Tin tức

Hội nghị tư vấn chính sách “Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử tại Lạng Sơn, Bình Thuận và Tây Ninh”

28/11/2024 11:39

(LLCT) - Sáng 26-11-2024, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam và Hội Xã hội học Việt Nam tổ chức Hội nghị tư vấn chính sách “Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử tại Lạng Sơn, Bình Thuận và Tây Ninh”. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu tỉnh Tây Ninh và Bình Thuận. GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì Hội nghị.

NGUYỄN THỊ LAN
VŨ THỊ THU

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Quang cảnh Hội nghị _ Ảnh: HCMA

Cùng chủ trì Hội nghị có PGS, TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, TS Bùi Phương Đình, Viện trưởng Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; GS,TS Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam.

Dự Hội nghị, về phía khách mời quốc tế có ngài Patrick Haverman, Phó Đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam; đại diện Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam, cán bộ, nhân viên tại Việt Nam, Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam; về phía Việt Nam có các đồng chí: Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn; Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh; Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Y tế, các ban, sở, ngành tỉnh Lạng Sơn, Tây Ninh, Bình Thuận; các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: trong những năm qua, cải cách quản trị và hành chính công ở Việt Nam đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của Chính phủ nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân. Quản trị tốt hơn và dịch vụ công tốt hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong các chương trình nghị sự. Trải qua hơn 20 năm cải cách hành chính, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, từng bước hình thành nền hành chính công dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân. Ngày nay, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, cải cách quản trị và hành chính công đang đứng trước những cơ hội vô cùng to lớn, nhất là đối với quá trình xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Nhằm khai thác những cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra để phát triển đất nước, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành và tổ chức thực thi nhiều chủ trương, chính sách quan trọng. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15-7-2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã lần lượt phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, v.v.

Trong lĩnh vực y tế, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025, “100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe”. Đặc biệt, Đề án đã đặt ra nhiệm vụ: “Thực hiện tin học hóa các hoạt động của y tế cơ sở và quản lý hồ sơ theo dõi sức khỏe của từng người dân. Đồng bộ và kết nối hệ thống thông tin giữa y tế xã với y tế huyện để theo dõi, quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn”. Năm 2019, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5349/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử. Kế hoạch này đề ra mục tiêu: đến năm 2025, 95% người dân được lập Hồ sơ sức khỏe điện tử.

Nhằm tìm hiểu thực trạng chuyển đổi số ngành y tế nói chung, triển khai xây dụng hồ sơ sức khỏe điện tử cho nhân dân nói riêng, năm 2024, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp UNDP, Đại sứ quán Ai Len tại Việt Nam và Hội Xã hội học tổ chức nghiên cứu tại 3 tỉnh Lạng Sơn, Bình Thuận và Tây Ninh đại diện cho 3 vùng Bắc, Trung, Nam, đồng thời là các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Hội nghị được tổ chức trên cơ sở các kết quả nghiên cứu từ thực địa ba tỉnh: Lạng Sơn, Bình Thuận và Tây Ninh, qua đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị chính sách cho Đảng, Nhà nước nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số lĩnh vực y tế ở nước ta hiện nay.

Báo cáo kết quả nghiên cứu về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế của 3 tỉnh tại Hội nghị cho thấy quyết tâm cao của lãnh đạo các tỉnh trong triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong chuyển đổi số đối với lĩnh vực y tế nói chung, hồ sơ sức khỏe điện tử nói riêng. Cơ sở y tế của các tỉnh đã và đang triển khai chuyển đổi số, như dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử, phần mềm quản lý bệnh viện (HIS).

Tuy nhiên, tình trạng phổ biến là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin còn khó khăn (máy tính cũ, lạc hậu, đường truyền chậm, khó kết nối, đặc biệt ở các trạm y tế tuyến xã…); hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu y tế, các nền tảng y tế số còn rời rạc, chưa liên thông với nhau. Nguồn nhân lực có chuyên môn về công nghệ thông tin còn thiếu hụt, đặc biệt là ở tuyến cơ sở. Điều này làm giảm hiệu quả trong việc vận hành và khai thác các hệ thống số. Việc quản lý và chia sẻ dữ liệu y tế còn phân mảnh, chưa bảo đảm tính liên thông giữa các cơ sở y tế. Đồng thời, vấn đề an toàn thông tin, an ninh mạng chưa được triển khai đồng bộ, một số hệ thống thông tin đã triển khai chưa bảo đảm về an toàn, an ninh thông tin.

Về hồ sơ sức khỏe điện tử, nhiều cơ sở y tế công lập của các tỉnh chưa triển khai cập nhật dữ liệu sức khỏe nhân dân hoặc đã triển khai nhưng dữ liệu chưa đầy đủ, tần suất sử dụng còn thấp, nhất là chưa có sự liên thông về hồ sơ sức khỏe điện tử giữa các cơ sở y tế.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS, TS Lê Văn Chiến đề xuất các giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đối với 3 tỉnh Lạng Sơn, Bình Thuận và Tây Ninh, như: Xây dựng các tiêu chí phân biệt rõ hệ thống cơ sở dữ liệu khám, chữa bệnh toàn dân với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử dùng để thu thập dữ liệu về lịch sử khám, chữa bệnh cho người dân; Áp dụng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử trong toàn bộ hệ thống y tế từ cấp xã trở lên và giữa các cơ sở y tế công lập và tư nhân để tạo cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; Tích hợp toàn bộ 8-9 phần mềm, trang thu thập dữ liệu y tế hiện nay vào phần mềm này; Đổi tên Sổ sức khỏe điện tử/Hồ sơ sức khỏe điện tử trên VNeID hiện có thành Sổ y bạ điện tử, trong đó có tích hợp các trường thông tin từ Sổ sức khỏe điện tử và toa thuốc điện tử để người dân và nhân viên y tế tiện sử dụng; Có quy định về mục chi cho chuyển đổi số trong ngành y tế; Sớm quy định về quyền hạn, trách nhiệm khai thác và sử dụng dữ liệu sức khỏe của người dân, bệnh nhân; Ngành y tế có chính sách ưu đãi thu hút người làm công nghệ thông tin và quản trị dữ liệu cho các cơ sở y tế công lập; Các địa phương có chỉ đạo và giám sát sát sao việc thực hiện các chỉ đạo về chuyển đổi số và áp dụng Hồ sơ sức khỏe điện tử.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ các kết quả nghiên cứu chuyển đổi số ngành y tế, đặc biệt trong triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử tại 3 tỉnh Lạng Sơn, Tây Ninh và Bình Thuận; công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chủ trương, chính sách về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế của các tỉnh; nhận diện những khó khăn, điểm nghẽn của tiến trình chuyển đổi số y tế, đặc biệt là tiếp cận, sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân từ góc độ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; nguồn nhân lực y tế các cấp; nguồn lực tài chính; sự phối hợp của các cơ quan hữu quan; đánh giá kết quả triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trong hệ thống chăm sóc sức khỏe từ cấp tỉnh đến cấp xã; khả năng tiếp cận và năng lực thích ứng của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và nhóm yếu thế ở các tỉnh; đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số y tế nhanh, hiệu quả, đặc biệt là giải quyết điểm nghẽn trong triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân của các tỉnh nghiên cứu cũng như cả nước thời gian tới.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị