Vai trò của doanh nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
(LLCT) - Trong những năm qua, triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách hỗ trợ, tạo động lực phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã được ban hành. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp xứng đáng vào thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế. Bài viết khái quát vai trò của doanh nhân Việt Nam trong xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
THS NGUYỄN ANH TUÂN
Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng
1. Mở đầu
Sự hình thành, phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Về vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX lần đầu tiên đề cập, cụ thể: “coi trọng vai trò của các doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội”(1). Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-12-2011 của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã xác định rõ hơn vai trò của họ: “đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo… góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế... gắn bó hơn với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Tại Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10-10-2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp tục nhấn mạnh: “Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh”(2). Ngày 11-10-2024, trong buổi gặp mặt đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm đã tin tưởng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp chắc chắn sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam(3).
2. Vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Một là, doanh nhân đóng vai trò quyết định trong việc cấu trúc các nguồn lực để phát triển kinh tế thông qua hoạt động quản lý, điều hành doanh nghiệp. Bởi, trong nền kinh tế thị trường, các yếu tố kinh tế (tư liệu sản xuất, vốn, sức lao động, phương tiện,...) ngày càng phải được xem xét, đánh giá, sử dụng, khai thác với góc độ kinh tế toàn diện. Họ trực tiếp tạo môi trường, sử dụng các công cụ, phương pháp để tác động làm cho các doanh nghiệp - các “tế bào kinh tế” hoạt động hiệu quả, từ đó nâng cao sức mạnh của kinh tế mỗi địa phương, mỗi ngành cũng như cả nước theo triết lý “dân giàu, nước mạnh”.
Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh
Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2023, cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP. Doanh nhân cũng là những người góp phần quan trọng tạo dựng nền tảng an sinh xã hội khi họ trực tiếp tạo ra việc làm cho người lao động. Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2024, tại thời điểm 31-12-2022, tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp đang hoạt động là 15,3 triệu người, tăng 3,7% so với cùng thời điểm năm 2021. Thu nhập bình quân tháng của một lao động trong doanh nghiệp đang hoạt động năm 2022 đạt 11,5 triệu đồng, tăng 11,6% so với năm 2021, cao hơn nhiều so với mức bình quân 6,64 triệu đồng của cả nước(4) .
Hai là, doanh nhân Việt Nam là đội ngũ tiên phong trong phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế. Đất nước ta đang hội nhập toàn diện, chúng ta có quy mô kinh tế xếp thứ 34 thế giới(5) , có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia; thiết lập quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 220 quốc gia, vùng lãnh thổ và nền kinh tế(6). Trong đó có không ít quốc gia có nền kinh tế phát triển cao, với nhiều doanh nghiệp có vốn lớn, nhiều kinh nghiệm quản lý, nắm nhiều bí quyết kỹ thuật,... trong bối cảnh vừa hợp tác, vừa cạnh tranh. “Mặt trận” này không có khói súng nhưng sự đọ sức về chiến lược, chiến thuật cũng không kém phần cam go, ác liệt, không ít trường hợp nếm trải thương vong. Các doanh nhân chính là những “chiến sĩ tuyến đầu” trên mặt trận đó.
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng thể hiện sự kiên cường vươn lên, cạnh tranh sòng phẳng cũng như hợp tác cùng có lợi, từ đó ngày càng nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng ta vui mừng khi chứng kiến trên những “sân chơi” lớn như: Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA),... các doanh nhân Việt Nam khẳng định mình trong các “sân chơi” này. Theo đó, họ đã cho ra đời 283 (năm 2021) sản phẩm là thương hiệu quốc gia(7); ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, theo công bố của quỹ Thundermark Capital năm 2022 dựa trên khảo sát các ấn phẩm nghiên cứu quan trọng nhất, uy tín nhất về AI thì VinAI của doanh nhân Phạm Nhật Vượng đã đứng thứ 19 trong “Bảng xếp hạng các công ty nghiên cứu AI tốt nhất trên toàn cầu”. Xe ô tô điện của doanh nhân này đã có mặt ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới(8). Tỷ phú này là một trong sáu tỷ phú Việt Nam nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2024, đứng vị trí thứ 712 trên bảng xếp hạng của Forbes (năm 2024). Đứng sau Phạm Nhật Vượng, là các doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Đình Long lần lượt là thứ 1187 và thứ 1286(9).
Ba là, doanh nhân Việt Nam là đội ngũ gánh vác trách nhiệm phải từng bước làm chủ thị trường trong nước. Việt Nam tiến hành hội nhập quốc tế toàn diện, nhưng trước hết phải làm chủ được thị trường trong nước. Người gánh vác trách nhiệm thực hiện công việc hệ trọng đó không ai khác chính là các doanh nhân Việt Nam. Họ phải coi “sân nhà” luôn là “điểm tựa” vững chãi nhất của mình, hay nói cách khác khát vọng tự chủ của họ phải gắn với khát vọng tự chủ của dân tộc. Nếu như những thương hiệu TH Truemilk, Vinfast đang là biểu tượng của thương hiệu Việt ở thời điểm hiện tại thì Vinamilk, VNPT, Viettel, Massan, Vietcombank, FPT, … đã vững vàng nhiều năm, tạo được niềm tin của người tiêu dùng Việt.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển bền vững thị trường trong nước thông qua phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Đồng thời cũng thể hiện sự đồng hành của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với doanh nhân Việt. Đất nước giàu mạnh thì đội ngũ doanh nhân cũng giàu mạnh.
Bốn là, doanh nhân Việt Nam nuôi dưỡng và phát huy tinh thần doanh nhân. Tinh thần doanh nhân còn được gọi là tinh thần khởi nghiệp hay tinh thần kinh doanh, là một thuật ngữ xuất hiện từ khá lâu trên thế giới. Cho đến nay, hầu hết các nhà nghiên cứu đều thống nhất khái niệm “tinh thần khởi nghiệp - tinh thần doanh nhân khởi nghiệp hoặc tinh thần kinh doanh” gắn với khái niệm “doanh nhân”. Có tác giả cho rằng: Để duy trì vị thế dẫn đầu nền kinh tế thế giới, nước Mỹ phải lấy “tinh thần khởi nghiệp” (hoặc tinh thần doanh nhân) làm lợi thế cạnh tranh chủ đạo. Người Mỹ cho rằng “phải khởi nghiệp để biến những phát minh, sáng chế mới thành hàng hóa”(10). Hoặc nói theo cách khác: “Tinh thần doanh nhân là cốt lõi của giấc mơ Mỹ”(11). Đối chiếu với điều kiện của Việt Nam, các doanh nhân chính là những người nuôi dưỡng và phát huy “tinh thần doanh nhân” trong xã hội. Một khi tinh thần này được phát huy, sẽ thực sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển nền kinh tế, phát triển xã hội, đưa đất nước tiến lên.
Năm là, các doanh nhân đã góp phần quan trọng trong góp ý, phản biện, xây dựng, thực hiện và giám sát chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các ngành và của đất nước. Ngày càng có nhiều doanh nhân tham gia vào các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội. Một số doanh nhân tiêu biểu trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Đã có không ít lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước trở thành lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương. Trong bộ máy đảng, chính quyền các cấp ngày càng có nhiều “doanh nhân công” (lãnh đạo có xuất thân từ doanh nhân), trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc có tinh thần dám nghĩ dám làm, quyết tâm hành động, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, với tinh thần: Trách nhiệm - Danh dự - Lương tâm”(12).
Sáu là, khi đánh giá vai trò của cán bộ nói chung, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”(13). Các doanh nhân - một loại hình “cán bộ đặc biệt” giữ vai trò “cầu nối” quan trọng giữa Đảng, Chính phủ với quần chúng lao động. Họ là những con người ưu tú có đủ tư chất, tài năng và đạo đức để thực hiện sứ mệnh đó(14). Các doanh nhân góp phần làm cho đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thấm sâu vào đội ngũ những người lao động, khuyến khích, động viên họ chung sức, chung lòng vì sự phát triển của đất nước.
Bảy là, doanh nhân có vai trò quyết định trong thực hiện trách nhiệm xã hội tại doanh nghiệp, như: xóa đói giảm nghèo, chung tay khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, giữ gìn môi trường, các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, phát triển “kinh tế xanh”, “kinh tế tuần hoàn”,…, qua đó, họ đóng góp các giá trị nhân văn cho cộng đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc xây dựng uy tín doanh nghiệp với giá trị thật, bền vững trên thương trường, thể hiện tính chất “kinh doanh văn minh” và “lấy con người làm gốc”. Nhiều doanh nhân Việt Nam đã vượt qua mọi gian nan thử thách, dám nghĩ, dám làm, trở thành những tấm gương tiêu biểu cho nhiều người noi theo, nhất là giới trẻ. Trước đây, khi đất nước phải đối phó với “thù trong giặc ngoài”, vận mệnh “ngàn cân treo sợi tóc”, vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô đã ủng hộ 5.147 lạng vàng cho đất nước. Ông bà đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nhà lãnh đạo gọi là ân nhân và cứu tinh của cách mạng và dân tộc(15). Noi theo các bậc doanh nhân đi trước, các doanh nhân ngày nay đã rất quan tâm thực hiện nhiệm vụ này. Chẳng hạn như ông Phạm Nhật Vượng đã lập quỹ từ thiện “Trái tim nhân ái” vào năm 2006. Quỹ tài trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn và đầu tư cho các dự án xã hội. “Trái tim nhân ái” đến nay đã tài trợ 15.700 ngôi nhà cho người dân nghèo(16)…, ngoài ra còn rất nhiều hoạt động xã hội của ông trên khắp đất nước.
3. Kết luận
Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Trong đó, đặt ra yêu cầu hàng đầu “vươn mình” về kinh tế. Theo đó, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp lớn lao trên ngày càng quan trọng. Để tiếp tục phát huy vai trò của họ trong bối cảnh mới, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục khích lệ, tôn vinh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, phòng chống tham nhũng, thực hiện chuyển đổi số, mở mang quan hệ đối ngoại,… cho các doanh nhân Việt Nam phát triển và cống hiến. Các doanh nhân cũng cần tự nỗ lực rèn luyện đạo đức kinh doanh, nâng cao năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp, cạnh tranh lành mạnh, phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống anh hùng, kiên cường, bất khuất của dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước, chuyển hóa thành khát vọng vươn lên trong thời kỳ hòa bình và hội nhập quốc tế.
_________________
Ngày nhận bài: 13-12-2024; Ngày bình duyệt: 17-12-2024; Ngày duyệt đăng: 22-12-2024.
Email tác giả: haphuongan@gmail.com
(1) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.18.
(2) Nguồn: Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10-10-2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
(3) https://danchuphapluat.vn/doi-ngu-doanh-nhan-viet-nam-dong-vai-tro-dc-biet-quan-trong-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc
(4) Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2024.
(5) https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/tai-chinh/59209/kinh-te-viet-nam-nam-2023-xep-hang-bao-nhieu-tren-the-gioi
(6) https://nhandan.vn/khong-ngung-nang-cao-vi-the-uy-tin-quoc-te-cua-viet-nam-post794420.html
(7) https://baochinhphu.vn/phat-huy-vai-tro-doanh-nhan-trong-qua-trinh-hoi-nhap-quoc-te-102220630201754071.htm
(8) https://dantri.com.vn/suc-manh-so/vinai-vao-top-20-cong-ty-nghien-cuu-ai-toan-cau-20220723144512663.htm
(9) https://tuoitre.vn/viet-nam-co-6-ti-phu-trong-danh-sach-giau-nhat-the-gioi-20240403100149872
(10) Võ Duy Khương, https://dnes.vn/khong-phan-loai/tinh-than-khoi-nghiep-dong-luc-phat-trien-xa-hoi/
(11) https://www.businessnewsdaily.com/7275-entrepreneurship-defined.html
(12) Nguồn: https://tuoitre.vn/thu-tuong-muon-dat-nuoc-ve-vang-phai-co-nhung-doanh-nghiep-lon-thuong-hieu-manh-20210306151257947.htm
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 269.
(14) Nguồn: https://snv.thuathienhue.gov.vn/?gd=1&cn=28&tc=629
(15) hoilhpn.org.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/nu-doanh-nhan-hien-ca-gia-san-cho-cach-mang-24070-101.html
(16) https://plo.vn/nhung-ty-phu-viet-co-tam-long-vang-post286156.html