Quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên
(LLCT) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho thế hệ trẻ tình cảm sâu sắc và sự quan tâm chăm sóc, giáo dục ân cần. Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người ân cần căn dặn: Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Hồ Chí Minh đánh giá thanh niên là “lực lượng nòng cốt” của đất nước, tương lai của dân tộc; là lớp người trẻ tuổi có hoài bão, ước mơ, giàu nghị lực, ham hiểu biết, khám phá, có “đức xả thân vì nghĩa lớn” và lòng vị tha sâu sắc. Do vậy, nếu có phương pháp giáo dục tốt, phù hợp với tính cách và tâm lý, biết động viên đúng mức, thanh niên sẽ giác ngộ với lý tưởng sống cao đẹp, phát huy tối đa khả năng và tính sáng tạo của mình. Trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1946, Người viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”(1).
1. Nội dung giáo dục thanh niên
Giáo dục lý tưởng cách mạng. Hồ Chí Minh luôn đặt lên hàng đầu vấn đề giáo dục tinh thần yêu nước cho thanh niên. Thanh niên trước hết phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn. Tinh thần yêu nước, như Người khẳng định là vốn quý, là sức mạnh tuyệt vời đã bao lần giúp dân tộc ta đứng vững trước những thử thách nghiệt ngã của lịch sử, và đã được hun đúc thành Sức mạnh Việt Nam, Biểu tượng Việt Nam.
Bồi dưỡng cho thanh niên nhận thức đúng đắn về CNXH, nâng cao ý chí phấn đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Nói chuyện với thanh niên, Người luôn nhắc nhở: Chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho CNXH hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta. Thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng XHCN và xây dựng thành công CNXH - đó là phương thức duy nhất để củng cố bền vững độc lập dân tộc, bảo đảm cho mọi người có cuộc sống “ấm no, tự do, hạnh phúc”.
Độc lập, tự do và CNXH đã trở thành lý tưởng, lẽ sống của các thế hệ thanh niên Việt Nam. Do vậy, Người luôn nhắc nhở phải giáo dục cho thanh niên sống có hoài bão, lý tưởng; đồng thời, có quan điểm và hành động đúng đắn để biến lý tưởng thành hiện thực. Nói cách khác, giác ngộ lý tưởng cách mạng cho thanh niên chính là giáo dục cho họ cách sống, hành động và niềm tin dựa trên cơ sở khoa học của sự nghiệp xây dựng CNXH.
Ngày nay, trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nước ta đứng trước những thời cơ và thách thức to lớn, trong đó có những vấn đề mới nảy sinh rất phức tạp, như an ninh phi truyền thống, vấn đề biên giới, biển đảo, chủ quyền quốc gia… Hơn bao giờ hết, tinh thần yêu nước cần được thanh niên phát huy một cách mạnh mẽ, cần được đề cao và tiếp tục tỏa sáng để đưa nước ta thoát khỏi đói nghèo, tụt hậu và chủ động hội nhập quốc tế.
Giáo dục đạo đức cách mạng. Lý tưởng cách mạng và đạo đức cách mạng không tách rời nhau. Nếu lý tưởng là sự hướng tới mục tiêu cách mạng cao cả, là động lực thúc đẩy con người hành động thì đạo đức cách mạng là điều kiện để thực hiện lý tưởng, nội dung biểu hiện của chính lý tưởng đó. Người chỉ rõ: “Thanh niên ta phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trau dồi đạo đức của người cách mạng”(2). Đạo đức cách mạng có thể tóm tắt trong mấy điều: “Trung thành: Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp. Dũng cảm: Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm, gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người. Khiêm tốn: Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe khoang, không tự phụ”.
Giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên là nhằm giúp họ trở thành những công dân tốt, người cách mạng chân chính... Tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II, Người dạy: “ Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế, tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được ích lợi gì cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài giống như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không làm lợi gì cho loài người”(3).
Giáo dục “chí khí cách mạng”. Đối với Hồ Chí Minh, việc giáo dục, nâng cao chí khí cách mạng cho thanh niên là vấn đề rất quan trọng. Khái niệm “Chí khí” được Người đề cập nhiều lần trong các tác phẩm của mình. Chí có thể hiểu là ý chí, nghị lực giúp con người hành động vượt qua khó khăn thử thách; khí là khí phách, khí tiết, “khí hùng, khí dũng” trong con người... Hồ Chí Minh khuyên thanh niên tiếp tục phát huy chí khí trong hành động cụ thể trong thời đại mới - đó là “Chí khí cách mạng” - “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh, trong bối cảnh hội nhập và mở cửa hiện nay, trước những thời cơ và thử thách lớn lao, hơn bao giờ hết, thanh niên phải nhận rõ vai trò và trách nhiệm của mình. Thanh niên phải luôn nâng cao chí khí cách mạng, có tinh thần gan dạ và sáng tạo để “trong bất kỳ tình huống nào” cũng quyết tâm vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.
Giáo dục, nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật. Theo Người, đây là điều kiện quan trọng để thế hệ trẻ cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân. Người luôn nhấn mạnh: “Phải ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật”(4). Điều cần lưu ý ở đây không phải chỉ là trật tự trước - sau của ba thành tố: chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật mà là mối liên hệ giữa ba thành tố ấy. Người chỉ rõ, nếu không học tập văn hoá, không có trình độ văn hoá thì không thể tiếp thu khoa học kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ; nếu chỉ học văn hoá, khoa học kỹ thuật mà không học tập chính trị thì như “người nhắm mắt mà đi”. Do vậy, Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi thanh niên cần nhớ và thực hiện đầy đủ ba điểm ấy.
Nâng cao trình độ chính trị là “nhu cầu tự thân” của mọi công dân yêu nước, đặc biệt là đối với tuổi trẻ; là cơ sở để nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người cho rằng trong học tập chính trị cần đặc biệt coi trọng học tập lý luận Mác - Lênin. Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lênin là đỉnh cao của trí tuệ, văn hoá và khoa học, đó là chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất và khoa học nhất. Coi trọng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, giáo dục tư tưởng chính trị có nghĩa là đòi hỏi thế hệ trẻ phải kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Người nhấn mạnh, muốn xây dựng CNXH phải có con người XHCN; muốn trở thành người XHCN phải có tư tưởng XHCN. Với Hồ Chí Minh, không có văn hoá, khoa học kỹ thuật chung chung, trừu tượng. Văn hoá, khoa học kỹ thuật ở Việt Nam phải gắn với dân tộc Việt Nam, với độc lập dân tộc và CNXH.
Giáo dục thể chất và nếp sống văn hoá. Đối với thanh niên, Người chủ trương thực hiện giáo dục toàn diện. Trong giáo dục và học tập phải chú trọng đủ các mặt, khuyến khích thanh niên rèn luyện Đức, Trí, Thể, Mỹ để phát triển toàn diện. Sau Cách mạng Tháng Tám, Người yêu cầu cán bộ và các cơ quan chức năng bốn việc cần quan tâm: công tác phòng bệnh; công tác thể dục, thể thao; công tác vệ sinh; thực hiện đời sống mới... Đầu năm 1964, Người kêu gọi toàn thể nhân dân, nhất là thanh niên luyện tập thể dục, với khẩu hiệu bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi người dân yêu nước.
Bản thân Hồ Chí Minh là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ về rèn luyện sức khoẻ. Trong những hoàn cảnh, điều kiện rất khó khăn và thiếu thốn, Người luôn tìm ra những hình thức rèn luyện thích hợp, nhờ vậy đã “chiến đấu chống lại bệnh tật”, nâng cao sức khoẻ để làm việc sáng tạo và bền bỉ. Người nhấn mạnh: “Mỗi một người dân yếu ớt tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần. Mỗi một người dân khoẻ mạnh tức là góp phần làm cho cả nước mạnh khoẻ... việc gì cũng cần có sức khoẻ mới thành công”(5).
Người luôn căn dặn thanh niên phải sống có văn hóa, phải trở thành chiến sỹ trên mặt trận văn hoá, trước hết là sống cao đẹp: “Điều gì phải thì cố làm cho được dù là việc nhỏ, điều gì trái thì phải hết sức tránh dù là điều trái nhỏ”(6). Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Người đã lãnh đạo nhân dân thực hiện “nếp sống mới”, chống các tệ nạn xã hội. Đặc biệt, đối với thanh niên, Hồ Chí Minh yêu cầu trong quá trình rèn luyện, tạo dựng cho bản thân nếp sống văn hoá, phải đấu tranh chống lại tâm lý “ham sung sướng, tránh khó nhọc”, “chống lười biếng, chống xa xỉ, chống kiêu ngạo, khoe khoang, chống sinh hoạt uỷ mị vô kỷ luật”(7).
2. Phương pháp giáo dục thanh niên
Theo Hồ Chí Minh, để giáo dục thanh niên đạt hiệu quả cao nhất cần kết hợp các phương châm, phương pháp giáo dục một cách khoa học.
Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục lý luận, lý tưởng với hành động cách mạng để thực hiện lý tưởng, nói cách khác chính là kết hợp giữa lý luận và thực tiễn trong giáo dục. Qua các hoạt động thực tiễn, phong trào, nâng cao hơn nữa kiến thức chuyên môn, phát huy khả năng sáng tạo và giác ngộ sâu sắc hơn về lý tưởng cho thanh niên. Đồng thời, thông qua hoạt động thực tiễn, trải qua khó khăn, thử thách, thanh niên sẽ thể hiện và hiện thực hoá lý tưởng trong cuộc sống. Chính phương pháp gắn lý luận với thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo của lý luận, nhận thức mà trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, nhiều thanh niên đã trưởng thành nhanh chóng khi tuổi đời còn rất trẻ. Bước vào thời kỳ đổi mới, khi đất nước chuyển mình, chủ động hội nhập quốc tế, rất nhiều bạn trẻ đã biết tận dụng được những giá trị tích cực của toàn cầu hoá, của cách mạng khoa học - công nghệ để vươn lên làm giàu chính đáng, chiếm lĩnh những đỉnh cao của tri thức và khoa học.
Kết hợp gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục thanh niên. Giáo dục thế hệ trẻ, Hồ Chí Minh chú trọng vai trò của nhà trường, của ngành giáo dục - đào tạo. Trường học là nơi thuận lợi nhất để giáo dục thanh niên trên mọi phương diện, là nơi tuổi trẻ tiếp thu những tri thức, những kinh nghiệm để chuẩn bị hành trang bước vào đời. Nhà trường là môi trường để thanh niên trau dồi đạo đức, ý chí, rèn luyện những phẩm chất cần thiết cho tương lai. Người nhấn mạnh vai trò của nhà trường: Cốt nhất là phải dạy học trò biết yêu nước thương nòi, phải dạy cho họ ý chí tự lực, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ.
Người đặc biệt coi trọng sự phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội: “Phải liên hệ mật thiết với gia đình học trò, bởi vì giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng nếu thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”(8).
Đề cao giáo dục nêu gương, lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục thanh niên. Hồ Chí Minh coi đây là biện pháp có ý nghĩa thiết thực để giáo dục cho thanh niên hướng tới cái tốt, cái đẹp, cái cao cả. Theo Người, phương pháp này phù hợp với truyền thống dân tộc, phù hợp với tâm lý thanh niên vốn coi trọng thực tế: “trăm nghe không bằng một thấy”, “một tấm gương sáng còn hơn một trăm bài diễn thuyết”.
Tập hợp thanh niên vào các tổ chức để giáo dục. Theo Người, để giáo dục thanh niên một cách toàn diện thì một trong những cách tốt nhất là tập hợp họ lại trong các tổ chức. Việc tham gia sinh hoạt trong tổ chức, hoạt động theo các chương trình, kế hoạch do tổ chức đề ra, giúp thanh niên giác ngộ lý tưởng và có thêm sức mạnh để thực hiện lý tưởng, hoài bão của mình. Mặt khác, Người cũng đòi hỏi các tổ chức, đoàn thể phải tìm ra những nội dung và hình thức hoạt động thích hợp để thanh niên tự nguyện tham gia. Trong đó, chú ý tạo ra những hoạt động văn hoá lành mạnh phù hợp với tâm lý.
Công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với các đoàn thể nói chung và tổ chức đoàn thanh niên nói riêng trong việc tập hợp, lôi cuốn và giáo dục thanh niên đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Điều này đòi hỏi các đoàn thể nói chung và đoàn thanh niên nói riêng không ngừng đổi mới để hoạt động thực chất hơn, thực sự là tổ chức của thanh niên.
____________________
Tài liệu tham khảo
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập , t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội ,1995, tr.167.
(2) HồChí Minh:Về giáo dục thanh niên, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1980, tr.31.
(3) Sđd, t.19, tr.172.
(4) (7) (8)Sđd, tr.377, 132, 101.
(5) Hồ Chí Minh: Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục, 1946.
(6) Sđd, t.9, tr.265
ThS Ngô Phương Anh
ThS Đỗ Văn Thắng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh