Sáng kiến “vành đai, con đường” của Trung Quốc: Một thập kỷ nhìn lại
(LLCT) - Tháng 9-2023, Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc được triển khai tròn 10 năm, là sáng kiến mang tầm toàn cầu nhằm kết nối Trung Quốc với các thị trường và nền kinh tế trên thế giới. Đến nay, đã có 149 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế tham gia BRI. Bài viết làm rõ những thành tựu, hạn chế, triển vọng của Sáng kiến “Vành đai, Con đường” và hàm ý đối với Việt Nam.
ThS NGUYỄN THU HÀ
Viện Quan hệ quốc tế,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Những thành tựu ghi nhận
Tính đến tháng 4 - 2023, số quốc gia tham gia Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (Belt and Road Innitiative - BRI) bằng cách ký biên bản ghi nhớ (A memorandum of understanding - MOU) với Trung Quốc là 149 quốc gia, bao gồm 44 quốc gia ở châu Phi cận Sahara, 35 quốc gia ở châu Âu và Trung Á, 25 quốc gia ở Đông Á và Thái Bình Dương (bao gồm cả Trung Quốc), 21 quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe, 18 quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi và 6 quốc gia ở Nam Á. BRI nhận được sự hợp tác của 18 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và 9 quốc gia thuộc G20(1). Phạm vi tiếp cận về địa lý và lĩnh vực của BRI đã thay đổi. Ban đầu, Sáng kiến tập trung vào khu vực lân cận của Trung Quốc - Trung Á và Đông Nam Á. Trọng tâm của Sáng kiến dần mở rộng về phía Tây, với các dự án kết nối Trung Quốc với châu Phi và Nam Á, và kết nối Trung Quốc với các thị trường ở châu Âu. Từ năm 2018, BRI đã được sử dụng để làm sâu sắc thêm mối quan hệ của Trung Quốc với khu vực Mỹ - Latinh và Nam Thái Bình Dương.
Sau một thập kỷ thực hiện, BRI đã đem lại nhiều tác động tích cực đến các quốc gia tham gia, nổi bật là việc cung cấp nguồn vốn, xây dựng kết cấu hạ tầng, giảm đói nghèo, tạo việc làm và xây dựng hệ thống năng lượng xanh dọc “Vành đai, Con đường”. Cụ thể là:
Thứ nhất, cung cấp nguồn vốn rất cần thiết cho các quốc gia tham gia
Thông qua các tổ chức như Ngân hàng Đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á, Ngân hàng Phát triển mới và Quỹ Con đường Tơ lụa, BRI đã tạo ra cơ hội kinh tế mới cho nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển ở Nam bán cầu. Mười năm sau khi công bố Sáng kiến “Vành đai, Con đường”, Trung Quốc đã tạo ra hơn 3.000 dự án hợp tác với số tiền lũy kế mà BRI đưa đến các quốc gia là 1.016 tỷ USD, với khoảng 596 tỷ USD trong các hợp đồng xây dựng và 420 tỷ USD trong các khoản đầu tư phi tài chính(2). Kể từ khi triển khai, BRI đã tăng số lượng viện trợ, khoản vay và đầu tư dành cho các nước đang phát triển.
Từ năm 2008-2021, chỉ riêng hai tổ chức tài chính phát triển của Trung Quốc là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã cung cấp gần 500 tỷ USD khoản vay chính phủ, tương đương 83% khoản vay do Ngân hàng Thế giới - tổ chức ngân hàng phát triển lớn nhất thế giới phát hành(3). Khoản tín dụng như vậy đã mang lại cho các quốc gia trên khắp châu Á, châu Phi, châu Âu, khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe khả năng tiếp cận mới với nguồn vốn cho các dự án phát triển.
Đáng chú ý, phần lớn trong số đó dành cho các dự án không đủ điều kiện nhận tài trợ từ các nhà cho vay song phương truyền thống. Hưởng lợi từ BRI, tỷ trọng GDP của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trên thế giới tăng 3,6% từ năm 2012 đến năm 2021. Ngân hàng Thế giới ước tính đến năm 2030, BRI sẽ tạo ra doanh thu toàn cầu là 1,6 nghìn tỷ USD mỗi năm, chiếm 1,3% GDP toàn cầu(4).
Thứ hai, sự kết nối và phát triển kết cấu hạ tầng đã được tăng cường trên khắp các châu lục
Sáng kiến này đã xây dựng một mạng lưới rộng lớn gồm đường bộ, đường sắt, bến cảng và các dự án kết cấu hạ tầng công nghệ, giúp cải thiện đáng kể các liên kết giao thông và thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia tham gia. Những bước phát triển này đã tạo điều kiện thuận lợi cho dòng hàng hóa, vốn và ý tưởng, kích thích tăng trưởng kinh tế ở các khu vực khác nhau, chia sẻ kiến thức, trao đổi văn hóa, hiểu biết lẫn nhau và quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia cũng được tăng cường.
Các tuyến đường sắt tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển liên quốc gia và liên thành phố ở Đông Nam Á, châu Âu và châu Phi. Trong thập kỷ qua, BRI đã thiết lập được rất nhiều các dự án lớn nổi bật, có thể kể đến như tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc - châu Âu và Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakítxtan (CPEC). Tuyến tàu hàng Trung Quốc - châu Âu đã đạt mốc quan trọng trong năm 2021 với 15 nghìn chuyến, tăng 22% so với năm 2020. Dịch vụ vận chuyển đã cung cấp một lượng hàng hóa lên tới 1,46 triệu TEU container, phản ánh tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Dịch vụ trải dài khắp các thành phố ở châu Âu với 78 dây chuyền hoạt động, giúp hơn 50 nghìn loại sản phẩm được vận chuyển một cách hiệu quả.
Tại Đông Nam Á, tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào đi vào hoạt động năm 2021, là một dự án mang tính bước ngoặt trong hợp tác BRI chất lượng cao, với độ dài 1.035 km, là một dự án kết nối giữa BRI và chiến lược của Lào chuyển mình từ thành một trung tâm liên kết đất liền. Sau một năm khánh thành, tuyến đường sắt đã vận hành hơn 1.500 chuyến tàu chở hàng trong và ngoài nước, chuyên chở 1,4 triệu tấn hàng hóa(5).
Với “Con đường tơ lụa thông tin” (Digital Silk Road - DSR) được đưa ra vào năm 2015, BRI đã tập trung phát triển hạ tầng thông tin gồm xây dựng mạng viễn thông và thành phố thông minh, cáp quang trên biển và đất liền, thương mại điện tử, công nghệ nano, điện toán lượng tử và một hệ thống vệ tinh đa chức năng toàn diện. Tính đến quý I - 2023, Trung Quốc đã ký các biên bản ghi nhớ về hợp tác Con đường tơ lụa kỹ thuật số với 17 quốc gia, thiết lập cơ chế hợp tác song phương về thương mại điện tử Con đường tơ lụa với 23 quốc gia, xây dựng các tuyến cáp đất liền xuyên biên giới và nhiều tuyến cáp ngầm quốc tế với các nước láng giềng. Hợp tác kinh tế kỹ thuật số với các quốc gia và khu vực dọc theo “Vành đai, Con đường” không ngừng sâu sắc(5).
Công ty China Unicom của Trung Quốc đã xây dựng những dự án cáp quang biển, là tuyến cáp ngắn nhất giữa châu Á và châu Âu. Nổi bật là tuyến cáp quang biển Á - Phi - Âu 1 (AAE-1) với chiều dài 25 nghìn km chạy từ Hồng Kông đến Pháp, đồng thời kết nối Trung Quốc với Đông Nam Á, Nam Á, một phần châu Phi, Trung Đông và châu Âu(6).
Tại Đông Nam Á, các nền tảng thanh toán số do doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư đã bao trùm những thị trường hàng đầu là Inđônêxia, Malaixia, Mianma, Thái Lan, Philíppin và Việt Nam, trong đó các phương tiện thanh toán đã phục vụ hơn 150 triệu người(7).
Thứ ba, giảm tình trạng nghèo, tạo việc làm cho người lao động
Sáng kiến “Vành đai, Con đường” đã tạo ra khoảng 420 nghìn việc làm ở các quốc gia dọc theo các tuyến đường và giúp đưa gần 40 triệu người thoát nghèo(8). Trên toàn cầu, liên quan đến BRI, các khoản đầu tư có thể giúp 7,6 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực và 32 triệu người thoát khỏi nghèo vừa phải(9), tạo việc làm cho người dân sở tại. Ví dụ như ở Lào, tuyến đường sắt BRI đầu tư đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại ở Lào, đồng thời tạo ra hàng nghìn việc làm tại địa phương. Để hoàn thành đường sắt Trung Quốc - Lào, BRI đã tạo việc làm cho 28.234 lao động, trong đó có 4.763 lao động địa phương(10), đồng thời giúp Lào thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xây dựng (tăng 0,4 - 0,9%/năm)... Nhờ đó, góp phần giảm chi phí thương mại, thúc đẩy du lịch, thương mại, đầu tư, giảm các vấn đề xã hội như buôn người, buôn bán ma túy. Dự án đường sắt này thân thiện với môi trường do sử dụng điện.
Thứ tư, xây dựng được hệ thống năng lượng xanh
Kể từ Diễn đàn “Vành đai, Con đường” lần thứ hai vào năm 2019, với lời kêu gọi “xanh hóa” “Vành đai, Con đường”, Trung Quốc đã ký khoảng 50 văn kiện với các bên liên quan trong khuôn khổ BRI và cùng khởi động quan hệ đối tác BRI về phát triển xanh với 31 quốc gia. Trung Quốc đã hợp tác với hơn 100 quốc gia và khu vực trong các dự án năng lượng xanh, đồng thời đầu tư vào năng lượng xanh và năng lượng carbon thấp ở các quốc gia dọc tuyến đường(11). Trung Quốc đã xây dựng hệ thống phát điện sạch lớn nhất thế giới, đặc biệt nguồn năng lượng mới của nước này đã vượt quá 800 triệu kw công suất lắp đặt. Hoạt động kinh doanh quang điện ở nước ngoài của Trung Quốc đang hướng đến các thị trường ở Trung và Đông Phi, đồng thời có các nhà máy mới ở Việt Nam và Malaixia, liên tục cung cấp các sản phẩm có hàm lượng carbon thấp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của thế giới. Với Sáng kiến này, nhiều người dân ở Pakítxtan và Campuchia có thể được tiếp cận tốt hơn với nguồn điện giá phải chăng, vì các công ty Trung Quốc đã cung cấp các giải pháp cung cấp năng lượng sạch và an toàn phục vụ nhu cầu địa phương.
Thứ năm, thực hiện “con đường tơ lụa y tế” trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, gây thiệt hại cho chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, hệ thống y tế của nhiều quốc gia đã đến bờ vực sụp đổ, thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung y tế. Trước tình hình đó, Trung Quốc đã thực hiện “Con đường tơ lụa y tế”, nhanh chóng mở rộng thông qua “ngoại giao khẩu trang” và “ngoại giao vắc xin”. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Trung Quốc đã cung cấp và hỗ trợ vắc xin cho 53 quốc gia và đã xuất khẩu vắc xin sang 27 quốc gia. Các quốc gia này có thể được phân biệt trong chương trình nghị sự BRI của Trung Quốc vì nằm dọc theo các hành lang quan trọng hoặc là các quốc gia đầu cầu. Ví dụ, Trung Quốc đã cấp quyền tiếp cận ưu đãi vắc xin cho các quốc gia như Inđônêxia, Philíppin, Serbia, Xri Lanca, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, những quốc gia nằm trên các khu vực quan trọng trong hành lang của BRI. Trung Quốc cũng đã cử các đội y tế đến Italia và Pakítxtan, những quốc gia được coi là đầu cầu trong việc mở rộng hơn nữa BRI. “Con đường tơ lụa y tế” và viện trợ y tế góp phần củng cố mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước tiếp nhận cũng như thúc đẩy BRI(12).
2. Những hạn chế
Bên cạnh việc đạt được những kết quả tốt đẹp trong thập niên qua, BRI bộc lộ những mặt hạn chế nhất định.
Một là, nợ đối với quốc gia tham gia BRI: Một số quốc gia thụ động trước việc Trung Quốc cung cấp vay và đầu tư vào các dự án BRI đã phải đối mặt với nợ công đột ngột tăng cao. Trong một số trường hợp, nợ này đã gây áp lực đáng kể lên ngân sách quốc gia và tạo ra nguy cơ đối với ổn định tài chính và chủ quyền quốc gia. Theo Trung tâm phát triển toàn cầu (CGD) tại Mỹ năm 2023, 23 quốc gia tham gia BRI đã phải đối mặt với khủng hoảng nợ(13).
Hai là, một số dự án chưa thật sự hiệu quả: Một số dự án BRI đã không đạt được hiệu quả như kỳ vọng do thiếu kế hoạch bền vững hoặc không phù hợp với nhu cầu cơ bản của quốc gia. Điều này dẫn đến việc đầu tư kết cấu hạ tầng không có lợi ích kinh tế lớn và có thể tạo ra gánh nặng cho quốc gia đó.
Ba là, tác động đến môi trường và tài nguyên: Một số dự án BRI đã gây ra tác động tiêu cực lên môi trường và tài nguyên, bao gồm mất rừng, ô nhiễm nước và không bền vững tài nguyên thiên nhiên. Điều này ảnh hưởng đến sức đề kháng của môi trường và gây thách thức đối với phát triển bền vững.
Bốn là, ảnh hưởng địa chính trị: Các dự án BRI có thể tạo ra tình hình phụ thuộc vào Trung Quốc và tăng cường ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc đối với các quốc gia thụ động. Điều này có thể dẫn đến sự lo lắng về tác động đến sự ổn định khu vực.
Năm là, một số vấn đề xã hội: Một số dự án BRI đã gây ra tranh cãi về trách nhiệm xã hội, bao gồm việc di chuyển người dân và ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương mà không có cơ chế bồi thường hoặc giải quyết tốt. Điều này có thể tạo ra xung đột và phản đối đối với các dự án này.
3. Tương lai của “Vành đai, Con đường”
Phía trước, “Vành đai, Con đường” không chỉ toàn tơ lụa và hoa hồng
Nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng suy thoái những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng giảm và mức nợ ngày càng cao, điều này đặt ra câu hỏi về tính bền vững của BRI và khả năng Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng quy mô lớn. Sau ba năm thực hiện chính sách Zero Covid, Trung Quốc đang khắc phục tình trạng bất ổn kinh tế của mình, vì GDP của nước này chỉ tăng 2,7% vào năm 2022, đánh dấu mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1978(14).
Giờ đây, sau khi thoát khỏi Zero Covid, theo hội nghị công tác kinh tế trung ương năm 2022, các ưu tiên của Trung Quốc là tăng tốc tăng trưởng kinh tế chất lượng trong nước, khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, ổn định thị trường bất động sản đang ốm yếu, vực dậy lĩnh vực công nghệ cao, đồng thời giải quyết khủng hoảng nợ tiềm tàng cho chính quyền địa phương. Kết quả là, túi tiền dồi dào dành cho chi tiêu ở nước ngoài của Trung Quốc có thể bị hạn chế bởi sự chuyển hướng sang phục hồi kinh tế trong nước.
Suy thoái kinh tế cũng đã dẫn đến việc tăng cường giám sát các khoản đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc, bao gồm cả các khoản đầu tư cho BRI, điều này đã ảnh hưởng đến tốc độ của các dự án BRI.
Xung đột Nga - Ucraina và cạnh tranh Trung - Mỹ, tiềm tàng vấn đề Đài Loan cũng đã nhắc nhở các quốc gia đang phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc rằng sự phụ thuộc của họ có thể gây ra những ảnh hưởng cho nền kinh tế của quốc gia. Vì vậy, các đối tác của Trung Quốc, như các nước Đông Nam Á, có khả năng trở thành những người tham gia BRI thận trọng hơn.
Vượt qua thách thức, khó khăn
Cho đến năm 2021, hơn một nửa (64%) dự án BRI ở Đông Nam Á, Nam Thái Bình Dương và Nam Á đã hoàn thành, 22% đang được triển khai và 14% vẫn đang ở giai đoạn lập kế hoạch(15). Những thống kê này cho thấy việc triển khai BRI phần lớn đã và đang tiếp tục thành công. Năm 2021 và năm 2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra hai Sáng kiến là Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) và Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI), cả hai chính sách này đều cho thấy một động thái hướng tới việc bảo đảm an ninh tài chính trong nước tốt hơn và được cho là đưa ra để bổ trợ thêm cho BRI.
Ngày 18-10-2023, tại diễn đàn “Vành đai, Con đường” lần thứ 3 và lễ kỷ niệm 10 năm “Vành đai, Con đường”, Trung Quốc đã đề ra phương hướng hợp tác trong tương lai, nhằm tiếp tục xây dựng BRI chất lượng cao sau một thập kỷ biến Sáng kiến này từ tầm nhìn thành hiện thực, từ ý tưởng thành hành động thực tế. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố 8 bước chính mà Trung Quốc sẽ thực hiện để tăng cường hợp tác “Vành đai, Con đường” chất lượng cao, gồm: (i) Xây dựng mạng lưới kết nối Vành đai và Con đường đa chiều; (ii) Hỗ trợ một nền kinh tế thế giới mở; (iii) Thực hiện hợp tác thiết thực; (iv) Thúc đẩy phát triển xanh; (v) Đẩy mạnh đổi mới khoa học và công nghệ; (vi) Hỗ trợ giao lưu nhân dân, (vii) Thúc đẩy hợp tác Vành đai và Con đường một cách minh bạch; (viii) Tăng cường xây dựng thể chế cho hợp tác quốc tế “Vành đai, Con đường”(16).
Do đó, với dấu ấn của BRI trong 10 năm qua, có khả năng những năm tới sẽ chứng kiến sự phát triển liên tục của BRI, khi những bài học có giá trị trong 10 năm được củng cố và các chiến lược được điều chỉnh để phù hợp với môi trường địa chính trị hiện tại.
Khi thế giới phục hồi sau đại dịch, tập trung vào phát triển bền vững, BRI có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và toàn diện, đưa ra những cân nhắc về môi trường và xã hội trong việc lập kế hoạch và thực hiện dự án, đạt được những thành tựu như dự đoán ban đầu, như đến năm 2025, BRI được dự đoán sẽ đạt được những bước đột phá trong các lĩnh vực và cơ chế hợp tác chính; đến năm 2035, mục tiêu là thiết lập một khuôn khổ hợp tác khoa học toàn diện và hướng tới tương lai.
4. Gợi mở cho Việt Nam
Hiện nay, những dự án BRI đã triển khai ở Việt Nam đều là những dự án “được đặt tên lại” (rebranded), hàm ý rằng những dự án này đã ký kết hoặc triển khai từ trước năm 2013 - 2014 và hiện nay được gọi là một phần của BRI. Dự án Cát Linh - Hà Đông, các dự án thuộc Sáng kiến “Hai hành lang, Một vành đai”, dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đều mang tính chất này. Việc tham gia vào BRI đem lại cho Việt Nam không ít lợi ích, tăng cường vị thế, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đặc biệt những công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư mới sẽ giúp thúc đẩy quá trình CNH, HĐH đất nước của Việt Nam.
Tuy nhiên, những mặt trái của Sáng kiến này như vấn đề về nợ, ô nhiễm môi trường, vấn đề an ninh và đặc biệt là vấn đề biển Đông cũng đã đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam. Do đó, để tận dụng cơ hội, giảm thiểu rủi ro khi tham gia BRI, Việt Nam cần: (i) Cân nhắc lựa chọn các dự án không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia (ii) Bảo đảm rằng mọi thỏa thuận vay và đầu tư từ Trung Quốc thông qua BRI có điều kiện chi tiêu rõ ràng và không gây áp lực không cần thiết lên ngân sách quốc gia; (iii) Bảo đảm rằng các dự án BRI tích hợp tốt vào kết cấu hạ tầng quốc gia hiện có và phù hợp với nhu cầu cơ bản của quốc gia; (iv) Thiết lập các cơ chế kiểm soát và giám sát hiệu quả để bảo đảm rằng các dự án BRI được triển khai theo đúng kế hoạch và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, xã hội.
_________________
Ngày nhận bài: 18-10-2023; Ngày bình duyệt: 16-11-2023; Ngày duyệt đăng: 22-11-2023.
(1) Green Findland & Development Center (2023): Countries of the Belt and Road Initiative (BRI), https://greenfdc.org/.
(2) Christoph Nedopil Wang: “China Belt and Road Initiative (BRI) Investment Report 2023 H1”, https://greenfdc.org/.
(3) Global development Policy Center (2023): “Small is Beautiful”: A New Era in China’s Overseas Development Finance?, https://www.bu.edu/.
(4) Nguyên Long (2023): Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc - một thập kỷ phát triển và một số chỉ dấu chính sách đối với Việt Nam, https://nghiencuuchienluoc.org/.
(5) Li YingQing: $1.4b in China-Laos freight shipped in line’s 1st year, https://www.chinadaily.com.cn/.
(6) Liveway (2017): Asia-Africa-Europe-1 Consortium launches commercial services on AAE-1 submarine cable system, https://www.lightwaveonline.com/.
(7) Seetao (2023): The benefits of the Digital Silk Road spread all over the world, https://www.seetao.com/.
(8), (9) Xinhua (2023): 10 years on, BRI shares opportunities with world, https://english.news.cn/.
(10) Vanxay Sayavong (2022): Infrastructure Integration, Poverty, and Inequality in Developing Countries: A Case Study of BRI Transport in the Lao PDR, East Asian Economic Review Vol.26 No.4.
(11) 2023 年8月31日外交部发言人汪文斌主持例行记者会, https://www.mfa.gov.cn/.
(12) (Lee Dong Gyu, 2021): The Belt and Road Initiative after Covid: The Rise of Health and Digital Silk Roads, The ASIAN Institute for Policy Studies, 2021-2.
(13) Lee Beul-chan: 10 Years of China’s Belt and Road Initiative Leads to 23 Nations Facing Bankruptcy, https://www.chosun.com/english/
2023/09/06/ELEZEANXHBDMRL4YIKJ2OP7WEA/.
(14) Mary Hui (2023): China’s zero-covid policies led to a near-record slowdown in economic growth, https://qz.com/.
(15) Meia Nouwen: China’s Belt and Road initiative a decade on, https://www.iiss.org/en/publications/strategic-dossiers/asia-pacific-regional-security-assessment-2023/aprsa-chapter-4/
(16) 习近平出席第三届“一带一路”国际合作高峰论坛开幕式并发表主旨演讲, http://www.beltandroadforum.org/index.html.