Thái Nguyên phát triển du lịch cộng đồng góp phần bảo tồn giá trị văn hóa và nâng cao đời sống của người dân
(LLCT) - Phát triển du lịch cộng đồng có vai trò quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Thái Nguyên có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, văn hóa các dân tộc, văn hóa ẩm thực phong phú, là cơ sở để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Tuy vậy, hiện các mô hình du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, cần có giải pháp nhằm thúc đẩy trong thời gian tới. Trên cơ sở khảo sát kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng tại tỉnh Hòa Bình và Sơn La, bài viết đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên trong thời gian tới.
ThS NGUYỄN THỊ THANH HƯƠNG
Viện Xã hội học và Phát triển,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Mở đầu
Việt Nam đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn có sự tham gia của người dân đã thực hiện và đang tiếp tục triển khai trên phạm vi cả nước ở cả hai Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình Giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Những sáng kiến đổi mới công tác lập và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phát triển sinh kế có sự tham gia người dân bước đầu đã mang lại kết quả. Đã xuất hiện các kinh nghiệm hay, bài học quý về phát triển cộng đồng có sự tham gia của người dân. Bên cạnh đó, thời gian qua nhiều đối tác phát triển và các tổ chức phi Chính phủ trong đó có Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hợp tác và hỗ trợ với các cơ quan, địa phương của Việt Nam để triển khai thực hiện các dự án phát triển cộng đồng.
Hiện nay, sự phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại Việt Nam có chiều hướng “tăng trưởng nóng”. Nhiều địa phương đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và dựa trên thế mạnh sẵn có về cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa đã tập trung phát triển DLCĐ với nhiều sản phẩm đa dạng, hấp dẫn. Tiêu biểu có thể kể đến tỉnh Lào Cai với các địa điểm du lịch cộng đồng như bản Cát Cát, bản Dền, bản Hồ ở Sa Pa; tỉnh Sơn La với cao nguyên Mộc Châu; tỉnh Hòa Bình với bản Lát; tỉnh Quảng Nam với Hội An...
2. Kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng tại tỉnh Hòa Bình, Sơn La
Tỉnh Hòa Bình là nơi có nhiều điều kiện phát triển du lịch bởi cảnh quan tươi đẹp nơi có núi, có hồ, có sông suối với khí hậu tương đối dễ chịu và hệ thống giao thông thuận lợi. Hòa Bình là tỉnh có đồng bào nhiều dân tộc cùng sinh sống với những bản sắc riêng, vô cùng đặc sắc. Do đó, đã từ lâu Hòa Bình trở thành điểm đến quen thuộc của các du khách.
Từ những năm 1990, Bản Lác (thuộc Mai Châu, Hòa Bình) được chọn làm điểm DLCĐ đầu tiên tại Việt Nam. Bản Lác có nhiều lợi thế để phát triển DLCĐ, tiêu biểu như: nằm trong thung lũng bao quanh bởi núi non hùng vĩ tạo nên phong cảnh hữu tình với khí hậu trong lành, mát mẻ. Điểm nhấn tại Bản Lác chính là những nét văn hóa đặc sắc của người dân Thái đã sinh sống hơn 700 năm với những món ăn, sinh hoạt hàng ngày có nhiều điểm nổi bật so với các vùng khác. Thêm vào đó, vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, có thể di chuyển trong ngày cũng là điểm cộng của Bản Lác. Sau khi được lựa chọn làm mô hình DLCĐ, Bản Lác đã được đầu tư nâng cấp nhiều tuyến đường dẫn vào bản làng. Đặc biệt, không cần xây mới hệ thống lưu trú như các khu du lịch khác, Bản Lác khuyến khích người dân bản vay tiền sửa sang nơi ở của chính gia đình mình làm dịch vụ nghỉ qua đêm cho du khách. Trước đây, bà con sống bằng nghề nông, dệt vải. Đây cũng là “nguyên liệu” sẵn có hình thành nên sản phẩm DLCĐ cho du khách đến trải nghiệm. Tại Bản Lác, người dân cũng được tư vấn thành lập trung tâm giới thiệu dệt vải và các sản phẩm thổ cẩm độc đáo. Khi đến Bản Lác, du khách được hướng dẫn học cách dệt vải, cùng lên nương, làm rẫy với bà con.
Nhờ cách làm mới, du khách đến Bản Lác như được hòa mình vào cuộc sống của người dân bản địa, được trải nghiệm những phong tục, tập quán, xem biểu diễn múa thái truyền thống, giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại, nhảy sạp, uống rượu cần và thưởng thức những món ăn đặc trưng… DLCĐ tại Bản Lác thích hợp cho mọi lứa tuổi thích trải nghiệm, phù hợp với cả khách trong và ngoài nước nên đời sống của người dân từng bước được cải thiện với nguồn thu đến từ các dịch vụ lưu trú, ăn uống, bán nông sản và đồ thủ công…
Tại Sơn La, bản Tà Số, huyện Mộc Châu được chọn làm địa điểm phát triển du lịch cộng đồng. Bản Tà Số nằm cách trung tâm xã Chiềng Hắc hơn 10km, là nơi sinh sống của hơn 330 hộ dân với 100% là người dân tộc Mông sinh sống. Họ sống trong những căn nhà gỗ, nằm thành cụm biệt lập trong thung lũng, tựa vào những vách núi đá, với xung quanh là trải dài những rừng núi xanh man mát, những vườn cây ăn quả và rẫy nương ngô xanh tốt. Từ bản nhìn xuống có thể bao quát được một vùng khu vực thị trấn Mộc Châu và khu trung tâm xã. Nếu ví bản Tà Số, ở độ cao hơn 1.100m là cao nguyên của cao nguyên Mộc Châu, thì Hang Táu là thung lũng trên cao nguyên Tà Số.
Hang Táu “3 không” không điện lưới, không sóng điện thoại, không wifi. Đây chính là những “nguyên liệu” đặc biệt làm điểm DLCĐ hấp dẫn. Đến với Tà Số, du khách được trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người địa phương như tham gia trồng trọt, chăn nuôi, học phụ nữ thêu váy, cùng đào măng, bắt gà, thưởng thức rượu ngô... Ban đêm, du khách có thể ngồi giữa thung lũng nướng ngô, khoai, nướng gà, cảm nhận không khí trong lành, lắng nghe tiếng côn trùng rả rích…
Khi tham quan ở Tà Số Mộc Châu, nhất là tại Hang Táu, du khách sẽ được trở về với đời sống nguyên thủy, nơi mà hầu như không có điện và thậm chí cũng chẳng có sóng điện thoại, mà thay vào đó chỉ toàn là thiên nhiên đất trời. Trải nghiệm những công việc thường ngày mà người H’Mông thường hay làm, tạo nên những cuộc sống bình dị, mộc mạc giữa núi rừng Tây Bắc bao la, hùng vĩ. Không chỉ chứa đựng vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Nơi đây du khách cũng có thể mua về làm quà những đồ vật nhỏ xinh từ việc thêu thùa, hay nông sản sạch tại địa phương. Từ trung tâm Mộc Châu đến Tà Số cách khoảng 20 km, dù đã trải bê tông nhưng có khoảng 3 km đi lại khá khó khăn. Đây vừa thách thức, vừa là điểm thú vị với những du khách thích khám phá. Tuy nhiên, do hạn chế về cơ sở vật chất nên điểm du lịch này khá “kén” khách. Với những người lớn tuổi và trẻ nhỏ, di chuyển vào điểm DLCĐ cần đảm bảo sức khỏe.
Kinh nghiệm từ hai mô hình DLCĐ tại bản Lác và Tà Số cho thấy, DLCĐ đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách và phù hợp với xu thế chung của việc phát triển ngành kinh tế du lịch trong bối cảnh hiện nay. Không chỉ giúp du khách có cơ hội hiểu rõ hơn về đời sống văn hóa - xã hội và hệ sinh thái cảnh quan nông nghiệp mà qua đó góp phần phát triển địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân và hướng đến mục tiêu “phát triển con người” một cách bền vững và toàn diện đồng thời góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa di sản, những điệu nhảy và hát dân gian, phong cách kiến trúc truyền thống… Hơn nữa, nhờ phát triển du lịch và yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách, người dân hai địa phương đã có ý thức giữ gìn làng xóm và bảo vệ môi trường, xử lý rác thải và chất thải nhằm tạo không gian du lịch sạch đẹp để đón khách.
Tuy nhiên, DLCĐ phát triển mạnh, có thời điểm quá tải như bản Lác phải đối mặt với tình trạng rác thải gia tăng, một số hộ dân còn tự ý sửa sang, cơi nới, bê tông hóa trong khu vực bản Lác, xây nhà cao tầng,… làm phá vỡ cảnh quan không gian làng bản. DLCĐ cũng đối mặt nguy cơ “pha tạp văn hóa”, gia tăng tệ nạn xã hội và gây xáo trộn cuộc sống vốn yên bình của người dân.
3. Phát triển du lịch cộng đồng tại tỉnh Thái Nguyên thời gian tới
Thái Nguyên là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ với hệ thống giao thông đồng bộ và thuận lợi, cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km, cách biên giới Trung Quốc 200 km, cách trung tâm Hà Nội 75 km và cảng Hải Phòng 200 km. Thái Nguyên còn là điểm nút giao lưu thông qua hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẻ quạt kết nối với các tỉnh thành. Không chỉ có lợi thế về giao thông thuận lợi, Thái Nguyên còn sở hữu nhiều cảnh quan tươi đẹp với hồ Núi Cốc và sản phẩm chè Thái Nguyên nổi tiếng trong cả nước, ấm thực phong phú và nhiều nét văn hóa các dân tộc đặc sắc.
Thái Nguyên có nhiều đặc sản nổi tiếng như: Trà, Bánh Chưng Bờ Đậu, Cơm Lam Định Hóa, Nem chua Đại Từ, Bánh ngải, Trám đen Hà Châu, Tương nếp Úc Kỳ, Đậu phụ Bình Long, Bánh trứng kiến, Bánh cóoc mò (sừng bò), Tôm cuốn Thùa Lâm, Lòng nướng, Nha…
Tỉnh Thái Nguyên có 24 dân tộc, gồm Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Dao, Mông, Hoa. Các điệu múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay, lễ hội Núi Văn -Núi Võ ở Đại Từ hay việc trồng, chăm sóc và chế biến trà Tân Cương ở Thành Phố Thái Nguyên... đã trở thành các di sản văn hóa quốc gia được tôn vinh và duy trì hàng năm. Thái Nguyên còn lưu giữ nhiều huyền tích và lễ hội cổ xưa khác như Lễ hội đền Đuổm, Lễ hội Cơm hòm, lễ hội Cầu mưa, Lễ hội Lồng Tồng ATK ở Định Hóa, lễ hội Ooc’ bò của người dân tộc Nùng ở Đồng Hỷ hay nghi lễ cấp sắc của người Nùng…
Người dân tộc Dao ở Đại Từ, Võ Nhai với các nghề đan lát, rèn, làm giấy, làm đồ trang sức, ép dầu, dệt, nhuộm vải đồng thời có nhiều bài thuốc bổ, thuốc trị bệnh. Đám cưới người Dao là một trong những phong tục thú vị và độc đáo với những bước thủ tục có ý nghĩa thuần phác như lễ tơ hồng, đón dâu bằng kèn pí lè… Do đó, có thể khẳng định Thái Nguyên là một trong những vùng văn hóa lâu đời, đặc sắc và đó chính là những “nguyên liệu” để phát triển DLCĐ.
Đến nay, Thái Nguyên mới có 6 điểm DLCĐ, trong tương lai sẽ có thêm nhiều điểm DLCĐ hấp dẫn nếu phát huy mạnh mô hình này tại tỉnh. Đặc biệt, điểm du lịch Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên) vinh dự là đại diện duy nhất của Đông Nam Á nhận giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất” năm 2022 của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) là một điểm DLCĐ được xem là lợi thế của tỉnh khi định hướng phát triển DLCĐ tại địa phương. Tuy nhiên, cách làm DLCĐ của Thái Nguyên hiện còn mang tính tự phát, chưa chuyên nghiệp; cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch còn thiếu; nhân lực phục vụ còn hạn chế về trình độ. Bên cạnh đó, các hộ dân chưa thực sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình làm du lịch, vẫn ở tình trạng “mạnh ai nấy làm”.
Định hướng đến năm 2030, tỉnh trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa trà, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao. Du lịch Thái Nguyên trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng ngày càng được nâng cao. Vận dụng lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn từ thành công của các mô hình du lịch cộng đồng đã có, để đạt được mục tiêu, tỉnh ưu tiên tập trung xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa trà, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, về nguồn dựa trên các khu di tích, điểm di tích, di sản sẵn có… Muốn vậy, tỉnh cần nỗ lực thực hiện một số vấn đề sau:
Một là, phát huy dân chủ nhân dân một cách thực chất
Các thông tin về quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển du lịch trên từng địa bàn phải được công khai, minh bạch để người dân trong địa phương chủ động tham gia.
Chính quyền các cấp (nhất là cấp cơ sở) tạo ra nhiều cơ hội, điều kiện cho người dân tham gia trên nhiều hình thức như: tổ chức diễn đàn, tọa đàm (tại các cuộc họp ở thôn, xã…) để nhân dân được tham gia đóng góp ý kiến, phản biện, phản ánh.
Những hành vi vi phạm Quy chế thì các cán bộ có liên quan sẽ phải chịu hình thức kỷ luật tương xứng.
Hai là, tạo môi trường pháp lý thuận lợi
Tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế quản lý, giảm thiểu thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư.
Xây dựng cơ chế thích hợp để thu hút nguồn vốn trong dân để đầu tư phát triển cho du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng.
Chính sách đầu tư phát triển du lịch phải luôn phù hợp với quan điểm, nhu cầu và mối quan tâm của người dân, của cộng đồng ở Thái Nguyên.
Ba là, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm và dịch vụ độc đáo
Về cơ chế, chính sách: Nên có chính sách khuyến khích người tham gia tìm hiểu, khôi phục những phong tục, nghề thủ công trước đây. Thưởng bằng vật chất, tặng bằng khen, tuyên dương trên các phương tiện truyền thông với những việc làm hay, cách làm du lịch độc đáo; có chính sách hỗ trợ các sản phẩm, dịch vụ trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm…
Phân chia lợi ích rõ ràng giữa ba bên: chính quyền, công ty du lịch và người dân. Trên cơ sở quyền lợi và nghĩa vụ tương xứng theo từng giai đoạn. Chính quyền cần tạo điều kiện tốt nhất cho người dân phát triển, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư các điểm công cộng phù hợp nhằm thu hút khách, quảng cáo trên các phương tiện truyền thông,… từ nguồn ngân sách, đồng thời cần làm nhiệm vụ kết nối các bên nhằm bảo đảm thuận tiện cho khách đến tham quan, du lịch.
Bốn là, phát huy tinh thần sáng tạo, tránh “bắt chước” các sản phẩm, dịch vụ từ nơi khác
Điều này cần phải xem xét thành điều kiện bắt buộc. Với những sản phẩm, dịch vụ các điểm DLCĐ cung cấp, người dân cần đăng ký với chính quyền. Ưu tiên các sản phẩm tự làm, các sản phẩm truyền thống và các sản phẩm, dịch vụ này phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng, vệ sinh và thẩm mỹ.
Khuyến khích để cộng đồng sáng tạo ra cách làm mới, sản phẩm mới. Trên cơ sở của vùng đất chè nổi tiếng, với hồ Núi Cốc và nhiều địa danh lịch sử có thể coi là “nguyên liệu” làm nên các dịch vụ thu hút khách du lịch. Ngoài các hoạt động ngắm cảnh, chụp ảnh và trải nghiệm tham gia chế biến chè, nên tổ chức các dịch vụ đa dạng hơn như: xây dựng thực cảnh làng quê Thái Nguyên với các hoạt động kết hợp với yếu tố huyền thoại từ việc sự xuất hiện của Hồ Núi Cốc, dân làng thu hoạch chè, tham gia lễ hội….
Để mô hình du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên thu hút du khách, tỉnh Thái Nguyên cần quảng bá các loại hình du lịch của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thí dụ điểm Điểm du lịch Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên) vinh dự là đại diện duy nhất của Đông Nam Á nhận giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất” năm 2022 của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO). Tỉnh nên tổ chức giới thiệu các điểm DLCĐ cho giới truyền thông, các công ty du lịch và đại diện các hiệp hội, các nhóm cộng đồng với đông thành viên biết đến. Từ đó có thể khảo sát, lấy ý kiến tìm ra cách làm hay, độc đáo nhằm thu hút du khách.
Sản phẩm chè của Thái Nguyên cần quy hoạch lại. Trên cơ sở diện tích hiện có, nên “thiết kế” mang hơi hướng đẹp về thẩm mỹ, thuận tiện về đi lại, chụp ảnh… Không chỉ thiết kế tổng thể, mà từng các khu riêng lẻ nên đa dạng hình thức tránh trùng lắp. Mở rộng những khu trải nghiệm, xây dựng, tiến tới trình diễn thực cảnh về Thái Nguyên từ huyền thoại hồ Núi Cốc, các lễ hội đặc sắc, thu lượm và thưởng thức chè.
Đào tạo cho người dân tham gia làm DLCĐ, có thể tự sửa sang nơi ở làm nơi cư trú cho khách, làm hướng dẫn viên, cung cấp thực phẩm, biểu diễn văn nghệ, học các kỹ năng trải nghiệm công việc hàng ngày cùng du khách, sản xuất sản phẩm thủ công, tìm hiểu và cùng địa phương khôi phục những phong tục cũ. Với những người dân tham gia DLCĐ cần được trang bị kỹ năng cần thiết, đưa họ đến tham quan, học hỏi các mô hình DLCĐ tại các địa phương khác; hỗ trợ họ trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, hỗ trợ vay vốn, chủ động trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ đưa đón khách, cung cấp thức ăn đảm bảo vệ sinh, nơi nghỉ đảm bảo thoáng, sạch, an toàn. Thái độ và phong cách phục vụ khách cần được đào tạo, tập huấn,….
4. Kết luận
Để phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả, bền vững, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp. Về mặt vĩ mô, chính quyền cần tăng cường truyền thông, xây dựng và trồng hoa, cây cảnh, làm các điểm công cộng nhằm thu hút du khách nhưng phải đảm bảo phù hợp với khung cảnh của từng điểm DLCĐ. Vận động người dân cùng tham gia phát triển DLCĐ từ chính nguyên liệu sẵn có. Chính quyền hỗ trợ công tác phát triển du lịch bằng các hình thức tuyên truyền, tăng cường với các tổ chức trên địa bàn đến tham quan, tổ chức các cuộc thi nhằm tìm kiếm những ý tưởng, những cách làm độc đáo. Qua đó, tổ chức lấy ý kiến đánh giá về chất lượng dịch vụ, đề xuất các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả DLCĐ.
Vận dụng phương thức quản lý sáng tạo, huy động sức dân trong việc tổ chức triển khai mô hình DLCĐ phù hợp sẽ góp phần đưa DLCĐ của Thái Nguyên phát triển lên tầm cao mới, thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa và nâng cao thu nhập cho người dân.
_________________
Ngày nhận bài: 8-11-2024; Ngày bình duyệt: 5-12-2024; Ngày duyệt đăng: 18-12-2024.
Email tác giả: huongxhh688@gmail.com