiện: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế, tài chính Châu Á, https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 31-3-2024.
(7), (19) Thống kê số liệu Báo cáo cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2024 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh (Kèm theo Báo cáo số 161/BC-UBND ngày 19-6-2024 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh về Công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh).
(8), (9) Nghị quyết số 27/2023/NQ-HĐND ngày 6-12-2023 của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu thu hút.
(10), (11), (12), (13), (22), (23), (24) Đề án số 01-ĐA/TU ngày 5-2-2021 của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2035.
(14) Sở Khoa học và Công nghệ: Định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút chuyên gia, nhà khoa học cho Thành phố, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của Thành phố trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới, Sở Nội vụ và Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh, 2022, tr.20.
(15) Báo cáo số 1938/BC-SNV ngày 12-5-2022 của Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh về phục vụ giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 20/2018/NQ-HĐND ngày 7-12-2018 của Hội đồng nhân dân Thành phố về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018 - 2022.
(16), (20), (21) Nguyễn Minh Nhựt: Thực trạng chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018 - 2022 và định hướng thời gian tới, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của Thành phố trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới”, Sở Nội vụ và Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh, 2022, tr.72, 71, 74.
(17) Phạm Thu Ngân: Thành phố Hồ Chí Minh tuyển được 3 viên chức từ nguồn sinh viên xuất sắc sau 5 năm, https://thanhnien.vn, ngày 18-1-2024.
(18) Nguyễn Thị Thu Hòa: Thu hút, trọng dụng nhân tài thúc đẩy quản trị nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh, https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 17-6-2024.
(25) UBND TP. Hồ Chí Minh: Một số kết quả về xây dựng và thực hiện chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt của Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua và một số định hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của Thành phố trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới, Sở Nội vụ và Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh, 2022, tr.6.
(26) Kế hoạch Triển khai thực hiện Quyết định số 899/QD-TTg ngày 31-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành theo Quyết định số 1383/QĐ-UBND ngày 25-4-2024 của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.