Chính sách phát triển nông nghiệp xanh ở Việt Nam
(LLCT) - Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, nông nghiệp xanh được xác định là một hướng đi quan trọng để hướng tới sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Nhiều chính sách phát triển nông nghiệp xanh được ban hành góp phần thay đổi tư duy, nhận thức về nông nghiệp và tập quán canh tác của nông dân. Tuy nhiên, chính sách phát triển nông nghiệp xanh còn một số hạn chế cần khắc phục bằng một hệ thống giải pháp tổng thể, đồng bộ.
TS LÊ NGUYỄN DIỆU ANH
Trường Đại học Thương mại
1. Mở đầu
Nông nghiệp xanh là khái niệm được phát triển đồng thời ở nhiều quốc gia, ban đầu được dùng thay thế cho nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường. Những nỗ lực đầu tiên có hệ thống về phát triển nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường được thực hiện tại các nước phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ và các nước châu Âu vào những năm 1980. Một số mô hình như nông nghiệp tự nhiên của Masanobu Fukuoka ở Nhật Bản cũng có ảnh hưởng lớn đến những tư tưởng về nông nghiệp xanh. Nhiều quốc gia như Đan Mạch, Thụy Điển và Niudilân đã triển khai thành công các mô hình nông nghiệp xanh và có những nghiên cứu điển hình về việc áp dụng mô hình này. Các tổ chức quốc tế như FAO, IFAD thường xuyên công bố các báo cáo và nghiên cứu về nông nghiệp xanh nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.
Ở Việt Nam, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nội dung quan trọng trong chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển bền vững đất nước. Các nghị quyết của Đảng được Nhà nước cụ thể thành các quyết định, chương trình… phát triển nông nghiệp bền vững, phục vụ mục tiêu phát triển đất nước. Những chính sách này góp phần quyết định sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, chính sách phát triển nông nghiệp nói chung, nông nghiệp xanh nói riêng cần tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, với hệ giải pháp từ vĩ mô đến vi mô để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này trong tương lai.
2. Nông nghiệp xanh và chính sách phát triển nông nghiệp xanh
Theo Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO), nông nghiệp xanh là đưa chương trình nghị sự xanh vào hệ thống chính sách nông nghiệp thực phẩm, tạo ra sự chuyển đổi hệ thống nhằm bảo đảm an ninh lương thực cho tất cả mọi người. Mục tiêu này đạt được bằng cách giảm thiểu tác động đến tài nguyên thiên nhiên, tránh suy thoái môi trường thông qua tỷ lệ tái chế cao và sử dụng ít nguyên liệu đầu vào; đồng thời phải giảm nghèo, tăng sinh kế và bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng thông qua các chính sách và hoạt động bền vững(1).
Việc tăng cường tính bền vững của ngành nông nghiệp đòi hỏi sự thay đổi mang tính hệ thống hướng tới năng suất cao hơn và về cơ bản là giảm sự biến động đầu ra trước những rủi ro về khí hậu, thiên tai và kinh tế - xã hội. Nông nghiệp có năng suất cao và bền vững hơn đòi hỏi những chuyển đổi sâu sắc trong toàn bộ chuỗi giá trị nông sản, từ sản xuất đến phân phối và tiêu dùng(2). Để phát triển bền vững, nông nghiệp phải đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai, đồng thời bảo đảm lợi nhuận, môi trường, công bằng xã hội và kinh tế. Thực phẩm và nông nghiệp bền vững (SFA) đóng góp vào bốn trụ cột của an ninh lương thực (tính sẵn có, khả năng tiếp cận, sử dụng, tính ổn định) và các chiều hướng của tính bền vững (môi trường, xã hội, kinh tế). FAO thúc đẩy SFA để giúp các quốc gia trên toàn thế giới đạt được mục tiêu không còn nạn đói và đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)(3).
Phát triển nông nghiệp xanh là một giải pháp quan trọng để cải thiện môi trường sinh thái và thúc đẩy phát triển bền vững(4). Bản chất của phát triển xanh trong nông nghiệp là sự phát triển đồng bộ của kinh tế nông nghiệp, xã hội và sinh thái bằng cách làm cho toàn bộ quá trình sản xuất nông nghiệp trở nên xanh(5), với năng suất cao, hiệu quả sử dụng tài nguyên cao và tác động môi trường thấp. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự chung tay của các bên, bao gồm chính phủ, người nông dân, ngành nông nghiệp và công nghiệp, nhà giáo dục và nhà nghiên cứu. Phát triển nông nghiệp xanh sẽ tập trung vào việc tái thiết toàn bộ hệ thống sản xuất cây trồng, vật nuôi và sản xuất, tiêu thụ thực phẩm, với trọng tâm là đặt ra các tiêu chuẩn cao đối với môi trường và chất lượng thực phẩm cũng như nâng cao phúc lợi của con người(6).
Việt Nam tiếp cận nông nghiệp xanh từ đầu thế kỷ XXI. Nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra các khái niệm trong bối cảnh Việt Nam. Phát triển nông nghiệp xanh bền vững là quá trình phát triển đa chiều, bao gồm: (i) bảo đảm sự bền vững của chuỗi lương thực (từ người sản xuất đến tiêu thụ, nguồn cung cấp đầu vào, chế biến và thị trường tiêu thụ); (ii) bảo đảm tính bền vững trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên về cả không gian và thời gian; (iii) bảo đảm sự đầy đủ về an ninh lương thực trong vùng và giữa các vùng với nhau(7).
Từ khái niệm phát triển bền vững, phát triển nông nghiệp bền vững được định nghĩa là quá trình bảo đảm hài hòa ba mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, đồng thời thỏa mãn nhu cầu về nông nghiệp hiện tại mà không tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của tương lai(8). Nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp áp dụng đồng bộ các quy trình khoa học, công nghệ, sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực và tài nguyên thiên nhiên(9). Phát triển nông nghiệp xanh được hiểu là nâng cao chất lượng môi trường và nguồn lực được dùng trong nông nghiệp nhằm thỏa mãn nhu cầu nông sản cho con người và nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp, bảo đảm khả thi về kinh tế đi đôi với nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân.
Như vậy, nông nghiệp xanh được hiểu là một hệ thống sản xuất nông nghiệp nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng nguồn tài nguyên bền vững và bảo đảm an toàn thực phẩm cho con người ở hiện tại mà không ảnh hưởng đến thế hệ tương lai. Mục tiêu của nông nghiệp xanh là tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên; giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng; cải thiện thu nhập cho nông dân thông qua sản xuất bền vững; bảo đảm an ninh lương thực và chất lượng thực phẩm; phát triển các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng và bền vững.
Chính sách phát triển nông nghiệp xanh là hệ thống các nguyên tắc, công cụ và biện pháp thích hợp được nhà nước sử dụng để điều chỉnh các hoạt động nông nghiệp của một quốc gia, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh.
3. Chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước Việt Nam về phát triển nông nghiệp xanh
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững, đưa quan điểm phát triển bền vững vào các nghị quyết và chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đảng ban hành nhiều văn bản về phát triển xanh. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2008 của Ban Chấp hành Trung ương “về nông nghiệp, nông thôn, nông dân”; Kết luận số 56-KL/TW ngày 21-02-2013 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”; Kết luận số 97-KL/TW ngày 15-5-2014 của Bộ Chính trị “về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”… Theo đó, Đảng yêu cầu phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, cơ cấu sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vừa phải theo cơ chế thị trường, vừa bảo đảm các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng, chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng giá trị, lợi nhuận.
Đại hội XIII của Đảng yêu cầu “thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”(10). Đặc biệt, Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Nghị quyết đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền, địa phương. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm phát thải khí nhà kính... Các định hướng quan trọng này cũng được khẳng định trong nhiều chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhấn mạnh ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường trong phát triển nông nghiệp. Ba nhóm chính sách được đề ra là: (i) quy định trực tiếp liên quan đến nông nghiệp bền vững: quy hoạch và phân vùng sử dụng đất đai, các quy định về bảo vệ môi trường, giám sát và kiểm soát việc sử dụng phân bón thuốc trừ sâu, giám sát các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, các chế tài xử lý vi phạm môi trường; (ii) các công cụ thị trường nhằm hỗ trợ người làm nông nghiệp áp dụng các thực hành nông nghiệp thân thiện với môi trường, gồm giấy phép khí thải cácbon, trợ cấp cho sự phát triển và áp dụng các công nghệ, chi trả dịch vụ môi trường, thành lập các quỹ bảo vệ môi trường, áp dụng các loại phí bảo vệ môi trường và thuế sử dụng tài nguyên; (iii) công nghệ và giáo dục nâng cao nhận thức, thông qua việc thiết lập các hệ thống dữ liệu về nông nghiệp sinh thái, đào tạo và chuyển giao công nghệ xanh, báo cáo các trường hợp gây ô nhiễm môi trường cho cộng đồng, giáo dục nâng cao nhận thức, xây dựng các nhãn hiệu sinh thái dựa trên các quy trình thân thiện môi trường.
Theo Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, cần phát triển ngành nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, an toàn, thân thiện với môi trường, gắn với nền nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu thụ trong nước và quốc tế. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được công nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; giúp Việt Nam trở thành nước có nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ tương đương các nước phát triển trên thế giới.
Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28-01-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020.
Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 được ban hành ngày 12-9-2022 với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải cácbon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn, hướng đến nền kinh tế trung hòa cácbon vào năm 2050.
Tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) tháng 11-2021, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó có 2 nội dung liên quan đến ngành nông nghiệp, là tiền đề thực hiện phát triển nông nghiệp bền vững. Đó là: (i) cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” đến năm 2050; cam kết giảm phát thải khí mêtan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; (ii) tham gia “Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất”. Để đạt được mục tiêu “Netzero” vào năm 2050, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan, xây dựng các kế hoạch, lộ trình cụ thể; rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hoạt động của từng ngành, từng địa phương; tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu; huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn…
Những chính sách phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững của Đảng và Nhà nước đã tạo bước tiến quan trọng trong chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, tập quán canh tác của nông dân và nhận thức về phát triển bền vững. Sự phát triển của các mô hình canh tác lúa bền vững “ruộng lúa bờ hoa”, “cánh đồng mẫu lớn áp dụng VietGAP”, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, 1 phải 6 giảm, SRI, ICM… là minh chứng tiêu biểu. Nông dân đã giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm phân bón vô cơ. Áp dụng quy trình canh tác GAP trong trồng trọt và mô hình sử dụng khí sinh học trong chăn nuôi. Nuôi trồng thủy sản đã áp dụng kiểm soát chất lượng từ ao nuôi đến bàn ăn. Nông nghiệp hữu cơ ngày càng phát triển. Năm 2022, số nông dân tham gia sản xuất hữu cơ trên cả nước đạt 17.168 người; số lượng doanh nghiệp là 97 doanh nghiệp, trong đó có 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2016, diện tích canh tác hữu cơ cả nước đạt khoảng 77.000 ha; năm 2022, khoảng 240.000 ha. Đặc biệt, đã có 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai nông nghiệp hữu cơ và xu hướng này ngày càng lan tỏa mạnh mẽ(11).
Nhờ triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch nên sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sạch, truy xuất được nguồn gốc đã chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Theo Tổ chức Nông nghiệp Quốc tế, năm 2020, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang 180 nước trên thế giới, bao gồm: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Xinhgapo, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Ý(12)… Năm 2023, ngành nông nghiệp Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,83%, mức cao nhất trong 10 năm đến thời điểm 2023, trong đó trồng trọt tăng 2,6%, ngành chăn nuôi tăng 5,1%, lâm nghiệp tăng 3,2% và thủy sản tăng 3,6%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 53 tỷ USD(13).
Như vậy, chính sách phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam đã góp phần: i) tăng cường hiệu quả sản xuất thông qua khuyến khích áp dụng công nghệ mới, nguyên liệu sạch và các phương pháp canh tác bền vững, giúp nâng cao năng suất và chất lượng nông sản; ii) bảo vệ môi trường thông qua các biện pháp giảm thiểu hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ nguồn nước và bảo tồn đa dạng sinh học đã được chú trọng; iii) cải thiện đời sống nông dân khi xây dựng chính sách thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho cư dân nông thôn; iv) thúc đẩy xuất khẩu thông qua việc tập trung sản xuất nông sản chất lượng cao giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế, đặc biệt là các mặt hàng như gạo, cà phê, hải sản.
Sự phát triển nông nghiệp xanh đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Đó là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ; đây chính là rào cản cho sản xuất nông nghiệp lớn ở Việt Nam. Trình độ, năng lực tiếp cận khoa học, công nghệ của nông dân còn hạn chế; những thói quen, tư duy cũ trong sản xuất chưa được thay đổi như việc sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi - thú y - thủy sản, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… Chưa có quy hoạch cho sản xuất hữu cơ. Chưa có cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ sản xuất hữu cơ mà hiện nay mới được lồng ghép trong các chương trình, dự án khác. Người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào các sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam; chưa có kinh nghiệm phân biệt sản phẩm sản xuất hữu cơ và sản phẩm nông nghiệp thông thường khác… Những vấn đề này khiến cho quá trình phát triển nông nghiệp xanh của Việt Nam còn chậm.
Chính sách phát triển nông nghiệp xanh của Việt Nam cũng còn những hạn chế cần khắc phục. Cụ thể: (i) thiếu sự đồng bộ giữa các bộ ngành và địa phương, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai và thực hiện; (ii) nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực cho nông nghiệp bền vững còn hạn chế, gây khó khăn trong việc áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến; (iii) Một bộ phận nông dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của nông nghiệp bền vững;…
4. Một số giải pháp tăng cường chính sách phát triển nông nghiệp xanh
Việt Nam xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Với điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đa dạng về cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển về quy mô và trình độ sản xuất.
Trong thời gian tới, để đạt được các mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, cần tăng cường chính sách theo hướng:
Một là, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, ban hành và thực thi hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, bền vững như chính sách đất đai, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ, tích tụ và tập trung ruộng đất nông nghiệp.
Chính sách đất đai dành cho nông nghiệp xanh cần được luật hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững. Thực hiện chính sách cho thuê đất với thời gian và điều kiện linh hoạt, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Chính sách nên khuyến khích việc tập trung đất đai vào các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và áp dụng công nghệ cao.
Chính phủ cần có chương trình hỗ trợ các tổ chức và nông dân trong việc chứng nhận sản phẩm hữu cơ, giúp nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm.
Hai là, tăng cường nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất nông nghiệp; gắn nghiên cứu với thực tiễn sản xuất, tạo liên kết bốn nhà (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nông - nhà nghiên cứu) bền vững
Chính phủ cần ban hành chính sách khuyến khích nghiên cứu và phát triển công nghệ nông nghiệp sinh thái, gồm công nghệ lưu trữ, chế biến và bảo quản nông sản. Đồng thời, hỗ trợ các chương trình khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp xanh về cơ chế, chính sách và vốn. Đây là cơ sở quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp.
Ba là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân về lợi ích của nông nghiệp xanh; góp phần thay đổi tập quán canh tác theo hướng “xanh hóa”
Nông dân là lực lượng quan trọng nhất trong quá trình phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững. Để tuyên truyền và nâng cao nhận thức của nông dân về lợi ích của nông nghiệp xanh, bên cạnh việc tuyên truyền của các cơ quan truyền thông, cần kết hợp thực hiện các hoạt động sau: hình thành các nhóm nhỏ từ chính nông dân để cùng nhau nghiên cứu, trao đổi về các kỹ thuật, phương pháp canh tác bền vững; lập ra các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh tại địa phương để nông dân đến tham quan, học hỏi; tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp xanh, nơi nông dân có thể thấy thực tế kết quả từ các phương pháp sản xuất bền vững; triển lãm công nghệ nông nghiệp xanh và các sản phẩm hữu cơ, giúp nông dân hiểu rõ hơn về những thiết bị và kỹ thuật mới.
Các hoạt động tuyên truyền và nâng cao nhận thức cần được thực hiện đa dạng, thường xuyên, để tạo sự thay đổi bền vững trong tư duy và hành động của nông dân đối với nông nghiệp xanh. Mặt khác, cần tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn theo hình thức “cầm tay chỉ việc” về kỹ thuật canh tác bền vững, quản lý vụ mùa và ứng dụng công nghệ mới cho nông dân.
Bốn là, thúc đẩy chính sách tài chính và tín dụng
Cung cấp các gói hỗ trợ tài chính và tín dụng ưu đãi cho nông dân và doanh nghiệp giúp họ đầu tư vào sản xuất nông nghiệp xanh và nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, ngân hàng và nông dân, doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả các giải pháp này. Tạo quỹ kết hợp giữa ngân sách nhà nước, đóng góp từ doanh nghiệp và tổ chức khác để hỗ trợ tài chính cho các dự án nông nghiệp xanh, xây dựng quỹ tín dụng với lãi suất thấp dành riêng cho nông dân và doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông sản xanh.
Ngân hàng triển khai chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi cho các dự án sản xuất nông sản xanh, giúp nông dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn với thời gian trả nợ linh hoạt để họ có thể chủ động hơn trong việc hoàn vốn.
Chương trình bảo hiểm nông nghiệp cũng cần được triển khai, giúp nông dân và doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Mặt khác, cần chú trọng công tác đào tạo và tư vấn tài chính giúp nông dân quản lý tài chính, lập kế hoạch sản xuất và sử dụng hiệu quả vốn.
Năm là, khuyến khích mô hình hợp tác xã và liên kết sản xuất
Phát triển các hợp tác xã nông nghiệp là một giải pháp quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân, giúp họ chia sẻ công nghệ, thông tin và tiếp cận thị trường hiệu quả. Hợp tác xã cũng giúp nông dân xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản của mình, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.
Nhà nước cần xây dựng các mạng lưới hợp tác giữa nông dân trong cùng khu vực hoặc cùng lĩnh vực sản xuất, giúp họ hỗ trợ lẫn nhau trong việc áp dụng công nghệ mới và chia sẻ kinh nghiệm; hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để cung cấp cố vấn và giới thiệu các công nghệ tiên tiến; tạo ra một hệ thống thông tin trực tuyến để nông dân dễ dàng tiếp cận thông tin về thị trường, thời tiết và kỹ thuật sản xuất.
5. Kết luận
Chính sách phát triển nông nghiệp xanh ở Việt Nam được chú ý từ những năm 2000, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Tuy nhiên, các chính sách cụ thể về nông nghiệp bền vững và nông nghiệp hữu cơ mới được ban hành và hoàn thiện trong những năm gần đây. Luật Nông nghiệp năm 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật khác về phát triển nông nghiệp bền vững đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các chính sách này.
Nhờ chính sách phát triển nông nghiệp bền vững, phát triển nông nghiệp xanh Việt Nam đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Diện tích sản xuất nông nghiệp xanh, đặc biệt là sản xuất nông sản hữu cơ, đã tăng lên đáng kể. Nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp xanh đã được hình thành. Chính sách đã giúp nâng cao nhận thức của nông dân và cộng đồng về tầm quan trọng của nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Nông sản xanh và hữu cơ của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng trên thị trường nội địa và quốc tế, mở rộng khả năng xuất khẩu và tăng thu nhập cho nông dân…
Tuy nhiên, chính sách phát triển nông nghiệp xanh còn một số hạn chế cần khắc phục. Thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp tục phát triển nông nghiệp xanh, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
_________________
Ngày nhận: 26-9-2024, ngày bình duyệt: 30-9-2024; ngày duyệt đăng: 29-11-2024.
Email tác giả: dieuanh.ln@tmu.edu.vn
(1), (2) https://www.fao.org/platforms/green-agriculture/about/en
(3) https://www.fao.org/sustainability/en/
(4) Xu, X., Huang, X., Huang, J., Gao, X., Chen, L: Spatial-temporal characteristics of agriculture green total factor productivity in China, 1998-2016: based on more sophisticated calculations of carbon emissions, Int. J. Environ. Res. Public Health. 16 (20), 3932, 2019, https://doi.org/10.3390/ijerph16203932.
(5) Wang, W., Wang, J., Liu, K., Wu, Y.J.: Overcoming barriers to agriculture green technology diffusion through stakeholders in China: a social network analysis, Int. J. Environ. Res. Publ. Health 17, 2020, p.1-22. https://doi.org/10.3390/ijerph17196976.
(6) Jianbo S., và cộng sự: Agriculture Green Development: a model for China and the world, Front. Agr. Sci. Eng. 2020, 7(1): 5-13 https://doi.org/10.15302/J-FASE-2019300.
(7) Phạm Doãn: Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giải pháp xóa đói nghèo và bảo vệ môi trường, 2005, http://www.ttvnol.com/ttx/571456.ttvn.
(8) Xem: Đỗ Kim Chung và cộng sự: Giáo trình Nguyên lý kinh tế nông nghiệp, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, 2009.
(9) Thu Hường: Việt Nam hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, https://consosukien.vn/, ngày 25-10-2022
(10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 124.
(11) Đỗ Như: Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Chuyển đổi xanh cần tập trung 3 trụ cột lớn, vneconomy.vn, ngày 10-4-2024.
(12) Trịnh Việt Tiến: Phát triển nông nghiệp xanh: Thực trạng và một số giải pháp, https://kinhtevadubao.vn, ngày 27-01-2024.
(13) Chu Khôi: Nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 10 năm, vneconomy.vn, ngày 02-01-2024.