Hội thảo khoa học “Những định hướng đột phá mang tính cách mạng trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước”
(LLCT) - Ngày 30-12-2024, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Những định hướng đột phá mang tính cách mạng trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước”.
TẠ PHƯƠNG LIÊN
Chủ trì hội thảo có các đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương.
Dự Hội thảo có PGS, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện; đồng chí Bùi Trường Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương và đông đảo các nhà khoa học.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi nêu rõ, qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước đã có những quá trình chuyển đổi, phát triển quan trọng, mang tính bứt phá, rất đáng tự hào, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Từ một đất nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đang chuẩn bị bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình cao, trở thành nền kinh tế có quy mô GDP dự kiến đạt khoảng 506 tỷ USD trong năm 2025, đứng thứ 33 toàn cầu; là đối tác thương mại quan trọng, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trên nền tảng phát triển mới của đất nước, Việt Nam có những cơ hội lớn từ bối cảnh quốc tế với những đột phá vượt bậc của tiến bộ khoa học - công nghệ cùng các quá trình chuyển đổi mang tính cách mạng trên phạm vi toàn cầu như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng; đặc biệt, nước ta có thể tận dụng những cơ hội từ tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế, chính trị và văn minh toàn cầu, các mối quan hệ đối tác chiến lược với các cường quốc, nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới. Do đó, hiện nay nước ta đã hội đủ những điều kiện quan trọng để toàn Đảng, toàn dân thống nhất quyết tâm và khát vọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Vươn mình đạt được mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và hiện thực hóa tầm nhìn phát triển đến năm 2045 như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất lớn như dự thảo văn kiện Đại hội XIV đã xác định và hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Thiếu tướng, GS. TS Nguyễn Văn Tài,
Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những biến chuyển sâu rộng và nhanh
chóng, Việt Nam đang tạo dựng những bước đi vững chắc trên con đường phát triển nhằm đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển cao, phồn vinh, hạnh phúc. Đất nước đang bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - thời kỳ có sự phát triển đột phá, định hình một tầm vóc mới của dân tộc Việt Nam trên con đường phát triển của lịch sử nhân loại. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín là những yếu tố quan trọng tạo cơ sở vững chắc để Việt Nam bước vào Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bước vào Kỷ nguyên mới trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều biến đổi nhanh chóng và sâu sắc, Việt Nam cần phải có chiến lược phát triển đất nước để tận dụng lợi thế, vượt qua thách thức thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ trong Kỷ nguyên mới. Chiến lược đó là: bảo đảm nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tăng năng suất lao động, vượt qua bẫy thu nhập trung bình; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài; đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, chuyển đổi số toàn diện; tăng cường tiềm lực, xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh, sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các mối đe dọa, thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống; tăng cường hội nhập quốc tế, phát huy vai trò của văn hóa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền, tiến hành cải cách tổ chức bộ máy, đẩy mạnh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tham luận tại Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Văn Thạo, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, chủ thể của kỷ nguyên này là đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, không phải là của một ngành, lĩnh vực hay một vùng, địa phương, một tầng lớp xã hội nào. Để tạo nên kỷ nguyên này, cần phải có sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, chung sức chung lòng của cả nước, của cả dân tộc. Khẳng định chủ thể của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là đất nước, là cả dân tộc để khẳng định tầm vóc, ý nghĩa to lớn của sự nghiệp này; đồng thời, đòi hỏi mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi tổ chức đến mỗi người dân, mỗi thành viên xã hội cũng phải có ý chí, khát vọng vươn lên, quyết tâm, nỗ lực phấn đấu để đóng góp vào sự vươn mình của đất nước.
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là một dấu mốc lịch sử trên con đường phát triển của đất nước ta, không đề ra những mục tiêu mới, hoàn toàn khác với những mục tiêu của Đảng và nhân dân ra đã đề ra và thực hiện trong nhiều năm qua, từ các giai đoạn cách mạng trước đây, mà kiên định, kiên trì thực hiện những mục tiêu đã được đề ra trong các cương lĩnh, nghị quyết của Đảng, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng được cụ thể hóa, bổ sung, phát triển cho phù hợp với giai đoạn phát triển của đất nước và bối cảnh mới của thế giới, của thời đại. Đó là mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng năm 1930 đến nay.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, TS Lê Văn Hùng, Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững vùng cho biết, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “sớm xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng theo hướng xác định rõ vai trò đầu tàu và phân công cụ thể trách nhiệm cho từng địa phương trong vùng. Khắc phục tình trạng nền kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính, hoặc đầu tư dàn trải, trùng lặp”.
Trong vài thập kỷ vừa qua, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, định hướng chính sách nhằm thúc đẩy liên kết phát triển các vùng ở Việt Nam. Bước đầu, kết quả phát triển ở các vùng đạt được một số kết quả khi thu hút nguồn lực đầu tư khá nhanh, dần hình thành tập trung chuyên môn hóa một số ngành, lĩnh vực mà vùng có lợi thế, kết nối giữa các vùng và nội vùng được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, quá trình phát triển cũng bộc lộ nhiều vấn đề lớn như: thiếu các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, phần lớn có giá trị gia tăng thấp. GDP và xuất khẩu phụ thuộc khá lớn vào khu vực FDI trong khi liên kết và tham gia của khu vực nội địa còn thấp; phát triển công nghiệp chưa lan tỏa và thúc đẩy phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ công nghiệp và cao cấp; thiếu kết nối và tầm nhìn trong phát triển hệ thống không gian đô thị vùng; thiếu hệ thống xử lý môi trường có tính liên tỉnh, liên vùng. Vì vậy, giai đoạn tới cần gia tăng liên kết phát triển vùng để tạo ra các sản phẩm cạnh tranh quốc tế và trở thành nước thu nhập trung bình cao và cao.
Kết luận tại Hội thảo, TS Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, đã Hội Thảo nhận về được hơn 30 tham luận từ các nhà khoa học, các tham luận tập trung luận giải rõ hơn về những vấn đề trọng tâm đất nước ta đang tiến hành như liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển thông qua thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ, hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam; về một số điểm trọng tâm của việc đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên phát triển mới theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia... Hội thảo khẳng định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để vươn lên, không những về kinh tế mà cả các lĩnh vực xã hội, môi trường và văn hóa. Từ những góc tiếp cận mới, các ý kiến, tham luận gửi đến, trình bày tại hội thảo đều bày tỏ góp phần cùng tạo dựng nền tảng vững chắc cho kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.