Nghiên cứu lý luận

Xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam theo quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

20/11/2024 10:02

(LLCT) - Xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm bởi đó là nền tảng vững chắc cho sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội, là sức mạnh nội sinh, nguồn lực bên trong của đất nước. Trên cơ sở làm rõ vị trí, vai trò của việc xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình; thực trạng xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam theo quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bài viết đề xuất một số giải pháp tiếp tục xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay.

THS TRẦN THỊ PHƯƠNG
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

anh tin bai
Gia đình là nơi sản sinh, vun đắp nên những giá trị văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam _ Ảnh: namdinh.gov.vn

1. Mở đầu

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số gắn với xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc”(1). Vận dụng quan điểm, tư tưởng của Đảng, trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cụ thể hóa hệ giá trị văn hóa gia đình thành những nội dung, mục tiêu mang tính định hướng, chỉ đạo sâu sắc: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực, phù hợp gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam… với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”(2). Đó là nội dung đặc biệt quan trọng trong xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình - nền tảng vững chắc bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội

Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò đặc biệt quan trọng trong nuôi dưỡng, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện mỗi người trở thành những công dân có ích cho xã hội. Vì vậy, gia đình là nơi sản sinh, vun đắp nên những giá trị văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam, như: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Và những giá trị văn hóa con người Việt Nam nêu trên luôn được nuôi dưỡng bởi hệ giá trị văn hóa gia đình - khởi nguồn của các giá trị văn hóa góp phần tạo nên bản lĩnh, ý chí và sức mạnh dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “một gia đình muốn ấm êm, hòa thuận, hạnh phúc thì cùng với sự dạy bảo, khuyên nhủ còn phải có khuôn phép, gia phong, nền nếp (nếp nhà)”(3). Điều đó có nghĩa là cần xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình đã được các thành viên xây đắp, qua các thế hệ để hướng tới mục tiêu thiêng liêng, cao quý, chứa đựng lý tưởng chủ nghĩa cộng sản là: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”(4).

Hệ giá trị văn hóa gia đình là những suy nghĩ, hành động, việc làm giản dị, gần gũi, gắn với cuộc sống hằng ngày. Đó là những giá trị văn hóa tốt đẹp được các thành viên trong gia đình cùng nhau tạo dựng và không ngừng được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Các giá trị văn hóa đó được truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác và luôn có sự kế thừa giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái cũ nhưng còn phù hợp, phát triển để hướng tới hệ giá trị văn hóa gia đình thiêng liêng, cao quý là: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa…. truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng… được phát huy”(5). Vì thế, thông qua việc xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình để giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện các thành viên trong gia đình chấp hành nghiêm mọi quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, dòng họ; khắc phục khó khăn, gian khổ, nêu cao ý chí, quyết tâm trong phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng theo đúng quy định của pháp luật; tích cực, chủ động tham gia vào các phong trào, hoạt động xã hội do địa phương tổ chức, phát động, cống hiến ngày càng nhiều hơn tài năng, trí tuệ của mình cho sự nghiệp cách mạng.

Suy cho cùng, sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội chính là quá trình xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình; đưa hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam lên một tầm cao mới, hòa nhập cùng hệ giá trị văn hóa quốc gia - dân tộc, trở thành mục tiêu phấn đấu của toàn dân tộc: “Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”(6).

Xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam còn góp phần hoàn thiện phẩm chất, nhân cách của con người, đặc biệt về phẩm chất đạo đức, lối sống để ứng xử có văn hóa với gia đình và xã hội. Khi những thành viên trong gia đình mang trong mình các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, sẽ trở thành nguồn gốc, động lực của sự phấn đấu, hy sinh hết mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Hướng toàn bộ các hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách”(7). Kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống con người được nâng lên, nhưng hệ giá trị văn hóa gia đình không được giữ gìn thường xuyên tất yếu dẫn đến suy đồi, băng hoại về đạo đức, lối sống. Do đó, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình là hệ thống những gì tinh hoa, tinh túy nhất được kết tinh khi con người bắt đầu có cuộc sống gia đình, sinh con và nuôi dưỡng con cái, giúp ích cho sự nghiệp cách mạng vì độc lập dân tộc và CNXH.

Hệ thống giá trị văn hóa gia đình cần được lan tỏa, phát huy ở mọi lúc, mọi nơi, nhất là trong công việc, cuộc sống, thúc đẩy xã hội phát triển, tạo ra của cải vật chất, nâng cao nhu cầu hưởng thụ thành quả lao động. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết, khái quát và nâng tầm hệ giá trị văn hóa gia đình là những triết lý sâu sắc, thấm đẫm giá trị nhân văn: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”(8). Và đây cũng chính là nhu cầu, ước vọng của con người nói chung và gia đình nói riêng, là nền tảng, cội nguồn để bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững lâu dài của đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, cá lớn nuốt cá bé, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm”(9). Vì thế, xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam là hoạt động tích cực, chủ động trên cơ sở kế thừa, tiếp thu hạt nhân hợp lý của truyền thống và hiện đại của từng thành viên để cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp dựng xây, kiến thiết đất nước.

3. Xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay

Thời gian qua, việc xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình đã được cấp ủy, tổ chức đảng và từng thành viên gia đình quan tâm, chăm lo, chú trọng vào thực hiện việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản về xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam.

Trong các kỳ Đại hội, quan điểm của Đảng về xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình cũng có sự bổ sung, phát triển phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Đại hội VI của Đảng (năm 1986) khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội mới, nền kinh tế mới, con người mới”(10).

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc xác định: “Giữ gìn và phát huy đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hóa. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội”(11).

Đại hội XI của Đảng (năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”(12). Đại hội XII của Đảng (năm 2016) nêu rõ: “Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”(13). Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) nhấn mạnh: “Thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”(14).

Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21-5-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác gia đình trong tình hình mới; Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2238/QĐ-TTg ngày 30-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030.

Cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh(15).

Trên cơ sở những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các gia đình Việt Nam đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, xây dựng và phát huy tốt giá trị văn hóa tốt đẹp trong gia đình, làm giàu chính đáng, hợp pháp để thoát đói nghèo, lạc hậu, tăng thêm thu nhập. Trong xã hội đã hình thành, phát triển phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học; gia đình học tập, xã hội học tập; nhiều hộ gia đình hiến đất để làm đường trong xây dựng nông thôn mới; ủng hộ, đóng góp về vật chất trong các phong trào như: phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Quỹ vì người nghèo”… đặc biệt, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, truyền thống văn hóa tốt đẹp của từng gia đình trong hỗ trợ, giúp đỡ nhau về vật chất, tinh thần, thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN ở Việt Nam.

Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020(16). Nhiều địa phương đã triển khai hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình. Cụ thể:

Ngày 20-11-2023, Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện… phát huy truyền thống nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo. Phấn đấu đến năm 2030: trên 94% hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa… Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, việc làm tốt mang lại kết quả thiết thực… xuất hiện nhiều gương tập thể, cá nhân có nghĩa cử cao đẹp, tương thân tương ái, thiện nguyện và dũng cảm(17)

Tỉnh ủy Nam Định thường xuyên quan tâm, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Hiện nay, 100% số xã, phường, thị trấn, làng, thôn, xóm trong tỉnh có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa… các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Toàn tỉnh có 87% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 97% số thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa(18).

Những kết quả nêu trên đã góp phần quan trọng vào xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, hội nhập quốc tế, “phát huy những giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội”(19).

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam còn có một số hạn chế: Một số gia đình chưa quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình; các thành viên trong gia đình chưa thực sự tôn trọng, yêu thương, chia sẻ với nhau, còn xảy ra bạo lực gia đình; kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trình độ dân trí thấp, trẻ em không được đến trường, suy dinh dưỡng, thiếu ăn vẫn còn ở một số gia đình ở vùng biên giới; một số gia đình sống khép kín, ích kỷ, không quan hệ, giao lưu với gia đình xung quanh;...

Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong tuyên truyền, phổ biến, phòng, chống bạo lực gia đình chưa được phát huy đầy đủ; nội dung, hình thức, biện pháp chưa phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ: “Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí… Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các miền còn lớn. Đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn không ít khó khăn”(20).

4. Giải pháp xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam.

Các chủ thể bao gồm các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và mỗi gia đình quán triệt nhận thức sâu sắc hơn quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò của gia đình đối với sự phát triển bền vững, ổn định của xã hội. Thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến đến từng gia đình những nội dung mới, cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh, tiến bộ, ấm no. Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh) cần sâu sát, nắm chắc, nắm rõ nguồn gốc, lai lịch chính trị, quan hệ xã hội của từng gia đình trên địa bàn sinh sống. Trên cơ sở đó, phối hợp với các tổ chức, lực lượng có liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động phong trào, sinh hoạt văn hóa, giúp đỡ, động viên, hỗ trợ về vật chất, tinh thần.

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi trái pháp luật, ảnh hưởng đến gia đình xung quanh, trật tự an ninh trên địa bàn. Tích cực, chủ động cụ thể hóa, hiện thực hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng gia đình văn hóa bằng những hành động, việc làm cụ thể: quan tâm, chăm lo đến đời sống của nhân dân, nhất là đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, gia đình kinh tế khó khăn, thiếu thốn; giải quyết thỏa đáng nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Đảng ta khẳng định: “nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng gia đình. Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong công tác xây dựng gia đình”(21).

Hai là, hoàn thiện những cơ chế, chính sách, pháp luật về xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình

Đảng ta chỉ rõ: “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình theo hướng lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình. Các chính sách về gia đình phải hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, chú trọng đến đối tượng trẻ em và người bệnh tật, cao tuổi”(22).

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu: “mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn”(23). Hệ thống chính trị cơ sở tổ chức đối thoại dân chủ trực tiếp với các hộ gia đình để lắng nghe những ý kiến phản ánh từ thực tế xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình cần những điều kiện bảo đảm gì; trên cơ sở đó, tổng hợp ý kiến với cơ quan, ban, ngành có thẩm quyền giải quyết những thắc mắc, kiến nghị của nhân dân.

Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp với Hiến pháp, truyền thống văn hiến của dân tộc về xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình, như: chính sách về xây dựng gia đình hiếu học; chính sách đối với gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chính sách đối với người cao tuổi… ở từng cấp trong hệ thống chính trị thành lập những đoàn kiểm tra, khảo sát thực tiễn, nắm bắt dư luận xã hội, có những bất cập, khó khăn, hạn chế gì trong xây dựng gia đình hiện nay; từ đó, có căn cứ, cơ sở xây dựng hoạch định cơ chế, chính sách xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình đúng, trúng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các gia đình trong tham gia xây dựng cơ chế, chính sách về xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình; lấy ý kiến trong từng gia đình về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình trên những nội dung cụ thể, bằng các chương trình, đề án, dự án.

Hướng dẫn, giải thích cho các thành viên trong gia đình hiểu rõ hơn quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện các chương trình, đề án, dự án nhằm mục đích hướng đến xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình.

Những cơ chế, chính sách, pháp luật về xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình phải hướng đến khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các thành viên trong gia đình để họ cống hiến nhiều hơn tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp dựng xây, kiến thiết đất nước. Đồng thời, xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật đối với những cá nhân nói và làm không theo chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình

Các thành viên trong gia đình, đặc biệt là ông, bà, cha, mẹ có vai trò rất quan trọng trong xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình. Vì vậy, ông, bà, cha, mẹ phải luôn gương mẫu, là tấm gương phản chiếu về đạo đức, lối sống để các thành viên gia đình noi gương học tập, làm theo. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh vai trò nêu gương của từng thành viên gia đình trong cuộc sống sinh hoạt đời thường; mỗi suy nghĩ, hành động dù nhỏ hay lớn của từng thành viên đều ảnh hưởng đến truyền thống của gia đình. Một gia đình mà con cháu không vâng lời ông, bà, cha, mẹ, có những “lời hỗn hào”, “cá mè một lứa”, không có quy tắc, quy định trong sinh hoạt, đó là gia đình không có hạnh phúc.

Hiện nay, trước tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng tới suy nghĩ, hành động của mỗi gia đình Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra: “… cơ chế thị trường đặt ra nhiều vấn đề mới rất phức tạp. Cái danh, cái lợi, vật chất, tiền tài đang có sức cuốn hút ghê gớm, đôi khi đến chóng mặt. Những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, suy thoái đạo đức, sống cơ hội, thực dụng đang xảy ra ở nhiều nơi”(24).

Từng thành viên trong gia đình cần có ý thức tránh xa những cạm bẫy của cuộc sống vinh hoa, phú quý không phải chính bàn tay, khối óc của mình làm nên; có bản lĩnh vững vàng, giữ gìn nền nếp gia phong của gia đình, khước từ mọi sự cám dỗ, mua chuộc của những người có lòng dạ không trong sáng. Đặc biệt, những người có chức, có quyền dễ bị mua chuộc, lợi dụng cần phải tỉnh táo, mưu lược để chối từ, giữ gìn danh dự thiêng liêng, cao quý của người cán bộ, đảng viên. Tự mình đặt ra những yêu cầu cao cho bản thân, tự giác tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống. Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “Làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng”(25)

Bốn là, làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, tôn vinh gia đình văn hóa trong xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình.

Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tích cực, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch sơ kết, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến, biểu dương, khen thưởng đối với những gia đình có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Những gia đình được biểu dương, tôn vinh, khen thưởng thật sự tiêu biểu, mẫu mực ở mọi phương diện từ đạo đức, lối sống đến sự đóng góp cho cộng đồng và cần phải được các gia đình khác thừa nhận, đánh giá cao. Thông qua hội nghị sơ kết, tổng kết những câu chuyện, mô hình hay, cách làm sáng tạo trong xây dựng gia đình ấm no, tự do, hạnh phúc được tôn vinh, biểu dương; từ đó lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa những mô hình, cách làm sáng tạo trong xây dựng gia đình hạnh phúc qua các phương tiện thông tin truyền thông.

Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ để mỗi gia đình được đóng góp tài năng, trí tuệ của mình vào phát triển kinh tế - xã hội. Khi đó, việc tôn vinh, biểu dương gia đình văn hóa mới có ý nghĩa thiết thực, cụ thể. Đồng thời, chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý đối với những gia đình chấp hành chưa nghiêm pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; còn để xảy ra bạo lực gia đình; con cái sa vào các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự địa phương.

Những gia đình được cấp ủy, chính quyền các cấp biểu dương, tôn vinh cần phải giữ gìn và phát huy thật tốt danh hiệu đó; giúp đỡ, tham gia nhiều hơn nữa vào các hoạt động chung của xã hội, nhất là các hoạt động của địa phương; giúp đỡ các gia đình đang gặp khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống, chia sẻ, hỗ trợ họ vượt qua khó khăn; lan tỏa những tấm lòng nhân ái, nghĩa tình để không ai bị bỏ lại phía sau, thắp lên những hy vọng, niềm tin vào tương lai, vào những chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta.

5. Kết luận

Gia đình là tổ ấm thiêng liêng của mỗi con người, là nơi hun đúc, xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam. Quán triệt và thực hiện tốt những quan điểm, tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là góp phần hiện thực hóa quan điểm Đại hội XIII của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam vào thực tiễn cuộc sống.

Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng và phát triển bền vững, đó là ước nguyện, khát vọng của cả dân tộc Việt Nam. Vì vậy, mỗi thành viên trong gia đình sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình, biết xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh là góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở: “Cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy, nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ơn bội nghĩa với tổ tiên”(26).

_________________

Ngày nhận bài: 29-9-2024; Ngày bình duyệt: 3-10-2024; Ngày duyệt đăng: 19-11-2024.

Email tác giả: tpphuong@hcmute.edu.vn

(1), (14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.135, 144.

(2), (5), (6), (7), (8) (15), (16), (17), (18), (19), (20), (24), (25), (26) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr.45, 57, 45, 60, 31, 28, 31-32, 819-820, 775, 50, 40-41, 617, 82, 50.

(3), (9), (23) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.120, 28, 21.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 300.

(10) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.47, tr.429.

(11) Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, ngày 16-7-1998 về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

(12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.77.

(13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.128.

(21), (22) Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác gia đình trong tình hình mới.