Tọa đàm khoa học “Chế độ thù lao, nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hiện nay”
(LLCT) - Sáng ngày 06 - 12 - 2024 tại Hà Nội, Tạp chí Lý luận chính trị tổ chức Tọa đàm khoa học “Chế độ thù lao, nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hiện nay”.
Chủ trì Tọa đàm có PGS, TS Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị; TS Nguyễn Mẫu Tuân, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Lý luận chính trị và TS Đinh Quang Thành, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị. Tham dự tọa đàm có đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính, Thanh tra Học viện, đại diện lãnh đạo các tạp chí thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, TS Đinh Quang Thành, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị cho biết: Ngày 14-3-2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2014/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Tại thời điểm ban hành, Nghị định có nhiều điểm mới, quy định rõ mức nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và những người tham gia thực hiện các công việc có liên quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí, xuất bản, tác động tích cực, khuyến khích sự sáng tạo, phục vụ tốt hơn nhu cầu của công chúng; tạo khung pháp lý để các cơ quan báo chí, nhà xuất bản hoạt động phù hợp với các quy định về tài chính, đồng thời xây dựng và phân bổ quỹ nhuận bút cho các bộ phận liên quan với khung nhuận bút chi tiết, phương pháp tính rõ ràng.
Căn cứ vào Nghị định số 18/2014/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 1-4-2014, Giám đốc Học viện ban hành Quyết định số 1265/QĐ-HVCTQG quy định về chế độ nhuận bút đối với tác phẩm báo chí của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Theo đó, các tạp chí Học viện trích lập Quỹ Nhuận bút trong phạm vi ngân sách được quy định. Quỹ nhuận bút dùng để trả nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được sử dụng; chi trả thù lao cho người thực hiện công việc liên quan đến đặt bài, biên tập, xuất bản, phát hành. Việc tính toán, trích lập quỹ nhuận bút phụ thuộc vào mức tiền lương cơ sở.
Quyết định số 1265/QĐ-HVCTQG quy định rõ về thời gian chi trả nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả; chế độ chi trả nhuận bút đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm, sáng tạo tác phẩm ngoài định mức được giao của cơ quan báo chí, được hưởng 100% nhuận bút. Người thuộc cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí ngoài định mức được giao, hưởng 100% thù lao. Đồng thời quy định rõ khung nhuận bút với các ấn phẩm là Tạp chí in và Tạp chí điện tử.
Có thể thấy, Quyết định số 1265/QĐ-HVCTQG đã tạo ra khung pháp lý cho các tạp chí của Học viện, giúp công tác chi trả nhuận bút được ổn định và rõ ràng. Tuy nhiên, qua quá trình áp dụng Quyết định số 1265/QĐ-HVCTQG, có một số bất cập cần sửa đổi.
Hiện nay, qua rà soát, đánh giá việc thi hành Nghị định số 18/2014/NĐ-CP và các quy định pháp luật mới ban hành trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã dự thảo Nghị định quy định về tiền bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản để quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ, đồng thời thay thế Nghị định số 18/2014/NĐ-CP. Nghị định số 18/2014/NĐ-CP còn có những bất cập, hạn chế về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, đối tượng hưởng và tính nhuận bút, thù lao, khung nhuận bút và mức chi trả nhuận bút, thù lao, cơ chế hình thành Quỹ nhuận bút. Đồng thời, các căn cứ để ban hành Nghị định số 18/2014/NĐ-CP đã được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung nên thay thế Nghị định số 18/2014/NĐ-CP sẽ giúp đồng bộ, thống nhất trong quy định của pháp luật.
Việc thay thế Nghị định số 18/2014/NĐ-CP sẽ ảnh hưởng đến các quy định về nhuận bút, thù lao đối với hoạt động báo chí, xuất bản đang áp dụng tại Học viện hiện nay.
Trong khuôn khổ Tọa đàm, các đồng chí lãnh đạo các tạp chí và các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung. Một là, thực trạng chi trả nhuận bút, thù lao ở các tạp chí Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; chia sẻ về tình hình áp dụng quy định của Học viện trong công tác chi trả nhuận bút, thù lao; làm rõ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện. Hai là, đề xuất phương hướng, giải pháp hoàn thiện khung pháp lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả vấn đề về chi trả nhuận bút, thù lao trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ở Học viện. Ba là, góp ý Dự thảo Nghị định quy định về tiền bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản của Chính phủ.
Kết luận Tọa đàm, PGS, TS Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị đã khẳng định: Tọa đàm khoa học “Chế độ thù lao, nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh” được tổ chức hôm nay là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025). Đồng thời, Hội thảo vừa có mục đích trao đổi, xác định phương hướng, giải pháp hoàn thiện khung pháp lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả vấn đề tiền bản quyền, quyền liên quan trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ở Học viện và cả nước trong thời gian tới.
Tọa đàm khoa học với chủ đề “Chế độ thù lao, nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh” đã mang lại nhiều giá trị thiết thực cho cán bộ, công nhân viên trong ngành. Tọa đàm không chỉ giúp người tham gia nâng cao nhận thức về quyền lợi cá nhân thông qua việc hiểu rõ hơn các chế độ thù lao và nhuận bút, mà còn tạo cơ hội để họ cập nhật thông tin mới nhất về các chính sách, quy định trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Bên cạnh đó, đây là dịp để cán bộ, nhân viên chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, từ đó nâng cao năng lực chuyên môn và phát triển nghề nghiệp.
Nhóm Thực tập sinh: Nguyễn Thanh Lương, Nguyễn Khánh Linh, Vũ Thu Ngà, Phạm Tuyết Ngân